Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Chúa nhật 14 thường niên


 
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 10, 11-12; 17-20.

“Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy”.

Bạn thân mến,
“Lúa chín đấy đồng, mà thợ gặt thì ít”, câu nói này của Đức Chúa Giê-su chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong cuộc sống, và theo thói quen tốt lành của mỗi nơi, mà chúng ta dành ngày thứ năm mỗi tuần để cầu nguyện cách riêng cho các “thợ gặt” truyền giáo, là các linh mục, cũng như cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục tu sĩ trong Giáo Hội.

Đức Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi cầu xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến, và vì chúng ta bấy lâu nay chỉ hiểu thợ gặt chính là các linh mục và các tu sĩ nam nữ mà thôi, nên chúng ta quên mất có rất nhiều thợ gặt khác đang âm thầm hoặc công khai làm việc trên cánh đồng truyền giáo, đó chính là bạn và tôi và những người Ki-tô hữu khác, họ là những thợ gặt của thời hiện đại, trong tâm tình đó tôi xin chia sẻ với bạn mấy vấn đề sau đây :

  1. Cha mẹ cũng là thợ gặt truyền giáo.
Trước hết, có một vấn đề mà chúng ta phải công nhận: gia đình là cánh đồng nhỏ mà thợ gặt không ai khác hơn chính là cha mẹ, nhưng thời hiện đại này thì gia đình không còn nhỏ nữa mà chúng đã biến thành lớn với một vài đứa con trong gia đình, bởi vì cuộc sống văn minh hiện đại đã làm cho chúng nó mất đi phương hướng về tôn giáo và tín ngưỡng mà chúng nó đã lãnh nhận, do đó cha mẹ phải chính là người thợ gặt nhiệt thành lo lắng cho con cái mình, biết dạy dỗ chúng nó trở thành những “hạt lúa béo đầy ắp sữa ân sủng” của Chúa.

Hiện tượng chỉ có những người già, những người lớn tuổi mới đi tham dự thánh lễ nơi các nước phát triển là bức tranh rất thực tế, bởi vì các bạn trẻ và ngay cả các trẻ em cũng ít đi lễ nhà thờ, nguyên nhân khách quan thì đã rõ, nhưng nguyên nhân chủ quan thì nằm ngay trong gia đình của các em như: bận học hành vui chơi mà không có thời gian đi thờ, và đời sống tâm linh của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn trên con cái, như cha mẹ ít nhắc nhở con cái sống đạo, cha mẹ không mặn nồng với giáo xứ, không thiết tha đi tham dự thánh lễ…

Cha mẹ sẽ là thợ gặt lành nghề trên “cánh đồng” truyền giáo của mình khi họ có đời sống đạo đức tốt lành và kiên trì, đức tin của cha mẹ là công cụ gặt hái hiện đại và hiệu quả nhất trong gia đình của mình, với tinh thần hy sinh và cầu nguyện, cha mẹ sẽ trở nên những thợ gặt mẫu mực cho con cái của mình. Do đó, khi mà chúng ta ngồi buồn bực vì con cái không nghe lời mình để đến tham gia các sinh hoạt của nhà thờ, chi bằng chúng ta quyết tâm trở nên những thợ gặt nhiệt thành nhất trong gia đình của chúng ta, bằng cách làm gương sáng cho chúng nó…

  1. Mỗi giáo dân là một thợ gặt.
Các linh mục và các tu sĩ nam nữ đương nhiên là những thợ gặt chuyên môn trên cánh đồng truyền giáo, các vị ấy với những năm tháng được huấn luyện để trở thành những thợ gặt chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn còn quá ít và thiếu trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn bao la, cho nên, mỗi giáo dân là mỗi thợ gặt trong hoàn cảnh cuộc sống  của mình, đó là một đòi hỏi của Đức Chúa Giê-su trong thời đại ngày nay.

Qua bí tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu đã trở thành một chi thể của Giáo Hội, một công dân của Nước Trời và là một thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, không một giáo dân nào trong thời đại ngày nay nói rằng: truyền giáo là bổn phận của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ nữa, nhưng đa số giáo dân đều hiểu rằng, mình cũng có bổn phận rao giảng Lời Chúa cho mọi người và sống Tin Mừng giữa tha nhân.

Đức Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, có nghĩa là ngoài mười hai vị tông đồ ra, Ngài còn chọn thêm cho mình những môn đệ khác để cùng với các tông đồ rao giảng về nước Thiên Chúa. Bảy mươi hai môn đệ này đại diện cho các cộng đoàn dân Thiên Chúa trên khắp thế giới, mà mỗi Ki-tô hữu là những thợ gặt trong thế giới hiện đại hôm nay.

