Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Lễ Đức Tinh Nữ Maria- Mẹ Thiên Chúa


Ngày 1 tháng 1
LỄ ĐỨC MẸ MA-RI-A - MẸ THIÊN CHÚA

Tin Mừng: Lc 2, 16-21.
Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su”.

Anh chị em thân mến,
Công đồng Ê-phê-sô (năm 431) đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã chọn Đức Mẹ làm mẹ của Đấng cứu thế là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời đề cao vai trò của Mẹ trong trong việc đồng công cứu chuộc loài người với con mình là Đức Chúa Giê-su.

1.   Đức Chúa Giê-su- Thiên Chúa làm người.
Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi cung lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, do đó Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người như chúng ta, chính Ngài là Đấng Mê-si-a mà muôn dân trông đợi, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là Đấng sẽ đến để cứu nhân loại khỏi bóng đêm tội. Chính Ngài trong bản tính Thiên Chúa thì là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Đức Cha và Đức Chúa Thánh Thần, trong bản tính nhân loại thì Ngài là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a mà công đồng Ni-xê-a đã long trọng tuyên bố và xác tín, và mỗi ngày chúa nhật hay lễ trọng, chúng ta đều tuyên xưng trong thánh lễ.

Đức Chúa Giê-su là Đấng mà thánh Gioan Tiền Hô đã nói: “Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi” (Ga 1, 30b), cũng có nghĩa là với bản tính loài người Đức Chúa Giê-su sinh sau thánh Gioan Tiền Hô, nhưng với bản tính Thiên Chúa thì Ngài đã có trước thánh Gioan Tiền Hô. Và như thánh Gioan tông đồ đã xác quyết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.(Ga 1, 1) ngài đã xác tín Đức Chúa Giê-su là Ngôi Lời tức là Thiên Chúa.

Như vậy, với các chứng cớ xác thực trên thì Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài thật sự là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, do đó Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Ngài và cũng là Mẹ Thiên Chúa.

2.   Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa
Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ, nhưng việc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su là một hồng phúc cho nhân loại, vì qua Ngài mà nhân loại thấy được Thiên Chúa vốn không một ai có thể thấy, qua Ngài chúng ta thấy được tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta.

Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Chúa Giê-su, cho nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời tiên tri I-sai-a đã loan báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Is 7, 14) Đấng Em-ma-nu-en ấy chính là Đức Chúa Giê-su, được Đức Mẹ Ma-ri-a sinh hạ trong hang lừa máng cỏ tại Bê-lem. Chỉ có làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a- mới ghi nhớ trong lòng những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực trên con người của Mẹ, và nhất là nơi những lời nói và việc làm của Đức Chúa Giê-su như lời thánh Lu-ca đã viết: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19)

3.   Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ của chúng ta
Thánh Gioan tông đồ, người đã tận mắt chứng kiến cái chết của Đức Chúa Giê-su đã tường thuật lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con cùa Bà”, rồi Người nói với môn đệ (thánh Gioan tông đồ): “Đây là mẹ của anh”, kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26-27)

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ sinh ra mình, nhưng chúng ta lại càng diễm phúc hơn khi có một người mẹ trên trời hằng yêu thương chăm sóc chúng ta, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không những là mẹ mà còn là Đấng cầu bàu cho chúng ta rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ, bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, huống hồ là Đức Mẹ Ma-ri-a, với tấm lòng người mẹ, nhất định Mẹ sẽ không bao giờ để con cái mình phải bơ vơ đau khổ ở đời này.

Anh chị em thân mến,
Mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa, là chúng ta trân trọng công việc đồng công cứu chuộc loài người nơi Mẹ, là chúng ta tôn vinh Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ của Ngài, và là kho tàng mọi ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn học hỏi các gương lành của Mẹ, nhất là nhân đức khiêm tốn và vâng phục, chính hai nhân đức này mà Thiên Chúa đã nhắc Mẹ lên tận trời cao trên các thiên thần, và ưu ái đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

------------------------

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Lễ Thánh Gia Thất



LỄ THÁNH GIA THẤT

Tin mừng : Lc 2, 41-52
“Cha mẹ Đức Giê-su tìm thấy con đang ngồi giữa các bậc thầy.”

Anh chị em thân mến,
Mỗi năm đến dịp lễ Thánh Gia Thất là chúng ta lại có cơ hội cùng nhau chiêm ngắm, học hỏi các nhân đức của thánh cả Giu-se, Đức Mẹ Ma-ri-a và hài nhi Giê-su, đây cũng là dịp để chúng ta kiểm thảo lại đời sống gia đình của chúng ta coi có phù hợp với Tin Mừng mà Chúa Chúa Giê-su đã dạy hay không ?

Chúa dạy chúng ta phải tôn trọng mạng sống của con người:
Đức Mẹ Ma-ri-a đã vui mừng hân hoan hát lên bài ca tạ ơn Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa...”[1] Mẹ hát khúc ca tạ ơn này khi đến thăm viếng bà chị họ là bà Ê-li-sa-bét sau khi đã cưu mang Đức Chúa Giê-su như lời sứ thần truyền tin, Mẹ vui mừng vì ơn cứu độ đã đến, Mẹ vui mừng vì Thiên Chúa đã đoái hoài đến Mẹ, và quan trọng hơn, Mẹ vui mừng vì hài nhi mà Mẹ cưu mang trong mình chính là Đấng cứu độ mà muôn dân trông đợi, và đã được các tiên tri loan báo từ trước, Ngài chính là căn nguyên của sự sống.

