Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

Chúa nhật 5 mùa chay

 


CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY

 

Tin mừng : Ga 8, 1-11

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”

 

Bạn thân mến,

Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau :

“Mọi người nhao nhao chế nhạo con giun đất:

-      Mày không có mắt, không thể thấy.

-      Mày không có tai, không thể nghe.

-      Mày không có chân, không thể đi.

-      Mày không có cánh, không thể bay.

-      Mày là một phế vật cái gì cũng không có...!

Giun đất khóc lớn tố khổ với Đấng Tạo Hóa:

-         “Tại sao Ngài dựng nên con thấp kém hèn mọn không có gì là có lợi...”

-         “Này con, bản thân của sinh mệnh là không phân biệt cao thấp quý tiện”- Đấng Tạo Hóa buồn thương nói tiếp: “Ta không coi thường con, tại sao con lại tự coi thường mình chứ ?...”[1]

Trong cuộc sống hàng ngày,

-      Có những lúc chúng ta chế nhạo người tội lỗi: Mày là đứa tội lỗi không xứng đáng đến nhà thờ.

-      Có những lúc chúng ta cười nhạo người mới theo đạo: Mày là đứa đạo theo, biết gì giáo lý mà nói.

-      Có những lúc chúng ta cười nhạo người anh em nghèo khó: Mày là đứa nghèo mạt rệp không xứng đáng làm bạn với tao.

-      Có những lúc chúng ta cười chế nhạo người dốt nát: Mày một chữ cắn đôi cũng không biết không được tham gia vào công tác nhà xứ.

-      Có những lúc chúng ta cười chế nhạo người tàn tật: Mày là thứ đui què không làm được gì cho ai.

-      Có những lúc chúng ta cười khinh chê cô gái đứng đường: Đồ thứ đĩ điếm dơ bẩn...

Bạn thân mến,

Chúng ta kết án tha nhân như những người Pha-ri-siêu và biệt phái kết án người phụ nữ ngoại tình, trong khi đó chúng ta là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Mỗi một người là một tạo vật có giá trị như nhau trước mặt Thiên Chúa, cho nên dù họ có xấu xí, thất học, nghèo nàn hay tội lỗi hoặc là người mới theo đạo, thì thái độ mà chúng ta nên có đối với họ chính là tôn trọng, cảm thông và cầu nguyện...

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”[2]. Vâng, nếu ai trong chúng ta tự cho mình là vô tội thì hãy lên án tha nhân trước đi !

Đúng là lời cảnh cáo nghiêm khắc với chúng ta là những người thích lên án tha nhân và anh chị em mình.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch Việt ngữ của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

[2] Ga 8, 7.

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


54.          TRẦN TRÍ NÓNG NẢY

Giữa năm Thiên Thuận, làm ở bộ hiến là Trần Trí có tính nóng nảy.

Một lần nọ, ông ta cầm cái khoan để đục bỏ những ch dơ, vì lơ đểnh nên cái khoan rơi xuống đất, ông ta rất giận d, bèn cầm cái khoan đến ch đất cứng và đập cho đến khi mũi khoan cùn mới thôi.

Lại có một lần, ông ta ở nơi phòng khách của văn phòng, có một con ruồi cứ bay vù vù trước mặt, ông ta rất tức giận ra lệnh cho người ở vây bắt nó, người ở cố ý chạy đông chạy tây, làm dáng dấp như bắt cầm thú, cho đến khi thấy ông ta nguôi giận mới thôi.

Có người khuyên ông Trần Trí nên thay đổi tính tình nóng nảy cộc cằn ấy, ông ta bèn viết trên cây thước gỗ ba chữ “cai tính nóng” và bỏ trên bàn tự răn mình.

Nhưng một ngày kia, có một đầy tớ phạm một lỗi nhỏ, ông ta lại dằn không được bèn cầm lấy cây thước gỗ ấy lăm le đánh nó.

Ái dà, cái khoan, con ruồi đều là vật không có trí khôn, chúng ta giận d với những thứ ấy, thì những thứ ấy có nhận được những tổn thất gì nào, nhưng chính bản thân mình lại chuốc thêm buồn bực mà thôi.

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

 

Suy tư 54:

        Có một vài người có tính nóng vội nên họ ít có bạn bè thân thiết, bởi vì tính nóng nảy vội vàng của họ làm cho bạn bè cảm thấy mình bị xúc phạm.

