Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Chúa nhật 17 thường niên

 


CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Gn 6, 1-15
“Đức Chúa Giê-su cầm lấy bánh, rồi phân phát cho những người hiện diện, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su là Đấng hay thương xót, Ngài chạnh lòng thương vì thấy dân chúng đói khát khi đi theo nghe Ngài giảng dạy, với năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, Ngài đã nuôi hơn năm ngàn người ăn, một phép lạ với một ý nghĩa đặc biệt mà Đức Chúa Giê-su đã làm, để hướng dẫn chúng ta đến phép lạ vĩ đại hơn: phép lạ của bí tích Thánh Thể.

1. Lương thực phần xác.
Ngày hôm nay Đức Chúa Giê-su không hiện diện bằng thân xác để dạy dỗ và làm các phép lạ, nhưng Ngài đã trao quyền này lại cho các tông đồ, và các tông đồ đã trao quyền này lại cho các giám mục và các linh mục, quyền thay mặt Ngài để giáo huấn, cai quản và thánh hóa; Ngài không hiện diện bằng thể lý để làm phép lạ cho người đói ăn người khát uống, nhưng Ngài hiện diện trong chính chúng ta, thúc đẩy chúng ta thực hành đức ái với tha nhân...
Con người ta ai cũng có một quả tim bằng thịt, bởi vì bằng thịt nên nó biết chạnh lòng trước những đau khổ của tha nhân và của anh chị em; quả tim này biết xót xa trước những cảnh trái ngang cuộc đời của con người; quả tim này, bởi vì nó được cấu tạo bằng thịt và máu, cho nên nhịp đập của nó càng nhanh hơn khi đứng trước những cảnh đói nghèo của tha nhân.
Một em bé, năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ là hình ảnh rất sống động cho đức tin của chúng ta, và cho tình thương bác ái của chúng ta đối với anh chị em đang sống trong nổi bất hạnh nghèo đói. Chỉ là một em bé nhưng lòng quảng đại thì rất lớn biết chia sẻ với mọi người, chỉ năm chiếc bánh và hai con cá nhưng đã biến thành hơn năm ngàn khẩu phần cho hơn năm ngàn người ăn no nê.
Ngày hôm nay tinh thần quảng đại của em bé vẫn ở trong chúng ta khi chúng ta “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”, mỗi một người trong chúng ta đều trở nên một em bé ngày xưa ấy, đem khẩu phần ăn mà mình có được chia sẻ với tha nhân, với người nghèo bất hạnh, thì phép lạ bánh hoá nhiều sẽ tái diễn ngay trong xã hội này. Chỉ cần mỗi người một tấm lòng bác ái, mỗi ngừơi một chén cơm, mỗi người một đồng bạc, cả thế giới đều như thế thì không những chỉ có năm ngàn người ăn mà là cả triệu triệu người được ăn no nê. Đó chính là phép lạ của tình yêu liên đới trong Đức Chúa Giê-su, đó là phép lạ giữa tình người với nhau, và hơn nữa đó chính là Đức Chúa Giê-su hoá thân trở thành chúng ta để chăm lo cho mọi người.

2. Lương thực phần hồn
Mỗi ngày phép lạ bánh hoá nhiều đều diễn ra trong thánh lễ trên bàn thờ, chỉ một tấm Bánh nhưng nuôi sống linh hồn cả tỉ người trên mặt đất, một phép lạ vĩ đại làm cho các thiên thần hết sức cung kính và thờ lạy khi linh mục đọc lời truyền phép “Này là Mình Thầy...Này là Máu Thầy...”
Càng kinh khiếp hơn khi phép lạ này được thực hiện bởi tay người phàm, bởi tay những con người tội lỗi bất toàn, đó là các linh mục của Đức Chúa Giê-su.
Mỗi ngày chúng ta đều được ăn no nê bánh bởi trời, bánh này là do hoa màu ruộng đất, do lao công của con người mà có, nhưng nhờ sự chết và sống lại của Đức Chúa Giê-su, nhờ quyền năng Thánh Thần, đã trở nên lễ vật hiến tế tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa Cha và trở nên của ăn uống nuôi sống linh hồn chúng ta. Nơi bí tích này, chúng ta được bồi dưỡng thân thể và linh hồn, để chúng ta tiếp tục sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng ta là “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”.
Ai coi thường bí tích Thánh Thể và ai không muốn tham dự Bánh Hằng Sống thì không có sự sống của Đức Chúa Giê-su trong mình, và đương nhiên họ cũng không thể nào nhìn thấy Ngài trong người anh em bất hạnh, và càng không thể trở thành người thay mặt Chúa mà ban phát cóm bánh cho tha nhân, cho người bất hạnh.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang sống trong một xã hội phồn vinh về vật chất, nhưng tinh thần Ki-tô giáo thì quá nghèo, cho nên chúng ta chưa thấy chạnh lòng trước những đau khổ của tha nhân, trong thánh lễ này, xin Chúa ban cho chúng ta có tâm hồn quảng đại để sống như Chúa dạy: yêu tha nhân như chính mình, để mỗi lần chúng ta tham dự tiệc thánh thiên quốc, đều nhìn thấy rõ những nhu cầu của tha nhân mà giúp đỡ.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


46.          VÁ CÁI LƯỚI TRÙM ĐẦU

Người nọ có cái lưới để để bao bối tóc nhưng bị rách, có người khuyên ông ta nên đi vá lại.

Người nọ bèn đi mời thợ may đến, sau khi an vị thì lấy tay chỉ cái lưới trùm trên đầu ra cho người thợ sửa, thợ may kêu ông ta lấy xuống, ông ta nói:

-         “Nếu lấy xuống thì nó sẽ đứt tán loạn sao ?”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 46:

Muốn sửa áo quần thì phải cởi ra đưa cho thợ may, muốn sửa cái lưới bối tóc trùm đầu hoặc sửa bất cứ thứ gì thì cũng phải cởi ra và đưa cho người thợ sửa, không muốn cởi ra để sửa thì dù có muốn sửa thì sửa cũng không được.

        Muốn sửa chữa một tật xấu hay một khuyết điểm thì cũng phải “cởi ra”, tức là phải xác định cái tật xấu của mình và quyết tâm sửa chữa.

        Có những người Ki-tô hữu khi vào tòa xưng tội, tức là muốn sửa chữa và làm lại cuộc sống của mình, nhưng không muốn “cởi tội” của mình ra cho cha giải tội biết, họ sợ cha giải tội biết tội của mình, họ sợ mắc cở với cha giải tội, họ sợ xưng tội lâu thì bị người khác nói là mình tội nhiều, cho nên họ vẫn giấu tội của mình mà không xưng ra. Và thế là họ không được tha tội khi ra khỏi tòa xưng tội.

        Không cởi áo ra thì không thể nào sửa áo được, không cởi cái lưới trùm đầu ra để sửa thì cái lưới cũng vẫn là cái lưới rách. Không thành tâm thú tội và không thành thật xưng tội thì tội sẽ chồng chất thêm tội mà thôi, và như thế cuộc sống thiêng liêng của họ cũng vẫn là cuộc sống đầy những bất an, ray rứt mà thôi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


45.          CHỦ XỊ GÙ LƯNG

Có một anh gù lưng đi dự tiệc, thản nhiên đi lên ngồi bàn trên.

Sau khi khách khứa đến đầy đủ thì anh gù cảm thấy trong bụng không yên tâm, nên khiêm nhường xê dịch xuống bên đầu bàn.

Khách nói:

-         “Đại thúc gù, xin mời ngồi ở bàn đầu, cháu trai侄輩[1] đâu dám vượt quá địa vị”.

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 45 :

        Cái hay và đáng phục nhất của người khiêm tốn là biết sửa chữa mình khi thấy mình làm sai; cái đáng ghét nhất của người kiêu ngạo là thấy mình sai mà không chịu sửa sai, sáng và tối là ở đó vậy !

