Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2025

Chúa nhật 14 thường niên

 


CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Lc 10, 11-12; 17-20.
“Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy”.

Bạn thân mến,
“Lúa chín đấy đồng, mà thợ gặt thì ít”, câu nói này của Đức Chúa Giê-su chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong cuộc sống, và theo thói quen tốt lành của mỗi nơi, mà chúng ta dành ngày thứ năm mỗi tuần để cầu nguyện cách riêng cho các “thợ gặt” truyền giáo, là các linh mục, cũng như cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục tu sĩ trong Giáo Hội.
Đức Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi cầu xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến, và vì chúng ta bấy lâu nay chỉ hiểu thợ gặt chính là các linh mục và các tu sĩ nam nữ mà thôi, nên chúng ta quên mất là có rất nhiều thợ gặt khác đang âm thầm hoặc công khai làm việc trên cánh đồng truyền giáo, đó chính là bạn và tôi và những người Ki-tô hữu khác, họ là những thợ gặt của thời hiện đại, trong tâm tình đó tôi xin chia sẻ với bạn mấy vấn đề sau đây :
1. Cha mẹ cũng là thợ gặt truyền giáo.
Trước hết, có một vấn đề mà chúng ta phải công nhận: gia đình là cánh đồng nhỏ mà thợ gặt không ai khác hơn chính là cha mẹ, nhưng thời hiện đại này thì gia đình không còn nhỏ nữa mà chúng đã biến thành lớn với một vài đứa con trong gia đình, bởi vì cuộc sống văn minh hiện đại đã làm cho chúng nó mất đi phương hướng về tôn giáo và tín ngưỡng mà chúng nó đã lãnh nhận, do đó cha mẹ phải chính là người thợ gặt nhiệt thành lo lắng cho con cái mình, biết dạy dỗ chúng nó trở thành những “hạt lúa béo đầy ắp sữa ân sủng” của Chúa.
Hiện tượng chỉ có những người già, những người lớn tuổi mới đi tham dự thánh lễ nơi các nước phát triển là bức tranh rất thực tế, bởi vì các bạn trẻ và ngay cả các trẻ em cũng ít đi lễ nhà thờ, nguyên nhân khách quan thì đã rõ, nhưng nguyên nhân chủ quan thì nằm ngay trong gia đình của các em như: bận học hành vui chơi mà không có thời gian đi nhà thờ, và đời sống tâm linh của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn trên con cái, như cha mẹ ít nhắc nhở con cái sống đạo, cha mẹ không mặn nồng với giáo xứ, không thiết tha đi tham dự thánh lễ…
Cha mẹ sẽ là thợ gặt lành nghề trên “cánh đồng” truyền giáo của mình khi họ có đời sống đạo đức tốt lành và kiên trì, đức tin của cha mẹ là công cụ gặt hái hiện đại và hiệu quả nhất trong gia đình của mình, với tinh thần hy sinh và cầu nguyện, cha mẹ sẽ trở nên những thợ gặt mẫu mực cho con cái của mình. Do đó, khi mà chúng ta ngồi buồn bực vì con cái không nghe lời mình để đến tham gia các sinh hoạt của nhà thờ, chi bằng chúng ta quyết tâm trở nên những thợ gặt nhiệt thành nhất trong gia đình của chúng ta, bằng cách làm gương sáng cho chúng nó…
2. Mỗi giáo dân là một thợ gặt.
Các linh mục và các tu sĩ nam nữ đương nhiên là những thợ gặt chuyên môn trên cánh đồng truyền giáo, các vị ấy với những năm tháng được huấn luyện để trở thành những thợ gặt chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn còn quá ít và thiếu trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn bao la, cho nên, mỗi giáo dân là mỗi thợ gặt trong hoàn cảnh cuộc sống của mình, đó là một đòi hỏi của Đức Chúa Giê-su trong thời đại ngày nay.
Qua bí tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu đã trở thành một chi thể của Giáo Hội, một công dân của Nước Trời và là một thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, không một giáo dân nào trong thời đại ngày nay nói rằng: truyền giáo là bổn phận của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ nữa, nhưng đa số giáo dân đều hiểu rằng, mình cũng có bổn phận rao giảng Lời Chúa cho mọi người và sống Tin Mừng giữa tha nhân.
Đức Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, có nghĩa là ngoài mười hai vị tông đồ ra, Ngài còn chọn thêm cho mình những môn đệ khác để cùng với các tông đồ rao giảng về nước Thiên Chúa. Bảy mươi hai môn đệ này đại diện cho các cộng đoàn dân Thiên Chúa trên khắp thế giới, mà mỗi Ki-tô hữu là những thợ gặt trong thế giới hiện đại hôm nay.
Bạn thân mến,
Tuy không chuyên nghiệp như các linh mục và các tu sĩ nam nữ, nhưng đã là bổn phận thì phải tìm cách để chu toàn, do đó mà chúng ta –người Ki-tô hữu- trước hết phải sống đạo tốt lành, biết noi gương phục vụ và biết cộng tác với cha sở của mình trong việc xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp hơn.
Chỉ có những ai biết khiêm tốn đón nhận sứ mạng mà không chút kêu ca hay tự mãn, thì mới có thể trở thành thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.
Có những người Ki-tô hữu thao thức tìm cho mình một hướng đi như các linh mục và tu sĩ nam nữ, gọi nôm na là linh đạo giáo dân, một ý tưởng rất tốt, nhưng linh đạo giáo dân là gì nếu không phải là sống đạo giữa trần thế dựa trên Lời Chúa, linh đạo giáo dân trước hết chính là chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, và khi đã làm tốt việc đó, thì đã trở thành những thợ gặt nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo trong thế giới hôm nay rồi vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


29.          NGUYÊN DO ĂN PHÂN

Có người hỏi:

-         “Tại sao chó có thể ăn xương ?”

Có người khác trả lời:

-         “Bởi vì trong bụng nó có thuốc tiêu hóa xương.”

Lại hỏi:

-         “Tại sao nó thích ăn phân người ?”

Trả lời:

-         “Bởi vì trong bụng nó không hiểu rõ đạo lý nên thích ăn phân người ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

 

Suy tư 29:

        Có người dùng câu chuyện này để hỏi người khác :

Hỏi: Tại sao mấy ông quan thích ăn hối lộ tham nhũng ?

Trả lời: Bởi vì trong bụng của họ nghĩ rằng mình có chức quyền, và có ô dù to tổ bố đỡ đầu rồi, nên dễ dàng ăn hối lộ, tham nhũng…

Hỏi: Tại sao họ thích ăn hối lộ, ăn tiền của người nghèo, nhũng nhiễu dân lành ?

Trả lời: Bởi vì trong lòng họ không có đạo lý nên thích ăn hối lộ của người nghèo, làm nghèo đất nước và ức hiếp dân lành…

        Đúng là khi trong bụng không có đạo lý, thì sẽ làm những chuyện trời không dung đất không tha và người ta thì rên xiết…

        Thật tội nghiệp cho họ quá chừng chừng !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



28.          NGHIỆT CHƯỚNG NGHÈO

Có người hỏi một anh hành khất:

-         “Tại sao lũ chó thấy bọn anh đều nhảy đến cắn ?”

Người hành khất trả lời:

-         “Nếu như tôi có áo đẹp mũ đẹp mặc vào, thì lũ nghiệt chướng[1] này cũng sẽ kính trọng tôi.”

(Tiếu Đắc Hảo)

 

Suy tư 28:

        Có người lợi dụng cái nghèo của mình để biện minh cho hành động xấu xa của mình, chẳng hạn như ăn cắp ăn trộm của người khác, những cái nghèo này thì ngay đến con chó cũng không thích đến gần huống chi là con người.

Nghèo mà sống cao thượng, sống thật thà, sống tình nghĩa thì ai lại không thích, cần gì phải mặc áo đẹp áo sang vào rồi mới được người khác thích !

Ai ghét người nghèo vì họ nghĩ rằng nghèo là người vô phúc, thì họ sẽ bị Thiên Chúa gạch sổ không cho hưởng gia tài Nước Trời; nhưng phúc cho những ai biết chạnh lòng trước cảnh nghèo khó của người khác mà ra tay giúp đỡ họ, bởi vì họ sẽ được Nước Trời làm gia nghiệp[2]. (Mt, 5, 1-13).

Ai không tin thì cứ mở sách Phúc Âm ra mà đọc, đó là lời dạy của Đức Chúa Giê-su chứ không phải của loài người, bởi vì nghèo không phải là nghiệt chướng, nhưng là hạnh phúc, hạnh phúc là vì được trở nên nghèo như Đức Chúa Giê-su.

Bởi vì người nghèo là ngân hàng trên trời của chúng ta vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Hồi trước những người lớn tuổi thường la mắng con cháu là “nghiệt chướng” khi con cháu không hiếu thuận, ý của nó giống như là chữ “súc sinh” vậy.

[2] Mt 5, 1-13.

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 27.          CHIM SẺ MỜI KHÁCH

Một hôm, chim sẻ mời các loài chim đến uống rượu.

Nó nói với chim trả:

-         “Ngài mặc áo đẹp đến lóa mắt, đương nhiên mời ngài ngồi bàn trên.”

Rồi lại nói với chim ưng:

-         “Dù cho anh vóc dáng to lớn, nhưng lại mặc áo quần vừa đen vừa xấu, xin lỗi mời anh ngồi bàn dưới vậy.”

Chim ưng trả lời:

-         “Mày là tên tiểu nhân nô tài, sao lại phân biệt đẳng cấp thế này ?”

Chim sẻ nói:

-         “Trên thế gian này ai lại không biết chim sẻ chúng tôi tim ruột gan đều nhỏ, hốc mắt hẹp chứ !”

(Tiếu Đắc Hảo)

 

Suy tư 27:

        Ở đời, con người ta thường hay lấy cái vẻ dáng bên ngoài để đối xử với nhau, mà cái bên ngoài thì không thể có giá trị về lâu về dài, lại càng không thể nói nó là bất biến. Cái bên ngoài mà con người ta thường hay nhìn để đối đãi nhau, đó là chức quyền, là áo quần sang trọng, là địa vị, là tiền bạc.v.v…

        Vì con người ta coi trọng cái bên ngoài nên thường coi nhẹ cái bên trong tâm hồn của người khác, cái bên trong là yêu thương, là nhịn nhục, là khiêm nhu, là bác ái, là phục vụ.v.v…là tất cả những gì mà người khác công khai hoặc âm thầm làm không vì để được đối đãi trọng hậu, nhưng là vì tình yêu của Thiên Chúa thôi thúc họ làm…

        Chim trả không là gì cả so với chim ưng, nhưng được mời ngồi trên bàn cao vì mặc áo quần đẹp, trái lại chim ưng là loài có thần thế vì sức mạnh lại được mời ngồi ở bàn dưới vì mặc áo quần xấu…

Chiến tranh, hận thù, chia rẽ, ghét ghen đều bởi đó mà ra cả, vì con người ta thường hay lấy dáng bên ngoài để đối xử với nhau…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


26.          TIM HƯ THỐI RỒI

Có hai tên ác ôn, trên lưng xuất hiện nhiều mụt nhọt, nên đến nhờ bác sĩ trị bệnh.

Bác sĩ khám xong người thứ nhất, đến khi khám người thứ hai thì giả bộ kinh hoàng nói:

-         “Tim của ông ấy hư chút xíu nhưng có thể trị được; còn tim của ông vừa hư vừa thối nát, tôi làm sao trị được chứ ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

 

Suy tư 26:

Người ác ôn côn đồ thì chắc chắn có quả tim vừa hư vừa thối nát, bởi vì nếu họ có quả tim lành mạnh thì họ sẽ không trở thành người ác ôn.

        Tim là tâm, là tâm hồn, là lòng dạ của con người, nếu lòng dạ đen tối, tâm hồn mờ ám thì đời sống tinh thần bệnh hoạn và lây lan cho những người khác, trở thành ung nhọt của xã hội.

        Người ác ôn thì không phân biệt phải trái, không có lòng nhân từ, không có sự thông cảm bởi vì tim đã bị hư bị thối nát.

        Mà người có tim thối nát thời nay thì rất nhiều…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


25.          GIỐNG CÁI BÀN CHẢI

Có người hỏi chữ “chải[1] của chữ “bàn chải抿刷[2] viết như thế nào, thì có một người viết thành chữ[3].

Người bên cạnh nói:

-         “Đây là chữ “ đồ đựng” của chữ “khí cụ器皿[4], e rằng không đúng.”

Người nọ dùng bút đem chữ nét ngang phía dưới của chữ kéo dài ra và nói:

-         “Cái hình này không giống một cái bàn chải hay sao ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

 

Suy tư 25:

        Tiếng Hoa nó rắc rối hơn các ngôn ngữ khác, bởi vì có khi phát âm thì giống nhau nhưng ý nghĩa và chữ viết thì khác nhau xa, cách hay nhất để phát âm đúng tiếng Hoa là học thuộc và phát âm đúng các âm điệu của nó.

        Có nhiều cách để làm việc đạo đức truyền bá Tin Mừng cho mọi người, nhưng cách hay nhất vẫn là lấy cuộc sống thấm nhuần Phúc Âm của mình -tùy theo sức lực và khả năng của mình- để rao giảng Lời Chúa cho mọi người, bởi vì Thiên Chúa không đòi hỏi những gì ngoài khả năng và sức lực của chúng ta.

        Có người đem tiền bạc bố thí cho người nghèo, có người luôn tìm kiếm công việc làm ăn cho người thất nghiệp, có người thích thú đi vào các bệnh viện để phục vụ bệnh nhân, có người không bỏ sót một thánh lễ nào của ngày chúa nhật.v.v… tất cả những việc đạo đức ấy đều là loan báo tin mừng cho mọi người, nhưng tất cả các việc làm đạo đức ấy đều tùy thuộc vào tâm hồn yêu mến Thiên Chúa ít hay nhiều mà thôi…

Làm việc đạo đức cách này hay cách khác đều được, làm nhiều hay làm ít đều không quan trọng, nhưng cái quan trọng là trong tâm hồn của chúng ta có Chúa không mà thôi !!uc nhật.v.v...p, có người thích thú đi vào các bệnh viện để phục vụ bệnh nhân, có người không bỏ sót một

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] phát âm là “min” nghĩa là chải, phết.

[2] 抿刷 phát âm là “min shua” nghĩa là bàn chải.

[3] cũng phát âm là “min”, nghĩa là đồ đựng.

[4] 器皿phát âm là “qi min” nghĩa là khì cụ.

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2025

Lễ thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ

 


CHÚA NHẬT

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Tin mừng : Mt 16, 13-19
“Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời”.

Bạn thân mến,
Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng thể hai thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, hai vị thánh hai khuôn mặt, hai đời sống và là hai cột trụ của Giáo Hội Công Giáo, trong tâm tình ấy tôi xin chia sẻ với anh chị em hai nét sau đây của hai vị thánh lớn của Giáo Hội.
1. Nhiệt tình với sứ mệnh.
Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều có tâm hồn nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su đã giao phó, sự nhiệt tình này Đức Chúa Giê-su đã nhìn thấy khi chọn các ngài làm tông đồ, và giao phó trọng trách gánh vác Giáo Hội của Ngài.
Nhiệt tình chất phác bộc trực cương nghị của thánh Phê-rô, đã được Đức Chúa Giê-su khám phá ra khi ngài đang đánh cá với anh là An-rê, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” và hai ông đã lập tức bỏ chài lưới mà theo Ngài.
Nhiệt tình hăng hái của thánh Phao-lô đã bộc lộ rất rõ, khi ngài giữ áo cho người ta ném đá tử hình thánh Stephanô cũng như đang hăng hái bách hại Giáo Hội tiên khởi của Đức Chúa Giê-su mới thành lập, sự nhiệt tình này không phải vì danh dự cá nhân, nhưng nhiệt tình vì lòng yêu mến Đức Chúa Ya-Vê của người Do Thái trong con người của thánh Phao-lô.
Tâm hồn nhiệt tình là điều cần thiết trước tiên để được chọn, không ai chọn một tinh binh không có dũng khí chiến đấu để làm tiên phong, cũng không ai chọn một người dù tài cao học rộng nhưng không nhiệt tình với bổn phận để giao trọng trách, nhưng người ta đã chọn người có tâm hồn nhiệt tình hăng say với công việc để giao phó sứ mệnh quan trọng…
Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ đã có đức tính này ngay trong cuộc sống đời thường của các ngài, và sau khi được chọn với ân sủng của Thánh Thần, các ngài càng thêm nhiệt tình với sứ mạng mà Đức Chúa Giê-su giao phó cho các ngài, đó chính là sứ mạnh loan báo Tin Mừng Nước Trời.
Nhiệt tình của chúng ta có thừa, nhưng sự nhiệt tình này chúng ta đã dùng không đúng chỗ: chúng ta nhiệt tình với bạn bè mà không nhiệt tình với Thiên Chúa; chúng ta nhiệt tình với các hợp đồng béo bở nhưng lại lạnh băng với công tác từ thiện; chúng ta nhiệt tình với những công trình tiếng tăm để đời, nhưng lại nguội lạnh với công việc mà Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã trao cho chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, đó là loan báo và làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày của mình.
2. Yêu mến Đức Chúa Giê-su hết lòng.
Một thánh Phê-rô đã ba lần trả lời với Đức Chúa Giê-su khi được Ngài hỏi: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Một thánh Phao-lô đã tuyên bố: “Thật vậy, chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa” và chính ngài cũng đã không ngại ngùng nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi.”
Yêu mến Đức Chúa Giê-su làm gia tăng sự nhiệt thành trong tâm hồn của các ngài, cho nên dù chịu biết bao khổ cực, nhọc nhằn, dù chịu bao nhiêu hy sinh gian nan thì các ngài vẫn cứ yêu mến Đức Chúa Giê-su. Và vì yêu mến Đấng đã chọn mình làm khí cụ loan báo tin mừng Nước Trời, nên các ngài vui lòng chia sẻ nổi khổ đau với Đức Chúa Giê-su. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu nơi người đang yêu, và điều kỳ diệu trước tiên xảy ra chính là thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được Đấng mình yêu đang rất gần gũi bên mình, và do đó mà hai ngài đã không quản ngại hy sinh gian khổ để làm chứng cho tình yêu…
Yêu mến Đức Chúa Giê-su là năng lượng thúc đẩy chúng ta đi vào không gian vô tận của tình yêu Thiên Chúa, để sự nhiệt tình của chúng ta trở nên năng lực thúc đầy người khác biết yêu mến và sống tinh thần yêu mến của Đức Chúa Giê-su…
Bạn thân mến,
Hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ chính là hai ngọn đèn tỏa sáng của Giáo Hội, chính trên nền tảng Phê-rô này, mà Phao-lô nổi bật với những giáo huấn về Đức Chúa Giê-su và đã làm cho ngài trở thành trụ cột của Giáo Hội như thánh Phê-rô.
Mừng lễ hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô hôm nay, chúng ta cầu xin hai ngài ban cho chúng ta có tâm hồn nhiệt tình với tâm tình yêu mến Đức Chúa Giê-su, bởi vì chỉ có sự nhiệt tình mới làm cho sứ mệnh tông đồ của chúng ta được tiến triển, và Lời Chúa được mau chạy tiến bước đến với mọi tâm hồn.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
--------------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2025

Lễ Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su

 


LỄ THÁNH TÂM ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

 

Tin mừng : Lc 15, 3-7

“Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”.

 

Bạn thân mến,

Mỗi thứ sáu đầu tháng chúng ta có thói quen tốt lành là dâng thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su cách đặc biệt, đó chính là một bằng chứng cho biết rằng, chúng ta rất yêu mến Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, hôm nay, hiệp cùng Giáo Hội trên hoàn cầu long trọng mừng lễ Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su với hai ý nghĩa sau đây :

1.      Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su là nơi chúng ta học tập yêu thương.

Trong suy nghĩ của người buôn bán, thì không ai dại gì làm tiệc đãi khách sau khi tìm lại con chiên lạc, bởi vì số tiền làm tiệc đãi khách nhiều hơn giá tiền một con chiên nhiều lần; cũng không ai ngu gì bỏ lại chín mươi chín con chiên để vượt bao nguy hiểm tìm con chiên lạc đàn, bởi như thế là không được khôn ngoan cho lắm…

 

Thiên Chúa không phải là người buôn bán, Ngài cũng không phải là người ngu, nhưng Ngài chính là Thiên Chúa tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng. Ngài có thể bỏ mất một con người, một linh hồn để sáng tạo thêm nhiều người khác đẹp hơn và dễ thương hơn bạn và tôi nhiều, nhưng Ngài đã không làm thế vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu, tình yêu này được thể hiện qua việc Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su đã xuống thế làm người, chịu chết trên thánh giá để cứu chuộc nhân loại tỗi lỗi.

Qua dụ ngôn “con chiên lạc” này, Đức Chúa Giê-su đã tỏ lộ trái tim yêu thương của Ngài ra cho chúng ta thấy rằng, Ngài sẵn sàng bỏ tất cả -ngay cả mạng sống của mình- để yêu thương và cứu chuộc chúng ta, nơi trái tim này ngập tràn lửa yêu mến nhân loại tội lỗi, nơi trái tim này không một ai có thể dửng dưng nguội lạnh, những tâm hồn khiêm tốn đều muốn đến ẩn núp trong trái tim của Ngài. Nơi trái tim yêu thương của Đức Chúa Giê-su, chúng ta thấy được bài học yêu thương gía trị ngàn đời mà Ngài đã nêu gương cho chúng ta: chết cho người tội lỗi để họ được sống và sống đời đời.

Không ai có thể nói lời yêu thương chân thành được với tha nhân, nếu họ không được lửa yêu mến từ trái tim của Đức Chúa Giê-su nung nấu tâm hồn họ, và cũng chẳng ai đành lòng ghét bỏ anh em chị em mình, khi mà lòng họ đầy tràn tình yêu của Đức Chúa Giê-su.

2.      Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su là nguồn mạch của sức mạnh, nâng đỡ và thánh hóa các linh mục.

Đức Chúa Giê-su là linh mục đời đời, nơi Ngài sứ mạng cứu chuộc nhân loại đã hoàn tất nhưng chưa kết thúc, bởi vì sứ mạng này đang được Ngài trao phó cho Giáo hội qua các linh mục, với sự đặt tay của giám mục để các linh mục được trở nên Chúa Ki-tô thứ hai, để tiếp tục chương trình cứu độ của Ngài ở trần gian.

Không một linh mục nào mà không yêu mến Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, không một linh mục nào mà không kêu mời người ta yêu mến Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, cho nên chính các linh mục là mẫu gương của sự tôn sùng và yêu mến Thánh Tâm Chúa Đức Giê-su nơi người tín hữu, mà Thiên Chúa đã giao phó cho các ngài coi sóc.

Thời nay có một số ít linh mục làm cho một số người –trong đó có cả giáo dân- không thích linh mục, có nhiều người nhìn các linh mục bằng ánh mắt hoài nghi và không mấy thiện cảm, vì có những linh mục đã không sống đúng với thiên chức mà họ đã lãnh nhận. Người ta đòi hỏi các linh mục hôm nay phải hoàn thiện như Thầy chí thánh là Đức Chúa Giê-su, người ta muốn linh mục thật sự là Đức Ki-tô thứ hai, luôn là người phản ảnh lại khuôn mặt dịu dàng và tâm hồn nhân hậu của Đức Chúa Giê-su… Sự đòi hỏi của họ là chính đáng giữa một xã hội tục hóa hôm nay, sự đòi hỏi các linh mục phải trở nên thánh thiện thúc bách các tín hữu phải lên tiếng, để không những cá nhân linh mục mà ngay cả cộng đoàn giáo xứ, cũng trở nên thánh thiện như ý Thiên Chúa muốn…

Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su là nguồn mạch sự thánh thiện của các linh mục, chính nơi Thánh Tâm này các linh mục học hỏi được thế nào là yêu mến, thế nào là phục vụ cho đến chết vì đàn chiên của mình như Đức Chúa Giê-su đã làm…

Bạn thân mến,

Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su luôn mời gọi chúng ta hãy học với Ngài sự hiền lành và khiêm tốn trong lòng, bởi vì chỉ có những ai hiền lành và khiêm tốn mới thật sự là anh em chị em của mọi người, và tình yêu của Đức Chúa Giê-su được thể hiện qua sự phục vụ và yêu mến tha nhân cách quảng đại của họ.

Trong dịp này, chúng ta cũng dâng gia đình và họ đạo của mình cho Thánh Tâm Đức Chúa Giê-su, để Ngài luôn ngự trị và dùng lửa yêu mến của Ngài sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh của chúng ta, để mỗi người trong chúng ta biết đem lửa yêu mến này ra đi sưởi ấm tha nhân…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


24.          EM BÉ KHỜ BIẾT CHỮ

Phụ thân dạy con trai học chữ “đại”, sau đó lại dạy viết chữ “thái” và hỏi nó. Con trai không biết, phụ thân dạy nó:

-         “Đây là chữ “thái” của chữ thái công (太公).”[1]

Cách một ngày sau, phụ thân lại lấy chữ “đại” hỏi nó, con trai nghiêng đầu nhìn một chặp, gật đầu đáp:

-         “A, đây là chữ “thái” của chữ ông ngoại là tằng tổ ạ.”

(Tiếu Đắc Hảo)

 

Suy tư 24:

        Người Việt Nam mình có câu “dạy con từ thuở lên ba”, để nói lên một việc rất quan trọng là tương lai của gia đình, của xã hội và của Giáo Hội đều đang đặt hy vọng vào các con cái, tức là những trẻ em tuổi còn nhỏ xíu hôm nay.

“Dạy con từ thuở lên ba” xét cho cùng thì cũng vẫn còn chậm so với Giáo Hội dạy phải cho trẻ em được Rửa Tội sau khi sinh ra ít là một tháng, hãy để con cái mau sớm trở thành người con của Thiên Chúa trong bí tích Rửa Tội, hãy sớm làm cho tâm hồn con cái trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần ngự trị.

Thời nay có những cha mẹ không dạy con từ thuở lên ba, nên con cái không muốn đến trường học, không muốn đến nhà thờ dâng lễ đọc kinh, không muốn nghe lời cha mẹ và những người có trách nhiệm dạy dỗ, cho nên hậu quả trong gia đình và ngoài xã hội khó mà lường được. Trách nhiệm này trước hết là ở nơi cha mẹ

Thời nay có những cha mẹ không đợi con đến tuổi lên ba mới bắt đầu dạy con, nhưng họ đã dạy con ngay khi mình chưa trở thành cha mẹ, nghĩa là họ biết sống như thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, họ biết làm như thế nào để Lời Chúa được rao truyền qua cuộc sống của mình, để rồi khi lập gia đình họ đã biết đem đời sống đạo đức thánh thiện của mình để dạy con cái, bởi vì như Đức Chúa Giê-su đã nói:“Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái ? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ ? ...Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt...”[2]

 Phúc thay cho những cha mẹ nào biết dạy dỗ con cái mình ngay từ khi nó còn trong ý định của Thiên Chúa, nghĩa là biết sống kính Chúa yêu người ngay từ khi chưa làm cha làm mẹ...tt đem đời sống đạo đức thánh thiện của mình để dayao ttruyềnhông muốn đến nhà thờ dâng lễ đọc nhỏ hôm nay là những

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Thái công nghĩa là tằng tổ.

[2] Mt 7, 16-19

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


23.          ĐÙA NHẢM NHÍ

Có một người m con nhỏ ra ngoài chơi, người hàng xóm nói đùa:

-         “Cốt nhục phụ tử đúng là một mạch truyền nhân, chỉ cần nhìn con của anh thì biết ngay, mặt mũi của nó và mặt mũi của tôi thật giống nhau y như một khuôn mà ra.”

Người ẵm con nhỏ ấy bèn nói:

-         “Đúng ạ, anh và thằng nhỏ này là anh em ruột thịt, là do cùng một người đàn bà sinh ra thì mặt mày sao lại không giống nhau chứ ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

 

Suy tư 23:

        Có những lời nói đùa không nên nói, chẳng hạn như nói con anh nó giống tôi tức là nó con tôi, và có nghĩa là vợ của anh ngoại tình với tôi, câu nói đùa này dù là chỗ bạn bè thân thiết thì cũng không nên nói, bởi như thế thì có ngày cũng sẽ đánh nhau, đó là cái vui rẻ mạt không nên tranh giành và bắt chước.

        Bản chất của người Ki-tô hữu là vui vẻ và luôn là niềm vui của mọi người, niềm vui này không phát xuất từ những câu nói đùa giỡn không đúng chỗ, cũng không phải là những câu nói chọc cười vô duyên và hàm ý tục tỉu, nhưng là phát xuất từ một tâm hồn vị tha và quảng đại, bởi vì chỉ có tinh thần vị tha và tâm hồn quảng đại mới có thể đem niềm vui đến cho tha nhân mà thôi.

        Con người ta, cái vui nhất là biết tha thứ khi người khác xúc phạm đến mình, và được tha thứ khi mình xúc phạm đến tha nhân.

        Nếu không tin, xin mời các bạn thử làm xem sao !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


22.          BỒN TẮM QUÁ LỚN

Có hai người ngoài tỉnh gặp nhau, cùng nhau kể những chuyện lạ của địa phương mình.

Người thứ nhất nói:

-         “Ở quê tôi có một cái bồn tắm lớn cực kỳ, có thể chứa được một ngàn người tắm ở trong nó.”

Người thứ hai nói:

-         “Như thế có gì là lạ, quê tôi có một cây tre dài, trên thì chọc thủng trời xanh, dưới thì chống đỡ đất. Trên không vì không mọc dài được nữa cho chỉ có cách là mọc đâm vào trong đất mà thôi.”

Hỏi:

-         “Xì, trên đời này làm gì có cây tre dài như thế hở ?”

Đáp:

-         “Nếu không có cây tre dài ấy của tôi, thì làm sao có thể đan được cái bồn tắm to lớn ấy của anh chứ ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

 

Suy tư 22:

        Phải có cây tre cao tới trời thì mới có thể đan được cái bồn tắm rất lớn chứa được một ngàn người tắm trong nó, đúng là chuyện tiếu lâm…hợp tình mà không hại ai cả.

        Phải có đức tin mạnh mẻ mới có thể vui vẻ đón nhận tất cả những thử thách xảy đến trong cuộc sống của người Ki-tô hữu.

Phải có sự cầu nguyện kiên trì mới có thể đón nhận những ân huệ lớn lao của Thiên Chúa ban cho, bởi vì ân huệ của Thiên Chúa không phải là những đồ dùng giá mười đồng bạc.

Phải có một tâm hồn thật quảng đại mới có thể tha thứ cho những người vì ghen ghét mà tìm cách hại mình cách này hay cách khác.

Phải có một quả tim yêu thương của Thiên Chúa mới có thể yêu thương người khác như chính mình, nhất là những người luôn chống đối chúng ta…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


21.          NGƯỜI NGHÈO KHOA TRƯƠNG

Có một người nghèo khoa trương, nói:

-         “Nhà của tôi mặc dù không phú túc cho lắm, nhưng những vật dụng trong nhà thì không thiếu gì.”

Lại còn cong cong ngón tay ra dáng nói:

-         “Nếu có thiếu thì thiếu cái long xa phụng liên[1], nhưng thức ăn thì loại nào cũng có.”

Lại cong cong ngón tay nói tiếp:

-         “Nếu nói không có thì chỉ không có tim rồng gan phụng mà thôi.”

Đứa con nhỏ của ông ta nghe được, thì nói:

-         “Buổi tối con không có giường để ngủ, chỉ ngủ trên đất, bữa ăn tối nay một hột cơm cũng không có mà cha vẫn còn nói dối.”

Người nghèo nhướng cặp mày lên nói:

-         “Đúng, đúng, cha quên, trong nhà mình cái gì cũng có, nếu thiếu chăng nữa thì chỉ thiếu cơm tim rồng gan phụng, giường ngủ long xa phụng liên mà thôi.”

(Tiếu Đắc Hảo)

 

Suy tư 21:

        Nghèo mà nhìn nhận mình nghèo đó là người khiêm tốn và có can đãm; nghèo nhưng không dám nhìn nhận mình nghèo là người kiêu ngạo, lại còn khoe khoang láo khoét nữa là người nhát hèn.

        Người biết nhìn ra cái yếu kém của mình để sống khiêm tốn và học hỏi thêm, đó là người có một tâm hồn lành mạnh và biết vươn lên trong đời sống hoàn thiện; trái lại người chỉ thấy cái hay cái giỏi của mình mà thôi nên họ thường khó chịu khi người khác trổi vượt hơn mình, họ là những người có tâm hồn bệnh hoạn, vì có bệnh trong tâm hồn nên họ thường hay sợ hãi và giận dữ cách vô cớ với góp ý choi mình…

        Con cái không có cơm ăn, không có giường để ngủ, mà ông bố thì vẫn cứ khoe khoang để giữ cái thể diện của mình, thì đúng là người bất nhân với con cái của mình vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Xe của hoàng đế và hoàng hậu.