Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Chúa Nhật 27 Thường Niên

 


CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng: Mc 10, 2-16

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

 

Bạn thân mến,

“Mô-đen” nổi bật nhất của gia đình trong thế giới ngày nay chính là vợ chồng li dị nhau. Li dị là một hành vi bạo lực tàn nhẫn làm tổn thương lâu dài tinh thần của con cái, là sự ích kỷ tàn nhẫn của cha mẹ đối với con cái của mình...

Con người thời nay viện cớ là phải theo đà tiến của văn minh nhân loại, của khoa học kĩ thuật để rồi từ chối và phủ nhận cái gốc của hoà bình chính là hạnh phúc gia đình, họ chối bỏ giá trị đạo đức cá nhân để a dua theo phong trào li dị mà họ cho rằng, nếu mình không theo là lỗi thời. Li dị chính là chối bỏ đạo đức căn bản trong hôn nhân mà Đức Chúa Giê-su đã nói rõ ràng : “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li”, Thiên Chúa đã phối hợp và chúc phúc trong sự ưng thuận một cách thong dong của người nam và người nữ, chứ không phối hợp và chúc phúc cách miễn cưỡng hay gò bó của hai người, cho nên khi họ xé bỏ khế ước hôn nhân để li dị đường ai nấy đi, thì chính họ cũng đã xé bỏ hạnh phúc của mình và con cái của mình, và hơn thế nữa, họ từ chối sự chúc lành của Thiên Chúa trên tình yêu của họ: họ không thể nào tìm kiếm lại hạnh phúc hôn nhân sau khi đã li dị...

Tình yêu chân chính là biết hi sinh cho nhau và chấp nhận những khuyết điểm của nhau, trong tình yêu vợ chồng, sự hi sinh cho nhau và chấp nhận khuyết điểm của nhau càng phải nổi bật hơn, bởi vì bao lâu họ biết chấp nhận và hi sinh cho nhau thì hạnh phúc còn ở với họ, nhưng một khi họ chỉ nhìn thấy những khổ cực của mình mà không nhìn thấy những nổi khổ của vợ (chồng) mình, thì cánh cửa hạnh phúc gia đình đang từ từ khép lại, nhốt họ trong sự ích kỉ chỉ muốn thoả mãn những đòi hỏi của cá nhân mà thôi.

Bạn thân mến,

Hạnh phúc của đời sống hôn nhân rất là quan trọng, quan trọng là bởi vì được Thiên Chúa chúc phúc, và Đức Chúa Giê-su đã nâng lên hàng bí tích, do đó mà bạn và tôi –những người vợ người chồng- càng phải ý thức hơn nữa vai trò của mình trước mặt Thiên Chúa, đó là biết chấp nhận khuyết điểm của nhau và hi sinh cho nhau, bởi vì đó chính là những giọt mật ngọt trong tình yêu chân thật của đời sống hôn nhân theo ý của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

 

Câ hỏi gợi ý :

1.     Có lúc nào anh (chị) mĩm cười trước khuyết điểm của vợ (chồng) ?

2.     Có lúc nào anh (chị) nghĩ rằng: chỉ biết nghĩ đến bản thân mình mà thôi, thì là sẽ làm cho gia đình mất hạnh phúc chăng ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 


Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


5.         KINH SỢ THỦY TRIỀU

Mỗi khi đến tháng tám, nước biển dâng cao làm chấn động các thị trấn ven biển.

Thời Nguyên mạt đến giữa Chính Niên, có người Mông Cổ tên là Đạt Lỗ Bất Hoa vừa mới lên chức quan, nghe thấy âm thanh sóng biển thì sợ đến nỗi không dám ngủ bèn đi kêu người coi cửa, người coi cửa từ trong mộng tỉnh lại, lỡ miệng nói:

-     “Đó là thủy triều đang dâng cao lên bờ đó.

Đạt Lỗ Bất Hoa kinh khiếp vội kêu vợ dậy nói:

-        “Tưởng là làm quan để được vinh hoa phú quý, ai ngờ đêm nay chúng ta đều làm quỷ biển.

Thế là cả nhà lớn nhỏ ôm nhau mà khóc mãi không thôi.

Quan tuần tra đi bên ngoài sân nghe tiếng khóc thì cho là có chuyện gì đây, lập tức truyền báo khắp nơi cho các quan biết.

Các quan vội vàng lại cứu viện, Đạt Lỗ Bất Hoa sợ nước dâng lên vào nhà nên đóng kín cổng không cho vào, các quan chỉ có cách là leo rào mà vào, thì thấy vợ chồng và các đầy tớ đều đu trên xà nhà kêu cứu mạng.

Sau khi hỏi rõ sự việc thì tất cả nín cười từ từ đi khỏi...

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 5:

        Đừng sợ, đó là câu nói mà thánh giáo hoàng Gioan Phao-lô đệ nhị đã biến thành hành động trong hai mươi sáu năm triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài không sợ bởi vì ngài cậy trông vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa, ngài không sợ vì ngài biết phó thác mọi việc trong triều đại giáo hoàng của ngài cho Đức Mẹ Ma-ri-a, ngài không sợ bởi vì ngài là một nhà lãnh đạo tinh thần của đoàn dân mà Đức Chúa Giê-su đã trao cho ngài –Giáo Hội Công Giáo.

        Càng làm quan lớn thì càng phải không sợ, bởi vì một khi người đứng đầu chạy trốn, thì cả đoàn lũ dân chúng sẽ tán loạn, như lời của Đức Chúa Giê-su đã nói: đánh chủ chăn thì đoàn chiên sẽ tan nát.

        Nghe tiếng sóng biển mà sợ thì không nên làm quan, nghe lời phê bình góp ý mà sợ thì không nên làm linh mục, bởi vì làm quan thì phải thường xuyên đứng đầu sóng gió, làm linh mục là người của mọi người thì thường nghe lời phê bình góp ý của giáo dân cũng như của mọi người là chuyện bình thường, nghe để phân tích và làm cho tốt hơn, cái “đừng sợ” là ở đó vậy.

        Đừng sợ gì cả, duy có một cái nên sợ đó là sợ tội, vì tội lỗi là làm cho chúng ta mất ơn nghĩa của Thiên Chúa đã ban cho trong cuộc sống của mình.      

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


4.         CÂU ĐỐI DÍNH TRÊN CỬA

Ngô môn Trương Ấu Vu rất hiếu khách, mỗi ngày nhà ông ta đều có khách.

Một lần nọ, ông ta làm một câu đối dán trên cửa và nói:

-     “Đáp trúng thì được vào.

Câu đối như thế này:

-     “Già không nào, nhỏ không nào, sai không nào, tốt không nào.

Vương Bách Cốc thấy vậy nói:

-        “Thái công Châu Văn Vương tám mươi, già không nào; cam la thập nhị vì thừa tướng, nhỏ không nào; đóng kín cửa một mình nuốt, sai không nào; mở cửa mọi người ăn, tốt không nào.

Trương Ấu Vu cười ha ha.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 4:

        Có câu hỏi làm người khác bực mình không muốn trả lời, đó là khi hỏi tiền lương tháng bao nhiêu; có câu hỏi làm người khác mắc cở đỏ mặt, đó là khi hỏi tuổi của các cô...ế chồng; có câu hỏi làm cho người khác tự thẹn với lương tâm, đó là khi hỏi các linh mục đã sống hiền lành và khiêm tốn chưa; có câu hỏi làm người khác phải xấu hổ, đó là khi hỏi người Ki-tô hữu có thật sự mến Chúa yêu người trong cuộc sống chưa...

Và còn có rất nhiều câu hỏi khác làm cho người ta thật sự thẹn thùng.

        Đức Chúa Giê-su vẫn cứ hỏi tôi mỗi ngày rằng: “Hôm nay con có yêu mến Ta không ?”

Nếu tôi yêu mến Ngài thì khi tôi trẻ hay tôi già thì tôi cũng vẫn làm đẹp lòng Ngài; nếu tôi yêu mến Ngài thì tôi sẽ không chờ người khác phục vụ, nhưng tôi sẽ phục vụ người khác nhiều hơn; nếu tôi yêu mến Ngài thì tôi sẽ không ăn một mình, nhưng sẽ mở rộng tâm hồn và mở toang cửa nhà, mời mọi người đến nhà để tôi được chia sẻ miếng cơm manh áo với họ...

Tâm hồn sẽ không già khi chúng ta có niềm vui của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không thấy thiếu thốn khi chúng ta biết có người thiếu thốn hơn chúng ta, chúng ta sẽ được hạnh phúc khi chia sẻ niềm vui ni buồn với tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


3.        CHẾ NHẠO CHỦ NHÀ BỦN XỈN

Có một người làm tiệc thết đãi thầy giáo dạy học cho con mình, nhưng trên bàn tiệc món ăn rất ít.

Hôm ấy trời mưa lớn nên lối đi trơn trợt, có đứa bé bưng thức ăn lên thì bị té ngã làm hư cái mâm, chủ nhà chửi mắng om sòm, đứa bé nói:

-     “Tại đường quá trơn.”

Chủ nhà nói:

-     “Nếu mày có thể viết chữ “trơn ” thì khỏi bị đánh.”

Đứa bé trả lời:

-     “Chữ ‘trơn’ 『滑』 phía trên có một ngôi sao, ở giữa có một cái chấm, phía dưới giống như cái ngó sen, một bên có cái xương lớn.”

Chủ nhà nghe đứa bé không những nói ra chữ “trơn ”, mà lại còn mượn chữ này để chế nhạo ông ta là bủn xỉn nên đỏ mặt tía tai.

                                                          (Nhã Ngược)

 

Suy tư 3 :

        Làm hư cái mâm thì tội cũng không lớn bằng người keo kiết bủn xỉn với tha nhân, bởi vì cái mâm chỉ là một thứ vật chất có tiền là mua được ngay, nhưng keo kiết bủn xỉn với tha nhân thì làm hư cái tình cảm sâu xa trong tâm hồn giữa người với nhau.

        Có hai hạng nhà giàu: một hạng thì rất rộng tay ban phát giúp đỡ tha nhân, bởi vì họ luôn tự biết rằng Thiên Chúa ban cho họ có của ăn của để là để họ thay mặt Ngài giúp đỡ tha nhân; một hạng khác thì rất bủn xỉn vì họ nghĩ rằng mình làm ăn đầu tắt mặt tối mới có tiền bạc, tội gì phải đem cho người khác chứ, thế là họ bủn xỉn với tha nhân và có khi keo kiết với cả bản thân của mình, tức là không dám ăn gì mặc gì, bởi vì sợ tốn tiền...

        Cái mâm không thể quý hơn tâm hồn, lại càng không thể làm cho người giàu có sống thọ, nhưng lòng quảng đại chính là phương thuốc làm cho người nghèo biết nở nụ cười, người đau khổ tìm thấy sự an ủi, và mọi người đều thấy Thiên Chúa hiện diện giữa họ qua hành vi quảng đại bác ái của mình.

  Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 2. BÀNH TỔ MẶT DÀI


Hán Võ đế nói với quần thần:

- “Trong sách tướng có nói: nhân trung dưới mũi dài một tấc (tấc tàu) thì thọ trăm tuổi”.

Đông Phương Sóc nghe được thì cười lớn, hữu tư mã nói ông ta bất kính với hoàng đế.

Đông Phương Sóc lấy cái mũ xuống nói:

- “Tôi không dám cười bệ hạ, thực ra tôi cười Bành Tổ mặt dài”.

Hán Võ đế hỏi:

- “Bành Tổ mặt dài như thế nào ?”

Đông Phương Sóc đáp:

- “Bành Tổ sống đến tám trăm tuổi, nếu nói theo sách tướng ấy thì nhân trung của Bành Tổ dài tám tấc, vậy thì bộ mặt của ông ta dài bao nhiêu trượng ?”

Hán Võ đế cười ha ha.

(Nhã Ngược)

Suy tư 2 :

 Nhân trung dài một tấc thì sống trăm tuổi, mà dài tám tấc thì sống tám trăm tuổi, như thế ông Bành Tổ cái mặt phải dài lắm vì tương truyền rằng ông ta sống khoảng tám chín trăm tuổi mới chết. Theo tướng học, ai có nhân trung (rãnh phía dưới mũi) dài và rộng thì cuộc đời sung túc và sống thọ, sống thọ không có nghĩa là sống đến tám chín trăm tuổi, nhưng thọ có nghĩa là hơn tám mươi tuổi mà thôi.

 Sống lâu trăm tuổi là cái phúc của trời cho, nhưng trời cho sống lâu là để làm gì, đó mới chính là điều đáng nói.

 Có người sống thọ tám chín mươi tuổi nhưng vẫn cứ đi lễ nhà thờ, vẫn cứ siêng năng đọc kinh sáng tối, vẫn cứ ăn chay kiêng thịt ngày thứ sáu, sống lâu như thế thì có ích và trở nên gương sáng cho con cái cháu chắt noi theo; có người mới bốn năm mươi tuổi mà đã sống như ông già tám chín mươi tuổi, khó tính, chướng và không tu thân tích đức không để tiếng tốt cho con cháu...

 Nếu chỉ sống đến ngày mai –dù nhân trung dài hay ngắn- thì người Ki-tô hữu vẫn luôn cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho họ sống thọ thêm một ngày, để họ làm gương sáng cho mọi người noi theo; họ vẫn tạ ơn Thiên Chúa đã để họ sống thêm một ngày, để họ biết ăn năn sám hối và đền tội mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân, sống thọ như thế thì nên sống...

 Nhân trung dài một tấc thì sống thọ, nhưng những ai ham học hỏi và sống lời Thiên Chúa thì được sự sống trường sinh với Đức Chúa Giêsu trên thiên đàng vậy.

 Đó chính là trường thọ đích thực vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

--------------- 

http://www.vietcatholic.net 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 


Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (12)

 


1.          TẮM CHÓ

Ngày mồng ba tháng ba, có người khách đi thăm Dương Nam Phong, họ Dương vì bận tắm cho chó nên chưa kịp tiếp khách, khách cho rằng ông ta ngạo mạn nên rất không vui.

Ngày mồng sáu tháng sáu, Dương Nam Phong đi thăm người khách ấy, khách cũng vì tắm rửa nên chưa tiếp kiến.

Tục truyền rằng ngày ba tháng ba là ngày tắm Phật, ngày sáu tháng sáu là ngày tắm chó, họ Dương liền viết trên tường một bài vè trêu đùa:

-         “Ngày xưa ông đến thăm tôi, tôi bận tắm,

 hôm nay tôi đến thăm ôn,g ông bận tắm.

Lúc ông thăm tôi là mồng ba tháng ba,

lúc tôi thăm ông là mồng sáu tháng sáu”.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 1:

        Những lúc có dịp thì bạn bè bà con thân thuộc nên đi đến thăm nhau, đó là cách tỏ tình thân thiện gắn bó lâu dài.

        Có những người khi nghe bạn bè đến thăm thì không ra đón hoặc nhắn gởi là mình không có ở nhà, bởi vì bạn bè quá nghèo, tưởng họ tới cầu cạnh mình; có những người khi nghe có người bà con từ dưới quê lên thăm thì dặn người nhà có đồ gì quý thì đem cất, bởi vì sợ người bà con nhà quê xin; có những người bạn thành tâm đến thăm bạn bè nhưng bị hiểu lầm là đến kiếm ăn.

        Người có bổn phận đi thăm người khác đó chính là cha sở, bởi vì khi cha sở đem cả tấm lòng yêu thương quan tâm cho con chiên mình, thì không có con chiên nào đành đoạn từ chối không tiếp đón ngài. Đi thăm giáo dân là xây một chiếc cầu thông cảm, hiểu biết, không bằng xi-măng cốt sắt, nhưng bằng tình cảm của một mục tử, đó là việc truyền giáo hay nhất.

        Mồng ba tháng ba là tắm Phật, ngày sáu tháng sáu là tắm chó, nhưng đối với người Ki-tô hữu mỗi ngày đều là ngày của Chúa, cho nên mỗi ngày bà con bạn hữu đều có thể đi thăm nhau, cha sở có thể đi thăm giáo dân của mình, nhất là những người đau yếu, già cả trong giáo xứ, đó chính là bày tỏ tình yêu của mục tử với đàn chiên, một tâm hồn nhiệt thành với việc tông đồ vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


 

101.          MÈO CHÚC THỌ CHUỘT

Có một con chuột già chạy trốn trong một cái hủ lớn, con mèo túm không tới nó bèn dùng râu khều khều lão chuột, thế là lão chuột hách xì một cái.

Con mèo bên ngoài kêu:

-         “Thiên tuế”.

Lão chuột chớp chớp con mắt nói:

-         “Ông làm gì mà biết chúc thọ ta ! Nếu không phải muốn ta chui ra để ăn ta sao, hahahaha”.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 101 :

        Con mèo là sát tinh của con chuột, thì không thể nào đi chúc thọ con chuột cả, bởi vì vừa thấy chuột là mèo “xực” ngay, còn đâu nữa mà chúc thọ với chúc phúc !

        Người Ki-tô hữu thì luôn nghe lời của Đức Chúa Giê-su dạy là hãy làm ơn và cầu nguyện cho những người ghen ghét và bách hại anh em. Lời dạy này cũng là một lời chúc thọ rất độc đáo mà người môn đệ của Ngài luôn thực hành trong cuộc sống của mình, cho nên đi đến đâu họ cũng đều biết “chúc thọ” cho những người không thích mình, ganh ghét mình và làm hại mình.

        Con mèo làm bộ tung hô “thiên tuế” với con chuột, nhưng trong bụng thì muốn xơi tái nó, bởi vì mèo và chuột thì kỵ rơ nhau, nhưng người Ki-tô hữu sẽ không bao giờ kỵ rơ với ai, bởi vì họ luôn biết rằng, tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em với nhau.

        Đó là lời “chúc thọ” hay nhất vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)