        Ở đời, có người dùng cái học thức của mình để chế nhạo và khinh dễ người khác vì họ thật thà chất phác; lại có người thích dùng cái ma giáo thủ đoạn để chế giễu người hiền lành, nhưng Thiên Chúa là Đấng luôn bênh vực những người đơn sơ thật thà và cô thế cô thân...

        Chữ nghĩa đầy mình nhưng đem chữ nghĩa để chơi xỏ anh em, thì chữ nghĩa sẽ trở thành bản cáo trạng tố cáo mình trước mặt Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chính là Đấng đã làm cho chữ nghĩa có giá trị khi tạo dựng con người và vũ trụ.

Dùng chữ nghĩa để chế giễu tha nhân là một hành động xấu xa, và sẽ trở thành độc ác khi dùng chữ nghĩa để chửi rủa anh em chị em của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chữ “cháu trai侄輩” phát âm tiếng Hoa là  “zhi bei”, chữ “lưng thẳng直背” cũng phát âm là “zhi bei”, đồng âm khác nghĩa, người khách chơi chữ với anh gù...

 

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


44.          QUỲ MƯỢN BẠC

Có một người mượn bạn bè tiền để tham gia hội ngân[1], bạn bè từ chối không tham gia, nói:

-         “Nếu anh muốn tôi cho mượn tiền, chỉ có cách là quỳ xuống trước mặt tôi đây”.

Người mượn tiền liền quỳ xuống và người bạn ấy cho mượn tiền. Người bên cạnh nhìn thấy thì cười nhạo nói:

-         “Một chút tiền rồì cũng sẽ trả cho anh ta, tại sao lại coi thường chính mình vậy ?”

Người mượn tiền trả lời:

-         “Tôi sẽ không lỗ vốn, từ nay trở đi lúc anh ta đến đòi tiền, thì sẽ có nhiều ngày quỳ lạy tôi mà !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 44:

        Mượn một ít tiền còm mà cũng cúi đầu quỳ lạy thì rõ là người hèn hoặc quá túng thiếu; cho mượn một chút tiền mà bắt người ta phải quỳ lạy là một người thất đức.

        Người đời hay phán đoán việc làm bên ngoài của người khác để rồi chê hoặc khen, nhưng người Ki-tô hữu thì luôn để sự phán đoán này cho Thiên Chúa, còn họ thì chỉ biết cầu nguyện cho anh chị em mình mà thôi.

Người khác thấy người hèn hạ thì khinh và thấy người sang thì trọng nể, nhưng trong con mắt của người Ki-tô hữu thì tất cả mọi người đều đáng được yêu mến và tôn trọng như nhau, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su đã đổ máu và cứu chuộc tất cả mọi người không trừ một ai.

Quỳ xuống lạy để mượn một ít tiền –đôi lúc- cũng là một mưu mô của họ nên không đáng trách, nhưng quỳ xuống lạy đầu hàng ma quỷ và chước cám dỗ, thì không những đáng trách mà còn là một sự nhục mạ Thiên Chúa của người Ki-tô hữu...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Cách thức cùng nhau mượn tiền tạm thời của người xưa.

 

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 43.          GIA THUỘC ĐÁNH RẮM

Quan sứ đang ngồi trên công đường làm việc, đột nhiên trong đám thủ hạ gia thuộc có người đánh rắm . Quan sứ nói:

-         “Cái gì kêu vậy, mau cầm đến đây”.

Sai dịch đến trước đàn báo cáo:

-         “Lão gia, cái ấy cầm không được ạ !”

Quan sứ giận dữ nói:

-         “Mày không nên giả dối làm theo ý riêng, che chở tội phạm, nhất định phải thay ta cầm đến đây.”

Tên sai dịch bất đắc dĩ phải dùng giấy đi hốt bãi phân báo cáo:

-         “Chính phạm đã đào tẩu rồi, thôi thì bắt tất cả gia thuộc ở đây, xin lão gia xét đoán !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 43:

        Ở đời, con người ta nếu có quyền thì tự nhiên có một cái gì đó oai oai làm cho người khác phải nể nang, đó là vì con người ta sống có tôn ti trật tự và tôn trọng chức vụ lẫn nhau, đó là điều đáng mừng. Nhưng, cái không vui của con người là khi người có quyền, có chức vụ lại không lấy đó làm niềm vinh dự để khiêm tốn phục vụ cho có tình người, nên vẫn cứ hống hách với người khác.

        Người có chức quyền mà không khiêm tốn thì hống hách bắt nạt người khác cách vô cớ để tỏ quyền uy của mình; người có chức quyền mà không khiêm tốn thì khiến cho người khác phải kính nhi viễn nhi mà không muốn đến gần, do đó mà có lúc trở thành cô đơn; người có chức quyền mà không có khiêm tốn thì là một quả bom không định giờ muốn nổ tung lúc nào cũng được, trước tiên là làm hại những người gần mình, sau đó là làm hại những người chung quanh.

        Người Ki-tô hữu luôn được học biết rằng: chức vụ là Thiên Chúa ban cho mình để phục vụ và để làm sáng danh Ngài, cho nên khi có chức vụ, có quyền thì họ luôn khiêm tốn, vui vẻ, chân tình phục vụ tha nhân và làm sáng danh Thiên Chúa qua chức vụ của mình.

        Hống hách, hạch họe là những từ xa lạ với người Ki-tô hữu có quyền và có chức vụ, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã sống và đã dạy như thế khi Ngài nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 26b. 27).

Hòa bình, yêu thương, phục vụ, hợp tác đều bởi đó mà ra !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


42.          KHĂN TRÙM ĐẦU CỦA ÔNG CHỦ NHÀ GIÀU

Ông chủ đất giàu có lấy cái khăn trùm đầu của mình và kêu người chăn trâu đem đi phơi nắng, người chăn trâu đem cái khăn móc trên sừng con trâu để phơi.

Con trâu ấy xuống khe suối uống nước, nhìn thấy trên sừng của mình phản chiếu lại cái khăn trùm đầu thì kinh khiếp, cất cao bốn vó phóng chạy.

Người chăn trâu vội vàng đuổi theo, nhìn thấy có người liền hỏi:

-         “Có thấy cái khăn móc trên sừng con trâu không ?”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 42:

        Ở đời, con người ta hơn nhau là do cái trí óc.

        Người có trí thì hỏi có thấy con trâu chạy qua đây không để tìm con trâu, người không trí thì tìm hỏi cái khăn, bởi vì người ta biết con trâu chứ không biết cái khăn móc trên sừng con trâu...

        Mục đích sống ở đời của người Ki-tô hữu là tìm và nhận biết Thiên Chúa là Cha và là Đấng tạo dựng muôn loài, chứ không phải là sống để tìm kiếm những thứ nay còn mai mất, mà thứ nay con mai mất thì giống như cái khăn móc trên sừng con trâu rơi chỗ nào cũng chẳng hay biết.

        Có nhiều người ngoại giáo ngạc nhiên khi nhìn thấy người Ki-tô hữu đầu tắt mặt tối đi tìm kiếm danh vọng vật chất, mà quên đi lễ ngày chúa nhật và tham gia cử hành các bí tích, họ càng ngạc nhiên hơn khi thấy có người Ki-tô hữu cùng với họ đi hỏi chuyện tương lai nơi các ông đồng bà bóng...!?

        Chiếc khăn của ông chủ móc trên sừng trâu không thể quý bằng con trâu, tìm tòi hiểu biết các môn thiên văn địa lý mà không nhận ra Thiên Chúa trong vũ trụ để tìm kiếm Ngài, thì cũng chẳng khác chi bỏ con trâu để hỏi tìm cái khăn.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


41.          TIỄN CHA CẦU QUAN

Có người hỏi người bạn:

-         “Phú ông được phong tước[1] và công tử con quan lão gia, ai sung sướng ?”

Bạn trả lời:

-         “Làm phú ông mà được phong tước thì tuổi tác đã cao, răng rụng rồi, cho nên làm công tử thì sướng nhất.”