Nhìn vào hang đá chúng ta thấy hài nhi Giê-su nho nhỏ dễ thương, bạn và tôi liền nghĩ ngay đến các em nhỏ trong mọi gia đình của chúng ta và của những gia đình khác, dễ thương và đẹp như các thiên thần, đó chính là một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta: Hãy trân trọng và bảo vệ các thai nhi đang còn trong bụng mẹ, các thai nhi ấy cũng là con người, cũng có sự sống, sự sống này bởi Thiên Chúa ban cho và chỉ mình Ngài mới có quyền quyết định.

Ngày nay có rất nhiều người mẹ giết chết con mình khi nó còn trong bụng mình, có rất nhiều tổ chức vận động cho việc phá thai, tức là tổ chức việc giết người ngay còn trong bụng mẹ, tất cả những thai nhi ấy đều có quyền sống và có quyền làm người, vậy mà nó lại bị chính cha mẹ của nó giết chết khi còn trong dạ, tất cả cũng chỉ vì những cha mẹ này ích kỉ, muốn có một cuộc sống hưởng thụ khoái cảm nhục dục và sự vô trách nhiệm của xã hội.

Chúa dạy chúng ta phải biết vâng lời cha mẹ:
Vâng lời hơn dâng của lễ, đó là một câu nói bao gồm sự đạo đức của người Ki-tô hữu. Vâng lời này được bắt đầu từ Con Thiên Chúa làm người –Đức Giê-su Ki-tô- chính Ngài đã vâng lời Chúa Cha xuống thế để cứu chuộc nhân loại, thánh Phao-lô tông đồ đã kinh ngạc và xác tín sâu xa về sự vâng phục của Chúa Giê-su như sau:
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế...”[2]

Nhìn vào hang đá chúng ta thấy hài nhi Giê-su đang nằm trần trụi trong máng lừa, bạn và tôi liền nghĩ ngay đến sự cùng cực của người bất hạnh, chúng ta thương tâm cho Đức Chúa Giê-su vì Ngài đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, nhưng cái quan trọng hơn hết mà bạn và tôi phải nghĩ ngay đến, đó là sự vâng phục và khiêm nhường của Ngài:
-    Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì vậng lời mà Ngài trở nên giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
-    Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì vâng phục mà Ngài đã sinh ra trong hang lừa máng cỏ.
-    Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhưng vì khiêm nhường nên Ngài đã trở nên con cái của loài người...

Ngài dạy chúng ta một bài học sâu xa của sự vâng lời cha mẹ trong gia đình, các bậc là những người thay mặt Thiên Chúa để sinh thành dưỡng nuôi chúng ta, chúng ta vâng lời cha mẹ là vâng lời Thiên Chúa, chúng ta phục vụ chăm sóc cha mẹ là phục vụ chăm sóc Thiên Chúa, ai nói kính mến Thiên Chúa mà không kính mến cha mẹ mình, thì dứt khoát là người bất hiếu với Thiên Chúa, bởi vì cha mẹ là đấng sinh dưỡng chúng ta mà chúng ta không yêu mến thì sao lại nói yêu mến Thiên Chúa được...

Anh chị em thân mến,
Nhìn vào hang đá chúng ta còn học được rất nhiều bài học cho đời sống làm người, cho niềm tin tôn giáo của chính mình, nhưng cái mà xã hội hôm nay cần đến chúng ta, đó là: bảo vệ mạng sống của con người và nhất là bảo vệ mạng sống của các thai nhi, hai là chúng ta phải nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong gia đình của mình qua việc con cái biết vâng lời thào hiếu với cha mẹ.

Gợi ý :
1. Có lúc nào anh chị em can đảm cản trở những người có ý định hoặc hành động phá thai ?
2. Anh chị em có cầu nguyện cho những người hoặc tổ chức tự do phá thai, để họ nhận ra các thai nhi cũng có quyền sống và cần bảo vệ ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.



[1] Lc 1, 39-56.
[2] Pl 2, 6-7.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Lễ Giáng Sinh


LỄ GIÁNG SINH
(Thánh lễ ban ngày)

Tin mừng : Ga 1, 1-18
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay đúng là ngày lễ Giáng Sinh, ngày đại lễ của toàn thể dân Thiên Chúa trên khắp địa cầu, ngày mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại bằng việc Con Thiên Chúa giáng trần, Ngài là ánh sáng chiếu soi đêm tối, là vừng thái dương xuất hiện xua tan bóng đêm của ác thần tội lỗi đang thống trị địa cầu.

Đức Chúa Giê-su là ánh sáng của chân lý,
Ánh sáng này đã bừng lên trở thành dấu lạ soi dẫn ba nhà hiền sĩ đi tìm chân lí bởi trời xuống.

Đức Chúa Giê-su là ánh sáng của người thiện tâm,
Ánh sáng này đã làm cho tiên tri Si-mê-on thao thức chờ đợi trước khi trở về cùng tổ tiên, ánh sáng này cũng đã làm cho bà tiên tri An-na cất giọng ngợi ca Hài Nhi cho hết thảy mọi ngư

Đức Chúa Giê-su là sáng sáng của người nghèo,
Ánh sáng này đã rực lên giữa bóng đêm lạnh lẽo của miền Bê-lem với các mục đồng, ánh sáng này đã chiếu soi tận tâm hồn của họ, khiến họ vui mừng hân hoan đi xem sự lạ mới xảy ra, và họ đã tin và bái lạy ánh sáng của Thiên Chúa là Hài Nhi đang nằm trần truồng lạnh rét trong hang đá.

Đức Chúa Giê-su là ánh sáng của Tình Yêu,
Vì yêu mà Ngài đã giáng trần,
vì yêu mà Ngài đã trở nên thấp hèn rốt hết trong con cái loài người,
vì yêu mà Ngài đã chịu chết trên thánh giá,
vì yêu mà ngài đã nhẫn nại với những tội lỗi của nhân loại,
vì yêu mà Ngài đã trở nên ánh sáng cho mọi tình yêu ở trần gian,
do đó ai không được ánh sáng tình yêu của Ngài chiếu dọi, thì không biết yêu thương và không biết dâng hiến phục vụ, ai không có ánh sáng tình yêu của Ngài soi sáng thì tình yêu của họ chỉ là  một tình yêu giả dối, hưởng thụ và giai cấp mà thôi...

Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa đã trở nên người phàm và ở giữa thế gian, ở giữa bạn và tôi, nhưng Ngài vẫn là ánh sáng, để hướng dẫn và soi sáng cho những tâm hồn biết đi tìm ánh sáng chân thật, để thay đổi cuộc sống  trì trệ của mình, thay đổi tư tưởng hận thù ghét ghen của mình, thay đổi những cuồng vọng đam mê của mình...

Mừng đại lễ Chúa giáng sinh là mừng ngày chúng ta được giải thoát khỏi ách thống trị của ma quỷ, là ngày mà Thiên Chúa trao sứ mạng cho bạn và tôi, và cho tất cả những người Ki-tô hữu khác, hãy trở nên ánh sáng cho mọi người, hãy phản ánh lại ánh sáng chân thật của Ngài cho tha nhân bằng chính việc làm bác ái, yêu thương và phục vụ anh chị em đồng loại như Ngài đã làm, và như thế, chúng ta đã loan báo cho mọi người biết rằng: Thiên Chúa đang cư ngụ giữa chúng ta, Ngài chính là anh, là chị, là em, là bạn, là tôi và Ngài chính là tất cả những ai đang hết lòng phục vụ anh chị em chung quanh mình...

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Lễ Vọng Giáng Sinh


LỄ GIÁNG SINH
(Lễ vọng)

Tin Mừng : Lc 2, 1-14
“Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay, toàn thể nhân loại vui mừng hân hoan mừng lễ giáng sinh của Chúa Giê-su Ki-tô –vị cứu tinh nhân loại- ngày nhân loại đợi chờ đã đến, Ngài đã đến trong hang đá Bê-lem nghèo nàn, với những con người nghèo nàn chất phác là các mục đồng chăn chiên...

Hôm nay, tất cả mọi dân nước trên địa cầu cất tiếng hoan ca mừng ngày Con Thiên Chúa giáng trần, với những cung điệu vang vang vui tai và thánh thiện...

Hôm nay, trên mọi nẻo đường trong thành phố nhộn nhịp hơn mọi khi, người người tuôn đến nơi những thánh đường để hát mừng Con Thiên Chúa làm người, với tất cả tâm tình hân hoan, hạnh phúc trong tâm hồn...

Hôm nay, trong thành phố có những con đường không ánh điện, không nhạc mừng, không hoan ca, bởi vì nơi đó còn có rất nhiều người bất hạnh đang co ro trong cái rét của mùa đông của trời đất, mùa đông của xã hội và mùa đông của tâm hồn...

Hôm nay, bên cạnh những mâm cỗ thịnh soạn được chuẩn bị cho ngày Chúa giáng sinh trong gia đình, thì bên ngoài đường vẫn còn có những Hài Nhi Giê-su nho nhỏ đang đứng nhìn người qua lại, bụng đói meo và hi vọng nơi lòng bố thí của mọi người đang tuôn đến nhà thờ...

Anh chị em thân mến,
Lời của các thiên thần loan báo cho các mục đồng mà chúng ta vừa đang nghe trong bài Tin mừng hôm nay: “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” vẫn mãi mãi là điệp khúc nhắc nhở chúng ta rằng: Đấng Cứu Độ đã đến, đang đứng ngoài cửa nhà co ro vì lạnh đang chờ chúng ta mời vào nhà, cùng chia vui với niềm vui chung của nhân loại trong đêm huyền nhiệm này.

Đấng Cứu Thế đã sinh ra để chúng ta cùng đến chiêm ngưỡng và phục vụ Ngài, Ngài đang hóa thân làm em bé mồ côi đang nằm bên hiên nhà bên vệ đường, Ngài đang hóa thân làm người hành khất, âm thầm trong đêm tối trở về căn nhà vắng lặng vì không đủ tiền để trả tiền điện, Ngài đến rồi, đang đứng đó bên cổng nhà thờ, bên gốc cây tủi nhục, nơi xó chợ hôi tanh...

