Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Chúa nhật 4 thường niên

 


CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng: Mc 1, 21-28
“Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.”

Anh chị em thân mến,
Khi nghe có một linh mục nào đó nổi tiếng giảng hay về giảng tĩnh tâm cho giáo xứ trong những dịp giáng sinh hay phục sinh, thì bảo đảm nhà thờ hôm đó chật ních người, vì các anh chị em thường hâm mộ các linh mục giảng hay, giảng thu hút mọi người, nhưng đến khi được hỏi anh chị em có nhớ những lời cha giảng không, thì hầu như hết 85% người trong anh chị em nói là...không nhớ gì cả.
1. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài.
Họ sửng sốt cũng phải thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã làm những điều mà những kinh sư và biệt phái không dám làm, đó là Ngài luôn giảng về sự thật trong khi thiên hạ cứ đua nhau nói dối, giảng dối để mị dân, để khoa trương tài học của mình.
Thiên hạ sửng sốt cũng phải thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su giảng dạy không như những người biệt phái và kinh sư vì họ giảng họ nói nhưng họ không làm, hoặc họ dạy những điều mà họ chưa bao giờ thực hành, do đó lời giảng dạy của họ chỉ như cái “phèng la” rổng tuếch, bay mất trong gió và làm chói tai người nghe.
Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su cũng phải thôi, bởi vì chính những người đi trước là các biệt phái và những người kinh sư đã không làm như Ngài đã làm: bênh vực cho người nghèo, kẻ bị áp bức, Ngài đứng về phía đám đông dân chúng nghèo khổ và những tâm hồn rộng mở để đón nhận lời giảng dạy từ miệng “Thiên Chúa phán ra”.
2. Thiên hạ sửng sốt vì người Ki-tô hữu không sống như lời Chúa dạy.
Ngày nay có rất nhiều người thích nghe Lời của Chúa từ những con người mang trên mình danh hiệu Ki-tô hữu, nhưng những người này –trong đó có tôi, có anh chị, có em- đã không thực sự rao giảng Lời cho mọi người, bởi vì chúng ta chỉ thích phô trương bên ngoài những luận cứ học thuyết, bởi vì chúng ta không thực sự sống như lời chúng ta nói, lời chúng ta giảng, mà chúng ta chỉ thích phô trương tài hùng biện của mình mà thôi.
Ngày nay có rất nhiều người thích nghe Lời của Chúa nơi những con người được chính Thiên Chúa uỷ thác rao giảng Lời của Ngài cho mọi người, đó là các linh mục và những người đã dâng mình làm tôi Chúa là các tu sĩ nam nữ, nhưng có những lúc những người này đã làm y như những biệt phái và các kinh sư đã làm: họ đã chồng chất thêm gánh nặng lên tâm hồn con người thời nay –vốn đã thờ ơ với Lời Chúa- bằng những lời nói hống hách, bằng những thái độ kiêu ngạo không phù hợp với Tin Mừng mà chính họ đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa qua Giáo Hội của Ngài.
3- Vì Người giảng dạy như Đấng có uy quyền.
Thiên Chúa là Đấng rất uy quyền, uy quyền trong lời nói, uy quyền trong hành động. Đức Chúa Giê-su là Đấng rất uy quyền, uy quyền này không phải Ngài tự xác nhận, nhưng chính những con người đã được nghe lời Ngài giảng, được thấy việc Ngài làm đã to tiếng ca tụng quyền uy của Ngài; uy quyền của Ngài được bộc lộ ra không phải bằng khuôn mặt sát khí, cũng không phải hét la to tiếng, nhưng bằng sự chân thành mà rất mực uy nghiêm trong lời nói và lời giảng dạy của Ngài.
Con người thời nay ai cũng thích uy quyền, ai cũng thích lên mặt “ta đây” với anh chị em của mình: có người càng tỏ ra mình có uy quyền thì càng lòi ra cái bản chất ngu dốt của mình; có người luôn mang một tâm trạng đầy ảo ảnh uy quyền nên lúc nào cũng la lối thoá mạ anh em để ra vẻ ta đây có uy có quyền; có người thích uy quyền đến nổi đi đe dọa người anh em chị em bằng những lời lẽ thiếu đức bác ái...
Ai cũng thích uy quyền để ngồi trên đầu trên cổ anh chị em, Đức Chúa Giê-su là Đấng rất có uy quyền nhưng Ngài không la lối thoá mạ dân chúng để tỏ quyền uy, Ngài cũng không lên mặt “ta đây” với mọi người để mọi người nể phục. Ngài chỉ dùng quyền uy của mình để ban ơn cho người ta, để chữa lành những bệnh tật cho người ta, và để cứu sống người ta. Thứ uy quyền này, được thể hiện ra nơi lời giảng và hành động của Ngài: Ai làm lớn, thì phải phục vụ anh em.
Anh chị em thân mến,
Người có uy quyền thì rất oai, cho nên ai cũng thích quyền lực; người có uy quyền thì rất oai, cho nên ai cũng tìm cách để đạt cho được cái uy quyền ấy.
Nhưng Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng, nếu anh chị em có uy quyền thì nên phục vụ người khác; nếu anh chị em có uy quyền thì nên đứng về phía người nghèo để bênh vực họ; nếu anh chị em có uy quyền thì hãy dùng uy quyền của anh chị em để phục vụ Thiên Chúa trong mọi người, bởi vì Đức Chúa Giê-su là Đấng rất uy quyền, và Ngài cũng đã từng làm như thế khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


92.      VI TRANG ĐAU LÒNG

Vi Trang rất là keo kiết như là thần giữ của, thường ngày chỉ đếm gạo mà nấu cơm, cân củi nấu bếp.

Năm nọ, đứa con út bị chết yểu, bà vợ rất đau lòng, lấy cái áo mới mặc cho con để nhập liệm mà không nghĩ rằng Vi Trang càng đau khổ hơn mình, vì Vi Trang trong lòng nghĩ rằng mặc áo mới cho người chết thì có kinh tế không ? Bèn lột cái áo mới trên xác đứa con út, đem chiếc chiếu cũ mà bọc cho tử thi. Đưa đám xong Vi Trang vẫn còn tiếc rẻ nên lại lấy chiếc chiếu bọc tử thi đem về.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 92 :

Thường ai keo kiết hà tiện thì người ta gọi là “thần giữ của”, tức là khó mà lấy được của họ một đồng xu, dù đó là con cái vợ hay chồng của họ.

Có những người Ki-tô hữu cũng là “thần giữ của”, của đây không phải là tiền bạc, nhưng là đức tin của mình.

Có những người Ki-tô hữu đem đức tin của mình úp dưới cái thúng, đó là khi họ chỉ biết đi tới nhà thờ dự lễ rồi sau đó đi về nhà, mà không chịu toả sáng đức tin của mình cho mọi người xung quanh biết bằng những việc làm bác ái của mình; lại có những người Ki-tô hữu đem đức tin của mình bỏ trong két sắt và khoá lại, đó là khi họ chỉ bo bo giữ cái đạo của mình với những hình thức bên ngoài như đọc kinh thật lớn, kiệu rước thật rầm rộ, át cà tiếng cầu cứu xin ăn của người hành khất bên vệ đường, hoặc lấp cả tiếng khóc của em bé thiếu ăn của nhà bên cạnh. Những người Ki-tô hữu này là những ông “thần giữ của” không đúng ý của Thiên Chúa và Giáo Hội, mà ý của Thiên Chúa và Giáo Hội là: hãy giữ đức tin của mình cho sáng mãi để người khác thấy rõ đường mà đi đến với Đức Chúa Giê-su…

Lấy Lời Chúa để giữ đức tin, chứ đừng lấy tiền bạc của cải để bao vây đức tin của mình, bởi vì tiền bạc thì dễ bị cháy và bị mất cắp, nhưng Lời Chúa thì tồn tại muôn đời…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 91. GIỎI PHÁ GIA SẢN

Đặng Hựu ở Thiều Châu là nhà cự phú, ruộng vườn vạn mẫu, nhưng ông ta từ trước đến nay chưa bao giờ mời khách đến nhà ăn cơm.

Có một lần, đứa cháu giết con vịt trong nhà mời bạn bè ăn, Đặng Hựu lòng đau muốn chết, lấy lý do là “giỏi phá gia sản” nên đánh thằng cháu hai mươi roi !

(Cổ kim tiếu sử)


Suy tư 91 :

Keo kiết đến như thế thì quả là hết nước nói, không như “người cha nhân hậu” của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng của thánh Luca (Lc 15, 11-32) đã nói với con trai cả : “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15, 31).

Con người ta vì ích kỷ mà trở thành keo kiệt bủn xỉn, người keo kiết bủn xỉn vì họ không muốn sống Lời Chúa, họ không muốn sống Lời Chúa là vì họ rất ít đi nhà thờ dâng lễ đọc kinh, họ không đến nhà thờ đọc kinh dâng lễ là vì họ ích kỷ với Thiên Chúa là Đấng đã ban cho họ sự giàu có, sức khoẻ và địa vị…

Chỉ vì đứa cháu làm thịt con vịt để đãi bạn bè mà ông nội ghép vào tội phá sản để đánh hai mươi roi, đúng là vì keo kiết mà trở thành ác nghiệt với cả con cháu của mình.

Đức Chúa Giê-su chưa hề nêu tội trạng “phá sản” của chúng ta, khi mà chúng ta hàng ngày vẫn “phá sản hồng ân” của Ngài ban cho trong những kiêu ngạo, ích kỷ bủn xỉn với tha nhân.

Thử hồi tâm suy nghĩ xem : tôi có keo kiệt bủn xỉn với anh em chị em không, khi mà Thiên Chúa đã ban cho tôi quá nhiều may mắn hơn họ…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện





 90. TÔ DỊCH MUA SẮM

Tô Dịch ở Thường Châu làm quan đến chức giám tư , mặc dù gia đình giàu có nhưng rất hà tiện, mỗi lần mua sắm cho gia đình, thì cũng đều vì một xu mà tranh chấp đến đỏ mặt đỏ mày.

Một lần nọ, khi mua một ngôi biệt thự thì tranh chấp giá cả với người bán, mỗi thứ mỗi loại đều không chịu nhường. Đứa con trai đứng bên cạnh khuyên phụ thân, nói:

- “Thưa cha, cha nên trả giá cho ông ta nhiều nhiều một chút, đợi con sau này bán nhà đi thì có thể trả được giá như vậy”.

(Cổ kim tiếu sử)


Suy tư 90 :

Mua bán thì phải trả giá, đó là chuyện đương nhiên, nhưng trả giá không phù hợp với món hàng thì chắc chắn là…bị chửi cho rát mặt…

Đời sống của người Ki-tô hữu là một cuộc mua bán trả giá của ma quỷ với bản thân con người, cuộc mua bán trả giá này thường là có lợi cho ma quỷ và thiệt hại cho con người, bởi vì bản thân của mỗi con người đều đã được chính Đức Chúa Giê-su chuộc lại với giá rất đắt, đó là cái chết đau thương của Ngài trên thập giá, do đó sẽ rất không công bằng khi chúng ta bán linh hồn và thân xác cho ma qủy với cái giá rẻ mạt.

Có những người Ki-tô hữu cũng biết giá trị linh hồn mình rất cao quý, nhưng ma quỷ trả giá bằng quyền uy danh vọng và tiền tài nên đã bán linh hồn mình cho ma quỷ; có những người đã dâng mình làm tôi tớ biết rất rõ như hai với hai là bốn rằng linh hồn mình giá trị  đến nỗi cả thế gian chức tước tiền bạc địa vị cũng không thể mua được, nhưng ma quỷ trả giá bằng tiền và tình nên đã bán cho nó.

Trả giá là phải kỳ kèo nhưng phải mua bán hợp lý, đó là chuyện của mua bán của con người với nhau; nhưng sẽ rất lỗ lã khi chúng ta đem bán linh hồn cho ma quỷ dù cho với giá là làm…tổng thống của cả thế gian.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 89. TẠM KHÔNG ĂN THỊT

Thời Đường Hiến Tông, công bộ thượng thư là Quy Đăng, bủn xỉn đến nỗi ngay cả người nhà cũng không được phép ăn nhiều một chút.

Một lần nọ, đã nấu chín một đùi dê, sau khi tự mình ăn hết chút ít thì làm một dấu hiệu trên món thịt, khi ông ta đi công việc trở về thì thấy dấu hiệu đã mất, té ra là bà vợ đã cắt ra ăn thử một chút ít.

Quy Đăng giận dữ cho rằng thiệt hại nghiêm trọng, trong bụng nghĩ:

- “Từ nay trở đi ta không ăn thịt nữa, thì mày cũng không thể ăn cắp”. 

Bèn phát thệ từ này về sau không ăn thịt nữa.

(Cổ kim tiếu sử)


Suy tư 89 :

Vì mất một miếng thịt mà thề từ nay về sau không ăn thịt nữa thì quả là giận quá mất khôn…

Nếu vì ăn thịt mà trở thành hưởng thụ tốn kém thì cũng nên thề hứa, nhưng vì mất một miếng thịt mà thề là không ăn nữa thì là người keo kiệt bủn xỉn…

Có người vì giận con chó nhà hàng xóm cứ sủa lên khi mình qua nhà họ chơi mà thề là sẽ không bao giờ đến nhà hàng xóm nữa, họ coi con chó giống như con người nên biết thù vặt; có người vì giận mấy ông trùm biện chỉ chỏ la lối um tùm trong nhà thờ với mấy thanh niên và con nít, thế là thề từ nay không đến nhà thờ nữa, họ theo đạo không phải vì tin vào Thiên Chúa nhưng theo đạo vì mấy ông trùm ông biện họ; lại có người nặng nề hơn chỉ lên tượng đài Đức Mẹ mà thề là từ nay không thèm nghe ông cha sở giảng, vì ông cha đem chuyện buôn bán làm ăn của gia đình ông phê bình chỉ trích trên toà giảng, thế là bỏ đạo luôn…

Tất cả các loại thề hứa trên đây không được Chúa Thánh Thần soi sáng, nhưng do sự kiêu ngạo mà ra.

Người có Chúa Thánh Thần soi sáng là khi họ thấy người ta sống trong tội lỗi thì họ quyết tâm sống thánh thiện; khi thấy bạn bè sống trong ăn chơi truỵ lạc thì họ quyết tâm sống lành mạnh; khi thấy cha sở dùng toà giảng để phê bình đời tư của người này người nọ, thì họ cầu nguyện cho ngài và tìm cách góp ý thân tình với ngài…

Đừng vì mất miếng thịt mà thề là không ăn thịt nữa, nhưng khi có thịt thì mời mọi người cùng ăn cho vui, đó là tinh thần truyền giáo và bác ái của người Ki-tô hữu vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


88. ĐÃ QUA HAI NGÀY

Đại thần bắc Tống là Tống Cảnh Văn thích đóng các cửa sổ rất nghiêm mật, bên trong thắp một đèn cầy lớn rất quý, lúc thì hát lúc thì nhảy múa.

Trong hoàn cảnh này tất cả các khách mời đều quên hết mệt nhọc, chỉ cảm thấy đêm này sao mà dài quá,  bèn kéo màn che ra coi mới biết là đã qua hai ngày rồi.

(Cổ kim tiếu sử)


Suy tư 88 :

Có một thời, những người mê coi phim bộ coi đến quên ăn quên ngủ, khi mở cửa ra thì không biết là buổi sáng hay buổi chiều; có người mê đánh cờ bạc đến khi hết sạch tiền mở cửa đi về thì không biết bây giờ là mấy giờ…

Có những người Ki-tô hữu có thể ngồi lỳ suốt ngày ngoài quán cà phê để coi phim, ai nói to nói nhỏ thì khó chịu vì làm ồn nghe chuyện phim không được, nhưng một khi đi đến nhà thờ dự lễ thì ngồi chưa nóng đít đã đi về, lại còn phê bình ông trùm này hách dịch bà trùm kia phách lối, có khi phê bình cha giảng dài, giảng dai, giảng rườm rà…

Thời giờ rất quý, lãng phí thời giờ là có tội với Thiên Chúa và với tha nhân, bởi vì Thiên Chúa là Đấng chỉ định thời gian cho con người sống và làm việc, bởi vì những người nghèo cảm thấy không đủ giờ để lao động kiếm cơm kiếm áo cho gia đình…

Đóng phòng kín mít rồi thắp một ngọn nến thơm và quý để du hí hát hò nhảy nhót đến quên ngày giờ là việc của con cái sự tối và ma quỷ, nhưng đóng cửa để vợ chồng chỉ bảo nhau, cha mẹ dạy con cái, anh chị dạy em út là chuyện của con cái sự sáng tức là con cái của Thiên Chúa. 

Hai việc làm khác nhau như trời với đất, tôi chọn việc làm nào để phù hợp với thân phận của tôi là người Ki-tô hữu ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 


Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


87.      ÔM VÒ RƯỢU

Thời Tấn Võ đế giải tán chức kỵ thường hầu, lúc Dương Cồ nấu rượu ở Đông Nguyệt, thường ra lệnh cho mọi người ôm vò rượu, dùng nhiệt độ cơ thể của người mà ủ rượu. Qua một lúc thì đổi cho người khác, rượu lập tức có mùi vị thơm.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 87 :

Ngày xưa người ta thường có những phương pháp hay và đơn giản để làm cho rượu nóng, ngày nay càng có nhiều phương pháp nấu rượu cách tân kỳ hơn và vệ sinh hơn, đó là tiến bộ của khoa học.

Ngày xưa người Ki-tô hữu dễ dàng đem của riêng mình làm của chung và giúp đỡ lẫn nhau[1] vì họ sống đức ái rất sống động và tâm hồn họ chân thành khi đối xử với nhau, đó là hiệu quả của việc yêu mến và tin tưởng vào Thiên Chúa, và chắc chắn là họ đã học theo gương các thánh tông đồ. Ngày nay rất hiếm người Ki-tô hữu đem của mình bố thí cho người nghèo, và càng hiếm hơn khi đem của cải mình bỏ làm của chung, bởi vì con người ta càng ngày càng sống hưởng thụ, và nhất là vì sự ích kỷ đã làm cho con người ta ngày càng xa dần tha nhân.

Phương pháp dùng thân nhiệt của con người để làm cho rượu nóng là phương pháp đơn sơ nhưng hiệu quả của người xưa.

Mở rộng tấm lòng và giang rộng tay đón nhận tất cả mọi người là phương pháp hữu hiệu nhất, dễ dàng nhất và đầy tính nhân ái nhất của người Ki-tô hữu trong thời đại ngày nay, bởi vì họ đã dùng con tim để sưởi ấm tình người…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Cv 4, 32-36.