Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2025

Chúa nhật 3 mùa chay

 


CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY


Tin mừng : Lc 13, 1-9
“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Bạn thân mến,
Dụ ngôn cây vả không ra trái mà bạn và tôi vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, đã cho chúng ta thấy rất rõ ràng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại như thế nào, Đức Chúa Giê-su không khách sáo nói lên ý của ông chủ là muốn đốn cây vả vô dụng, nhưng đồng thời Ngài cũng cho thấy Thiên Chúa đã vì tình yêu mà kiên nhẫn và chờ đợi chúng ta hối cải...
1. Yêu thương là kiên nhẫn.
Ông chủ đã kiên nhẫn với cây vả thêm một năm nữa và hi vọng nó sẽ ra trái thơm ngon, bố mẹ kiên nhẫn với con cái để nó nhận biết cái sai của mình mà tha thứ, người yêu kiên nhẫn với những khuyết điểm của người bạn mình, tất cả những kiên nhẫn này đều bắt nguồn từ sự yêu thương
Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại, đã kiên nhẫn trước những tội lỗi mà nhân loại đã xúc phạm đến Ngài, mà chưa hối cải và nhìn nhận Ngài là Cha rất nhân từ của họ, tình yêu này được thôi thúc lên bởi sự hi sinh của Con Một Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, Ngài đã chết trên thập giá để xin Chúa Cha kiên nhẫn với những cứng đầu vô ơn bội nghĩa của nhân loại để họ hối cải, Ngài đã chết trên thập giá để làm một bằng chứng yêu thương và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa Cha.
2. Yêu thương là chờ đợi.
Khi yêu nhau người ta thường hay chờ đợi, dù cho sự chờ đợi này có hạn chế trong một ngày hoặc một hai năm, yêu nhau người ta cũng lấy làm vui mừng để mà chờ đợi nhau khi có hẹn hò dù cho mưa gió bão bùng, và sự chờ đợi nào của con người cũng có giới hạn của nó. Nhưng sự chờ đợi của Thiên Chúa thì khác với nhân loại, Ngài không chờ đợi một hai hay ba năm, nhưng Ngài sẽ chờ đợi cho đến lúc nào chúng ta biết hối cải ăn năn...
Có người Thiên Chúa đã chờ đợi họ hai mươi năm, có người Thiên Chúa đã chờ đợi họ đến ba mươi năm, có người bốn mươi năm và có người bảy mươi, tám mươi năm thời gian dài cả một đời người, vậy mà Thiên Chúa vẫn chờ đợi, Ngài chờ đợi trong yêu thương chứ không trách móc, trong tha thứ chứ không phải án phạt...
Bạn thân mến,
Mùa chay là mùa của yêu thương, mùa của hối cải và trở về với Cha nhân từ trên trời, do đó Ngài muốn mỗi người trong chúng ta học nơi Ngài cách yêu thương anh em như Ngài đã yêu thương chúng ta, đó là kiên nhẫn và chờ đợi anh em khi họ cố chấp mà xúc phạm đến mình :
- Kiên nhẫn khi người khác nóng giận với mình đó là yêu thương.
- Kiên nhẫn khi người khác coi thường mình đó là yêu thương.
- Kiên nhẫn khi người khác nói móc họng mình đó là yêu thương.
- Chờ đợi và cầu nguyện khi anh em tỏ ra bất mãn với mình, đó là yêu thương.
- Chờ đợi và cầu nguyện khi anh em hiểu lầm mình đó là yêu thương.
Kiên nhẫn và chờ đợi là ý lực sống và thực hành của bạn và tôi đối với tất cả mọi người trong tuần mùa chay này.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
---------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


42.          ÁC Ý CỦA THÁNH NHÂN

Một thái giám có rất nhiều quyền thế thấy học sĩ đang giảng bài[1], đợi học sĩ giảng bài xong ra khỏi cung đình, bèn hỏi:

-         “Hôm nay giảng về sách gì ?”

Học sĩ trả lời:

-         “Hôm nay giảng về Khổng tử cười mũm mĩm, nói: “cắt tiết gà không cần dùng đến dao mổ trâu ?”

Sắc mặt thái giám hiện nét bối rối nói:

-         “Đó là Khổng thánh nhân ác ý cười người đó”[2].

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 42 :

        Sợ hãi và hồ nghi là hai trạng thái thường có của người có tâm hồn không bình an, do đó mà họ thường sống trong lo âu sợ người khác biết chuyện xấu của mình, và từ đó họ sinh ra hồ nghi ngay cả lòng tốt của người khác đối với mình, và vì sợ và hồ nghi nên trở thành người hay cau có nóng giận đến kiêu ngạo.

        Một tâm hồn sợ hãi và bất an vì họ không sống theo lương tâm chân thật của mình, càng có danh vọng chức quyền thì lương tâm càng khắc khe với cuộc sống của cá nhân hơn những người khác, cho nên càng làm lớn mà làm sai thì càng sợ hãi và bất an hơn người thường...

        Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ: chỉ có Đức Chúa Giê-su mới làm cho tâm hồn của họ được bằng an và kiên định, và chỉ có sự bình an của Ngài mới tồn tại lâu trong cuộc sống của họ, cho nên họ dù cuộc sống thiếu thốn vật chất thì vẫn cứ luôn giữ mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình để tâm hồn luôn bình an.

        Thái giám hiểu sai lời của học sĩ nên nói thánh nhân có ác ý là vì ông ta có tật giật mình, người Ki-tô hữu nếu hiểu sai Lời Chúa hoặc không sống Lời Chúa, thì dù có rất đầy đủ vật chất danh vọng, thì tâm hồn vẫn cứ bất an và sống trong sợ hãi hồ nghi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Quan giảng cho hoàng đế nghe về lịch sử.

[2] Nguyên văn câu này : 割雞焉用牛刀 (cắt tiết gà không cần dùng đến dao mổ trâu), thái giám hiểu lầm割雞 (cắt tiết gà) thành 割雞巴 (cắt sinh thực khí của đàn ông).

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


41.          NGHE NHẦM TIẾNG ĐỊA PHƯƠNG

Mới đến nhậm chức tuần phủ là người ngoài huyện.

Một ngày nọ, ông ta dùng ngôn ngữ của cố hương mình nói với sai dịch:

-         “Mày đi mua cho ta cây tre(竹竿)”[1].

Sai dịch nghe nhầm là “gan heo 豬肝”, bèn đi mua gan heo về, lại còn mua thêm một quả tim heo cho mình, đưa lên cho tuần phủ và nói:

-         “Đại nhân, gan heo mua được rồi ạ”.

Tuần phủ vừa thấy, không tài nào cười được, nổi giận nói anh ta làm việc không dùng não:

-         “Tim của mày ở đâu ?”

Sai dịch vội vàng lấy trong tay áo ra quả tim heo, trả lời:

-         “Đại nhân, tim ở đây !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 41:

        Nghe lầm, nói lầm và giết lầm là cái ngộ nhận to lớn của con người, nó càng lớn hơn khi người ta cố ý làm điều xấu rồi đổ tội cho nghe lầm, nói lầm và giết lầm để che đậy tội lỗi của mình.

        Nghe lầm thì đưa ra những lời tuyên bố sai lầm, nghe lầm cũng là nguyên nhân đưa đến những hành động sai lầm khác, mà hành động sai lầm to lớn nhất chính là giết lầm người vô tội, làm cho người khác không còn tin tưởng vào ngôn hành của mình hay của tập thể nữa.

        Đức Chúa Giê-su đã xin Đức Chúa Cha tha tội cho những người đóng đinh mình trên thập giá vì họ không biết việc họ làm [2], nhưng việc làm của họ thì muôn đời vẫn bị người ta lên án.

        Có một vài người Ki-tô hữu “thích” nghe lầm, tức là thích giải thích lời nói của người khác thành nhiều nghĩa, để “vô tư” làm theo ý của mình rồi sau đó nói lời xin lỗi vì đã nghe lầm, những kiểu nghe lầm này dù có đi xưng tội cũng không được tha -nếu không thành thật xin lỗi- vì đã làm mất danh dự hoặc làm thiệt hại cho người khác bằng sự “nghe lầm” của mình, bởi vì sai lầm thì không có tội hoặc tội nhẹ, nhưng sai lầm cố ý thì tội nặng gấp nhiều lần.

        Nghe lầm thì sẽ nói lầm và nói lầm có khi làm thiệt hại phần xác cũng như phần hồn của người khác, do đó mà người Kitô hữu càng phải lắng nghe cách chính xác hơn để ngôn hành của mình rõ ràng chính xác, đó là cách thế để truyền giáo trong đời sống hôm nay vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] 竹竿 nghĩa là cây tre, phát âm là “zhu can”; 豬肝nghĩa là gan heo, tiếng địa phương cũng phát âm tương tự như là “zhu can”, đồng âm khác nghĩa.

[2] Lc 23, 34.

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


40.          KẾT GIAO CỦA QUÂN TỬ

Học trò nghèo muốn mua rượu để chúc mừng sinh nhật của bạn nhưng không có tiền, đành phải lấy bình nước lã để tạm thay rượu đi chúc thọ bạn.

Bạn mời anh ta ở lại ăn cơm, anh nói:

-         “Để tôi dùng một bài thơ đáp từ.”

Bèn ngâm lên:

-          Quân tử kết giao nhạt như...”

Bạn biết là anh ta dùng câu thành ngữ nhưng chưa nói ra chữ “nước” thì đoán trong bình có thể là nước, và thuận nước xuôi thuyền bèn ngâm câu thơ:

-         “Say không vì...”

 Và giấu đi chữ “rượu” phía sau.

Ý tứ đã rõ ràng: đã là bạn bè, không rượu thì có sao đâu !

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 40:

        Kết giao quân tử của người xưa là như thế, có rựơu hay không có rượu thì đã sao, cái quý chính là tấm lòng của mỗi người dành cho nhau.

        Thời nay có những người kết giao bạn bè không vì tấm lòng nhưng vì địa vị và tiền bạc: hết tiền hết bạn hết ông tôi.

        Thời nay cũng có những người kết bạn không vì tiền vì địa vị nhưng vì rượu, hết rượu là hết bạn bè.

        Thời nay cũng có những người kết bạn không vì tiền, không vì địa vị và cũng không vì rượu, nhưng vì chí hướng, loại bạn bè này như con dao hai lưỡi, chí hướng tốt thì không nói làm chi, chí hướng xấu thì quả là một đại họa cho mọi người và cho cộng đoàn, bạn bè đúng nghĩa không vì diện mạo và thể thức bên ngoài, nhưng là cái tình cảm bên trong của bạn, loại tình bạn này thì lấy nước thay cho rượu cũng đúng thôi, thật đáng quý vô cùng.

        Đức Chúa Giê-su gọi chúng ta là bạn hữu của Ngài, tình bạn này không phải do địa vị, tiền của hay do rượu mà có, nhưng do một tình yêu cao quý, bởi một sự chết cao quý của một con người cao quý là chính Ngài -Thiên Chúa làm người- để cho chúng ta được trở nên bạn rất thân thiết của Ngàii.

Ai hiểu được nghĩa của tình bạn này thì sẽ trở nên bạn tốt của mọi người vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


39.          ĐẾN TAY THÌ CHUA

Thí sinh Trương Đẩu Kiều sao chép lại bài văn của một tác giả nổi tiếng và đem đi thi.

Quan chấm thi coi thì đương nhiên cho là Trương Đẩu Kiều viết, và nghĩ rằng bài viết không được hay, nhíu cặp lông mày, lấy viết đánh dấu vòng trên bài văn.

Trương Đẩu Kiều đem chuyện này tố cáo với học quan Văn Liên Sơn, Văn Liên Sơn liền kể cho anh ta nghe hài kịch “Tô Thái” như sau :

“Phụ thân của Tô Thái làm sinh nhật, con trưởng dâng lên một ly rượu chúc thọ, phụ thân uống xong thì khen: “Rượu ngon”. Đứa con thứ hai thường không làm cho phụ thân vui lòng cũng dâng một ly rượu để chúc thọ, phụ thân chưa uống đã chửi: “Rượu chua !”

Vợ của đứa con thứ hai thấy vậy, bèn lén mượn ly rượu của chị dâu cả đến trước mặt chúc thọ, bởi vì phụ thân cũng không thích người con dâu thứ hai này, nên vừa uống vừa chửi: “Rượu chua !”

Con dâu thứ không phục, nói: “Đây là rượu lấy từ nhà anh cả đó”.

Phụ thân nổi giận chửi: “Vợ chồng tụi bây là rượu mốc, rượu đến trên tay tụi bây thì đã chua rồi !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 39:

        Đi sao chép lại bài của người khác rồi xào lại vài chữ thì dĩ nhiên là “chua” rồi; đem văn của người khác làm văn của mình thì không những “chua” mà còn “thiu” nữa, bởi vì đó không phải là những suy tư và tư tưởng của mình...

        Đời có nhiều cái nên sao chép lại như: sao chép lại đức hạnh của người khác để noi theo, sao chép lại tính siêng học của người khác để học hành làm việc chuyên cần hơn, sao chép lại tính khiêm nhượng của người khác để chức vụ và bổn phận của mình nổi bật hơn, sao chép lại sự hiền lành nhân ái của người khác để mình hiền từ hơn.v.v...tất cả những điều ấy của người khác thì nên sao chép lại, bởi vì đức hạnh là bởi Thiên Chúa mà đến.

        Thời nay “bệnh” sao chép lại lấy suy tư của người khác làm của mình thì rất nhiều, vì những người sao chép lại ấy không có lương tâm chân chính của một người Ki-tô hữu, mà lương tâm chân chính của người Ki-tô hữu là luôn làm theo sự thật và lẽ công bằng.

        Khi đã ghét nhau rồi thì rượu ngon cũng thành rượu chua, cũng vậy, nếu người Ki-tô hữu không có một lương tâm chân chính thì dù cho sao chép lại cái hay cái đẹp của người khác, thì cũng như rượu chua mà thôi: gượng ép và khách sáo !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


38.          CÙNG TÊN CÙNG CHỮ

Ông đốc học ở Giang Thạch tên là Lý Không Đồng, có một học trò cùng tên với ông ta.

Lúc điểm danh theo danh sách, ông ta bèn nói:

-         “Trò làm sao có thể trùng tên với ta được ?”

Thế là lấy câu đối thử anh ta:

-         “Lan Tương Như, Tư Mã Tương Như, tên thì giống, nhưng thực không giống”.

Anh học trò ấy đối:

-         “Ngụy Vô Kỵ, Trường Tôn Vô Kỵ, người không sợ, tôi cũng không sợ”.[1]

Lấy tên của những người nổi tiếng thời cổ đại để đối nhau.

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 38:

        Ở đời trùng tên trùng họ là thường, có gì phải bắt bẻ nhau chứ, có bắt bẻ chăng là vì mình tự cảm thấy mình có danh có vọng, có chức quyền và cấm mọi người không được có tên như mình, đó là họ đeo một cục kiêu ngạo to tổ chảng trong óc mình. Người ta trùng tên trùng họ với mình nhưng chưa chắc là đã có tính nết xấu nhiều như mình; có người trùng tên họ với mình nhưng thông minh xuất chúng hơn mình thì mới là việc đáng suy nghĩ hơn là làm khó dễ người ta.

        Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa, Ngài không giận dữ khi chúng ta mang tên Ki-tô hữu -trùng tên với Ngài- trái lại Ngài còn chúc lành cho những ai mang danh Ngài mà sống như lời của Ngài dạy, đó là một hạnh phúc cho chúng ta -những người Ki-tô hữu trong mọi thời đại.

        Tên của mình dù đẹp dù hay nhưng cuộc sống của mình không đẹp không hay thì cũng như tên xấu rồi vậy, có gì mà phải giận dữ khi có người khác trùng tên với mình !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Câu này có hai nghĩa, tức là không sợ kỵ húy.

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


37.          KHÔNG GIỐNG CON CHÁU

Có một quan sứ đào một cái hồ bên nhà và nuôi rất nhiều loại chim nước, nào là chim hạc, chim bồ nông, gà gô xanh, gà gô trắng.v.v...cần có loại nào thì cũng có, nếu có người đến tham quan, thì tất cả chim to chim nhỏ đều được lùa ra.

Một hôm, có người ngoài tộc đến, vì không biết tên của các loại chim nên chỉ con chim hạc và nói với người chăm nom chim:

-         “Con này là chim gì ?”

Người chăm sóc chim đánh lừa ông ta:

-         “Đây là con chim vịt mỏ nhọn.”

Người ấy lại hỏi con bồ nông thì người chăm sóc chim lại nói dối:

-         “Đây là con của con chim vịt mỏ nhọn ấy”.

Lại hỏi gà gô xanh, người chăm nom chim lại đánh lừa nói:

-         “Đây là cháu của con chim vịt mỏ nhọn ấy”.

Hỏi đến con gà gô trắng thì người ấy lại bị lừa dối:

-         “Đây là chắt của con chim vịt mỏ nhọn ấy”.

Người ngoài tộc ấy thở một hơi tiếc rẻ nói:

-         “Cái dáng con chim vịt này rõ ràng là dài, nhưng con cái cháu chắt của nó không đời nào giống đời nào cả”.

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 37:

        Người ta thường nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, vậy mà cháu chắt mấy đời của con chim vịt mỏ nhọn lại chẳng giống nhau chút nào, không giống nhau là vì nó không cùng một loại, nhưng cái quan trọng nhất khiến chúng nó không giống nhau là vì lời nói dối trá của người nuôi chim.

        Lời dối trá có hại rất to lớn, mà cái hại to lớn nhất mà chúng ta thấy được là khi nguyên tổ chúng ta nghe lời dối trá của ma quỷ, để rồi con cháu sau này phải khổ cực phần hồn cũng như phần xác.

        Thông thường thì người ta ai cũng đều biết người Ki-tô hữu thì không nói dối, cho nên họ thường hay tin những lời của người Ki-tô hữu nói, cho nên lời nói dối của người công giáo thì tội sẽ nặng hơn những người khác, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy: có thì nói có, không thì nói không, thêm điều bịa đặt là chuyện của ma quỷ...

        Người ngoài tộc đi tham quan tin vào lời nói dối của người chăm nom bầy chim, mà hiểu lầm bầy chim nước là cùng một tổ mà ra; cũng vậy, khi người Ki-tô hữu nói dối thì cũng làm cho người khác hiểu lầm rằng Đức Chúa Giê-su dạy họ nói dối, đó là một tai hại không thể lường được.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)