Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Chúa nhật VI thường niên

 


CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mt 5, 20-22a.27-28.33-34a.37
“Anh em đã nghe luật dạy người xưa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết.

Bạn thân mến,
Đã có nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta khen ngợi các linh mục là những người tài giỏi đáng để chúng ta học hỏi, nhưng Đức Chúa Giê-su lại bảo cho chúng ta biết, nếu chúng ta không ăn ở công chính hơn những người kinh sư và biệt phái thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
1. Công chính thì khác với tài giỏi.
Có những linh mục rất tài giỏi đa năng, vừa viết nhạc vừa hát hay lại vừa làm diễn viên thu hình, những tài hoa này không làm cho những linh mục ấy trở nên người công chính, những tài hoa này không làm cho các ngài được vào Nước Trời, nếu các ngài không có đời sống kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, không làm tròn bổn phận mục tử của mình, thì tài năng chỉ thêm gây phiền phức cho đời sống nội tâm của các ngài mà thôi, bởi vì chính đời sống nội tâm của người linh mục mới làm cho họ trở nên người công chính trước mặt người đời và trước mặt Thiên Chúa.
Các kinh sư và những người Pha-ri-siêu rất giỏi về luật Môi-sê, những chính các ông ấy đã bị Đức Chúa Giê-su nhiều lần khiển trách vì trở nên cớ vấp phạm cho người khác, khi chính họ không thực hành lề luật.
Người công chính là người tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, là người biết chu toàn bổn phận của mình cách trọn hảo dù cho tài năng của mình xuất chúng, nhưng không vì tài năng, không vì tiếng khen ngợi của mọi người mà quên đi bổn phận mục tử của mình. Tài hoa là phương tiện giúp cho mục đích của đời mục tử, chứ không phải tài hoa là mục đích của đời sống linh mục.
2. Luật cũ và luật mới chỉ khác nhau chữ Tâm.
Các kinh sư và những người Pha-ri-siêu cũng biết giữ lề luật của Môi-sê, nhưng họ không dùng cái tâm để giữ và thực hành, họ chỉ dùng cái vẻ đạo mạo bên ngoài để làm cho người khác phải ca ngợi mình với áo thụng dây tua, với cung cách bệ vệ mà thôi, cho nên họ không không thể dẫn dắt người khác vào Nước Trời.
Thời nay có những mục tử cũng biết giữ luật Chúa như những kinh sư và người Pha-ri-siêu, tức là họ không dùng cái tâm để giữ, mà chỉ dùng cái mã tốt tướng đạo mạo bên ngoài để giữ, những mục tử này thì rất dễ thấy trong xã hội ngày nay, đó là:
- Khi các ngài đứng trên tòa giảng để răn đe giáo dân đừng uống rượu, nhưng lễ xong thì các ngài uống rượu nhiều gấp mấy giáo dân, các mục tử này chỉ nói cho sướng miệng chứ không nói bằng cái tâm.
- Khi các ngài đứng trên tòa giảng nói về sự công bằng bác ái, nhưng chính các ngài lại cho giáo dân vay tiền lấy lãi nặng hơn cả các chủ nợ khác. Các mục tử này chỉ nói cho sướng miệng chứ các ngài không thực hành bằng cái tâm.
- Khi các ngài đứng trên tòa giảng dạy giáo dân phải thảo kính cha mẹ, kính trên nhường dưới, nhưng chính các ngài ăn nói thô lỗ cộc cằn, ngạo mạn với các đấng bậc lớn tuổi hơn mình. Các mục tử này chỉ nói cho sướng cái miệng chứ các ngài không hề dùng cái tâm để giảng dạy.
Bạn thân mến,
Các kinh sư và những người Pha-ri-siêu đã bị Đức Chúa Giê-su nhiều lần khiển trách, không phải vì Ngài ghét họ, nhưng vì Ngài muốn cho họ trở nên những bậc thầy thánh thiện gương mẫu, và bởi vì chính họ mỗi khi làm gương xấu thì ảnh hưởng to lớn và tai hại vô cùng cho dân Ngài.
Sự công chính được phát xuất từ một tâm hồn biết yêu thương thật sự, chứ không phải phát xuất từ tài năng, thông luật hay giỏi Thánh kinh. Bởi vì nếu không yêu thương thật sự, thì tất cả chỉ là hình thức giả tạo đáng ghét bên ngoài mà thôi.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


