Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Lễ Chúa Thăng Thiên

 


CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN

Tin Mừng : Lc 24, 46-53.
“Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”.
Bạn thân mến,
Hôm nay lễ giáo hội long trọng mừng lễ Đức Chúa Giê-su lên trời, lên trời đối với các thần học gia thì lên trời là lên ngự bên hữu Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-su đi vào viên mãn vinh quang của Thiên Chúa, nhưng đối với người Ki-tô hữu chúng ta lên trời là lên thiên đàng. Đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.
Đức Chúa Giê-su lên trời là một thực tại có thật theo lời tường thuật của thánh Lu-ca trong sách Công Vụ Tông Đồ cũng như trong Tin Mừng của ngài: “Và đang khi chúc lành thì Ngừơi rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Lc 24, 51), “...Nói xong, Người được cất lên ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9). Hợp rồi tan, tan rồi hợp là lẽ thường của người thế gian và hợp tan nào cũng có mất mát và đau thương, các tông đồ cũng vậy: nhớ thương và tiếc nuối. Nhưng rồi các ngài lòng cũng tràn ngập hân hoan vì lời hứa của Đức Chúa Giê-su: Thầy đi và rồi Thầy sẽ trở lại.
Đức Chúa Giê-su lên trời là lên thiên đàng sau khi đã chiến thắng tử thần của ma quỷ, là niềm hy vọng của bạn và tôi, và của những ai vì Ngài mà chịu sỉ nhục ở đời này.
Cuộc sống đời này của bạn và tôi là chuẩn bị cho ngày sau ở trên thiên đàng, như Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, chúng ta cũng sẽ chiến thắng cái làm cho chúng ta không được lên thiên đàng, mà cái gì làm cho chúng ta không được lên trời với Đức Chúa Giê-su, đó là:
- Tội lỗi: đây là ngục tù kiên cố nhất nhốt chúng ta lại không cho chúng ta lên trời với Đức Chúa Giê-su.
- Cái tôi: đây là cái đã xiềng đôi chân của chúng ta, không cho chúng ta đi tới với Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống đời thường...
- Kiêu ngạo: là nguyên nhân thứ nhất để cho tội lỗi vào trong thế gian, nó cũng là cái làm cho chúng ta xa lìa ân sủng của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày...
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su lên trời trước mặt các môn đệ để cho chúng ta hiểu rằng, sứ mạng của Ngài ở trần gian đến đây là kết thúc, kết thúc mà không đóng lại, nhưng tiếp tục bắt đầu từ nơi các tông đồ là những người được sai đi, để làm cho muôn dân nhận biết Tin Mừng của Thiên Chúa, và quan trọng hơn chính là mọi người cùng nhau tham dự tiệc cưới trên thiên đàng của Con Chiên đã chiến thắng tử thần và tội lỗi.
Lên thiên đàng là mục đích sống của bạn và tôi ở trần gian này, vì thế Đức Chúa Giê-su muốn mỗi người trong chúng ta hãy mau mắn gởi “các vật liệu” về thiên đàng để các thiên thần giúp xây nhà hạnh phúc viên mãn, “các vật liệu” của chúng ta là khiêm tốn, hy sinh, phục vụ và yêu thương tha nhân như chính mình...” đó là các vật liệu bền chắc không sợ mối mọt gặm nhấm...
Mừng lễ Đức Chúa Giê-su lên trời vinh hiển, tức là bạn và tôi cũng mừng lễ lên trời của chúng ta, bởi vì không lẽ “đầu” –là Đức Chúa Giê-su- đã lên thiên đàng, còn “thân mình và các chi thể” –là Hội Thánh và chúng ta- thì ở mãi trần gian này hay sao ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


43.   GẶP CHĂNG HAY CHỚ

Ở trên ngọn Ngũ Đài sơn có một loại chim kì lạ gọi là “hàn hiệu trùng” (một loại dơi giống chim), bốn ngón chân rất dài lại còn có cánh nhưng bay không được, phân của nó chính là món “ngũ linh chi” trong thuốc bắc.

Mỗi khi đến mùa hè trời nóng nực thì lông trên thân nó dài ra có năm màu, đẹp hết ý, thế là nó đắc ý hát rằng:

-      “Phượng hoàng cũng không thể được như ta.”

Đến khi mùa đông rét hàn tới thì lông cánh trên thân nó rụng hết, trụi lùi lụi giống như con chim nhỏ mới sinh, rất là xấu xí, gió lạnh thổi đến làm nó run cầm cập. Lúc này, nó không còn biết làm gì, chỉ than thở:

-      “Gặp chăng hay chớ, gặp chăng hay chớ.”

                                                                (Chuyết Canh lục)

 

Suy tư 43:

        Người “gặp chăng hay chớ” là người sống không có “chương trình”, có khi cố chấp cho nên thường là gặp chăng hay chớ, họ là những người liều mạng gặp đâu hay đó.

        Người “gặp chăng hay chớ” cũng có khi là những người bị quá nhiều áp bức, thiệt thòi và do đó trở thành chai lì gặp chăng hay chớ, không thiết gì đến tương lai của mình cũng như của con cái và có khi cả mạng sống cũng không màng đến.

        Người Ki-tô hữu mà “gặp chăng hay chớ” thì có nước mà...chết, bởi vì “gặp chăng hay chớ” cũng đồng nghĩa với “trông cậy thới quá“ vào lòng nhân từ của Chúa mà không chịu mau mau hối cải ăn năn, không thèm xét mình trước khi xưng tội, không thèm nghe những lời khuyên bảo, họ thường nói: “Úi chà, hơi đâu mà lo, gặp chăng hay chớ, có Chúa lo rồi !” Thiên Chúa cũng không lo nổi cho những người gặp chăng hay chớ, bởi vì chính họ đã không muốn lo cho mình thì Chúa Mẹ lo cũng vô ích, khi chính họ không muốn đón nhận những ơn lành của Chúa ban cho qua người này người nọ trong cuộc sống, qua những hoàn cảnh mà chính họ cũng biết là có thể chấp nhận được, nhưng họ lại muốn “gặp chăng hay chớ”.

        Có những người có cuộc sống “gặp chăng hay chớ” nên thường bị “chúng” chửi là “đồ vô tâm”; có những người trong cuộc sống thường “gặp chăng hay chớ” nên mất đi sự tôn trọng của người khác...

        Thật đáng buồn thay cho những người “gặp chăng hay chớ” !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

-------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


42.   XÀ HOÀNG[1] VÀ NGƯU HOÀNG[2]

Pháp đình của âm phủ bắt đầu xét tội, rắn vì cắn chết người, trâu vì húc chết người nên đều bị án tử hình, nhưng chúng nó đều biện minh rằng đã dùng “xà hoàng” và “ngưu hoàng” cứu sống được rất nhiều người, do đó mà được miễn tội chết.

Qua một lúc sau, tên cai ngục lại lôi ra một tên phạm tội giết người, người ấy lắp bắp nói rằng trên thân mình cũng có “hoàng”. Quan âm phủ chất vấn:

-         “Xà hoàng và ngưu hoàng đều có thể làm thuốc, chuyện này thiên hạ đều biết, mày là con người, có cái gì là “hoàng” chứ ?“

Người ấy lắp bắp nói:

-         “Tôi không có “hoàng” gì khác, chỉ là khi xấu hổ lo sợ nên mặt “hoàng” (vàng) vậy thôi”.

                                                        (Đông Cao tạp lục)

 

Suy tư 42:

        Rồi một ngày nào đó khi chúng ta nhắm mắt tắt hơi, thì pháp đình công thẳng của Thiên Chúa cũng sẽ xét xử chúng ta, thật khủng khiếp vì ngày đó không còn có luật sư biện hộ, không còn nại lý do để xin khoan hồng cho khỏi sa hoả ngục...

        Nhưng thực ra toà án của Thiên Chúa đều xét xử chúng ta mỗi ngày, đó chính là toà án lương tâm của mỗi người. Toà án này không luận tội, nhưng nhắc nhở chúng ta làm điều lành xa tránh điều dữ, và đồng thời cũng ra “án treo” cho chúng ta: khi chúng ta chuẩn bị phạm tội thì nó phân tích nhắc nhở là không được phạm tội, khi chúng ta lỡ mà phạm tội, thì chính nó cũng thúc giục ta mau hối cải ăn năn, khi chúng ta cố tình sống trong tội thì chính nó như một đồng hồ báo thức ngày ngày la lên “hối cải ăn năn” không dứt...

        Toà án của Thiên Chúa cũng chính là bí tích Giải Tội, nơi đây chúng ta được thấy lòng nhân từ thương xót của Chúa rất rõ ràng và bao la, bởi vì Ngài đã dùng những vị thẩm phán rất con người và bất toàn –là các linh mục- để xét xử chúng ta. Nếu Ngài dành trọn quyền xét xử và tha tội này mà không chia sẻ cho ai, thì có phải là chúng ta là những kẻ khốn nạn đời đời không ?

        Toà án của Thiên Chúa cũng chính là lời nhắc nhở của người khác khi chúng ta phạm tội làm sai trái, họ là những công tố viên nhắc nhở chúng ta hãy coi chừng đừng nói đừng làm những gì không phù hợp với tinh thần Phúc Âm...

        Cho nên công bằng mà nói: Thiên Chúa đã xét xử rất nhẹ (bí tích Giải Tội) với chúng ta trước khi đến giờ chung kết (phán xét) của mỗi người, chúng ta có thấy được điều đó để cảm tạ Thiên Chúa và yêu mến Ngài nhiều hơn không, mà đã yêu mến Thiên Chúa thì chắc chắn sẽ không làm điều gì mất lòng Chúa cả.

        Trên con người chúng ta không có “xà hoàng” hay “ngưu hoàng” để được diêm vương tha tội, nhưng mỗi người chúng ta đều mang trên mình tên rất đẹp và thánh thiêng, đó là Ki-tô hữu, tên gọi này sẽ làm cho chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hơn trong cuộc sống.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

-------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 


[1] phát âm là “huảng”, Hán Việt là “hoàng, huỳnh” nghĩa là màu vàng.

[2] Tên của hai vị thuốc của đông y.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


41.   SAY TRƯỚC KHI MỜI KHÁCH

Lý Thiếp Phụ rất thích uống rượu, nên đã viết thiệp mời thân hữu:

-      “Tối nay có trăng đẹp, ngài có thể đến chơi chứ ?”

Khi bạn bè đến đủ thì Lý Thiếp Phụ đã say mèm rồi, ông ta lấy tay chỉ bình rượu lắp ba lắp bắp nói với khách:

-         “Đáng lẽ tôi phải tiếp đãi các ngài thật chu đáo mới phải, nhưng cơn thèm rượu nổi lên, chịu không nổi nên đã uống quá nhiều và té nằm đây mà không biết.”

                                                        (Nam Đường thư)

 

Suy tư 41:

        Cơn cám dỗ thì lúc nào cũng có, chỉ có điều là nó mạnh mẽ hay nhẹ nhàng hoặc từ từ hay gấp gáp mà thôi.

        Cơn cám dỗ nó như một hạt giống của sự dữ đã được gieo vào tâm hồn của con người từ khi nguyên tổ phạm tội, nó vẫn nằm đó trong tâm hồn của chúng ta, và theo thời gian trưởng thành của thân xác, nó cũng từ từ lớn lên và nảy mầm khi gặp mưa nắng, mưa nắng đây chính là những hoàn cảnh bên ngoài đập vào con mắt và in trong trí, rồi khi có cơ hội là nó vùng lên cám dỗ tới tấp làm cho chúng ta phải khổ cực vì nó.

        Không ai có thể lấy sức mình để thắng cơn cám dỗ, nhưng phải nhờ ơn Chúa giúp mới được, ơn Chúa thì hằng ngày chúng ta đều có thể nhận lấy nơi bí tích Thánh Thể, trong toà cáo giải và trong những lần chúng ta cũng suy tư nguyện ngắm chung với cộng đoàn hay riêng tư một mình.

        Mời khách, nhưng khách chưa tới mà mình đã say, đúng là hết ý.

Cơn cám dỗ lợi hại hơn chúng ta tưởng nên cần phải luôn đề cao cảnh giác, bởi vì nếu không cảnh giác thì trước khi Chúa đến chúng ta đã ngã gục rồi vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

-----------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


40.   MƯA SỢ TĂNG THUẾ

Nam Đường Lý Thăng hoàng đế khi còn tại vị thì dân chúng trăm bề khổ cực vì sưu cao thuế nặng.

Một năm nọ trời đại hạn, dân chúng cầu đảo xin mưa nhưng vẫn không có mưa, một hôm hoàng đế đang tổ chức yến tiệc xa hoa trong hoa viên, thì đột nhiên vùng ngoại ô của kinh đô trời đổ mưa rất lớn.

Lý Thăng hỏi các đại thần:

-         “Hiện tại vùng ngoại ô đô thành đã có mưa, duy chỉ có ở kinh đô là không có mưa, lẽ nào ở trong ngục có ai đó bị tội oan nên phạm đến ý trời chăng ?

Giáo phường trưởng Thân Tiệm Cao cười nói:

-         “Đó là vì mưa sợ tăng thuế, cho nên không dám tiến vào kinh thành ấy mà !”

Lý Thăng cười lớn, thế là ra lệnh bãi bỏ tất cả những thuế má bất hợp lý.

                                                                        (Nam Đường thư)

 

Suy tư 40:

        Mưa nắng chính là ân huệ mà Thiên Chúa ban miễn phí cho con người, con người và mọi tạo vật đều tự do dùng mà không sợ phải nộp thuế đồng nào.

Ân sủng của Thiên Chúa ban cho con người cũng hoàn toàn miễn phí.

Mưa nắng là ban cho thân xác, ân huệ thì ban cho linh hồn, hồn và xác của chúng ta đều được Thiên Chúa chăm lo cách chu đáo, chu đáo hơn tất cả mọi chính phủ, mọi đoàn thể trên thế giới chăm lo xoá đói giảm nghèo ...

Chúng ta có thấy điều đó để dâng lời cảm tạ ơn Ngài trong cuộc sống hay không, hay vì nóng một chút thì oán trách Thiên Chúa, mưa chút xíu thì kêu rên chịu không nổi với...ông trời.

Thiên Chúa là tình yêu, nên Ngài cũng muốn chúng ta lấy tình yêu để nhận ra tình yêu của Ngài trong nắng trong mưa hoặc khi trở trời sai gió...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

---------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info