Người ấy vội vàng đứng dậy bỏ chạy, người bạn chạy đuổi theo hỏi tại sao, anh ta nói:

-         “Tôi phải đưa phụ thân đi học để cầu quan !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 41 :

        Làm công tử con quan hay làm phú ông được cấp bổng lộc, xét cho cùng thì ai cũng sung sướng cả, bởi vì cả hai đều được hưởng thụ của cải vật chất.

        Làm linh mục, tu sĩ nam nữ, hoặc làm giáo dân thì đều sung sướng cả, bởi vì mọi người đều được hưởng ân sủng của Thiên Chúa như nhau, bởi vì nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta đều trở nên người thừa kế kho tàng ân sủng của Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, có rất nhiều người không muốn gánh vác trách nhiệm của mình, tức là đem trách nhiệm và bổn phận của mình đổ trên đầu người khác để hưởng thụ những cái không xứng đáng với chức vụ của mình, như biến trách nhiệm linh mục của mình thành việc của giáo dân, đem trách nhiệm giáo dân của mình thành trách nhiệm của linh mục, cho nên cuộc sống cứ lẫn lộn trong vòng lẫn quẫn của đam mê...

        Tiễn cha đi học để mình làm công tử, chi bằng tự mình siêng năng học hành để được làm quan có sung sướng hơn không !

        Cứ sống chu toàn bổn phận của mình thì sung sướng và hạnh phúc, hơn là cứ nhìn chức vụ của người khác mà thèm thuồng tiếc rẻ.

Bình an trong tâm hồn là ở đó vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Người già được phong đất phong tước để hưởng thụ.

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

Chúa nhật 16 thường niên



 CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN


Tin Mừng : Mc 6, 30-40.
“Họ như bầy chiên không người chăn dắt...”

Anh chị em thân mến,
Người được sai đi là người được cấp trên tín nhiệm, là người được anh chị em trong cộng đoàn tin tưởng, đó là một vinh dự, một hãnh diện của người được sai đi, vì đó là hoa quả của lòng nhiệt thành, vâng phục và yêu thương của người được sai đi...
Các Tông Đồ đã được sai đi và các ông đã trở về với những thành quả thu gặt được, Đức Chúa Giê-su nghe các môn đệ của mình báo cáo xong, thì Ngài không khen cũng không chê, Ngài chỉ nói: “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.
Hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút là câu nói rất tình cảm của Đức Chúa Giê-su với các môn đệ của Ngài, là câu nói đầy quan tâm và yêu thương của Ngài dành cho các môn đệ sau những ngày vất vả làm việc tông đồ.
Có một số giáo dân rất bức xúc và bực mình khi có các linh mục vịn vào câu nói này để “nhàn du” nơi bãi biển, nơi các khu vui chơi, nơi các ly rượu với bạn bè; họ bức xúc vì có một số giáo phận các cha sở được nghỉ ngơi một ngày trong tuần, thường là ngày thứ hai, trong ngày này điện thoại nhà reo các ngài không nghe, điện thoại di động các ngài không mở, không phải vì các ngài tĩnh tâm cầu nguyện để lấy lại sức, cũng không phải các ngài bị bệnh, nhưng các ngài bận đi chơi, và có khi các ngài ở nhà nhưng không thèm nghe điện thoại, giáo dân muốn mời cha sở đi xức dầu bệnh nhân nhưng tìm không ra các ngài, giáo dân muốn xưng tội hay có chuyện liên quan đến linh hồn cũng không gặp được cha sở, bởi vì các ngài đã trở thành người làm thuê trong sáu ngày và ngày nghỉ là ngày các ngài bị “mất tích”...
Các tông đồ vâng lời Chúa dạy chèo thuyền đi tìm một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, nhưng dân chúng vẫn cứ ùn ùn kéo đến, và các tông đồ không nói: “Đây là giờ nghỉ ngơi của chúng tôi, các ông về đi ngày mai tới lại”, trái lại, Đức Chúa Giê-su chạnh lòng thương họ, và mặc dù đang nghỉ ngơi, Ngài vẫn cứ dạy dỗ họ nhiều điều...
Anh chị em thân mến,
Có những lúc chúng ta làm việc tông đồ giống như một công chức viên của nhà nước làm theo giờ hành chánh, hết giờ thì hết việc và hết trách nhiệm, cho nên chúng ta chưa thể thu hút được người khác đến với Chúa. Làm việc tông đồ thì phải có hy sinh, hy sinh những giây phút nghỉ ngơi khi có người anh em chị em cần đến mình, hy sinh những giây phút bên ly cà phê nóng với bạn bè khi có người muốn trò chuyện với mình về cuộc sống của họ...
Linh mục Vincent Lebbe đã dạy các đệ tử của ngài rằng: “Các anh em, chúng ta không nghỉ ngơi, nhưng thay đổi công việc chính là nghỉ ngơi”.
Nghỉ ngơi đôi chút không có nghĩa là không nghe điện thoại, không có nghĩa là trong ngày ấy không được phép đi xức dầu bệnh nhân; nghỉ ngơi đôi chút không có nghĩa là ngày đó nằm ngủ li bì hay coi phim mà không ngó ngàng đến bổn phận mục tử của mình...
Chỉ có những người Pha-ri-siêu mới làm như thế trong ngày sa bát...
Nhưng, nghỉ ngơi mà vẫn cứ sẵn sàng làm việc, nghỉ ngơi mà vẫn là một mục tử coi sóc linh hồn giáo dân của mình, nghỉ ngơi mà vẫn là một Ki-tô hữu nhạy bén trong công tác tông đồ. Đó chính là tinh thần nghỉ ngơi của Đức Chúa Giê-su, đặt biệt được áp dụng trong thời đại hiện nay của chúng ta.
Họ sẽ “như bầy chiên không người săn sóc” nếu chúng ta đặt sự nghỉ ngơi để thân xác hưởng thụ lên trên linh hồn của người anh chị em, thì chúng ta không phải là người mục tử, mà là kẻ làm thuê trong vườn nho của Chúa theo giờ hành chánh.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


40.          BÁO CÁO KHÁCH ĐẾN

Có người ở thôn quê được làm chức tuần bổ tại Tuần An phủ. Một hôm, đến phiên anh ta trực ban canh gác cổng, gặp lúc thái thú đi đến gặp Tuần An, anh ta bèn đi vào quỳ trước án báo cáo:

-         “Thái lão quan nhân đến”. (Người thôn quê tôn kính gọi thái thú là thái lão quan)

Tuần An nổi giận, sai thị vệ đánh anh ta mười hèo nơi mông.

Ngày hôm sau, thái thú lại đến, tuần bổ lại vào báo cáo:

-         ”Thái công tổ lại đến.” (Cấp dưới tôn trọng gọi thái thú là công tổ)

Tuần An lại giận dữ kêu người đánh anh ta mười hèo nơi mông.

Ngày thứ ba, thái thú lại đến, anh tuần bổ ấy bèn nghĩ:

-         “Nói tiếng của người thôn quê thật thô thiển thì không thể được, mà nói lời văn nhã thì cũng không xong”.

Bèn đi vào báo cáo:

-         “Người hôm trước đến, người hôm qua đến, hôm nay lại đến nữa !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 40:

        Người ta ai cũng thích người dễ tính, ai cũng thích người không câu nệ tiểu tiết, bởi vì khó tính và hay chấp xét câu nệ tiểu tiết chính là sản phẩm của sự kiêu ngạo mà ra.

        Người được thưa bẩm nhiều nhất có lẽ là các linh mục, bởi vì các ngài coi sóc nhiều giáo dân, bởi vì thiên chức của các ngài thật cao quý nên có nhiều giáo dân và ngay cả người ngoại cũng kính trọng và thưa bẩm. Có một vài linh mục trẻ thân thể to lớn khoẻ mạnh nhưng con mắt hình như bị mù, nên không thấy cụ già giáo dân cúi đầu thưa bẩm với mình, nên cứ ngước mặt lên trời mà đi; có một vài linh mục thích giáo dân thưa bẩm với mình, nên lấy làm khó chịu khi giáo dân chỉ cúi đầu chào ngài mà thôi, cho nên không lạ gì có nhiều giáo dân vì sợ thưa bẩm với các ngài mà bỏ đi lễ nhà thờ khác cho...khoẻ hơn.

