Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

Chúa nhật 24 thường niên

 




CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng: Mc 8, 27-35.
“Thầy là Đấng Ki-tô. Con Người phải chịu nhiều đau khổ.”


Bạn thân mến,
Tin Mừng hôm nay bạn và tôi đã nghe rất nhiều lần, và có khi thuộc lòng mẫu đối thoại giữa Đức Chúa Giê-su với các môn đệ của Ngài, mẫu đối thoại có hai câu hỏi của Đức Chúa Giê-su:
1. Người ta nói Thầy là ai ?
2. Anh em bảo Thầy là ai ?
Hai câu hỏi thật bất ngờ với các tông đồ.

1. Người ta bảo Thầy là ai ?
Thời của Đức Chúa Giê-su: đám đông dân chúng bảo Ngài là vị đại tiên tri, vì Đức Chúa Giê-su giảng dạy như Đấng có quyền uy; lại có người bảo Đức Chúa Giê-su là Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến, vì Ngài làm rất nhiều phép lạ thi ân giáng phúc cho dân chúng; những người Biệt Phái và Pha-ri-siêu cũng như các thầy tư tế thì cứ cho là Đức Chúa Giê-su ăn nói lộng ngôn phạm thượng đến Thiên Chúa, và ghen ghét thù hằn Ngài, cho nên luôn tìm cách để “chơi” Ngài, cuối cùng thì vu vạ cáo gian Ngài, và xin tổng trấn Phi-la-tô lên án và đóng đinh Ngài vào thập giá…
Thời nay: Bên cạnh những người biết và tin vào Đức Chúa Giê-su, thì vẫn còn có nhiều người chưa biết Ngài là ai; có nơi người ta đá đảo Hội Thánh của Ngài, có nơi người ta bách hại những người tin vào Đức Chúa Giê-su, và có những nơi người ta cuồng nhiệt sát hại những ai tin vào Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, là Đấng cứu độ trần gian…
Thời của Đức Chúa Giê-su cũng như thời nay –thế kỷ 21- có người coi Đức Chúa Giê-su là vị cứu tinh nhân loại, có người coi Đức Chúa Giê-su là tên tội phạm bị đóng đinh trên thập giá, và còn có nhiều người tìm cách bách hại những ai mang danh Ki-tô hữu…

2. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?
Các môn đệ của Đức Chúa Giê-su thật bất ngờ khi Ngài hỏi các ông về bản thân Ngài, và chắc chắn các ông rất lúng túng vì không ngờ Thầy lại hỏi câu ấy, bởi vì các ông đi theo Đức Chúa Giê-su, nhưng có lẽ như chưa bao giờ để ý đến Ngài là ai ! Nhưng nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà thánh Phê-rô đã mau mắn tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô”.
Có một ngày đẹp trời nào đó, Đức Chúa Giê-su cũng sẽ hỏi cá nhân bạn và tôi: “Còn con, con bảo Thầy là ai ? Nếu con bảo Thầy là cứu chúa của con, là Thiên Chúa của con, sao con vẫn sống như người chưa biết Thầy, sao con vẫn sống kiêu căng, ích kỷ, ghét ghen với tha nhân ? Sao con vẫn cứ lấy Thầy ra làm khiên mộc để con biện hộ cho việc làm không tốt đẹp của con…?- Thì bạn và tôi phải trả lời ra sao !
Và Đức Chúa Giê-su cũng sẽ hỏi những người trong cộng đoàn của bạn và tôi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai ? Nếu các con bảo Thầy là Đường là Sự Thật và là Sự Sống, nên các con từ bỏ mọi sự để theo Thầy, sao các con vẫn còn chia bè chia phái để đấm đá khai trừ nhau, sao các con vẫn cứ nói xấu nhau trong cộng đoàn, sao các con vẫn cứ muốn làm lớn để đạp bỏ anh em chị em trong cộng đoàn của mình ? Các con tự nguyện sống trong cộng đoàn để nên thánh, nhưng sao các con vẫn cứ coi anh em chị em như kẻ thù giống như con cái của ma quỷ vậy ? Thì bạn và tôi sẽ trả lời ra sao với Ngài !
Bạn thân mến,
Nơi người nghèo khó, Đức Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai…?
Nơi người bất hạnh, Đức Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai…?
Nơi những trẻ em đói khổ, Đức Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai…?
Nơi người giàu có bất lương, nơi người ỷ quyền ỷ thế hiếp đáp dân nghèo, Đức Chúa Giê-su hỏi chúng ta: các con bảo Thầy là ai...?
Bạn và tôi đều biết Đức Chúa Giê-su là ai rồi, nhưng có lẽ chúng ta chỉ biết Đức Chúa Giê-su trong nhà thờ, chỉ biết Đức Chúa Giê-su hiện diện trong bí tích Thánh Thể mà thôi, chứ chúng ta chưa biết Đức Chúa Giê-su đang hiện diện trong những người anh em bất hạnh chung quanh chúng ta...!
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

Lễ Suy Tôn Thánh Giá

 


LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Tin Mừng: Ga 3, 13-17
“Con Người sẽ phải được giương cao”
Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng kính lễ suy tôn Thánh Giá của Đức Chúa Giê-su.
Nói hân hoan vì chính Đức Chúa Giê-su đã dùng cây Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại chúng ta khỏi ách tội lỗi của ma quỷ, hân hoan vì cây Thánh Giá chính là cây trường sinh đem lại sự sống đời đời cho chúng ta
Thánh Giá chính là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, đó chính là niềm tin và là biểu tượng thánh của người Công Giáo chúng ta, ở đâu có Thánh Giá là ở đó có bằng an và sức mạnh thần thiêng.
Đức Chúa Giê-su không chết dưới lưỡi gươm của quân lính để cứu chuộc nhân loại, Đức Chúa Giê-su cũng không chết vì chén thuốc độc để chúng ta được sống, nhưng Ngài đã chết bằng cách chịu đóng đinh trên cây thánh giá để cứu chuộc nhân loại, do đó Thánh Giá là biểu tượng cho sự giao hoà giữa trời và đất, và là sự nối kết tình huynh đệ giữa con người với nhau, mà tâm điểm phát xuất chính là Đức Chúa Giê-su.
Phải qua thánh giá mới đến vinh quang, cũng như phải qua đò mới đến được bến bờ bên kia, nhưng người qua đò thì không còn nhớ đến con đò đã đưa mình qua sông, bởi vì con đò không còn ích gì cho họ nữa, nhưng cây Thánh Giá không những Thiên Chúa dùng để cứu chuộc chúng ta, mà còn đi với chúng ta cho đến hết cuộc sống ở trần gian:
- Thánh Giá nơi bí tích Rửa Tội đã làm cho chúng ta trở thành những người được cứu độ và làm con của Thiên Chúa, đó là Thánh Giá của niềm tin.
- Thánh Giá nơi bí tích Thêm Sức làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của Chúa trong cuộc sống của mình, đó là Thánh Giá của tình yêu.
- Thánh Giá nơi bí tích Xức Dầu Thánh làm cho chúng ta được bình an, đó là Thánh Giá của hy vọng.
Vinh quang và chiến thắng không ở nơi cảnh thanh bình giả tạo nhưng ở nơi chiến trường, mà chiến trường của chúng ta –những người Ki-tô hữu- chính là bổn phận hàng ngày của mình; chiến trường của chúng ta cũng ở trong những khó khăn của cuộc sống, khi chúng ta chu toàn bổn phận chính là lúc chúng ta đem cây Thánh Giá của Chúa cắm vào nơi ươn hèn của tội lỗi, khi chúng ta vui vẻ cậy nhờ ơn Chúa để đi qua những khó khăn của cuộc sống, là chúng ta đã đem vinh quang của cây Thánh Giá dựng lên cao để cho mọi người biết rằng: sức mạnh và vinh quang của chúng ta chính là cây Thánh Giá.
Anh chị em thân mến,
Ngày hôm nay Thánh Giá không còn là biểu tượng của đau khổ nữa, nhưng là của chiến thắng và vinh quang, bởi vì tất cả những đau khổ đưa nhân loại chúng ta đến chỗ chết chóc huỷ diệt, thì đã được Đức Chúa Giê-su –Đấng Cứu Chuộc trần gian- đã gánh lấy cho chúng ta, để giờ đây mỗi người trong chúng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ chiến thắng là cây Thánh Giá ngay trong cuộc sống đầy đau khổ và hạnh phúc của mình ở trần gian này.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


88.          MẮT CỦA ANH NÓNG ĐÓ

Sau khi Vương Văn Thành làm quan thì nơi địa phương ấymột người rất không thích ông ta.

Ngày nọ, anh ta nhìn thấy cái (mão) quan của Vương Văn Thành hai bên có dây rủ xuống hai dải gấm vừa đúng che mất cái tai, anh ta cười nói:

-         “Thưa ngài, cái tai của ngài bị lạnh sao ?”

Vương Văn Thành trả lời:

-         “Tai của ta không lạnh, nhưng con mắt của ông nóng rồi đó !”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 88:

Có người thấy người khác ăn nên làm ra thì nóng mặt, tức tối và ghen ghét, thế là không phải chỉ một con mắt nóng mà thôi, nhưng mắt mũi, miệng, mặt và quả tim đều nóng, tội nghiệp cho họ thật chứ không phải chuyện đùa.

Tai bị lạnh thì lấy mũ che lại chẳng hại gì cả, nhưng mắt bị nóng phát hỏa thì nhìn không rõ, nên hay đoán mò đoán bậy làm mất lòng người khác.

Có một vài người Ki-tô hữu tìm nhiều lý do để ngăn cản không cho người khác dâng cúng nhà thờ xây cái này làm cái nọ, vì họ sợ người khác chơi nổi chơi đẹp hơn mình; lại có những người tai không bị lạnh mắt không bị nóng, nhưng luôn luôn nói sai sự thật, chuyện ít nhưng xít cho nhiều, thêm mắm thêm muối làm câu chuyện nhỏ trở thành câu chuyện lớn trầm trọng, có khi có hại và làm mất danh dự của người khác...

Đó là căn bệnh tự ti mặc cảm thường có nơi những người thường cho mình bị thua thiệt vì nghèo, vì không học hành, vì không có tài cán gì...

Khiêm tốn và thành thật chính là ân huệ mà Chúa ban cho chúng ta, để chúng ta nhận ra ân sủng mà Chúa ban cho tha nhân, đó chính là hâm mộ thật vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


87.          VẼ HÌNH QUAN LỚN

Có một quan sứ, mời họa sĩ đến vẽ cho mình một bức tranh.

Họa sĩ rất thật thà, khi vẽ hình ông ta xong thì đưa cho ông ta coi, ông ta vừa nhìn thấy thì nổi trận lôi đình, chửi rủa họa sĩ:

-         “Hôm trước ta thấy ngươi vẽ con hổ còn lấy vàng dát mỏng dán lên mắt nó; giống như ta đây làm quan rất lớn, tại sao mày không dán vàng lên hai con mắt của ta ?”

  (Nhã Ngược)

 

Suy tư 87:

Vẽ chân dung là vẽ đúng khuôn mặt thật của mình, nghĩa là cái bản mặt của mình nó làm sao thì họa sĩ sẽ vẽ lại như thế, người ta gọi đó là vẽ chân dung.

Có những người lợi dụng quyền chức của mình để hà hiếp dân lành, đại gian đại ác, nhưng lại bắt người ta phải “vẽ” hình của mình thật hiền lành giống ông tiên bà tiên; có những người sống cuộc đời gian ác trời đánh thánh vật, nhưng cũng muốn người ta “vẽ” cho mình khuôn mặt giống ông bụt thật thà dễ mến khi nắm chức quyền; lại có những người dùng một người gian ác nào đó cùng hội cùng thuyền với mình đặt lên cao, rồi ra lệnh cho những bồi bút “vẽ” ông ta là tiên là phật, để lợi dụng sự mê muội của người khác... tất cả những hình vẽ trên đều không phải là vẽ chân dung, nhưng là biếm họa, làm cho mọi người đều mĩm cười chê bai, chế giễu và căm tức, vì nó không đúng sự thật.

Cũng có những người mang danh Ki-tô hữu muốn người khác “vẽ” mình thật có tinh thần bác ái, khi mà mình luôn cho vay ăn lời cắt cổ; có những bậc tu hành ăn uống hưởng thụ mặt mày tròn quay béo tốt hơn cả ông hoàng, nhưng luôn muốn giáo dân thiện nam tín nữ “vẽ” hình mình là một người khắc khổ, nghèo khó tội nghiệp...

Đừng nhờ ai “vẽ” lại chân dung của mình cả, vì như thế sẽ sai đi sự thật và mở đường cho sự kiêu ngạo len vào, nhưng hãy tự mình họa lại chân dung của mình cho giống hình ảnh của Đức Chúa Giê-su khiêm tốn, yêu thương và phục vụ.

Đó chính là chân dung đúng nhất của bậc tu hành và của giáo dân vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


86.          CÚNG CHÂN VÕ

Giả Tự thết tiệc mời khách, đầu bếp bưng lên một bát canh ba ba còn nóng hổi, có một người khách từ chối ăn, nói:

-         “Tôi vừa mới theo đạo và cúng Chân Võ bồ tát (thần của đạo giáo thường cúng). Con ba ba ấy giống như con rùa ở phía dưới cái án kỷ của bồ tát, cho nên tôi không ăn.

Trong canh còn có mía, có vị khách khác nói:

-         Tôi cũng không ăn, bởi vì tôi cũng vừa mới theo đạo và cúng Chân Võ bồ tát, khúc mía này không phải giống cán cờ trước mặt bồ tát đó sao ?”

Khách ngồi dự tiệc cười loạn cả lên.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 86:

Không ăn con ba ba là vì không thích ăn, không thích ăn mía là vì không thích ăn, thế thôi, chứ đừng viện cớ nó giống con rùa dưới cái án kỷ của bồ tát hoặc nó giống cái cán cờ của bồ tát mà không ăn, đó là người trí trá không thật thà.

Trí trá là người ứng xử nhanh nhẹn với những gì có lợi cho họ, nhưng lại rất chậm chạp khi công việc đó có lợi cho tha nhân, bởi vì lòng dạ và trí óc của họ lúc nào cũng đầy ắp những ý nghĩ có lợi cho mình, mà không suy nghĩ kiếm cách làm lợi cho tha nhân, cho cộng đoàn, những người này luôn có mồm mép dẻo hơn kẹo kéo, khiến cho người ta rất dễ lầm lẫn, vì thế cho nên người ta thường hay lầm lẫn giữa trí trá và sự khôn ngoan, vì thế mà người ta dễ tin vào lời họ nói, kể cả những người Ki-tô hữu.

Ăn được thì nói ăn được chứ đừng lấy lý do này nọ để biện minh, cũng vậy, khi có thể giúp đỡ được cho tha nhân thì nên giúp đỡ, dù họ là hạng người nào trong xã hội, đó chính là người khôn ngoan trong Chúa Thánh Thần, chứ đừng trí trá viện cớ Đức Chúa Giê-su dạy thế này, Giáo Hội dạy thế nọ để rồi dửng dưng trước nhu cầu cấp thiết của tha nhân, đó chính là mưu mô của ma quỷ vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


85.          NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG


Ngô Khôn Trai ở Tứ Xuyên thích nói đùa.

Một hôm, người hàng xóm làm nhà mới, ông ta chúc mừng và nói:

-         “Cái nhà này làm rất kỳ diệu.”[1]

Chủ nhân nói:

-         “Đây là cái miếu[2], à không phải, chỉ có thể là làm nhà vệ sinh công cộng.”

Ngô Khôn Trai hỏi:

-         “Sao lại như thế ?”

Chủ nhân cười nói:

-         “Không phải nhà vệ sinh, vậy thì tại sao khi ông mới vào nhà lại “đánh rắm ?”[3]

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 85 :

Nói đùa không đúng chỗ khi người ta đang mừng tân gia thì không nên, bởi vì khi người ta mừng nhà mới thì người ta cũng muốn mình nói những lời hay tốt đẹp cho người ta, chứ không ai muốn mình nói lời đùa giỡn, dù lời nói đùa ấy là lời nói vui, bởi vì đó là đùa không đúng chỗ, nhất là lời nói đùa ấy bao hàm nhiều ý không tốt.

Chỉ một câu nói đùa không đúng chỗ mà lời nói của Ngô Khôn Trai bị coi là “đánh rắm”, mắc cở và mất mặt lắm chứ không phải chuyện đùa.

Càng có chức tước, thân phận càng cao thì không nên bạ đâu cũng nói đùa, nhưng phải luôn nói lời chừng mực với khuôn mặt vui vẻ, nói lời đứng đắn mà phảng phất nét duyên dáng, nói chuyện tiếu lâm nhưng không hàm tục... đó chính là người biết xử thế vậy.

“Đánh rắm” thì hôi thúi làm cho người chung quanh khó chịu, nhưng lời nói giống như “đánh rắm” thì người chung quanh muốn thà độn thổ chết mất tiêu hơn là phải nghe những lời ấy.

Khiếp thật chứ không phải chuyện đùa.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] phát âm là “meo” nghĩa là kỳ diệu.

[2] cũng phát âm là “meo” nghĩa là cái miếu. Đồng âm khác nghĩa.

[3] Ý chủ nhân nói là Ngô Khôn phê bình không đúng chỗ, lời phê bình hôi thối giống như nhà vệ sinh.

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


84.          MẸ KHÓC CON

Có một phụ nữ, mặc cái váy màu hồng vừa khóc vừa kêu:

-         “Con ơi, con ơi...

Có người hỏi bà ta khóc ai vậy, bà ta đáp:

-         “Ba của nó là rể của ba tôi, ba của tôi là bố vợ của ba nó.”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 84 :

        Có những người làm nghề khóc thuê khóc mướn, khi họ khóc thì kể lễ lâm ly bi đát như khóc thương người thân yêu của mình, nhưng trong lòng họ thì một chút bi ai thương tâm cũng không có.

        Có những người vì muốn cho mọi người biết mình cũng có hiếu với cha mẹ, nên khi cha mẹ chết thì thuê những người khóc mướn đến khóc giùm, để cho thêm đậm nét bi ai, còn chính họ thì không chảy một giọt nước mắt, nhưng họ thích kể dài dòng những chuyện về mình đã báo hiếu và lo lắng cho cha mẹ đến hao tiền tốn của, sức khỏe hao mòn, vân vân và vân vân.

        Con cái có thể mướn người khóc thuê đến để “khóc giùm” cho mình khi cha mẹ qua đời, bởi vì thời nào và xã hội nào cũng có những người con bất hiếu với cha mẹ, tức là không nghĩ đến công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.v.v... Nhưng cha mẹ thì không thể kiếm người khóc mướn cho mình khi con của họ qua đời, bởi vì không ai yêu thương con cái cho bằng cha mẹ, và không một người nào có quả tim yêu thương con cho bằng cha mẹ, và bởi vì “nước mắt thì chảy xuống chứ không chảy lên”.

        Tình thương của con cái đối với cha mẹ giống như một giọt nước trong đại dương mà thôi...

        Thiên Chúa cũng vậy, chúng ta chưa khóc thương khi Ngài vì tội chúng ta mà phải chịu đóng đinh trên thập giá, nhưng Ngài thì không thể không khóc khi chúng ta phạm tội, bởi vì Ngài là Cha trên trời của chúng ta...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


83.          HÀN TÍN CHẤM THI

Năm nhâm tuất thời Nam Tống có hội thi, con của tên gian thừa tướng Tần Cối là Tần Hy, cháu là Tần Xương Thời và Tần Xương Linh đều thi đậu tiến sĩ, tên ghi bảng đỏ.

Những người đọc sách rất căm hận, bừng bừng truy cứu năm ấy ai là người chấm thi.

Một thư sinh nói:

-         “Đó là Hàn Tín.”

Mọi người đều trách anh ta nói tầm bậy, nhưng anh ta cười nói:

-        “Nếu người chấm thi không phải là Hàn Tín thì sao lại lấy tam Tần hử ?”[1]

          (Nhã Ngược)

 

Suy tư 83:

        Thời nay, có những học trò đi thi mà không cần học bài, vì được thầy chấm thi học bài trả bài giùm cho; thời nay có những thầy chấm thi thích đọc truyện, lướt facebook trong khi học trò đang thi, để học trò tự do quay cóp làm bài cho nhau, đây là một biểu hiện của sự thoái hóa, tụt dốc của giáo dục mà tất cả mọi người đều quan tâm bức xúc...

        Thầy không thẳng thì trò sẽ ngã, thầy không công thì trò sẽ dối, đó là hậu quả tất yếu của sự giáo dục theo cơ chế “đạt chỉ tiêu” chứ không theo lương tâm của một thầy giáo.

        Đức Chúa Giê-su đã nói: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai làm gì có nho mà hái ? Trên cây gai làm gì có vả mà bẻ ? Nên hể cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt”.( Mt 7, 15-18)

        Người ta thường tín nhiệm người Ki-tô hữu hơn những người khác, không phải vì người Ki-tô hữu học giỏi có bằng cấp (bởi vì những thứ này mọi người đều có thể có), nhưng bởi vì người Ki-tô hữu mang trên mình một quả tim yêu thương và phục vụ của Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Nghĩa chơi chữ: ám chỉ câu chuyện lịch sử trong truyện Tam quốc chí, Hàn Tín là tướng quân giỏi của Lưu Bang đánh chiếm lấy ba Tần cho Lưu Bang thống nhất thiên hạ.