Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

Chúa nhật 2 thường niên (B)

 


CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng: Ga 1, 35-42.
“Các ông đã đến xem chỗ của Đức Chúa Giê-su ở, và ở lại với Ngài.”

Anh chị em thân mến, nội dung của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy việc Đức Chúa Giê-su chọn các môn đệ đầu tiên và thái độ của các môn đệ như thế nào đối với lời mời gọi “Theo Thầy” của Đức Chúa Giê-su, tôi xin chia sẻ với anh chị em hai điểm sau:
1- “Đến mà xem”.
Đức Chúa Giê-su mời gọi hai người môn đệ của thánh Gioan Tiền Hô rằng “hãy đến mà xem”, và các ông đã đến xem, nhưng xem thấy gì ? không xem thấy gì cả và cũng không có gì đáng xem, ngoài cuộc sống của Đức Chúa Giê-su, chính cuộc sống này đã thu hút và giữ các ông lại bên Ngài và trở thành môn đệ của Ngài.
Hai môn đệ đầu tiên đã xem nhưng họ không phê bình gì cả, cái mà họ xem thấy không phải là một vị bác học tài ba, cũng không phải là một anh hùng lẫm liệt, cũng chẳng phải là một nhân vật quan trọng nào khác của nhà vua, nhưng họ nhìn thấy một con người rất bình thường như những người khác, cái rất bình thường này có một sức lôi cuốn đặc biệt trong cung cách giảng dạy, bởi vì lời giảng dạy của Ngài như Đấng có quyền uy ! Họ đã xem và thấy được Đấng Mê-si-a trong cách sống và lời giảng của Đức Chúa Giê-su đó sự hiền lành và khiêm tốn của Ngài.
Hai môn đệ đã xem thấy Chúa, và họ đã ở lại với Ngài, học hỏi Ngài và sống chết với Ngài, và cuộc sống của các ngài cũng sao chép lại cuộc sống của Đức Chúa Giê-su, đó chính là đời sống khiêm tốn và phục vụ của các Ngài.
Chúng ta không những đã thấy Chúa mà còn trở nên con cái và là môn đệ của Ngài, nhưng trong cuộc sống chúng ta có học hỏi noi gương của Chúa chưa ? Có những lúc chúng ta mời những người ngoại giáo, những người “nguội lạnh” đến mà xem, nhưng khi họ đến nhà thờ để “xem” Chúa thì họ không thấy Chúa đâu cả, mà chỉ thấy chúng ta –những người Ki-tô hữu- đi dâng lễ mà như đi coi phim ở trong rạp hát: thanh niên nam nữ ngồi bên ngoài ghế đá trò chuyện tâm tình “ôm nhau xèo nẹo”; họ thấy chúng ta đang ngồi tán ngẫu hút thuốc lá khi linh mục đang giảng; họ thấy các ông trùm cầm cây roi mây đi lui đi tới rình nạt nộ trẻ em như coi tù...
- “Đến mà xem” tức là đến để sống với Đức Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể.
- “Đến mà xem” tức là đến để nhận sự hòa giải nơi bí tích Giải Tội.
- “Đến mà xem”, xem rồi thì ra đi loan báo cái mà mắt mình đã xem đã cảm nghiệm được cho tha nhân, đó chính là đời sống yêu thương và phục vụ của chúng ta.
2- “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a”.
Đó là tiếng hô vui mừng của người đi tìm trân châu ngọc quý và đã gặp, ông An-rê -một trong hai môn đệ đầu tiên- đã gặp và đã loan báo tin vui này cho người nhà của mình, tức là em của mình là Phê-rô. Đây là một thái độ rất thường tình của con người là chia sẻ trước với người thân thiết những vui buồn của mình, đây cũng là thái độ của Đức Chúa Giê-su khi Ngài đi rao giảng tin từng Nước Trời, trước tiên là cho người Do Thái, dân tộc của Ngài, sau đó mới đến mọi dân nước trên thế giới.
Có những lúc trong cuộc sống chúng ta đã gặp được Chúa, nhưng chúng ta không đem Chúa đến cho người nhà, chẳng hạn như có người Ki-tô hữu khi ra ngoài xã hội thì làm rất tốt bổn phận của người có đạo, nhưng về nhà thì lại cau có chửi bới anh chị em trong nhà; có người đi đến các bệnh viện để truyền đạo, giúp đỡ bệnh nhân, nhưng cha mẹ già yếu ở nhà không chịu săn sóc bỏ mặc cho người khác chăm nom; có người tiền dư bạc đống đem đến cơ quan từ thiện này có quan từ thiện khác để bố thí, nhưng anh em cháu chắt ruột thịt của mình thì một đồng cũng không bỏ ra cứu giúp, cho nên họ giúp đỡ người khác chỉ là quảng cáo cho công ty hoặc đánh bóng tên tuổi của mình mà thôi, còn thực chất yêu người thì nằm trên những dòng chữ “tạ ơn” của người chịu ơn họ.
Có những lúc chúng ta đã bắt gặp được Chúa nơi các nhà thờ to lớn, và chúng ta hứng thú phục vụ Chúa trong các nhà thờ ấy, nhưng lại không thấy Chúa để phục vụ Ngài trong nhà thờ nhỏ bé của họ đạo mình. Nếu chúng ta không gặp được Chúa nơi những người trong gia đình, nếu chúng ta không giới thiệu Chúa cho những người trong giáo xứ họ đạo của mình, thì Chúa mà chúng ta đem giới thiệu cho người khác chỉ là “chúa dỏm” mà thôi.
“Lạy Chúa, mỗi ngày trong thánh lễ Chúa đều mời gọi chúng con hãy đến mà xem, xem tình yêu của Chúa đối với nhân loại và với chúng con trong bí tích Thánh Thể. Chúa mời gọi chúng con đến mà xem để rồi sống với những gì mình đã xem thấy nơi Thánh Thể, đó chính là sự khiêm hạ của một Thiên Chúa làm người.
Xin Chúa ban cho chúng con được học hỏi Chúa sự yêu thương và lòng khiêm hạ ấy, để chúng con hân hoan nói với người anh em chị em của con rằng: chúng tôi đã thấy Chúa là Đấng Mê-si-a, Ngài đang ở trong anh, ở trong chị, ở trong tha nhân, Ngài đang ở trong tất cả những người đau khổ và trong những người đang thành tâm tìm kiếm Ngài”.
Xin Chúa nghe lời chúng con. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


80.      DÙNG “VẠI NHỔ NƯỚC BỌT THƠM”

Người Đông Tấn là Tạ Cảnh Nhân thích sạch sẽ, tìm việc kỳ lạ, mỗi lần nhổ nước bọt thì nhổ bên trong áo của người giúp việc, nhổ xong thì cho người này nghỉ một ngày để giặt áo. Về sau, mỗi lần muốn nhổ nước bọt thì người giúp việc tranh nhau nhặt không ngớt.

Lại có con của Nghiêm Cao là một người nổi tiếng tên là Nghiêm Thế Phồn mỗi lần nhổ nước bọt thì dùng miệng của tên tớ gái đẹp mà nhổ , chỉ cần nói có hơi đờm, thì cô hầu gái phải há miệng to đợi, Nghiêm Thế Phồn gọi đó là : “vại nước bọt thơm”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 80 :

Dùng áo của người giúp việc để làm ống nhổ hoặc dùng miệng của người hầu gái đẹp để nhổ nước bọt của mình thì quả thật là người vô nhân, đó là hành vi của những người coi đồng tiền hơn cả sự khổ nhục và nhân phẩm của người khác.

Mọi người đều được Thiên Chúa tạo dựng và bình đẳng như nhau không những trước mặt Thiên Chúa mà còn bình đẳng với nhau tại trần gian này. Người đầy tớ cũng là con người nên cũng phải đối xử với họ như Thiên Chúa đã đối xử cách yêu thương với họ.

Ăn những thứ cao lương mỹ vị rồi nhổ ra nơi áo quần và trong miệng của người đầy tớ là hành vi của quỷ sa tan làm nhục Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương con người cách đặc biệt hơn tất cả mọi loài trên mặt đất này.

Một hành vi tàn nhẫn hay một lời nói ác ý hại người là một khoảng cách đã được rút ngắn giữa hỏa ngục và tôi, thật là đáng sợ, bởi vì trong một ngày tôi đã có bao nhiêu hành vi tàn nhẫn và nói biết bao nhiêu là lời độc địa, ác ý hại tha nhân !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


79.      NHỤC CHƯỚNG NHỤC CHƯỚNG

Dương Quốc Trung là sủng thần thời Đường Huyền Tôn, hể khi mời khách uống rượu thì chú trọng xa xỉ cách kỳ lạ, lúc nào cũng ra lệnh cho thị nữ vợ lẽ bê một loại thức ăn để cung ứng cho khách dùng có tên là “nhục đài bàn”.

Mùa đông, ra lệnh cho thị nữ vây quanh để phòng chống lạnh, gọi là “nhục bình phong”. Lại tuyển trong các vợ lẽ người béo mập cao to đứng phía trước cản gió lạnh gọi là “nhục chướng, nhục chướng”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 79 :

Xa xỉ đến như Dương Quốc Trung thì có gì là lạ, thời nay có những ông được bao che hơn cả sủng thần còn xa xỉ gấp trăm ngàn lần: họ dùng tiền của công ty ăn uống một đêm vài ngàn đô la Mỹ, họ không đem vợ bé của họ để hầu hạ khách nhưng để cho các cô tiếp viên nhà hàng săn sóc, họ không ăn uống nhiều nhưng thích nhục dục, họ không sợ lạnh nhưng thích “nhục bì”, họ không sợ nóng nhưng thích “nhục thể”…

“Nhục chướng” là lấy thịt làm vật để ngăn, nhưng ma quỷ thì thích dùng “nhục” để cám dỗ chúng ta vào vòng tội lỗi, cho nên người ta có thể chiến thắng tiền bạc, chiến thắng khó khăn, chiến thắng nóng lạnh, nhưng rất ít khi chiến thắng “nhục dục”.

Xa xỉ là chơi trội quá trán, chơi trội quá trán là vì đó không phải là tiền của mình, nên dễ dàng phạm tội.

Người Ki-tô hữu thì luôn đề cao cảnh giác với những cám dỗ kiểu xa xỉ này, bởi vì chính nó đã khiến cho nhiều bậc tu hành sa ngã, thì cũng sẽ làm cho họ điêu đứng chết không xong mà sống cũng không ổn…

“Nhục” nguy hiểm thật, nên cần phải cầu nguyện và hy sinh luôn..


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


78.      THÍCH SỨ ÉP DẦU

Thích sứ Giản châu là An Trọng Bá tham tiền vô hạn.

Có tên bán dầu họ Quách biết đánh cờ tướng, An Trọng Bá bèn triệu hắn ta lại đánh cờ, nhưng lại không cho phép người bán dầu cùng ngồi đánh cờ với ông ta, mỗi lần đi xong một con cờ thì bắt người bán dầu lui về góc tường đợi ông ta đi cờ, và nói:

-      ”Đợi ta tính xong nước cờ thì mày có thể đến coi”.

Đánh cả ngày mà chưa hết mười con cờ, người bán dầu đứng lâu bụng đói rã rời chịu không nổi.

Qua ngày hôm sau An Trọng Bá lại kêu người bán dầu đến đánh cờ, người biết An Trọng Bá tham tiền liền nói với người bán dầu:

-      “Đó là ông ta đợi ông đem lễ vật đến biếu thì ông ta mới không kêu đánh cờ nữa, ông đứng như thế thì chi bằng đem quà đến biếu rồi đi về có hay hơn không”.

Người bán dầu làm như thế, quả nhiên An Trọng Bá không kêu ông ta đến đánh cờ nữa.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 78 :

Vì lòng tham mà bày ra nhiều trò chơi “cút bắt” làm khó dễ để người ta dâng biếu quà cáp cho mình, đó là những người vừa có lòng tham vừa có lòng ác và lòng độc hiểm, đó là những ông quan tham tiền tham ngày xưa của chế độ phong kiến.

Có những Ki-tô hữu khi trong giáo xứ có tổ chức hoạt động gì mà cần đến họ giúp đỡ tham gia, thì họ phải đòi cho được ông cha sở đích thân đến nhà mời mới tham gia, chứ ban hành giáo mời thì cũng như nói chuyện với…cột trụ không nhúc nhích được họ, đó là hạng người tham danh.

Có những người Ki-tô hữu khi được mời tham gia sinh hoạt giáo xứ thì nhận lời, nhưng đòi cha sở phải để cho mình toàn quyền làm việc chứ không muốn nghe theo ý kiến của ai cả bằng không thì gút-bai, đó là hạng người tham quyền.

Những người tham danh tham quyền thì cũng thường là những người tham tiền.

Có những cái “tham” đẹp lòng Thiên Chúa và có ích cho tha nhân, đó là: tham phục vụ mọi người, tham làm việc lành phúc đức, tham hy sinh khắc khổ, tham đọc kinh dâng lễ, tham cầu nguyện…

Những cái “tham” thánh thiện ấy làm cho chúng ta nên thánh giữa đời…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


77.      PHÁT TÀI NHỜ NGƯỜI CHẾT

Đời nhà Đường, huyện lệnh Nhiễu Dương thuộc châu Thắng là Đậu Trí Phạm rất tham lam.

Trong huyện có một thôn trưởng nọ vừa chết, thì Đậu Trí Phạm bèn triệu tập các thôn trưởng và các thân bằng quyến thuộc của người chết được hơn hai trăm người lại để quyên tiền, tiếng thì nói là tạc tượng cho người chết nên ra lệnh cho mỗi người phải đóng một quan, được tất cả là hơn hai trăm quan.

Sau khi được tiền, Đậu Trí Phạm lập tức nói:

-      “Ông thôn trưởng này hiện nay đang bị trị tội dưới địa ngục, diêm vương bắt ông ta làm tên quỷ mới, chúng ta phải mau cứu ông ta. Bây giờ ta đã tạc xong tượng, nên dùng nó thay thế trước thì có thể làm cho ông ta tránh được khổ nạn”.

Nói xong thì lấy trong tay áo ra một pho tượng dài chừng năm phân.

Mọi người biết là bị lừa kêu khổ luôn miệng.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 77 :

Lợi dụng người chết để làm tiền người sống là chuyện có thật, nhất là ở những vùng quê còn lắm nhiều điều dị đoan.

Chết là nhắm mắt tắt hơi, là bất động, là toàn thân lạnh ngắt, đúng là rất đáng sợ với những người yếu bóng vía. Nhưng chết chính là cửa ngõ để con người đi qua thế giới bên kia, thế giới bên kia có thể là thiên đàng và có thể là hỏa ngục, cho nên người chết tức là các linh hồn người Ki-tô hữu rất cần lời cầu nguyện của chúng ta, đây là việc làm chính đáng và tốt lành không phải là dị đoan.

Nhưng nó sẽ là “dị đoan” khi cha sở không dâng lễ cho các linh hồn vì thân nhân họ nghèo xin không đủ số tiền bỗng lễ quy định ! Nó cũng sẽ là dị đoan khi người Ki-tô hữu cứ nghĩ rằng vì mình không có tiền để xin lễ cầu hồn cho ông bà cha mẹ nên không đi lễ…

Tiền xin lễ là để giúp cho cha sở có sinh hoạt phí theo lẽ công bằng mà Giáo Hội đã quy định, chứ không phải là giá tiền của một thánh lễ, bởi vì tiền bạc châu báu của cả thế gian này gộp lại cũng không thể mua được một thánh lễ, cho nên đừng làm cho sự thánh thiện trở thành dị đoan và gây gương mù cho người ngoại giáo cũng như người tân tòng…

Tạc tượng để thế cho người chết khỏi bị hình phạt là dị đoan và lừa dối mọi người, nhưng đi dâng thánh lễ cầu nguyện và làm việc hy sinh để cầu nguyện cho các linh hồn là việc làm chính đáng của người Ki-tô hữu vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 




76.      ÁP VÁC LA HÁN

Lúc đại tướng Bắc Tống là Tào Hàn diệt Nam Đường là Lý Thị để chấp chính, thì lấy tất cả vàng bạc châu báu của Lý Thị len lén chở sạch về nhà hơn trăm thuyền.

Vì Tào Hàn sợ không danh chính, bèn lấy mấy tượng la hán trong chùa ở thôn Lư Sơn Đông chất lên thuyền, mỗi thuyền che giấu hơn mười tượng, và đem mấy la hán này dâng cho hoàng đế, hoàng thượng đem mấy la hán này ban cho chùa Tướng Quốc.

Vì chuyện này mà người biết chuyện loan truyền ra trong chỗ riêng tư, người đương thời bèn gọi la hán chùa Tướng Quốc là “áp vác la hán”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 76 :

Đã ăn cắp mà vẫn còn sĩ diện, vẫn còn đòi danh chính ngôn thuận thì quả thật là…mặt dày.

La  hán là những pho tượng được đặt trong các chùa chiền như những vị thần bảo vệ giúp đỡ các thiện nam tín nữ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng ỷ vào quyền thế chức vụ mà lấy mất la hán của người dân để che cái lòng dạ xấu xí của mình thì quả là lấy vải thưa che mắt thánh…

Thời nay ít có người vào chùa cắp tượng la hán hoặc vào nhà thờ cắp tượng thánh để dâng cho vua, nhưng vẫn có những người lấy danh nghĩa nhà thờ, chùa chiền để làm việc có lợi cho cá nhân mình.

Ăn cắp tượng thánh thì ít người Ki-tô hữu nào dám, nhưng “mượn” danh nghĩa các thánh để đi quyên góp tiền bạc của người khác bỏ túi riêng thì dám làm, bởi vì họ “tưởng” rằng các tượng thánh không biết việc dối trá mà họ đã làm…

Thật là tội nghiệp cho họ !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2024

Lễ Đức Chúa Giê-su chịu Phép Rửa

 


LỄ ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

 

Tin Mừng: Mc 1, 7-11

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

 

Anh chị em thân mến,

Thân phận làm người là thân phận cao quý (chỉ sau các thiên thần) trong các loài thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên, nhưng càng cao quý hơn khi chính thân phận được dựng nên bởi bùn đất này lại được trở nên làm con cái của Thiên Chúa, ơn nghĩa cao trọng này bởi đâu mà có, chắc chắn không phải bởi công nghiệp của tổ tiên, cũng không phải bởi công lao của chính bản thân mình, nhưng là chính bởi tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại, mà rõ ràng và cụ thể nhất chính là nơi con người của Đức Chúa Giê-su. Ngài là ai với thân phận của mình ?

  1. Thân phận con người.

Thân phận con người nơi Đức Chúa Giê-su được thấy rõ nhất là giây phút này đây: giây phút Ngài tự nguyện xuống sông Gio-đan để xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, một sự tự nguyện mà thánh Gioan Tẩy Giả –qua tác động của Thánh Thần- đã phải sững sờ kinh ngạc thốt lên: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”

Hành vi tự nguyện như một tội nhân của Ngài đã nâng cao giá trị của tình liên đới giữa người với nhau, Ngài đã đồng hóa mình như là một tội nhân để thông cảm, rộng lượng và chấp nhận những người tội lỗi, những người mà xã hội hôm nay gọi là “thành phần bất hảo”, để họ trở thành những người anh em chị em với mình.

Con người thời nay, ai cũng tự cho mình là những bậc thầy của người khác, cho nên họ thường hay kết án, chỉ trích tha nhân; ai cũng muốn tách mình ra khỏi đám người tội lỗi, và lẫn tránh người anh em chị em khi họ sa cơ thất thế, và thế là họ đã đi ngược lại với hành vi tự nguyện của Đức Chúa Giê-su: Đấng vô tội đã trở thành tội nhân, để vô số tội nhân được trở nên người thân cận của Ngài.

  1. Thân phận Thiên Chúa

Nơi giòng sông Gio-đan có rất nhiều người đến xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa để tỏ lòng sám hối, nhưng sự sám hối này chưa hoàn hảo vì nước chưa được thánh hóa, hay nói cách khác, họ chỉ hối hận những việc làm không chính đáng của mình qua lời giảng dạy của thánh Gioan Tẩy Giả mà thôi, còn sự tha tội thì phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả không “đủ sức” để làm.

Đức Chúa Giê-su đến, và Ngài đã xuống sông để chịu phép rửa như bao người khác, hành vi khiêm tốn của Đấng-Thiên-Chúa-làm-người này, đã thực sự làm cho nước có một giá trị tuyệt đối –rửa sạch mọi tội lỗi trong tâm hồn của con người nơi bí tích Rửa Tội-

Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng thánh hóa nước, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm cho con người từ trong vũng bùn tội lỗi được trở nên trắng như tuyết trong nước Rửa Tội, vị Thiên Chúa đó đang lẫn lộn trong đám người xuống sông Gio-đan xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình, và qua phép rửa tượng trưng này, Ngài đã thánh hóa những kẻ tin vào Ngài được trở nên con Thiên Chúa và là người anh em với Ngài nơi bí tích Rửa Tội.

Con người ngày nay thường hay “tạt nước” vào mặt anh chị em bằng những thái độ hống hách và những lời nói khiếm nhã, họ muốn người khác phải tôn trọng họ, nhưng nơi họ, một chút tôn trọng anh chị em cũng không có, họ coi thường người khác trong chính hành vi ngôn ngữ của mình.

  1. Bí tích Rửa tội – Ấn tích của sự sống lại.

Mừng lễ Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa, chúng ta nhớ lại ngày hồng ân của mỗi người, đó là ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, trở thành con cái của Thiên Chúa, được thông phần vào cuộc giáng sinh, khổ nạn, và phục sinh của Đức Chúa Ki-tô.

    Sau khi Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa, thì Ngài bắt đầu công khai rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, Tin Mừng về Nước Trời chính là “kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình”, không những Ngài rao giảng, mà Ngài còn thi ân giáng phúc cho mọi người, để làm chứng cho họ biết rằng: chính Ngài chứ không phải người nào khác, mới có quyền cứu độ và tha tội cho nhân loại, chính Ngài, chứ không một ai khác, mới thật sự là Đấng phán xét nhân loại.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, cũng có nghĩa là chúng ta có đủ tư cách để tiếp tục sứ mạng loan truyền Tin Mừng cứu độ của Đức Chúa Giê-su cho mọi người, do đó chúng ta cần phải học hỏi và noi gương của Ngài: yêu thương anh em như chính mình. Đành rằng chúng ta không bị treo trên thập giá như Ngài để cứu độ anh em, đành rằng chúng ta không sống lại sau khi chết được ba ngày như Ngài để ban ơn cứu độ cho anh em, nhưng mỗi người trong chúng ta cũng có thể chết cho cái tôi kiêu ngạo, cái tôi ích kỉ của mình để anh em chị em được thoải mái, hoặc là chúng ta có thể hi sinh những thói quen khiến người khác không bằng lòng, thì cũng giống như chúng ta đã sống lại với con người mới trong đức ái  rồi vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

-------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


75.      THỢ RÈN MỔ THỊT

Ở Vĩnh Xương có một thợ rèn thích đội mũ “Tô Đông Pha”, lại có một đồ tể khác biệt hiệu là “phong tử”.

Có một người thích nói chuyện tiếu lâm thấy hai người đi song song, khi họ còn đang ở đàng xa thì nói với mọi người:

-      “Tôi đã đọc rất nhiều sách, nhưng từ trước đến nay chưa từng biết Tô học sĩ[1] thích sắt thép, La trạng nguyên[2] có khả năng hiểu việc gia súc”.

Người thời ấy khi nói đến chuyện này thì cười ha ha.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 75 :

Ở đời, có những người nông dân nhưng thích mặc áo quần công nhân khi ra đồng, đó là ý thích của người ta; có những cô gái bán hàng ngoài chợ nhưng thích đội mũ mô đen, đó là sở thích của họ không có gì đáng chế nhạo…

Có người làm quan nhưng không thích sự liêm chính khi cầm cân nảy mực, đó là chuyện đáng cười; có người làm thầy cô giáo nhưng lại thích ăn nói như tên ma cô đầu đường xó chợ, đó là chuyện đáng cười; có người làm kẻ tu hành như thích bon chen giữa chợ đời như mọi người, đó là chuyện đáng cười; làm người Ki-tô hữu nhưng sống như người chưa hề biết Thiên Chúa là ai, đó là chuyện đáng cười…

Người thợ rèn thích đội mũ của Tô học sĩ vì ông ta muốn học cái tài như Tô Đông Pha, anh đồ tể muốn lấy biệt hiệu là “phong tử” vì anh ta muốn học cái giỏi như La trạng nguyên.

Người Ki-tô hữu không cần học nơi ai cả, chỉ cần học nơi Đức Chúa Giê-su sự hiền lành và khiêm tốn là đủ để trở nên gương sáng cho người khác noi theo…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tô Đông Pha.

[2] La Luân người nhà Minh, thi đình đậu hạng nhất tự gọi là “Phong”.