        Thưa bẩm là chuyện của cấp dưới kính trọng cấp trên của mình, nhưng nếu các linh mục trẻ hoặc các tu sĩ nam nữ trẻ biết thưa bẩm với người lớn tuổi đáng bậc cha ông của mình trước khi họ (giáo dân) cúi đầu chào mình, thì đó là sự khiêm tốn rất dễ thương vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


39.          MÙI HÔI CỦA CHÂN QUÁ NỒNG

Có một người đang khoản đãi khách, đột nhiên ngửi một mùi quá hôi bèn kêu tên tiểu đồng đi tìm.

Tên tiểu đồng ghé tai ông chủ nói nhỏ:

-         “Bà chủ cởi giày.”

Chủ nhân cũng nói nhỏ:

-         “Ừ, thì cởi giày, nhưng cũng không thể hôi như thế”.

Tên tiểu đồng lại ghé vào tai ông nói nhỏ:

-         “Hai chân đều cởi giày ạ.”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 39:

        Có nhiều loại mùi hôi: mùi hôi của chuột chết, mùi hôi của con gián, mùi hôi mắm ruốc, mùi hôi nước mắm, mùi hôi của hơi thở, mùi hôi của xác chết sình thối, mùi hôi của bùn lầy.v.v... và có rất nhiều mùi hôi khác tồn tại trong cõi đời này.

        Mùi hôi thường làm cho người ta sợ hãi vì nó làm cho họ sự buồn nôn và tởm lợm phải bịt mũi...

        Tội lỗi tuy không toả mùi vị hôi như xác chết, nhưng tự nó đã làm cho con người ta trở nên hôi thối trong tâm hồn, cho nên ai cũng tránh xa người tội lỗi như tránh xác chết của con chuột thúi.

        Hôi chân vì mang bít tất là chuyện bình thường không có gì phải bàn đến, nhưng mang trên mình là người Ki-tô hữu mà tâm hồn lại đầy những mùi hôi thối thì là chuyện đáng nói rất lớn, bởi vì người Ki-tô hữu đã được nước Rửa Tội rửa sạch, được Đức Chúa Thánh Thần thánh hoá, thì đáng lẽ phải thơm tho và trắng như tuyết mới phải.       

Hôi và không hôi là chuyện của vệ sinh, nhưng toả sáng mùi thơm thánh thiện cho mọi người nghe thấy là chuyện của tâm hồn.

Mùi thơm thánh thiện là sự khiên tốn, là sự nhịn nhục, là sự phục vụ, là sống bác ái, là sự hoán cải tâm hồn.v.v...tất cả những việc làm đó đều tỏa ra mùi hương thơm dịu dàng, có sức hút mảnh liệt làm cho người ta nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nơi con người chúng ta vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


38.          GIÀY, BÍT TẤT (VỚ) TỐ TỤNG

Người nọ có đôi giày và đôi bít tất (vớ) bị hư, đôi giày đổ tội cho bít tất, bít tất đổ tội cho đôi giày, tranh chấp rất lâu mà cũng không xong, bèn cùng nhau đi cáo quan.

Quan không thể xét xử nên sai gót chân coi tìm chứng cớ.

Gót chân nói:

-         “Kẻ hèn này trước nay vốn bị đày bên ngoài (tức là bị lòi ra ngoài bí tất) làm sao biết được ai đúng ai sai chứ ?”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 38:

        Mang giày thì phải mang bít tất (vớ), nếu không thì bàn chân sẽ bị đau, đó là chuyện của người...văn minh, nhưng có những lúc người văn minh khi mang giày thì cũng chẳng thèm mang bít tất vì không quen hoặc vì muốn...đi bụi. Giày và bít tất như hai người bạn thân gian khổ có nhau, cho nên nếu cả hai cùng bị hư thì không đổ lỗi cho nhau nhưng phải cùng nhau gánh vác và chia sẻ cho nhau, đó mới đúng là đạo bạn hữu.

        Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng tương tự như giày và bít tất, đó là cầu nguyện và hy sinh.

        Có hy sinh thì phải có cầu nguyện, cầu nguyện và hy sinh phải đi đôi với nhau thì lời cầu nguyện của chúng ta mới có thế giá trước mặt Thiên Chúa. Cầu nguyện thì phải có hy sinh và hy sinh thì cũng phải kèm thêm lời cầu nguyện, bởi vì khi mang giày mà có mang bít tất thì tăng thêm vẻ đẹp hài hoà cho đôi giày và cho cả người mang nó, cũng vậy, cầu nguyện mà có hy sinh thì làm cho Thiên Chúa vui thích hơn là cầu nguyện mà không hy sinh. Tại sao vậy ?

Thưa là vì Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, cũng như khi bị đóng đinh chết trên thập giá: Ngài cầu nguyện xin Chúa Cha tha tội cho nhân loại và hy sinh mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Còn chúng ta thì sao, chúng ta có dám hy sinh và cầu nguyện không ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


37.          CỨNG THÌ BỚT NỬA GIÁ

Có một khách quen muốn mua hàng hóa của Tô Châu, có người chỉ cho và nói:

-         “Người Tô Châu mua đồ luôn bớt nửa giá, ông coi họ kêu giá bao nhiêu thì ông trả giá một nửa, như thế mới không bị thiệt thòi.”

Ông khách nghe xong thì gật đầu liên tục.

Quả nhiên, ông ta đến hàng tơ lụa để mua lụa, hể kêu giá hai lượng bạc thì ông ta trả giá một lượng; kêu giá một lượng thì ông ta trả giá bảy tiền năm phân.

Chủ quán rất giận, cười nhạt nói:

-         “Nếu vậy thì ngài không cần phải mua, tiểu quán sẽ tặng cho ngài hai khổ vải !”

Ông khách ấy chấp tay thi lễ nói:

-         “Không dám không dám, tôi chỉ cần một khổ là đủ rồi ạ.”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 37:

        Đi mua hàng thì dĩ nhiên là phải có trả giá, nhưng trả giá không có nghĩa là coi hàng hoá của người ta không ra gì. Khi mua hàng thì có người trả phân nửa; có người trả hai phần ba giá, lại có người không trả gì cả vì thấy hàng hoá đúng là có giá trị với đồng tiền, nhưng dù trả giá hay không thì tất cả người mua và người bán đều thích cái lợi về mình.

        Trong đời sống linh thiêng của người Ki-tô hữu cũng thế, có những lúc chúng ta đem linh hồn cao quý của mình rao bán cho ma quỷ với giá rất hời, nhưng ma quỷ là kẻ phỉnh phờ xảo quyệt đã trả giá bằng một ly rượu, có linh hồn thì nó trả giá bằng một vài trăm ngàn đồng, có linh hồn thì nó trả giá bằng một lời yêu thương giả dối.v.v... thế là chúng ta mất cả vốn lẫn lời và cảm thấy sung sướng sống trong tội lỗi của mình.

        Người Ki-tô hữu không bao giờ đem rao bán linh hồn của mình để mua những thứ nay còn mai mất là tiền tài, danh vọng và xác thịt. Nhưng sẽ dùng ơn của Thiên Chúa ban cho qua tiền tài, danh vọng và sức khoẻ để làm sáng danh Ngài và mưu ích cho phần rỗi linh hồn của mình cũng như của tha nhân, đó là cái lợi lớn nhất mà chúng ta cần phải đạt cho được trong đời sống tâm linh của mình.

        Linh hồn của chúng ta đã được cứu chuộc bằng máu vô giá của Đức Chúa Giê-su, cho nên chúng ta không dại gì đem bán nó với giá rẽ ba mươi đồng bạc như Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ phản thầy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)