        Người nóng nảy vội vàng thì thường hay làm những chuyện vô lý theo tính nóng vội của mình để rồi sau đó lại hối hận; cấp trên mà có tính nóng nảy thì hay quát tháo dù đúng sai chưa biết, do đó mà thuộc hạ của họ không dám đến gần nên thường báo cáo sai, báo cáo bậy để khỏi bị cấp trên chửi và để họ khỏi đến gần cấp trên của mình...Có người khi nóng nảy thì đá con chó, có người khi nóng nảy thì đập bàn đập ghế, có người khi nóng nảy thì quăng đồ đạt trong nhà.v.v...tất cả các thái độ ấy đều bày tỏ một tâm hồn không ổn định, và có khi bày tỏ tính cách kiêu ngạo của mình trong tính nóng nảy vội vàng.

        Người Ki-tô hữu học theo gương của Đức Chúa Giê-su là lấy sự hiền lành và khiêm nhượng để kiềm chế tính nóng nảy vội vàng bất lợi cho mình, đ cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội nơi mình đang sống và làm việc đ ư ợc phát triển.

Nóng nảy thì phá đổ, nhưng hiền lành thì xây dựng và hàn gắn ...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


53.          CỐ TÔ LÃO TRÙNG

Ở đất Sở[1] người ta gọi con hổ là lão trùng.

Một lần nọ, có người đất Sở đi đến Lâu Đông[2] và qua đêm ở quán trọ, vừa mới thổi tắt đèn muốn đi ngủ thì nghe tiếng lá khô xào xạt, người đất Sở mới hỏi tiếng gì vậy, người gác cổng nói:

-         “Đó là lão trùng”.

Người đất Sở hoảng hồn chuẩn bị đường chạy, vội vàng hỏi:

-         “Ở trong thành sao lại có mãnh thú như thế ?”

Người gác cổng nói:

-         “Không mãnh thú nào cả, đó là con chuột đấy”.

Người đất Sở trong bụng chưa hết sợ, hỏi:

-         “Tại sao gọi con chuột là lão trùng ?”
Người gác cổng trả lời:

-         “Đây là cách gọi quen thuộc của người Cô Tô[3] đấy”.

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

 

Suy tư 53:

        Người nước Sở gọi con hổ là lão trùng, người Cô Tô gọi con chuột cũng là lão trùng, cả hai lão trùng đều không giống nhau về hình dáng, nhưng giống nhau một điểm là hại người và hại mùa màng.

        Có người coi cơn cám dỗ như là ác thú nên tránh, có người coi cơn cám dỗ như là một dịp để tôi luyện tâm hồn thêm mạnh mẽ, nhưng dù muốn dù không thì cám dỗ cũng vẫn cứ là công cụ của ma quỷ, và người khôn ngoan thì không nên đùa với cơn cám dỗ khi “nội công tu đức” của mình chưa thành tựu...

        Con hổ thì ăn thịt người và thịt động vật khác, con chuột thì phá hoại mùa màng và vật dụng trong nhà của con người, cả hai con vật đều bị con người kiêng kỵ vì sự nguy hiểm của nó.

Cũng vậy, cám dỗ nào cũng có nguy cơ làm cho linh hồn mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, cho nên đừng có đem cái bản lãnh của xác thịt ra để thử thách với cám dỗ, nhưng phải luôn cậy nhờ ơn Thiên Chúa giúp để tránh nó, mà nếu không tránh được thì cần phải anh hùng chiến đấu với lời cầu nguyện và làm các việc hy sinh hãm mình cũng như đón nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Nay là dãy đất Hồ Bắc-Trung quốc.

[2] Nay là Thái Thương-Trung quốc.

[3] Nay là Tô Châu-Trung quốc.

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


52.          TỰ CHE CÁI XẤU CỦA MÌNH

Có người miền bắc từ trước đến nay không biết loại nấm lúa mì, sau đó thì được vào miền nam làm quan.

Có lần trên bàn tiệc có món ăn làm từ nấm lúa mì, bèn đem cả vỏ bỏ vào trong miệng mà ăn, có người nói:

-         “Ăn nấm lúa mì thì bỏ vỏ nó đi”.

Ông ta che giấu, nói:

-         “Không phải là tôi không biết phải bỏ vỏ, chẳng qua là muốn dùng nó để làm nhẹ cái nóng ở trong đó mà”.

Có người hỏi:

-         “Ở miền bắc có loại này không ?”

Ông ta trả lời:

-         “Trước núi, sau núi, khắp đồng nội đâu đâu cũng có, chỗ nào cũng đều có !”

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

 

Suy tư 52 :

        Trồng lúa mì không phải chỗ nào cũng trồng được, làm nấm từ lúa mì lại càng không phải ai cũng làm được, cho nên nói nấm lúa mì khắp đồng nội đều có, chỗ nào cũng có là nói tầm bậy và nói láo, chứng tỏ một tâm hồn đầy tự ái và sĩ diện...

        Ở đời có khối người vì để che giấu cái dốt của mình mà tuyên bố vung vít, tuyên bố vô tội vạ làm cho người nghe cảm thấy thương hại cho họ.