Nhìn vào hang đá, chúng ta thấy nổi bật lên những ánh đèn điện chớp nháy vui mắt đẹp đẽ, những cây thông thật và giả với muôn vẻ màu sắc của dây kim tuyến lấp lánh, lòng chúng ta rộn lên niềm vui ngày Chúa giáng trần. Nhưng niềm vui ấy sẽ dâng đầy nếu đêm nay chúng ta tự nguyện trở thành một thiên thần, đem vật chất và tinh thần đến phân phát cho những Giê-su Hài Nhi mồ côi, những Ma-ri-a và Giu-se nghèo khổ bên cạnh chúng ta...


Xin Chúa Hài Nhi ban muôn phúc lành cho chúng ta trong đêm thánh này...

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Chúa nhật 4 mùa vọng



CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 1, 39-45
“Bởi đâu mà tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi như thế này ?”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúa nhật thứ tư mùa vọng, chủ đề của Tin Mừng hôm nay là viếng thăm, chính là đức ái. Cuộc sống của người giữa người với nhau đều có những quan hệ để sống tồn, để yêu thương, để giúp đỡ, để chia vui và để chia buồn, bởi vì không ai là một hòn đảo.

Đức Mẹ Ma-ri-a đã đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét để trước hết là phục vụ, và sau nữa là loan báo tin vui Đấng Cứu Thế đã giáng trần, ơn cứu độ đã đến với nhân loại, một cuộc thăm viếng đơn sơ không kèn không trống đón chào nhưng niềm vui ngợp trời đất, không diễn văn khoa trương nhưng lột tả được tất cả những kỳ công của Thiên Chúa đã làm cho con người, đó là tình thương cứu độ.

Tình thương cứu độ này được đón nhận trước hết là thai nhi trong bụng của bà Ê-li-sa-bét –thánh Gioan Tiền Hô- ngài đã nhảy mừng lên khi còn trong bụng mẹ và đã được khỏi tội nguyên tổ, một cuộc viếng thăm tràn ngập niềm vui của Đức Ma-ri-a tại nhà người chị họ của mình.

Trong cuộc sống của bạn và tôi, cũng như bất cứ người nào cũng đều có những cuộc thăm viếng nhau trong cuộc sống, những cuộc thăm viếng này rất đa dạng:
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả niềm vui cho người được thăm viếng.
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả giận hờn, làm cho người được thăm viếng buồn phiền và lo âu.
- Có người khi đi thăm viếng thì đem theo cả hận thù, làm cho người được thăm viếng sợ hãi...

Tiếp xúc và thăm viếng nhau là cơ hội để đem lại cho nhau niềm vui và sự cảm thông, đó cũng là điều mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người trong chúng ta.

Anh chị em thân mến,
Chúng ta là những người Ki-tô hữu, chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm giáng sinh hơn những người khác, chúng ta càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa thăm viếng của Đức Mẹ Ma-ri-a với bà Ê-li-sa-bét, nghĩa là chúng ta sẽ đem tình yêu của Chúa đến cho tha nhân khi chúng ta đến viếng thăm hoặc là tiếp xúc với họ, chúng ta đóng vai trò của Mẹ Ma-ri-a đem Chúa đến cho mọi người bằng cung cách phục vụ trong khiêm tốn của chúng ta.

Đức Mẹ Ma-ri-a đón mừng mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa bằng cách phục vụ người chị họ như một “tôi tớ hèn mọn”, Mẹ cũng muốn chúng ta khi chuẩn bị đón mừng lễ giáng sinh con của Mẹ, thì đồng thời cũng giang tay tiếp đón những Giê-su nghèo khó bên vệ đường, những Ê-li-sa-bét lam lũ quần quật giữa cảnh đời không có tương lai...

Đó chính là lời mời gọi đức ái của Đức Mẹ Ma-ri-a trong Tin Mừng hôm nay vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Chúa nhật 3 mùa vọng



CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG

Tin Mừng : Lc 3, 10-18
“Chúng tôi phải làm gì ?”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúa nhật thứ ba mùa vọng, theo truyền thống của Giáo Hội, chúa nhật này được gọi là chúa nhật của hy vọng và của niềm vui, cho nên các linh mục được dùng áo lễ màu hồng khi cử hành thánh lễ, để niềm hy vọng ngày Chúa đến được hát vang trong tâm hồn người tín hữu.

Ánh sáng trong đêm tối là ánh sáng của hy vọng, dù ánh sáng ấy chỉ mù mờ lóe lên, như ông Gioan Tiền Hô xuất hiện mà người Do Thái thời ấy lầm tưởng là vị cứu tinh, nhưng ông không phải là vị cứu thế của nhân loại, ông chỉ đến để dọn đường cho Đấng sẽ đến sau ông nhưng quyền thế hơn ông.

Dọn đường cho Chúa đến cần có hai thái độ: một là phải biết kiểm thảo mình, hai là phải biết mình là ai.

1.      Phải biết kiểm thảo mình- Như những người đến nghe lời rao giảng của ông Gioan Tiền Hô và đã hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì ?” Ông Gioan Tiền Hô đã trả lời rất rõ ràng: ai có hai áo thì chia sẻ với người không có áo, ai có chức quyền thì đừng áp bức người cô thế, ai có của ăn của mặc thì hãy nhớ đến những người không có gì để ăn...

