Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Chúa nhật 3 mùa vọng



 CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG


Tin Mừng : Lc 3, 10-18
“Chúng tôi phải làm gì ?”

Bạn thân mến,
Hôm nay chúa nhật thứ ba mùa vọng, theo truyền thống của Giáo Hội, chúa nhật này được gọi là chúa nhật của vui mừng và hy vọng, cho nên các linh mục được dùng áo lễ màu hồng khi cử hành thánh lễ, để niềm hy vọng ngày Chúa đến được hát vang trong tâm hồn người tín hữu.
Ánh sáng trong đêm tối là hy vọng, dù ánh sáng ấy chỉ mù mờ lóe lên, như ông Gioan Tiền Hô xuất hiện mà người Do Thái thời ấy lầm tưởng là vị cứu tinh, nhưng ông không phải là vị cứu thế của nhân loại, ông chỉ đến để dọn đường cho Đấng sẽ đến sau ông nhưng quyền thế hơn ông.
Dọn đường cho Chúa đến cần có hai thái độ: một là phải biết kiểm thảo mình, hai là phải biết mình là ai.
Phải biết kiểm thảo mình như những người đến nghe lời rao giảng của ông Gioan Tiền Hô và đã hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì ?” – Ông Gioan Tiền Hô đã trả lời rất rõ ràng: ai có hai áo thì chia sẻ với người không có áo, ai có chức quyền thì đừng áp bức người cô thế, ai có của ăn của mặc thì hãy nhớ đến những người không có gì để ăn...
Câu trả lời rất rõ ràng và thực tế của ông đã làm cho chúng ta –những người Ki-tô hữu- hiểu rõ thêm về giới luật yêu thương của Đức Chúa Giê-su, ngài không bắt chúng ta phải từ khước những gì mình có, nhưng ngài mời gọi chúng ta hãy mở rộng tâm hồn ra để đón nhận Thiên Chúa nơi người anh em của mình. Đó chính là cách kiểm thảo hay nhất và hiệu quả nhất, khi mỗi người trong chúng ta tự hỏi: tôi phải làm gì ?
Biết mình là ai ?- Ông Gioan Tiền Hô đã biết mình là ai, ông không phải là đấng cứu thế, cũng không phải là đấng phải đến, nhưng ông biết mình chỉ là kẻ dọn đường cho người đến sau nhưng cao trọng hơn, đó là Đức Chúa Giê-su.
Biết mình là ai chính là thái độ đổi mới cách chân thành, không ồn ào của người được ánh sáng Lời Chúa soi sáng :
- Họ biết mình là người có nhiều khuyết điểm hơn anh chị em nên họ không phê bình ai.
- Họ biết mình còn có rất nhiều những thói hư tật xấu cần phải sửa đổi nên họ luôn cầu xin sự thứ tha của Thiên Chúa.
- Họ biết mình là người không xứng đáng để trở nên linh mục, tu sĩ của Chúa, nên họ luôn khiêm tốn cầu xin cho được sống xứng đáng với ơn gọi của mình...
Bạn thân mến,
Ông Gioan Tiền Hô đã biết mình là người không xứng đáng cởi dây giày cho Đức Chúa Giê-su, nên ngài đã trở nên người cao trọng hơn các tiên tri.
Nếu mỗi người trong chúng ta luôn biết mình là ai, thì chúng ta đã đem hy vọng đến cho người chung quanh, bởi vì hoa trái của hy vọng chỉ được đâm chồi nẩy lộc trên cây khiêm tốn mà thôi. Đó cũng là ý nghĩa của Tin Mừng chúa nhật hôm nay vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info ·

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


58.          NGHỊCH RẮN NÓI LỜI CŨ

Trong nước Ngô có một người gia cảnh rất nghèo khổ, thường lấy việc nghịch rắn làm kế sinh nhai.

Đứa con lớn đi xin cơm, đứa thứ hai đi câu ếch, đứa con thứ ba thì múa hát trước mặt khách để ăn xin.

Người này lúc về già thì gia sản mới từ từ giàu lên.

Một ngày nọ ông ta tập họp người nhà lại, nói:

-         “Gia đình của chúng ta vốn là nghèohôm nay có của ăn của để, do đó con cháu chúng ta cần phải được học hành để có thể làm cho gia đình được vinh dự”.

Thế là đi mời thầy đến nhà dạy cho ba đứa con trai học.

