Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

Chúa nhật 4 mùa chay

 


CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY


Tin Mừng : Lc 15, 1-3. 11-32
“Em con đây đã chết mà nay sống lại.”

Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, nổi bật ba nhân vật chính với ba tâm tình và tính cách khác nhau, đó là lòng thương yêu của người cha, hưởng thụ trong tội lỗi của đứa con thứ hai, và sự phân biệt đối xử của người con cả. Đức Chúa Giê-su đã rất tinh tế khi nói lên ví dụ cách thực tế này.
1. Lòng thương yêu của Thiên Chúa (người cha).
“Em con đã mất nay đã tìm thấy, đã chết mà nay lại sống”, là câu nói bày tỏ tất cả tình thương của Thiên Chúa là Cha với tất cả mọi người con của Ngài là nhân loại tội lỗi, cha mẹ có thể yêu thương con rất nhiều nhưng không thể nào yêu thương vô bờ bến, bởi vì cũng có lúc cha mẹ đăng báo từ con, chối từ nhận đứa con hoang đàng phung phí tội lỗi làm con của mình, vì thế giá và vì danh dự của gia đình. Nhưng Thiên Chúa thì không như vậy, thế giá và danh dự của Ngài cả trời đất vạn vật không thể nào tả cho hết, nhưng vì yêu nhân loại tội lỗi mà danh dự và thế giá của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô đã bị đánh đòn, bị treo trên thập giá và bị chết cách nhục nhã để cứu chuộc nhân loại tội lỗi...
2. Người tội lỗi (đứa con thứ hai).
Chung quanh chúng ta có rất nhiều người sống trong tội, bên cạnh chúng ta có nhiều người công giáo không đi nhà thờ, và cũng có nhiều người mà chúng ta quen biết đang ngày càng xa Chúa, đó là những người mà chúng ta cho rằng họ là những tội nhân cần đến lòng thương xót của Chúa.
3. Người đạo đức phân biệt đối xử (đứa con cả).
Người đạo đức thì không như người tội lỗi, họ tuân giữ luật Chúa, họ siêng năng đi lễ nhà thờ, họ tham gia các công tác và giúp đỡ tiền bạc cho nhà thờ...
Họ như người con cả siêng năng làm việc biết phụng dưỡng và biết vâng lời cha già, cho nên trong cuộc sống họ phân biệt rõ ràng người đạo đức và người tội lỗi thì không thể nào chung đụng nhau, không thể tha thứ với hạng người tội lỗi...
Thiên Chúa là cha nhân từ của người lành cũng như người ác, Ngài đã cho mưa xuống trên ruộng đồng của người lành cũng như người tội lỗi, Ngài cũng cho ánh sáng mặt trời chiếu rọi trên mặt đất để soi sáng cho người đạo đức cũng như người không đạo đức, đó là tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Bạn thân mến,
Chúng ta thường tự hào mình là người Ki-tô hữu ngoan đạo, nhưng lại khinh chê những người không phải là Ki-tô hữu hoặc những người tội lỗi; chúng ta thường tự hào mình là người luôn tuân giữ luật Chúa, nhưng lại luôn phân biệt đối xử với người tội lỗi; chúng ta thường cho mình là người đạo đức, nhưng lại không chấp nhận người anh em trở về với Chúa. Tất cả những thái độ ấy đều là của người anh cả trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, đó cũng là thái độ thường có của chúng ta trong cuộc sống thường ngày...
Mùa chay là mùa mà Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài trên nhân loại rõ ràng nhất, do đó Ngài cũng muốn chúng ta –những người Ki-tô hữu- cũng làm như thế đối với những anh em chị em lầm đường lạc lối của mình. Đó là ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay vậy.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


48.          ĐAU ĐẾN NHÀ HÀNG XÓM

Trong thôn có một người bị một mụn nhọt nơi chân sưng tấy lên đau nhức nhối không chịu được, bèn nói với người trong nhà:

-         “Mấy anh lấy búa đục trên tường cho tôi cái lỗ”.

Cái lỗ đục xong, người ấy bèn đem cái chân bị nhọt bỏ vào trong cái lỗ thâu qua nhà hàng xóm hơn một thước Tàu.[1]

Người nhà kinh ngạc nói:

-         “Anh làm gì vậy ?”

Người đau chân trả lời:

-         “Để cho nó đau phía bên người hàng xóm, không can gì đến tôi cả !”

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

 

Suy tư 48:

        Người có tính ích kỷ thì khi hưởng lợi thì hưởng một mình không chia cho ai, nhưng khi cái bất lợi đến thì đổ lỗi cho người này người nọ chứ không phải tại mình.

        Người Ki-tô hữu có tinh thần tu đức thì đau khổ dành cho mình và niềm vui thì chia sẻ với tha nhân, bởi vì họ biết rằng, được chấp nhận và chịu đựng những đau khổ là chia sẻ sự đau khổ với Đức Chúa Giê-su, cũng như để đền tội của mình. Có những người mới chịu đau khổ một chút thì đã rên trách người này kẻ nọ, có người cứ đem cái khổ của mình để than vãn với người khác, nhưng đau khổ vẫn cứ khổ đau, thế là họ cau có với người khác và đem đau khổ lại cho mình, đau khổ dồn thêm đau khổ.

        Đem đau khổ và lỗi lầm đổ cho người khác thì đau khổ vẫn cứ đau khổ, lầm lỗi lại thêm lầm lỗi, nhưng đem đau khổ bỏ vào tay Đức Chúa Giê-su với tâm tình phó thác thì đau khổ trở thành hạnh phúc, hoan lạc và bình an.

Đó là người có sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Một thước Tàu là 0,33 mét.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


47.          CÕNG CHỒNG MÀ CHẠY

Ở quận nọ có một tòng sự, hoàn toàn không biết tí gì về ngữ pháp trong văn chương, nhưng thường ứng dụng tầm bậy luật pháp để phán đoán.

Một ngày nọ, có một hòa thựơng ra lệnh cho đồ đệ xay bột, nhưng tên đệ tử ấy lại lấy bột đã xay và trấu cám rồi chạy trốn, hòa thượng bắt hắn lại và đem lên quan phủ cáo tội.

Ông quan tòng sự ấy đoán án, nói:

-         “Tội tên đệ tử này là phải đi lưu đày”.

Tên đệ tử ấy vội vàng nói:

-         “Tội của con không đến nỗi lớn như thế”.

Tòng sự nổi giận nói:

-         “Mày không nên cõng chồng﹝背夫﹞[1] mà bỏ chạy”.

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 47:

        Thời nay có những ông quan địa phương không biết viết gì cả ngoài việc chỉ biết ký tên của mình nên dân khổ; ngày nay còn có những ông quan làm việc ở chỗ chuyên ngành nhưng không biết tí gì về chuyên môn, nên làm nghèo đất nước; thời nay có những giám đốc vì thời thế mà ăn nên làm ra nên mặc sức khoe khoang, nhưng khi vỡ nợ thì không chứng minh được sự hiểu biết luật pháp của mình; thời nay cũng có những người chỉ biết cái bảng hiệu bộ này bộ nọ, nhưng không biết nó có chức năng gì, vì cái gì cũng do trên sắp xếp và ở dưới làm rồi, thế là họ càng làm cho đất nước thêm lạc hậu...

        Ông quan tòng sự không hiểu luật pháp mà được quyền xét xử nên người dân khổ và ta thán vì tội nhẹ ông làm cho nặng, tôi nặng ông làm cho nhẹ...

        Quan đời mà như thế, thì “quan” đạo phải làm ngược lại là biết mình ở đâu và đang làm chức vụ gì: làm cha sở thì hết lòng vì đàn chiên và làm gương sáng cho giáo dân; làm thầy dạy thì tận tâm đem kiến thức và đời sống đạo đức dạy người khác; làm dì phước thì phải sống khiêm tốn và phục vụ với nụ cười vui vẻ trên môi, đó chính là điều mà Đức Chúa Giê-su mong nuốn nơi các môn đệ của Ngài vậy.

        Làm việc gì thì phải hiểu việc ấy thì hiệu quả mới tốt và năng suất mới cao.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] đọc là “fu” nghĩa là chồng, đồng âm với cũng đọc là “fu” nghĩa là trấu, đáng lý ra phải nói: cõng trấu mà chạy, chứ không nói cõng chồng mà chạy, ông tòng sự phát âm không chuẩn.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


46.          NGƯỜI DẮT TRÂU

Có một hoạn quan (thái giám) rất được hoàng đế thương yêu, nhận lệnh đi công vụ. Mỗi lần đi là ở một địa phương, nên học được văn hóa đầy tớ[1], thăm chùa du miếu, bái phật dâng hương, lại còn đến thư viện bàn về văn chương, nhưng các học trò đối với ông ta vừa chán ghét vừa coi thường.

Lúc ông ta bàn đến câu “Có người dắt trâu mà đi qua công đường” trong sách “Mạnh tử, Lương Huệ vương”, bèn hỏi học trò:

-         “Các trò có biết danh tánh của người dắt trâu ấy là ai không ?”

Một học trò cố ý chọc ghẹo ông ta, nói:

-         “Đó là người mà đoạn văn phía dưới đã viết “vua thấy nó”[2].

Hoạn quan nghe thì tán thành nói:

-         “Đúng là tú tài giỏi ! Bác học cao nhã trình độ đến như thế là cùng !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 46:

        Những người từ hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp thì có hai loại: một là loại người có lòng thương người và luôn nhớ đến cảnh nghèo khổ trước đây của mình, hai là loại người chỉ biết hưởng thụ ích kỷ và học đòi làm sang.

        Người học đòi văn hóa nô lệ tức là học đòi làm sang hưởng thụ là người ích kỷ và khoe khoang, họ là những người mà khi có tiền thì vung tay quá trán, là người kiểu cách hơn bậc thượng lưu, là kẻ đòi hỏi hưởng thụ như một nhu cầu cấp thiết, và là người coi kiến thức nông cạn của mình thật vĩ đại cần phải khoe khoang cho mọi người biết, tắt một lời, họ là những người ươn ươn dở dở.

        Những người Ki-tô hữu -không nhiều thì ít- đều có nghe và hiểu Lời Chúa dạy, cho nên cuộc sống của họ dù giàu sang hay nghèo khó, thì họ vẫn luôn sống đúng với những gì mà mình có theo tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su đã dạy là yêu người như yêu mình.

        Tên hoạn quan đã học đòi văn hóa nô lệ và lấy đó tác oai tác quái, nhưng người Ki-tô hữu thì học biết văn hóa của Tin Mừng, nên luôn đem tin vui đến cho tha nhân bằng cuộc sống gương mẫu của mình.

        Người dắt trâu thì có gì là cao siêu và uyên bác, vậy mà tên thái giám lại đem ra bàn luận hạch sách các tú tài chân chính, đúng là nực cười. Cũng vậy, thực hành mến Chúa yêu người là giới răn quan trọng mà Đức Chúa Giê-su đã dạy, hà cớ gì phải khoe khoang khi thực hành việc bác ái !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Là loại văn hóa bắt chước vua quan, quyền quý.

[2] Thật ra ý của nó là: Tề Tuyên vương nhìn thấy có người dắt trâu từ công đường mà đi qua.

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


45.          KHÔNG VUI VẺ NÀO SÁNH BẰNG

Tính cách của hiếu liêm[1] Trần Tông rất hào phóng thoải mái.

Ông ta mua một tòa biệt thự tọa lạc cách núi hai dặm, ngoại thành phía bắc của huyện, trước và sau nhà có rất nhiều mồ mả.

Có một người bạn nói với Trần Tông:

-         “Trong mắt của ông ngày ngày đều nhìn thấy những quỷ hồn của các mồ mả này, nhứt định là không vui vẻ gì”.

Trần Tông cười nói:

-         “Không phải, khi mắt nhìn thấy lớp lớp quỷ hồn này, thì khiến cho người ta cảm nhận được mình tồn tại nơi dương thế và cảm thấy rất vui vẻ không gì sánh được”.

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 45:

        Con người ta thời nay ai cũng thích lên thành phố mua nhà mua cửa để ở và làm việc, không ai muốn ở nơi chỗ khỉ ho cò gáy, xa chợ xa đường và xa trường học, càng không ai thích làm nhà gần nghĩa địa mồ mả, cũng không ai thích ngày ngày nhìn thấy mả mồ, vì như thế thì ghê rợn và chẳng có gì là vui vẻ ...

        Không ai thích làm nhà bên nghĩa địa vì đó là chỗ chết chóc ám khí cô hồn, nhưng con người ta -nhất là những người Ki-tô hữu- đều phải luôn suy niệm đến sự chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục.

        Suy niệm đến sự chết để chúng ta thấy cuộc đời này chỉ là đời tạm và sẽ có ngày chúng ta bỏ nó mà trở về với bụi đất như bao người khác; suy niệm đến sự phán xét để chúng ta thấy được sự công thẳng của Thiên Chúa mà sống bác ái huynh đệ với mọi người, quãng đại với tha nhân, giúp đỡ người nghèo khó; suy niệm đến thiên đàng để chúng ta tăng thêm lòng yêu mến Thiên Chúa, ra sức làm việc lành, chịu các bí tích cách trọn, để được lên thiên đàng với Thiên Chúa sau khi từ giả cõi đời này; suy niệm đến hỏa ngục là nơi Thiên Chúa đã dành cho ma quỷ và những người tội lỗi không muốn hối cải, để chúng ta thấy được những đau khổ đời đời của những người mất linh hồn, mà sửa đổi chính bản thân mình để ngày sau khỏi vào nơi đó...

        Người bình thường thì ghê rợn sợ hãi nơi có mồ có mả, nhưng những người có đức tin thì lấy mồ mả sự chết làm đề tài suy niệm để sửa đổi mình và cảm hóa người khác, đó là một hạnh phúc mà mấy ai tìm được !

        Các thánh của Thiên Chúa đều làm như vậy nên các ngài luôn vui vẻ sống...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Hiếu liêm là cách gọi của người thời Minh Thanh dành cho người đậu cử nhân.

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


44.          XƯỚNG CA ĐÁNH NHỊP

Trong các người gác cổng của họ Ngô (nam sắc) đều giỏi về môn ca xướng, nhưng trước mặt quan trưởng thì tất cả đều không dám hát.

Một ngày nọ, Ngô Khúc La và các đồng liêu đọc công văn nơi hiệu quán, đêm sắp đến, bèn gọi những người gác cổng xướng hát, những người gác cổng cừ đùn đẩy cho nhau, và đều nói:

-         “Không biết hát”.

Ngô Khúc La giận dữ nói:

-         “Không hát thì tất cả đều bị đánh mười hèo nơi mông !”

Nhưng vừa mới đánh mông của vài người gác cổng, thì tất cả đều tranh nhau hát.

Ngô Khúc La cười nói:

-         “Được rồi, từ nay trước khi hát thì phải đánh nhịp (phách)”[1].

Các đồng liêu đều cười ha ha.

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 44 :

        Đánh nhịp là việc làm của ca trưởng để giữ nhịp cho ca đoàn hay ban hát trình diễn trên sân khấu hoặc hát thánh ca trong thánh lễ, cho nên vai trò của người đánh nhịp rất là quan trọng.

        Nguyên tắc đánh nhịp thì có sẵn, nhưng cách đánh nhịp của mỗi ca trưởng thì không giống nhau, và nặng về phần trình diễn theo cá tính cộng thêm với cảm xúc của mình: có người khi đánh nhịp thì hai tay như múa, có người khi đánh nhịp thì hai tay giựt giựt dù bài hát không giựt, làm cho khán giả chú ý đến họ mà không chú ý nghe lời của bài thánh ca, họ đã biến thánh lễ thành buổi biểu diễn đánh nhịp của các người đánh nhịp...

        Đánh nhịp là để giữ nhịp giữ phách cho ban hát hay ca đoàn hát đúng nhịp phách.

Cũng vậy, các linh mục là những nhạc trưởng đánh nhịp để cho các tín hữu -nói chung- và con chiên trong họ đạo mình -nói riêng- sống đạo cho đúng nhịp phách như ý Thiên Chúa mong muốn, cho nên các nhạc trưởng linh mục này cần phải đào sâu thêm chiều kích của mầu nhiệm ơn cứu độ qua suy tư và kinh nghiệm sống của mình, có như thế mới không làm cho “nhịp, phách” nơi đời sống tâm linh của giáo dân bị lộn xộn, vì cha sở của mình đã đánh nhịp sai nhịp, đánh phách trật phách...

Chỉ có ma quỷ mới làm cho nhịp phách trong đời sống thiêng liêng của chúng ta sai nhịp, bởi vì ma quỷ không bao giờ mong muốn người Ki-tô hữu kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như lời của Chúa dạy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] 打板 có hai ý: vừa là dùng vật gì đó để đánh người, cũng vừa là đánh nhịp, phách.

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


43.          THÍCH VÒI TIỀN

        Có một thư sinh thích vòi tiền (lợi dụng các mối quan hệ để đòi tiền người khác), hắn ta có người bạn thân đang làm tuần an ở một địa phương nọ.

        Tuần an đoán rằng nhất định hắn ta sẽ đến vòi tiền, bèn âm thầm dặn dò thuộc hạ đem hai trăm lượng bạc làm thành một cái cùm khóa tay và làm thêm một sợi dây xích và đem ngâm trong nước thuốc nấu như một đồ bằng sắt.

        Quả nhiên thư sinh đến nơi ở của tuần an, tuần an giận dữ nói:

-         “Lẽ nào ngay cả người gác cổng của ta mà anh cũng vòi tiền sao ? Đem khóa tay đến, đem hắn ta áp về nguyên quán”.

Thư sinh rất là phẫn nộ nhưng cũng đành chịu.

        Lúc gần đến biên giới nguyên quán, quan áp giải mới nói rõ:

-         “Cái khóa (còng) này và sợi dây xích này đều là bằng bạc, tình cảm lão gia của tôi đối với ngài rất thâm hậu, cố ý tiển ngài như thế để che mắt che tai người khác”.

        Thư sinh hớn hở lại vừa oán hận nói:

-         “Ông ta đối với tôi như thế vẫn là quá quắt ! Nếu như cảm tình thâm hậu, thì làm thêm một cái cùm hai trăm lượng bạc nữa mới phải chứ !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 43:

        Biết tính tình của bạn để giúp bạn là người hiểu rõ bạn bè, người ta gọi đó là bạn tri kỷ, tri kỷ là hiểu biết bạn bè như hiểu mình, tình bạn như thế thì sẽ làm cho cuộc sống của bạn bè và của mình ngày càng thăng tiến hơn.

        Ở đời có những người bạn không ra bạn và thù không ra thù, họ chỉ biết cái lợi cho riêng mình và sẵn sàng phản phé bạn bè; cũng có những người bạn lợi dụng tình bạn của người khác để đục nước béo cò. Chưa biết tình cảm của bạn đối với mình thì chửi rủa, biết rồi thì lòng tham và tính ích kỷ nổi lên và muốn chiếm đoạt luôn cả gia tài bạn bè, đó là những người coi tình bạn như một sản phẩm nay tô hồng mai tô đen theo tính tham lam của bản thân mình...

        Kiếm được người bạn khôn ngoan thì như kiếm được kho tàng, kiếm được người bạn có học thức thì như có ông thầy bên cạnh, kiếm được người bạn có tình bạn chân thật thì như có thuẫn đỡ sau lưng, kiếm được người bạn đạo đức thì bạn thật là người hạnh phúc, vì lòng đạo đức của bạn bè sẽ làm cho bạn ngày càng hấp dẫn hơn, bởi vì “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)