Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Lời hay của Cống Phụ


LỜI HAY CỦA CỐNG PHỤ
Trước đây, các sĩ đại phu rất thích nói về thuỷ lợi, có người nói nên rút sạch nước ở Lương Sơn Bạc, đem nó biến thành ruộng trồng lúa.
Có người hỏi ông ta:
-         “Lương Sơn Bạc là một cái đầm hoang dại thời cổ đại, diện tích hơn mấy trăm cây số, nếu bây giờ rút sạch nước của nó để làm ruộng, nhưng đến giữa mùa thu và hè, nước sông dâng lên, thì đem nó chứa vào chỗ nào ?”
May mắn có Liễu Cống Phụ ở nhà, ông ta chậm rãi nói:
-         “Có quan hệ gì chuyện đó, chỉ cần đào một bên Lương Sơn Bạc cái hồ lớn, diện tích lớn nhỏ giống y như Lương Sơn Bạc, thì làm gì mà không chứa nổi mấy thể tích nước ấy chứ ?”
Mọi người đều cười to lên, người nói nên cải tạo Lương Sơn Bạc, chút xíu nữa thì không đất để chui xuống.
                          (Mẫn Thuỷ Yến đàm lục)

Suy tư:
Công đào một cái hồ lớn tương đương với Lương Sơn Bạc thì chẳng khác chi công rút hết nước ở trong đầm Lương Sơn Bạc, rất khó khăn và tốn kém, nhưng chưa chắc đã làm được. Ý của Liễu Cống Phụ là không thể nào làm được chuyện rút hết nước trong đầm Lương Sơn Bạc để làm ruộng vườn.
Với con người thì không thể được, nhưng với Thiên Chúa thì dễ như...ăn cháo.
Chúng ta thường bi quan khi thấy những người say đắm trong tội, và thường cho rằng họ “hết thuốc chữa”; chúng ta cũng thường than thở thanh niên nam nữ thời nay chỉ biết hưởng thụ, sống thác loạn và “hết thuốc chữa”...
Không ai “hết thuốc chữa” như thánh Âu-gút-tin, không ai “hết thuốc chữa” như bà Ma-ri-a Mác-đa-la, như anh trộm bị đóng đinh bên hữu Đức Chúa Giê-su trên núi Sọ, và còn biết bao nhiêu mảnh đời “hết thuốc chữa” nữa. Nhưng chính những con người này đã trở thành mẫu mực cho chúng ta khi họ trở lại với Chúa và sống trong ơn nghĩa của Ngài.
Có nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta cứ đòi hỏi người khác phải theo chuẩn mực đạo đức như mình, cho nên chúng ta thường bi quan trước vấn đề đạo đức của người khác, mà không hiểu rằng, mỗi người là một hoàn cảnh cuộc sống không ai giống ai, và như thế mới thấy rõ tình yêu của Chúa thực hiện trên mỗi người.

Với chúng ta thì không thể cảm hoá một con người, bởi vì chúng ta chỉ nhìn thấy cái khuyết điểm của họ, nhưng với Thiên Chúa thì cái gì cũng có thể, bởi vì Thiên Chúa luôn nhìn thấy những ưu điểm của họ, bởi vì nơi Thiên Chúa không có thiên vị mà chỉ có yêu thương và tha thứ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Tướng quân mít đặc


TƯỚNG QUÂN MÍT ĐẶC
Thời đầu Bắc Tống, tướng quân Vương Cảnh Hàm đã làm quan huyện trưởng Hình châu.
Một hôm, sứ thần tên là Vương Ban nhận lệnh đến Hình châu, Vương Cảnh Hàm bày tiệc mừng ông ta. Trong tiệc, Vương Cảnh Hàm cho rằng “vương ban” là tước vị, cho nên cứ thế mà buộc miệng lớn tiếng gọi tên huý của ông ta.
Thủ hạ nói với ông ta:
-      ”Vương Ban” là tên của sứ thần đấy !”
Vương Cảnh Hàm cảm thấy mắc cở khó chịu, bèn răn dạy tên thủ hạ:
-      “Tại sao các người không báo cho tao biết trước”.
Khách dự tiệc ngồi chật bàn liền cười lên như vỡ chợ.
                                (Mẫn Thuỷ Yến Đàm lục)