16.   LAU CHÙI ĐỒ CỔ

Nhà của Châu Nguyên Tố cất giữ rất nhiều loại đỉnh (vạc) cổ, khi có khách đến thăm thì ông ta đều đem ra cho khách thưởng thức.

Một hôm khikhách đã ra về, a Lưu len lén gõ mấy cái, rồi lắng tai nghe, cảm thấy kỳ lạ bèn nói:

-         “Mấy cái này không phải bằng đồng sao, tại sao lại đen nhánh như thế này chứ ?!”

Thế là đi tìm mấy miếng giấy nhám nhúng với nước và nổ lực lau chùi sạch trơn.

Thế là mấy thứ đồng đen cổ quý hiếm ấy biến thành đồ vô giá trị.

                                                                (A Lưu truyện)

 

Suy tư 16:

        Có lần trong phúc âm Đức Chúa Giê-su đã nói: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em”. Của thánh là Lời Chúa, ngọc trai là Thánh Thể, cả hai đều quý báu hơn tất cả mọi thứ quý báu trên trần gian, tất cả mọi người Ki-tô hữu đều biết đều ấy.

        Lời Chúa, Chúa đã trao cho chúng ta, Thánh Thể Chúa cũng trao cho chúng ta để chúng ta được no nê lương thực thần thiêng, nhưng có lúc chúng ta sử dụng hai thứ báu vật ấy một cách bất xứng -còn tệ hơn a Lưu không biết giá trị của đỉnh vạc bằng đồng đen- bằng cách đặt những đam mê tội lỗi lên trên mọi giá trị cao siêu của việc nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Thánh Thể.

        Có giáo dân thích ngồi hàng giờ để nghe ca nhạc nhưng hể cha sở giảng quá mười lăm phút thì bỏ ra ngoài nhà thờ hút thuốc, tán ngẩu, họ nghe Lời Chúa như là nghe một câu chuyện hoang đường; có giáo dân đi dự tiệc tùng thì đi rất đúng giờ vì sợ bất lịch sự, nhưng đi dâng thánh lễ thì đợi cha chủ tế giảng xong mới đến, và khi đến phần rước lễ thì bỏ về, họ coi việc tham dự thánh lễ và rước lễ là chuyện không quan trọng bằng việc sợ mất lịch sự khi đi ăn nhậu...

        Chúng ta không phải là con chó nhưng chúng ta là những người con của Chúa nên Ngài cho chúng ta Lời của Ngài; chúng ta cũng không phải là những con heo, nhưng chúng ta là những Ki-tô hữu nên Chúa đã ban cho chúng ta Mình Máu Thánh của Ngài, và chúng ta cũng không phải là a Lưu không biết giá trị của các đỉnh vạc đồng đen, nên chúng ta cần phải trân trọng cung kính đón nhận và gìn giữ hai báu vật mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta là Lời Chúa và Thánh Thể.

        Đó là sự khôn ngoan của Thánh Thần ban cho chúng ta ở đời này vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


15.   ĐÓNG CỬA TỪ KHÁCH

Châu Nguyên Tố thường đi vắng nhà, kêu a Lưu ở nhà coi nhà, khách đến thăm, dù cho là khách thường hay đến thì a Lưu cũng gọi không đúng tên của khách.

Châu Nguyên Tố hỏi nó là có khách nào đã đến nhà, nó lúc nào cũng trả lời như sau:

-         “Có người thì mập lùn; có người thì ốm cao râu ria xồm xoàm; có người rất đẹp; có người rất già phải chống gậy mà đi.”