Một năm sau, thầy giáo thường ca ngợi việc học của học trò ngày càng tấn tới, ông già bèn giao hẹn với bạn bè thân hữu và mời một nho sinh nổi tiếng trong vùng đến chấm thi.

Thầy nho dùng câu đối để khảo thí đứa con thứ ba:

-      “Bông liễu bay lộn xộn”.

Đứa con thứ ba đối lại:

-      “Hoa sen rơi lác đác”.

Lại khảo đứa con thứ hai:

-         “Cành hạnh đỏ trên đầu bướm bay lộn xộn”.

Đứa con thứ hai đối lạ:

-      “Dưới cây dương xanh câu ếch”.

Sau cùng thì khảo đứa con lớn:

-         “Cửu trùng điện hạ, thẳng tắp hai hàng văn võ quan viên”.

Đứa con cả đối lại:

-         Nơi ngã tư đường, bố mẹ kêu mấy tiếng ăn với mặc”.

Ông bố già nghe được rất là tức giận, chửi mắng con trai:

-         “Câu đối của tụi bây, chẳng khác gì tao hồi trước ở nhà nghịch rắn nói vậy mà !”

(Quyền tử)

 

Suy tư 58:

        Con người ta khi nghèo khó thì hình như cái khôn cũng khó mà phát triển, bởi vì “cái khó bó cái khôn”, nhưng đến khi giàu có ra thì lại học đòi làm sang quá mức hơn cả cái khôn, do đó mà trở nên trò cười cho thiên hạ.

        Có người bán được vài sào ruộng được vài trăm cây vàng liền học làm sang, mua xe đời mới để chạy, ăn chơi hơn cả những người giàu có, đến khi giựt mình ngó lại thì đã tiêu hết bạc hết tiền, trở lại cảnh nghèo hơn trước đây; có người trúng vài áp phe tiền bạc rủng rỉnh, nên cũng đua đòi ăn chơi như những tay chơi thứ thiệt, đến khi thất cơ lỡ vận thì con cái cũng bắt nghỉ học để làm việc kiếm tiền...

        Nhà nghèo mà trở thành nhà giàu, thì lời trước tiên phải nói là cám ơn Thiên Chúa, việc thứ hai phải nhớ mãi mãi đó là mình vốn là con nhà nghèo, việc thứ ba phải làm là dùng đồng tiền cho đúng ch, việc thứ tư phải suy nghĩ là nhớ đến những người nghèo mà giúp đỡ họ, việc thứ năm phải có là luôn khiêm tốn thấy mình chỉ là người may mắn mà thôi...

Làm được như thế thì đó là một điều may mắn cho gia đình và cho xã hội vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


57.          ĐI TÌM ĐẠO LÝ SÂU XA

Thương Lý Tử rất thích huyền học, đem rất nhiều tiền đi vân du thiên hạ, chỉ cần thấy người đội mũ màu vàng thì xá lạy cầu học đạo huyền lý sâu xa.

Có một tên bịp bợm nhìn thấy cái túi đầy tiền kêu lẻng xẻng của ông ta, bèn nói:

-         “Tôi rất am hiểu huyền học, chỉ cần ông theo tôi đi chơi thì tôi sẽ dạy cho ông”.

Lý Tử bèn mang tấm lòng thành tâm thành ý theo tên bịp đi du lãm. Một hôm đi đến bên sông, tên bịp bợm nghĩ rằng thời cơ đã đến, bèn nói :

-         “Huyền học ở trên cột buồm của chiếc thuyền mộc kia, ông đi lên tìm là được”.

Lý Tử bèn đem túi tiền bỏ dưới cột buồm, tự mình ôm cột buồm mà trèo lên, tên bịp bợm ở dưới luôn miệng thúc giục:

-      “Trèo lên, trèo lên”.

Lý Tử không thể trèo lên cao được nữa, đột nhiên hiểu ra được và ôm cột buồm lớn tiếng hoan hô:

-      “Tìm ra rồi, tìm ra rồi”.

Tên bịp cầm bao tiền chạy mất, Lý Tử sau khi xuống khỏi cột buồm lại còn tiếp tục mừng vui, người đi đường nói:

-         “Ái dà, ông phát điên rồi ạ, nó là tên đại bịp, ăn cắp túi tiền của ông và chạy rồi”.

Nhưng Lý Tử vẫn cứ lớn tiếng hoan hô:

-         “Nó là thầy dạy của tôi, thầy dạy của tôi ! Đó chính là huyền lý mà nó dạy tôi đấy ạ !”

(Quyền tử)

 

Suy tư 57:

        Có người đi tìm cái huyền nhiệm ở trong sách vở nên miệt mài tìm kiếm, đến nỗi không biết nhân tình thế thái là gì; có người thích tìm sự cao sâu của đạo lý nên đi vào rừng tìm tiên tìm phật để đạt đạo; có người mai danh ẩn tích để tìm sự huyền lý trong vũ trụ.v.v...

        Người hiểu biết lẽ sâu xa của đạo lý là người biết tha thứ trước tiên, vì họ đã khiêm tốn tự nhận mình cũng là một con người bất toàn như những người khác, họ chính là những người Ki-tô hữu học hỏi lẽ mầu nhiệm cao xa của đạo lý nơi Đức Chúa Giê-su, đó chính là biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình vậy.

        Đạo lý sâu xa không ở bên trong rừng trong núi, cũng không ở trong sách trong vở, nhưng ở ngay trong lòng của mỗi người, đó là khi chúng ta có một quả tim nhân hậu và khiêm tốn của Đức Chúa Giê-su, Đấng cứu chuộc chúng ta...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 56.          CON CHÁU CỦA NGẢI TỬ

Ngải Tử có đứa cháu mười tuổi tính khí rất xấu, ông ta thường đánh nó nhưng nó vẫn không thay đổi tính nết.

Bởi vì nó là con một, ba nó sợ đánh nó chết nên thường khóc xin Ngải Tử tha thứ cho nó, Ngải Tử giận dữ đánh thằng cháu càng tợn hơn.

Một sáng sớm nọ tuyết rơi nhiều, thằng cháu lại lấy tuyết vo tùng cục mà đùa giỡn trên tuyết, Ngải Tử bèn lấy áo quần của nó và bắt nó quỳ trên đất tuyết lạnh đến run lẩy bẩy, con trai cũng cởi áo quỳ một bên.

Ngải Tử kinh ngạc hỏi:

-         “Con mày có lỗi thì nó chịu phạt, tại sao mày lại chịu khổ như thế hử ?”
        Con trai khóc nói:

-         “Trời lạnh cóng ba phạt con của con, con cũng phạt lại con của ba phải lạnh cóng như thế !”

Ngải Tử cười lớn, miễn cho đứa cháu hình phạt.

(Ngải Tử hậu ng)

 

Suy tư 56:

        Đời cha, đời con và đời cháu là sự liên hệ máu mủ thân thiết gần gũi nhất trong gia tộc, cho nên sự vinh nhục đều có liên hệ với nhau, như khi có tội với triều đình thì bị tru di tam tộc, hoặc khi được thăng quan tiến chức thì một người làm quan cả họ được nhờ, hoặc là đời cha ăn mặn thì đời con khát nước.v.v...chính là để nói lên sự gắn bó mật thiết với nhau trong gia tộc.

        Có những cha mẹ dạy con nhưng ông bà lại bênh vực chúng nó, đó là ông bà bắc cầu để cháu vượt ra khỏi kỷ cương gia đình trở thành mối an nguy cho xã hội sau này; có những ông bà sửa phạt cháu nhưng cha mẹ lại công khai bênh vực chúng nó, thế là cha mẹ đã gieo mầm ích kỷ nổi loạn trong lòng con cái của mình. Gia đình là nền tảng giáo dục nhân bản của con cái, nó cũng là nơi mà Thiên Chúa chúc phúc nhiều nhất cho cha mẹ và con cái qua các bí tích, để gia đình trở nên cái nôi hạnh phúc và yêu thương, không những cho con cái mà thôi, nhưng còn là cho xã hội và cho mọi người.

        Giáo dục trẻ em không là độc quyền của ai, nhưng là bổn phận trực tiếp nhất, cấp thiết nhất và trách nhiệm nhất của cha mẹ, do đó mà cha mẹ phải biết cám ơn những người đã gián tiếp dạy dỗ con mình, đó là các đoàn thể trong giáo xứ, các thầy cô ở nhà trường, đó là các đoàn thể trong Giáo Hội và ngoài xã hội.v.v...

        Không một cha mẹ nào mà không biết dạy dỗ con cái, nhưng chỉ có những cha mẹ chỉ biết nuông chiều con mới không biết dạy con cái nên người mà thôi...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


55.          NGẢI TỬ CỨU NGƯỜI

Đại phu nước Tề là Châu Thạch Phụ mưu phản, Tề Tuyên vương giết hắn ta, lại còn tru di các tộc khác.

Người trong gia tộc họ Châu sau khi đã thương lượng, thì đi tìm người vừa có cơ trí vừa rất được Tề Tuyên vương yêu mến là Ngải Tử.

Tề Tuyên vương nói với Ngải Tử:

-      “Một người phạm tội thì tru di chín họ, đó là tiên vương đã giáo huấn rõ ràng. Trong “Chính điển” có nói: “với đồng phạm cùng tổ tông thì giết không tha”, quả nhân không dám vi phạm pháp lệnh của tiên vương”.

Ngải Tử thi lễ nói:

-      “Tiểu thần cũng biết đại vương chỉ là bất đắc dĩ mà thôi, nhưng tôi nghe nói ngày trước em mẹ của đại vương là công tử Vu đầu hàng Tần quốc và đem Hàm Đan mà dâng cho họ, như vậy đại vương cũng là tộc phản thần, theo lý thì nên tru di mới phải. Hôm nay thần dâng lên đoạn dây thừng ba thước, xin đại vương sớm tự giải quyết, không nên luyến tiếc cái thân để rồi vi phạm pháp lệnh của tiên vương”.

Tề Tuyên công cười lớn, đứng dậy nói:

-      “Ông không cần nói, quả nhân không tăng thêm tội cho chúng nó là vì thế”.

(Ngải Tử hậu ng)

 

Suy tư 55:

        Biết mình có lỗi như người khác để thông cảm và tha thứ cho họ là hành động của người có trí và có nhân, có trí để thấy ra sự không phục của cấp dưới và có khi dẫn đến bạo loạn, có nhân là thấy sự yếu đuối của mình cũng như của người khác để khoan hồng và thứ tha.

        Con người ta ai cũng có khuyết điểm và nhược điểm, và như thế thì ai cũng là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, vì thế mà người Ki-tô hữu ít khi phê bình nhược điểm của người khác, ít khi lên án những khuyết điểm của tha nhân, bởi vì họ nhận thấy mình cũng là những người bất toàn như những người khác mà thôi, cho nên, thay vì phê bình thì cầu nguyện cho họ và cũng là cầu nguyện cho mình, thay vì lên án chỉ trích thì rộng tay bao dung và giúp đỡ họ...

        Ai cũng là tội nhân nên không ai có quyền lên án anh em chị em của mình, nhưng ai cũng có quyền gia tăng lời cầu nguyện cho họ, đó là đức ái của người Ki-tô hữu vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



54.          NGHIÊM CHỈNH CỦA CHẤP TỬ

.   Một hôm Ngải Tử đi dạo bên ngoài vùng quê, có hai đồ đệ là Thông Tử và Chấp Tử đi hai bên.

Ngải Tử miệng đã thấy khát nước bèn sai Chấp Tử đi vào nông gia để kiếm nước uống. Có một cụ già đang ngồi đọc sách trước cổng, Chấp Tử chấp tay xá chào hỏi, cụ già chỉ chữ “thật”[1] trong sách hỏi Chấp Tử:

-      Nếu anh biết chữ này thì ta sẽ cho anh nước uống”.

Chấp Tử trả lời:

-      “Đó là chữ “thật”.

Cụ già nghe xong thì rất giận và không cho nước uống, Chấp Tử bèn trở về bẩm báo.

Ngải Tử nói:

-      “Chấp Tử không được thì Thông Tử đi vậy”.

Thông Tử chấp tay xá cụ già và xin nước, cụ già vẫn lấy chữ “thật” ra hỏi anh ta có biết không. Thông Tử trả lời:

-      “Đây là hai chữ “người thật”.

Cụ già rất vui vẻ, lấy rượu ngon trong nhà làm biếu cho Thông Tử.

Ngải Tử uống rượu, cảm thấy mùi vị rất ngọt ngào, bèn khen ngợi:

-      “Thông Tử thật thông minh, nếu anh ta cứ như Chấp Tử rất “nghiêm chỉnh” thì ta đây ngay cả nước lã cũng không có mà uống !”

(Ngải tử hậu ng)

 

Suy tư 54:

Người quá thật thà thì đôi lúc người ta cho là dại dột, bởi vì họ không biết dùng ba tấc lưỡi để dối người và dối lòng mình, hạng người này trên thế gian không thiếu, nhưng vì con người ta không thích chuộng sự thật nên không muốn thấy mà thôi. Con người ta –bất kể là người xấu hay người tốt- đều thích sự thật thà nhưng có rất ít người sống thật thà, bởi vì theo suy nghĩ của họ: thật thà thì không có rượu ngon để uống, không có xe hơi đời mới để đi, không có nhà cao cửa lớn để ở, không có tình yêu của thời đại...

Có một số người thường hay nói đùa là “Chúa thương những kẻ ngù ngờ (khù khờ)”, ngẫm nghĩ mà đúng vậy, bởi vì phúc cho những ai ăn ở hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 4). Đất Hứa là thiên đàng mai sau và là sự hạnh phúc ở đời này, mà Thiên Chúa hứa ban cho những kẻ thật thà mà người đời cho là “ngù ngờ”.

Ngải Tử vì được rượu ngon mà khen sự thông minh của Thông tử và chê cái thật thà của Chấp tử, bởi vì ông ta chỉ thấy rượu ngon thì có lợi hơn cái thật thà nghiêm chỉnh; người Ki-tô hữu thì luôn tập cho mình có cái nhìn của Thiên Chúa, tức là nhìn thấy sự đơn sơ thật thà nơi người khác để giúp đỡ, hơn là ăn hiếp họ vì họ quá thật thà...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1]﹝真﹞là chữ “chân”, thật, chân thật

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


53.          NGƯỜI XƯA ƯU SẦU

Lúc Ngải Tử dạy học, thì học trò của hai nước Tề và Lỗ đến nghe hơn một trăm người.

Một hôm, Ngải Tử đang giảng câu chuyện Châu Văn vương bị vây khốn tại Sở, giảng chưa xong thì Tề Tuyên vương kêu ra có chút việc.

Một học trò cảm thấy không vui nên khi về nhà, vợ hỏi:

-         “Mỗi khi chàng nghe Ngải Tử giảng thì về nhà rất vui, tại sao hôm nay không vui chút nào vậy ?”

Ông chồng trả lời:

-         “Nghe Ngải phu tử nói thì Châu Văn vương là thánh nhân, hôm nay bị vây khốn ở nước Sở, ta đồng cảm với ông ta là người vô tội mà gặp hoàn cảnh bị hại, cho nên mới vô cùng sầu não”.

Vợ nghe xong thì khuyên chồng:

-          “Ông ta bị vây khốn chỉ là tạm thời, lâu ngày thì sẽ được được xá miễn, lẽ nào bị Sở giam chung thân sao ?”

Chồng nghe xong thì thở dài nói:

-         “Ta buồn sầu không phải là ông ta không được thả, mà ta chỉ lo là đời sống trong ngục đêm nay rất khó mà chịu được”.

(Ngải Tử hậu ng)

 

Suy tư 53:

        Thầy giảng bài văn của ngàn năm trước mà học trò xúc động và cảm thấy như mới xảy ra ngày hôm qua, thì đúng là bài giảng của thầy đạt chất lượng, mà chất lượng lớn nhất chính là tâm hồn của thầy cảm nhận được bài mà mình giảng giải cho học trò nghe; chuyện ngàn năm trước và chuyện hôm nay thì khác nhau xa về hoàn cảnh cũng như nhân vật, nhưng giống nhau về tình cảm tâm linh của con người, cho nên mới làm cho người nghe cảm nhận được sự buồn vui qua câu chuyện đã nghe.

        Chuyện ngày xưa nhưng có ảnh hưởng đến hôm nay và ngày mai của người Ki-tô hữu, chính là chuyện Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh chết trên thánh giá và sống lại, đây là câu chuyện đầy bi kịch tính, nhưng tất cả mọi người Ki-tô hữu qua mọi thời đại không sống bi quan, nhưng rất lạc quan và hăng hái đem cuộc sống yêu thương và tha thứ của mình để làm chứng cho câu chuyện lịch sử ấy...

        Ngải Tử giảng bài rất sinh động làm cho học trò thương cảm người xưa.

Mỗi một người Ki-tô hữu là một người rao giảng hùng hồn và sinh động về câu chuyện Đức Chúa Giê-su ngày xưa ấy, có ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống hôm nay của mình, để mọi người khi tiếp xúc trò chuyện với họ, đều đồng cảm, tin tưởng rằng Ngài đang sống trong những người Ki-tô hữu hôm nay, đó chính là bài giảng dễ dàng làm rung động thế giới quanh ta vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)