        Người Ki-tô hữu có một điều cần tuyên xưng là: chúng ta có một Thiên Chúa là Cha ở trên trời, có một niềm tin là tin Đức Chúa Giê-su Ki-tô là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, có một lời loan báo đó là loan báo tin mừng của Nước Trời cho tha nhân. Lời tuyên xưng, sự tin tưởng và lời loan báo ấy đều có cơ sở tinh thần cũng như trong lịch sử của con người, cho nên khi chúng ta -người Kitô hữu- lấy hành động bác ái phục vụ và dùng lời nói thành thật hòa nhã của mình để loan báo tin vui ấy, là chúng ta đã làm chứng cho điều mình đã và đang loan báo...

Người miền bắc vì sĩ diện địa phương và vì để che giấu cái dốt của mình bởi mình là quan lớn, mà nói dối khoa trương nên bị người ta coi thường, người Ki-tô hữu khi loan báo tin vui Nước Trời thì là loan báo điều mình biết, điều mình tin và điều mình đang sống và cảm nghiệm, thì ai lại không cảm phục và bắt chước chứ !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


51.          TRONG GIẾNG KHÔNG CÓ BÃ RƯỢU

Vương lão thái mở một tiệm bán rượu và lấy việc bán rượu làm nghề sinh sống.

Có một đạo sĩ thường đến uống rượu nhưng không trả tiền, sau đó đạo sĩ nói với bà lão rằng:

-         “Để báo đáp ơn bà tôi đào cho bà một cái giếng”.

Giếng đào xong thì đạo sĩ ra đi.

Nào ngờ, mùi vị của giếng nước so với rượu rất là đậm đà, từ đó Vương lão thái không còn nấu rượu nữa, chỉ lấy nước giếng làm rượu, sau ba năm thì thu vào một số tiền rất lớn.

Một hôm, đạo sĩ đột nhiên trở lại, hỏi bà:

-         “Rượu ngon chứ ?”

Vương lão thái đáp:

-         “Ngon thì ngon, chỉ là không có bã rượu nên không thể nuôi heo”.

Đạo sĩ cười cười, viết một bài thơ trên tường:

-         “Trời cao nhưng không cao, cao nhất là lòng người, nước giếng làm rượu bán, lại nói heo không bã rượu !”

Đạo sĩ đi rồi, nước trong giếng cũng không chảy nữa.

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

 

Suy tư 51:

        Cao nhất là lòng người khi lòng con người lên trời cao tìm những điều hoàn thiện; mà sâu nhất cũng lòng người, khi con người cứ nhìn xuống vật chất với lòng tham không đáy.

        Thường cái gì không do công khó mình làm ra thì không thấy đau xót, tiền không phải do mồ hôi nước mắt mà có thì tiêu xài không thấy tiếc, rượu không phải do mình làm ra nên lòng tham vẫn cứ nghĩ đến bã rượu để nuôi heo cho có lợi hơn nữa, đó chính là nguyên nhân của những đau khổ do lòng tham mà ra.

        Đức Chúa Giê-su làm phép lạ nước biến thành rượu để cho đôi tân hôn có niềm vui trọn vẹn, mỗi người Ki-tô hữu đều có thể trở nên “rượu ngon” để người thân cận có được niềm vui khi họ tiếp cận với chúng ta, bởi vì rượu bởi lúa mạch và bởi cây nho là rượu làm cho thân thể con người tráng kiện, nhưng “rượu ngon” do chính những lạc quan, vui tươi, phục vụ, hòa nhã.v.v...của chúng ta đem đến, thì làm cho tinh thần họ vui vẻ và khiến cho cuộc sống của con người ngày càng có ý nghĩa hơn...

        Vì lòng tham và đòi hỏi cái không xứng đáng với lòng tốt người chịu ơn, nên rượu trong giếng của bà lão chủ quán đã không chảy ra nữa. Nếu người Ki-tô hữu cũng đòi hỏi những điều không xứng đáng với ơn của Thiên Chúa, thì tất cả những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cũng sẽ ngưng lại, và chúng ta vẫn cứ là những người thích “bã rượu” của tội lỗi hơn là trong chờ mong đợi ôn thánh của Thiên Chúa ban cho...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 50.          GỪNG RA QUẢ TRÊN CÂY

Có người phương nam cả đời chưa thấy củ gừng sống, khi nhìn thấy củ gừng sống thì nói:

-      “Củ gừng này ra quả ở trên cây”.

Người ta nói với anh ta:

-      “Không phải, củ gừng này lớn lên là từ trong đất ấy mà”.

Người phương nam nói:

-      “Chúng ta tìm mười người làm chứng, tôi đem con lừa đang cỡi đây đánh cược với ông”.

Thế là cả hai hể gặp người thì hỏi, khi hỏi đã đủ mười người, thì tất cả đều nói:

-         “Gừng thì lớn lên ở trong đất”.

Người phương nam biến sắc mặt, nhưng vẫn còn nói:

-      “Con lừa coi như là của ông, nhưng củ gừng sống vẫn là ra quả ở trên cây !”

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

 

Suy tư 50:

        Cãi chày cãi bướng là biết mình sai mà vẫn cứ cãi, cãi cọ hoài rồi thì sinh ra nóng giận, nóng giận thì sinh ra chửi rủa và có khi đánh nhau vỡ đầu nát óc, đó là do kiêu ngạo mà ra.

Kiêu ngạo là biết mình sai nhưng không chấp nhận sai, biết mình làm được nhưng không chịu làm, để khi người khác làm thì chê bai phê bình; khiêm nhượng là biết mình làm được thì nói làm được và làm ngay, biết mình không phải thì nói không phải và vui vẻ học hỏi. Kiêu ngạo thì có thái độ “em chả” và bộ mặt thách thức, khiêm nhượng thì có thái độ vui vẻ và thành tâm...

Người kiêu ngạo biết mình thua cược nhưng vẫn cứ cãi là củ gừng ra quả ở trên cây, và đó là nguyên nhân để mọi bất hòa, ghen ghét, chỉ trích, nói xấu và tội ác có cơ hội tồn tại trong cộng đoàn.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


49.          CÁ HEO BIẾN THÀNH CON BA BA

Bờ hồ Thanh Hà ở Nam Kinh thường bị cá heo đâm sập, Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương bèn hỏi cận thần:

-         “Đó là do duyên cớ gì ?”

Các đại quan biết hoàng để rất là kiêng kỵ, phạm điều kiêng kỵ là bay đầu, cho nên thì thầm bàn bạc:

-         “Heo﹝豬﹞ và Chu﹝朱﹞cùng âm[1], tiên vàn không được nói. Nếu chúng ta nói đâm sập bờ hồ là “con ba ba” ﹝大黿﹞thì đồng âm với chữ “đại Nguyên”﹝大元﹞[2], hoàng đế mà nghe được thì nhất định là rất phấn khởi”.

Thế là các đại thần trả lời:

-         “Bệ hạ, đâm sập bờ hồ là con ba ba ạ”.

Chu Nguyên Trang bèn hạ lệnh bắt tất cả con ba ba, không lâu sau thì tất cả con ba ba đều đã bị bắt hết, nhưng cái bờ thì vẫn cứ bị đâm sập vì cá heo vẫn còn.

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

 

Suy tư 49:

        Có những công trình lớn vừa hoàn thành đã bị xuống cấp vì tội báo thành tích và nói dồi của người có trách nhiệm; có những chung cư vừa xây xong thì vội vàng chống dột vì làm ăn tắc trách và dối trá của người chịu trách nhiệm.v.v...tất cả cũng chỉ vì sợ mất chức mất quyền, sợ “kiêng kỵ” với cấp trên mà mất nồi cơm gạo của mình, kết cuộc là dân vẫn khổ và công trình xuống cấp vẫn cứ tiếp tục...

        Lấy tinh thần và trách nhiệm của người Ki-tô hữu bỏ vào trong công trình, thì dù cho công trình nhỏ nó vẫn là công trình chắc chắn đầy chất lượng; lấy tinh thần yêu thương của Phúc Âm bỏ vào trong công trình, thì dù công trình là cây cầu tre hay cầu khỉ, thì nó vẫn chứng tỏ được sự chắc chắn và tình thương của người làm cầu...

        Cái bờ vẫn cứ bị sập vì các quan sợ nhà vua kiêng kỵ mà không dám nói sự thật, và vì tâng bốc nhà vua mà không giết cá heo là nguyên nhân làm cho bờ sập, cũng vậy, sự dối trá và nịnh bợ trong các công trình lớn nhỏ đều làm cho nhà nước và người dân bị thiệt hại, và là bằng chứng để cho thấy đất nước vẫn còn lạc hậu chậm tiến.

        Dối trá trong bổn phận và trách nhiệm thì thiệt hại không lường được, vì nó tiếp tay với ma quỷ phá hoại công trình cứu chuộc của Thiên Chúa nơi chúng ta -những người Ki-tô hữu- và nơi tha nhân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] đọc là “zhu” nghĩa là heo, lợn. cũng đọc là “zhu” nghĩa là họ Chu.

[2] 大元 là “đại Nguyên”, phát âm là [tayuan], 大黿 là “con ba ba”, cũng phát âm là [tayuan], đồng âm khác nghĩa.