Suy tư:
Không biết mà cứ làm ra vẻ ta đây thì chỉ có nước làm trò cười cho thiên hạ.
Không hiểu mà cứ làm như ta đây thông thạo mọi thứ, thì chỉ tổ làm cho thiên hạ thêm chán ghét.
Ở đời có rất nhiều người có quyền, có địa vị, nhưng lại “dốt mít đặc”, họ “dốt mít đặc” không phải là họ không có học hành, không phải là họ không hiểu, nhưng bởi vì họ quá kiêu căng hợm hỉnh trong chức vụ của mình.
Có những người mới được đề bạt làm trưởng phòng, thì đã dương dương tự đắc ra lệnh này lệnh nọ, đổi cái này sửa cái kia trong văn phòng theo ý của mình, mà không nhìn thấy ai cũng khó chịu vì tư cách của mình, họ không chịu khiêm tốn nên trở thành “chướng mắt” mọi người.
Có một vài linh mục mới được bổ nhiệm làm cha sở thì đã “ăn to nói lớn” tuyên bố rùm beng, đòi bỏ cái này thêm cái nọ trong nhà thờ, thay người này thế người kia trong giáo xứ, làm cho giáo dân hoang mang và dễ dàng gây chia rẻ nội bộ, là mở đường cho quỷ sa tan đi vào tung hoành trong giáo xứ của mình.
Không ai muốn mình trở thành “người mít đặc” nhưng lại không ai chịu sửa đổi tính kiêu căng, phách lối nơi mình; ai cũng muốn mình trở thành người khôn ngoan thông thái, nhưng mấy ai chịu nghe lời góp ý chủa người khác mà điều chỉnh lại cách sống và làm việc của mình !

Hết tập 4
-------------------------


Dịch và viết suy tư xong, ngày 10.03.2003

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Mánh khóe bịp rượu


MÁNH KHOÉ BỊP RƯỢU
Lý Lương không tin Phật và cũng không thích Mạnh tử, tính cách thanh cao, chữ nghĩa tiếng tăm bao trùm thiên hạ, lâu nay chỉ thích uống rượu.
Một lần nọ, có một vị đại quan gởi đến tặng ông ta rất nhiều rượu, vừa đúng lúc rượu của nhà ông ta hết cạn, nhưng ông ta lại không mời quan lớn và những người quyền quý uống rượu.
Có một người tham uống rượu, sau khi biết tính tình của Lý Lương, liền viết mấy bài thơ chửi Mạnh tử và đến thăm, quả nhiên Lý Lương rất phấn khởi và mời hắn ta ở lại uống rượu liếp tiếp nhiều ngày, cho đến khi uống hết rượu rồi mới cáo từ ra về.
Qua một thời gian sau, người ấy biết Lý Lương lại có rượu, bèn viết ba bài văn chửi Thích Ca Mâu Ni đem tặng cho Lý Lương, Lý Lương coi xong bèn cười cười nói:
-         “Văn chương rất hay, nhưng tôi không thể mời ngài ở lại uống rượu, rượu lần trước đều mời ngài uống thì hết rồi ạ, rượu lần này tôi còn giữ lại để mình tôi tiêu khiển chứ ?”
                                          (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     Người ta thường nói “gió chiều nào thì ngã theo chiều ấy” để châm biếm những người thức thời, và cũng để chê những người thích nịnh kẻ khác.
     Có những chính khách là Ki-tô hữu, nhưng khi đi vận động tranh cử thì cũng đến các chùa miếu bái bái lạy lạy để lấy phiếu của cử tri, họ muốn được phiếu của cử tri hơn là phiếu vào thiên đàng; có những Ki-tô hữu khi gia cảnh nghèo thì trong nhà treo nhiều tượng ảnh thánh rất đẹp và trang trọng, nhưng khi làm ăn khá giả, xây nhà mới, thay vì treo tượng ảnh thánh như trước kia, thì bây giờ họ treo đầy những tranh ảnh lố lăng, những hình ảnh của các minh tinh màn bạc, họ lý luận là đạo trong lòng, nên theo hợp với thời đại mà trang hoàng nhà cửa !
     Ngã theo chiều gió là những người “yếu bóng vía”, những người Ki-tô-hữu-không-có-đức-tin, hoặc là những người coi việc thờ phượng Thiên Chúa như là một phong trào thời trang, thích thì đi nhà thờ, không thích thì không đi, cho nên khi có bách hại bắt bớ đạo thì thôi khỏi đến nhà thờ, khỏi kinh kệ, khỏi lần hạt Mân Côi và dĩ nhiên là khỏi lãnh các bí tích, đến lúc này thì họ nói: “Phải thức thời mà sống !”

“Lạy Đức Chúa Giê-su, đã nhiều lần con đã “thức thời” mà sống, nên con đã không sống xứng đáng là một mục tử của đàn chiên Chúa: thấy thanh thiếu niên nhậu nhẹt, con đã “thức thời” cùng uống với họ, và cũng có khi tranh chấp với họ trong việc tửu lượng nhiều hay ít; thấy xã hội đua đòi hưởng thụ, con cũng đã “thức thời” trau chuốt bản thân, mua sắm hưỡng thụ còn hơn người khác... Xin Chúa ban cho con có một tâm hồn biết “thức thời” trước những đau khổ của người bị áp bức, “thức thời” trước những bất hạnh của người nghèo, “thức thời” trước những âu lo của trẻ thơ. Để con biết đưa tay ra nối tiếp tình thương của Chúa cho tha nhân. Amen.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Làm thơ giải sầu dưới tuyết


LÀM THƠ GIẢI SẦU DƯỚI TUYẾT
Tống Triết Tôn vào cuối năm bổng nhiên nổi lên giận dữ, những người phục vụ không biết làm thế nào để cho ông ta vui vẻ phấn khởi, chỉ có cách là đi lại với các sứ thần của các nước xin họ làm thơ, để dâng cho Triết Tôn giải buồn.
Một ngày nọ tuyết rơi rất nhiều, lại đi hỏi người nhà hôm nay có tác phẩm nào mới, có một sứ thần vừa mới làm được hai câu thơ: “Ai đem lông ngỗng tảo khắp trời, ngọc hoàng đại đế đi buôn muối”, liền vội vàng đem dâng cho Triết Tôn.
Hoàng đế vừa xem, quả nhiên cười rất lớn.
                                          (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     Nói hoàng đế đi buôn muối mà hoàng đế lại cười ha ha chứ không giận dữ thì đúng là vị hoàng đế bình dân thích hài hước và gần gủi tha nhân, mặc dù hoàng đế không có học qua khoá tu đức này hay tham dự khoá linh thao nọ...
     Không ai học tu đức nhiều cho bằng các linh mục, cũng không ai hiểu biết linh thao cho bằng các tu sĩ nam nữ, nhưng có một số trong các vị đó sống rất...xa tu đức, bởi vì có giáo dân thấy cha sở của mình thì “lủi” đi chỗ khác không muốn chạm mặt; có người không bao giờ đến nhà xứ nơi cha sở ở nếu không có việc liên quan đến các bí tích ! Lí do rất dễ hiểu, đó là vì có một số các ngài quá “quan liêu” trong cách sống và quá kiêu căng trong cách đối xử với tha nhân.

Tôi còn nhớ một câu nói của một linh mục lớn tuổi nọ đã nói với tôi: “Ông cha thì gỏ ba búa, ông thầy bà sơ thì gỏ hai búa, giáo dân thì gỏ một búa”. Ý của vị linh mục này nói là cứng cổ nhất là các linh mục, cứng cổ thứ nhì là các tu sĩ nam nữ, cứng cổ thứ ba và cũng là cuối hết là các giáo dân. Như vậy, xét cho cùng thì giáo dân là những người tuy không học tu đức và linh thao, nhưng đã sống rất gần gủi với ơn gọi nên thánh của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Phương thuốc ra mồ hôi


PHƯƠNG THUỐC RA MỒ HÔI
Có người nọ tên là Tiền Duật mỗi khi lên cơn sốt tiết ra mồ hôi mà cũng khiêng vác đồ đạc nặng đi rất xa, nhưng đợi cho mồ hôi hết thì bệnh cũng hết.
Có người nói:
-         “Phương thuốc ra mồ hôi” này nên xếp vào viện ngự dược, để truyền lại cho người “ăn không ngồi rồi” ra mồ hôi”.
                                           (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     Có người khuân vác nặng nề nhưng không ra mồ hôi, có người chỉ mới nóng một chút là mồ hôi chảy ra đầy mình, lại có người dù trời nóng dù trời lạnh một giọt mồ hôi cũng không có, đó chẳng qua là theo “cái tạng” của họ.
Phương thuốc dành cho người “ăn không ngồi rồi” là sự lao động, bởi “ở không” là đầu mối mọi tội.
Có người nhà có của ăn của để nên không thích làm việc gì cả, do đó mà hay đi phê bình chuyện của người khác, soi mói công việc của người ta; có người mặc dù nhà nghèo, nhưng vì sợ lao động nên không làm gì cả, cả ngày chỉ biết uống rượu, tụm ba tụm bảy để đấu láo và cãi vả rồi nảy sinh mâu thuẩn với nhau gây phiền phức cho gia đình...
Ba mươi năm sống ở Na-za-rét, Đức Chúa Giê-su đẵ học được nghề thợ mộc nơi cha nuôi của mình là thánh cả Giu-se, và biết đâu Ngài cũng học được nghề thêu thùa hay nấu cơm như Đức Mẹ Ma-ri-a, có nghĩa là Ngài cũng làm việc để nuôi thân, giúp đỡ cha mẹ, và biết đâu Ngài cũng có tiền để bố thí cho người hàng xóm nghèo bên cạnh.
Đem “phương thuốc ra mồ hôi” cho những người “ăn không ngồi rồi” uống, không gì khác hơn là để họ thất bại một lần trong đời, để họ nghèo đói một lần thì họ “toát mồ hôi hột” khi đi kiếm miếng cơm manh áo, để họ biết thông cảm với những nhục nhằn của người nghèo mà không ăn không ngồi rồi nữa.

Ở dưng chính là cội rể mọi sự dữ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Chỉ có Hải Đường tỏa hương


CHỈ CÓ HẢI ĐƯỜNG TOẢ HƯƠNG
Lý Chu vì không được sai phái công vụ nên ở miết trong thành gần một năm.
Về sau được bổ đi làm phó huyện Xương châu, bèn bàn bạc cùng bạn bè, tất cả đều cho rằng Xương châu cách nhà quá xa, bèn đề nghị đổi chỗ khác, thế là đổi qua làm phó huyện Ngạc châu .
Có người tên là Uyên Tài đến gặp Lý Chu, nói:
-         “Ngài đổi làm phó Ngạc châu à, có chuyện này hay sao ?”
Lý Chu đáp:
-      “Có chứ”.
Uyên Tài thở dài, tức giận nói:
-         “Ai đã giúp cho ngài đề ra cái chuyện này ? Xương châu là một quận huyện đất đai tốt nhất ! Tại sao ngài còn không đi lại còn chần chừ gì nữa chứ ?”
     Lý Chu có chút kinh ngạc, nói:
-  “Ở đó cung cấp rất đầy đủ sao ?”
-    “Không phải”.
-    “Như vậy thì dân chúng ở đó ít kiện cáo sao ?”
-    “Cũng không phải”.
Lý Chu nói:
-         “Vậy thì sao ngài lại nói Xương châu là nơi rất tốt ?”
     Uyên Tài trả lời:
-         “Ngài thì cái gì cũng không biết, lúc mà những chỗ khác Hải Đường không nở hoa toả hương, thì ở Xương châu Hải Đường lại một mình toả hương, lẽ nào như thế không phải là cái quận tốt nhất hay sao ?”
     Lý Chu cười lớn ha ha.
                                           (Phủ Chưởng lục)

Suy tư:
     Chỉ vì một bông hoa Hải Đường nở trái mùa mà cho là một huyện tốt lành, thì chỉ có người phong lưu công tử, thích tức cảnh làm thơ mới nghĩ như thế...
     Chỉ vì cái huyện quá xa nhà mà không thèm đến nhậm chức, thì chỉ có những người vì “vinh gia phì thân” mà ra làm quan, chứ không phải yêu nước yêu nòi mà ra làm quan...
     Có một vài linh mục không muốn vâng lệnh giám mục hay bề trên đi đến những nơi thôn quê nghèo, những nơi vùng cao vùng sâu xa cách thành phố, vì ở đó không có internet, không có náo nhiệt, thiếu thốn như ở thành phố... Các linh mục này không phải đi truyền giáo, cũng chẳng phải yêu thương chi đoàn chiên, lại càng không phải vì yêu đời truyền giáo mà làm linh mục, nhưng là vì yêu thương bản thân của mình “vinh gia phì thân” mới làm như thế...

     Giáo dân dù thương mến các linh mục đến cở nào đi chăng nữa, nếu vị linh mục của họ không muốn vâng lời bề trên, thì họ cũng sẽ mất dần sự kính trong nơi các linh mục ấy. Bởi vì chính các linh mục là “đầu tàu’ gương mẫu cho đoàn chiên của mình, là “Chúa Ki-tô thứ hai” biết vâng phục thánh ý Cha trên trời qua vị giám mục, hay qua các bề trên của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư