Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Chúa nhật 4 thường niên

 


CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN


Tin mừng: Mt 5, 1-12a.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.”

Bạn thân mến,
Có nhiều người cảm thấy “Tám Mối Phúc” mà Chúa Giê-su dạy thật là ngược đời, không thực tế, bởi vì nếu chúng ta đi hỏi mọi người nam phụ lão ấu là có thích tiền bạc không, thì chắc chắn hết chín mươi chín phần trăm nói là thích, và ngay cả bạn và tôi cũng vậy, đều thích có tiền trong túi. Vậy mà Chúa Giê-su tuyên bố: nghèo khó là có phúc, đúng là ngược đời. Vá khi hoàn cảnh khó khăn đến thì người ta lên án nghèo là một cái tội, là bởi vì khi con người đặt mục đích cuộc sống của mình vào tiền bạc vật chất thì cái nghèo đúng là tội.
Nhưng người Ki-tô hữu chúng ta được Chúa Giê-su hé mở cho biết: nghèo là một hạnh phúc, hạnh phúc vì được Nước Trời làm gia nghiệp của mình, và đó chính là bí quyết nên thánh của những người Ki-tô hữu giàu có nhưng lại nghèo khó vì Nước Trời, bởi vì họ không sử dụng tiền tài của mình như người quản lý bất lương, nhưng như một người đầy tớ trung tín của Chúa Giê-su .
Bạn đang tất bật chạy cơm từng bữa vì nhà bạn nghèo, bạn đang lo lắng làm sao có tiền để con cái vui vẻ trong mấy ngày tết, bạn đang buồn vì thất nghiệp kiếm đâu ra tiền để đóng học phí cho con cái, và những cái lo lắng khác có liên quan đến tiền bạc. Vâng, cái lo của bạn là chính đáng, nhưng bạn là con của Cha trên trời kia mà, Chúa Giê-su đã dạy rất rõ ràng cho chúng ta: hãy tìm kiếm Nước Trời trước, rồi mọi sự Ngài sẽ ban cho sau .
Bạn thân mến,
Chúa Giê-su nói phúc cho những người có tinh thần nghèo khó, thì cũng có nghĩa là vô phúc cho những ai không có tinh thần nghèo khó, bởi vì lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì ? Khi bạn đang nổ lực kiếm tiền để lo cho bản thân và gia đình, thì bạn hãy luôn nhớ lời của Chúa Giê-su trên đây: “phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, để bạn biết mình cần phải làm gì khi có nhiều tiền ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


6.     THỪA TƯỚNG TỰ KHOE

Giữa năm Tống Nhân Tông Khang Định, rợ Tây Nhung xâm phạm biên giới, quân đội triều đình kháng chiến thất lợi.

Lúc ấy thừa tướng vì tuổi tác cao nên xin từ chức nghỉ hưu, các bạn đồng liêu đều đến phủ thừa tướng để chúc mừng. Tiệc rượu đến hồi cao hứng, thừa tướng tự khoe nói:

-         “Tôi là người sinh quán ở một thôn trang trong núi, may mắn mà gặp được vị chúa anh minh và có nhiều cơ hội may mắn, cho đến hôm nay tôi có thế áo gấm sinh sang về làng. Gặp lúc thời đại này thái bình vô sự, có thể nói tôi là người có phúc nhất của thế giới thái bình vậy.”

Quan đại thần Thạch Trung Lập nói:

-         “Chỉ có điều là một lũ cường đạo ở Thiểm Tây (rợ Nhung) chưa có bắt được mà thôi.”

Tất cả các thực khách đều cười vang.

                                                                        (Ngũ tạp tô)

 

Suy tư 6:

        Người ích kỷ là người chỉ biết có mình, ngoài mình ra thì không cần biết ai.

        Đất nước lâm nguy thì xin về hưu để tránh trách nhiệm, áo quần sinh sang về làng để khoe khoang cái vinh hoa phú quý của mình thì được ích chi ?

        Đời sống của người Ki-tô hữu thì khác với viên chức quan về hưu, họ không sinh sang về làng phục vụ để khoe khoang cái bằng cấp mình vừa lấy được ở nước ngoài, họ cũng không khoe khoang mình là một linh mục vừa lấy văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay một chuyên môn ở ngoại quốc, nhưng họ rất thân tình phục vụ với thái độ khiêm tốn của người được may mắn học hành hơn anh em chị em mà thôi, đó là tâm tình và là mục đích của phục vụ, tâm tình và mục đích này rất phù hợp với ơn Chúa ban cho họ, và có thể nói họ đang thắp sáng ngọn đèn đức tin của mình để mọi người nhìn thấy Chúa qua việc làm của họ.

        Ông quan thừa tướng có cái hạnh phúc của người công thành danh toại, nhưng vẫn bị quan đại thần nói xỏ nói xiên, vì ông ta xin về hưu khi đất nước lâm nguy, đây là thứ hạnh phúc ích kỷ.

        Người Ki-tô hữu có cái hạnh phúc của người vì anh em mà phục vụ, hạnh phúc này không những họ có mà họ còn đem chia sẻ cho người khác khi họ phục vụ, đây là hạnh phúc của tình liên đới trong Chúa Ki-tô, một hạnh phúc được nhân lên gấp nhiều lần.

        Giữa hạnh phúc ích kỷ và hạnh phúc trao ban, thì tôi chọn loại hạnh phúc nào cho xứng đáng với ơn sủng Chúa đã ban cho tôi trong cuộc sống ở đời này !?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


5.     THỦ THUẬT ĐẶC SẮC

Có một nghệ nhân buôn bán ở ngoại thành, gặp lúc hoàng đế đi kinh lý ngang qua đó, cái mũ thiên bình đội trên đầu của vua bị hư, bèn kêu ông ta đến sửa.

Nghệ nhân sửa xong, hoàng đế tặng cho ông ta rất nhiều lượng bạc.

Nghệ nhân rất hoan hỉ và đi về nhà, đường về nhà thì phải trèo qua một ngọn núi và ông ta thấy một con cọp đang nằm giơ cả móng vuốt mà gào mà rống, té ra là con cọp bị một cái gai tre to đâm vào trong móng. Ông ta lập tức nhổ cái gai tre ra cho nó, con hổ bèn chạy vào trong rừng tha về một cái đầu nai để báo đáp ông ta.

Nghệ nhân về đến nhà thì vui mừng phấn khởi nói với vợ con:

-         “Ta có hai loại thủ thuật rất đặc sắc có thể phát tài rồi !”

Thế là, ông ta viết một hàng chữ lớn trên cổng nhà:

-         “Chuyên sửa mũ thiên bình (mũ vua), kiêm luôn nhổ gai cho hổ”.

                                                               (Ngũ tạp tô)

 

Suy tư 5:

        Sửa mũ cho nhà vua là một vinh dự, nhổ gai giùm cho con hổ là một việc làm tốt, cho nên vua trả công bằng tiền bạc và hổ trả ơn bằng cái đầu nai là chuyện thường tình, là chuyện bác ái chứ không phải là thủ thuật đặc sắc.

        Sửa mũ cho nhà vua là giúp nhà vua có cái mũ lành lặn dù đó không phải là nghề chuyên môn của nghệ nhân; nhổ gai giùm cho hổ là giúp hổ đi lại được thoải mái đó là người có tấm lòng nhân ái, đáng nêu gương, chứ không có gì là thủ thuật đặc sắc.

        Thủ thuật đặc sắc nói nôm na là người có tay nghề cao tinh xảo, điêu luyện và khéo léo.

Người Ki-tô hữu có hai “thủ thuật” đặc sắc nhất đó là cầu nguyện và làm bác ái:

-      Cầu nguyện không những làm cho người vô dụng trở thành hữu dụng cho tha nhân, mà còn làm cho họ trở nên con cái của Thiên Chúa; cầu nguyện làm cho người xấu trở thành người tốt, làm cho người cứng lòng tin trở thành người yêu mến Thiên Chúa và tha nhân cách nhiệt tình...

-      Bác ái là những việc lành mà chúng ta làm cho tha nhân để họ nhìn thấy Đức Chúa Giê-su qua cuộc sống yêu thương của chúng ta; bác ái cũng là diễn tả lại cuộc sống của Đức Chúa Giê-su đã sống, đó là vì yêu thương mà hy sinh mạng sống mình cho nhân loại...

        Cầu nguyện nói được là một “thủ thuật” đặc sắc của người Ki-tô hữu trong cuộc sống hôm nay, họ cầu nguyện trong việc làm nên họ đã cảm hoá được người tội lỗi, họ cầu nguyện khi giải trí nên họ đã làm cho rất nhiều người nhìn thấy Thiên Chúa qua cuộc sống của họ...

        Cũng như người thợ được vua trả tiền công và con hổ trả ơn bằng đầu nai, thì những người Ki-tô hữu được Thiên Chúa trả công không những ở đời này mà còn ở đời sau trên nước Thiên Đàng, hạnh phúc vô cùng...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


4.     BAN ĐÊM ĐỘI MŨ VUA

Một hôm, Đường Huyền Tông ngồi trên điện Cần Chánh nhìn thấy một người thợ vá mũ, bèn kêu lại hỏi:

-         “Ta có một cái mũ thiên bình bị rách trên chóp, ông có thể sửa được không ?”

Trả lời:

-      “Có thể”.

Nói xong bèn dùng tay sửa mũ, sửa xong thì đưa mũ lên. Huyền Tông nói:

-         “Mũ của ta rất nhiều dùng không hết, tặng cho ông đó”.

Ông thợ sửa mũ kinh khiếp, quỳ xuống dập đầu nói không dám nhận. Huyền Tông cười nói:

-         “Ông chỉ cần đợi đến đêm thì đóng cửa lại, một mình đội chơi thôi, đừng để cho người khác thấy thì không có gì là phiền phức cả !”

                                                                        (Ngũ tạp tô)

 

Suy tư 4:

        Cho dù nhà vua có cho phép chăng nữa thì cũng không ai dám mặc áo hay đội mũ của nhà vua đi lang thang ngoài đường, mà nếu đội hoặc mặc áo nhà vua vào nửa đêm thì còn gì là hứng thú, không nhận là phải...

        Thánh Thể và Lời Chúa là hai báu vật cao quý nhất của Thiên Chúa mà Ngài đã ban tặng cho loài người một cách nhưng không, Ngài không khuyên bảo chúng ta nên dùng vào ban đêm kẻo sợ người ta làm khó dễ, Ngài cũng không dạy chúng ta phải đón nhận nó trong bí mật, nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta cử hành cách công khai, long trọng và vui vẻ trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương.

        Vui mừng hân hoan đi đón nhận Thánh Thể và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống, là chúng ta công khai mang trên mình áo hoàng bào của dân thánh, đội trên đầu mũ triều thiên của dân được tuyển chọn và là dấu chỉ của người được cứu độ.

        Không ai đội vương miện vào lúc nửa khuya, cũng không ai mặc áo hoàng bào đi trong đêm tối, chỉ có kẻ trộm mới làm như thế; cũng không một người Ki-tô hữu rón rén chùng lén khi đi rước lễ vì sợ xấu hổ, chỉ có những ai sống trong đêm tối của tội lỗi mới làm như thế mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


3.     ĐỀU LÀ HỌ VƯƠNG

Đời nhà Đường, Thương châu ở huyện Nam Bì, Quách Vụ Tịnh là trợ lý huyện trưởng lần đầu lên văn phòng huyện, hỏi một thuộc sứ tên là Vưong Khánh:

-      “Mày họ gì ?”

Trả lời:

-      “Họ Vương”.

Nói xong Vương Khánh bỏ đi.

Một lúc sau Vương Khánh lại đến, Quách Vụ Tịnh lại hỏi:

-      “Mày họ gì ?”

Lại nghe trả lời:

-      “Họ Vương”.

Quách Vụ Tịnh rất kinh ngạc, ngớ người rất lâu, nhìn kỷ Vương Khánh rồi nói:

-         “Hê, thuộc sứ của huyện Nam Bì đều là họ Vương cả hay sao ?”

                                                                        (Ngũ tạp tô)

 

Suy tư 3:

        Có người nghe qua tên của ai là nhớ mãi, nhưng cũng có người không hề để ý đến tên của người khác, đó là chuyện thường xảy ra trong cuộc sống hôm nay của con người.

        Tên, có một ý nghĩa rất đặc biệt và có thể nói nó gắn liền với một con người.

        Người Trung Hoa đặt tên cho con mình rất có ý có tứ và thường có một ý nghĩa rất tốt lành, với một mong ước là con mình sau này cũng giống như cái tên của nó vậy.

        Tên gọi Giê-su nghĩa là Đấng Cứu Chuộc; danh hiệu Ki-tô của Đức Chúa Giê-su có nghĩa là Đấng được xức dầu; cứu chuộc và xức dầu để trở nên nguồn ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại qua mọi thời đại, và trở thành Trưởng Tử của những kẻ tin.

        Tên gọi Ki-tô hữu cũng có một ý nghĩa rất to lớn và tích cực. Ý nghĩa to lớn vì nó là danh hiệu của Đức Chúa Giê-su được trao ban cho chúng ta ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để chúng ta được Ngài làm gia nghiệp đời mình; tích cực vì đây là một cái tên làm cho chúng ta sống đẹp với Chúa và với mọi người hơn, sống bằng danh hiệu Ki-tô hữu của mình với niềm xác tín sâu xa...

        Người ta có thể không nhớ đến tên của chúng ta, nhưng họ không bao giờ quên được danh hiệu Ki-tô hữu nơi chúng ta, bởi vì không ai quên người đã vì mình mà phục vụ và có khi hy sinh mạng sống, cũng có nghĩa là nói: khi chúng ta vì danh Đức Chúa Ki-tô mà giúp đỡ, phục vụ một ai đó, thì suốt đời họ sẽ nhớ đến chúng ta là những người Ki-tô hữu, vì anh em mà phục vụ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


2.     THUỐC LINH ĐƠN BẰNG CHUỔI HỘT

Hòa thượng Quán Hưu là người nhanh trí nói hay, Xã Quang Đình muốn ức chế lời nói hay của ông ta, cho nên mỗi lần gặp mặt thì nhất định phải tìm cơ hội nói một hai câu nói để đùa với ông ta.

Một hôm, con ngựa của hòa thượng Quán Hưu đang cưỡi đột nhiên giải ra nhiều phân, Xã Quang Đình chỉ bàn toạ của con ngựa liên tục nói:

-      “Đại sư, đại sư, chuổi hột[1] rớt ra kìa !”

Hoà thượng Quán Hưu nói:

-         “Không phải chuổi hột, mà là linh đơn cứu mạng.”

                                                                        (Ngũ tạp tô)

 

Suy tư 2:

        Ở đời người hiền lành thật thà thường hay bị người khác ức hiếp; ở đời người ta thường hay nhạo báng khinh dễ người nghèo, và đôi khi người tu hành cũng bị người khác “chơi xỏ”...

        Có người nghĩ rằng những người dâng mình làm tôi tớ Chúa đều là những người không biết gì về chuyện làm ăn ở đời, cho nên họ lừa các đấng bậc ấy để moi tiền của họ, và có khi xúc phạm đến danh dự của họ; lại có người nói rằng, những người đi tu thì không biết để bụng, cho nên thường làm cho các đấng bậc bị tổn thương khi họ lợi dụng chức này chức nọ trong giáo xứ để làm chuyện riêng tư có lợi cho mình và cho gia đình mình...

        Chúng ta đừng cười nhạo cái thật thà của những người dâng mình làm tôi Chúa, và cũng đừng coi thường cái hiền lành của họ, bởi vì những đức tính ấy được Thiên Chúa dùng để làm những “phương thuốc” chữa lành các tật xấu trong tâm hồn chúng ta, nếu trên thế gian này ai cũng xấu xa ác độc bặm trợn như mình, thì thế gian này chắc là đã bị Thiên Chúa huỷ diệt lâu rồi vậy...

        Ma quỷ rất sợ sự hiền lành khiêm tốn và lòng trắc ẩn của những người dâng mình làm tôi tớ Chúa, bởi vì chính các ngài là những người dám đối nghịch với sự dữ của ma quỷ và thế gian, bởi vì chính các ngài là thuốc linh đơn cứu thế gian khỏi tay ma quỷ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Khi hòa thượng niệm kinh thì trong tay nắm chuổi Phật.