Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Chúa nhật I mùa chay (C)



CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
( Năm C )

Tin mừng : Lc 4, 1-13
“Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu cám dỗ.”

Anh chị em thân mến,
Mở đầu tuần thứ nhất của mùa chay năm nay, Giáo Hội cho  chúng ta nghe bài Tin Mừng về việc Đức Chúa Giê-su bị ma quỷ cám dỗ ba lần, và mời gọi chúng ta cùng nhau học hỏi nơi Đức Chúa Giê-su biết bình tĩnh cậy vào ơn Chúa để đối phó với cám dỗ trong cuộc sống hàng ngày của mình.

1. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Cám dỗ thứ nhất của ma quỷ đó là hưởng thụ xác thịt qua việc ăn uống.
Ăn uống là chuyện bình thường của con người, nhưng ăn uống để có sức khoẻ và ăn uống để hưởng thụ thoả mãn xác thịt thì không giống nhau, con người ta càng được no nê thân xác thì càng sinh ra nhiều điều bất lợi cho phần linh hồn vì những đòi hỏi của xác thịt, do đó tiết chế trong ăn uống là điều cần thiết không những cho hợp vệ sinh mà còn là phù hợp với tinh thần Phúc Âm...

2. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.
Cám dỗ thứ hai của ma quỷ là tìm cách đưa con người vào tham mê quyền lực và vật chất.
Con người ta thường hay bị cám dỗ về quyền lực và sùng bái, một phần vì để chứng tỏ mình không thua ai, phần khác là vì để thỏa lòng tham vọng của mình, cho nên không quản ngại gì mà không tìm cách đoạt lấy quyền lực khi cơ hội đến. Có quyền lực thì sẽ có tiền và có vật chất, cho nên ma quỷ thường hay lợi dụng những ngừơi có chức quyền để làm nên công cụ cho sự dữ, nếu những người ấy không có tâm hồn khiêm tốn và yêu thương...

3. “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Cám dỗ thứ ba của ma quỷ là thử thách lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa.
Con người ta khi đã có đầy đũ mọi thứ để hưởng thụ thì lại quay về với bản tính kiêu ngạo của mình và nghi ngờ vào Đấng Thiên Chúa toàn năng, họ đem cái giàu có chức quyền của mình ra thách thức Thiên Chúa, họ phủ nhận cái mà họ có không phải tự Thiên Chúa mà đến nhưng là bởi họ làm ra...

Anh chị em thân mến,
Ma quỷ đã đánh gục thế gian với những cám dỗ tiền tài, danh vọng và xác thịt, nhưng nó lại bị ngã gục trước sự khôn ngoan và can đảm của Đức Chúa Giê-su, chính nó đã lôi kéo rất nhiều người theo nó nhưng lại cúi mặt chạy dài khi cám dỗ Ngài, điều đó cũng đã chứng minh cho tên cám dỗ biết rằng, con người ta ngoài việc ăn uống để sống thì còn có thứ lương thực quý báu hơn nhiều, đó chính là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa.

Trong mùa chay này, cám dỗ của ma quỷ sẽ tăng thêm gấp bội trên chúng ta, do đó mà chúng ta cần phải tỉnh thức đề phòng, phải noi gương của Đức Chúa Giê-su: chay tịnh, cầu nguyện, bác ái và luôn kết hợp với Cha trên trời, có như thế tên cám dỗ sẽ rút lui khi cám dỗ chúng ta, và mùa chay sẽ trở nên mùa hồng ân cho tất cả mọi người.


Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Nhật ký mồng 3 tết con Khỉ



NHẬT KÝ MỒNG BA TẾT CON KHỈ

1.
Mồng ba tết với người công giáo Việt Nam là ngày thánh hóa công việc làm ăn, tức là ngày đem công ăn việc làm của mình dâng lên cho Thiên Chúa để xin Ngài thánh hóa và chúc lành như lúc tạo dựng vạn vật Chúa đã nói với nguyên tổ loài người: hãy sinh sôi nảy nở và làm chủ mặt đất, nhưng từ khi nguyên tổ phạm tội thì tất cả mọi loài tạo vật đều quay lưng với con người: đất trở nên khô cằn, phải làm lụng đổ mồ hôi mới có mà ăn.v.v...Thánh Phao-lô tông đồ đã nói: vì tội mà sự chết đã nhập vào thế gian, cho nên sự chết cũng kéo theo những điều nghịch lại với vẻ thánh thiện và hạnh phúc mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại.

Thánh hóa công ăn việc làm là một truyền thống tốt đẹp và rất có ý nghĩa của người công giáo Việt Nam , bởi vì với ý nghĩa này mà những ai đang có có ăn việc làm đều cám tạ Thiên Chúa và xin Ngài thánh hóa những công việc mà họ đang làm; với những ai chưa có được công việc làm ăn xứng hợp thì cũng cầu xin Chúa ban cho họ kiếm được một công việc xứng hợp với mình. Bởi vì thấm nhuần lời của thánh Phao-lô tông đồ đã dạy “tôi trồng anh tưới nhưng Chúa mới cho mọc lên”, cho nên trong những ngày đầu năm mới chúng ta ý thức rằng nếu không có Chúa ban ơn trợ giúp, thì dù cho chúng ta có tài giỏi đến mấy thì cũng như nước đổ lá môn, không thu hoạch được gì...

2.
Ở Taiwan, ngày mồng ba tết thì theo tập tục mê tín từ đời này truyền qua đời nọ cho đến nay, dù một đất nước văn minh, khoa học tiên tiến thì họ vẫn cứ không quên được những tập tục mê tín của họ. Ngày mồng ba tết người Taiwan sẽ không đi đến nhà người khác để chúc tết, vì ngày mồng ba là ngày kỵ, người ta sẽ đi chơi chứ không đi thăm bạn bè, bởi vì qua ngày mồng bốn tết là người ta sẽ đi cầu xin hoặc mượn tiền vàng mả nơi miếu thần tài. Năm nay mượn thần năm trăm tiền âm phủ thì sang năm sẽ đem đến trả lại một vạn tiền thật, nếu như làm ăn phát đạt thì có khi trả lại tiền lời gấp mấy lần...Do đó mà người ta sợ người khác yếu vía đến nhà mình thì cả năm thường gặp rủi ro...

Hôm nay các đường cao tốc càng về phía nam thì càng kẹt xe, bởi vì trời nắng đẹp và người ta tranh thủ du xuân, nhất là đến các thắng cảnh và phố cổ, xe toàn là xe nối rồng rắn dài cả hàng cây số vì nạn kẹt xe; và đường lên phía bắc thì càng về chiều càng nhiều xe cộ, bởi vì người ở miền nam muốn lên thủ đô Taipei du xuân, cho nên tất cả các ngỏ lên đường cao tốc đều có cảnh sát giao thông kiểm soát những xe nào mà chỉ có một người trong xe thôi thì không được chạy lên đường cao tốc, chỉ những xe nào có từ ba người trở lên mới được chạy trên cao tốc, để hạn chế bớt xe cộ làm kẹt xe...

Hôm nay mình cũng lái xe đi du xuân cách Taipei khoảng 40 cây số, vì đi buổi sáng nên tuy dù xe nhiều nhưng không đến nỗi kẹt xe, qua các chỗ ngắn hoa thì xe nối đuôi nhau vì kẹt, những cảnh sát giao thông làm việc rất khoa học, nên đường vào khu thắng cảnh vui chơi tuy kẹt xe, nhưng len phía khác vẫn dành cho những xe nào không vao điểm vui chơi. Mình lại nghĩ đến nạn kẹt xe ở Saigon, không một cảnh sát nào đến giải quyết phân luồng, xe cứ ùn tắc ai dành đường được thì nhích lên, loạn cả con đường, ai gan dạ thì có thể đi, ai nhát gan thì đứng tại chỗ, làm đường kẹt thêm kẹt. Thế là mình lại lái xe đi về tay không...

3.
Hôm nay mồng ba tết, hội tu sĩ Việt Nam tại Taiwan theo truyền thống họp mặt hằng năm để vui Xuân, năm nay vì cha Trần Thăng Long đang làm giám đốc Đại chủng viện nên có nhã ý để anh chị em tu sĩ tổ chức mừng xuân tại đây, rộng rãi mát mẽ và thoải mái.

Đến báo danh chiều nay có khoảng 32 sơ, 5 thầy và 15 linh mục, năm nay các linh mục đi ít vì có lẽ bận việc giáo xứ hoặc về Việt Nam ăn tết, hoặc ngại đường xa lái xe mệt, vì nạn kẹt xe trong mấy ngày tết. Có cha đi từ khi một giờ chiều, nhưng 1 giờ sáng mới đến đại chủng viện, bình thường thì lái xe 2 tiếng đồng hồ là đến, nhưng hôm nay phải nhích từng tí như rùa bò trên đường cao tốc...

Nhưng tinh thần của các cha và các tu sĩ rất vui và nhiệt thành...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.







Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Nhật ký mồng hai tết con khỉ



NHẬT KÝ MỒNG HAI TẾT CON KHỈ

1.
Hôm nay mồng hai tết, với giáo dân Việt Nam hôm nay là ngày kính nhớ ông bà tổ tiên, với người Taiwan thì hôm nay là ngày con gái đã xuất giá (lấy chồng) trở về nhà mẹ ruột của mình. Đây là truyền thống có từ lâu của người Trung Hoa, con gái đi lấy chồng mỗi năm trở về nhà cha mẹ ruột của mình vào ngày mồng hai tết để chúc tết cha mẹ và ở với cha mẹ một ngày, khi đi thì có cả chồng con đi theo.

Vì là ngày con gái về tết gia đình cha mẹ mình, nên các giáo dân của mình cũng không ngoài thông lệ, ngay từ khuya họ đã ra khỏi cửa để khỏi bị nạn kẹt xe và được miễn phí tiền cầu đường (từ 23 giờ đến 7 giờ sáng), cho nên sáng nay giáo dân tham dự thánh lễ ít hơn mọi ngày.

2.
Mình so sánh việc kính nhớ tổ tiên vào ngày mồng hai tết, với việc con gái về tết cha mẹ cũng trong ngày mồng hai tết, có mấy điểm giống nhau như sau:
-      Kính nhớ ông bà tổ tiên, đó là hiếu thảo; con gái đã lấy chồng về nhà tết cha mẹ, đó là hiếu thảo.
-      Kính nhớ ông bà tổ tiên là uống nước nhớ nguồn; con gái đã lấy chồng về tết cha mẹ cũng là nhớ ơn sinh thành dưỡng dục.
-      Kính nhớ ông bà tổ tiên là gìn giữ truyền thống gia đình; con gái đã lấy chồng về tết cha mẹ mình là nhắc nhở mình vẫn là thành viên trong gia đình của cha mẹ, dù đã lấy chồng.

Những điểm tương đồng này đều bắt nguồn từ đạo hiếu, Thiên Chúa dạy chúng ta phải thảo kính cha mẹ, cũng như người xưa đã nói: làm người thì chữ hiếu để phải đặt lên hàng đầu.

Hôm nay trong thánh lễ mình đã chia sẻ với giáo dân là: việc trở về nhà cha mẹ ruột của mình ngày hôm nay mồng hai tết, không những đem lại niềm vui cho mọi người trong gia đình, mà bản thân mình cũng cảm thấy mình đang ở với cha mẹ như những ngày chưa xuất giá, do đó mà khi trở về nhà cha mẹ mình, thì các cô các bà không được đem gánh nặng đến cho cha mẹ của mỉnh, chẳng hạn như kể lễ những chuyện buồn trong gia đình của mình cho cha mẹ nghe, vì như thế là chúng ta vô tình làm cho cha mẹ lo âu suy nghĩ trong những ngày đầu năm mới...

3.
Mồng hai tết, sau thánh lễ như thường lệ mình đi một vòng phố xá quanh nhà thờ coi có cửa hàng nào đã mở cửa chưa, chỉ có cửa hàng bán lẻ Seven Elevent là mở suốt đêm ngày, nhưng họ không bán những thứ mình cần, như thẻ điện thoại để gọi về Việt Nam, không phải mua cho mình, nhưng mua để lì xì cho các Sơ và các thầy trong dịp tết, bởi vì các Sơ các thầy qua Taiwan để học hoặc qua truyền giáo nên rất muốn gọi điện về thăm nhà, lì xì cho họ thẻ điện thoại thì họ rất thích, năm nào mình cũng lì xì kiểu này. Chưa có quán hàng bán lẻ nào mở cửa khai trương, thế là mình đi dạo một vòng rồi về nhà, dự định nhờ những người quen biết mua dùm.

Mồng hai tết ngoài đường xe cộ vẫn còn ít, có lẽ người ta đổ xô về miến nam, đến những chỗ vui chơi, vì thời tiết mấy ngày xuân rất đẹp, cho nên không ai muốn ở nhà cả.

4.
Vì ngày mồng ba tết là Lễ Tro, cho nên hôm nay mình không đi đâu cả, chỉ ờ nhà để chuẩn bị trang hoàng cung thánh cho ngày lễ tro. Buổi chiều có một vài giáo dân đến nhà thờ giúp mình treo màn, dán hình và dọn dẹp không khí tết trên cung thánh giáo dân để bước vào mùa chay thánh.

Đang trang trí nhà thờ thì có một bà giáo dân đến viếng Chúa, mình hỏi đùa với bà là có về nhà cha mẹ không, bà cười nói con cái phải về nhà mình chứ. Sau đó bà nói mình tại sao đầu năm mới không đi đâu cả, chưa đến nhà bà để ăn một bữa cơm với gia đình con cái, mình trả lời là có khi nào bà thấy mình đi ăn cơm tại nhà giáo dân không, những giáo dân giúp mình trang hoàng nhà thờ đều cười, vì chưa bao giờ mình đến nhà giáo dân ăn cơm, dù cưới hỏi, dù đám ma, và giáo dân trong xứ đều biết điều ấy, cho nên bà chỉ hỏi và cười mà thôi...

Rồi mồng hai tết cũng qua đi, những ngày xuân rồi cũng qua đi trong lặng lẽ, và con người cũng vội vàng chuẩn bị cho công việc của đầu năm mới...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Nhật ký đầu XUÂN CON KHỈ



NHẬT KÝ ĐẦU XUÂN CON KHỈ

1.
Hôm nay ngày đầu xuân –mồng 1 tết- giáo xứ Mucha (Phục Sinh) của mình theo thông lệ hằng năm thánh lễ Minh Niên là 10 giờ sáng, mình có nhiều thì giờ để làm việc. Hôm nay trời nắng đẹp, nhưng thời tiết lạnh 8 độ C, ngồi trong phòng mà vẫn thấy lạnh...Đúng 9:30 giờ thì nhà thờ đã có người đến, ca đoàn tập hát lễ, giáo dân mặc áo màu đỏ truyền thống của sự vui vẻ và may mắn đang chào nhau bằng câu “năm mới vui vẻ新年快樂” “vạn sự như ý萬事如意”.v.v...

Nhà thờ hôm nay đi lễ đầu năm rất đông, như ngày lễ chúa nhật, cứ mỗi năm cử hành lễ đầu năm là mình nhớ lại lời của một linh mục trước đây đã giúp cho giáo xứ này đã nói: giáo xứ này ngày lễ Minh Niên tớ đếm được chỉ có 3-4 người già đi lễ. Câu nói này đã làm ám ảnh mình và không đúng sự thật, bởi vì từ ngày mình quản nhiệm giáo xứ này (2 lần) cho đến hôm nay thánh lễ minh niên giáo dân đi chật cả nhà thờ và rất vui vẻ, không phải chỉ người già mà cả thanh nien trẻ em cũng đi lễ, như thế thì biết rằng, giáo dân –bất kỳ ở đâu- cũng đều coi trọng thánh lễ của ngày đầu năm, bởi vì theo sự tuin tưởng của họ, vạn sự tốt lành đều ở trong thánh lễ đầu năm này.

2.
Trong thánh lễ, mình chia sẻ với giáo dân, ý chính như sau:
Hôm nay là ngày đầu năm, ngày xuân, ngày của sự sống, ngày của vui vẻ, ngày của yêu thương, ngày mà anh chị em tránh nói những lời nói mất hòa khí, ngày mà anh chị em không phê bình tha nhân, ngày mà anh chị em dễ dàng bỏ qua những sai sót của người khác, dễ dàng tha thứ cho con cái không đánh mắng chúng nó.v.v...bởi vì hôm nay là ngày têt. Ước gì mỗi ngày đều là ngày tết, không phải để nhậu nhẹt vui đùa, nhưng là để yêu thương và tha thứ như lòng tha thứ và thương xót của Chúa trong năm thánh này...”
Sau thánh lễ là phần thắp nhang kính nhớ tổ tiên, ở Taiwan không như ở Việt Nam chúng ta là ngày mồng một tết tạ ơn Chúa, mồng hai tết kính nhớ tổ tiên và mồng ba là thánh hóa công ăn việc làm.
Phần kính nhờ tổ tiên gồm một bài đọc trong sách Huấn Ca, lời nguyện, đốt pháo, dâng hoa, dâng quả và dâng rượu, sau đó là trước bài vị tổ tiên lạy ba lạy theo truyền thống của người Trung Hoa.
Nghi thức kính nhờ tổ tiên kết thúc, thì đến phần hái lộc thánh, hái lộc thánh là do mình khởi xướng từ khi mình làm cha sở ở họ đạo này, và trở thành thói quen đẹp của giáo xứ. Lộc thánh gồm một phong bì màu đỏ, trong phong bì có một tấm hình với hình ảnh cung thánh nhà thờ, đó là logo năm thánh Lòng Thương Xót và tượng Chúa Phục Sinh, trên đó ghi một câu Lời Chúa kèm theo đồng tiền kẽm mệnh giá 10 đồng (với ý nghĩa thập toàn thập mỹ十全十美), mọi người từ cha sở đến giáo dân sắp hai hàng lên hái lộc thánh, mọi người rất vui vẻ và ai ai cũng trân trọng lộc thánh của mình, có người lấy dùm cho người nhà không đi lễ được, mọi người trước khi ra về đều chúc nhau năm mới vui vẻ và –theo tuyền thống- lấy một vài cái kẹo mà ban phụng vụ đã bỏ sẵn nơi cửa nhà thờ đem về nhà để lấy hên, gọi là cha sở chúc mừng năm mới giáo dân...

3.
Ai nấy đã về nhà vui xuân với gia đình, nhà thờ vắng lặng chỉ còn lại mình, mình đi ra ngoài đường để coi người ta vui xuân -ngoài trời vẫn còn lạnh, mặc dù đã 12:00 giờ trưa- nhưng ngoài đường vắng lặng, khác với những ngày trước tết ồn ào xe cộ, người chen nhau đi mua sắm tết, hôm nay đường sá yên ắng, một vài người đi bộ hối hả, có lẽ vì trời lạnh, thỉnh thoàng có một vài chiếc xe máy chạy qua rồi để lại không gian yên ắng cô đọng của ngày têt.
Mình đi một vòng khắp phố xá quan khu vực nhà thờ thì thấy hàng quán đóng cửa, nhà nhà đóng cửa, ít người đi lại ngoài đường, có lẽ người ta đi chơi xuân hoặc nằm ngủ ở nhà để bù lại những tháng ngày trong năm làm việc mệt nhọc...

4.
Mình lái xe qua sở thú (từ nhà xứ qua đó chỉ 5 phút lái xe), một cảnh tượng trái ngược với không gian của phố xá khu vực nơi mình ở, nơi sở thú kẹt xe, bãi đổ xe đã đầy, người người đi bộ, nhìn đâu cũng là người, đủ loại màu áo quần sặc sở, bởi vì người ta đi chơi ở sở thú, có cầu treo trên không, không gian đẹp, nhìn mới biết là con người ta sau một năm lao độngnhu cầu tinh thần rất cao, ai cũng ra khỏi nhà mình, không về nam thì lên bắc, không ở điểm vui chơi này thì ở điểm vui chơi khác...
Đài phát thanh thông báo là tất cả đường cao tốc đều kẹt xe, và khuyên người dân trước khi ra khỏi nhà lái xe đi vui xuân thì hãy nghiên cứu bản đồ của cục giao thông trên mạng, bởi vì trên đó hướng dẫn về nam thì nên đi cao tốc nào, lên bắc thì chạy xa lộ nào, tất cả đều chuẩn bị tính toán kỷ để người dân khỏi phải cực nhọc vì kẹt xe.
Mình tìm không được chỗ đậu xe nên đành lái về nhà cho khỏe.

5.
Bây giờ là 4:00 giờ chiều mồng một tết, mình lái xe ra ga xe lửa ở Taipei để coi ở đây người ta có đông không, trên đường xe cộ ít, nhưng khi qua phố Tây Môn Đinh thì người rất đông, toàn là thanh niên thiếu nữ đi chơi tết, đây là chỗ mua sắm của thanh niên nam nữ, là nơi mà các bạn trẻ ưa tới để vui chơi hoặc mua sắm, nơi đây không biết từ lúc nào đã trở thành khu mua sắm của giới trẻ, hôm nay người trẻ lại càng đông hơn, các anh cảnh sát giao thông rất mệt nhọc để điều khiển các loại xe đi cẩn thận kẻo tông người đi bộ...

Đến không được thì tìm đường khác lái xe về vậy...
Về đến nhà thì vẫn tiếp tục công việc đang làm, tết với mọi người thì là đoàn viên gia đình, nhưng với những người truyền giáo như mình thì tất cả đều là phó thác và hồng ân...

Ngày đầu năm mới sắp qua đi, trên facebook người ta đưa lên nhiều hình ảnh tại Việt Nam đón tết, trong đó có những bài viết về nỗi buồn của những người bán mai bán đào và bán hoa trước tết; người ta cũng đưa lên những cảnh sinh hoạt của giáo xứ này giáo xứ nọ mừng xuân, chúc tết nhau thật gần gủi thân thương.v.v...khoa học đã làm cho mọi người gần gủi nhau hơn để chia sẻ niềm vui nỗi buồn...của ai đó trên mạng.

Ngày đầu năm mới sẽ kết thúc khi người ta lên giường nằm ngủ, và sáng mai thức dậy người ta lại có niềm vui vì thấy mùa xuân vẫn còn ở với mình, mồng hai Tết...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Chúa nhật 5 thường niên



CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 5, 1-11
“Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”.

Anh chị em thân mến,
“Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”[1] có thể nói đây là câu tuyên xưng đức tin đầu tiên của thánh Phê-rô khi ngài tin tưởng vào Đức Chúa Giê-su để mà thả lưới.

Vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào, quả thật rất dễ nổi quạu nếu có một ai đó đến thúc giục chúng ta tiếp tục thả lưới, mệt đứ người nhưng thánh Phê-rô cũng nghe lời của Đức Chúa Giê-su để mà thả lưới và kết quả thật không ngờ: cá quá nhiều đến nỗi các ngài phải nhờ những thuyền chài bạn đến giúp đỡ...

Cuộc sống làm tông đồ của người Ki-tô hữu cũng giống như cuộc thả lưới của thánh Phê-rô đầy gian khổ nước mắt và có khi cũng đầy máu, nhưng nếu chúng ta bỏ cuộc, nếu chúng ta cứ ỷ lại vào sức riêng mình thì chúng ta cũng sẽ vất vả khi có nhiều người chống đối, khi có nhiều người coi thường đạo giáo của mình và thậm chí bắt bớ và sát hại mình...

“Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” lưới của chúng ta không bằng dây cước hay bằng sợi ny lon, nhưng được dệt bằng những gương sáng mà chúng ta thực hiện cho tha nhân: phục vụ anh chị em, thăm viếng bệnh nhân, an ủi những người cô đơn... đó chính là những mắt lưới rất sít sao với Tin Mừng để bắt được các loại cá giữa bể trần gian này.

Mệt lắm, nhưng vâng lời Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta không nản lòng bỏ cuộc, bởi vì chính Đấng đã trở thành ngư phủ đầu tiên đầy quyền lực và tình yêu đang thúc giục chúng ta tiếp tục thả lưới trong đau khổ và trong thất bại, bởi vì khi chúng ta thực hiện thánh ý Chúa qua hoàn cảnh của cuộc sống thì sự thành công bắt đầu khai hoa rồi vậy.

Anh chị em thân mến,
Tôi đề nghị với anh chị em như thế này: mỗi ngày trước khi ra khỏi nhà để đi làm việc, đi đến trường học hay đi chợ, đi shooping thì chúng ta hãy nói với Chúa như thế này: “Vâng lời Chúa, con sẽ thả lưới” có nghĩa là ngày hôm nay chúng ta sẽ vì Chúa mà phục vụ tha nhân, ăn nói nhỏ nhẹ với người mình không thích, giúp đỡ những người thiếu thốn hoặc làm tất cả những gì phù hợp với đức ái cho mọi người, đó chính là cách thả lưới bắt cá của chúng ta, và nơi chúng ta thả lưới không phải là sông ngòi, nhưng là nơi công sở, nơi trường học, nơi chợ búa, nơi siêu thị và ngay trong gia đình của chúng ta.v.v...

Nếu mỗi người chúng ta làm được như thế thì chắc chắn –với ơn Chúa giúp- chúng ta sẽ bắt được nhiều “cá người” về cho Chúa vậy.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Lc 5, 5b.

Chúa nhật 4 thường niên



CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 4, 21-30
“Như các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa, Đức Giê-su không phải chỉ được sai đến với dân Do Thái mà thôi.”

Anh chị em thân mến,
Khi chúng ta có người thân từ ngoại quốc về thì láng giềng hàng xóm có hai thái độ: một là vui vẻ tiếp đón như người làng thuở xưa, hai là thờ ơ lạnh nhạt và có khi khinh bỉ, vì biết rõ lý lịch của người ấy trước đây không ra gì khi còn ở trong làng xóm mình. Đức Chúa Giê-su cũng lâm vào hoàn cảnh như thế khi Ngài trở về quê hương...

Đức Chúa Giê-su không phải là đứa con đi hoang trở về, Ngài cũng không phải là người tội lỗi hối cải ăn năn trở về, nhưng Ngài là một thành viên trong làng xóm về thăm quê nhà sau những năm tháng đi xa, cuộc trở về của Ngài đáng lẽ phải là một niềm vui cho làng xóm mới phải, nhưng vì thành kiến, vì kiêu ngạo và vì mặc cảm mà người làng đã từ chối tình cảm chân thành của Ngài dành cho họ, và như thế là họ khước từ luôn cả ơn cứu độ mà Ngài đem đến cho họ.

Chắc chắn những người khước từ Đức Chúa Giê-su không phải vì ghét Ngài hay thù oán với Ngài hoặc gia đình của Ngài, nhưng là vì thành kiến đã làm cho mắt họ mờ đi không nhận ra được tình cảm thân thương mà Đức Chúa Giê-su đã dành cho họ, và như thế họ trở nên người xa lạ với Đấng đã đến không phải để luận phạt, nhưng là để cứu chữa...

Thái độ vui vẻ đón tiếp là nói lên tính cách của một con người lịch sự và hiểu biết, những người này chính là những con người yêu chuộng và thích kiến tạo hoà bình: hoà bình trong tâm hồn của chính họ, hòa bình trong làng xóm, trong cộng đoàn của họ, bởi vì phúc cho những ai có tâm hồn hoà bình, vì họ là những người được gọi là con của Thiên Chúa.

Thái độ từ chối là bày tỏ một tâm hồn ghen ghét và kiêu ngạo, bởi vì chỉ có những ai có tâm hồn ghen ghét và kiêu ngạo mới đành lòng khước từ một tình cảm chân thành, và một sự thật quá rõ ràng khi mà hết mọi người đều ca tụng và thán phục.

Anh chị em thân mến,
Tâm hồn của anh chị em và tôi là đền thờ của Thiên Chúa, và nói được là quyền sở hữu của Ngài, thế nhưng khi Ngài đến thì chúng ta từ chối đón tiếp Ngài, chúng ta cười nhạo Ngài là “Thiên Chúa xa vời thực tế” không giúp ích gì được cho mình khi mà cuộc sống mình cứ lao đao lận đận; chúng ta cũng đã nhiều lần khước từ “những Giê-su con bác thợ mộc” nghèo nàn đến xin chúng ta giúp đỡ vì gia đình họ đang gặp khó khăn...

Khi chúng ta thành tâm yêu mến rước Đức Chúa Giê-su Thánh Thể vào trong tâm hồn của mình, thì chúng ta cũng nên thành tâm giang tay đón nhận mọi anh chị em -bất kể họ là ai, nghèo hay giàu- khi họ cần đến chúng ta, đó chính là tiếp đón Đức Chúa Giê-su vậy.

Gợi ý :
1. Tâm trạng của anh chị em thế nào khi bị người ta từ chối chê bai giữa đám đông ?
2. “Tiếp đón tha nhân” là một niềm vui, anh chị em có vui không, khi tiếp đón một người nghèo bệnh hoạn ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Chúa nhật 3 thường niên



CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 1, 1-4 ; 4, 14-21
Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Anh chị em thân mến,
Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một thói quen tốt, thói quen này có thể do điều luật quy định, cũng có thể do luật bất thành văn của làng họ quy định, và cũng có thể do thói quen của từng cá nhân hoặc của gia đình mà có.

Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay cũng có một thói quen tốt, thói quen tốt của Ngài là đến hội đường vào những ngày hưu lễ, để nghe đọc sách các tiên tri loan báo về Đấng cứu độ sẽ đến, nhưng hôm nay Ngài lại được mời công bố Lời Chúa trong thánh kinh cho mọi người nghe.

1.     Thói quen biểu lộ cá tính và nhân cách của con người ta.
Thói quen của kẻ lường gạt, ăn cướp là ngập ngừng và láo liên con mắt đảo qua đảo lại khi đến một nơi nào đó; thói quen của người thích sưu tầm thì đến bất cứ đâu cũng đều tò mò coi nhìn hỏi han cho biết sự việc; thói quen của tình yêu vô vị lợi là giúp đỡ và phục vụ tha nhân; thói quen của người Ki-tô hữu là cầu nguyện, làm việc bác ái.v.v... và còn rất nhiều thói quen tốt lành khác mà khi chúng ta thực hành, thì người khác sẽ nhìn thấy Đức Chúa Giê-su trên con người của chúng ta.

Đức Chúa Giê-su đã không ngần ngại tuyên bố với tất cả những người hiện diện trong hội đường: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”[1]( Lời Chúa4, 21). Ngài mạnh dạn tuyên bố lời kinh thánh đã ứng nghiệm nơi Ngài, bởi vì mục đích của Ngài đến trần gian là để cứu chữa những gì đã bị huỷ hoại do tội gây ra, là để an ủi những người đang bị người đời bỏ rơi, là để làm cho tâm hồn con người được ấm lên tình yêu thương đồng loại, qua việc đón tiếp và phục vụ những người mà xã hội cho là bất trị. Tóm lại, Đức Chúa Giê-su đến để cứu chuộc nhân loại, và qua hành động này đã bày tỏ cho nhân loại được biết Ngài chính là Thiên Chúa làm người.

2.     Thói quen tốt sẽ phản ảnh lại khuôn mặt của Đức Ki-tô nơi người tín hữu.
Bởi vì chỉ có tâm hồn méo mó tội lỗi mới làm cho khuôn mặt của Đức Ki-tô trở nên méo mó nơi người tín hữu mà thôi. Không một người Ki-tô hữu nào lại không biết đến Đức Chúa Giê-su, nhưng không phải mọi tín hữu đều có thói quen thực hành những công việc mà Đức Chúa Giê-su đã làm: giúp đỡ người nghèo, tha tội cho cho tội nhân, chữa lành bệnh tật và hy sinh mạng sống cho người mình yêu.

Thói quen của người Ki-tô hữu trong một xã hội đầy những gian dối này là thành thật; thói quen tốt của người Ki-tô hữu trong một xã hội mà người ta chỉ biết hưởng thụ cho cá nhân mình là dấn thân phục vụ tha nhân...

Tất cả những thói quen ấy đều phản ảnh lại khuôn mặt hiền dịu của Đức Chúa Giê-su trên con người của bạn và của tôi, và khi chúng ta đã làm được như thế thì chúng ta cũng sẽ tuyên bố với mọi người như Đức Chúa Giê-su: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”[2].

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa và không cần đến thói quen tốt bởi vì Ngài vốn là Đấng chân thiện mỹ và thánh, nhưng trong thân phận bản tính con người Ngài cũng có những thói quen tốt, thói quen này được học hỏi nơi mẹ của Ngài là Đức Ma-ri-a dạy bảo, được học hỏi nơi thánh cả Giu-se và nơi các kinh sư cũng như các thầy thông luật, Ngài được dạy dỗ phải đến hội đường vào ngày hưu lễ, phải siêng năng suy gẫm và đọc thánh kinh, cho nên Ngài đã trở thành mô phạm cho chúng ta bắt chước noi theo...

Hãy làm gương sáng, hãy tập làm thói quen tốt để dạy dỗ con cái có thói quen tốt, hãy tập làm các việc lành để hướng dẫn người khác thực hành điều tốt, đó chính là phản ảnh lại hình ảnh Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống của chúng ta vậy...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 



[1] Lc 4, 21.
[2] Lc 4, 21.

Chúa nhật 2 thường niên



CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN
( Năm C )

Tin Mừng : Ga 2, 1-11
“Chúa Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê.”

Anh chị em thân mến,
Phép lạ đầu tiên mà Đức Chúa Giê-su đã làm khi Ngài công khai rao giảng tin mừng Nước Trời chính là phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na, mà thánh Gioan đã tường thuật cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, tôi xin chia sẻ với bạn hai ý suy niệm sau đây:

1. Có Chúa hiện diện là niềm vui của con người.
Đức Chúa Giê-su hiện diện trong tiệc cưới ở làng Ca-na là một biến cố, biến cố này chỉ xảy ra sau khi Ngài làm phép lạ biến nước trở thành rượu ngon, để kéo dài niềm vui và cứu cho chủ nhà của chàng rể một phen hú vía vì rượu đã hết.

Chúa hiện diện trong gia đình chúng ta, cứu giúp chúng ta khỏi những ưu phiền và đem lại niềm vui cho mỗi người, như Ngài đã hiện trong tiệc cưới tại làng Ca-na, chúng ta hãy mời gọi Ngài đến trong nhà chúng ta để tình yêu giữa cha mẹ và con cái càng thêm nồng nàn vì có “rượu tình yêu” là chính Ngài ban cho.

Chúa hiện diện trong cuộc sống của bạn và tôi, với biết bao là vất vả khó khăn, với biết bao là chán chường và đau khổ, chính Ngài, với lời mời ân cần của chúng ta, Ngài sẽ đến để đem lại niềm vui cho chúng ta, niềm vui của Ngài sẽ bất tận và lây lan cho người khác khi chúng ta đã có niềm vui của Ngài.

Đường đời bạn và tôi đi nếu mà có Chúa cùng đồng hành hiện diện thì quả là hạnh phúc, bởi vì khi Ngài hiện diện thì đồng thời bình an cũng hiện diện và vui tươi cũng có mặt, làm cho đường chúng ta đi trở nên gần hơn, và chúng ta cũng trở nên gần gủi với tha nhân hơn.

2. Mọi người vui vẻ khi có chúng ta hiện diện.
Là con cái của Thiên Chúa, là môn đệ của Đức Ki-tô và là anh em của mọi người, bạn và tôi cũng cùng theo Đức Chúa Giê-su đi dự tiệc cưới như các tông đồ xưa, nhưng tiệc cưới mà chúng ta tham dự đây không phải là ở làng Ca-na, nhưng là ở nơi đâu có chúng ta, thì ở đó là một bàn tiệc của sự vui vẻ, thân ái và phục vụ...

Đức Chúa Giê-su đã hiện diện trong tiệc cưới và mọi người đã trở nên vui vẻ vì rượu được uống no say. Bạn và tôi hiện diện và mang lại vui vẻ hân hoan ở những nơi mà đau khổ đang như một cuồng phong thổi tan nát cuộc sống tinh thần và vật chất của tha nhân: nơi những trại phong cùi, nơi những trại giáo huấn trẻ bụi đời, nơi những trại cai nghiện ma túy, nơi những trại mồ côi và nơi phục hồi nhân phẩm của các cô gái lỡ lầm.v.v...

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã mở đầu việc rao giảng tin vui Nước Trời bằng việc làm cho nước hóa thành rượu, và kết thúc bằng việc hiến tế chính bản thân mình trên Thánh Giá, và kéo dài mãi cho đến ngày tận thế trong bí tích Thánh Thể trên các bàn thờ...

Nước biến thành rượu,
nỗi buồn biến thành niềm vui,
đau khổ biến thành hân hoan,
thất vọng biến thành hy vọng,
là những điều mà chúng ta sẽ làm được, khi chúng ta biết đồng hành cùng Đức Chúa Giê-su đi tham dự tiệc cưới Nước Trời trong thánh lễ, bởi vì nơi đây rượu đã biến thành Máu Thánh và bánh miến biến thành Mình Thánh của Ngài làm của nuôi linh hồn của chúng ta.

Đó chính là niềm vui và hy vọng của Đức Chúa Giê-su ban cho chúng ta, mà mọi người nhìn thấy nơi con người chúng ta vậy !


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.