Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2024

Chúa nhật 20 thường niên

 


CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN

 

Tin Mừng : Ga 6, 51-58

“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.

 

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục Tin Mừng tuần trước, hôm nay Đức Chúa Giê-su nhấn mạnh đến tính cách bất tử của bánh trường sinh: Mình và Máu Thánh của Ngài chính là lương thực thần thiêng cho những kẻ tin vào Ngài để họ được sống đời đời.

1.      Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su là lương thực hằng sống.

Bánh hằng sống bởi trời xuống chính là Đức Chúa Ki-tô, đây là điều mà không một người công giáo nào lại không biết, nhưng người ta viện lý do này hay lý do khác mà chối bỏ tính thực tại thần thiêng nơi bánh sự sống này, bởi vì con người tự đem cái thông minh của mình đặt trên sự thông hiểu của Thiên Chúa, và vì con người đem cái kiêu ngạo cố hữu của mình để so sánh với mầu nhiệm tình yêu khiêm nhường sâu thẳm của Thiên Chúa, nên con người không thể nào hiểu thấu được bánh hằng sống ấy chính là Mình và Máu thật của Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Con người thời nay cũng giống như những người Do Thái vào thời của Đức Chúa Giê-su, họ cũng đã ngạc nhiên đến sững sờ rồi từ bỏ Đức Chúa Giê-su khi Ngài tuyên bố một thông điệp của tình yêu, một phương thuốc nhiệm mầu để chữa lành mọi tật bệnh tâm hồn : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình...”, con người thời nay không nhận ra được Đức Chúa Ki-tô là Đấng cứu chuộc, thì lại càng không thể chấp nhận việc ăn thịt một con người mà được sống đời đời. Nhưng chúng ta là những người có đức tin, những người đã được diễm phúc ăn và uống Thịt Máu của Đức Chúa Giê-su trong thánh lễ tạ ơn, chúng ta càng cảm nghiệm ra được rằng: đây là một hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta hơn những người khác, hồng ân bởi vì đây chính là Bánh Thiên Thần mà lại đem tặng cho những con người tội lỗi và bất xứng là chúng ta ăn.

2.      Làm theo ý Chúa cũng là lương thực hằng sống.

Lương thực hằng sống cũng chính là làm theo ý của Cha trên trời, con cái biết nghe lời cha mẹ là con cái ngoan, biết nghe lời cha mẹ thì tránh được nhiều điều không tốt sẽ xảy đến cho đứa trẻ. Làm theo ý của Cha trên trời cũng chính là nghe và làm theo lời dạy của Đức Chúa Giê-su, đó là thực hành đức ái ngay trong cuộc sống của chúng ta. Bánh hằng sống được trao ban cũng bởi vì yêu thương, lời được trao tặng cũng là vì yêu thương mà có, đây cũng chính là tâm điểm của người Ki-tô hữu chúng ta.

Ai ăn và uống máu thịt Đức Chúa Giê-su nhưng không thực hành lời của Ngài, thì cũng giống như người vô ơn bội nghĩa, chỉ biết ăn mà không biết làm và cám ơn; ai thực hành Lời Chúa mà không thiết tha gì đến hoặc coi thường việc rước lễ thì chẳng khác chi xây nhà cao tầng đẹp đẽ trên bờ đê sụt lún không biết lúc nào bị lún ngập chìm sâu trong lòng nước xoáy đời đời...

Anh chị em thân mến,

Chúng ta sống ở đời này, dù là đời tạm, nhưng không phải vì thế mà chúng ta phớt lờ những sự việc xảy ra chung quanh chúng ta, những sự việc ấy chính là người anh em bên cạnh chúng ta đang đói ăn phần xác và bệnh hoạn phần hồn, chúng ta không thể an vui tự tại ngồi rung đùi hưởng thụ sự no ấm phần xác cũng như phần hồn, nhưng như Đức Chúa Giê-su đã làm là đem thân xác của mình để nuôi sống chúng ta, thì chúng ta cũng đem hết sức lực, tri óc của mình ra để kiến tạo một xã hội vui tươi lành mạnh, đem lại niềm an ủi cho mọi người bằng chính cuộc sống dấn thân phục vụ của mình.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://www.nhantai.info 

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


64.          CHÓ HẠI MẮT BỊ BỆNH

Mắt của Vu công bị bệnh nên đi đến thầy thuốc chữa bệnh, lúc ra khỏi cửa thì giẫm phải con chó đang nằm dưới bực thềm, con chó giựt mình cắn áo của ông ta thủng một lổ.

Khi khám bệnh, ông ta đem chuyện này nói với thầy thuốc, thầy thuốc nói:

-         “Nhất định là con chó này làm mắt ông bị bệnh.

Vu công về đến nhà thì nghĩ rằng con mắt mình bị bệnh là chuyện nhỏ, mắt chó mà bệnh thì đêm tối làm sao giữ nhà được. Thế là ông ta sắc thuốc và đem trị cho chó trước, thuốc còn dư thì mới trị cho mình !!

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 64:

        Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, nó cũng còn là đèn sáng của thân thể, mắt bị mù thì hoàn toàn sống trong màu đen tối, mắt bị mù thì không biết thưởng thức cái đẹp tự nhiên của vũ trụ, do đó mà con mắt rất cần thiết và quan trọng đối với con người.

        Dù cho con mắt của con chó có đẹp và quý như ngọc thì cũng không thể bằng con mắt của con người, dù cho con mắt của con chó nhìn ban đêm sáng hơn đèn điện tử, thì cũng không thể quý bằng con mắt của con người, đó là sự thật. Nhưng đối với những người chỉ biết vật chất là cứu cánh của mình, thì con mắt của con chó rất là quan trọng đối với họ, bởi vì mắt con chó bị đui mù thì không thể giữ nhà được, tức là giữ của cải cho họ !!

        Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, nếu cửa sổ bị hư thì lo mà sửa trước, bằng không thì nhà cửa (là thân thể) sẽ bị bệnh; con mắt là đèn soi thân thể, cho nên khi đèn mù mờ thì lập tức phải sửa chữa và thêm dầu cho nó sáng, nếu không thì cả thân thể sẽ bị tối mù vị tội lỗi. Có những người Ki-tô hữu có mắt tâm hồn bị mù, nhưng vẫn cứ thích sống trong đêm tối mà không muốn đi bác sĩ (bí tích Giải Tội) để chữa lành, bởi vì họ nghĩ rằng con mắt xác thịt mới là quan trọng, nên họ tích cực đi bác sĩ chuyên khoa mắt để chữa trị mắt khi mắt của họ có vấn đề, dù tiền bạc tốn bao nhiêu cũng được; họ rất lo buồn vì con mắt xác thịt của họ bị nhiễm trùng, bị sưng đỏ không thể nhìn thấy được...

        Con mắt thân thể hay con mắt tâm hồn đều quan trọng đối với người Ki-tô hữu, nhưng vì để nhìn thấy ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa mà họ sẵn sàng hy sinh con mắt xác thịt của mình, đó là người khôn ngoan vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


63.          CẮT BỎ GAN NGỰA

Tương truyền rằng gan ngựa có độc, thời Hán triều có người tên là Văn Thành Đích vì ăn gan ngựa mà chết.

Vu công nghe được thì phản đối, nói:

-         “Gan ngựa nằm dài trong ruột ngựa, tại sao khi ngựa ngã thì không chết ?”

Người khác nói:

-         “Từ trước đến nay ngựa không sống qua trăm năm, còn không phải là vì gan nó có độc hay sao ?”

Vu công bây giờ mới thâm tín và không hoài nghi, hơn nữa lại còn cắt mất lá gan con ngựa nhà mình, ngựa bị cắt chết ngay lập tức, Vu công nói:

-         “Quả nhiên là có độc, cắt bỏ đi mà nó vẫn cứ chết, còn như nếu để lại trong bụng thì lại càng không được”.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 63:

        Thiếu hiểu biết thì không những hại người mà còn hại mình và có khi ôm hận cả đời, người thiếu hiểu biết khi phủ nhận thì rất kiên quyết, khi đã nghe theo thì rất cố chấp, cho nên trên thế giới, những người bần cùng thì dễ dàng làm loạn và dễ dàng bị kích động hơn là những người hiểu biết.

        Người Ki-tô hữu là người hiểu biết hơn những người khác, bởi vì họ tin tưởng Thiên Chúa chính là Đấng quyền năng tạo dựng mọi sự và cũng là Cha của mọi loài, nên họ luôn nhìn thấy và hiểu biết mọi sự dưới ánh sáng của đức tin. Họ hiểu rằng con người chính là tạo vật tốt lành của Thiên Chúa được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài, nên không thể gọi là “có độc” hay là một loại xấu xa, nhưng chính ma quỷ đã cám dỗ và làm cho con người trở nên “độc” với tha nhân độc với anh em chị em vì lòng tham và tính kiêu ngạo của mình, cho nên chúng ta cần phải biết thông cảm và khoan dung với họ.

        Vu công vì thiếu hiểu biết đến cố chấp nên đã cắt gan của ngựa nhà mình để vứt bỏ “độc”, nhưng ngựa đã chết; người Ki-tô hữu trưởng thành nhìn thấy “độc” nơi tha nhân nhưng không nặng nề chỉ trích khai trừ, mà luôn cầu nguyện, động viên và tìm cách giúp anh chị em “giải độc”...

        Đó chính là hiểu biết trong yêu thương của người Ki-tô hữu sống Lời Chúa cách trưởng thành vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


62.         CHA ĐÃ THIÊU RỒI

Có một người trước khi ra khỏi nhà thì dặn con trai:

-        “Nếu có người hỏi con bố đi đâu thì con phải nói là bố con có việc phải đi rất xa, con phải nấu trà tiếp đãi cho tử tế”.

Bởi vì con trai rất chậm hiểu và sợ nó quên, nên cha hắn viết lại trên giấy.

Đứa con trai lấy tờ giấy bỏ vào trong tay áo, không thèm coi.

Đã qua ba ngày rồi mà không thấy có người đến, nên đứa con cho rằng tờ giấy không cần nữa bèn bỏ vào trong lửa đốt.

Ngày thứ tư, đột nhiên có khách đến hỏi cha nó đi đâu, đứa con trai hoảng hốt tìm tờ giấy trong tay áo, nhưng tìm không có, bèn nói:

-        Chết rồi﹝沒了﹞

Người khách rất kinh ngạc nói:

-        “Chết khi mấy giờ.[1]

Đứa con trai ấy đáp:

-        “Đã thiêu tối hôm qua rồi !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 62:

        Sách Cách Ngôn dạy rằng :

“Hởi các con,

hãy lắng nghe lời nghiêm huấn của bậc cha anh,

và chú ý để hiểu cho tường”.

        Nhưng thời nay có những bậc cha mẹ phải nghe lời con cái chứ không phải con cái nghe lời cha mẹ, đó là một thực tế ngày càng xuất hiện ở những thành phố phát triển, đó cũng là một nhức nhối cho các bậc làm cha mẹ cũng như của những nhà giáo dục, bởi vì một khi cha mẹ nghe lời con cái hơn là con cái nghe lời cha mẹ, thì gia đình sẽ không còn là nhà trường đầu tiên của con cái nữa thì xã hội sẽ không còn được bình yên.

        Việt Nam chúng ta cũng có câu: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, và thực tế cho chúng ta thấy, không một người con nào trở thành người tốt nếu không nghe lời dạy bảo của cha mẹ.

        Đứa con trai đã bỏ ngoài tai lời dạy của cha mình nên đã làm cho người khách một phen hốt hoảng.

        Người Ki-tô hữu nếu bỏ ngoài tai lời dạy của cha mẹ thì họ sẽ không thể nghe lời dạy của Đức Chúa Giê-su, bởi vì cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa để sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ con cái nên người tốt, có ích cho mọi người...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] 沒了 nghĩa là không có, cũng còn cách đọc khác là “mo沒,歿” nghĩa là “chết”.

 

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


61.         CHỈ ĐƯỢC NỬA CHỮ

Có ông quan nọ gia tài được năm trăm lượng vàng, nhưng một chút bản lĩnh cũng không có.

Bà vợ khuyên ông ta nên mua nhiều sách, ông ta hỏi:

-        “Đọc sách có lợi gì chứ ?”

Vợ trả lời:

-        “Một chữ được ngàn vàng”, sao lại nói không có lợi chứ ?”

Ông ta rất không vui bèn nói:

-        “Một chữ được ngàn vàng, lẽ nào tài sản của tôi chỉ được nửa chữ thôi sao ?”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 61:

        Có những cha mẹ làm ăn đầu tắt mặt tối kiếm tiền gởi ngân hàng dành cho con cái sau này, nhưng con cái học hành thế nào thì không hề quan tâm đến; có những gia đình rất giàu có nhưng con cái thì thất học, bởi vì họ không coi trọng việc học của con cái mà chỉ lo làm giàu...

        Cha mẹ khôn ngoan thì biết để cho con cái gia tài quý nhất đó là chữ nghĩa, tức là cho con cái học hành đàng hoàng, bởi vì người có chữ nghĩa thì bất cứ ở đâu và thời đại nào cũng được mọi người trọng vọng nể vì.

        Chữ nghĩa thì vô cùng mà đời người thì có hạn.

        Có một vài linh mục trẻ “đậu” linh mục xong thì vứt sách vở vào tủ khóa lại, một năm mười hai tháng mới mở ra coi lại một hai lần vì tìm không ra ý tưởng để giảng dạy; thời đại ngày càng tiến bộ về mọi mặt, nhưng hình như có một vài linh mục không tiến bộ về cách hành xử với giáo dân cho đúng với tầm vóc của giáo dân thời đại, bởi vì các ngài không chịu mở mắt để nhìn ra bên ngoài, vểnh tai để nghe tiếng nói của giáo dân góp ý, mở rộng cách suy nghĩ để có tư tưởng mới hơn và phù hợp với tinh thần Phúc Âm hơn trong thời đại này khi giảng dạy...

        Cả gia tài kếch sù mà chỉ mới bằng nửa chữ, huống hồ là cả một kho tàng chữ nghĩa thì biết lấy gì mà so sánh ? Thưa, chỉ có cách là lấy sự ham đọc sách, ham học hỏi làm thú vui thích để mà so sánh mà thôi.

        Cái chữ rất cần thiết cho mọi người, nó càng cần thiết hơn cho các linh mục là những người lãnh đạo dân riêng của Thiên Chúa.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


60.          XỬ PHẠT QUÁ NẶNG

Có người không học hành gì cả, ỷ vào tiền nên mua được học vị giám sinh.

Môt hôm trên đường đi qua cửa Quốc tử giám ở kinh thành, nghe nói quan chủ đang xử phạt hai học sinh, bẻn hỏi người gác cửa:

-         “Lão gia xử phạt hai học trò đó là phạt hay là đánh, hay là bắt giam lại ?”

Người gác cửa đáp:

-         “Lộ đề thi văn chương”.

Anh ta nghe xong thì kinh hoảng, le lưỡi ra nói:

-         “Quái lạ, tội của hai học sinh này cũng không đến nỗi nặng như thế !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 60:

        Giám sinh là một chức vụ quan trọng ở trường học, là người coi về kỷ luật của học sinh, nhưng giám sinh lại cho việc lộ đề thi là không quan trọng, thì đúng là người dùng tiền bạc để mua học vị nên không hiểu biết phần việc của mình phải làm...

        Tất cả mọi dòng tu nam nữ trong Giáo Hội đều có chức vụ giám tập, chức vụ này rất quan trọng vì là người đào tạo nhân cách, nhân bản, nhân đức của các tu sĩ tương lai, do đó mà chức vụ này không thể dùng tiền để mua, lại càng không thể coi thường được. Khi giám tập coi thường chức vụ và bổn phận của mình, thì có nghĩa là sẽ có một lớp tập sinh tương lai ngổ ngáo không coi trọng lời khấn, không thích sống theo tôn chỉ và mục đích của hội dòng, không biết vâng lời bề trên và có khi chửi cả bề trên của mình, bởi vì giám tập đã bật “đèn xanh” khi họ đang ở thời kỳ nhà tập.

        Dùng tiền để mua chức vụ là phá hoại cả một công trình lâu dài, mà chức vụ càng quan trọng thì sự tệ hại càng lớn thêm.

        Giám sinh là người giúp cho học sinh biết giữ kỷ luật của nhà trường; giám tập là người gìn giữ và bảo vệ tôn chỉ và mục đích của nhà dòng hiện tại và trong tương lai.

        một linh mục lão thành đã nói với tôi: “Năm nhà tập không ra gì thì sau này sẽ trở thành một tu sĩ linh mục không ra gì.” Và tôi đã tận mắt thấy lời của ngài là rất đúng.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


59.          VÊNH VÊNH VÁO VÁO

Có người vung tiền để mua được chức quan, ngày nhậm chức thì vội vàng mặc áo quan vào, dùng gương soi ngang soi dọc, đắc ý nói với vợ:

-         “Bà coi ở trong gương là ai vậy ?”

Bà vợ mĩa mai nói:

-         “Xì, chính ông mà cũng không nhận ra chính mình nữa hay sao ?”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 59:

        Đem tiền để mua chức tước thì có gì là vinh vang, nịnh hót cấp trên để được ngồi vị trí “ngon” thì có gì là vinh dự, tất cả chỉ là cái mả tô vôi bên ngoài sơn phết trắng xóa, nhưng bên trong thì chỉ là xương cốt hôi hám.

        Làm cái mả tô vôi thì ai cũng làm được, chỉ cần có tiền, nhưng làm người với tất cả thực lực của mình có như tài trí, khôn ngoan, hiểu biết thì mới là khó và đó chính là cái đáng vinh dự.

        Thông thường người dùng tiền để mua chức tước thì hay khoác lác với mọi người, người nịnh hót cấp trên để được thăng quan tiến chức là người ngay cả bản thân mình cũng không biết mình là ai, bởi vì suốt đời họ chỉ biết cúi đầu xuống đất nhìn chân ông chủ (cấp trên) mà không nhìn lại mình là ai !

        Người không nhận ra chính mình là ai thì cũng không giúp ích gì được cho tha nhân, bởi vì nơi họ không có lòng thành thật, bởi vì họ như cái mả để người khác tô vôi mà thôi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)