Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Chúa nhật 2 thường niên


CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN



Tin mừng : Ga 1, 29-34.

“Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Anh chị em thân mến,

Trước tiên chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã gởi đến cho chúng ta một vị đại tiên tri, đó là thánh Gioan Tiền Hô, chính ngài đã giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho chúng ta: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”[1], nhờ đó mà chúng ta biết được Đức Chúa Giê-su là Đấng cứu độ nhân loại, là Đấng đã lập bí tích Rửa Tội để chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa, và hòa giải chúng ta với Ngài qua bí tích Giải Tội.


Để trở thành người chuẩn bị đường cho Đức Chúa Giê-su đến, thánh Gioan Tiền Hô đã có đủ ba điều kiện: được chọn, được sai đi và làm chứng.


Mỗi người Ki-tô hữu đang hiện diện trong xã hội hôm nay cũng là những người được chọn -không phải để chuẩn bị- nhưng là để làm chứng cách sống động cho tình yêu của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của mình, và như thế, mỗi người Ki-tô hữu cũng đã có ba điều kiện trên đây để làm chứng cho Tin Mừng.

Thiên Chúa đã chọn chúng ta không như đã chọn thánh Gioan Tiền Hô: công khai kèm theo dấu lạ, nhưng Ngài đã chọn chúng ta qua đức tin của cha mẹ, qua hoàn cảnh của cuộc sống, qua bao thăng trầm của đời người, để chúng ta càng hiểu thấu đáo hơn về tình yêu của Ngài đối với chúng ta.


Thiên Chúa đã chọn chúng ta và sai chúng ta đi làm chứng cho tình yêu hy sinh trên Thập Giá của Con Một Ngài là Đức Chúa Giê-su. Ngài sai chúng ta đi vào trong những nơi phố chợ ồn ào náo nhiệt, nhưng ở đó có nhiều người tâm hồn đã lạnh tanh vì thiếu vắng tình yêu thương chân thật; Ngài sai chúng ta vào nơi công sở để rao giảng tin mừng Nước Trời bằng chính sự phục vụ chân tình của chúng ta; và cũng như thánh Gioan Tiền Hô đã vào trong hoang địa để suy tư tìm hiểu sứ mệnh của mình, Thiên Chúa cũng đưa chúng ta vào trong an tịnh của tâm hồn, không phải trong hoang địa, nhưng là sau những lần rước Thánh Thể hoặc viếng Thánh Thể, để qua xét mình kiểm thảo dưới ánh sáng Lời của Ngài chúng ta thấy mình rõ hơn...


Thiên Chúa đã chọn chúng ta và đã sai chúng ta đi, để sống những gì mình đã cảm nghiệm được trong đức tin của mình. Thánh Gioan Tiền Hô đã lấy mạng sống của mình để trả giá cho cuộc đời chứng nhân cho sự thật, ngài đã chết anh dũng như ngài đã sống can đảm giữa tội ác và thế lực của bạo chúa Hê-ro-đê.


Để sống những gì mình đã tin thì khó hơn là rao giảng bằng lời nói, bởi vì đức tin thì không thấy được, mà con người thời nay thì chỉ muốn thấy cho tường tận mới tin. Cho nên đời sống chứng nhân của người Ki-tô hữu rất quan trọng, do đó mà, khi con người thời nay đòi những dấu lạ mới tin, thì chúng ta đều có thể làm dấu lạ cách  kỳ diệu, dấu lạ đó chính là sống yêu thương và phục vụ tha nhân cách chân thành, đó chính là dấu lạ như bài ca Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô Khó Nghèo: đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm... đó chính là đức tin được thể hiện bằng hành động vậy.


Anh chị em thân mến,

Ngày xưa, Thánh Gioan Tiền Hô đã giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho các môn đệ của mình, thì ngày nay, mỗi người chúng ta giới thiệu Chúa Giê-su cho người anh em chị em của chúng ta, không chỉ bằng lời nói mà thôi, nhưng còn là bằng đời sống của chính mình: đời sống yêu thương và phục vụ, đó chính là cách giới thiệu khoa học nhất và rõ ràng nhất, mà chính các thánh đã thực hành trong cuộc sống của mình.


Câu hỏi gợi ý :

Bạn có lần nào giới thiệu Đức Chúa Giê-su cho người khác chưa ? Nếu có thì bằng cách nào ?
Giả sử bạn là một người Ki-tô hữu nhưng rất lơ là với đức tin của mình, bạn có giật mình khi thấy có người nhắc nhở bạn là người Ki-tô hữu không ?
Có lúc nào bạn muốn mình là thánh Gioan Tiền Hô không ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.






[1] Ga 1, 29b.

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Chúc tết

CHÚC TẾT



“Tết vui vẻ, tết đến rồi, ông nội bận phát tiền lì xì, bà nội bận nấu bánh chưng bánh tét.” Sáng sớm mồng một tết, gà con nghêu ngao hát, chuẩn bị cùng với vịt con đi chúc tết.
Chúng nó đang đi thì đội nhiên nghe tiếng khóc “hu hu”, à té ra là chó con đang khóc, gà con hỏi: “Bạn sao vậy ?”
Chó con nói: “Đáng lẽ sáng nay tôi chuẩn bị quà để đi chúc tết, nhưng cửa nhà của gấu con đóng kín mít, giống như lâu rồi không có người ở vậy đó; nhà sóc cũng không có người ở, bên hồ nước cũng không thấy nhái con. Không biết họ đi đâu cả rồi, có phải họ đã xảy ra chuyện gì rồi không ?”
Ngay lúc ấy, bác trâu đi ngang qua đó, bác nghe xong lời tường thuật của chó con thì nói: “Bé ngốc, lũ gấu con chúng nó là loài ngủ đông mà !”
Sau đó bác trâu giải thích rõ ràng cặn kẻ: “Gấu, sóc, nhái đều là những động vật ngủ đông, khi mùa đông đến, bởi vì thân nhiệt theo thời tiết xuống thấp nên không tiện sinh hoạt, chỉ có cách là ngủ, đợi khi mùa xuân ấm áp hoa nở thì chúng nó sẽ xuất hiện lại.”
Chó con chùi nước mắt nói: “Nguyên nhân là như thế, vậy thì cháu an tâm rồi, đợi khi mùa xuân đến, cháu lại đến tìm các bạn để chơi đùa.”
Gợi ý:
      Các em thân mến,
     Rất nhiều động vật ngủ về mùa đông, chẳng hạn như gấu, sóc, nhái, khi chúng nó ngủ đông như thế thì giống như ngủ say vậy, nhưng so với ngủ thì càng thâm trầm hơn, thời gian càng dài hơn. Ngủ đông là một phương pháp quý báu của loài có máu lạnh để tránh mùa đông và để tránh thiếu thốn thức ăn.
     Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài, Ngài không thiên vị ai, bởi vì có những loài động vật ngủ suốt mùa đông, nhưng đến mùa xuân thì hình như tất cả mọi loài đều vui vẻ, bừng tỉnh và đầy sức sống mới, bởi vì mùa xuân làm cho cảnh vật thiên nhiên như mới hơn và đẹp hơn, và –đối với con người- là khởi đầu cho một năm mới đầy ước mơ và hạnh phúc.
     Khi con người phạm tội thì giống như đang ngủ trong mùa đông, ngủ li bì vì tội lỗi đè nặng trên mình. Nhưng Thiên Chúa là mùa xuân bất diệt, ân sủng của Ngài là gió xuân mát mẻ êm dịu, đủ sức lay động những người đang ngủ mê trong tội thức tỉnh và đứng lên làm lại cuộc đời của mình trong yêu thương của Thiên Chúa.
Các em thực hành:


- Biết quan tâm đến bạn bè.
- Luôn cám ơn Chúa vì có nhiều bạn bè tốt.
- Phải xin lỗi Chúa ngay khi phạm tội.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Lời giáo huấn (2)


LỜI GIÁO HUẤN (2)


      Linh mục nghĩa phụ dạy bảo nghĩa tử của mình:
- “Khi con làm cha sở thì đừng vì giáo dân khen mình mà đến nhà họ ăn cơm khi họ mời; giáo dân nào hay góp ý cho con thì con đừng nghi kỵ và xa tránh họ, bởi vì người khen con là người sẽ chống đối con dữ dội nhất khi con không làm theo ý họ”.
Lời khuyên rất chí lý và thực tế vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Nguyên tắc


NGUYÊN TẮC


Giáo xứ lớn, nguyên tắc của cha sở là:

Không trả lời di động nếu trên màn hình máy không hiện tên của người gọi.
Khách không quen là không tiếp.
Không giải tội ngoài giờ quy định.
Giáo dân bức xúc nói với nhau: cha sở chỉ vồn vã với những giáo dân quen thân, còn những giáo dân khác muốn gặp cha sở thì còn khó hơn gặp chủ tịch nước.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Cỏ thơm đẩy mùi hôi


CỎ THƠM ĐẨY MÙI HÔI


Lưu Lý Hòa thích mùi thơm.

Mỗi lần đi vệ sinh xong thì lấy một nhúm cỏ thơm bỏ trong lò cho có mùi thơm, sau đó mới an tâm, cho rằng mùi hôi đã bay đi.

Chủ bộ là Trương Viên nói:
- “Người ta nói ông không phải là phàm phu tục tử, một chút giả dối cũng không.”
Lưu Lý Hòa tự khoa trương, nói:
- “Ai mời tôi ngồi trong nhà của họ, thì tôi có thể cam đoan là nhà họ thơm trong ba ngày”.
Trương Viên nói:
“Xú phụ bắt chước Tây Thi, người ta thấy liền bỏ chạy, tôi cũng đang rình rình tìm đường mà chạy đây ?”
Lưu Lý Hòa cười to.
(Hài Cự lục)

Suy tư:
     Thánh Gioan Bốt-cô có một ơn đặc biệt là trong đám học trò của ngài, hể đứa nào phạm tội trọng mà chưa đi xưng tội, thì ngài thấy nơi nó xông ra mùi hôi ô uế và ngài nhắc nhở nó đi xưng tội.
Mùi xú uế là biểu hiệu cho một cái gì đó không được tốt đẹp và sạch sẽ.
Không ai thích ở trong một căn phòng đầy mùi xú uế, cũng không ai thích ngửi mùi hôi, ngược lại ai cũng thích ở trong một căn phòng thoáng mát, sạch sẽ và dĩ nhiên là không có mùi hôi.
Tâm hồn của chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Thánh Thần, là căn phòng ấm cúng mà Thiên Chúa rất thích ở trong đó, nhưng nếu tâm hồn chúng ta tràn ngập mùi hôi của tội lỗi, thì chắc chắn là Thiên Chúa không thèm đến ở, và lúc ấy cũng chẳng đáng được gọi là đền thờ của Đức Thánh Thần nữa, bởi vì nó đã trở thành sào huyệt của ma quỷ khi chúng ta phạm tội trọng.
Có nhiều loại mùi hôi: mùi hôi tanh của cá, mùi hôi thối của chuột chết, mùi hôi của xác thối, mùi hôi của...hôi nách.v.v... tất cả những thứ mùi hôi này đều có thể dùng chất hóa học, mỹ phẩm để rửa cho sạch, cho nên chỉ là hôi thối nhất thời. Nhưng mùi hôi thối của tội lỗi, tuy rằng nó không có mùi hôi như vật chất, nhưng tác hại của nó thì thật lớn lao làm cho mọi người phải xa tránh, nó được biểu hiện rõ ràng nhất trong hành vi của cuộc sống, đó chính là sự kiêu ngạo của chúng ta.
Không ai thích gần gũi với người kiêu ngạo và cũng chẳng ai muốn hợp tác với người kiêu ngạo, dù cho anh là một linh mục, một tu sĩ hay một nữ tu, hoặc anh là người có địa vị danh giá trong xã hội, bởi vì bản chất của kiêu ngạo là tự nâng mình lên trên tất cả mọi giá trị của tha nhân, là phủ nhận tài năng và những ưu điểm của người khác, do đó, kiêu ngạo là một thứ mùi hôi vô hình làm cho người khác tuy không thấy, nhưng không ngửi được.
Tự xét mình, tôi thấy mình cũng có những thái độ kiêu căng hách dịch với anh em, tự kiểm điểm mình tôi cũng thấy mình có những lời nói ngạo mạn với người khác làm cho họ không muốn đến gần tôi, và như thế tôi sẽ không thể nào đem Chúa đến cho họ được, bởi vì trong lòng tôi không có Chúa ở cùng, bởi vì tâm hồn tôi đã trở nên hôi thối không xứng đáng để Chúa ngự trị.
“Lạy Đức Chúa Giê-su, chính vì sự kiêu ngạo mà ma quỷ đã trở thành nên kẻ xấu xa nhất trong các loài mà Chúa đã tạo dựng, chính vì sự kiêu ngạo của con người mà Chúa phải xuống thế làm người chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc chúng con. Xin Chúa ban cho con có một tâm hồn thống hối ăn năn, biết dùng bí tích giải tội như là phương thuốc mầu nhiệm để rửa sạch mùi hôi do tội lỗi mang đến trong lòng con, để tâm hồn con xứng đáng trở nên đền thờ Chúa ngự, để qua con, mà Chúa thánh hóa những anh em của con- Amen”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thất bại rồi lại thất bại


      THẤT BẠI RỒI LẠI THẤT BẠI



Ở đất Ngô Hưng có một người tính cách rất bừa bãi buông thả tên là Trầm Triệu Khách.

Một lần nọ, sau khi say rượu thì gặp Vương Ước tại huyện Da, Trầm Triệu Khách mở to con mắt ra nhìn ông ta, nói:
- “Anh béo phệ giống như một thằng ngốc”.
Vương Ước phản bác nói:
- “Anh gầy nhom giống như một thằng điên”.
Trầm Triệu Khách vỗ tay cười lớn nói:
- “Ốm thắng mập, điên lại thắng ngốc, anh đã thất bại rồi lại thất bại !”
(Hài cự lục)

Suy tư:
     Người ta thường nói thất bại là mẹ thành công.
Thất bại, nó sẽ là mẹ thành công đối với những người có ý chí, có quyết tâm, nhưng với những người không có ý chí, không có quyết tâm thì nó sẽ trở thành...mẹ của mọi thất bại mà thôi.
Nhà bác học Edison chỉ làm một thí nghiệm (thí nghiệm một loại accu mới) mà thôi, nhưng có tới 50 ngàn lần thất bại, để cho ngày hôm nay nhân loại hưởng thụ thành quả sản phẩm của 50 ngàn lần thất bại ấy của ông.
Trong cuộc sống của một đời người, ai cũng có ít nhất là một lần thất bại, chỉ một lần thất bại thôi cũng đủ khiến cho người ta chán nản và bỏ cuộc, và cũng chỉ một lần thất bại thôi, nó cũng sẽ làm cho người ta trở thành một vĩ nhân, bởi vì sự thất bại của một vĩ nhân thì khác với sự thất bại của một người không có ý chí : họ cố gắng vươn lên trong hi vọng.
Thất bại không có nghĩa là chấm hết. Nó sẽ chấm hết khi chúng ta buông xuôi, nó sẽ chấm hết khi chúng ta không còn ý chí, quyết tâm.
Đời sống của người Kitô hữu là những chuổi ngày phấn đấu vươn lên : phấn đấu với tội lỗi và những đam mê đồng lõa với nó ; vươn lên với những ước mơ thánh thiện của trời cao, do đó mà thất bại đối với họ chỉ là nhất thời, chỉ là những giai đoạn học lấy kinh nghiệm mà thôi.
Khi chúng ta đem hết sức lực của mình để làm việc mà không thành công thì đừng lấy đó làm nản lòng và cho là thất bại, nhưng hãy tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa không nhìn xem chúng ta làm được hay không, mà là xem tâm hồn chúng ta có thật lòng làm vì Chúa hay không mà thôi, cho nên –cũng sự việc đó- trước mắt con người có thể là thất bại, nhưng trước mặt Thiên Chúa thì lại là một thành công lớn : thành công của đức khiêm tốn và phó thác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Vũ nữ lớn tuổi


VŨ NỮ LỚN TUỔI



Đặng Tham bày tiệc mời Triệu Thần, sai vũ nữ giúp vui, vũ nữ đều lớn tuổi, cháu chắt nhìn thấy tổ mẫu còn làm ra vẻ con gái thì cất tiếng cười nói với Đặng Tham:


“Tướng quân là người thông văn đạt võ, thường thích chuyện thời xưa kiêm chuyện thời nay, ngày xưa đã từng nghe nhạc võ, ngày nay đích thân thấy bà già múa !”
                                           (Hài cự lục)
Suy tư:
     Thời nay vũ nữ trong các nhà hàng kara-oke, hoặc trên các sàn nhảy đều thuộc loại trẻ trung, đẹp và rất “mốt”, bởi vì không một khán giả nào bỏ tiền ra để coi bà già nhảy múa.
Xã hội thời nay thích trẻ trung hóa như: trẻ hóa lãnh đạo, trẻ trung hóa môi trường, trẻ hóa thành phần cơ cấu.v.v... thậm chí trẻ hóa tình yêu và trẻ hóa...sở thích.
Có những người rất trẻ, nhưng chẳng ai thích gần họ, vì tính cách của họ rất đạo mạo chẳng khác gì ông cụ non; trái lại có những người già cả, nhưng ai nhìn cũng thấy mến và thích đến gần để trò chuyện, bởi vì sức trẻ này được xuất phát từ trong tâm, không phải được “đánh bóng” bằng kem thorakao, hay kem PS hoặc kem Olay, bôi son trát phấn rồi cũng sẽ bị phai, già vẫn hoàn già, nhưng nét trẻ từ trong tâm thì không già được, đó gọi là “trường xuân bất lão”.
Người yêu mến và thực hành Lời Chúa thì càng trẻ trung hơn, vì Lời Chúa không những làm cho người ta thấy cuộc sống có ý nghĩa khi đưa tay ra nâng đỡ người thân cận nghèo đói. “Thấy cuộc sống có ý nghĩa” tức là đã trẻ hóa cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên hấp dẫn, ai nhìn cũng thích, ai thấy cũng mê. Ngày quốc tế giới trẻ năm 2002 tại Toronto (Canada) là một bằng chứng: một cụ già 82, 83 tuổi –chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II- đã hấp dẫn hơn tám trăm ngàn bạn trẻ trên khắp thế giới tụ về quây quanh ngài, để thấy, để nghe và để yêu thương ngài, và qua ngài, họ thấy yêu thương Giáo hội của Chúa hơn, một Giáo Hội luôn gặp nhiều thử thách nhưng đầy sự trẻ trung vì có Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Muốn trẻ hoá môi trường, muốn trẻ trung hoá lãnh đạo, hoặc muốn trẻ trung hoá cái gì chăng nữa, thì chính mình cần phải trẻ hoá trước mọi người, nghĩa là tâm hồn chúng ta cần phải trẻ trung trước những vấn nạn, những khó khăn của cuộc sống, hay nói cách khác, chúng ta cần phải lạc quan trước những vấn đề bức xúc hôm nay của thời đại.
Người trẻ trung hoá là người có một tâm hồn đơn sơ, hiền lành và khiêm tốn, bời vì đơn sơ thì làm cho cuộc sống nhẹ nhàng vui tươi hơn; hiền lành thì làm cho mọi người gần gủi và cảm thông với nhau hơn; khiêm tốn là nền tảng để xây dựng nên sự hiền lành và đơn sơ.
     Ước gì sự trẻ trung của các linh mục không phải phát xuất từ việc đi xe hơi, xài iphone 5 hoặc dùng máy ipad đời mới, nhưng sự trẻ trung này được phát xuất từ tâm hồn biết phục vụ với tất cả say mê của Đức Chúa Thánh Thần...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Siểm đạo nịnh Phật


SIỂM ĐẠO NỊNH PHẬT


Có hai người họ Khích thờ đạo giáo, hai người họ Hà tin theo đạo Phật, đều đem đồ ăn đến cúng tế trước tượng thần mà mình tin theo.
Tạ Trung lang nhìn thấy như vậy thì cười, nói:



“Hai người họ Khích thì siểm đạo, hai người họ Hà thì nịnh Phật.”
 (Hài cự lục)

Suy tư :

“Siểm đạo nịnh phật” tức là nịnh hót cái tôn giáo mà mình tin thật.
Có một thời người ta theo đạo là vì để có gạo mà ăn, cho nên mới có câu: “đạo gạo”, những người theo “đạo gạo” là những người không biết thế nào là đức tin, và thế nào là Thiên Chúa. Thiên Chúa của họ là người đang cho họ gạo ăn, đang ban cho họ chức quyền và địa vị, cho nên khi những kẻ quyền thế sụp đổ, thì những người theo “đạo gạo” ấy cũng bỏ luôn đạo của mình vì hết...gạo ăn.

Những kẻ “siểm đạo nịnh phật” thì thời nào cũng có, dấu hiệu để nhận ra những người này là họ nói rất “có lý” về lý do bỏ đạo của họ, họ nói rằng họ cũng là gia đình đạo dòng, cha mẹ đều có đạo, cũng đã được rửa tội, cũng có tên thánh, cũng một thời đi lễ nhà thờ.v.v... nhưng dù họ nói như thế nào chăng nữa, thì câu cuối cùng họ sẽ nói: “Tôi thấy đạo nào cũng hay cũng tốt cả, đạo nào cũng dạy con người ta ăn ngay ở lành, đạo Chúa cũng vậy mà đạo Phật cũng vậy...”
“Siểm đạo nịnh phật” cũng là những người lấy tôn giáo làm bức bình phong để che giấu hành vi bất chính của mình, họ thường kiêu hãnh khoe với người hàng xóm là mình đạo gốc, mỗi ngày đều đi nhà thờ, nhưng đối với những người đi vay nợ của họ thì họ nói: “Chúa dạy phải yêu thương người, thấy mấy người nghèo khổ tôi thương hết sức nên dù không có, tôi cũng ráng cho mấy người vay...”, nhưng đằng sau những lời “dễ nghe” ấy là cả một gánh nặng cho người nghèo vay nợ: tiền lãi nặng quá mức.

Người Ki-tô hữu chân chính là người không biết “siểm đạo nịnh...Chúa”, nhưng họ biết làm cho đạo mà họ tin theo trở thành con đường tốt nhất đưa họ đến cùng Thiên Chúa, đó chính là việc họ sống chan hòa bác ái với mọi người; trên đường (đạo) họ đi, họ gặp được và nhìn thấy Đức Chúa Giê-su ngay trong chính người anh em chị em cùng đồng hành với họ.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Trộm cướp mộ


TRỘM CƯỚP MỘ


Liểu Ngưng Lãm và Bùi Thuyết vừa đi qua con đường trước nghĩa địa, Bùi Thuyết than vãn, nói:


“Thật tôi muốn đào ra một con đường vào trong ngôi mộ bị cỏ hoang che lấp ấy, để làm sống lại một thời thơ kiệt xuất !”
Liểu Ngưng Lãm cười nói: “Bùi Thuyết là một tên trộm cướp mộ”.
(Hài cự lục)
Suy tư:
     Con người ta thường thích sống lại những giây phút thời “anh hùng” đã qua, cái “anh hùng” này có thể là một việc làm tốt cho ai đó, có thể là một chút hiên ngang thời trai trẻ, cũng có thể là cùng đám bạn bè thời xa xưa lúc tóc còn để chỏm chia phe đánh trận giả.v.v...
     Giáo hội của thế kỉ 21 rất khác với Giáo hội của các thế kỷ trước về dung mạo, nhưng quả tim của Giáo Hội thì vẫn không thay đổi, nghĩa là vẫn yêu thương và bao dung tất cả mọi người, mọi dân tộc, dù cho đó là những người đã từng bách hại Giáo Hội. Thời oanh liệt nhất của Giáo Hội không phải là thời được tự do hành đạo, được các vua chúa trần gian nể vì, nhưng thời oanh liệt của Giáo Hội chính là những thời kì bị bách hại: hơn ba trăm năm ở Rôma, ở Việt Nam, và ở mọi nơi trên thế giới qua mọi thời đại, mỗi thời kỳ bị bách hại là trở thành thời kỳ oanh liệt.
Cho nên, làm sống lại thời kỳ oanh liệt ấy của Giáo hội trong hoàn cảnh hiện nay, chính là dạy cho người Ki-tô hữu biết hy sinh nhiều hơn trong cuộc sống, dạy cho họ biết đem tình yêu của Thiên Chúa đi vào đời, thâm nhập vào công việc của họ, biểu hiện trên lời nói và hành động của họ. Dạy cho họ biết rằng, hy sinh cái tôi của mình trước những đam mê cám dỗ, là hành vi anh hùng và oanh liệt nhất của người Ki-tô hữu của thời đại ngày nay.
Tre già thì măng mọc, măng không thể trở thành cây tre già cao, cứng cáp, thẳng tắp nếu không được uốn nắn và chăm sóc lúc còn nhỏ.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư