Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Chúa nhật 5 phục sinh



CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Tin Mừng : Ga 15, 1-8
“Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã bật mí những điều bí mật tự cung lòng Ngài cho các tông đồ nghe, bí mật này đã hé mở cho các tông đồ thấy rõ sự tương quan giữa Ngài và các ông, và giữa những người tin vào Ngài với nhau, bí mật đó là như thế này: “Thầy là cây nho, anh em là cành”, ngắn gọn nhưng quá đầy đủ cho một sợi dây liên kết giữa Chúa và các môn đệ, đó chính là sự liên kết của tình yêu. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng nhau chia sẻ mấy điểm sau đây :

1.   Cây nho và ân sủng.
Đức Chúa Giê-su nói: “Thầy là cây nho”- cây nho không phải là một cây cổ thụ to lớn, nó cũng không phải là loại cây lưu niên ăn trái, nhưng là một loại cây bò ngang bò dọc, thân cây rất dài và cành lá cũng rất nhiều, có thể làm một cái giàn che mát cả khu đất rộng, nhưng cái đặc biệt của nó chính là nhựa sống dồi dào lưu chuyển từ thân ra các cành, từ cành ra lá ra hoa và ra trái, trái thì từng chùm, từng chùm rất đặc biệt và đẹp mắt, đó chính là cây nho.

Đức Chúa Giê-su tự ví mình như cây nho, nơi toả ra sức sống cho cả giàn nho là Hội Thánh, sức sống đó chính là ân sủng nuôi dưỡng Hội Thánh cho đến ngày Chúa lại đến. Ân sủng này, trước hết chính là các bí tích mà Đức Chúa Giê-su đã lập, trong các bí tích này ân sủng của Chúa tuôn đổ xuống trên Hội Thánh và các cành nho, tức là những ai tin vào Đức Chúa Giê-su và đón nhận Tin Mừng như là cứu cánh cho cuộc sống mới ngay tại trần gian, để tiến tới trong niềm vui trọn vẹn mai sau trên thiên đàng.

Trong cây nho có nhựa sống, trong Đức Chúa Giê-su có ân sủng, do đó, ai xa lìa khỏi Đức Chúa Giê-su tức là tự mình đoạn tuyệt với ân sủng và chết đi trong tội lỗi. Ân sủng tràn lan trên các tông đồ sau ngày phục sinh của Đức Chúa Ki-tô, và trong Ngài, các tông đồ đã trở nên những cành nho đầu tiên sinh nhiều hoa trái khác là các tín hữu sơ khai của Giáo hội, và cây nho này bò mãi dọc ngang trên khắp thế giới để che mát, để nuôi sống, để chữa lành biết bao nhiêu là linh hồn luôn kết hợp với nó.

Đó chính là sự huyền nhiệm của “Cây Nho Ki-tô”, một huyền nhiệm mà biết bao thế lực trần gian muốn đốn ngã, giết sạch, làm cỏ, cũng đành phải rút lui trong băn khoăn và kinh ngạc. Rất dễ hiểu, vì Đức Chúa Ki-tô là thân cây nho, Ngài đã chiến thắng thế gian và đang biến dần bộ mặt thế gian bằng tình yêu của Ngài qua Hội Thánh Công Giáo.

2.   Cành nho lìa cành và tội lỗi.
Đức Chúa Giê-su nói: “Anh em là cành”- cành nho thì phải dính liền với thân cây nho, nó không thể dính liền với...cây cà-phê, càng không thể dính liền với cây gai. Phải dính liền để sống, nếu không thì sẽ chết khô héo, đó là định luật tự nhiên; phải dính liền để sống, sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa, nếu không thì sẽ chết đời đời trong hoả ngục, đó cũng là định luật, nhưng là định luật siêu nhiên mà mỗi người Ki-tô hữu đều hiểu và biết.

Cành nho là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tức là chúng ta, những người Ki-tô hữu đã được tháp vào thân cây nho mầu nhiệm là Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh, chính Ngài đã chết để hoà giải nhân loại với Thiên Chúa, và chính Ngài đã sống lại để tất cả chúng ta –những người tin- được tháp nhập vào Ngài nhờ bí tích Thanh Tẩy, do đó, từ ơn này đến ơn khác mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi thân cây nho –Đức Chúa Ki-tô- nhờ Giáo Hội và trong Giáo Hội chúng ta được lớn lên, sinh ra nhiều hoa quả là những việc lành phúc đức của mình.

Tuy nhiên, là con người, bao lâu vẫn còn ở trong thế gian thì vẫn còn chiến đấu với tội lỗi, thân cây là Đức Chúa Ki-tô không cần phải chiến đấu vì Ngài đã chiến thắng thế gian và tội lỗi, nhưng thân cây chuyển tải sức sống ân sủng cho cành nho là chúng ta, để chúng ta có đủ ơn cần thiết để sống và chiến đấu với những cám dỗ của ma quỷ, của thế gian, của tất cả những gì có thể làm hại không cho chúng ta được lớn lên và phát triển trong Đức Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Ngài, chúng ta gọi đó là những tội lỗi: tội công khai, tội thầm kin, tội thiếu sót trong khi làm bổn phận của mình...

Tội trọng thì làm cho chúng tách lìa khỏi Thiên Chúa, tự mình đoạn tuyệt với ân sủng của Ngài, nó như nhát dao sắc bén chặt phăng cành nho rời khỏi thân cây nho, nó khiến cho chúng ta không còn liên lạc được với ân sủng của Thiên Chúa; tội nhẹ tuy không làm cho chúng ta tách lìa khỏi thân cây nho là Đức Chúa Ki-tô, nhưng nó như những nhát nhao vằm vằm trên linh hồn chúng ta, lâu ngày linh hồn (cành nho) chúng ta trở thành biến dạng, èo ọp, và dần dần khô héo rồi chết.

3.   Bí tích Hoà Giải, phương thuốc kỳ diệu để chữa lành.
Càng suy nghĩ đến bí tích Hoà Giải, chúng ta càng thấy rất rõ tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta; chúng ta càng nhận ra đây là phương pháp tuyệt vời để cứu linh hồn của chúng ta, và hơn nữa, để chữa lành và trả lại những gì mà chúng ta đã đánh mất do tội lỗi gây ra.
-      Có nhiều anh chị em ngại đi xưng tội vì nhiều lý do.
-      Có người lâu ngày không đi xưng tội nên mắc cỡ không biết phải nói gì.
-      Có người không muốn đi xưng tội với cha sở của mình, vì ngài hay hạch hoẹ và ngăm đe.
-      Có người hồ nghi nơi cách sống của các linh mục, nên họ chỉ ăn năn và “trực tiếp” xin Chúa tha tội.
-      Có người không hiểu rõ tại sao lại phải đi xưng tội thầm kín của mình với một con người cũng tội lỗi như mình.
Tất cả những lí do trên đều không quan trọng so với sự sống đời đời của linh hồn chúng ta.

Người trộm lành chỉ nói với Đức Chúa Giê-su một lời nói cuối đời với lòng ăn năn và khiêm tốn, cửa thiên đàng lập tức mở ra cho anh ta; Gia-Kêu quá hào phóng sau khi nhận ra tình yêu của Đức Chúa Giê-su dành cho mình, ông không còn mắc cỡ e ngại nữa khi nói đến tội gian dối, tham ô của mình trong việc thu thuế; cô Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đã không mắc cỡ khi bày tỏ lòng thống hối trước mặt Đức Chúa Giê-su và trước đám đông những người biệt phái và các kinh sư. Tất cả các hành vi trên của người tội lỗi đều bắt nguồn từ một tấm lòng thống hối, một tâm tình khiêm tốn biết nhận ra hành vi sai trái của mình, và tất cả những tội nhân ấy, được sát nhập lại vào trong cây nho là Đức Chúa Giê-su và hân hoan sống trong nhà Hội Thánh của Ngài.

Anh chị em thân mến,
Hãy luôn lãnh nhận bí tích Hoà Giải để được chữa lành, là mục tử của anh chị em, tôi thấy rất rõ sự quan trọng của bí tích Hoà Giải, do đó, tôi luôn luôn tạo điều kiện để anh chị em đón nhận bí tích này cách thoải mái mà không còn sợ phải làm phiền cha sở khi muốn xưng tội, như một số anh chị em nói. Và như một khí cụ bất xứng của Thiên Chúa, tôi luôn đón nhận anh chị em đến xưng tội bất kể ngày nào giờ nào nếu anh chị em muốn, vì đó là bổn phận của một linh mục, một mục tử, một bổn phận không được khước từ, không được hoà hoãn, nhưng phải cấp tốc đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của linh hồn anh chị em.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.