Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Lợi tức cho nhà thờ

LỢI TỨC CHO NHÀ THỜ
 


      Nhà thờ xây kiểu hiện đại, nghĩa là có hai đường xe hơi chạy thẳng lên trước cửa nhà thờ khi có lễ hôn phối hay lễ an táng, giáo dân vui mừng vì tiện lợi ấy, nhưng lại buồn.

     Sao lại buồn ?

     Bởi vì cha sở cho người ta thuê tầng dưới nhà thờ để tổ chức đám cưới trùng với giờ lễ của ngày chúa nhật, bên trên thì thánh lễ, bên dưới thì hát hò ì xèo vì đang có tiệc đám cưới. Giáo dân phản ảnh thì cha sở nói: kiếm lợi tức cho nhà thờ.

     Đức Chúa Giê-su nói thật đúng: đừng biến nhà Cha Ta làm nơi buôn bán...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Chúa nhật 23 thường niên

CHÚA NHẬT  23 THƯỜNG NIÊN
 


Tin mừng : Lc 14, 25-33.

“Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Bạn thân mến,
Muốn làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su thì phải từ bỏ mọi sự, đó là một lựa chọn dứt khoát mà Đức Chúa Giê-su đã không ngần ngại tuyên bố với những người muốn theo Ngài. “Từ bỏ những gì mình có” –theo quan niệm của giáo dân- thì chỉ có những người dâng mình làm tôi tớ Thiên Chúa mới từ bỏ mà thôi, còn giáo dân thì từ bỏ cũng tốt mà không từ bỏ thì cũng chẳng sao.

Người phải từ bỏ những gì mình có trước hết chính là những môn đệ của Đức Chúa Giê-su, tức là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, không phân biệt ai là người đi tu hoặc không đi tu, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói câu này trong bối cảnh rất đông người cùng đi đường với Ngài[1]“trong anh em bất luận là ai không từ bỏ hết những gì mình có…”[2] chắc chắn trong số những người này vừa có các tông đồ vừa có những người hâm mộ lời của Ngài giảng dạy, cho nên không thể tách biệt người phải từ bỏ và người không từ bỏ ra hai bên.

Từ bỏ mọi sự những gì mình có.

Giáo dân hay linh mục, tu sĩ nam nữ đều có bổn phận từ bỏ mọi sự để vác thập giá đi theo Đức Chúa Giê-su, đó không còn là lời khuyên nữa nhưng là mệnh lệnh.

Từ bỏ và vác thập giá phải đi đôi với nhau, bởi vì khi từ bỏ là bạn và tôi phải hy sinh: từ bỏ ăn sung mặc sướng tức là hy sinh không hưởng thụ; từ bỏ của cải thế gian tức là hy sinh không bon chen kiếm tiền kiểu đầu tắt mặt tối, mà quên mất nghĩa vụ và bổn phận của người Ki-tô hữu; từ bỏ thú vui do danh vọng đưa đến, tức là hy sinh sống như không có quyền lực danh vọng.

Tử bỏ những gì ?

Có một vài linh mục triều nghĩ rằng: mình chỉ hứa vâng lời giám mục của mình mà thôi, còn sống khó nghèo là của các cha dòng, do đó tuy không giàu có như những đại gia, nhưng các linh mục đa phần là có tiền bạc, rất ít các linh mục nghèo khó và sống nghèo, cho nên cái mà linh mục phải từ bỏ trước tiên chính là tiền bạc, để các ngài được thong dong rao giảng sự nghèo khó mà không bị chống đối, dĩ nhiên đó là cách giảng Lời Chúa hay nhất cho giáo dân trong thời đại ngày nay.

Cái mà các tu sĩ nam nữ phải từ bỏ chính là cái tôi kiêu ngạo của mình, bởi vì có một số các tu sĩ nam nữ -đôi lúc- coi giáo dân như là “công dân hạng thứ trong trong Giáo Hội”, nên có những thái độ và lời nói không mấy khiêm tốn với họ, và như thế việc truyền giáo sẽ không được thuận buồm xuôi gió…

Từ bỏ tức là vác thập giá, nếu các mục tử của Chúa biết vui với người vui và khóc với người khóc, thì đích thị mỗi vị mục tử là mỗi chứng nhân sáng chói nhất của Tin Mừng.

