Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

Chúa nhật 5 Mùa Chay

 


CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Tin Mừng: Ga 12, 20-33
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.
Anh chị em thân mến,
Hạt lúa mì bị chôn vùi trong đất, bị thối nát thì sinh được nhiều hạt khác, đó là sự khiêm tốn nảy sinh ra nhiều tình yêu; người tử tội bị đóng đinh trên thập giá chảy đến giọt máu cuối cùng đã trở nên dấu chỉ của ơn tha tội và là hồng ân cứu chuộc của nhân loại. Hạt lúa mì ấy, người bị đóng đinh ấy chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô Đấng cứu chuộc chúng ta.
1. Hạt lúa mì.
Đức Chúa Giê-su -người tử tội ấy- bị giương cao trên thập giá đã không kêu la oán trách những người đóng đinh mình, nhưng trái lại chính Ngài đã cầu xin Thiên Chúa thứ tha tội ấy cho họ, Ngài đã kéo người thù hận đến gần bên mình, bên lòng từ bi và thương xót của mình, để họ nhìn thấy tận tường quả tim bị đâm thâu thắm đầy máu của tình yêu, tình yêu và sự tha thứ. Ngài đã thực hiện lời Ngài đã nói qua :
“Không có tình thương nào cao cả,
hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng
vì bạn hữu của mình.”
Hạt lúa mì óng ánh màu vàng của sức sống ấy đã bị chôn vùi trong lòng đất, phải bị mục nát, không kêu ca, không oán hờn và không ghen ghét, không khiếu nại phân bì, nhưng đã âm thầm mọc lên và sinh ra nhiều hạt khác. Hạt lúa mì vĩ đại ấy chính là Đức Chúa Giê-su Đấng cứu chuộc chúng ta, Ngài đã bị chôn vùi trong lòng đất ba ngày và đã sống lại, trở thành sức sống cho những kẻ tin vào Ngài, và là án phạt cho những kẻ không tin và không chấp nhận Ngài. Ngài đã làm cho những kẻ tin vào Ngài trở thành những hạt lúa chắc mẫm, trở nên bánh thơm ngon phục vụ anh em chị em mình trong cuộc sống hôm nay.
2. Khiêm tốn và yêu thương.
Con người ta khi được “giương cao lên” thì đắc ý cho mình là đứng cao trên mọi người, cho nên từ hành vi cử chỉ cho đến lời nói đều toả ra nét kiêu căng và thỏa mãn. Nhưng người Ki-tô hữu khi được “giương cao lên” thì càng phải thấy rõ tình liên đới giữa với người, giữa mình và tha nhân có một liên quan đặc biệt trong tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải được “giương cao lên” để “đì sói trán” người mà mình không ưa, không thích ; được “giương cao lên” là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho chúng ta, chứ không phải chúng ta tự mình “giương cao lên” trên mọi anh em.
“Hạt lúa mì bị mục nát” và “bị đóng đinh trên thập giá”, cả hai sự việc đều nói lên một tính cách: khiêm tốn và yêu thương, bởi vì khiêm tốn và yêu thương chính là bày tỏ một sự hy sinh vô vị lợi, một sự hi sinh mà chỉ có Đấng là tình yêu mới cảm nghiệm được và chia sẻ cho nhân loại. Sự hi sinh ấy, yêu thương ấy và khiêm tốn ấy, ngày hôm nay mỗi người trong chúng ta đều có thể thực hành được dưới ánh sáng của Lời Chúa :
“Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà.
Nếu họ đã bắt bớ Thầy,
họ cũng sẽ bắt bớ anh em.
Nếu họ tuân giữ lời Thầy,
họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em”.
Như thế thì đã quá rõ ràng: hạt lúa mì phải thối đi, người môn đệ của Đức Chúa Giê-su phải bị bách hại, bị đủ điều tệ hại, người môn đệ Chúa phải đươc giương cao lên và trở nên dấu chỉ của tình yêu cho mọi người.
Anh chị em thân mến,
Chỉ còn một tuần nữa thôi là chúng bước vào Tuần Thánh, tuần lễ rất đặc biệt của năm phụng vụ, trong tuần này, chúng ta hãy dành nhiều thời gian cho việc suy tư, cầu nguyện, hi sinh, rồi chúng ta sẽ thấy hạt lúa mì bị mục nát và người bị đóng đinh trên thập giá ấy chính là nguồn ơn cứu độ của chúng ta, ngoài Ngài ra, sẽ không còn ai khác.
Mỗi người chúng ta cũng phải trở nên hạt lúa mì bị chôn vùi trong đất bị mục nát, nghĩa là chúng ta khiêm tốn chấp nhận những thiệt thòi khi tranh chấp, chấp nhận bị sỉ nhục, mĩm cười khi bị chỉ trích, lạc quan vui vẻ trong hoàn cảnh bi quan với tất cả yêu thương và tha thứ, để không những mình được phục sinh, mà ngay cả những người khác cũng được tái sinh trong tình yêu của Chúa, qua sự mục nát (hi sinh) của chúng ta.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


32.      NGUYỄN TỊCH CƯỜI HỌ LƯU

Hoàng Nhung đến nhà Nguyễn Tịch, Lưu Công Vinh cũng đã ngồi tại đó.

Nguyễn Tịch nói với Hoàng Nhung:

-      ”Tôi có hai đấu rượu ngon, cùng uống với quan, như vậy thì Lưu Công Vinh không có phần”.

Hai người anh uống một ly tôi uống một ly vui vẻ đến quên cơn say của đời.

Lưu Công Vinh một giọt cũng không được uống, nhưng ngôn ngữ dí dõm pha trò của ông cũng như là cùng dự tiệc.

Có người hỏi tại sao không mời Lưu Công Vinh uống ?

Nguyễn Tịch trả lời:

-      “Đó là Công Vinh tự mình cười mình mà thôi, vì ông ta thường nói: “So với tôi thì Công Vinh cao quý hơn, không thể không mời ông ta uống rượu; không như tôi vì Công Vinh cao quý, nên cũng không thể không mời ông ta uống rượu.” Như thế loại trừ chuyện ấy ra, thì đương nhiên chỉ có thể là không mời Công Vinh uống rựơu mà thôi”.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 32 :

Lý luận chỉ là lý luận nó không ăn nhằm gì với chuyện bạn bè lịch sự mời nhau ly rượu, nhưng chỉ vì để “chơi khăm” bạn bè nên mới lý luận như thế mà thôi.

Người chơi khăm thì lấy làm đắc chí khi luận về lý do không mời bạn bè uống rượu, nhưng người có tâm hồn quảng đại thì dù không được mời uống rượu, thì cũng vẫn nở nụ cười tươi biết pha trò để khỏi mất mặt bạn bè.

Trong cuộc sống thường ngày người Ki-tô hữu cũng có lúc mời bạn bè ăn uống nhậu nhẹt, và cũng có lúc được bạn bè mời ăn uống, đó chính là những tương quan giữa bạn bè bà con thân hữu với nhau, nhưng điều quan trọng hơn chính là khi mời bạn bè chúng ta đừng lý luận tại sao phải mời người này mà không mời người nọ, tại sao chúng ta phải tiếp người này mà không tiếp người khác, bởi vì như thế thì không còn là tinh thần Phúc Âm nữa, nhưng mời nhau chỉ là vì lợi ích của cá nhân mà thôi.

Không một ai khi có hai ba người bạn đến nhà mà chỉ mời một người uống rượu còn người kia thì không, cũng vậy, không một người Ki-tô hữu chân chính nào “phân biệt đối xử” với người anh em của mình khi họ đến thăm chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


31.      CÙNG UỐNG MỚI SAY

Lưu Công Vinh là một nhân vật nổi tiếng của tây Tấn rất thích ăn uống rượu chè, lúc ăn uống thì bất kể khách là ai đều vạch áo xem lưng, không phân biệt khách quý tiện đều đối xử như nhau.

Có người chế giễu ông ta về hành vi không phân biệt quý tiện này, ông ta bèn nói:

-      “Người cao quý hơn tôi thì tôi không thể không mời ông ta uống rượu; người không cao quý như tôi thì tôi không thể không mời ông ta uống rượu; ngừơi giống như tôi thì lại không thể không mời ông ta uống rượu”.

Cho nên cuối cùng Lưu Công Vinh cùng mọi người uống rượu đến say mèm !

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 31 :

        Người sống mà không coi trọng tiểu tiết là người có tâm hồn phóng khoáng, người không cần phân biệt ai tốt ai xấu cũng đều đối xử như nhau là người có tâm hồn quân tử.

        Người Ki-tô hữu chính là người khi tiếp đãi người khác thì không cần phân biệt cao thấp, giàu nghèo, quý tiện, nhưng tất cả mọi người đều được họ đối đãi như nhau, bởi vì họ luôn tâm niệm rằng: tất cả mọi người người đều là con cái của Thiên Chúa, là anh em chị em với nhau.

        Người cao hơn mình cũng tiếp đãi, người như mình cũng tiếp đãi, người thua mình cũng tiếp đãi, thì đúng là chỉ có người Ki-tô hữu mới có tâm hồn như thế.

        Thiên Chúa đã không phân biệt nếu người tội lỗi thì không cho mặt trời chiếu sáng, hoặc nếu là người công chính thì sống trong chan hoà ánh nắng, nhưng Ngài đã đối xử bình đẳng như nhau, bởi vì Ngài là Cha chung của mọi người. Vậy thì tại sao chúng ta cứ phân biệt người này là giáo người kia là lương để giúp đỡ chứ !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


30.      TẠM MỜI MỘT BỮA

Viên Phương thích rượu, có một lần một mình đi bộ ra ngoại thành, cơn hứng uống rựơu lại đến, trên đường đi gặp một học trò bèn lớn tiếng mời đi uống rượu với mình, uống đến say mới cho đi.

Sáng hôm sau, anh học trò ấy tự cho mình là được Viên Phương nể trọng bèn xin được tiếp kiến, Viên Phương nói:

-      “Xin anh đừng đến làm phiền ta, hôm qua uống rượu không có lấy người bạn, chẳng qua là tạm thời mời anh uống một chút vậy !”

Anh học trò xấu hổ lui về.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 30 :

        Đừng thấy người ta mời ăn uống mà cho là người ta yêu mến mình, cũng đừng thấy người ta cười với mình mà cho rằng người ta thích mình, vì ở đời có những cái không như chúng ta nghĩ...

        Đức Chúa Giê-su thì lại khác, Ngài mời chúng ta là vì Ngài yêu mến chúng ta, Ngài mĩm cười với chúng ta là vì Ngài coi chúng ta như là bạn thân của Ngài, cho nên chúng ta có thể hoài nghi với tất cả mọi người ở trần gian này, nhưng chúng ta không thể hoài nghi tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta qua Con Một của mình là Đức Chúa Giê-su Kitô.

        Có một vài người Ki-tô hữu thường hay hồ nghi về tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, bởi vì họ chỉ thấy cuộc đời của mình sao gặp nhiều chông gai khốn đốn mà không thấy sung sướng hạnh phúc như người khác. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không phải là những vật chất ở đời này, nhưng là sự sống đời sau.

        Các thánh nam nữ đều biết rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta nên mời gọi chúng ta chia sẻ những đau khổ của Đức Chúa Giê-su trên thập giá, bởi vì chỉ có những ai thành tâm chia sẻ với Ngài những đau khổ ấy mới thật sự là bạn hữu của Ngài.

        Anh học trò quá thơ ngây nhẹ dạ nên bị xấu hổ, nhưng nếu chúng ta biết sống đơn sơ thánh thiện trước mặt Thiên Chúa và mọi người thì nhất định sẽ được bình an tâm hồn.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


29.      ĂN THÌ KHÔNG NÓI CHUYỆN

Hà Thừa Dụ lúc làm huyện lịnh hai huyện Châu Chí và Hàm Dương, thường thường mời các quan lại ăn cơm uống rượu.

Có một lần ăn uống với tên tiểu quan, tên tiểu quan được yêu chuộng thì kinh ngạc, đợi đến lúc thấy ông ta có chút ngà ngà bèn đem mấy chuyện cá nhân đã ôm trong lòng báo cáo tổng hợp, Hà Thừa Dụ nói:
-  “Đây là mày muốn lừa tao sao, đáng bị đánh vài trượng !”

Đợi đánh xong, lại mời tên tiểu quan ấy đến ăn uống giống như chưa xảy ra chuyện gì.

                                                                       (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 29 :

        Một kinh nghiệm cho thấy là khi cấp trên say ngà ngà thì đừng đem việc riêng không có lợi ra báo cáo, vì như thế chẳng khác gì rót thêm dầu vào rượu cho họ uống, và dù chúng ta có nói thật lòng thì họ vẫn không hiểu vì đang say nên dễ dàng bắt lỗi; đánh xong lại mời ăn giống như chưa có chuyện gì xảy ra, là chứng tỏ là cấp trên đã làm một việc không đáng làm nhưng vì say xỉn mà họ đã làm.

        Say rượu là cơn điên ngắn, nhưng dù ngắn thì cũng gây ra nhiều điều đáng tiếc, đến khi tỉnh lại thì không biết mình đã làm gì.

        Người Ki-tô hữu luôn tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, đó là lời dạy của Đức Chúa Giê-su. Tỉnh thức để nghe cho rõ thấy cho tường những lời phỉnh gạt và mưu mô của ma quỷ; tỉnh thức là để sáng suốt phân biệt cái gì nên nói và cái gì không nên nói khi cơn vui bất chợt đến; tỉnh thức là để sẵn sàng lắng nghe tiếng Thiên Chúa thì thầm rất nhỏ trong tâm hồn của chúng ta.

        Hể được cấp trên chiếu cố mời ăn uống là cảm thấy được ưu đãi, do đó mà có rất nhiều người đem cái dở của anh em ra mà nói, đó là khuyết điểm chung của con người, nhưng người Ki-tô hữu thì luôn im lặng dù được cấp trên mời dự tiệc, nhưng nếu có nói thì nói điều tốt của anh em mà thôi, đó chính là ưu điểm của người Ki-tô hữu vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


28.      KHÔNG MỜI MÀ TỰ ĐẾN

Thời nam triều Lưu Tống, thượng thư Đặng Tiên Chi không câu nệ tiểu tiết, Võ đế rất yêu chiều ông ta.

Có một lần, Võ đế đang yến tiệc trong nội cung, cố ý không mời Đặng Tiên Chi, sau khi đợi cho khách khứa đến thì Võ đế nói:

-      “Đặng Tiên Chi nhất định sẽ không mời mà tự đến”.

Quần thần có chút hoài nghi, đúng vào lúc ấy người giữ cửa có thông báo nhỏ:

-      “Thượng thư Đặng Tiên Chi đã đến trước quầy xin chỉ thị”. Võ đế cười lớn và lập tức mời vào.

                                                                        (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 28 :

        Không mời mà tự đến thì có hai hạng người: một là người quá thân, hai là người tham ăn.

        Người quá thân thì coi như ruột thịt, có cái gì cũng đem ra chia sẻ với nhau, người quá thân thì không còn khoảng cách trong đối xử, không chấp xét những câu nệ của nhau, nhưng vẫn cứ phải luôn tôn trọng nhau, đó là hạng thứ nhất; hạng thứ hai là vì tham ăn mà đến dù người ta không mời, hạng người này thì ai cũng e dè vì họ ít khi coi trọng danh dự của mình...

        Vì thân thiết mà đến cũng là tâm tình của chúng ta đối với Đức Chúa Giê-su Thánh Thể, Đức Chúa Giê-su là thầy và là cứu chúa của chúng ta, là Đấng chịu nhiều đau khổ và rất yêu thương chúng ta, cho nên mỗi ngày chúng ta đi tham dự thánh lễ là để tỏ lòng yêu mến Ngài, và hễ rảnh lúc nào là đến nhà thờ lúc đó dù không ai mời, dù không phải là giờ kinh giờ lễ, nhưng là giờ của chúng ta với Đức Chúa Giê-su Thánh Thể.

        Dù là thân thiết nhưng Đức Chúa Giê-su vẫn cứ mời gọi chúng ta đến với Ngài, vì Ngài biết rằng chúng ta thường có bệnh “hay quên”, bệnh “làm biếng”, dù chúng ta rất nhiệt tình với Ngài và yêu mến Ngài.

        Không ai mời mà đến dự tiệc thì dù thân mấy chăng nữa thì cũng bị người ta nói to nói nhỏ là...tham ăn mà đến, nhưng không mời mà chúng ta vẫn cứ đến nhà thờ dâng lễ đọc kinh cầu nguyện, thì là một gương sáng gương lành trong thời đại ngày nay vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


27.      BỆNH CỦA AI HẠI NGƯỜI ẤY

Du Hoa Lộc làm quan ở kinh đô, có một đồng hương mời ông ta dùng cơm, thả lòng xả láng, sau khi uống say thì la hét náo loạn.

Có một gia đình rất có gia thế ở kế bên, chủ nhân thân thể không được khoẻ bèn sai người đi qua xin nói chuyện nhỏ tiếng chút xíu.

Du Hoa Lộc nói:

-      “Nhà mày có người bệnh hoạn, ta cũng có bệnh điên vì rượu, bệnh của ai hại người ấy.”

Nói xong càng la hét náo loạn to hơn trước.

Sau này, Du Hoa Lộc đến làm việc ở Phúc Kiến, mà người bị bệnh ở sát bên nhà trước đây đang làm tuần phủ Phúc Kiến, bèn báo phục lên thượng thư triều đình vạch tội Du Hoa Lộc như sau:

-      “Có phong cách sơ sài của người nước Tấn, tuyệt không phải là uy nghi của viên quan người Hán.”

Du Hoc Lộc biết được thì vỗ án nói:

-      “Nói “tuyệt không” thì có thể nói ông ta chỉ biết mình; nhưng nói “sơ sài” thì thật là đáng tiếc”.

                                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 27 :

        Bệnh đau đầu thì đầu nhức, bệnh mất ngủ thì con mắt nó nhức, bệnh đau bụng thì cái bụng nó đau, bệnh chỗ nào thì đau chỗ đó, và có khi còn làm hại đến tính mệnh của mình nữa.

        Thông thường người nào bị bệnh thì người ấy đau, nhưng có khi người bị bệnh đau ít mà người không bị bệnh thì đau nhiều, đó là khi Đức Chúa Giê-su bị đánh đòn đau đớn khổ nhục thì Đức Mẹ lại càng đau đớn khổ nhục như thế, đó là bố mẹ đau khi con bệnh, đó là vợ đau khi chồng bệnh, và đau khổ nhất chính là khi con người sa ngã phạm tội thì Thiên Chúa đau không kể xiết...

        Bệnh nào cũng đau và cũng đều làm hại thân xác, nhưng không phải bệnh nào cũng đều làm cho sinh mạng trở nên nguy hiểm, chỉ có bệnh trong tâm hồn mới có thể làm cho linh hồn chết và thân xác cũng chết, mà bệnh trong tâm hồn đó chính là: kiêu ngạo, ghét ghen, tị hiềm anh chị em.v.v...

        Bệnh của ai thì hại người ấy, nhưng bệnh trong tâm hồn –tội lỗi- thì không những hại mình mà còn hại đến gia đình, hại đến cộng đoàn, hại đến tha nhân và làm ô nhiễm xã hội...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)