Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

Chúa nhật 25 thường niên

 


CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 9, 30-37
“Con người sẽ bị nộp. Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người.”
Bạn thân mến,
Cuộc sống con người nếu không có những tham vọng thì sẽ rất bằng phẳng, sẽ rất hiền hoà như nguyên tổ A-dong và E-va của chúng ta hồi ở trong vườn địa đàng, nhưng con người thì luôn có tham vọng, cái tham vọng này nhiều lúc vượt qua khả năng của con người: muốn làm lớn.
Chúa Giê-su đã ân cần dặn dò các môn đệ : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”, Ngài muốn các môn đệ phải học nơi Ngài sứ mệnh “làm lớn” tức là sứ mệnh phục vụ tha nhân trong chính bổn phận của mình. Bởi vì có nhiều người “làm lớn” nhưng không thích phục vụ; có nhiều người thích ăn trên đầu ngồi trên cổ người khác, nhưng lại chỉ tay năm ngón và coi việc phục vụ như là công việc đê hèn của các đầy tớ, đó là nguyên nhân của những bất hoà, phe phái và chiến tranh.
Chúa Giê-su đã phục vụ và Ngài coi phục vụ chính là tiêu chuẩn để làm lớn trong Nước Trời.
“Muốn làm lớn thì phải làm nhỏ” không ai lớn cho bằng Đức Giê-su, Ngài chính là Thiên Chúa, là vua vũ trụ; nhưng cũng không ai nhỏ cho bằng Đức Giê-su, Ngài chính là con người, một con người nghèo khó nhất giữa loài người, và không ai đề cao việc phục vụ như Ngài, bởi vì chính Ngài đã phục vụ trong yêu thương cho đến chết, và chết rất tội nghiệp trên cây thập giá. Đó chính là hình ảnh sống động của người “làm lớn”, là mẫu gương phục vụ cho những người muốn “làm lớn” trong cộng đoàn của mình.
Con người ta ai cũng thích được làm ông này bà nọ -trong đó có bạn và tôi- ai cũng thích được có quyền hành để sai người này bảo người kia, nhưng rất ít có người thích phục vụ người khác như một tôi tớ. Có những lúc chúng ta phục vụ mà trong tâm hồn vẫn còn vướng mắc cái mắc cỡ, coi phục vụ là việc xấu xa đê tiện của hạng đầy tớ, cho nên chúng ta miễn cưỡng khi cúi xuống vung tay vứt nắm đồng tiền cho người ăn xin bên vệ đường, và nhanh chân bước đi mà không thèm ngoái cổ nhìn lại...
Bạn thân mến,
Người làm lớn tức là người có chức có quyền trong xã hội và Giáo Hội, nhưng chức quyền của họ không làm cho người khác lớn lên trong tình thương nếu họ không biết phục vụ, trái lại, người biết phục vụ vì yêu thương sẽ có ảnh hưởng lớn mạnh trên mọi người, mà không cần có một thế lực nào của người đời nâng đỡ, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng yêu thương sẽ luôn ở với họ.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng không yêu thương.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng cách miễn cưỡng.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng phục vụ chiếu lệ.
Có người phục vụ tha nhân, nhưng lẩm bẩm chửi thề...
Chỉ có những ai thành tâm yêu mến Đức Chúa Giê-su trong tha nhân mới có cung cách phục vụ chân chính, và như thế họ là những người lớn nhất trong Nước Trời vậy !
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


94.          THẠCH SINH GHẸO GÁI

Ở đất Tô Châu có người tên là Thạch Sinh rất cơ trí và phong lưu.

Có lần, bởi vì đi bộ mệt phờ người lại còn trèo lên lầu nhỏ để nghỉ ngơi, không ngờ ch đó lại bị một hòa thượng chiếm mất tiêu. Thạch Sinh nhìn thấy hòa thượng đóng cửa sổ ngủ trưa, bên ngoài cửa sổ lại có một lầu khác đối diện, có một phụ nữ còn trẻ đang dựa vào cửa sổ thêu thùa, Thạch Sinh bèn lén lấy mũ áo của hòa thượng mặc vào mở cửa sổ chọc ghẹo trêu bỡn người đàn bà ấy.

Người đàn bà nổi giận báo với chồng, chồng bực tức chạy vội qua chửi mắng hòa thượng, hòa thượng ngủ dậy lại không biết chuyện gì cả nên vội vàng bỏ chạy, còn Thạch Sinh thì không thấy bóng dáng đâu cả !

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 94:

        Chọc ghẹo con gái để cười đùa cho vui giữa bạn bè với nhau thì chẳng ai chửi mắng làm gì, chỉ là chuyện nhỏ vui đùa mà thôi, nhưng giả mạo kẻ tu hành để chọc gái thì tội đền gấp trăm gấp ngàn.

        Chọc ghẹo đến nỗi bị người ta chửi là “mất dạy” thì đáng phải xét lại, bởi vì tất cả những hành vi chọc ghẹo thô bạo, mất tư cách đó đều là bày bỏ một tâm hồn không được giáo dục nhân bản; xã hội càng văn minh, khoa học càng phát triển thì con người cần phải có nhân bản để tạo sự hài hòa và cảm giác bình an cho xã hội...

        Giả danh kẻ tu hành để chọc gái, chỉ là một trong nhiều ung nhọt của một xã hội có quá nhiều tệ nạn, cho nên cũng đừng buồn nó, nhưng cái nên buồn là buồn cho con người thời nay chỉ biết đến hưởng thụ, mà không biết làm cho nhân cách của mình tăng trưởng.

        Thế hệ này không đề cao nhân bản thì thế hệ sau sẽ vô nhân vô cảm.

Ai có tâm thì nhức nhối !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


93.          BỐ CHỒNG VÀ CON DÂU TRÒ CHUYỆN

Hai đứa con trai của Lưu Mao đều đỗ tiến sĩ, các nàng dâu người trước kẻ sau lần lượt lên kinh thành thăm chồng.

Lúc con dâu lớn lên kinh thành, Lưu Mao đưa cô ta lên thuyền, dùng tay kéo cô ta nhảy lên tấm ván, người bên cạnh thấy thì nhịn cười không được, Lưu Mao nói:

-         “Tại sao lại cười tôi, nếu nó rơi xuống nước thì không phải là cười thêm hay sao ?”

Trước khi con dâu út lên kinh thành, đúng lúc Lưu Mao đang bệnh nằm trên giường, bèn kéo cô ta đến trước giường, lấy tay vỗ cái gối nói:

-         “Đầu của người già sợ gió, con đến kinh thành nhớ mua gấp cho bố cái khăn đầu gởi về”.

Ngày thứ hai, lúc con dâu út khởi hành, thân quyến bạn bè đều tập họp lại tiễn đưa. Luu Mao lại nói với con dâu:

-         “Con đừng quên chuyện cái gối tối qua bố đã dặn dò đó nghe”..

        Mọi người nghe được thì kinh hãi, hỏi nguyên nhân, sau khi biết được duyên cớ thì cười ha ha.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 93:

  Con người ta có một khuyết điểm lớn nhất chính là hồ nghi, bệnh hồ nghi nguy hiểm và độc hại hơn cả con vi rút cô rô na vũ hán (dịch cô vít 19).

Người có tính hồ nghi thì nhứt cử nhứt động của kẻ khác đều làm cho họ suy nghĩ méo mó, họ luôn nhìn người khác bằng ánh mắt hoài nghi và lòng dạ thì luôn nghĩ điều không tốt cho người khác. Đức Chúa Giê-su đã nhắc nhở chúng ta là phải sống thành thật với nhau, đừng nghi ngờ nhau, vì nghi ngờ chính là con mắt của hỏa ngục dò xét người ngay thẳng và việc làm của họ.

Có những điều mà người Ki-tô hữu cần phải làm mỗi tối trước khi ngủ, không hồ nghi nhưng kiểm thảo mình:

- Ngày hôm nay tôi có phạm khuyết điểm nào không ?

- Ngày hôm nay tôi có cáu gắt với ai không ?

- Ngày hôm nay tôi có nhớ đến Đức Chúa Giê-su không ?

- Ngày hôm nay tôi có làm một hy sinh nhỏ nào không ?

- Ngày hôm nay tôi có làm một việc bác ái nào không ?

- Ngày hôm nay tôi có ưu điểm nào không ?

        Đó là việc xét mình mỗi ngày, là việc làm cho chúng ta thảnh thơi trước tòa án lương tâm khi còn sống và trước mặt Chúa sau khi từ giả cõi đời này.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


92.          HOA AN LẤY VỢ

Đường Tử Úy ngồi thuyền đi qua Vô Tích, nhìn thấy trên bờ có một đoàn kiệu từ phía đông đi đến, theo sau có rất nhiều nữ tỳ, trong đó có một cô búi tóc dài rất đẹp. Họ Đường bèn lên bờ đi theo mới biết đó là người nhà của cử nhân họ Hoa, bèn xin làm thư đồng và đổi tên là “Hoa An”.

Cử nhân Hoa rất tin yêu anh ta, kiếm vợ cho hắn, Đường Tử Úy do đó mà được cô nữ tỳ kia, đặt tên cho cô là “Quế Hoa”.

Mấy ngày sau, vợ chồng bí mật trốn chạy, cử nhân Hoa truy tìm đâu cũng không thấy. Rất lâu sau đó, cử nhân Hoa ngẫu nhiên qua Xướng Môn ở Tô Châu du ngoạn, nhìn thấy trong tiệm sách có người đang ngồi giở sách đọc, rất giống Hoa An, bèn đi nghe ngóng xem sao, có người nói:

-         “Ông ta là Khang giải nguyên”[1]

Qua ngày hôm sau cử nhân Hoa đi thăm, sau khi tìm hiểu chi tiết đầu đuôi ngọn nguồn thì đoán định hắn ta là Hoa An, bèn đem chút ít sách của Hoa An nói lui nói tới để thử hắn, Khang giải nguyên chỉ là “ừ ừ” cách vô nghĩa, cử nhân Hoa nói:

-         “Dung mạo của Hoa An rất giống ngài, không biết duyên cớ tại sao ?”

Đường giải nguyên lại “ừ ừ”. Rót rượu đã mấy lần bèn dẫn ông ta đi ra sau nhà, kêu các nữ tỳ đang xúm quanh bên tân nương ra nghênh tiếp, nói:

-         “Vừa rồi ngài nói tôi giống Hoa An, không biết Quỳ Hoa có giống người nữ này không ?

Cử nhân Hoa hiểu ý cười lớn và cáo từ.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 92:

Người giống người là chuyện thường không có gì đáng ngạc nhiên cả, có ngạc nhiên chăng là hai người đều quen biết nhau nhưng lại không nhận ra nhau, họ không nhận ra nhau là vì nơi họ vẫn còn có những cái mâu thun âm thầm với nhau.

Có những người Ki-tô hữu luôn tự cho mình là người ưu tuyển của Thiên Chúa, nên nhận không ra người quen thân, kể cả người bà con nghèo khó của mình; có người khi hoạn nạn thì đi đâu làm gì cũng không thể quên nhau được, nhưng lên được cái chức, tậu được cái xe đời mới thì tự nhiên “trí nhớ” kém hẳn không còn nhận ra bà con bạn bè nữa...

Giàu có đúng là khiếp thật, nó làm cho con người ta mất đi cái “trí nhớ” d thương khi còn hàn vi...

Chỉ những ai luôn tự nhận mình là người tội lỗi mới không quên bạn bè họ hàng thân thuộc của mình mà thôi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tú tài đi tỉnh thi hương đỗ hạng nhất.

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


 

91.          ĐÔ THỐNG SỢ VỢ

Cuối năm triều đại nhà Đường, có trung lệnh Vương Đạc rất là sợ vợ.

Năm nọ, nông dân nổi dậy, lính nghĩa quân do lãnh tụ Hoàng Sào dẫn đầu tiến đánh vào kinh thành Trường An, Vương Đạc được thăng chức đô thống trấn giữ Giang Long. Lúc ông ta đến nhiệm sở thì cấm đàn bà con gái đi theo, phu nhân cũng không được đi theo.

Một hôm, đột nhiên có người đến báo cáo:

-         “Phu nhân rời khỏi kinh thành rồi”.

Vương Đạc hết sức kinh hãi, nói với thủ hạ:

-         “Hoàng Sào từ phía nam đang từ từ tấn công vào, phu nhân lại giận dữ từ phía mặt bắc đi đến, mày coi ta phải làm sao đây ?”

Thuộc quan nói đùa:

-         “Thì đầu hàng Hoàng Sào cho rồi !”

 Vương Đạc cười ha ha.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 91:

        Sợ vợ hơn cả sợ giặc thì quả là hiếm có, nhất là người đó đường đường là một vị đô thống trấn giữ kinh thành, cái sợ vợ này thật...đáng sợ. Giặc đến thì có khi vợ con cũng không còn, tất cả của cải thì chắc chắn cũng theo giặc mà đi, vậy thì cái sợ vợ này thật không đúng chút nào cả đối với một vị tướng trấn giữ thành.

Có nhiều người Ki-tô hữu sợ vợ hơn cả sợ Thiên Chúa, đó là những người lấy câu “nhất vợ nhì trời” làm “châm ngôn” của mình, họ viện cớ rằng vợ là người bạn đời của mình nên phải “nghe” chứ không phải sợ, nên để cho vợ tự do tác oai tác quái hàm hồ chửi bới hàng xóm mà không dám khuyên bảo can ngăn; có lúc nại cớ vợ là người đồng lao cộng khổ với mình, nên có khi vợ cưng chiều con cái quá mức, làm cho nó hư người mà cũng không dám lên tiếng góp ý cho vợ; lại có người lấy phải người vợ không cùng tôn giáo, nên vì nghe lời vợ, sợ vợ mà không đi nhà thờ, không thực hành niềm tin của mình.v.v...

Mặt bên phía nam thì giặc đánh tới rất gấp, mặt bên phía bắc thì vợ xông tới đòi vào thành ở chung với chồng thì quả là nan giải, nhưng nếu người chồng là một Ki-tô hữu thì ông ta sẽ giải quyết rõ ràng và dứt khoát: mở cửa thành phía bắc đón vợ và đóng cửa thành phía nam chặn đánh địch quân, bởi vì lời hứa trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh trong ngày thành hôn vẫn còn đó: “dù gian nan hoạn nạn, dù trong lúc vui trong lúc buồn hay hạnh phúc thì vẫn chung thủy với nhau cho đến suốt đời...”

Đó không còn là sợ vợ nhưng là yêu thương vợ.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


90.          MỖI CÁI ĐỀU TỐT CẢ

Ở địa phương Lâu Đông có một thư sinh lúc đọc sách đến đoạn Liễu Hạ Huệ để cô gái đẹp ngồi trong lòng mà không loạn[1], thì thán phục nói:

-         “Phẩm hạnh của Liễu Hạ Huệ đã đạt tới mức như thế, thì cũng có thể biết ông ta rất tự ái tự trọng vậy !”

Bạn bè nói:

-         “Cái hứng và cảm xúc của con người thì không giống nhau, tại sao anh không đọc đoạn Mạnh tử bình luận Liễu Hạ Huệ: “Ngay cả chức quan nhỏ cũng không từ”, từ đó mà xem, cái ông ta thích là quan hay là sắc ?”

Thư sinh nghe xong thì kinh ngạc không lời để nói, qua một lúc sau hiểu ý rồi thì vỗ tay cười ha ha.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 90:

        Cái hứng cái thích của con người thì không giống nhau: có người thấy gái đẹp thì thích thú hẳn lên, nhưng không thích rượu; có người thấy rượu thì phấn chấn hẳn lên nhưng lại không thích gái gú; có người thấy đám bài bạc binh xập xám thì đi không rời, nhưng lại không thích làm quan; lại có người thích coi phim thích nghe ca nhạc, nhưng lại không thích hát hò; lại có người thích đánh võ, nhưng lại không thích tiền bạc, vân vân và vân vân, nhiều cái thích khác nhau là vậy.

        Người Ki-tô hữu cũng có cái thích cái hứng khởi như những người khác, nhưng khác nhau một điểm là cái thích cái phấn khởi của họ luôn đi đôi với cái thích của thánh Phao-lô tông đồ, nghĩa là dù gian khổ, dù nghịch cảnh hay dù thuận lợi thì họ vẫn cứ vui vẻ chu toàn bổn phận trong phấn khởi vui thích, bởi vì Đức Chúa Giê-su vẫn luôn đồng cảm với những đồng cảm của họ.

        Gái đẹp ngồi trong lòng mà tâm không động là chuyện rất hiếm dưới con mắt người đời, nhưng càng hiếm hơn khi có những người Ki-tô hữu vui vẻ sẵn sàng từ bỏ tất cả để trở nên bạn thiết nghĩa của Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Người đẹp ngồi trong lòng mà tâm của ông ta không động tà dâm.

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


89.          NỬA ĐÊM KÊU CỬA

Mã chủ bộ[1]cổ hủ dốt nát, năng lực quá kém.

Một ngày nọ đêm khuya canh ba, đột nhiên ông ta đến gõ cửa nhà quan huyện, quan huyện cho rằng không phải vụ cháy thì là mất trộm, nên kinh hoàng xuống giường đi ra mở cửa.

Mã chủ bộ nói:

-         “Trong tháng tư vừa phải trồng ruộng vừa phải nuôi tằm nên nông phu quá bận, tại sao ngài không trương bảng cáo thị để cho dân chúng tháng tư trồng ruộng, tháng mười nuôi tằm ?”

Quan huyện hỏi:

-         “Trong tháng mười lá dâu ở đâu mà có ?”

Mã chủ bộ bị mắng câm miệng hết lời, bèn chậm rãi nói:

-         “Trời tối rồi, chúc ngài ngủ ngon ạ”.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 89 :

        Ca dao Việt Nam chúng ta có câu :

”Tháng Giêng là tháng ăn chơi,

tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.

Tháng Ba thì đậu đã già,

Ta đi ta hái về nhà phơi khô...”

Làm chủ bộ thì cũng giống như người làm kế hoạch cho công ty, làm kinh tế cho đất nước, biết lúc nào thì nên trồng lúa lúc nào thì nên trồng hoa màu, lúc nào thì nuôi tằm, lúc nào thì nuôi gà vịt.v.v... nên không thể lơ tơ mơ được.

Thiên Chúa biết cuộc sống con người thì có nhiều điều phải làm, nên Ngài ban cho con người có một trí khôn để sắp xếp công việc cho phù hợp với bổn phận và trách nhiệm của mình: bổn phận của người Ki-tô hữu và bổn phận của trần thế.

Có nhiều người Ki-tô hữu không phân biệt được đâu là bổn phận của người công giáo đâu là bổn phận của trần thế, cho nên họ vẫn cứ loay hoay đem bổn phận Ki-tô hữu của mình chồng chéo lên bổn phận trần thế, họ nói rằng yêu người là yêu Chúa, nên chúa nhật nào họ cũng đi làm công tác từ thiện mà không đi tham dự thánh lễ ngày chúa nhật, dù rằng tối thứ bảy nào cũng có thánh lễ thế cho ngày chúa nhật, nếu họ đi lễ tối thứ bảy và ngày chúa nhật đi làm công tác từ thiện thì đẹp biết mấy, bởi vì không thể nói yêu người được khi trong lòng chúng ta làm việc từ thiện chỉ để mà khoe trương.

Coi công tác từ thiện hơn cả tham dự bàn tiệc thánh thì chắc chắn là không có đủ sức để làm việc từ thiện, vì họ chỉ biết làm mà không có ăn để thêm sức bổ dưỡng cho linh hồn.

Đừng viện cớ làm việc từ thiện là hơn cả đi nhà thờ tham dự thánh lễ, nhưng phải đặt thánh lễ là trọng tâm của đời sống Ki-tô hữu của mình hơn tất cả mọi công việc từ thiện, đó là ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần ban cho vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Là chức quan nhỏ giúp quan huyện lo việc sổ bộ, gọi là huyện sứ.