Về sau, ngay cả chuyện người nào mập ốm đẹp xấu nó cũng không nhớ rõ ràng nữa, nên nó dứt khoát đóng cổng lại không thèm tiếp đãi khách đến thăm chủ nhân nữa.

                                                                (A Lưu truyện)

 

Suy tư 15:

        Cái buồn nhất của ông chủ là có tên đầy tớ ngu ngốc.

        Cái buồn nhất của thầy cô giáo là có học trò quá đần.

        Cái buồn nhất của cha mẹ là có đứa con không biết nghe lời nên trở thành hoang đàng.

        Cái buồn nhất của Thiên Chúa chính là chúng ta đã sống trong tội, và quá coi trọng những của cải thế gian hơn phần rỗi của mình mà chúng ta đã đóng cửa tâm hồn của mình, lại không thèm đón nhận những ân sủng của Chúa đã gởi đến cho chúng ta qua hoàn cảnh của cuộc sống.

        Đóng cửa nhà tức là từ chối tiếp khách, và khi chúng ta đóng cửa tâm hồn thì cũng có nghĩa là chúng ta từ chối tiếp nhận ân sủng của Chúa...

        Đúng là Chúa buồn thật...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


14.   A LƯU QUÉT NHÀ

A Lưu là thư đồng trong nhà của thái thượng Châu Nguyên Tố.

Một hôm, Châu Nguyên Tố dặn nó quét nhà nhưng nó cầm chổi đùa giỡn rất lâu, ngay cả phòng ngủ cũng không quét.

Chủ nhân tức khí mắng nó, nó lại nổi giận ngược lại, đem cái chổi vứt trên đất nói:

-      “Ông biết quét nhà, tại sao lại làm phiền tôi ?”

                                                                (A Lưu truyện)

 

Suy tư 14:

        Hoạch hoẹ người khác là bản tính của người kiêu căng, chỉ tay năm ngón là người thích quyền hành, ưa chơi trội là người thích khoe khoang, và thích ném đá giấu tay là kẻ tiểu nhân.

Có những người Ki-tô hữu đã xử sự -như a Lưu- với Thiên Chúa khi họ cầu nguyện: “Sao Chúa không thương con nên để con phải gặp chuyện này chuyện nọ ?”,  hoặc là: “Sao Chúa biết hết mọi sự mà không thấy con đang nghèo rớt mồng tơi đây hay sao...?”...

Đã nhiều lần tôi đã cầu nguyện và đòi hỏi như thế với Thiên Chúa, nhưng khi anh em cần tôi giúp đỡ thì tôi lại lên mặt “ta đây” để hoạch hoẹ trước khi nhận lời giúp đỡ; đã nhiều lần tôi đã buồn bã thổn thức trước bàn thờ Chúa và Đức Mẹ vì hoàn cảnh gia đình, bản thân gặp khó khăn, nhưng tôi lại làm ngơ dửng dưng trước những giọt nước mắt đau khổ của tha nhân khi họ cầu cứu tôi giúp đỡ...

Biết mà không làm là thái độ của ông chủ, nhưng chúng ta không phải là ông chủ nên đó là thái độ của người kiêu căng vì muốn anh em phải quỵ luỵ mình.

Thiên Chúa cũng sẽ đối xử như thế với chúng ta nếu chúng ta không có lòng nhâ ái với tha nhân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


13.   CHẢY NƯỚC MẮT SAU KHI LY BIỆT

Vương Nguyên Cảnh làm sứ đi qua nước Lương, bạn là Lưu Hiếu Trác đưa tiển, thương tâm nên chảy nước mắt.

Vương Nguyên Cảnh thì không có giọt nước mắt nào, bèn nói lời tự tạ với Lưu Hiếu Trác:

-         “Anh đừng trách tôi, sau khi chia tay thì nước mắt tôi tự nhiên sẽ chảy dọc chảy ngang”.        

                                                                  (Thanh ngôn)

 

Suy tư 13:

        Ly biệt là xa cách.

        Có người xa cách vài tuần, có người xa cách vài tháng, có người xa cách vài năm, và có người xa cách mãi mãi không về đó chính là vĩnh biệt.

        Và dù xa cách lâu hay mau, tạm thời hay vĩnh viễn thì người ta cũng vẫn cứ khóc, đó là tâm trạng của kẻ ở người đi vậy...

        Chết là ly biệt đó là chuyện thường tình, nhưng sống mà vĩnh biệt xa cách mới đáng sợ, đó chính là khi chúng ta sống trong tội trọng và xa cách tình yêu của Thiên Chúa, đây chính là một sự xa cách khốn nạn cho chúng ta khi thân xác thì sống mà linh hồn thì đã chết, cái chết này làm cho các thiên thần khóc lóc, các thánh buồn tủi, và Đức Chúa Giê-su thì chắc chắn đau buồn hơn cả lúc Ngài chịu đau khổ trên thánh giá.

        “Lạy Chúa, không có gì đáng sợ hơn cho bằng xa cách tình yêu và ân sủng của Chúa, đã có lúc chúng con sống trong tội mà vẫn coi như pha, bởi vì chúng con chưa hiểu được tình yêu của Chúa dành cho chúng con.

        Chúa đã chịu chết để cho chúng con được sống, Chúa đã từ bỏ cõi trời cao để chúng con chiếm được Nứơc Trời, Chúa đã tìm con trên khắp nẻo đường chúng con đi để chúng con gặp được Chúa...

        Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ăn năn sám hối những tội của mình, để chúng con khỏi phải muôn đời xa cách Chúa. Amen”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


12.   ĐA NHÂN ĐA THỦ

Đời nhà Minh, lúc Nghiêm Tùng chấp chánh, thì ở kinh thành xuất hiện một con vật rất quái dị, mọc rất nhiều mắt và rất nhiều tay, hoàng đế bèn hỏi các đại thần của triều đình nó là con gì, nhưng không có một ai biết được nó.

Vương Nguyên Mỹ lúc đó làm quan ở bộ lang nói với mọi người:

-         “Mọi người không động não để suy nghĩ xem sao, đây là chuyện rõ ràng dễ thấy.”

Có người hỏi tại sao, họ Vương trả lời:

-         “Mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào thì nhắm vào ai chứ ?” (ám chỉ gian tướng Nghiêm Tùng)   

                                                                (Thanh Ngôn)                                                                                        

Suy tư 12:

        Kẻ gian ác mà được quyền hành thì đúng là hùm thêm cánh, và không phải là người dân không biết chuyện, họ biết nhưng không dám nói hoặc không thèm nói, bởi vì hùm thêm cánh (nếu có thật) là loài yêu tinh, mà yêu tinh thì làm gì có lương tri của con người...

        Ở đời, cái mà làm cho con người ta dễ ra hư đốn thậm tệ chính là quyền hành, bởi vì đó chính là bản chất thích thống trị của con người, thích thống trị tức là kiêu căng, do đó mà không lạ gì Đức Chúa Giê-su chối bỏ quyền hành của một vị Thiên Chúa để trở nên người hèn mọn nhất của nhân loại, để làm gì vậy, thưa là để tiêu diệt sự kiêu ngạo nơi mỗi người chúng ta.

        Do đó, người Ki-tô hữu nếu có quyền hành thì họ xử sự quyền hành như tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su đã dạy: làm lớn thì phải phục vụ mọi người. Bởi vì khi phục vụ chính là lúc họ được nhấc lên và trở thành niềm hy vọng cho tha nhân, nhất là những người cùng khốn, những người bị áp bức.

        Phục vụ trong khiêm tốn là châm ngôn của các thánh và cũng là của những người muốn nên thánh vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)