Bạn thân mến,
Tuy không chuyên nghiệp như các linh mục và các tu sĩ nam nữ, nhưng đã là bổn phận thì phải tìm cách để chu toàn, do đó mà chúng ta –người Ki-tô hữu- trước hết phải sống đạo tốt lành, biết noi gương phục vụ và biết cộng tác với cha sở của mình trong việc xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp hơn.

Chỉ có những ai biết khiêm tốn đón nhận sứ mạng mà không chút kêu ca hay tự mãn, thì mới có thể trở thành thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.

Có những người Ki-tô hữu thao thức tìm cho mình một hướng đi như các linh mục và tu sĩ nam nữ, gọi nôm na là linh đạo giáo dân, một ý tưởng rất tốt, nhưng linh đạo giáo dân là gì nếu không phải là sống đạo giữa trần thế dựa trên Lời Chúa, linh đạo giáo dân trước hết chính là chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, và khi đã làm tốt việc đó, thì đã trở thành những thợ gặt nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo trong thế giới hôm nay rồi vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Khéo can chôn ngựa

KHÉO CAN CHÔN NGỰA
 
 

Sở Trang vương có một con ngựa yêu quý, cho nó mặc áo gấm ngũ sắc rực rỡ, nuôi nó trong một căn nhà lộng lẫy, cho nó ngủ trên giường có màn che, đem tất cả táo khô ngon nhất để nuôi nó.

Một hôm, con ngựa ấy chết vì quá béo phệ. Trang vương ra lệnh cho mọi người dùng lễ nghi dành cho quan đại phu mà lo việc tống táng chôn cất cho nó, và nói: “Hể ai can ngăn việc chôn ngựa, giết !”

Có người diễn viên cung đình rất nổi tiếng là Ưu Mạnh khóc nói với Trang vương:

“Nước Sở đường đường là một nước lớn, nên dùng lễ tiết của nhà vua mà chôn con ngựa yêu quý của ngài mới phải ! Dùng ngọc điêu khắc hoa văn làm quan tài, dùng gỗ long não làm quách, phái một đội binh lớn đào huyệt mả, ra lệnh cho toàn dân vác đất gánh bùn. Lúc đưa đám, nước Tề nước Triệu tháp tùng đi trước, nước Hán nước Ngụy phía sau hậu vệ. Sau đó xây cho nó một nhà từ đường, dùng tất cả trâu bò mà tế tự, lấy tước hiệu thật cao quý mà phong cho nó. Các chư hầu nghe được chuyện này, đều biết đại vương coi thường con người mà quý trọng con ngựa !”

Trang vương nói:

- “Quả nhân thật quá đà, lại nông nỗi đến thế sao, làm sao đây ?

Ưu Mạnh nói:

- “Xin đại vương đem nó chôn theo loại lục súc: trên mặt đất đào một cái bếp làm quách, dùng cái nồi đồng làm quan tài, dùng gừng táo mà chăm sóc, phía dưới bồi thêm vỏ của cây mộc lan, dùng gạo ngon làm tế phẩm, thổi lữa cho lớn mà ninh cho nhừ, đem mai táng nó trong bụng người ta !”

Trang vương theo lời ấy mà thi hành, và mời mọi người ăn một bữa thật no.
(Sử ký)

Suy tư:

     Người khôn ngoan và can đảm như Ưu Mạnh thật hiếm có, biết thức tỉnh như Sở Trang vương lại càng hiếm có hơn, bởi vì một khi sự đam mê đã thấm tận tim gan rồi, thì dễ gì mà dứt bỏ được, vậy mà Sở Trang vương đã làm được, đúng là một ông vua can đảm.

     Hồi tôi còn giúp xứ ở họ đạo Fatima Saigon quận Nhất, thánh lễ mỗi buổi sáng đều do một linh mục về hưu phụ trách, trong lúc cha con trò chuyện với nhau, ngài đã nói với tôi như sau: “Trên đời có hai thứ đam mê mà con người khi dính vào rồi thì thân tàn ma dại, chỉ có chết mới dứt ra được, một là mê dâm dục và hai là nghiện thuốc phiện”.

Mê dâm dục đưa con người ta đến thỏa mãn khoái cảm nhục dục, làm cho lý trí mất đi sự nhạy bén sắc sảo, cương quyết, ai đã thử qua một lần rồi thì muốn thử lại, và mặc dù biết là tội mà không thể nào dứt ra được nếu không cương quyết, can đảm và cậy nhờ ơn Chúa. Người hút thuốc phiện cũng vậy, biết là không có ích lợi gì cho bản thân, biết là khổ cho gia đình và người thân, nhưng không thể nào dứt bỏ được, và khi cơn ghiền nổi lên thì càng tệ hại hơn nữa…

     Đam mê tự nó không phải là tội, nhưng đam mê đến độ quên mất cả bổn phận, quên mất cả lý trí thì không những có tội mà còn làm gương mù gương xấu cho người khác.