Câu trả lời rất rõ ràng và thực tế của ông đã làm cho chúng ta –những người Ki-tô hữu- hiểu rõ thêm về giới luật yêu thương của Đức Chúa Giê-su, ngài không bắt chúng ta phải từ khước những gì mình có, nhưng ngài mời gọi chúng ta hãy mở rộng tâm hồn ra để đón nhận Thiên Chúa nơi người anh em của mình. Đó chính là cách kiểm thảo hay nhất và hiệu quả nhất khi mỗi người trong chúng ta tự hỏi: tôi phải làm gì ?

2.      Biết mình là ai ? - Ông Gioan Tiền Hô đã biết mình là ai, ông không phải là đấng cứu thế, cũng không phải là đấng phải đến, nhưng ông biết mình chỉ là kẻ dọn đường cho người đến sau nhưng cao trọng hơn, Đấng đó chính là Đức Chúa Giê-su.

Biết mình là ai, chính là thái độ đổi mới cách chân thành không ồn ào của người được ánh sáng Lời Chúa soi sáng:
- Họ biết mình là người có nhiều khuyết điểm hơn anh chị em nên họ không phê bình ai.
- Họ biết mình còn có rất nhiều những thói hư tật xấu cần phải sửa đổi nên họ luôn cầu xin sự thứ tha của Thiên Chúa.
- Họ biết mình là người không xứng đáng để trở nên linh mục, tu sĩ của Chúa, nên họ luôn khiêm tốn cầu xin cho được sống xứng đáng với ơn gọi của mình...

Anh chị em thân mến,
Ông Gioan Tiền Hô đã biết mình là người không xứng đáng cởi dây giày cho Đấng Mê-si-a, nên ngài đã trở nên người cao trọng hơn các tiên tri.

Nếu mỗi người trong chúng ta luôn biết mình là ai, thì chúng ta đã đem hy vọng đến cho người chung quanh, bởi vì hoa trái của hy vọng chỉ được đâm chồi nẩy lộc trên cây khiêm tốn mà thôi. Đó cũng là ý nghĩa của Tin Mừng chúa nhật hôm nay vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Chúa nhật 2 mùa vọng


 CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 3, 1-6
“Hết mọi người phàm sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Anh chị em thân mến,
Ơn cứu độ của Đức Chúa Giê-su không chỉ dành cho bạn cho tôi hay một người nào, một dân tộc nào, hay một quốc gia nào cả, nhưng nếu ai thành tâm đón nhận Ngài thì sẽ được ơn cứu độ...

Thời của thánh Gioan Tẩy Giả mọi người Do Thái đều trông đợi vị cứu tinh đến như lời tiên tri I-sai-a loan báo: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi...”[1], cho nên ơn cứu độ đã đến với nhân loại, mà trước hết là với người Do Thái nhưng họ đã từ chối đón nhận Đấng cứu độ, và kế đến là tất cả chúng ta, những người đã tin vào Đức Chúa Giê-su nhưng vẫn cứ từ chối Ngài trong cuộc sống của mình...

Dọn tâm hồn cho ngay thẳng đối với người Ki-tô hữu là đi xưng tội, làm việc đến tội, hy sinh hãm mình.v.v... đương nhiên đó là những việc phải làm mà tất cả những ai là con cái Thiên Chúa đều phải có, nhưng trưởng thành hơn, rốt ráo hơn đó chính là đổi mới cách sống của mình sao cho phù hợp với Tin Mừng của Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Đổi mới cách sống cũng có nghĩa là từ trong nấm mồ tối tăm bừng dậy phục sinh với Đức Ki-tô: hoàn hảo hơn, đẹp hơn và vinh dự hơn.

Hoàn hảo hơn trong cách sống làm người Ki-tô hữu với tấm hồn khiêm cung và phục vụ; đẹp hơn trong cách nhìn tha nhân với tâm hồn của tình huynh đệ chân thành trong Đức Ki-tô; vinh dự hơn khi hiểu được mình mang tên Ki-tô hữu để xây dựng một xã hội bác ái hơn. Đó chính là cách thế để dọn tâm hồn cho ngay thẳng đợi Chúa đến trong thời đại ngày nay của chúng ta.

Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ, nhưng không phải tất cả mọi người phàm được cứu độ, bởi vì ơn cứu độ chỉ cứu những ai tin và và đón nhận Tin Mừng của Chúa Ki-tô mới đáng được lãnh nhận mà thôi. Là những người Ki-tô hữu, bạn và tôi hãnh diện vì đã tin và sống đức tin ngay tại trần gian này, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và nhờ đời sống tin yêu và hi vọng của chúng ta vào Thiên Chúa mà mọi người biết đến ơn cứu độ của Ngài.

Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa đã làm người nên Ngài cũng rất thích đi trên những con đường bằng phẳng và thẳng tắp để đến với bạn và tôi, nhưng đồng thời Ngài cũng không ngần ngại cúi xuống nhặt những hòn sỏi làm vấp chân người khác, để thánh hoá và chúc lành cho nó trở nên dụng cụ hữu ích cho tha nhân.

Dọn đường cho ngay thẳng là việc mà bạn và tôi cần phải làm, để đường đi từ trái tim của chúng ta đến tâm hồn của tha nhân gần hơn, dễ hơn và thân tình hơn; lấp đầy những hố sâu là việc mà chúng ta phải làm từng giây phút trong cuộc sống, để tha nhân đến với chúng ta cách dễ dàng hơn, mà không bị ngăn cách bởi tính kiêu ngạo và khoe khoang của chúng ta, đó chính là chuẩn bị cho mọi người nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


[1] Lc 3, 5b.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Chúa nhật I mùa vọng


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Tin mừng : Lc 21, 25-28; 34-36
“Anh em sắp đựoc ơn cứu độ”.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay chủ nhật thứ nhất mùa vọng, tức là bắt đầu một năm phụng vụ mới, năm C.
Mùa vọng là mùa trông đợi, ai đã từng trông đợi thì đều cảm nghiệm được sự bồn chồn lo lắng, hồi hộp pha lẫn niểm vui của đợi chờ:
- như em bé đợi mẹ đi chợ về,
- như người yêu đợi người tình,
- như nhà nông đợi ngày thu hoạch,
- như ruộng khô hạn trông mưa.
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra cho chúng ta thấy một viễn cảnh tương lai ngày Con Người đến trong vinh quang, Ngài mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và đợi chờ, trong lúc đợi chờ ngày trọng đại ấy đến thì sẽ có nhiều điềm thiêng dấu lạ xuất hiện trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao[1], nhân loại sẽ lo âu và sợ hãi khi ngày ấy đến.

1. Dấu hiệu của thời đại.
Dấu hiệu của thời đại ngày càng rõ rệt hơn, ứng nghiệm với lời cảnh báo của Đức Chúa Giê-su trong bài tin mừng hôm nay, dấu hiệu trước tiên mà nhân loại có thể thấy được, sờ được, đó chính là chiến tranh, đói khát và ôn dịch, với dấu hiệu ấy, người Ki-tô hữu chỉ có một thái độ duy nhất là ngẫng đầu lên vì ơn cứu độ đã đến.

Nhưng thực ra, ơn cứu độ đã đến hơn hai ngàn năm nay rồi, và thời viên mãn của nó cũng đang đến gần khi những điềm thiêng dấu lạ mà Đức Chúa Giê-su đã loan báo đã và đang xảy đến.

Người Ki-tô hữu là những người nhạy bén nhất trước những hiện tượng xảy ra của thời đại, bởi vì hằng ngày họ đều được nghe và suy gẫm lời dạy của Đức Chúa Giê-su, và vì thế họ từng giây từng phút tỉnh thức và chuẩn bị ngày quang lâm của Ngài.

2. Tỉnh thức và đề phòng
Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện, tức là Ngài muốn chúng ta phải sẵn sàng luôn trong mọi hoàn cảnh và tình huống, bởi vì:
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng,  đó là những người ăn thua đủ bên canh bạc thâu đêm.
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng, đó là những người đang say đắm trong đam mê xác thịt, thân xác thì thức để chờ đợi và thỏa mãn cơn khát vọng của nhục dục, nhưng tâm hồn thì đã ngủ mê trong tội lỗi.
- Có những người tỉnh thức nhưng không đề phòng cảnh giác, đó là những người kiêu ngạo, họ tỉnh thức trong kiến thức hạn hẹp của mình khi ai đó phê bình góp ý cho việc làm của mình, nhưng tâm hồn thì đã thoả mãn trong sự đắc thắng của mình...

Người Ki-tô hữu không thức tỉnh để ăn thua với canh bạc, vì đó là chuyện của con cái tối tăm; người Ki-tô hữu cũng không tỉnh thức để chờ đợi cuộc nhậu thâu đêm, bởi vì đó là chuyện của con cái ma quỷ, nhưng người Ki-tô hữu tỉnh thức để chờ đợi ngày sum họp với Đức Chúa Giê-su, Đấng đã và đang đến trong cuộc sống của họ...

Anh chị em thân mến,
Mùa vọng không những giúp cho chúng ta biết thức tỉnh và chờ đợi ngày Chúa đến trong vinh quang để phán xét, mà còn thức tỉnh chờ đợi Chúa đến với mỗi người chúng ta nữa, bởi vì dấu hiệu của thời đại trước hết không ở đâu xa, mà nó ở ngay trong con người của mình, chính là :
- Khi chúng ta sung sướng hưởng thụ vật chất là dấu hiệu của những ngày đói khổ của linh hồn.
- Khi chúng ta phê bình chỉ trích anh em chị em, là dấu hiệu ngày phán xét công thẳng và kinh khiếp đối với linh hồn và thân xác.
- Khi chúng ta kiêu căng ngạo mạn với mọi người, là dấu hiệu của người bị hạ xuống tận cùng vực sâu.
- Khi chúng ta vu oan giá hoạ cho người, thì đó là dấu chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa lên án trong ngày chung thẩm...

Người biết chờ đợi, tỉnh thức và nhìn dấu chỉ của thời đại là người khôn ngoan và hạnh phúc, bởi vì họ đã sẵn sàng...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.




[1] Lc 21, 25.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Lễ Chúa Ki-tô vua vũ trụ

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN


ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

Tin mừng : Ga 18, 33b-37
“Chính ngài nói rằng tôi là vua”.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay là chúa nhật cuối cùng kết thúc năm phụng vụ, kết thúc để bắt đầu một năm phụng vụ mới với tất cả tâm tình mới của Giáo Hội và của mỗi người trong chúng ta là con cái của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay thánh Gioan thánh sử đã cho chúng ta nghe thấy cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Giê-su với quan Phi-la-tô về vương quốc và vương quyền của Ngài, để cho chúng ta biết rằn: Đức Giê-su Ki-tô là vua trên các vua, và vương quyền của Ngài vô cùng tận – vĩnh hằng, vì Ngài là Thiên Chúa.

Vương quốc của Đức Chúa Giê-su không giới hạn từ đông sang tây, trên trời hay dưới đất hoặc trong biển khơi, nhưng vô tận, bởi vì tất cả vạn vật đều do Ngài dựng nên; con dân của Ngài không những chỉ là những người đã tin và đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài mà thôi, nhưng Ngài còn muốn “tập hợp tất cả đoàn dân lại như gà mẹ tập hợp đàn con dưới cánh”, trở thành một ràn chiên và một chủ chiên.

Đức Chúa Giê-su không những là vua trên hết các vua, mà còn là tôi tớ của các tôi tớ đầy lòng khiêm tốn khi tự hạ làm con người như chúng ta. Ngài là vua trên các vua vì Ngài là Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ; Ngài là tôi tớ của các tôi tớ vì Ngài đã tự huỷ mình ra không, chấp nhận và gánh vác tội lỗi của nhân loại hơn một nô lệ thấp hèn, để cứu chuộc chúng ta. Đó chính là điều khó hiểu cho quan tổng trấn Phi-la-tô đầy quyền lực sinh sát, nhưng lại không nhận ra chân lý là gì, khi ông ta đối diện với chân lý là Đức Giê-su Ki-tô.

An-pha và Ô-mê-ga –khởi đầu và chung kết- chính là Đức Chúa Ki-tô, bởi vì “Nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mà mọi vinh quang đều quy về Thiên Chúa là Cha toàn năng, cùng với Chúa Thánh Thần đến muôn đời muôn thuở. Amen”. Đó chính là lời chúc tụng của Giáo Hội, của tất cả mọi miệng lưỡi trên trời và dưới đất dành cho Ngài là vị vua cao cả và uy quyền.

Anh chị em thân mến,
Chúng ta là những công dân của Nước Trời vì chúng ta đã lãnh nhận bí tích rửa Tội, nhưng không có nghĩa là chúng ta quên mất bổn phận của một công dân trần thế, nhưng khi chúng ta cùng nhau góp phần xây dựng hạnh phúc, công bằng, bác ái cho tha nhân trong một tổ quốc ở trần gian, là chính khi đó chúng ta đã thực hành bổn phận của công dân của Nước Trời.

Hãy hãnh diện và ngẫng đầu cao vì mình là công dân của Nước Trời, mà Đức Chúa Giê-su chính là vua và là Thiên Chúa của chúng ta, chính Ngài đã dẫn đưa chúng ta đến vương quốc của hằng sống bằng chính cái chết trên thập giá của Ngài.

Câu gợi ý :
1.   Ngày lễ Đức Ki-tô vua vũ trụ, tôi có thói quen kiểm điểm lại đời sống đức tin của mình trong năm qua ?
2.   Là người Ki-tô hữu, tôi có ý thức được mình là công dân của Nước Trời khi tham gia xây dựng tổ quốc ở trần gian ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Chúa nhật 33 thường niên


CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 13, 24-32
“Thiên Chúa sẽ tập họp những kẻ được Người chọn tuyển chọn từ bốn phương”.

Anh chị em thân mến,
Gần cuối năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe và suy niệm lại bản văn về ngày cuối cùng của nhân loại, hay nói cách khác, ngày Đức Chúa Giê-su xuống thế lần thứ hai và cũng là ngày Ngài tỏ sự công bình của Ngài cho nhân loại thấy qua việc phán xét người sống kẻ chết, để cho chúng ta suy gẫm và kiểm điểm lại đời sống của mình –cho đến hôm nay- có phù hợp với Tin mừng của Chúa hay không ?

Ngày 21.9.1999 miền trung và các vùng phụ cận trong  đảo quốc Taiwan bị động đất nặng nề, một biến cố chưa từng xảy ra từ một trăm năm trở lại, mọi người đều kinh hoàng vì những tai hại và mất mát khủng khiếp, và rồi hình như ai cũng có cùng một ý nghĩ: tận thế đến nơi rồi...

Nhưng, như Đức Chúa Giê-su đã loan báo đó không phải là ngày tận thế, nhưng là báo trước ngày Con Người xuất hiện để phán xét, để thưởng công và luận tội. Càng có những điềm thiêng dấu lạ, càng có những hiện tượng khủng khiếp thì càng nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, cho nên trong những trận động đất khủng khiếp, trong những trận hoả hoạn tàn khốc và chiến tranh khốc liệt xảy đến, đều là lời của Thiên Chúa cảnh báo cho chúng ta: hãy làm hoà với Thiên Chúa, hãy ăn năn sám hối và thay đổi cuộc sống, nếu không, chúng ta cũng sẽ bị tiêu diệt cách khốn nạn hơn thế nữa. Thiên Chúa không hấp tấp khi trừng phạt, nhưng rất mau mắn trong việc tha thứ và chữa lành cho chúng ta là những con người luôn phản bội lại tình yêu của Ngài.

Con người thời nay biết dùng các phương tiện khoa học tối tân để đề phòng và chặn đứng các phi đạn từ trên không trung, con người cũng biết dùng khoa học để dự báo thời tiết và các công trình khác về vũ trụ cũng như về những việc có liên quan đến đời sống của con người... Nhưng nhân loại không chịu dùng trí khơn của mình để nhận ra ngày giờ của Thiên Chúa gần đến qua những biến cố xảy ra trên thế giới, đó chính là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay vậy.

Anh chị em thân mến,
Ngày của Đức Chúa Giê-su đến trong vinh quang chưa xảy ra, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, Ngài đã rất nhiều lần đến viếng thăm chúng ta qua người bạn lâu năm gặp lại; Ngài cũng đã nhiều lần đến nhờ chúng ta rộng tay giúp đỡ qua người nghèo khó; Ngài cũng đang rên đau đớn nơi các bệnh nhân đang cần sự an ủi của chúng ta...

Nếu hôm nay chúng ta biết dùng trí khơn và lòng bác ái để nhận ra Thiên Chúa qua các hoàn cảnh ấy, thì ngày quang lâm của Ngài, chúng ta nhất định sẽ không bị hổ ngươi bẻ mặt...


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Chúa nhật 32 thường niên


CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mc 12, 38-44
“Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hêt.”

Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay có hai bối cảnh rất nổi bật để cho chúng ta so sánh, hai bối cảnh này không phải tự nhiên mà chúng ta khám phá ra, nhưng là do Chúa Chúa Giê-su –Đấng luôn yêu thích sự khiêm tốn- chỉ ra cho chúng ta thấy hai bối cảnh đó là sự khoe khoang, kiêu ngạo xúng xính trong bộ áo sang trọng của các kinh sư, và sự nghèo khó nhưng quảng đại của người đàn bà goá.

Đức Chúa Giê-su rất không thích sự kiêu ngạo cho nên Ngài rất nhạy cảm nhận ra sự đối chọi giữa kiêu ngạo và khiêm tốn, giữa khoe khoang và kín đáo của các kinh sư và những người dân nghèo khó nhưng rất hảo tâm.

Qua mọi thời đại, cái kiêu ngạo luôn luôn bị người ta kết án, bởi chính kiêu ngạo thường làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa nơi con người và giữa con người với nhau. Kiêu ngạo khoe khoang xúng xính trong bộ áo thụng sang trọng của các kinh sư đã làm cho họ cách xa quần chúng, và lời giảng dạy của họ như gió thổi mây bay qua tâm hồn của người nghe, mà đa số là những người nghèo khó bần cùng trong xã hội. Họ giảng dạy như cái phèng la rỗng tuếch vang to, nhưng lại làm điếc tai người nghe vì những xa hoa và thói khoe khoang của họ, cho nên, Đức Chúa Giê-su đã dặn dò các môn đệ của mình: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng...” , và cũng ngụ ý nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta, đừng có trở nên những người kiêu ngạo khoe khoang với những gì mình đang có với tha nhân.

Đức Chúa Giê-su rất yêu mến những người khiêm tốn, cho nên Ngài đã nhận ra ngay tấm lòng hảo tâm của người đàn bà nghèo khó goá bụa, bởi vì bà đã đem hết gia tài của mình có bỏ vào hòm dâng cúng, hoặc chúng ta có thể nói, bà đã đem cả mạng sống của mình để làm công việc bác ái mà không khoe khoang.

Đức Chúa Giê-su không những đã cảm nghiệm được sự khiêm tốn chính là nền tảng để đón nhận mọi nguồn mạch ân sủng, nhưng Ngài còn sống triệt để sự khiêm tốn khi trở thành một con người nghèo khó hơn cả chúng ta, do đó, Ngài đã nói với các môn đệ: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết...” , giá trị của sự khiêm tốn là ở đó chính là dâng hết những gì mình có mà không khoe khoang, không đánh trống rung chuông báo cho mọi người biết công việc bác ái mình đã làm. Hạt lúa gieo xuống đất âm thầm đâm chồi nảy lộc không khoe khoang, không xúng xính, nhưng đã nuôi sống con người bằng những hạt lúa no tròn, đó là thành quả của sự huỷ mình ra không.

Anh chị em thân mến,
Có nhiều giáo dân không thèm đi lễ nhà thờ của họ đạo, bởi vì họ không chịu được sự phách lối của mấy ông bà trong ban hành giáo; có một vài giáo dân bỏ tiền bỏ của ra cho hội từ thiện này, hội từ thiện nọ để được báo chí khen ngợi, nhưng chưa bao giờ mua một bó hoa tặng Đức Mẹ trong nhà thờ nghèo khó của mình...

Người đàn bà goá nghèo chỉ bỏ vào thùng hai đồng tiền kẽm, nhưng Đức Chúa Giê-su đã khen bà là người dâng cúng nhiều nhất, vì gia tài của bà chỉ có chừng ấy, nhưng cái thâm thuý nhất nơi hành động của người đàn bà goá nghèo chính là: bà biết phó thác cuộc sống hôm nay và ngày mai của mình cho Thiên Chúa duy nhất của bà.

Thiên Chúa cũng sẽ khen ngợi chúng ta như thế, khi chúng ta biết vì tha nhân mà phó thác cuộc sống của mình trong tay Ngài.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.