Bạn thân mến,
Còn bạn và tôi là những giáo dân thì từ bỏ những gì ? Bởi vì giáo dân cũng là môn đệ của Đức Chúa Giê-su cho nên chúng ta cũng phải từ bỏ những gì mà Ngài muốn chúng ta từ bỏ .

Từ bỏ cái tôi kiêu ngạo để khiêm tốn chấp nhận thói quen xấc láo của anh em, thì cũng là vác thập giá mình; từ bỏ thói quen phê bình người khác để nói lời thông cảm, là hy sinh để được người anh em; từ bỏ thói quen giận dữ với người khác, để hiền lành vác thập giá theo Đức Chúa Giê-su…

Đem cái áo mới mua, đem một số tiền bạc cho người khác thì dễ, nhưng đem cái mình quý nhất cho người khác thì rất khó, cái mình quý nhất là mạng sống, là cái tôi muốn hưởng thụ trong một xã hội dư thừa vật chất…

Từ bỏ mình cũng là đồng thời vác thập giá mình mà theo Đức Chúa Giê-su, nếu từ bỏ mà không muốn vác thập giá thì chưa trọn vẹn trở nên môn đệ của Ngài, cũng như chưa thật sự là anh em bạn hữu của mọi người…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.




[1] Lc 14, 25.


[2] Lc 14, 33.

Bãi giữ xe

BÃI GIỮ XE
 
 

     Giáo xứ lớn nhất nhì trong giáo phận của một thành phố lớn nhất nước, nhà thờ có sân rất rộng với các tượng đài Đức Mẹ Ma-ri-a và các thánh chung quanh.

Giáo xứ rất đông giáo dân, đa số là thành phần giàu có, mỗi lần đi lễ thì xe cộ các loại rất nhiều, nhưng lại không có nơi để đậu xe của mình, giáo dân muốn đi dạo trong sân nhà thờ tìm sự yên tĩnh cũng không có chỗ, bởi vì cha sở đã đem sân nhà thờ cho người ta đấu thầu làm bãi giữ xe hơi và xe hai bánh, nên từ sáng đến tối rất ồn ào giống như bãi giữ xe trước rạp hát Hòa Bình.
     Giáo dân bất mãn nói: “Sao cha sở không đem nhà thờ cho thuê làm hí viện cho luôn !!”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Nghi thức truy điệu

NGHI THỨC TRUY ĐIỆU
 
 

Có mấy người muốn đi tham gia lễ truy điệu của người bạn, nhưng không hiểu nghi thức truy điệu phải như thế nào.

Có ông Giáp nọ nói với họ:

-      “Tôi hiểu, các anh cứ theo tôi mà làm là được”. Mấy người ấy theo Giáp đến trước linh đường.

Giáp phục trên chiếu cỏ hướng về phía người chết khấu đầu, mấy người ấy chen chen lấn lấn người này sau lưng người nọ, cũng khấu đầu.

Giáp dùng chân đá lui phía sau một chút, chửi nho nhỏ: “Đồ ngớ ngẩn !”

Kết quả mấy người ấy cũng người này tiếp người nọ đá lui phía sau một chút, chửi nho nhỏ: “Đồ ngớ ngẩn !”
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Khổng tử rất coi trọng lễ nghĩa, ông nói: “Người ta mà chẳng có lòng nhân, làm sao mà thi hành lễ tiết ? – Vậy muốn thi hành lễ tiết thì trước hết phải có lòng nhân. Người có lòng nhân là người biết phải biết trái, biết kính trên nhường dưới, biết đem hòa thuận đến cho mọi người.

     Trong đời sống tâm linh, mỗi một tôn giáo đều có cung cách thờ tự khác nhau, niềm tin khác nhau, màu sắc khác nhau, nhưng chung quy vẫn là phải có lễ tiết bên ngoài để bày tỏ tấm lòng thành bên trong của mỗi người đối với vị thần mà mình tin.

     Người Ki-tô hữu không những chỉ lấy lòng tin để thờ lạy Thiên Chúa mà thôi, nhưng cần phải dũng lễ nghĩa là những cử chỉ bên ngoài để tỏ lòng cung kính với Thiên Chúa, nhất là qua Thánh Lễ và các lễ nghi của Giáo Hội Công Giáo. Có các Ki-tô hữu hiểu sai về việc phụng tự của Giáo Hội, nên đã đơn giản hóa đến mức coi thường việc tham dự thánh lễ, họ giải thích rằng: đạo tại tâm, đi lễ làm gì khi bụng đói meo !