Biết nghe lời can gián mà thức tỉnh đó là người can đảm và anh hùng, họ chính là người đã nghe được tiếng Chúa dạy qua mọi con người, mọi hoàn cảnh trong cuộc sống của mình vậy !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Người nước Sở bán mẹ

NGƯỜI NƯỚC SỞ BÁN MẸ
 
 

Nước Sở có một người đem mẹ đi bán làm đầy tớ cho người ta, lúc sắp chia tay, thì ông ta thành khẩn cầu xin với chủ nhân:

- “Mẹ tôi đã già, không thể làm những công việc nặng, xin ngài đối đãi tốt với bà chút xíu”.
(Chuẩn Nam tử)

Suy tư:

     Đem con đi bán thì có, chứ đem mẹ đi bán –nếu có thật- thì quả là chuyện tày trời.

     Thời nay không có (hoặc rất ít) người con nào đem cha mẹ đi bán, nhưng đem cha mẹ gởi vào viện dưỡng lão thì có, viện dưỡng lão được thành lập mục đích ban đầu là nuôi những người già cô thế cô thân, nghèo đói không người chăm sóc…, dần dần viện dưỡng lão trở thành “có giá” vì cuộc sống văn minh, khoa học của con người ngày càng cao, hưởng thụ càng nhiều, nên con cái không có thời giờ chăm sóc cho cha mẹ già yếu...

     Đem cha mẹ gởi vào viện dưỡng lão không có gì phải trách, cái đáng trách chính là khi con cái gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi thì một năm mười hai tháng, chẳng hề ngó ngàng gì đến cha mẹ, bỏ mặc cha mẹ cho mấy nhân viên chăm sóc tốt xấu thế nào cũng mặc; cái đáng trách chính là sự thờ ơ của con cái đối với đấng sinh thành dưỡng dục mình nên người, đang bị con cái coi như một “quả báo” mà họ phải gánh chịu.

     Sách Huấn Ca đã dạy cho chúng ta, những người làm con phải đối xử như thế nào với cha mẹ :

     “Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục,

và tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con.

Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang

lúc cha mình được tôn kính ;

và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê.

Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già ;

bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.

Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,

chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.

Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,

và sẽ đền bù tội lỗi cho con.

Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó,

và các tội con sẽ biến tan

như sương muối biến tan khi đẹp trời.

Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,

ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa”[1]
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư







[1] Hc 3, 10-16.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Tranh hát bài ca nổi tiếng

TRANH HÁT BÀI CA NỔI TIẾNG
 
 

Trong thành Hàm Đan có một nhạc sư, bởi vì không mấy nổi tiếng, cho nên nhạc của ông ta rất ít người học hát.

Một hôm, ông ta phổ một bản nhạc mới, rồi giả mạo là một tác giả nổi tiếng của họ Lý thời cổ viết bản nhạc ấy.

Thế là có rất nhiều người thích âm nhạc tranh nhau học hát, và cho rằng đây là một bản nhạc hiếm có, nhưng về sau biết đó không phải là bài hát của họ Lý, thì lại không hát bài ấy nữa.
(Chuẩn Nam tử)

Suy tư:

     Thời xưa cũng như thời nay, thời nào cũng có những người vì muốn được nổi tiếng mà mạo danh của những nhân vật tiếng tăm để lòe để bịp mọi người, và cũng để khoe khoang tài năng của mình. Từ trong lãnh vực khoa học, cho đến lãnh vực buôn bán, văn học, nghệ thuật.v.v...đều có sự giả mạo tên tuổi của những người nổi danh, và thậm chí, ngay cả trong tôn giáo cũng có người mạo danh là linh mục này, hòa thượng nọ, để lừa bịp những người ngay lành.

     Và trong lãnh vực của đời sống thiêng liêng cũng có những lúc chúng ta “mạo danh” đức ái để mưu lợi cho cá nhân mình, nào là lấy tên hội đoàn này, đoàn thể nọ để quyên góp tiền của vật chất giúp cho việc chung thì ít, mà bỏ túi riêng thì nhiều ; nào là mượn danh nghĩa của hội từ thiện để giúp đỡ cho người nghèo, để “tiếng tăm bác ái” của mình được mọi người biết đến. Tất cả mọi kiểu mạo danh ấy đều là con đẻ của tà thần đội lốt thiên thần để bịp mọi người, và để lừa dối ngay cả chính bản thân của mình nữa, bởi vì một cá nhân không tự tin vào chính mình, thì không thể là một con người đáng để cho kẻ khác tin theo.
     Cũng có những lúc, tuy tôi không mạo danh người này người nọ để lừa bịp người khác, nhưng tôi lợi dụng thiên chức linh mục và tu sĩ của mình, để thủ lợi và thỏa mãn cho nhu cầu cá nhân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Hy sinh

HY SINH
 
 

Ngày chúa nhật phiên làm lễ của cha là bảy giờ rưỡi tối, giáo dân mời cha đi dự tiệc buổi chiều và chắc chắn là sẽ có uống rượu, cha phân vân có nên đi hay không, vì khi làm lễ mà có mùi rượu thì kỳ lắm, giáo dân dễ hiểu lầm. Cha cười vui nói với chủ nhà:

- “Cám ơn ông nhé, tối nay tôi bận làm lễ rồi không tham dự được.”

Người chủ nhà rất đồng tình với cha, và hẹn cha dịp khác.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Bố thí

BỐ THÍ
 
 

     Một bà giáo dân len lõi giữa những người tàn tật ăn xin nghèo khổ trước cổng của một nhà thờ lớn nhất nhì tại Sài Gòn, và đi nhanh vào văn phòng nhà xứ tìm cha sở.

     Cha sở đi ra, bà dúi vào tay cha mấy tờ giấy bạc màu xanh, nói:

-         “Con cho cha mấy trăm đô la Mỹ, cha cầm uống nước”.

     Người thư ký nhìn thấy lẩm bẩm trong miệng:

-         “Cha sở cần bố thí hay những người nghèo, tàn tật trước cổng nhà thờ cần bố thí ?”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Hối thúc mẹ chết cho nhanh

HỐI THÚC MẸ CHẾT CHO NHANH
 
 

Bà mẹ của người nhà căn hộ bên phía đông chết, con trai của bà ta không khóc bi ai não nùng, nên bị người hàng xóm chỉ trích là bất hiếu.

Đứa con trai của người nhà căn hộ bên phía tây thấy như vậy, liền nói với mẹ nó:

-         “Mẹ à, tại sao mẹ không mau chết cho rồi ? Nếu mẹ chết đi, con nhất định phải đau đớn, rất buồn phiền mà khóc mẹ”.
(Chuẩn Nam tử)

Suy tư:

Cha mẹ chết mà không khóc chưa chắc là đã bất hiếu, và khóc cha mẹ chết chưa chắc là đã có hiếu. Bởi vì có rất nhiều đứa con khi cha mẹ còn sống thì không lo phụng dưỡng để báo hiếu, đến khi cha mẹ chết thì khóc bù lu bù loa, khóc thảm thiết, thì có ích gì chứ ?

Hối thúc mẹ mau chết, thì trên đời này hiếm thấy, dù là đứa con bất hiếu chăng nữa. Nhưng khi cha mẹ bệnh hoạn lâu ngày không khỏi, mà con muốn cha mẹ chết cho mau bèn giết đi thì là chuyện có thật đã xảy ra ở Đài Loan, một đảo quốc rất tự do và giàu có.

Khi bạn mong cho cha mẹ chết sớm để khỏi gánh nặng, để khỏi ảnh hưởng đến công ăn việc làm, và để trút đi được “cục nợ”, thì bạn nên nghĩ lại ai đã sinh ra bạn, ai đã nuôi bạn sống đến ngày hôm nay, ai đã vì bạn mà thức khuya dậy sớm.v.v... Nếu bạn trả lời được thì nên cầu xin Chúa ban cho cha mẹ được sống lâu thêm nữa để bạn trả hiếu cho cha mẹ. Nếu bạn đã tìm ra câu trả lời, thì chính con cái của bạn sẽ đối xử rất có hiếu với bạn, như bạn ngày hôm nay đã đối xử rất có hiếu với cha mẹ bạn vậy.

Muốn cho cha mẹ mau chết để khóc thì chẳng khác nào đức con bất hiếu vậy, khóc lóc để làm gì ?
?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Làm hang đá

LÀM HANG ĐÁ
 
 

      Lễ Giáng Sinh năm nay, cha sở giáo xứ LS ở Gò Vấp thuộc tổng giáo phận Sài Gòn không làm hang đá bên ngoài nhà thờ, lý do: để tiền làm hang đá ấy giúp đỡ cho trẻ em bảo lụt ở miền Trung. Nghe nói mỗi năm làm hang đá ngoài trời tốn cả trăm triệu đồng.
       Các trẻ em bị bảo lụt miền Trung chính là những Chúa Giê-su Hài Đồng khó nghèo đang sinh ra trong hang đá (tâm hồn) của cha sở vậy.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.