Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Chúa nhật 6 Phục Sinh



CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH

 

Tin mừng : Ga 14, 23-29.

“Thánh Thần sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.

 

Bạn thân mến,

Chúa nhật này tôi xin chia sẻ với bạn hai câu chuyện sau đây, có liên quan đến đời sống tín ngưỡng của chúng ta.

1. Âm thanh quen thuộc.

Một hôm, có một người Mỹ In-di-an (người Mỹ da đỏ) rời khu bảo lưu nơi anh trú ngụ, đi đến thành phố thăm một người bạn da trắng của anh. Xe to xe nhỏ, người đi bộ tới tới lui lui, tiếng ồn ào, tất tất bật bật, làm cho người In-di-an nầy cảm thấy trong lòng không an tâm.

Lúc hai người đi bộ trên một đường phố lớn, đột nhiên người In-di-an dừng bước, đập nhè nhẹ trên vai người bạn, nói nho nhỏ: - “Khoan bước tới trước, đứng đây một chút, anh có nghe âm thanh mà tôi đã nghe được không?”

Người da trắng quay người lại, nhìn người bạn In-di-an của mình, cười nói:

-      “Tôi chỉ nghe tiếng xe hơi, tiếng còi và rất nhiều tiếng bước chân của người đi bộ, anh nghe được tiếng gì vậy?”

-      Tôi nghe tiếng gáy của một con dế ở gần đây”.

Người da trắng cũng dừng chân nghe ngóng tỉ mỉ, nhưng anh ta lắc đầu nói:

- “Xem ra anh nói đùa tôi đấy, ở đây làm gì có dế mèn chứ, ừ, thì cho có đi, nhưng làm sao anh có thể nghe được âm thanh của nó giữa phố xá đông người ồn ào như thế này, anh lại còn cho rằng anh có thể nghe được tiếng gáy của con dế ?”

-“Thật mà, tôi có nghe thật đấy”, người In-di-an nói tiếp: “Chắc chắn có một con dế ở bên cạnh chúng ta đây”.

Người In-di-an đi về phía trước đến một bậc thềm, sau đó đứng bên cạnh bức tường của một căn nhà, căn nhà nầy có một giàn hoa trường sinh bò trên tường, người In-di-an vén bỏ cây trường sinh, bên trong quả nhiên có một con dế mèn đang cất cao giọng gáy.

Bấy giờ người da trắng mới nhìn thấy, anh ta cũng nhận ra sự biến đổi nguồn gốc của âm thanh. Trên đuờng đi người da trắng nói với bạn của mình:

-      “Đương nhiên anh có thể nghe được tiếng gáy của con dế, bởi vì thính lực của người In-di-an của các anh hơn hẳn chúng tôi”.

Người Indian phá lên cười nói:

-      “Cách nói nầy của anh tôi không đồng ý, thính lực của nguời In-di-an hoàn toàn không hơn người da trắng, bây giờ tôi có thể chứng minh cho anh thấy”.

Người In-di-an lấy trong túi ra năm xu, sau đó quăng nó xuống đường dành cho người đi bộ, tiếng kim thuộc của đồng tiền cứng rơi trên đường nhựa, khiến cho rất nhiều người quay lại nhìn về hướng đó, người In-di-an nhặt đồng tiền lên, và bỏ vào trong túi, hai người tiếp tục đi đường.

-“Anh nên biết”, người In-di-an nói với người da trắng, “Âm thanh của đồng năm hào có phải lớn hơn tiếng gáy của con dế không, nhưng có rất nhiều người nghe được, hơn nữa họ còn quay đầu lại nhìn. Trái lại, người nghe được tiếng con dế gáy, thì chỉ có một mình tôi, nguyên nhân nầy, không phải thính giác của người In-di-an tốt hơn của người da trắng, mà là con người của chúng ta vẫn nghe được sự vật mà mình quan tâm quen biết”[1].

2. Lắng nghe bằng tâm.

Tôi thường đi dâng thánh lễ tại viện dưỡng lão, có khoảng hơn hai mươi cụ già tham dự, các cụ đi đứng khó khăn, mắt mờ tai kém, nhưng các cụ rất sốt sắng tham dự thánh lễ, thành tâm nghe giảng và rất tích cực hát lễ dù là hát được câu trước thì mất câu sau. Những con người mà thể xác đã đến lúc mòn mỏi tàn tạ và cuộc đời chẳng còn là bao, các cụ đã dùng tâm mình để nghe tiếng Thiên Chúa, dùng tâm của mình để hát ca chúc tụng Thiên Chúa, dùng tâm của mình để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa.

Sau thánh lễ tôi có thói quen trò chuyện với các cụ vài phút trước khi đưa Mình Thánh Chúa cho một vài cụ đi đứng bất tiện, tôi hỏi :

-      “Các cụ già rồi đi lễ có nghe được con giảng gì không ?”. Các cụ cười và trả lời :

-      - “Thì nghe tiếng được tiếng mất, nhưng phải cố gắng mà nghe cha giảng Lời Chúa, nếu nghe không được thì cầu nguyện với Chúa vậy...”

Bạn thân mến,

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng, ai yêu mến Ngài thì tuân giữ lời Ngài, người Mỹ da đỏ nghe được tiếng kêu của con dế ngay tại thành phố, người Mỹ da trắng và những người đi đường đều nghe được tiếng âm thanh của đồng bạc giữa muôn vàn âm thanh hỗn độn, bởi vì tiếng kêu của con dế quá quen thuộc với người Mỹ da đỏ, và âm thanh của đồng bạc rơi quá quen thuộc với người Mỹ da trắng.

Lời Chúa quá quen thuộc với bạn và tôi, và chắc chắn chúng ta không thể quên được Lời Chúa trong cuộc sống, chỉ có những cám dỗ vật chất, chỉ có những thói quen xấu, chỉ có những kiêu ngạo ích kỷ mới làm chúng ta phớt lờ Lời Chúa kêu gọi chúng ta mà thôi.

Thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là lắng nghe và tuân giữ lời của Ngài, là thực hành lời của Ngài qua cuộc sống của mình, là đem hết tâm hồn yêu mến Ngài qua thánh lễ và các bí tích thánh, như các cụ già trong viện dưỡng lão đã tham dự cách đơn sơ, chân thành yêu mến.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.


[1] Tập truyện: Viên Ngọc Trai do Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. Dịch và viết suy tư. http://nhantai/info

http://www.vietcatholic.net/nhantai

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện (tập 5)

 


39.   HOÀNG THƯỢNG CHO TÊN

Bí thư giám[1] Hạ Trí Chương rất có danh tiếng, lúc cáo lão hồi hương thì khóc lớn lên, hoàng thượng hỏi tại sao khóc, Hạ nói:

-         “Tôi có một đứa con trai chưa được đặt tên, thật hạnh phúc nếu được hoàng thượng cho nó cái tên, để khi về đến quê nhà thì cũng rất là vinh dự”.

Hoàng thượng nghĩ ngợi tìm tòi, nói:

-         “Thế gian vạn vật không có gì vượt qua chữ “tín”, người được tin phục, ta coi con trai ông nên đặt tên là “phù”, “Phù” nghĩa là người được tin phục.

Hạ Trí Chương tuân mệnh bái tạ.

Qua một lúc sau, Hạ Trí Chương lĩnh ngộ được thật ý nghĩa của nó, nói:

-         “Tại sao hoàng thượng lại chế nhạo thần, thần là người đất Ngô, là trảo hạ tử, lẽ nào con trai thần không được gọi là “trảo tử” [2]sao ?”

                                                                        (Nụ cười Quần Cư)

 

Suy tư 39:

        Có một linh mục trẻ chia sẻ với tôi, ngài nói: sống ở đời chữ tín thật là quan trọng, tín với Chúa, tín với tha nhân.

        Giữa người với nhau cần có chữ tín: tín nhiệm nhau, tin tưởng nhau, đó là yếu tố để đem lại sự đoàn kết trong họ đạo, trong cộng đoàn, giữa xã hội, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa người đồng sự với nhau...

        Người được người khác tín nhiệm thì uy tín càng cao.

        Người công giáo hay người lương dân, ai cũng đều tín nhiệm các linh mục cũng như các tu sĩ nam nữ, bởi vì nơi họ không có gì xảo trá điêu ngoa, có thì họ nói có, không thì họ nói không, đó chính là tinh thần của Đức Chúa Giê-su. Bởi vì nơi họ luôn có một thao thức là vì anh chị em mà phục vụ, cho nên cuộc sống họ toả ra nét hồn nhiên, yêu thương và cương nghị làm cho ai cũng cảm thấy yên lòng khi tiếp xúc với họ.

        Chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu giáo dân không còn tín nhiệm các linh mục nữa thì sao nhỉ ? Cái hại thứ nhất là toà giải tội sẽ vắng hoe, vì không còn ai đến để lãnh nhận bí tích Giải Tội nơi các linh mục nữa.

        Khủng khiếp thay khi toà giải tội vắng bóng người, và tai hại thay khi giáo dân không còn tín nhiệm các linh mục và tu sĩ nam nữ nữa...

        Hoàng thượng đặt cho cái tên thì đã vui sướng và hãnh diện lắm rồi, huống gì người Ki-tô hữu là tên mà khi đọc lên ai cũng biết là họ có Đức Chúa Giê-su ở trong họ. Rất là cao quý và hạnh phúc khi mang tên người Ki-tô hữu, vậy mà có nhiều người Ki-tô hữu lại bị người khác chê bai vì họ không sống như lời dạy của Đức Chúa Giê-su.

Thật đáng tiếc.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 
-----------
http://www.vietcatholic.org 
https://www.facebook.com/jmtaiby 
http://nhantai.info 

[1] Một chức quan coi thư viện.

[2] Trảo tử nghĩa là móng vuốt.

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện ( tập 5)

 


38.   CHÂN CHẤT CỦA NGƯỜI XƯA

Tiết độ sứ Hàn Giản tính thô bỉ tục tằn, mỗi lần cùng với Văn Sĩ nói năng trò chuyện, vẫn cứ là không thể biết Văn Sĩ nói những chuyện gì, cho nên thường vì chuyện này mà cảm thấy nhục nhã.

Thế là bèn triệu đến một hiếu liêm (cử nhân) giảng về thiên “Vi Chính” trong sách “luận ngữ” và nghe đến câu “tam thập nhi lập”. Ngày hôm sau ông ta nói với người cùng làm việc:

-         “Bây giờ ta mới biết sự chân chất của người xưa, đến ba mươi tuổi mới đứng dậy mà đi”.

Mọi người nghe ông ta nói liền nhăn mặt cười nghiêng ngã.

                                                                        (Nụ cười Quần Cư)

 

Suy tư 38:

        Với những người thô bỉ tục tằn thì có người cho rằng họ là những người vô học, hoặc là ít học, hoặc là sống trong môi trường không được giáo dục cho lắm và thường là những người chân lấm tay bùn...

Nhưng suy nghĩ như thế thì thật là không công bằng, bởi vì có những người không học, ít tiếp xúc bên ngoài và quê mùa, nhưng họ có một tâm hồn rất thanh nhã, lễ độ và đạo đức; trái lại có những người học hành rất cao, bằng cấp này rồi bằng cấp nọ, có địa vị trong xã hội, nhưng tính tình thô bỉ tục tằn và có khi nham hiểm.

Người quê mùa dốt nát mà thô bỉ tục tằn thì người ta còn thông cảm và cảm thấy đáng thương, nhưng người trí thức mà thô bỉ tục tằn thì thật đáng sợ, người ta coi họ là một hung thần, một con cọp dữ tợn không dám đến gần...

Khi suy tư đến điều này tôi chợt khám phá ra một việc khá thú vị, đó là những người Ki-tô hữu dù quê mùa và dù dốt nát đến đâu chăng nữa, nhưng nhờ việc tham dự đọc kinh dâng lễ, học hỏi giáo lý mà họ trở nên những con người thanh nhã, cao thượng và quân tử.

Đáng vui thay, đáng mừng thay được làm người Ki-tô hữu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

-------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Thơ của Sử Tư Minh

 


37.   THƠ CỦA SỬ TƯ MINH

Sau khi An Lộc Sơn bị giết, Sử Tư Minh tiếp tục phản loạn và tiếp tục đánh cho đến Lạc Dương, gặp lúc anh đào chín, con trai của Sử Tư Minh ở Hà Bắc không có loại anh đào ấy để ăn, Sử Tư Minh bèn phái mấy người chuẩn bị đem về cho con ăn, đồng thời viết một bài thơ kèm theo, thơ viết như sau:

-         “Anh đào một giỏ, đỏ một nửa, vàng một nửa, một nửa với Hoài vương, một nửa với Châu Chí”, Châu Chí đã có dạy và giúp cho Hoài vương..

Mọi người nghe được đều khen, nói:

-         “Thơ hay, thơ hay ! Nhưng nếu đem “một nửa Châu Chí, một nửa Hoài vương” đổi lại chút xíu, để “hoàng” “vương” tương xứng với cách gieo vần, thì rất là hay.”

Sử Tư Minh nổi giận nói:

-      “Con trai của ta lại có thể ở dưới Châu Chí à !”

                                                                        (Nụ cười Quần Cư)

 

Suy tư 37:

        Thông thường người có chức vụ càng cao thì sĩ diện càng lớn, người thích coi trọng cái “mã” bên ngoài thì tâm hồn không có gì, người thích chỉ trích phê bình người khác là người tự đề cao mình lên trên mọi người, người hay tâng bốc người khác là người có đầu óc chênh lệch, âm mưu...

        Vì cái chức vụ cao của mình nên những người này thường hay bảo thủ, cố chấp nên dễ dàng đi đến sai lầm, độc đoán và độc tài. Xã hội đã chứng minh không phải ai làm chức vụ cao cũng đều có tài, nhất là về mặt chuyên môn, bởi vì “nhân vô thập toàn”.

        Linh mục không phải là bác sĩ, nên đừng tranh cãi chuyện y tế thuốc men với bác sĩ, vì đây là chuyên môn của họ.

        Linh mục không phải là cái máy computer để biết tất cả mọi chuyện, nên đừng dành cho mình tất cả mọi phát biểu, diễn đàn, nhưng hãy khiêm tốn lắng nghe và nói lúc cần thiết.

        Người ta sẽ kính trọng và yêu mến một linh mục khiêm tốn đạo đức hơn là một linh mục thông thái, uyên bác nhưng kiêu ngạo.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

-------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info