     Bởi vì suy nghĩ như thế, nên chúng ta không lạ gì khi họ thờ ơ với Thánh Lễ, và cũng không ngạc nhiên gì khi họ trở thành những người khích bác hàng giáo phẩm, chê bai lễ nghi này, nghi thức nọ, và cuối cùng thì mất đức tin.

     Lý do, là bởi vì họ không có lòng nhân để nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa đang trãi dài trong vũ trụ, họ cũng không tiếp xúc được với ân sủng, vì họ không tham dự các bí tích, mà các bí tích là những lễ nghi cần thiết bên ngoài để được hưởng ơn cứu độ bên trong của Thiên Chúa.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Chữa trị lưng gù

CHỮA TRỊ LƯNG GÙ
 
 

Có một người ở đồng bằng, tự xưng mình là biết chữa trị lưng gù, công hiệu một trăm phần trăm. Có một người lưng gù nghe như thế rất là phấn khởi, bèn đưa cho ông ta rất nhiều tiền và mời ông ta chữa trị.

Người đồng bằng kêu người lưng gù nằm sát trên giường, sau đó tự mình đứng lên trên, dùng chân đạp chổ bị lồi trên lưng của người gù.

Người gù thấy tình trạng như thế, sợ hãi la to:

-“Ông muốn đạp chết tôi à ?”

Người đồng bằng nói:

-“Tôi chỉ bảo đảm lưng của anh thẳng lại, còn anh sống hay chết tôi không bảo đảm !”
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Thời nay có rất nhiều thanh niên nam nữ thích học làm bác sĩ, cũng đúng thôi, vì bác sĩ vừa có danh vị trong xã hội, vừa có tiền, vừa...oai ra phết, ai lại không thích chứ ?

     Bác sĩ, là người đem lại hạnh phúc cho nhiều người, biết bao con bệnh thập tử nhất sinh đã được bác sĩ cứu thoát, biết bao gia đình bất hạnh vì con cái, cha mẹ bệnh hoạn triền miên đã được các bác sĩ chữa khỏi. Chúng ta phải cúi mình tri ân các bác sĩ của chúng ta, vì chính họ đã được Thiên Chúa ủy thác cho một trách nhiệm thay mặt Ngài đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân loại, chữa lành các tật bệnh cho mọi người.

     Nhưng cũng có những bác sĩ chỉ có “bác” mà không có “sĩ”, nghĩa là họ chỉ biết bắt chẹt các con bệnh nghèo, làm ngơ trước nỗi đau khổ của người nghèo bị bệnh, không tiền không chữa trị, đó là nguyên tắc căn bản của họ. Họ chỉ có “bác” mà không có “sĩ”, nghĩa là họ bôi bác danh nghĩa “bác sĩ” cao quý của họ, họ không có “sĩ” vì họ không có lương tâm của một bác sĩ chân chính, bởi vì họ tìm sĩ diện cho mình hơn là cứu sống bệnh nhân của họ, “sĩ” của họ là tiền và chức vị.

     Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho các bác sĩ của chúng ta có tấm lòng nhân ái trước cảnh đau khổ của mọi người như Đức Chúa Giê-su; chúng ta cầu xin Chúa ban cho các bác sĩ biết nhận ra Đức Chúa Giê-su đang đau khổ trong những người bệnh, để họ ưu ái, an ủi và hết lòng phục vụ Chúa trong các bệnh nhân của mình.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Ngậm thịt trong mồm

NGẬM THỊT TRONG MỒM
 
 

Có anh Giáp nọ đi bán thịt, đường đến thị trấn thì phải đi qua một nhà vệ sinh, anh ta máng thịt ở bên ngoài nhà vệ sinh.

Lúc này anh Ất trộm thịt của anh Giáp, còn chưa kịp ẩn núp thì anh Giáp đã đi ra, nhìn quanh quất các bức tường để tìm thịt đã máng ở trên.

Anh Ất thuận tay lấy thịt ngậm trong miệng, nói:

-“Anh đem thịt bỏ bên ngoài cửa nhà vệ sinh, làm sao mà không mất được ? Giả như anh đem thịt bỏ vào trong miệng như tôi đây, có lý do gì mà mất được chứ ?”
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Cái khôn ngoan của người đời thì cũng đồng nghĩa với lừa lọc, luôn có lợi cho mình mà thiệt hại cho người khác.

Cái khôn ngoan của người đời thì chỉ nhìn thấy những tiện ích cá nhân mà không nhìn thấy Đức Ái đang đứng trứơc cửa nhà la to: Yêu thương là chu toàn lề luật  .

Người đời vì lòng tham không đáy nên thường gây đau khổ cho nhau bằng những mưu mô xảo trá lừa lọc, cho nên dù sống trong giàu có, danh vọng, họ cũng không tìm thấy được hạnh phúc.

Hạnh phúc là hoa quả của cây Khôn Ngoan, cho nên người muốn sống hạnh phúc thì :

 “Thật lòng ham muốn học hỏi,

Chăm lo học hỏi là yêu mến Đức Khôn Ngoan.

Mà yêu mến là tuân giữ lề luật.

Chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan,

Là bảo đảm được trường sinh bất tử”  .

     Được sống trường sinh bất tử với Thiên Chúa thì ai mà không ham chứ ?

     Học hỏi Đức Khôn Ngoan để sống yêu thương, để thực hành sự công bằng, và để được hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư




Hiếu tử nói nghèo

HIẾU TỬ NÓI NGHÈO
 
 

Có một người đi an ủi nhà tang, và nghĩ rằng nên đem ít đồ đi giúp đỡ, bèn hỏi người khác: “Có thể đem theo những thứ gì ?”.
Người khác nói:“Tiền, lương thực, vải vóc, tơ lụa đều có thể, cái quan trọng là anh có những thứ đó hay không, còn cho như thế nào thì cũng được, tùy ý anh”.
Người ấy liền mang mười thùng đậu lớn bỏ ngay trước người con có hiếu, nói với anh ta:“Chẳng có gì cả, nên đem tới ít lễ mọn mười thùng đậu lớn tương trợ”.
Hiếu tử nhìn thấy người quen, bèn vừa khóc vừa nói:“Làm sao đây ?”
Người ấy liền cho rằng hỏi đậu phải làm sao đây, liền trả lời:“Có thể nấu cơm ăn”.
Người con có hiếu vẫn còn khóc, vừa khóc lại vừa nói:“Nghèo “ (thời xưa chữ này còn hàm chứa ý nghìa khác là không có đường ra).
Người ấy nghe xong liền nói:“Vừa mới biếu anh xong sao lại nói nghèo, để tôi biếu tiếp anh thêm mười thùng lớn nữa nhé”.
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Lời nói là để diễn đạt tư tưởng của mỗi người, và cũng là diễn tả cá tính của mỗi cá nhân.

     Có những người hay dùng những lời bóng gió để châm chích, xỏ xiên người khác khi trò chuyện ; có người khi trò chuyện thì hay dùng những câu nói tục tỉu, hàm ý bẩn thỉu để mua vui với mọi người, để ra vẻ ta đây có “một bụng” tiếu lâm...; có người khi trò chuyện thì “cướp” hết lời của người khác; có người thì “nửa ngày” nói không ra một tiếng khi trò chuyện...; có người khi trò chuyện thì chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, la lối thóa mạ...

“Lời nói (tthì) không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lựa lời mà nói chính là “đánh lưỡi” bảy lần, để mỗi một lời nói của chúng ta trở thành hữu ích cho mọi người. Thánh Phao-lô tông đồ đã khuyên bảo chúng ta: “Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là người trong dân thánh”  – Và ngài còn nhấn mạnh đến điều mà con người thường mắc phải trong lúc trò chuyện: “Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả : đó là những điều không nên ; trái lại phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn”  .

Bởi vì, tất cả những lời chúng ta nói ra, tự nó, đều có thể lên án chúng ta trước tòa phán xét, như lời Đức Chúa Giê-su đã “ngăm đe”: “Tôi nói cho các người hay : đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh được trắng án ; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án”  .

Một người bình thường hay nói lời tục tỉu, thóa mạ, thì người ta đã khó chịu và chê trách, huống hồ là một linh mục, một tu sĩ mà mỗi khi nói thì la lối, thóa mạ, nói lời tục tỉu bẩn thỉu, thì càng làm cho người ta khinh chê, xa lánh và nên cớ vấp phạm cho nhiều người.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Cầm nhầm bàn ủi

CẦM NHẦM BÀN ỦI
 
 

Ở Thái Nguyên có một người ban đêm bị cháy nhà, vội vàng bê các đồ vật trong nhà ra ngoài, lúc chuẩn bị vác cây giáo đồng, không ngờ cầm nhầm cái bàn ủi, thế là kinh ngạc la lên, nói với đứa con: “Lạ ! Lửa chưa cháy tới, mà sao cây giáo bị cháy cái cán dài ?”
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Có người kể rằng: Mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại Quảng Trị, trong lúc hai bên quân đội quốc gia và bộ đội việt cộng giao tranh ác liệt thì dân chúng di tản vào Huế (vùng quốc gia), vì sợ bom đạn pháo rơi trúng, có một bà mẹ đã đem đứa con còn nhỏ bỏ vào trong cái thúng và gánh chạy giặc, khi đến nơi an toàn nhìn lại thì không thấy con đâu cả, sau đó bà mới định tâm lại mới hay rằng, trong lúc vội vàng hấp tấp, thay vì ẳm con bỏ vào trong thúng, thì lại bê cái gối bỏ vào mà chạy cho nhanh...

     Ở đời không có gì sợ hãi cho bằng cái “ đột xuất”, cái “đột xuất” đáng sợ nhất chính là “chết đột xuất”, tức là chết bất thình lình, chết mà không được lãnh các bí tích sau cùng.

     Vì cái đột xuất đáng sợ này, mà Đức Chúa Giê-su đã nói với chúng ta: “Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”  .
     Có nhiều cái “đột xuất” xảy ra trong đời tôi : đột xuất bị bệnh, đột xuất bị tai nạn, đột xuất té xe, đột xuất bị...chửi, đột xuất bị hiểu lầm.v.v... Tất cả những cái “đột xuất” ấy chính là lời cảnh cáo hoặc lời nhắc nhở của Thiên Chúa đối với tôi. Tôi có hiểu như thế để sẵn sàng chờ đón cái “đột xuất” đến của Con Người không ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Việc bác ái

VIỆC BÁC ÁI
 
 

      Ngài làm quản lý một trung tâm to lớn của giáo phận, được một cha sở của một giáo xứ lớn mời đến dâng lễ và giảng, ngài giảng rất dài nhưng giáo dân chỉ chú ý câu ngài nói:

-“Anh chị em đừng bố thí cho người nghèo…, nên cho họ cái cần câu chứ đừng cho họ con cá…”

Lễ xong có nhiều giáo dân bàn tán: ổng có nhiều tiền thì ổng cho cái cần câu, người nghèo như tụi mình thì giúp đỡ người nghèo được cái gì thì hay cái đó, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy ai xin thì con cứ cho…

Làm việc bác ái thì không cần có “cần câu” để cho, mà chỉ cần có tấm lòng “yêu người như mình vậy”.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Bày đặt nhiều chuyện

BÀY ĐẶT NHIỀU CHUYỆN
 
 

      Đức tổng sai một linh mục dòng làm cha phó của một giáo xứ lớn ở thành phố lớn.

Cha phó thánh thiện đạo đức, năng nổ hoạt động các hội đoàn, ngồi tòa bất kể giờ giấc theo nhu cầu của giáo dân, chứ không theo giờ giấc dán trên bảng thông cáo, cho nên giáo dân rất thích cha phó, dù rằng ngài mới đến ở giáo xứ.

     Cha sở giáo xứ ấy đi nói với một vài người:

-“Mấy ông cha dòng lắm chuyện, bày đặt nhiều chuyện, rườm rà, phiền phức...”

Truyền giáo, hoạt động tông đồ, mà không “bày đặt nhiều chuyện” thì dứt khoác sẽ không kết quả.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Mua phượng hoàng giả

MUA PHƯỢNG HOÀNG GIẢ
 
 

     Ở đất Sở có người gánh một gánh chim trĩ, người đi đường hỏi: “Đây là chim gì ?”

     Người gánh chim trĩ nói dối: “Phượng hoàng”.

     Người đi đường nói: “Tôi nghe nói đến phượng hoàng từ lâu rồi, cho đến hôm nay mới thật sự chứng kiến, anh có dám bán không ?

     Người gánh chim trĩ nói: “Có thể !”

Người đi đường bèn lấy một ngàn đồng tiền để mua, người gánh chim trĩ cố ý không bán, người đi đường tăng giá tiền gấp đôi mới mua được “phượng hoàng”, chuẩn bị đem đi dâng tặng cho Sở vương, bởi vì đường đi rất xa, sau mấy ngày đi thì “phượng hoàng” chết mất tiêu. Người đi đường không vì thế mà tiếc hai ngàn đồng, chỉ hận là không thể dâng tặng cho Sở vương mà thôi.

Đến quốc đô, mọi người đều quay lại nhìn nhìn, đều cho rằng đó chính là phượng hoàng, rất là quý báu, phải tìm cách dâng tiến Sở vương. Sở vương nghe được chuyện ấy, rất cảm kích lòng thành của người đi đường đối với mình, liền cho triệu anh ta vào. Ban cho anh ta số tiền gấp mười lần số tiền mà anh ta mua “phượng hoàng”.
(Tiếu lâm)

Suy tư :

     Việt Nam chúng ta có câu nói như sau để “chê” mấy người có lòng thật thà như sau: “thật thà là cha thằng dại” ; “thật quá hóa ngu”. Tôi không hiểu tại sao lại có câu ấy ?

     Nhưng thật ra, người thật thà không phải là vì họ dại, mà vì họ không có lòng tham, không có tâm hồn bon chen với mọi người, và cũng không thèm tranh chấp với ai. Nếu đem cái thật thà ra mà đọ với sự ma lanh tham lam của người đời, thì đúng là “cha thằng dại” thật, nhưng như thế có ích gì cho phần rỗi đời đời chứ ?

     Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. Hiền lành cũng là thật thà, bởi vì người thật thà thì không đi gây hấn với người khác, không giành giựt của ai điều chi, nên họ không gây chiến với ai. Họ không tham của cải đời này, nên họ được gia nghiệp ở trên trời; vì họ không ma giáo tranh đua để giành giựt chức quyền địa vị ở đời này, nên họ được chúc phúc, còn những người luôn dùng tài trí thông minh, khôn khéo của mình để ức hiếp, khinh chê những người công chính thật thà, thì sách Huấn Ca đã nói như sau :

“Có cái khôn khéo đáng ghê tởm,

người thiếu khôn ngoan là kẻ ngu đần.

Thà trí hiểu kém mà biết kính sợ,

còn hơn khôn khéo mà vi phạm lề luật.

Có cái khôn khéo tinh vi mà lại bất công,

có kẻ tráo trở nhân nghĩa để đem lẽ phải về mình.

Có kẻ xấu (bên ngoài) thì lom khom, rầu rĩ,

Mà (trong) lòng lại đầy xảo trá mưu mô”.

Theo con mắt của người đời, người thật thà nhất là những người “dâng mình làm tôi Đức Chúa Trời”, đó chính là các linh mục, tu sĩ nam nữ, bởi vì các đấng bậc ấy đã bỏ mọi sự thế gian mà đi làm môn đệ Chúa, thì đâu cần phải tranh chấp quyền hành, đâu cần giành giựt miếng ăn và càng không thèm đấu tố tranh tụng với người khác, cho nên tóm lại, họ là những người thật thà và hiền lành nhất.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Dê đạp vườn rau

DÊ ĐẠP VƯỜN RAU
 
 

Có một người quanh năm ăn rau xanh, ngày nọ đột nhiên nếm được thịt dê, tối đến thì nằm mơ, nghe được thần ngũ tạng trong bụng nói:“Dê đã đạp nát vườn rau rồi !”
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Có những tín hữu đi vùng kinh tế mới lập nghiệp, ở trong rừng quanh năm suốt tháng không thấy nhà thờ, không được tham dự các bí tích, các thánh lễ trọng như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh cũng không được tham dự. Trong lòng họ thầm ao ước: nếu được ở gần nhà thờ thì ngày nào cũng đi dự thánh lễ, sẽ giữ đạo sốt sắng và tham dự các sinh hoạt nhà thờ.v.v...

     Đến khi về thành phố làm ăn sinh sống, nhà ở gần cạnh nhà thờ, đi lễ được vài ba tháng thì nghỉ “chơi” với Chúa Mẹ, “bai bai” nhà thờ, lòng đạo của họ lại trở về với  thời “hoang sơ” như hồi ở vùng kinh tế mới. Thế mới biết, Thánh Gia-cô-bê tông đồ nói rất đúng là đức tin không việc làm là đức tin chết, mà xét cho cùng thì vẫn có việc làm đấy chứ, nhưng họ không muốn làm đó thôi: đi dự thánh lễ, đi sinh hoạt ở nhà thờ, đi quét dọn vệ sinh nhà thờ, đi cắm hoa ở nhà thờ.v.v...cũng là những việc làm của đức tin, hay nói cách khác, cũng là việc tuyên xưng đức tin của mình trong cuộc sống vậy.
     Đó chính là những việc làm của đức tin để bảo đảm cho sự sống đời đời, mà buổi tối ngủ không phải sợ...chết thình lình, không phải sợ ngủ rồi ngủ luôn mãi mãi khi chưa lãnh nhận các bí tích...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Theo đuôi phụ họa

THEO ĐUÔI PHỤ HỌA
 

Thời Hán tư đồ (tức thừa tướng) Thôi Liệt cho triệu Thượng Đảng Bào Kiên lại, Bào Kiên lo lắng chưa thấy qua cảnh tượng to lớn như thế bao giờ, liền đi hỏi người khác, người khác nói với anh ta: “Chỉ cần phụ họa theo đuôi người phụ trách nghi lễ là được”.

Đến ngày ấy, người phụ trách nghi lễ bảo Bào Kiên:“Có thể quỳ bái”.

Bào Kiên cũng nói theo:“Có thể quỳ bái”.

Một lúc sau, người phụ trách nghi lễ lại nói:“Có thể ngồi xuống”. Bào Kiên cũng nói lại như thế.

Trong lúc luống cuống mang luôn cả giày ngồi trên chiếu mà tự mình cũng không biết, đợi lúc rời khỏi chỗ ngồi thì đến chỗ để giày tìm cũng không thấy giày đâu cả, người phụ trách nghi lễ nói với anh ta:“Giày mang nơi chân”. Bào Kiên cũng vội vàng nói lại:“Giày mang nơi chân”.
(Tiếu lâm)

Suy tư:

     Các bạn trẻ thời nay thường hay học theo “mốt” của người khác, mà người dân quê chúng ta gọi là bắt chước. Thường thì cái gì dở, không tốt thì bắt chước rất nhanh, còn việc gì tốt đẹp, đạo đức thì lại bắt chước rất chậm, có khi không thèm bắt chước.

     Thấy các bạn đồng trang lứa phì phà hút thuốc, cũng học đòi bắt chước phì phà điếu thuốc trên môi, lâu ngày thành thói quen, ghiện, đến khi không có tiền mua thuốc hút, thì đi ăn cắp của người ta để có tiền hút.

     Thấy bạn bè mặc áo quần mốt này mốt nọ cũng bắt chước đua đòi cho kịp chúng bạn, không tiền may sắm thì đi làm cho có tiền, má có tiền nhanh nhất chính là đi bán bar, bán cà phê ôm và cuối cùng là bán đi cả thân xác mình.

     Tôi có quen biết một số cô gái đi làm... gái, hỏi nguyên nhân tại sao các cô đi làm nghề này thì nguyên nhân chính là bắt chước...mẹ và các chị trong nhà; nguyên nhân thứ hai là để có tiền mua sắm áo quần, son phấn...

     Thánh Phao-lô Tông Đồ đã khuyên bảo chúng ta:“Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta...” . Ngài khuyên chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa chứ đừng bắt chước người đời, mà Thiên Chúa thì là công chính, là lương thiện, là chân thật...

     Bắt chước mô đen này mô đen nọ thì cũng không làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, bình an hơn – Nhưng bắt chước sống cuộc đời chân thật, bác ái, yêu thương thì không những làm cho chúng ta được hạnh phúc, bằng an trong tâm hồn, mà còn dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư