Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Chúa nhật 21 thường niên


CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 13, 22-30.

“Thiên hạ sẽ từ đông sang tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.

Bạn thân mến,
Đi vào cửa hẹp để được vào Nước Trời không như chúng ta đi vào cửa rộng để chết đời đời, bởi vì đi vào cửa rộng là hành động của những người thích hưởng thụ, thích danh tiếng và thích của cải vật chất ở đời này.

Con người ta sống thì thích ở nhà to cửa lớn, ăn thì thích ăn no đến cành bụng, uống thì thích uống xả giàn thả cửa, chơi thì thích chơi mút mùa lệ thủy, đi thì thích đi đường rộng thênh thang, lái xe đời mới.v.v…đó chính là vì con người ta thích sống hưởng thụ thái quá, nhưng hãy coi chừng, sự hưởng thụ chính là con đường rộng để bạn và tôi đi vào nơi trầm luân đời đời. Đã có lúc chúng ta coi lời dạy của Đức Chúa Giê-su là hãy chiến đấu để qua cửa hẹp[1] là lời chói tai, và không hợp lý hợp tình trong xã hội hiện đại hóa và hưởng thụ hôm nay, khi mà cửa hẹp có ít người đi thì chiến đấu để làm gì, mà đã ít người đi thì chúng ta đi vào con đường hẹp để làm gì chứ ?

Chiến đấu để đi con đường hẹp là con đường dẫn bạn và tôi đến sự sống đời đời, đường hẹp này Đức Chúa Giê-su đã đi qua, đó là con đường yêu thương và hy sinh cho đến chết trên thập giá, đó là con đường bị sỉ nhục, đó là con đường bị hiểu lầm, là con đường khó nghèo và bị bỏ rơi. Tất cả những con đường ấy giống như con đường nhỏ hẹp gồ ghề lên núi Can-vê mà Đức Chúa Giê-su đã đi với cây thập giá nặng –là tội lỗi nhân loại- trên đôi vai của mình.

Xã hội càng văn minh, khoa học càng phát triển, kỷ thuật ngày càng tiên tiến, nên những con đường hẹp đầy ổ gà không còn nữa trong thành phố hay các khu đông dân cư. Cũng vậy, “con đường hẹp” trong lòng chúng ta từ từ rồi cũng sẽ không còn nữa, bởi vì sự hưởng thụ vật chất chính là những công trình kiến trúc của ma quỷ, như những chiếc xe lô ủi đường nghiền nát “con đường hẹp” hy sinh, yêu thương và bác ái trong tâm hồn chúng ta, để thêm vào đó, nó mở ra những con đường mới rộng thênh thang là đại lộ kiêu ngạo, con đường ích kỷ, con đường ghét ghen, con đường dâm đãng, con đường thù hận.v.v… và cuối những con đường rộng thênh thang ấy đưa chúng ta đến nơi phải đến là hỏa ngục, với những cực hình đời đời đang chờ đón chúng ta.

Bạn thân mến,
Chiến đấu để đi trên con đường hẹp là bổn phận và quyết tâm của bạn của tôi và của người Ki-tô hữu, nếu không, những con đường rộng ấy sẽ nuốt chửng chúng ta vào trong lửa hỏa ngục đời đời của nó.

Chiến đấu để đi trên con đường hẹp là một mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su truyền cho bạn và tôi, mệnh lệnh này đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt nhận ra đâu là con đường hẹp, và đâu là con đường rộng trong cuộc sống của mình, bởi vì có những lúc chúng ta không phân biệt được đâu là con đường hẹp phải đi và con đường rộng phải tránh, bởi vì đường hẹp và đường rộng đều có người đi, mà những người đang đi trên hai con đường rộng hẹp ấy có khi là những giám mục, linh mục, là các tu sĩ nam nữ, là giáo dân, là người gian ác, là người tội lỗi và những người đạo hạnh trổi vượt hơn mình !

Chiến đấu với kẻ thù trên đường thiêng liêng thì không cần phải coi người này là ai và người kia như thế nào, nhưng phải nhắm thẳng vào lý tưởng nên thánh mà chiến đấu, người mà chúng ta cho là đạo đức thánh thiện họ đi đường nào thì kệ họ, riêng chúng ta có Lời Chúa soi sáng và cứ thế mà chiến đấu để đi vào đường hẹp, mặc dù đôi lúc phải đổ máu và hy sinh đến mạng sống của mình.

Đường hẹp thì ít người đi, nhưng trong số ít đó có bạn và tôi thì thật hạnh phúc biết bao nhiêu, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói: “Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể”[2].

Con đường hẹp là hy sinh,
Con đường hẹp là bác ái,
Con đường hẹp là khiêm tốn,
Con đường hẹp là yêu thương,
Con đường hẹp là phục vụ…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



[1] Lc 13, 24.
[2] Lc 13, 24b.

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Nước Dạ Lang tự đại

NƯỚC DẠ LANG TỰ ĐẠI
 
 

Thời nhà Hán, ở tây nam bộ Trung Quốc có một tiểu quốc gọi là Dạ Lang quốc, nước này chỉ lớn khoảng bằng một huyện của Trung Quốc.

 Nhà vua từ trước đến nay chưa đi qua một địa phương nào khác nên cho rằng thiên hạ chỉ lớn bằng nước Dạ Lang, cho nên thường đắc ý.

Một lần nọ, sứ giả của Hán triều đến thăm nước Dạ Lang, thế mà nhà vua không biết trời cao đất thấp, hỏi:

-“Hán triều và quốc gia của tôi, ai lớn hơn ?”

Sứ giả chỉ cười cười, không tiện trả lời.
(Hán thư)

Suy tư:

     Cái tự đại của nhà vua nước Dạ Lang cũng giống như truyện con ếch ngồi đáy giếng nghĩ rằng: thiên hạ chỉ lớn bằng cái miệng giếng.

     Người tự cao tự đại cũng giống như thế, họ nghĩ rằng sự hiểu biết của mình thì bao la, tài trí của mình thì vượt trên mọi người, chứ họ không biết rằng trong thiên hạ còn có người giỏi hơn mình trăm ngàn lần. Kiến thức có được là nhờ không ngừng học hỏi và nghiên cứu, kinh nghiệm có được là nhờ những lần thất bại chua cay, và có khi phải đổi bằng máu, do đó mới có câu nói: kinh nghiệm xương máu.

     Tôi thấy có rất nhiều linh mục trẻ mới ra trường (mới chịu chức) thường hay chỉ trích, chê bai các linh mục lớn tuổi đáng bậc cha, ông của mình là cổ hủ, là lạc hậu và thần học của các ngài là xưa rồi, không hợp với thời đại !? Các linh mục trẻ quên mất rằng, một ngày nào đó mình cũng sẽ già đi, cũng sẽ có những lớp linh mục đàn em chê mình là lạc hậu, là xưa hơn cả trái đất...

     Thiên chức linh mục ngày xưa và thiên chức linh mục hôm nay chỉ là một, vẫn là như nhau; cái xưa, cái lạc hậu chính là tâm hồn mình có sống phù hợp với tinh thần bác ái của Đức Chúa Giê-su mà mình rao giảng không ? Bởi vì tinh thần Bác Ái của Đức Chúa Giê-su thì đổi mới mỗi ngày, hợp với mọi thời đại, nếu mình không theo kịp, tức là nếu mình  không thực hành thì là lạc hậu, là xưa như trái đất, xưa hơn cả các linh mục lớn tuổi nhưng tâm hồn vẫn rất sáng tinh thần Phúc Âm.

     Ếch ngồi đáy giếng là ở đó vậy !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thay đổi

THAY ĐỔI
 
 

     Nơi ngài, người ta có thể thấy cuộc đời của ngài được biến đổi như sau:

Khi còn là chủng sinh: cuộc sống khép nép, dễ thương, giáo dân ai cũng mến.

     Khi còn làm phó tế: tiếng nói có hơi cao, mặt ngước cao, có khoảng cách với giáo dân.

Sau khi chịu chức linh mục: ăn nói bạt mạng, quên mất phép lịch sự căn bản, tính tình lúc nóng lúc lạnh vì kiêu ngạo, giáo dân tránh mặt ngài.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Phụng vụ mới


 
PHỤNG VỤ MỚI

     Ở một xứ truyền giáo.

Chuông điện thoại reo, anh bắt máy, có tiếng nói bất bình:

-“Xin hỏi, các cha người Việt đều như thế sao ?”

Anh ngạc nhiên hỏi lại: “Chuyện gì vậy ?”

Tiếng nói bên kia lớn hơn:

-“Tại sao khi đi rước lễ, ai rước lễ thì rước lễ, còn trẻ em lên để linh mục chúc lành, thì cha sở của tôi chúc lành cho các em xong rồi phát cho chúng nó cái kẹo sô-cô-la, trẻ em khi nhận đứa thì nói a-men, đứa thì nói cám ơn. Như thế là sao, quá rồi, ông cha coi thường thánh lễ quá”.

Sau đó anh mới biết là có một linh mục người Việt không biết học ở trường lớp nào, đã cho người lớn rước lễ và phát kẹo sô-cô-la cho con nít khi họ sắp hàng lên rước lễ !
Phụng vụ mới chăng ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Yêu thương và công bằng

YÊU THƯƠNG VÀ CÔNG BẰNG
 
 

      Giáo dân hỏi cha sở:

-“Con nghe một linh mục nói là khi phán xét thì Chúa chỉ lấy yêu thương mà phán xét, không cần sự công bằng, phải không cha ?”

Cha sở trả lời:

-“Thiên Chúa là tình yêu, khi con còn sống thì tình yêu của Chúa trãi rộng trên vũ trụ này và trên cuộc sống của con, từ khi con chào đời cho đến khi con nhắm mắt tắt hơi. Nhưng khi con ra trước tòa phán xét của Chúa, thì Chúa lấy sự rất công bằng của Ngài để xét xử con, ở đây (tòa phán xét) tình yêu núp sau sự công bằng”.

Nếu không có sự công bằng của Chúa, thì con người ta sống không cần lẽ ph...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Cắt thịt tặng vợ

CẮT THỊT TẶNG VỢ
 
 

Hoàng đế hạ lệnh đem thịt tặng thưởng cho các đại thần, đã muộn rồi mà viên quan quản lý không đến phân chia, Đông Phương Sóc bèn lấy kiếm cắt thịt, nói với các đồng liêu: “Mùa oi bức nên về sớm một chút”, nói xong bèn bưng thịt trở về nhà.

Ngày hôm sau, có người đem chuyện này nói với hoàng đế, hoàng đế liền triệu Đông Phương Sóc lại tra hỏi, Đông Phương Sóc lột mũ quỳ xuống tạ tội, hoàng thượng nói: “Ông đứng dậy và nên tự mình trách mình”.

Đông Phương Sóc lại quỳ xuống lạy, nói:

-“Đông Phương Sóc hỡi, Đông Phương Sóc hỡi, vì đón nhận phần thưởng gấp gáp, không thể chờ được, nên vô lễ biết bao à ! Lấy kiếm cắt thịt, anh dũng biết bao à ! Cắt thịt không nhiều, liêm khiết biết bao à ! Về nhà tặng vợ, nhân ái biết bao à !”

Hoàng đế cười lớn:

-“Ta kêu ông tự mình trách mình, nhưng ông lại nói để khen ngợi mình !”

Rồi lại thưởng tặng cho Đông Phương Sóc một trăm vò rượu và một trăm cân thịt, để ông ta đem về tặng vợ.
(Hán thư)

Suy tư:

     Đông Phương Sóc không biện tội cho mình, cũng không xin tha tội, ông chỉ thành thật nói lên tâm trạng của mình mà thôi, thế là ông ta không bị phạt, không bị cách chức, trái lại còn được vua thưởng rượu và thịt đem về.

     Thành thật là một đức tính tốt, không những trong cuộc sống thường ngày, mà còn ngay cả trong đời sống linh đạo tu đức nữa, thành thật làm cho tâm hồn ta được thoải mái, bình an và vui sướng.

     Người đời cần sống thành thật với nhau, các tu sĩ nam nữ cần phải sống thành thật hơn người đời gấp bội, vì bản tính của các tu sĩ là thành thật, không những thành thật với mọi người, mà cần phải thành thật ngay cả với chính bản thân của mình nữa.

     Linh mục tu sĩ không cắt thịt tặng vợ như Đông Phương Sóc, nhưng cũng có lúc “cắt” tiền thau trong nhà thờ, cắt tiền quyên góp xây dựng nhà thờ để mua nhà riêng, sắm của riêng cho mình và cho bà con anh chị em của mình. Tại sao vậy ?

Thưa, bởi vì khi đã không thành thật với bản thân mình thì sinh ra kiêu ngạo, nói dối và gian trá, không những trong các việc nhỏ mà ngay cả trong các việc lớn nữa.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư