Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Chúa nhật 14 thường niên

 


CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mc 6, 1-6
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở quê hương mình.”

Anh chị em thân mến,
Chỉ có những người đã cảm nghiệm qua được những đau khổ mới chia sẻ được với những đau khổ của tha nhân; chỉ có những ai đã bị khinh chê, bị hất hủi, bị rẻ rúng mới hiểu được thế nào là sự tủi nhục của anh chị em mình.
Đức Chúa Giê-su đã kinh qua điều ấy khi Ngài bị những người trong làng trong họ rẻ rúng coi khinh, vì lý lịch của Ngài đối với họ không ra gì cả: con của bác thợ mộc Giu-se và bà Ma-ri-a nghèo nàn. Vì những thành kiến này, mà Đức Chúa Giê-su đã không làm một phép lạ nào cho họ, bởi vì dù có làm chăng nữa thì họ cũng không tin Ngài là Đấng Mê-si-a.
Thành kiến là mối mọt gặm nhấm tình yêu mà Đức Chúa Giê-su đã phát hiện ra khi trở về quê hương, sau những ngày bôn ba rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đáng lẽ, những người ở quê hương phải vui mừng mới phải, vì từ nơi quê hương của mình đã phát sinh ra một người con làm rạng rỡ cho quê hương làng xóm, nhưng họ đã làm ngược lại: họ đã khinh rẻ Đức Chúa Giê-su vì Ngài xuất thân từ con nhà nghèo, con của bác thợ mộc.
Thành kiến là mối mọt gặm nhấm tình yêu giữa người với người, giữa những thành viên trong cộng đoàn với nhau, nó như những con mọt âm thầm phá nát mối giây liên hệ tình người trong cuộc sống, nó không chấp nhận một sự thực tồn tại, đó là cuộc sống của người anh chị em hôm qua và hôm nay không giống nhau; họ chì nhìn thấy cái quá khứ nghèo nàn của Đức Chúa Giê-su, họ chỉ nhìn thấy cái kém cỏi của tha nhân hôm qua mà không thấy cái hay cái tốt của họ hôm nay, cho nên đối với họ, dù cho anh chị em có tài giỏi đến đâu chăng nữa, thì anh chị em ấy cũng vẫn là con bác thợ mộc nghèo nàn, cũng là nói: anh vẫn cứ là một đứa có lý lịch không ra gì.
Thành kiến là chống lại ân sủng của Thiên Chúa nơi người anh em chị em của chúng ta, bởi vì ân sủng của Chúa như giòng nước tuôn chảy trong tâm hồn của con người. Nước chảy thì luôn làm cho nơi mà nó chảy qua được sạch sẽ đổi mới và trong lành, cũng vậy khi chúng ta cứ mãi mãi nhìn thấy cái khuyết điểm hôm qua của tha nhân để rồi phê bình, khinh bỉ, thì chúng ta chống đối và phủ nhận ân sủng của Chúa nơi người anh em chị em của chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Ở trên đời có rất nhiều sự việc xảy ra mà chúng ta không ngờ tới, không dám nghĩ tới, nhưng nó vẫn cứ xảy ra, huống hồ người anh chị em của chúng ta, hôm qua họ là người thô lổ cộc cằn, nhưng hôm nay họ trở nên hiền lành dễ thương; hôm qua họ buôn gian bán lận, nhưng hôm nay họ trở thành kẻ lương thiện; hôm qua họ là tên không ra gì, nhưng hôm nay họ trở thành một linh mục, một tu sĩ, một nữ tu...
Tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa, không có ân sủng của Ngài thì không ai có thể làm cho mình trở nên tốt hơn, nhưng họ đã cậy nhờ ơn Chúa để thánh hoá mình và vươn lên, vậy chúng ta lấy quyền gì để khinh rẻ anh chị em của mình ?
Nếu Đức Chúa Giê-su cứ nhìn cái ngày hôm qua của chúng ta, nghĩa là Ngài cứ nhìn mỗi tội lỗi của chúng ta, thì thử hỏi, chúng ta sẽ như thế nào, chúng ta được cứu độ chăng ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 



28.          ĐỒ ĐẠC TIÊU TAN

Có một thương nhân ở An Huy sống rất là tiết kiệm.

Một lần nọ ông ta mang theo bên mình một bình muối đậu đi Tô Châu để buôn bán, khi ăn cơm thì lấy đũa gắp ra, giới hạn mỗi bữa ăn là một hạt, nhiều nhất là hai hạt.

Có người đồng hương nhìn thấy ông ta và nói:

-         “Ông vẫn còn ở trong mông muội sao, con trai ông làm tiệc rất lớn để mời khách, tiêu tiền như rác ấy !”

Thương nhân nổi giận đùng đùng, lập tức lấy tay bốc đậu trong bình ra, vừa bỏ vào miệng vừa hét lớn:

-         “Được, dù là sạch ráo thì ta cũng đến phá cho tan gia bại sản mới thôi !”

                                                                          (Tiếu lâm)

 

Suy tư 28:

        Có những gia đình cha mẹ rất tiết kiệm trong ăn uống mua sắm chi tiêu để dành tiền cho con cái ăn học, phòng hờ những khi bệnh hoạn, mất mùa, nhưng con cái thì xài tiền như rác, không coi đồng tiền là của mồ hôi nước mắt của cha mẹ mình đổ ra; nhưng ngược lại cũng có những con cái biết xót đồng tiền của cha mẹ, nên không đua đòi ăn diện như những người khác, đây là chuyện thật trăm phần trăm mà thời đại nào cũng có.

        Con cái phung phá tiền của cha mẹ thì có nhiều lý do:

-         Đua đòi theo bạn bè.

-         Ăn nhậu tập làm người lớn.

-         Cha mẹ cưng chiều quá mức.

-         Biếng nhác học hành.

-         Kết bè với người xấu bạn xấu...

Nhưng quan trọng hơn chính là cha mẹ không dạy dỗ con cái biết lao động và yêu quý đồng tiền do lao động mà có.

        Ba mươi năm sống trong gia đình với thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a ở Na-gia-rét, Đức Chúa Giê-su đã nuôi sống mình bằng nghề thợ mộc nên Ngài rất tâm đắc sự nghèo khó: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”

        Tiết kiệm là để dành khi trời hạn hán mất mùa hoặc bệnh hoạn để có mà dùng đến, và có khi giúp đỡ bố thí cho người nghèo, chứ không phải tiết kiệm để cho con cái tha hồ ăn chơi, đua đòi...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


27.          CHUYÊN ĂN CHỰC

Có người chuyên môn ăn không (ăn chực), nhưng từ trước đến nay không mời người khác ăn.

Một lần nọ, người hàng xóm mượn phòng khách của ông ta để làm tiệc mời khách, có người không biết nên cảm thấy kỳ kỳ sao ấy bèn hỏi đầy tớ của ông ta:

-         “Tại sao mặt trời đã lặn về tây rồi mà chủ của ông còn làm tiệc đãi khách ?”

Người đầy tớ trả lời:

-         “Làm gì có chuyện đó, nếu nhà chủ tôi đãi khách thì phải đợi kiếp sau.”

Không ngờ ông ta nghe được câu nói này bèn chửi đầy tớ một trận, nói:

-         “Ai kêu mày hứa ngày khác chứ ?”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 27:

       Người tự trọng dù được người khác mời cơm thì cũng sẽ mời lại khi có dịp, vì không ai thích mang tiếng là “ăn chực”; ăn chực khác với việc người nghèo khó nhận sự giúp đỡ của người khác, bởi vì tất cả việc người giúp đỡ và người nhận đều là vì bác ái mà giúp đỡ nhau.

       Thời nay có những người không phải nghèo khó, không phải gặp tai ương hoạn nạn, cũng không phải là kẻ mồ côi góa bụa, nhưng lại đi ăn chực của người nghèo và của những người lao động làm thuê làm mướn, đó là những người tham nhũng làm hại quốc gia, làm hại xã hội, họ là những người không biết phục vụ người khác, chỉ lợi dụng chức quyền để hà hiếp và bốc lột người nghèo cô thế cô thân, họ ăn chực cách trắng trợn của những người nghèo...

       Người nghèo, người hoạn nạn, người bệnh, nhận sự giúp đỡ của người khác là sự bất đắc dĩ nhưng họ cũng vui vẻ đón nhận sữ quan tâm của mọi người; nhưng người ăn chực, ăn không, thì họ lại cho rằng sự ăn không, ăn chực của mình là...khôn ngoan, nên họ ăn chực trên mồ hôi nước mắt của người khác...

       Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy chúng ta: ai không làm việc thì đừng có ăn...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


26.          TIỀN, KHÔNG MẤT ĐƯỢC

Chàng ngốc cầm tiền đi phố mua gạo, nhưng không biết phải làm như thế nào nên đem bao để đựng gạo vứt đi, về nhà nói với vợ:

-         “Trên phố rất đông, có rất nhiều người chen nhau vứt bao.”

Vợ nói:

-         “Bao của ông cũng vứt đi à ?”

Trả lời:

-         “Ê, chuyện đó thì khỏi nói.”

Vợ vội vàng hỏi:

-         “Tiền đâu ?”-

Chàng ngốc dương dương tự đắc nói:

-         “Bà yên tâm, tôi đem tiền cột rất chặt ở trong góc bao, tuyệt đối không thể mất được !”

(Tiếu lâm)

 

Suy tư 26:

     Ở đời có người dốt khi học chữ nhưng lại thông minh khi buôn bán làm ăn; lại có người rất thông minh khi học hành nhưng không biết làm ăn buôn bán, cho nên có người giỏi cái này thì có người dốt về cái kia, không ai hoàn toàn trên mọi lãnh vực.

Đem tiền bỏ vào trong bao rồi đem bao vứt đi, rồi lại nói không thể mất tiền được là người vừa ngu vừa ngốc.

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng thế, có những lúc chúng ta vùa ngu vừa ngốc: ngu là sống trong ơn sủng của Thiên Chúa mà lại không tận hưởng ơn sủng của Ngài, ngốc là đem ơn sủng của Thiên Chúa ban cho để đổi lấy những thứ vô giá trị của thế gian tội lỗi này. Cái bao là các bí tích, đồng tiền là ơn thánh của Thiên Chúa, đem bao và tiền vứt đi không phải là người ngu và ngốc sao ?

Có nhiều người Ki-tô hữu đã vứt bao vứt tiền, tức là chối bỏ ơn thánh Thiên Chúa và phản đối Giáo Hội, nhưng lại dương dương tự đắc “sửa lưng” những người Ki-tô hữu khác, vì người khác giữ bao giữ tiền tức là giữ lề luật của Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo Hội...

Người ngu thì luôn cho mình là thông giỏi nên họ mãi mãi là người ngu, người thông minh thì luôn cho mình là ngu nên họ luôn là người thông minh, vì “ai hạ mình xuống thì sẽ được nhấc lên...”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


25.          CHẾT RỒI VẪN THÍCH SĨ DIỆN

Có một thư sinh gia cảnh rất nghèo nhưng lại rất thích sĩ diện, luôn luôn thổi phồng mình là gia đình giàu có.

Kẻ trộm cho rằng nhà hắn ta có tiền nên một đêm nọ đến nhà hắn trộm, nhưng phát hiện trong nhà hắn ta ngoài bốn bức vách ra thì chng có vật gì quý giá đáng đồng tiền bèn lớn tiếng chửi mắng:

-         “Vận đen, đúng là nhà nghèo.”

Thư sinh nghe được, thì từ đầu giường mò hết mấy xu còn lại, đuổi theo tên trộm đưa cho nó và nói:

-         “Anh đến thật không đúng lúc, xin cầm mấy đồng tiền này mà đi, nhưng khi anh đi ra ngoài thì tiên vàn để cho tôi cái sĩ diện, anh đừng nói cho ai biết là nhà tôi nghèo nhé” !”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 25:

Sĩ diện đến thế là cùng.

Có người dù trong nhà khổ cực đến mấy chăng nữa thì cũng giữ thể diện đàng hoàng khi đi ra với người ta, đây là người có tinh thần tự trọng, không vì nhà nghèo mà luộm thuộm càng mất sĩ diện; có người vì sợ người ta nói mình nghèo nên đi mượn tiền mượn bạc để ăn tiêu hào phóng đến nỗi mang nợ ngập đầu ngập cổ...

Thời nay có những thiếu nữ vì đua đòi, vì sĩ diện mà vay nợ đến khi không trả được thì bán thân trả nợ, nhục nhã trăm bề và hối hận thì đã muộn; thời nay cũng có những thanh niên con nhà giàu học giỏi, nhưng vì cái sĩ diện phải biết chơi bời như bạn bè, nên học hành càng sa sút đàng điếm thì tăng lên và cuối cùng thì bị vào tù...

Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta nghèo khó là có phúc, nhưng vì sĩ diện mà làm mất cái phúc nghèo khó ấy thì uổng lắm, cứ vui vẻ mà sống và nổ lực vươn lên trong cái nghèo của mình, thì sĩ diện là cái thớ gì chứ, nó chỉ là cái rác trong cuộc sống mà thôi, nhặt lên bỏ vào sọt rác là đời đẹp ngay.

Nghèo mà sống theo nghèo thì là có phúc hơn là vì sĩ diện mà sống như người có tiền của, bởi vì sĩ diện là cái mặt bên ngoài mà thôi sẽ mất đi khi hết tiền hết bạc hết bạn bè, nhưng cái tâm ở bên trong thì vẫn cứ còn mãi dù không tiền không bạc không bạn bè...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


24.          NỊNH HÓT ÂM TY

Có một thư sinh mới chết, lúc đến bái yết diêm vương trong âm ty thì đúng lúc diêm vương vừa đánh rắm, bèn liên tục khom lưng quỳ lạy, cung cung kính kính nói:

-        “A, đại vương đánh rắm giống như bản nhạc nghe rất vui tai, lại như hoa thơm nồng lỗ mũi, thật là có tác dụng ạ.”

Diêm vương rất vui vẻ, lập tức ra lệnh cho tên quỷ đầu trâu dắt hắn ta ra sau dự yến tiệc.

Trên đường đi, hắn ta lại nói với tên quỷ đầu trâu:

-         “A, hai cái sừng cong cong của ngài giống mặt trăng sáng đẹp, hai con mắt của ngài sáng quắc phảng phất tinh tú trên trời xanh, thật là đẹp ạ !”

Quỷ ngưu đầu cũng rất là vui vẻ, bèn kéo hắn ta nói nhỏ:

-         “Ngự yến của đại vương chưa nấu đâu, còn sớm mà, qua nhà tôi uống vài ly rượu, đệm cái gì đã đi !”

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 24:

 Khen người này một tiếng, thưởng người kia một lời nói mà không đúng với sự thật thì gọi là nịnh hót, nịnh hót là biểu hiện một tâm hồn bệnh hoạn.

Không ai khen cái đánh rắm là thơm nồng lỗ mũi cũng như âm thanh của nó giống bản nhạc; không ai khen cái sừng của quỷ đầu trâu là đẹp như mặt trăng, đúng là nịnh hót và chỉ có quỷ mới thích những lời nịnh hót tầm bậy, vì bản chất của quỷ là tầm bậy rồi.

Người nịnh hót giống như bầy ruồi nhặng bu đầy những nơi thối tha là những người thích nịnh hót, mà người thích nịnh hót thường là những người có nhiều tiền bạc do hối lộ tham nhũng mà có, có địa vị là do lấy tiền mua chức tước mà có, nhưng vì chức quyền địa vị đều do tiền mà ra nên họ rất thích nịnh hót và phục vụ cho đồng tiền. chứ không vì bá tánh mà phục vụ...

Người nịnh hót rồi cuối cùng cũng chỉ là người mất cả chì lẫn chài: tiệc diêm vương không được hưởng mà tiệc quỷ đầu trâu cũng không...

Nịnh hót diêm vương hay nịnh hót quỷ đầu trâu thì cũng chẳng ích gì, vì cũng vẫn sẽ ở đời đời trong hỏa ngục; nhưng người có lương tâm chân chính thì không biết nịnh hót, nhưng họ luôn tin tưởng vào Đấng đã ban cho họ một trí óc để làm việc, một lương tâm ngay thẳng để nhận ra Đấng tạo hóa vĩ đại đang hiện diện trong vũ trụ...

Mà người có trí óc khôn ngoan và lương tâm chân chính không phải là người Ki-tô hữu sao ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


23.          PHÚ ÔNG LÀM TRÂU

Đầy tớ của người hàng xóm đưa cho phú ông một mảnh giấy, phú ông một chữ cũng không biết đọc, nhưng vì đang tiếp khách ở trong nhà và vì sĩ diện, nên làm bộ ra vẻ quan trọng cầm tờ giấy ấy để coi.

Ông khách ấy rất tinh mắt, nên nhìn là biết ngay trang giấy ấy viết xin mượn trâu:

-         “Xin mượn một con trâu để dùng, ngày mai sẽ trả lại.”

Chủ nhân coi xong thì bỏ tờ giấy vào trong túi áo, nói với đầy tớ:

-         “Biết rồi, chủ nhân nhà ngươi muốn ta đi, đợi chút ta sẽ tự mình đến.”

Ông khách vội vàng bụm miệng mà cười.

                                                  (Tiếu lâm)

 

Suy tư 23:

Ai cũng nghiệm thấy rằng không biết chữ thật là khổ, khổ mọi thứ, nhất là ở nước ngoài mà không biết chữ của dân địa phương thì khổ vô cùng, đi lạc đường mà không biết chữ thì chẳng biết hỏi ai, hoặc bảng chỉ đường dù to bự chảng cắm trước mặt cũng không biết đường mà đi, không biết chữ thì khổ lắm.

Càng giàu có thì càng phải biết chữ bởi nếu không thì có khi người ta viết thư hăm dọa đòi tiền thì cứ tưởng là người ta mời...đi nhậu, có mà chết sớm; hoặc làm ông này ông nọ mà chỉ biết một chữ ký tên của mình không thôi thì cũng khổ, bởi vì lỡ có cấp trên viết giấy hẹn báo cáo hoặc viết thư riêng mà cứ là tưởng cấp trên mời đi hát ka-ra ô-kê thì có nước mà bị cười cho nhức đầu...

Có một vài người Ki-tô hữu có tính hay khoe khoang: khoe khoang mình mỗi ngày đều có đi lễ nhưng không biết thánh lễ hôm nay cha chủ tế giảng gì; khoe khoang mình thường hay làm việc bác ái giúp đỡ người nghèo, nhưng chỉ được cái miệng nói còn việc làm cụ thể thì không thấy; khoe khoang mình đọc nhiều sách nói về tu đức nhưng cuộc sống thì giống như người ngoại...

Không biết chữ thì làm thân...trâu ngựa tức là chỉ có đi làm đầy tớ đã đành, nhưng thời nay có nhiều người biết chữ nhưng đi làm tội nhân, bởi họ vì ăn cắp chữ nghĩa của người khác làm của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)