Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Chúa nhật Lễ Thăng Thiên

CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN
 
 
 

Tin Mừng : Lc 24, 46-53.
“Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”.

Bạn thân mến,
Hôm nay lễ giáo hội long trọng mừng lễ Đức Chúa Giê-su lên trời, lên trời đối với các thần học gia thì lên trời là lên ngự bên hữu Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-su đi vào viên mãn vinh quang của Thiên Chúa, nhưng đối với người Ki-tô hữu chúng ta lên trời là lên thiên đàng. Đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.

Đức Chúa Giê-su lên trời là một thực tại có thật theo lời tường thuật của thánh Lu-ca trong sách Công Vụ Tông Đồ cũng như trong Tin Mừng của ngài: “Và  đang khi chúc  lành thì  Ngừơi rời khỏi các ông và được đem lên trời”[1], “...Nói xong, Người được cất lên ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa”[2]. Hợp rồi tan, tan rồi hợp là lẽ thường của người thế gian và hợp tan nào cũng có mất mát và đau thương, các tông đồ cũng vậy: nhớ thương và tiếc nuối. Nhưng rồi các ngài lòng cũng tràn ngập hân hoan vì lời hứa của Chúa Giê-su: Thầy đi và rồi Thầy sẽ trở lại.

Đức Chúa Giê-su lên trời là lên thiên đàng sau khi đã chiến thắng tử thần của ma quỷ, là niềm hy vọng của bạn và tôi, và của những ai vì Ngài mà chịu sỉ nhục ở đời này.

Cuộc sống đời này của bạn và tôi là chuẩn bị cho ngày sau ở trên thiên đàng, như Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, chúng ta cũng sẽ chiến thắng cái làm cho chúng ta không được lên thiên đàng, mà cái gì làm cho chúng ta không được lên trời với Đức Chúa Giê-su, đó là:

-      Tội lỗi: đây là ngục tù kiên cố nhất nhốt chúng ta lại không cho chúng ta lên trời với Đức Chúa Giê-su.
-      Cái tôi: đây là cái đã xiềng đôi chân của chúng ta, không cho chúng ta đi tới với Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống đời thường...
-      Kiêu ngạo: là nguyên nhân thứ nhất để cho tội lỗi vào trong thế gian, nó cũng là cái làm cho chúng ta xa lìa ân sủng của Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày...

Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su lên trời trước mặt các môn đệ để cho chúng ta hiểu rằng, sứ mạng của Ngài ở trần gian đến đây là kết thúc, kết thúc mà không đóng lại, nhưng tiếp tục bắt đầu từ nơi các tông đồ là những người được sai đi, để làm cho muôn dân nhận biết Tin Mừng của Thiên Chúa, và quan trọng hơn chính là mọi người cùng nhau tham dự tiệc cưới trên thiên đàng của Con Chiên đã chiến thắng tử thần và tội lỗi.

Lên thiên đàng là mục đích sống của bạn và tôi ở trần gian này, vì thế Đức Chúa Giê-su muốn mỗi người trong chúng ta hãy mau mắn gởi “các vật liệu” về thiên đàng để các thiên thần giúp xây nhà hạnh phúc viên mãn, “các vật liệu” của chúng ta là khiêm tốn, hy sinh, phục vụ và yêu thương tha nhân như chính mình...” đó là các vật liệu bền chắc không sợ mối mọt gặm nhấm...

Mừng lễ Đức Chúa Giê-su lên trời vinh hiển, tức là bạn và tôi cũng mừng lễ lên trời của chúng ta, bởi vì không lẽ “đầu” –là Đức Chúa Giêsu- đã lên thiên đàng, còn “thân mình và các chi thể” –là Hội Thánh và chúng ta- thì ở mãi trần gian này hay sao ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.





[1] Lc 24, 51.


[2] Cv 1, 9.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn (3)




管梅芬 主編

阮仁才神父 翻譯


CÂU CHUYỆN NHỎ

ĐẠO LÝ LỚN

Tổng hợp các câu chuyện hài hước ngắn, nhưng có tính giáo dục rất lớn

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch và viết suy tư
(tiếp theo)


101.TRÂU THÔ KỆCH GIÀU CÓ

Có quan tuần án mới đến nhậm chức không bao lâu, thì bắt các gia đình làm nghề thợ săn bắt cho ông ta một con kỳ lân. Các thợ săn quả thực tìm không ra kỳ lân nên chỉ biết tìm bắt một con trâu nước, lấy rất nhiều đồng tiền treo đầy trên mình nó để giả mạo là con kỳ lân, rồi đem tới cho quan tuần án.

Quan tuần án nhìn thấy thì nổi giận, nói:

-         “Con súc sinh này, giả như trên mình nó không treo mấy đồng tiền, thì rõ rõ ràng ràng nó chỉ là một con trâu thô kệch mà thôi”.

 

Suy tư 101:

     Con kỳ lân và con trâu nước có hai điểm khác xa nhau: một là con trâu nước thì nghèo khó thô kệch chỉ ở thôn quê cày cấy chân lấm tay bùn, mà con kỳ lân thì ở trong cung điện vua chúa, canh ở các cổng chùa chiền oai phong lẫm liệt; hai là con trâu thì có thực mà con kỳ lân thì chỉ có trong truyện cổ tích theo truyền thuyết mà thôi.

Con trâu nước dù cho vàng bạc kim cương treo đầy trên mình nó, thì nó cũng vẫn là con trâu nước không hơn không kém, chứ không thể là con kỳ lân được. Giống như con khỉ dù cho nó đầu đội mũ, mình mặc áo gấm vóc và chân đi hài, thì nó vẫn cứ là con khỉ làm trò hề cho người ta cười mà thôi, chứ không thể là con người được.

Cũng vậy, dù cho người tội lỗi đội lốt nhân đức, người ác đức đội mũ lương thiện, người kiêu ngạo mặc áo khiêm tốn, người gian xảo đi hài (giày) thật thà, thì họ cũng vẫn không thể trở thành con người lương thiện nếu họ không hết lòng ăn năn sám hối, và thật lòng thay đổi cuộc sống tự trong thâm tâm của mình, bởi vì khi con người không thật lòng hối cải thì họ chỉ là con trâu nước mình treo đầy đồng tiền, chứ không thể là con ký lân được.

Chỉ những ai có lòng tham vô đáy thì mới cố tình không nhận ra con trâu nước giả dạng con kỳ lân, bởi vì sự tham lam thì làm cho đôi mắt của con người ra mờ mờ ám ám, nhìn không rõ đâu là thật và đâu là giả.

 

39.KHÔNG ĐẮNG

Có một chàng rễ ngốc cùng với vợ đi đến nhà của bố mẹ vợ, bố vợ đem trái cây ra khoản đãi. Chàng rễ ngốc nhìn thấy một quả hồng chưa chín thì đưa tay cầm lấy ăn, vợ anh ta đứng bên cửa nhìn trộm, thấy tình cảnh như thế, thì cầm lòng không được nên buột miệng nói: “Ái dà, khổ quá”[1].

Chàng rễ ngu lập tức trả lời:

-      “Đắng đâu mà đắng, chát quá trời thì có !”

 

Suy tư 102:

     Cái khổ nhất của các bà vợ là có ông chồng ngu ngơ khù khờ, bởi vì ngu ngơ thì bị kẻ khác khinh rẻ, khù khờ thì bị người khác lấn lướt…

     Nhưng thời nay có những ông chồng tuy không ngu ngơ khù khờ, nhưng lại làm cho các bà vợ đau khổ và rất mệt trí, đó là những ông chồng ham mê nhậu nhẹt sáng say tối xỉn, làm cho vợ con buồn khổ, mất mặt với bạn bè và hàng xóm, rồi hạnh phúc gia đình không cánh mà bay, đó không phải là ngu hơn những người ngu ngơ khù khờ sao ?

     Lại có những ông chồng tuy không ngu ngơ khù khờ, nhưng làm cho các bà vợ khổ tâm buồn phiền, và cuối cùng vì chịu không nổi nên làm đơn ly dị, đó là những ông chồng ỷ mình làm ra tiền nên coi thường vợ con, ỷ mình là chủ gia đình nên muốn làm gì thì làm, coi vợ con như hạng đầy tớ, thế là hạnh phúc gia đình không cánh mà bay mất, khó tìm lại được, đó không phải là ngu hơn những người ngu ngơ khù khờ sao ?

     Vợ kêu khổ vì có ông chồng khù khờ, nhưng chồng tưởng vợ nói trái hồng đắng, thế là vợ lại khổ tâm hơn nữa.

     Chúa Giê-su sẽ rất khổ tâm khi chúng ta giả điếc giả ngu phớt lờ lời của Ngài dạy, để sống theo ý riêng tội lỗi của mình.

 

40.CÁCH MAY QUẦN ÁO

Giữa năm Gia Tĩnh, trong kinh thành có một thợ may áo quần rất nổi tiếng, áo quần ông ta may ra, dài ngắn rộng hẹp, đều phù hợp thân người. Có một ngự sứ mời thợ may giỏi này đến may áo quần cho ông ta, thợ may hỏi ngự sứ đến nhậm chức năm nào ?

Ngự sứ hỏi:

-         “May áo quần mà hỏi nhậm chức năm nào để làm gì ?”

Thợ may trả lời:

-         “Bởi vì những lão gia khác cũng như thế mà thôi: Khi mới nhậm chức thì ưỡn ngực ngẫng đầu nên áo cần phải trước dài sau ngắn; nếu nhậm chức được nửa năm thì ý chí đã bình bình, nên áo phải may là  trước sau bằng nhau; nếu như nhậm chức lâu năm thì suy nghĩ biến đổi, trong lòng buồn bã không vui, thân thể không tránh khỏi cúi đầu luồn cúi, cho nên may áo cần phải trước ngắn sau dài. Do đó, nếu không hỏi nhậm chức lúc nào, thì may áo khó mà hợp với thân người được”.

 

Suy tư 103:

      Người thợ may quả thật rất hiểu tâm lý của các quan lớn, bởi vì ông ta có kinh nghiệm với những vị quan đến cai trị trong huyện của mình.

     Có một vài linh mục “chia sẻ” kinh nghiệm với nhau như sau: khi mới đến nhậm chức cha sở thì năm đầu năng nổ làm việc để chứng tỏ tài năng của mình, qua năm thứ hai thì nhiệt tình năng nổ giảm dần, qua năm thứ ba thì bình bình không nóng không lạnh, qua năm thứ tư thì hưởng thụ, qua năm thứ sáu thì chuẩn bị tích trử để lo đổi qua xứ khác, qua năm thứ bảy thì tài sản như một đại gia và không muốn đi xứ khác nữa…

     Chiếc áo chùng thâm thì không có trước ngắn sau dài, cũng không trước dài sau ngắn, bởi vì nó không có hai vạt trước sau như những chiếc áo dài thụng khác của người đời, cho nên người linh mục không lòn cúi ai, không nịnh bợ ai, cũng không theo phe này cánh nọ, cũng không làm bạn thân thiết với một gia đình giàu có nào trong giáo xứ mình, cũng không chia nhóm cha sở hay nhóm bà sơ hay nhóm của ban đại diện, cũng không trở thành kẻ cô độc cô đơn trong giáo xứ đông giáo dân của mình.

     Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng chiếc áo bác ái và bổn phận thì mới làm cho người linh mục ngày càng nên giống Đức Chúa Giê-su hơn.

    

41.NHÁT TRỘM

Có một người rất nhát gan, nghe thấy tên trộm trèo tường nhảy vào trong nhà, thì vội vàng chạy vào trong phòng viết một một hàng chữ: “trong ngoài đều có”, và dán ngay nơi cửa nhà.

Một lúc sau, nghe tên trộm sục sạo trong nhà, anh ta vội vàng rúc trong phòng, lại viết thêm một hàng chữ:“đường này không thông”, và dán bên trong cửa nhà.

Lại qua một lúc sau, lại nghe tên trộm sục sạo đồ đạc trong nhà, thì anh ta vội vàng nhảy qua tường trốn trong hố xí.

Sau đó, nghe tiếng chân của tên trộm đi đến hố xí, anh ta vội vàng khóa cửa hố xí, giả giọng khàn giọng nói lớn: “Có người”.

 

Suy tư 104:

     Đức Chúa Giê-su nói với những người Do Thái: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được”[2]. Phải mạnh sức, tức là phải kiên cường, phải can đảm và khôn ngoan.

     Thánh Gioan Tẩy Giả đã bằng lòng chọn cái chết để nói lên lòng kiên cường của mình, khi ngài răn đe vua Hê-rô-đê không được lấy vợ anh làm vợ của mình; thánh Phê-rô và các Tông Đồ khác đã can đảm nói với những người trong Thượng Hội Đồng và thượng tế rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”[3], và các ngài vẫn tiếp tục rao giảng về Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh, chịu chết và đã sống lại, dù các ngài biết là sẽ bị bắt bớ đánh đòn và bị tù ngục vì danh Đức Chúa Giê-su.

     Nhát gan thì ai cũng có, đứng trước nguy hiểm chết người thì ai cũng sợ, đó là tâm lý chung của con người, nhưng Đức Chúa Giê-su đã nói: Nước Trời cần phải dùng sức mạnh mới chiếm được. Mà sức mạnh đây không phải là sức mạnh của vũ lực, không phải là vũ khí tối tân, nhưng sức mạnh đây chính là lòng can đảm tuyên xưng đức tin với sự trợ giúp của ơn Chúa.

     Can đảm nói không với những cám dỗ, can đảm...bỏ chạy khi dịp tội đến, can đảm chịu những lời khiêu khích của bạn bè khi mình không nghe theo lời họ để phạm tội...

     Chết phần xác thì ai cũng sợ nên tìm đủ mọi cách để được sống, nhưng mấy ai sợ chết phần linh hồn để can đảm chống trả với những dịp tội làm chết linh hồn của mình ?

 

42.MÔN KHÁCH

Có một môn khách rất thích nịnh hót chủ nhân. Một lần nọ, đột nhiên chủ nhân đánh rắm một cái, môn khách ấy bèn nói:

-      “Ái dà, âm thanh từ đâu đến nhỉ ?”

Chủ nhân nói:

-      “Đó là ta vừa đánh rắm”.

Môn khách nói:

-      “Không thúi chút nào”.

Chủ nhân nói:

-         “Người đang khỏe mạnh mà đánh rắm không có mùi, thì e rằng không tốt”.

Môn khách vội vàng lấy tay che vừa che mũi vừa phất phất, dùng giọng mũi nói:

-      “Ha ha, bây giờ mùi hôi thúi mới đến”.

 

Suy tư 105:

     Môn khách là người có tài hoặc có năng khiếu lạ gì đó mà muốn tiến thân trên quan trường, thì thường được một người giàu có tiếng tăm nuôi trong nhà, để khi chủ nhà có chuyện gì thì ra tay hào hiệp, nhưng thường là những người có tài và người có tâm huyết tiến thân.

     Đầy tớ nịnh hót chủ nhân là chuyện thường xảy ra trong thế giới này, bởi vì đó là vì miếng cơm manh áo của họ, những loại đầy tớ này thì có nhiều trong xã hội qua mọi thời; người nghèo nịnh hót người giàu cũng là chuyện thường, nhưng những người nghèo có liêm sĩ thì thà đói chứ không mịnh hót luồn cúi ai cả; cấp dưới thường nịnh hót cấp trên vì để giữ cái “ghế” của mình, đây là hạng cấp dưới không vi thực tài của mình, mà là do lo lót cho cấp trên để giành được cái “ghế” thủ trưởng cơ quan…

     Những người thích nịnh hót là những người “khiếm khuyết” các bộ phận trên cơ thể của mình:

-      Họ có mũi mà không phân biệt được mùi hôi nơi ông chủ của mình.

-      Họ có mắt mà không nhìn thấy việc làm xấu của cấp trên.

-      Họ có miệng mà không biết nói lời thật với kẻ có quyền hành.

-      Họ có trí óc mà không biết phân biệt cái tội cái ác của cấp trên…

Nịnh hót lòn cúi là bày tỏ sự đê hèn, nhu nhược và là người có một tâm hồn bệnh hoạn.

 

43.Ở XA TIỄN BA LY

Có người khách đến thăm chủ nhà, chủ nhà vì sợ khách ở chơi lâu mà tốn cơm nước, thế là đưa khách đi tản bộ bên ngoài, vừa đi vừa nói:

-         “Hôm nay không giữ anh lại ăn cơm, nhưng người xưa nói rất đúng rằng: “ở xa tiễn ba ly” ! Tôi phải tiễn anh mấy dặm đường”, nói xong thì vẫn sợ khách không muốn đi, nên nắm tay áo của khách vội vội vàng vàng kéo thẳng ra bên ngoài.

Người khách bị kéo té lên té xuống, bèn cười ha ha nói:

-         “Chậm chút nào, chậm chút nào, tôi uống không nổi ba ly vội vàng của anh đâu !”

 

Suy tư 106:

      Khách đến nhà không phải để ăn cơm của chủ nhà, nhưng là để kết thêm tình bạn bè, là để thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa khách với chủ nhà.

     Vì tính toán hơn thiệt nên có những lúc chúng ta đánh mất tình bạn bè; vì ích kỷ nên có những lúc chúng ta làm cho bạn bè xa cách mình; vì tâm hồn hẹp hòi nên có những lúc chúng ta nghi ngờ đố kỵ tha nhân.

     Thời nay người ta bàn chuyện làm ăn trên bàn tiệc, người ta bàn chuyện mánh mung cũng trên bàn tiệc, người ta bàn chuyện hại người cũng trên bàn tiệc, người ta bàn chuyện chém giết nhau cũng trên bàn tiệc...

Nhưng cách đây hơn hai ngàn năm, trên bàn tiệc với các môn đệ của mình, Đức Chúa Giê-su đã ban cho các ông một giới răn mới, Ngài nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”[4].

Đó chính là bàn tiệc yêu thương và hiến mạng sống mình vì yêu; đó là bàn tiệc yêu thương và sẽ tiếp diễn lại mọi giây phút trên thế gian này trên các bàn thờ của người công giáo, nơi bàn tiệc này, tất cả những người Ki-tô hữu đều được ăn và uống bánh rượu yêu thương là Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su.

Đừng tiếc với bạn bè một bữa cơm, cũng vậy, người Ki-tô hữu không thể coi thường bàn tiệc thánh mà bỏ không đến tham dự, bởi vì nơi bàn tiệc thánh này, chúng ta được mời gọi dùng yêu thương xóa bỏ hận thù...

 

44.MONG CHÁU NỘI GIẬN DỮ

Có một đứa con bất hiếu, thường vung tay đánh bố của nó, nhưng, bố của nó lại đặc biệt yêu thương đứa cháu của mình, ngày ngày ẳm nó không rời tay.

Hàng xóm nhìn thấy ông ta làm như thế thì vừa kính phục vừa đồng tình, thế là họ an ủi ông ta, nói:

-         “Ông thật là một người đằm tính, dù con trai bất hiếu, nhưng ông vẫn cứ yêu thương thằng cháu nội”.

Ông già trả lời:

-         “Ý tôi thì không phải như thế, tôi chỉ mong thằng cháu nội mau lớn để thay tôi đánh lại ba nó mà thôi”.

 

Suy tư 107:

     Con bất hiếu là nỗi nhục nhằn của bố mẹ và là mối nguy hiểm cho xã hội, bởi vì không một đứa con nào bất hiếu với cha mẹ, mà trở thành người có ích cho xã hội, cho cộng đoàn.

     Ngày nay khoa học tìm ra nhiều nguyên nhân đưa đến bệnh hoạn, trong đó có nguyên nhân di truyền từ cha mẹ anh chị em, như bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường và những bệnh khác...

“Bệnh” bất hiếu cũng có cái gen di truyền của nó:

-      Bây giờ mình bất hiếu với cha mẹ mình, thì sau này cũng sẽ có một đứa con bất hiếu lại với mình.

-      Bây giờ mình vung tay đánh bố mẹ mình, thì ngày sau cũng sẽ có một đứa con vung tay đánh lại mình.

-      Bây giờ mình bỏ mặc cha mẹ mình đói khát, thì ngày sau nhứt định sẽ có một đứa con bỏ mình đói khát.

-      Bây giờ mình coi thường cha mẹ mình, thì ngày sau sẽ có đứa con coi thường lại mình...

Và quan trọng hơn, bất hiếu với cha mẹ thì chắc chắn sẽ không được Thiên Chúa chúc phúc đời này và đời sau.

Khi con trai bất hiếu với mình mà mình vẫn yêu thương cháu nội với chủ ý cải hóa con trai, thì đó là việc tốt lành đạo đức; nhưng nếu chỉ là giả vờ yêu thương với hy vọng đứa cháu lớn lên sẽ thay mình đánh lại bố nó, thí quả là ý tưởng của ma quỷ. Không cần phải cầu mong cháu nội lớn lên sẽ thay mình đánh bố nó, bởi vì bất hiếu là một gen di truyền.

Không một bác sĩ nào có thể chữa được bệnh bất hiếu này, nhưng chỉ những ai biết cầu nguyện, biết thực hành Lời Chúa, biết ăn năn và sám hối, biết cậy vào ân sủng của Chúa thì mới chữa lành được bệnh di truyền bất hiếu này mà thôi.

 

45.MƯỢN BÒ

Có người muốn mượn của phú ông một con bò nên viết một tờ cam kết và kêu người đi mượn bò. Phú ông nhận tờ giấy cam kết, mặc dù không biết chữ, nhưng vì trước mặt khách nên cũng làm bộ ta đây biết chữ, cầm tờ giấy cam kết coi lại lần nữa, gật gật đầu, rồi nói với người đến mượn bò:

-         “Biết rồi, đợi chút xíu nữa ta tự mình đi là phải rồi”.

 

Suy tư 108:

     Sĩ diện đúng nơi đúng chỗ thì làm cho người khác nể trọng mình, nhưng sĩ diện không đúng nơi đúng chỗ thì tự nhiên bị hố và làm trò cười cho thiên hạ, và bày ra cái dốt của mình. Không biết chữ thì nhờ người khác đọc giùm, đó chính là khiêm tốn chân thật, sự khiêm tốn này không làm cho mình mất danh giá, trái lại làm tăng lên lòng quý trọng nơi người khác.

     Người vì sĩ diện thì có hai loại, loại thứ nhất là loại tiêu cực:

-         Vì sĩ diện mà có những người giấu cái dốt của mình suốt đời, nên cuộc sống của họ không mấy khi vui vẻ; vì sĩ diện nên có những người tuy làm quan lớn, nhưng không bao giờ dám nói chuyện trước đám đông, vì sợ lòi cái dốt của mình; vì sĩ diện mà có một số người luôn khoe khoang mình thế này thế nọ, để che lấp cái dở cái dốt của mình...

Loại thứ hai là loại tích cực:

-         Có người vì thấy mình không bằng ai, nên quyết tâm vì sĩ diện mà cố gắng tìm tòi nghiên cứu; có người học không nhiều như người khác, nhưng vì sĩ diện nên cố công học hỏi tìm tòi qua sách vở, qua báo chí, qua người khác; lại có người vì sĩ diện với chức vụ mình đang có, nên khiêm nhường học hỏi nơi những người có kinh nghiệm hơn mình...

Người ta đến mượn con bò của mình, nhưng vì không biết chữ lại vì sĩ diện, nên tự mình làm bò cho người khác mượn, ha ha ha...

Sĩ diện không đúng chỗ đúng nơi thì quả là làm hại mình vậy.

 

46.CON RẬN

Người nọ khi tán dóc với bạn bè thì vô tình bắt được con rận từ trên thân mình, và cảm thấy rất là mắc cở, nhưng lại giả bộ không có gì xảy ra để giữ thể diện, thế là anh ta đem con rận quăng xuống đất và cố ý nói:

-      “Tôi tưởng là con rận chứ !”

Nhưng, người bạn ngồi đối diện ấy rất tỉ mỉ, cúi xuống đất oai oái nói:

-      “Tôi cho rằng không phải con rận !”

 

Suy tư 109:

     Con người ta dù xấu hay tốt, dù lương thiện hay không lương thiện, thì cũng đều thích người khác đối xử chân thật với mình, bởi vì không một ai muốn mình bị lừa cả.

     Có những điều bình dị trong cuộc sống làm cho con người ta thoải mái hơn, đó là sống chân thành với nhau; có những lời nói trong cuộc sống làm cho con người thân thiện với nhau hơn, đó là lời nói khuyến khích nhau cùng thăng tiến; có những thái độ trong cuộc sống làm cho con người nhận ra mình là anh em với nhau, đó là thái độ phục vụ vô vị lợi...

     Vì thể diện trong chốc lát mà không dám nói là con rận trên thân mình, nhưng khi bị người khác phát hiện mình nói dối, thì sự xấu hổ sẽ cứ đeo đuổi mình mãi mãi.

     Lời dạy của Chúa Giê-su dạy vẫn mãi mãi áp dụng cho mọi người qua mọi thời đại: “Nhưng hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ”[5].

 

47.THẾ CƯỠI HỔ

Có một người đang đi trong núi, đột nhiên nhìn thấy một con hổ, bèn vội vàng trèo lên trên cây cao. Con hổ phóng đến dưới gốc cây vừa rú vừa gầm, người trên cây rất sợ hãi nên rơi xuống, không ngờ, rơi xuống không ngả bên phải hay bên trái, mà lại rơi đúng ngay trên lưng con hổ. Do đó mà anh ta ôm chặt lấy thân hổ, mặc cho con hổ chạy.

Có người nhìn thấy không hiểu nguyên nhân thì cho rằng anh ta dám cưỡi trên lưng hổ, nên rất cảm phục, nói:

-         “Coi người ta cưỡi trên lưng hổ kìa, vui vẻ giống như thần tiên vậy !”

Người nằm rạp trên lưng hổ nói:

-         “Các ông chỉ nhìn thấy tôi oai phong vui vẻ cưỡi trên lưng hổ, nhưng đâu có biết tôi muốn xuống mà không xuống được, trong lòng thật sợ hãi vô cùng”.

 

Suy tư 110:

     Ở đời có những người thấy người khác đi xe hơi ở nhà lầu thì ham, và trong lòng nghĩ rằng những người ấy là hạnh phúc, và ước mong mình cũng được như vậy. Nhưng họ không biết rằng có những người ở nhà cao cửa rộng, ăn toàn là cao lương mỹ vị, ra khỏi nhà là có xe đưa đón, nhưng trong lòng thì bất an, ngủ không yên, vui không trọn vẹn, và ngồi trên xe thì như ngồi trên đống lửa, ăn toàn cao lương nhưng giống như ăn đá sỏi, ở nhà cao mà như ở trong nhà tù. Tại sao vậy ? Thưa, bởi vì:

-      Họ ở nhà cao cửa rộng nhưng tiền xây nhà là của hối lộ tham nhũng, nên lòng họ không bình an khi ở trong ngôi nhà cao ấy.

-      Họ ăn toàn thức ăn cao lương mỹ vị, nhưng những thứ cao sang đó là do ăn chặn ăn cướp của những người nghèo, nên họ cảm thấy đắng họng rát miệng khi ăn.

Người cưỡi trên lưng hổ là chuyện bất đắc dĩ, nên trong lòng họ rất sợ sệt, cho nên đừng thấy họ cưỡi hổ mà nói là oai phong vui vẻ như thần tiên và muốn được như họ.

Người Ki-tô hữu khôn ngoan thì có một ước muốn mà thôi, đó là mong muốn được sống hạnh phúc trên thiên đàng với Chúa và Đức Mẹ Maria...

 

48.LẠI CÒN XIN CƠM TÔI ĐỂ ĂN SAO ?

Có hai bố con đã cách nhau lâu năm, đứa con giàu có nên cuộc sống thoải mái; còn ông bố thì vì tuổi cao lại hay đau ốm nên không kiếm tiền được, nên làm một người ăn mày.

Một hôm, người bố đi đến trước cửa nhà đứa con để ăn xin, có người nhận ra ông ta bèn chỉ ông ta và nói với con trai:

-         “Người này không phải là bố của anh sao, tại sao anh không quan tâm chăm sóc cho bố mình vậy ?”

Đứa con trai trả lời:

-         “Mặc dù ông ta sinh ra tôi, nhưng tôi không ăn cơm của ông ta là may lắm rồi, cơm ông ta thì ông ta ăn, lẽ nào lại còn muốn tôi lo cho ông ta ăn nữa hay sao ?”

 

Suy tư 111:

     Cái bất hiếu không phải hệ tại trong hành động không đúng với cha mẹ mình mà thôi, nhưng còn ở trong lời nói của mình nữa, bởi vì có những đứa con vẫn chăm sóc cho cha mẹ mình, nhưng trong lòng thì vẫn cứ lẩm bẩm than thở, và có khi đem những lời than thở này đi nói cho người khác nghe.

     Người xưa có câu: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”, hoặc là: “cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”.

     Có những con trai có hiếu với cha mẹ, nhưng con dâu thì lại chì chiết tiếng to tiếng nhỏ với mẹ chồng; có những con gái rất có hiếu với cha mẹ, nhưng con rễ thì ngăn cấm vợ mình không được thường xuyên về thăm cha mẹ ruột. Từ những hoàn cảnh đó nên có những cha mẹ trở thành người cô đơn giữ bầy con, đau khổ không biết tò cùng ai...

     Thiên Chúa rất vui lòng ban ơn cho những đứa con có hiếu với cha mẹ mình, bởi vì cha mẹ là những người thay mặt Ngài sinh thành dưỡng dục họ, để họ trở nên những con người có ích cho xã hội và cho Giáo Hội.

     Điều răn thứ tư của Thiên Chúa dạy con người là “thảo kính cha mẹ”.

    

49.NGƯỜI CÂM NÓI

Có một người ăn xin giả làm người câm ngồi trên hè phố xin tiền. Một hôm, người câm cầm hai xu tiền vào trong quán mua rượu uống, nhìn bát rượu nói:

-      “Cho tôi thêm chút nữa.”

Chủ tiệm kinh ngạc hỏi:

-         “Trước đây anh thường đến và không biết nói, tại sao hôm nay anh nói được ?”

Người câm nói:

-         “Trước đây không có tiền thì làm sao tôi nói được, hôm nay có hai xu tiền thì tự nhiên biết nói !”

 

Suy tư 112:

     Thời nay có nhiều người giả câm giả điếc làm người ăn mày; thời này có những người giả làm người tàn tật để đi ăn xin lòng thương hại của người khác; thời nay có những người nhẫn tâm bẻ gãy chân con nhỏ của mình rồi ẳm nó đi ăn xin…

     Lòng nhân của con người thì không có thiếu, nhưng có những lúc lòng nhân ấy bị chai cứng vì sự giả dối của những người vô lương tâm, họ làm biếng lao động, tạo ra một vài hoàn cảnh thương tâm để moi tiền người khác…

     Giả câm để ăn mày lòng thương hại của người khác thì không ai chấp nhận được.

Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, có những người giả câm để được sống thoải mái giữa những bất hạnh của tha nhân, đó chính là những người cái miệng nói rất hay, nhưng tâm hồn thì đã bị bịt kín bởi những danh vọng vật chất quyền hành và dục vọng; có những người lãnh đạo giả điếc để không nghe những lời oán than của người vô tội bị họ ép bức, nhưng lại thích nghe những lời nịnh hót của những kẻ nịnh bợ, thích nghe thuộc hạ trình bày những con số lời to lớn trong những lần áp bức người nghèo để chiếm đoạt tài sản của họ…

Thiên Chúa rất mau mắn đáp trả lời của người nghèo, người bất hạnh và người bị áp bức…

     Ai hiểu thì hiểu !

 

50.DÙNG CÁI NIA CỦA NHÀ HÀNG XÓM

Có một lão bà niệm Phật, trong tay cầm chuỗi hạt vừa đếm vừa lớn tiếng niệm “a di đà phật, a di đà phật”, đột nhiên nhìn thấy con kiến trên nắp nồi cơm, lập tức nói:

-         “Nhị Hán, Nhị Hán, trên nồi có kiến, mau lấy lửa đốt chết nó !”, nói xong thì tiếp tục niệm “a di đà phật, a di đà phật”.

Qua một lúc sau, lão bà niệm Phật lại nói:

-         “Nhị Hán, Nhị Hán, mày thay tao móc tro dưới nồi ra, không nên lấy cái nia của nhà mình mà dùng, nó sẽ cháy mất. Không phải mình có mượn cái nia của nhà ông Trương Tam sao, lấy cái nia của ông ấy mà dùng nhé”.

 

Suy tư 113:

     Tụng kinh niệm Phật, đọc kinh cầu nguyện, nhưng long không tư bỏ những đam mê dục vọng, không từ bỏ ý niệm sát sanh làm hại người khác, thì tụng kình cầu nguyện chỉ vô ích mà thôi, bởi vì không thể khẩu phật tâm xà.

     Có những người Ki-tô hữu cũng sáng lễ chiều kinh, nhưng về đến nhà thì chửi chồng mắng con; có những người dâng cúng cho nhà thờ hoặc chùa chiền rất nhiều tiền bạc, nhưng trong lòng thì không hề có chút yêu Chúa mến Phật; lại có những người miệng đọc kinh, nhưng trong lòng thì luôn tìm cách hại người khác…

     Chỉ đọc kinh nơi môi miệng mà trong lòng không suy gẫm từng lời kinh mình đọc, thì vẫn cứ là cái phèng la rỗng tuếch, không biết hy sinh chính mình; chỉ đi lễ đọc kinh bề ngoài mà trong lòng không kết hợp với Chúa Giê-su, thì cuộc sống vẫn cứ là như cây khô mọc trên sỏi đá, không sinh hoa kết trái nhân đức được.

     Người yêu mến Chúa thì như cây nến hy sinh chính mình để soi sáng cho mọi người, chứ không lợi dụng người khác để soi sang cho mình.

     Ai hiểu thì hiểu !

    

51.CON RẮN VUÔNG

Có một người nói với người nọ rằng, anh ta nhìn thấy một con rắn chiều ngang mười thước, chiều dài một trăm thước. Người nọ nghe thì lắc đầu không tin. Người ấy lại nói con rắn dài còn tám mươi thước, người nghe vẫn cứ lắc đầu không tin. Người ấy càng lúc càng nói con rắn ngắn lại, cho đến khi nói con rắn ngắn còn mười thước.

Sau đó, anh ta thấy mình nói sai, bèn nói:

-         “Ái dà, không đúng, như vậy thì con rắn biến thành hình vuông à”.

 

Suy tư 114:

      Nói dối thì trước sau gì cũng lòi cái đuôi nói dối, lúc đó thì xấu hổ mắc cỡ vô cùng, chi bằng nói thật mà trong lòng an vui tự tại.

     Nói dối là bày tỏ một tâm hồn bất an và kiêu ngạo, bởi vì nói dối là để che lấp cái lỗ hổng mà mình không có, chẳng hạn như:

-      Người không biết gì về luật nhưng khi nói chuyện thì cứ lấy luật ra mà nói.

-      Người không học chuyên môn gì cả, nhưng hể mở miệng ra là nói mình giỏi cái này rành cái nọ.

-      Người học dở nhưng đi đâu cũng khoe khoang mình là học sinh ưu tú của trường này trường nọ.

Vì chức vụ hiện tại, vì danh vọng cá nhân mà có những người nói dối đủ điều mà không gượng miệng; lại có người tưởng người nghe không biết gì nên nói dối đến trơn mép miệng mà không thấy ngán.

Không có có rắn dài một trăm mét rộng mười mét, mà những con rắn như thế thì chỉ có nơi những người nói dối khoe khoang mà thôi.

 

52.CÁI HỘP THỐI

Có một quan huyện, khi nhậm chức thì thề với thần phật, nói:

-         “Nếu sau này tay phải của tôi cần tiền, thì tay trái sẽ bị thối; tay trái cần tiền thì tay phải sẽ bị thối !”

Không lâu sau đó, có người đi kiện, anh ta đem đến nhiều vàng bạc để hối lộ cho quan. Ông ta nhìn thấy vàng bạc thì rất muốn nhận, nhưng lại sợ lỗi lời thề với thần phật, thế là tự mình giải thích, nói:

-         “Ta tìm một cái hộp không, để người ấy bỏ vàng bạc vào trong cái hộp ấy, rồi ta ra lệnh cho thằng hầu mang về trong phủ, lại nữa, lúc ấy ta thề là đối với tiền, nhưng hôm nay là vàng bạc mà; huống chi ta cũng không đụng tới nó, sau này nếu có thối thì chỉ thối cái hộp mà thôi, không can gì đến ta cả, khà khà khà...”

 

Suy tư 115:

     Anh hùng khó qua được ải mỹ nhân, quan liêm khó qua được ải tiền bạc, bởi vì người ta có thể từ bỏ tất cả để được người đẹp, và người ta cũng có thể quên tất cả hiếu thảo và tình yêu để được tiền bạc. Không ai có thể qua được ải mỹ nhân và tiền bạc, nếu người đó không có ơn của Chúa giúp; không ai có thể đứng vững trước ánh mắt nụ cười và lời mời mọc của cô gái đẹp và tiền bạc, nếu người ấy không có sự xác tín sâu xa về đời sống mai sau và sự phù vân của thế gian này.

     Mỹ nhân và tiền bạc tự nó là tốt đẹp, nhưng nó sẽ trở thành độc hại cho linh hồn và làm cho thanh danh mình bị vấy bẩn, nếu chúng ta không cầu nguyện và ăn chay.

     Cám dỗ mỹ nhân và tiền bạc thì không miễn trừ một ai, do đó mà người Ki-tô hữu luôn xác tín rằng: nếu không có ơn Chúa giúp, nếu không hy sinh và hãm mình, nếu không liên lĩ cầu nguyện, thì không một ai có thể đứng vững trước cám dỗ của nó.

     Thối tay thì có thể chữa được, nhưng nếu vì mỹ nhân và tiền bạc mà linh hồn bị thối, thì khó mà cứu chữa được. Khà khà khà...

 

53.CÂU ĐỐI THỀ

Có một quan huyện, khi đến nhậm chức thì viết một câu đối dán trước cổng nhà, câu đối như sau:

“Nếu đêm tối nhận tiền bạc, trời tru đất diệt,

Nếu nghe lời sai nha nói, nam đạo nữ xướng”.[6]

Dân chúng nhìn câu đối thì cho rằng đây là ông quan liêm chính.

Nhưng ai mà biết được, ông ta rất là tham ô, chẳng hạn như: ai đưa hối lộ thì phải đưa vào ban ngày, cấm không được đưa vào ban đêm. Vả lại, những ai đi kiện cáo thì phải đích thân đưa tiền hối lộ cho ông ta, cấm không được đưa qua người tay chân thân tín của ông.

 

Suy tư 116:

      Thời nay có những cơ quan trong phòng làm việc kẻ một bảng hiệu rất lớn là “chí công vô tư”, nhưng chỉ chí công vô tư trên bức tường mà thôi, còn trong thực tế thì ai có tiền thì ưu tiên trước, ai không biết điều thì kiếm đủ lý do để hạch sách họ...

     Thời nay có những người thích dùng cái mã đẹp bên ngoài để che đậy cái xấu bên trong của mình đề đánh lừa người khác:

-      Có những người dùng cái vẻ đạo mạo của mình để che giấu hành vi mờ ám của mình khi muốn hạ bệ người khác, người ta gọi là ném đá giấu tay.

-      Có những người dùng cái vẻ hiền lành của mình để che đậy hành vi xảo trá của mình khi chuyện đó có lợi cho bản thân mình.

Ông quan huyện là một tên tham ô thối nát, nhưng lại viết câu đối hay mà có ý nghĩa để che đậy lòng tham không đáy của mình, và nhờ câu đối ấy làm bình phong mà ông ta ăn hối lộ càng trắng trợn hơn.

Đến ngày phán xét thì cái bình phong che đậy ấy sẽ bị gỡ ra, và toàn thể nhân loại đều nhìn thấy cái gian dối xấu xa của mình, bởi vì chính lúc ấy Thiên Chúa bày tỏ cho nhân loại biết Ngài là Đấng thưởng phạt rất công minh, bởi vì Ngài là Đấng công bình và chính trực.

 

54. ĐẠI TIỆN THÊM LẦN NỮA

Có một người khi đi ngang qua trước cổng thánh viện thì đột nhiên đau bụng dữ dội muốn đi đại tiện, nhìn quanh quất không có chỗ nào để đi đại tiện cả, bèn chạy về phía sau thánh viện để đại tiện. Không ngờ bị giám quan nhìn thấy và nói rằng anh ta nhục mà thánh hiền, thế là bắt anh ta áp giải đến quan huyện.

     Quan huyện hỏi anh ta:

-         “Mày là đứa dám nhục mạ thánh hiền, thật là một tội rất lớn !”

Người ấy trả lời:

-         “Tôi không dám nhục mạ thánh hiền, mỗi ngày tôi đều đi ngang qua thánh điện mấy bận, chẳng qua là hôm nay đau bụng gấp quá mà nhất thời tìm không ra nhà vệ sinh, lần sau quyết không dám nữa”.

Huyện quan đập bàn đến khiếp người, nói:

-         “Dù cho ngươi nói thế nào chăng nữa, thì người đại tiện ở nơi ấy là có tội lớn, bây giờ không đánh người thì phạt ngươi vậy !”

Người ấy rất sợ bị đánh nên tình nguyện bị phạt.

Quan huyện nói:

-         “Được, vì ngươi mới phạm lần đầu, nên tạm thời phạt một lượng rưỡi bạc, đóng ngay tại công đường”.

Người ấy lấy trong mình ra một nén bạc nhấc lên nhấc xuống ước chừng ba lượng, thế là bẩm báo với quan huyện và nói rằng, để anh ta đi ra ngoài chặt nén bạc làm đôi, rồi lập tức trở lại giao bạc.

Quan huyện nói:

-      “Đưa nén bạc cho ta xem”.

Người ấy đưa nén bạc cho quan huyện, ông ta vừa nhìn thấy, quả thật là một nén bạc, và lập tức bỏ vào trong ống tay áo mình, sau đó cười cười và nói với người ấy:

-         “Nén bạc này ngươi không cần chặt làm đôi, như lão gia ta đã nói rồi đó: cho phép ngươi ngày mai đi đến trước nhà thánh điện mà đại tiện thêm một lần nữa !”

 

Suy tư 117:

Làm quan như thế thì hết nước nói.

Làm quan như thế thì không còn gì để nói.

Làm quan như thế thì hại dân hại nước.

Làm quan như thế thì đạo lý bị đảo lộn.

Làm quan như thế thì luân thường bị coi rẻ.

Làm quan như thế thì không mong dân giàu nước mạnh.

Vì nén bạc mà quan coi thường nơi thờ cúng các vị thánh hiền.

Vì nén bạc sáng chói mà quan huyện bị mờ mắt, nên đem nơi chốn thờ thánh hiền cho người có tiền đi đại tiện.

Những ông quan vô lương tri này sẽ có ngày nghiến răng khóc lóc trong hỏa ngục đời đời.

Ai nghe thì hiểu !

 

55.CẮT THỊT CỨU PHỤ THÂN

Người nọ có phụ thân bị bệnh nặng, mời thầy thuốc đến khám bệnh, thầy thuốc nói:

-         “Bệnh tình rất nặng không thể cứu được nữa, trừ phi có đứa con hiếu thảo cắt thịt mình cám ơn trời đất, mới có thể cứu được sống”.

Đứa con trai nghe như thế thì liên tục nói: “Việc ấy không khó, việc ấy không khó”. Sau đó lấy cây đao và đi ra khỏi nhà.

Lúc ấy là mùa hạ, có một người lõa thân nằm ngủ dưới gốc cây, đứa con trai ấy đi về phía người ấy, chặt một nhát đao nơi bắp vế của người ấy và cắt đi miếng thịt, người ấy đau quá nhảy đựng lên hét lớn, đứa con trai vội vàng xua tay nói:

-         “Đừng la, đừng la, cắt miếng thịt cứu bố mẹ, lẽ nào anh không biết đó là việc tốt nhất trong thiên hạ sao ?”

 

Suy tư 118:

      Cắt thịt mình để cứu bố mẹ là việc làm hiếu thảo, nhưng cắt thịt mình thì mới có giá trị, chứ đi cắt thịt của người khác thì không những không có hiếu, mà còn phạm tội hủy hoại thân thể của người khác.

     Thời nay có những đứa con cũng đi cắt thịt người khác để báo hiếu cha mẹ mình:

-      Đó là những đứa con bỏ tiền ra thuê người thay mình chăm sóc cha mẹ già của mình, còn mình thì rảnh tay chén tạc chén thù với bạn bè mà ít khi về nhà hỏi thăm cha mẹ.

-      Đó là những đứa con ỷ mình có tiền bạc hơn các anh chị em khác, nên khoáng trắng cho anh chị em trong nhà chăm sóc cha mẹ với lý do: không có công thì có của.

Cắt thịt mình có hai nghĩa: nghĩa đen là cắt thịt mình thật để cứu cha mẹ, nghĩa bóng là mình chịu hy sinh thức khuya dậy sớm để chăm nom cha mẹ già như: tắm rửa, mớm cơm, thay áo quần.v.v...

Cắt thịt mình mới có giá trị, chứ cắt thịt người khác thì chẳng có ý nghĩa gì cả, mà lại thêm phạm pháp...

     Chúa Giê-su không những hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, mà con ban thịt máu mình làm của ăn nuôi sống Giáo Hội và những kẻ tin vào Ngài.

 

56.SÁCH LÀ DO IN MÀ CÓ

Nhà nọ có một đứa con trai rất thích ham chơi mà không thích đi học.

Bố của nó rất tức giận nên nhốt nó trong nhà, ngay cả cơm cũng đưa vào trong cho nó ăn, cấm nó không được đi ra khỏi nhà, kêu nó dùng con mắt mà nhìn từng con chữ, dùng trí óc để nhớ từng chữ và suy nghĩ từng câu, hy vọng ở trong nhà nó cảm nghiệm được đọc sách là có lợi cho nó.

Cứ như thế qua được ba ngày thì ông bố đến thăm nó, hỏi nó đọc sách mấy ngày có tiến bộ không ?

Đứa con vui vẻ phấn khởi trả lời ba nó:

-         “Ba giáo huấn con thật chu đáo, đọc sách thật có nhiều lợi ích, con chỉ mới đọc ba ngày mà thôi mà trong lòng hiểu rất rõ ràng”.

Ông bố nghe như thế thì rất đắc ý, sau đó lại hỏi nó:

-         “Những lời bố nói với con, con hiểu những gì nào ?”

Con trai nói:

-         “Trước đây con vẫn cứ cho rằng sách đều là dùng bút lông mà viết; ba ngày nay con nhìn thật kỷ mới biết từng trang sách đều do nhà in xuất bản”.

 

Suy tư 119:

     Có những phụ huynh dạy con cái cách tiêu cực: con đi học về thì nhốt con trong nhà không cho chúng nó ra ngoài, bắt chúng nó không rời sách vở, kết quả là con cái có những bất mãn âm thầm, những chống đối âm thầm, và có khi bị trầm uất, sinh bệnh học hành không tiến bộ…

     Có những phụ huynh lại để con cái rất tự do, chỉ cần nó đến trường thì muốn gì được nấy, muốn đi đâu thì đi, muốn chơi thì thì chơi, thế là con cái trở giống như những con ngựa không cương, đến khi muốn hãm lại cũng không được…

     Cha mẹ phải đặt Chúa Giê-su vào trung tâm cuộc sống của gia đình, để Ngài trở thành mục đích của cha mẹ trong việc dạy dỗ con cái; phải đặt Chúa Giê-su vào trong sinh hoạt của gia đình, để Ngài trở thành niềm vui cho con cái khi chúng nó học hành, khi vui chơi, khi cầu nguyện. Bởi vì chính Ngài là một người trong trong gia đình Na-da-rét, là một học trò  khi ngồi nghe các thầy thong luật giảng dạy, là một người lao động trong xưởng mộc của Giu-se, và là thầy dạy mọi người khi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời.

     Lìa xa Chúa Giê-su thì mọi cố công đều vô ích mà thôi.

 

57.NGHE TIẾNG CHUÔNG

Cạnh con sông có một cái chùa, có một hòa thượng đang tụng kinh trước điện Phật, đột nhiên nghe tiếng chuông trên góc chùa ngân vang, bèn kêu độ đệ đến hỏi:

-         “Đệ tử, đệ tử, tiếng chuông rất gấp, gió rất mạnh, trên sông nhất định có thuyền bị chìm. Thầy ở đây niệm kinh bái Phật không có thời gian đi, con thay thế thầy đi đến đó coi như thế nào, có thể kiếm chác một vài thứ gì đó, nếu có người bị chìm thì bất tất phải để ý đến”.

 

Suy tư 120:

     Miệng tụng nam mô nhưng trong lòng thì đầy ắp những mưu mô hại người, ăn cướp của người, thì chắc chắn không thể được siêu thoát, bởi vì người “khẩu phật tâm xà” thì không bao giờ được đắc đạo, và việc siêu thoát thì thật là xa vời đối với họ.

     Công việc của các linh mục là cử hành thánh lễ, giảng dạy, ban các bí tích, cầu nguyện và làm việc bác ái, từ chối hoặc miễn cưỡng làm những điều đó là tự mình phản bội lại với thiên chức linh mục mà Thiên Chúa chọn với sự đồng ý của mình; biếng nhác thi hành chức vụ và ích kỷ không thực hành bác ái là người linh mục chỉ có “cái mã” linh mục mà không có tâm hồn của linh mục.

     Hòa thượng miệng thì tụng kinh nhưng lòng thì để trên sông với của cải của chiếc thuyền bị chìm, lại còn dạy đệ tử làm việc thất đức, như thế thì tụng kinh suốt đời cũng không được siêu độ.

     Cầu nguyện là gốc rễ, thực hành bác ái là cây và cành của đời sống linh mục cũng như của người Ki-tô hữu, không cầu nguyện thì việc làm bác ái chỉ là hình thức khoe khoang mà thôi...

 

58.CƠM GẠO ĐỎ

Có người nọ phụ thân mới chết nên gia đình mới ầu ớ ăn một bữa cơm gạo đỏ, nhưng bị một ông già nhìn thấy, ông già bèn trách:

-         “Màu đỏ là màu vui vẻ, trong nhà có việc tang chế thì tại sao lại ăn cơm gạo đỏ ?”

Người ấy trả lời:

-         “Nhà các ông toàn là ăn cơm gạo trắng cả, thì lẽ nào trong nhà đều có tang chế hay sao ?”

 

Suy tư 121:

Có tang chế hay không có tang chế thì cũng phải ăn cơm để mà sống, cho nên cơm gạo đỏ hay cơm gạo trắng thì liên quan gì đến tang chế chứ, chỉ có những người hay ngợm mình mới lý lẽ như thế mà thôi. Người hay bắt lý bắt lẽ thì nới nào và lúc nào cũng có thể lý sự bắt bẻ người khác, họ thường tìm đủ lý do để chỉ ra khuyết điểm của người khác.

Tại sao vậy ? Thưa, là vì họ muốn cho mọi người thấy sự hiểu biết “uyên bác” của mình, và đó cũng là một kiểu kiêu ngạo tự khoe mình.

Người tự nhận mình đạo đức hơn người, tức là kiêu ngạo, thì thường khó chịu trước việc làm của người khác không giống như mình, cho nên sinh ra bắt lý bắt lẽ, phê bình và chỉ trích. Người đạo đức chân chính thì luôn tự nhận mình là người bất toàn, tội lỗi, nhiều khuyết điểm, cho nên họ không khó chịu trước khuyết điểm của người khác, trái lại họ cầu nguyện cho mình và cho người khác.

Thấy bà con bạn bè ăn cơm trắng gạo đỏ mà không ăn khoai lang khoai mì nữa thì nên mừng cho họ; thấy người khác đạo đức tốt lành thì khuyến khích họ và vui mừng cho họ.

Phê bình, lý lẽ là bày tỏ một tâm hồn kiêu ngạo và bất ổn.

 

59.CHÓ CẮN

Có người hỏi người ăn mày:

-      “Tại sao chó nhìn thấy anh liền cắn anh ?”

Người ăn mày trả lời:

-         “Giả như tôi có mấy cái áo mới để mặc, thì con súc sinh ấy cũng sẽ tôn trọng tôi !”

 

Suy tư 122:

Người nghèo thì đi đâu cũng bị khinh dễ.

Nhưng có một loại người sống nghèo khó mà không ai dám khinh chê, không ai dám sỉ nhục họ, đó là những linh mục, những tu sĩ nam nữ của Giáo Hội Công Giáo, họ nghèo khó không phải vì họ làm biếng làm việc, họ nghèo khó không phải vì thiếu trình độ không kiếm được việc làm, họ nghèo khó không phải vì họ là những người cù bơ cù bất, nhưng chính là họ tự nguyện sống nghèo vì lý tưởng Tin Mừng, vì Chúa Giê-su và vì mọi người, cho nên họ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và bình an trong cuộc sống nghèo khó của mình. Khi họ tự nguyện sống nghèo khó vì Phúc Âm, là lúc họ giàu có nhất, bởi vì họ có được gia tài khổng lồ bất diệt là Thiên Chúa, vì Ngài chính là gia tài là gia nghiệp của họ.

Người ta sẽ khinh chê và coi thường các linh mục và các tu sĩ nam nữ, khi các vị ấy giàu có vật chất và sống hưởng thụ như những người khác, bởi vì Chúa Giê-su đã tự nguyện sống nghèo khó, thì các môn đệ của Ngài –giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân- cũng phải noi gương Thầy chí thánh của mình mà sống tinh thần nghèo khó của Tám Mối Phúc vậy.

Dễ sa ngã nhất là các linh mục giàu có, dễ lỗi lời khấn nhất là những tu sĩ sống hưởng thụ, bởi vì ma quỷ thích “cắn” những người giàu có và sống hưởng thụ. Ha ha ha…

 

60.THƠ CON HỔ

Có một người mở miệng khoe: “Tôi có đọc qua một bài thơ rất tuyệt vời, đó là bài thớ nói về con hổ, bài thơ chỉ có bốn hàng mà thôi nhưng miêu tả được một con hổ sống động, thật là một bài thơ có một không hai”.

Người bên cạnh nói:

-         “Anh đừng có mà khoe khoang nó được không, trước hết anh đọc bài thơ ấy cho chúng tôi nghe đã nào”.

Người ấy trả lời:

-         “Câu đầu cái gì cái gì là hổ, câu thứ hai là cái gì cái gì khổ nhỉ ?”

Người bên cạnh hỏi:

-         “Được rồi, cho dù hai câu đầu anh không nhớ nỗi, thì anh đọc hai câu cuối vậy”.

Người ấy lấy tay vỗ vỗ trên đầu rất lâu, đột nhiên làm như nhớ được rồi, bèn nói:

-         “Câu thứ ba thì nói thật tôi không nhớ nổi, nhưng câu thứ tư thì nhớ rõ ràng, đại khái là: rất là lang sói”.

 

Suy tư 123:

     Có những người mở miệng là thích nói thơ văn, dù rằng mình không biết làm thơ viết văn; có người hể mở miệng là thích phê bình lý luận bài giảng của cha này hay của cha kia dở, bởi vì tâm hồn họ dầy những kiêu ngạo; lại có người hể mở miệng là nói mình là một linh mục ưu tú, là học sinh xuất sắc hồi còn đi học.

     Khoe mình biết một bài thơ hay tuyệt, nhưng lại không nhớ nổi một câu thơ nào cả thì làm sao biết là thơ hay tuyệt, chẳng qua đó là vì cái tật thích nổ mà thôi; khoe mình là một linh mục xuất sắc nhưng cứ chê bai giáo dân mình là dân quê không biết gì, làm cho giáo dân tránh mình, thì có phải xuất sắc không, chẳng qua đó là khoe khoang kiêu ngạo mà thôi.

     Biết thưởng thức một bài thơ hay thì chắc chắn phải thuộc nằm lòng bài thơ ấy; biết mình là một linh mục xuất sắc thì chắc chắn phải làm cho giáo dân yêu mến tôn trọng mình, không phải vì trình độ, nhưng là vì lòng khiêm tốn đạo đức của mình, đó chính là sự xuất sắc vậy.

“Ai nâng mình lên thì bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nhắc lên”, đây không phải là lời của ma quỷ hay là thơ miêu tả con hổ, nhưng là lời của Chúa Giê-su đưa ra hai lối sống và hai đường đi cho nhân loại, đó là khiêm nhường và kiêu ngạo, thiên đàng và hỏa ngục.

 

61.CÁM ƠN CHÂU CÔNG

Một cô dâu chuẩn bị về nhà chồng (xuất giá) khóc hu hu hỏi chị dâu:

-      “Ai định ra việc hôn nhân ?”

Chị dâu trả lời:

-      “Châu Công”.

Cô dâu lập tức mở miệng mắng Châu Công.

Đợi đầy tháng thì cô dâu trở về nhà mẹ, gặp chị dâu bèn hỏi Châu Công ở đâu, chị dâu cảm thấy kỳ lạ bèn hỏi lại:

-      “Em tìm ông ta có chuyện gì không ?”

Cô dâu mặt mày hớn hở trả lời:

-         “Em muốn tự mình đan một đôi giày để cám ơn ông ta”.

 

Suy tư 124:

     Bí tích hôn phối là bí tích do Chúa Giê-su lập ra, để ban cho hai người Ki-tô hữu nam và nữ được tràn đầy ân sủng của Ngài, để họ chu toàn bổn phận làm chồng làm vợ và làm cha làm mẹ trong gia đình của mình.

     Do đó, hôn nhân là niềm vui, là hạnh phúc không những cho đôi vợ chồng trẻ, mà còn cho mọi người trong gia đình và bạn bè nữa.

     Hôn nhân như thang thuốc bắc uống vào thì thấy đắng: cho nên có người vừa uống vào thì vội vàng nhổ ra khỏi miệng, vì họ không kiên nhẫn và cũng không hiểu tác dụng của thuốc bắc; có người uống vào thì thấy đắng nhưng vẫn cứ nuốt xuống, bởi vì họ biết kiên nhẫn và hiểu tác dụng vị đắng của thuốc bắc.

     Trong đời sống hôn nhân đôi vợ chồng cần phải có sự kiên nhẫn, và hiểu rõ giá trị hôn nhân gia đình chính là hạnh phúc, mà hạnh phúc này cần phải nêm qua những đắng cay trong cuộc sống vợ chồng. Ai hiểu được như thế thì đồng thời họ cũng nắm vững được hạnh phúc gia đình.

     Hôn nhân là do Thiên Chúa lập ra và được Chúa Giê-su nâng lên hàng bí tích, chứ không phải do ông Châu Công nào cả, do đó việc trước tiên phải cám ơn là cám ơn Thiên Chúa, người Ki-tô hữu nhất định phải biết điều ấy.

 

62.CƯỠI GÀ MÀ VỀ

Có một người được mời đến nhà người khác làm khách, chủ nhà dọn ra trên bàn toàn là rau, khách trong bụng không vui. Chủ nhân xin lỗi nói:

-         “Nhà nghèo lại xa chợ, không thể đi mua thịt được”.

Khách nói:

-         “Vậy thì giết con la tôi đang cưỡi để uống rượu vậy !”

Chủ nhà nói:

-      “Giết con la thì anh lấy gì mà đi về ?”

Khách lấy tay chỉ con gà đang đứng trước bậc thềm nhà, nói:

-      “Tôi mượn anh con gà ấy để cưỡi về nhà vậy !”

 

Suy tư 125:

     Người lịch sự khi được mời làm khách thì không đòi hỏi gì cả, ít là thái độ bên ngoài, nhưng người chỉ biết ăn uống hơn tình bè bạn, thì thường chỉ trích và phê bình…

     Người Ki-tô hữu được mời đến tham dự bàn tiệc thánh, mời đây không có nghĩa là khách, nhưng là như những người thân trong đại gia đình của Giáo Hội, là những bạn hữu của Chúa Giê-su, cho nên khi đi tham dự thánh lễ và rước Thánh Thể, thì đồng thời họ cũng được sự sống của Chúa Giê-su trong con người của họ. Tuy nhiên, hiệu quả ân sủng mà họ lãnh nhận được từ nơi bàn tiệc thánh, đều tùy thuộc vào lòng họ yêu mến Chúa Giê-su nhiều hay ít mà thôi.

     Thông thường không ai tham dự bàn tiệc thánh mà đi xuống hỏa ngục, nhưng “cưỡi” ân sủng Chúa mà lên trời. Chỉ những ai mắc tội trọng mà cố tình đi rước lễ thì mới “cưỡi gà” đi xuống hỏa ngục mà thôi.

 

63.HÒA THƯỢNG VÀ THƯ SINH

Có một thư sinh đi vào trong chùa, các hòa thượng đều đứng lên, chỉ có một hòa thượng vẫn cứ ngồi bất động, thư sinh hỏi:

-      “Tại sao ông vẫn cứ ngồi mà không đứng dậy ?”

Hòa thượng ấy trả lời:

-         “”Đứng dậy” là “không đứng dậy”, “không đứng dậy” là “đứng dậy”.

Thư sinh nghe xong thì không nói lời nào, lấy cây thước gõ trên đầu hòa thượng. Hòa thượng xoa xoa đầu, nói:

-      “Tại sao ông đánh tôi ?”

Thư sinh trả lời:

-         “”Đánh” là “không đánh”, “không đánh” là “đánh”.

 

Suy tư 126:

     Có bài hát nói” con gái nói có là không, nói không là có, con gái nói yêu là không yêu, nói không yêu là yêu”, là bởi vì con gái sống nghiêng về tình cảm hơn, mà tình cảm khi đang yêu thì e lệ ấp úng, tâm thần bất định nên lộn xộn khi đứng trước đối tượng yêu thương của mình...

     Đức tin của người Ki-tô hữu không phải là tình cảm của cô gái mới yêu, nhưng là một quá trình thử thách và chọn lựa yêu Thiên Chúa là Đấng vô hình Đấng mà mình không thấy, nhưng nhưng hữu hình qua Giáo Hội của Ngài và các môn đệ của Ngài mà thôi. Cho nên đức tin ấy cần phải nói có nếu có và nói không nếu không, chứ không thể “nói có là không và nói không là có” được.

     Có một vài người Ki-tô hữu vì miếng cơm manh áo, vì chức quyền lợi lộc mà nói mình không có đạo hoặc che giấu niềm tin tôn giáo của mình, mặc dù họ là người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội...

     Chúa Giê-su đã dạy chúng ta rằng: có thì nói có, không thì nói không; và trong sách Khải Huyền Ngài cũng dạy chúng ta rằng: “Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi ! Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”[7].

    

64.NÓI CHUYỆN PHIẾM

Nhiều người tụ họp nhau lại đàm luận chuyện trời xa trời gần, ai nấy đều có ý riêng của mình, giằng co không ai nghe ai. Một người nông phu trong thôn giải thích:

-         “Trời và đất cách nhau khoảng ba, bốn trăm cây số mà thôi, từ đất lên đến trời nếu đi bộ thì bốn ngày là tới nơi, đi nhanh thì ba ngày là tới, đi về sáu bảy ngày là dư sức. Tại sao các ông cứ cãi cọ tranh nhau như thế hử ?”

Mọi người đều hỏi anh ta căn cứ vào đâu mà nói như thế ? Người ấy trả lời:

-         “Ái dà, lẽ nào các ông không nhìn thấy dân gian đưa ông táo về trời sao ? Ngày hăm ba tháng chạp thì tiễn ông ta lên thiên đình, đến ba mươi tháng chạp thì nghinh đón ông ta trở về, từ ngày hăm ba đến ngày ba mươi không phải là bảy ngày sáng sủa sao, nếu tính ngày đi ngày về thì độ dài khoảng ba bốn trăm cây số mà thôi, có gì là xa chứ ?”

Mọi người nghe xong không hẹn mà cười lớn lên, nói với người trong thôn ấy:

-         “Anh nói có chút lý lẽ đấy, đúng là có thể “nói trời” rồi đấy, ha ha ha”.

 

Suy tư 127:

     Khi một ai đó nói chuyện khoác lác khoa trương thì người ta nói họ “nói trời nói đất”. Nói trời nói đất là nói chuyện không có thật, không căn cứ vào đâu, khoe khoang quá đáng…

     Khoác lác nhất là ma quỷ, khi cám dỗ con người ta thì nó nói trời nói đất: nói không có Trời, mà nếu có thì Trời không trừng phạt ai đâu, vì Trời rất nhân lành; nói đất thì nó nói Trời dựng nên mọi sự cho ta hưởng dùng, cứ hưởng thụ ăn chơi cho thỏa, vì sống mà không hưởng thụ thì uổng cả cuộc đời.v.v…

     Khoác lác thứ nhì là những đệ tử của ma quỷ, họ là những người kiêu căng hợm hỉnh, coi mình là cái rốn của vũ trụ, là cái cốt lõi của anh chị em trong cộng đoàn, là tự nhận mình là người giỏi hơn mọi người…

     Thiên Chúa nói rằng: trời với đất cách xa nhau như thế nào, thì ý nghĩ của Ngài và con người cách xa nhau như thế, tức là trời và đất thì cách xa nhau rất xa. Nhưng đối với người Ki-tô hữu khiêm tốn thì trời và đất tuy xa nhưng lại rất gần, vì Chúa Giê-su đã nói: ai yêu mến lời của Ngài và thực hành lời Ngài, thì Ngài sẽ ở trong người ấy và người ấy ở trong Ngài.

     Đó không phải là trời quá gần với đất hay sao ?

 

65.LO CHO VĂN VƯƠNG

Có một thầy giáo đang giảng về “Châu Văn vương bị cầm tù ở Mỹ Lý, thì đau bụng rất cấp, bèn cho học trò nghỉ học. Có một học trò trở về nhà mặt mày không vui, bạn bè hỏi nguyên do, nó nói:

-         “Sáng nay nghe thầy giáo nói, Văn vương là một thánh nhân, nhưng lại bị Trụ vương bắt cầm tù, tớ tội nghiệp cho ông ta là người vô tội”.

Bạn bè nói:

-         “Văn vương bị tù không lâu thì được phóng thích, không phải bị giam lâu trong tù”.

Học trò ấy nói:

-         “Không phải tớ lo cho ông ta không được ra tù, nhưng tớ chỉ lo tối nay ông ta làm thế nào để chịu đựng được trong tù !”

 

Suy tư 129:

     Học trò không hiểu bài thì có nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nguyên nhân lớn: một là trò chậm hiểu, hai là thầy giảng không rõ ràng.

     Trò chậm hiểu mà cố gắng học thì sẽ mau hiểu, nhưng thầy giáo giảng bài không rõ ràng thì trò mau hiểu cũng sẽ thành chậm hiểu, bởi vì lời nói, thái độ và tinh thần của thầy giáo khi giảng bài rất quan trọng. Thầy giáo giảng bài vui vẻ, không dài dòng giải thích, mà chỉ chú trọng vào ý chính bài giảng, thì học trò sẽ hiểu bài nhanh, hơn là thầy giáo cứ quanh co khoe khoang mình học trường này ở ngoại quốc, mình kiến thức đầy bụng, mình khi đi học là một học sinh ưu tú.v.v... mà không chú trọng vào bài giảng thì học trò sẽ chẳng hiểu thầy giảng gì cả...

     Linh mục giảng trên tòa giảng cũng như thế: không khoe khoang mình tài giỏi, nhưng khiêm tốn đem hiểu biết của mình phục vụ dân Chúa; không so sánh mình giỏi hơn người khác, nhưng khiêm tốn giảng những gì mình cảm nghiệm được trong cuộc sống đời tu và đời thường. Giảng như thế thì giáo dân dù cố tình chê bai bài giảng hoặc cố tình không hiểu thì cũng phải thốt lên: cha giảng Lời Chúa thực tế và rõ ràng quá.

     Đó chính là hồng ân của Chúa, và giáo dân khỏi lo cho cha sở...không biết giảng vậy.

    

66.VIỆC KHẨN CẤP

Có một công văn cần gởi gấp đến huyện phủ, do đó mà giao cho lịnh sứ phi mã đưa đi gấp, nhưng lịnh sứ lại không biết cưỡi ngựa nên dắt ngựa đi. Có người hỏi anh ta:

-         “Đây là việc khẩn cấp tại sao anh không cưỡi ngựa ?”

Lịnh sứ trả lời:

-         “Tôi nghĩ sáu cái chân cùng đi thì nhanh hơn bốn chân !”

 

Suy tư 129:

     Có những việc mà có nhiều người cùng làm thì làm rất nhanh, chẳng hạn như xây dựng công trình, nếu chỉ một vài người thôi thì công trình không nhanh được, đó là nhờ sự đồng nhịp, gọi nôm na là đoàn kết; có những việc mà không cần nhiều người làm, như việc lãnh đạo, bởi vì trong cộng đoàn nếu có nhiều người lãnh đạo thì loạn xà ngầu, không nhất quán, gọi nôm na là chia rẻ.

     Giáo Hội Công Giáo có một đặc tính quan trọng nhất đó là sự duy nhất: duy nhất trong hiệp thông, duy nhất trong giáo lý, duy nhất trong phụng vụ, duy nhất trong đức tin, bởi vì họ chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Phép Rửa, bởi vì họ ăn cùng một tấm Bánh và uống cùng một Chén thánh (Mình Máu Thánh Chúa Giê-su)…

     Con ngựa có bốn chân, là khối duy nhất, nghĩa là đoàn kết nên chạy rất nhanh; nhưng nếu con ngựa cộng thêm với con người cùng đi hai chân là sáu chân thì lại đi rất chậm, vì là hai khối, là chia rẻ.

     Ai hiểu thì hiểu…

 

67.BÀI THƠ MƯỜI BẢY CHỮ

Ngày xưa có một tên vô lại, làm được một bài thơ mười bảy chữ, ngâm lên thì hấp dẫn, rất là lưu loát.

Năm ấy gặp nạn hạn hán, thái thú ở đó cầu mưa đã ba ngày nhưng một giọt mưa cũng không rơi xuống, tên vô lại ấy bèn làm một bài thơ mười bảy chữ cười nhạo thái thú, thơ rằng:

“Thái thú cầu mưa, vạn dân đều vui vẻ ! Tối qua mở cửa sổ nhìn; thấy trăng”.

     Thái thú nghe xong bài thơ thì tức giận, vội vàng ra lệnh bắt anh ta đến và hỏi:

-         “Mặc dù mày làm được bài thơ mười bảy chữ, bây giờ ta ra lệnh cho ngươi làm một bài thơ khác, nếu làm hay thì tha, làm không hay thì cẩn thận cái đầu óc của mày”.

Tên vô lại hỏi:

-      “Thái thú muốn tôi làm thơ, đầu đề thế nào ?”

Thái thú ngẫm nghĩ chút xíu bèn nói:

-      “Lấy biệt hiệu của ta là “Tây Pha” làm đầu đề !”

Tên vô lại không chút suy nghĩ, xuất khẩu thành thơ:

-         “Người xưa hiệu Đông Pha, người nay hiệu Tây Pha, nếu hai người so nhau: khác nhiều”.

Thái thú nghe câu thơ, trong lòng giận dữ, bèn sai bộ hạ đánh anh ta mười tám roi, rồi ra lệnh cho anh ta làm lại bài thơ khác, tên vô lại thở dài nói:

-         “Làm thơ mười bảy chữ, bị đánh mười tám roi, nếu làm trên vạn chữ; đánh chết”.

Thái thú phán quyết anh ta về tội phỉ báng, nên đày anh ta đi Hàm Đan, lúc ấy cậu của tên vô lại cũng đến tiễn anh ta, vô lại nhìn thấy cậu mình đến thì làm một bài thơ:

-         “Bị đày đến Hàm Đan, thấy cậu như thấy mẹ, hai người đều rơi lệ; ba hàng”.

Bởi vì cậu của anh ta bị mù một mắt, cho nên chỉ có một mắt rơi lệ mà thôi.

 

Suy tư 130:

      Thiên Chúa ban cho mỗi người tài năng không giống nhau, mỗi người tùy theo khả năng của mình mà nhận ân sủng của Thiên Chúa ban cho. Khả năng của mình giống như những cái ly: có người ly lớn, có người ly nhỏ, có người ly nhỏ vừa vừa.v.v...ai nấy đều vui vẻ khi ly của mình đựng đầy ân sủng của Chúa, mà không so đo phân bì với người khác.

     Dù là tên vô loại, thì họ cũng có phẩm giá con người của họ; dù là tên vô loại nhưng họ có trí thông minh mà Chúa ban cho, cho nên, đức tin dạy chúng ta rằng: tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa và có ai cũng có giá trị như nhau trước mặt Thiên Chúa.

     Khi Chúa ban cho mình cái ly lớn đầy ân sủng thì đừng kiêu ngạo với tha nhân, bởi vì Ngài “đong cho đấu nào thì Ngài sẽ đời lại đấu ấy”.

     Ai hiểu thì sống chan hòa vui vẻ với tha nhân.

    

68.SẬP GIÀN NHO

Có một viên thư lại rất sợ vợ, ngày nọ bị vợ quào rách mặt, qua ngày hôm sau lên công đường thì bị thái thú nhìn thấy, bèn hỏi nguyên nhân. Viên thư lại úp mở lập lờ nói:

-         “Tối qua đi hóng mát trong vườn, chẳng may giàn nho trong vườn bị sập nên quào trúng vào mặt”

Thái thú không tin, nói:

-         “Nhất định là ngươi bị vợ quào rách mặt, thứ phụ nữ hung hãn đáng ghét, mau sai nha dịch bắt nó lên đây”.

Không ngờ vợ của thái thú ở sau công đường nghe được, thốt nhiên giận dữ, đi ra công đường. Thái thú hoảng loạn thất sắc, vội vàng nói với viên thư lại:

-         “Ông tạm về nhà, giàn nho trong nhà ta cũng bị sập rồi”.

 

Suy tư 131:

     Có người nói vì tôn trọng vợ chứ không phải sợ vợ; có người nói nhịn vợ để gia đình đầm ấm; có người nói sợ vợ mình thì có gì là nhục nhã; lại có người nói vợ nói phải thì nghe chứ có gì là sợ vợ…

     Lý do nào cũng đúng cả, chỉ có những ai ở trong cuộc mới biết rõ chân giả mà thôi.

     Thiên Chúa là tình yêu, vì yêu mà Ngài tỏ mình ra trong vũ trụ, trong cuộc sống gia đình nhân loại, và nhất là tỏ tình yêu của Ngài qua Chúa Giê-su Ki-tô –Con Một của Ngài. Và Chúa Giê-su khi Ngài tham dự tiệc cưới tại làng Ca-na củng với các môn đệ, Ngài đã thánh hóa và chúc lành cho đôi tân hôn, và nâng hôn nhân nhân loại lên hàng bí tích, để cho đôi vợ chồng được tràn đầy ân sủng của Chúa, để họ biết chu toàn bổn phận của mình trong đời sống gia đình.

     Trong gia đình, khi đôi vợ chồng biết tôn trọng nhau, biết chia sẻ với nhau về gánh nặng gia đình con cái, thì sẽ không có cảnh chồng sợ vợ hoặc vợ sợ chồng, nhưng cả hai trở nên một và bất khả phân ly, trong tâm hồn cũng như nơi thân xác.

     Ai hiểu thì sẽ không sợ “giàn nho bị sập”, ha ha ha…

 

69.TUẦN ĐÊM

Một võ sĩ đi tuần ban đêm, đột nhiên gặp một người phạm tội cấm đi ban đêm nói mình là học trò, bởi vì đi học nên khi về nhà thì bị nhầm đường. Võ sĩ nói:

-         “Mày nói mày là học trò, vậy thì để ta thử mày xem sao ?

Anh học trò bèn mời võ sĩ ra đề thử, võ sĩ trầm ngâm rất lâu, cuối cùng cũng nói:

-         “Rẽ cho mày, đêm nay đều tốt không có đề mục !”

 

Suy tư 132:

     Ngày xưa thời vua chúa phân biệt rõ quan văn và quan võ, ai muốn làm quan văn thì lo dùi mài kinh sử, tứ thư; ai muốn làm quan võ thì lo thao luyện thân thể võ thuật, chiến thuật, binh pháp.v.v… rất ít người văn võ song toàn. Vì là võ sĩ cho nên người tuần đêm không đưa ra được để cho học trò làm câu đối, cũng là chuyện bình thường mà thôi, nhưng cái không bình thường mà những quan tuần tra thường hay mắc phải, đó là hách dịch với người khác.

     Tận lực làm tròn bổn phận của mình, không vì sĩ diện mà quàng qua công việc của người khác khi mình không có khả năng, cũng như không phải trách nhiệm của mình, bởi vì con người ta không ai thích người khác xía vào công việc của họ, nhất là những người hay khoe khoang hợm mình.

     Võ sĩ đi tuần ban đêm là điều rất hợp lý, nhưng hạch hỏi kiểm tra về trình độ của người đi ban đêm là điều không hợp lý.

Thời nay người có chút quyền uy địa vị thì thích làm những điều phi lý, gây phiền não cho người khác.

 

70.TẤM DA TRÂU LỚN

Một người khoe miệng nói:

-         “Trong thôn của chúng tôi có một cái trống rất lớn, chu vi đủ mười cây số”.

Người khác nói:

-         “Nhà tôi có một con trâu, đầu ở Giang Nam, đuôi ở Giang Bắc, anh coi có kỳ lạ không ?”

Người ấy không tin, một người khác nói:

-         “Nếu như không có con trâu to lớn ấy, thì làm sao có tấm da trâu to lớn như thế, để thôn anh làm cái trống khổng lồ như thế hử ?”

 

Suy tư 133:

      Ăn nói khoác lác cũng là một cái tội, tội đó có thể là kiêu ngạo nếu họ khoe khoang quá đáng cái mình không có; có thể là tội vu khống nếu cái khoác lác ấy làm hại đến tha nhân; có thể là tội nói xấu người khác khi họ nói xấu người này người nọ để tâng bốc mình lên trước mọi người...

     Khoác lác là có ít mà xít cho nhiều, là không mà nói có cho ra vẻ ta đây cũng hiểu biết, là nói quá sự thật để khoe khoang bản thân mình.

     Người đời khoác lác thì mọi người chê một, nhưng người Ki-tô hữu khoác lác thì mọi người chê mười, bởi vì ai cũng biết người Ki-tô hữu là người theo đạo Chúa nên phải thành thực, những người dâng mình làm tôi Chúa mà khoác lác thì người ta chê trăm vạn lần, bởi vì không ai chấp nhận ông cha này bà sơ nọ khoác lác với mọi người, để đề cao mình và hạ giá người khác xuống trước mặt cộng đoàn hay trong một nhóm nhỏ...

     Khoác lác là đi ngược với lời dạy của Chúa Giê-su: có thì nói có mà không thì nói không, thêm điều bịa đặt là do ma quỷ mà ra.

 

71.MẶT KHÓ COI

Có một người thích uống rượu, mỗi khi vợ rót rượu ra hủ thì lấy lọ nồi quẹt trên mặt một cái để làm dấu, ông ta cứ đòi rượu mãi nên đứa ở nói:

-         “Uống ít một chút, mặt bà chủ nhìn khó coi quá”.

 

Suy tư 134:

     Lấy lọ nồi quẹt trên mặt mình vừa là để làm dấu coi chồng uống mấy hủ rượu, vừa là để tỏ ý phản kháng khi chồng uống rượu thì mình xấu hổ, xấu mặt với mọi người.

Có nhiều gia đình hạnh phúc tan nát vì chồng nghiện rượu, có những gia đình con cái cù bơ cù bất vì có bố uống rượu không lo làm ăn để nuôi dạy con cái; có những gia đình con cái buồn rầu vì bố mình sáng xỉn chiều say tối cho chó ăn chè...

Có những bà vợ lấy làm xấu hổ khi nghe người ta nói chồng mình là bợm rượu; có những bà vợ cực trí khi thấy chồng chân nam đá chân bắc xiêu vẹo trở về nhà sau khi tan việc; có những bà vợ cảm thấy xấu mặt như có lọ nồi quẹt vào mặt mình khi chồng rượu say làm điều tầm bậy...

Rượu tự nó không phải là tội, nó cũng không phải là nguyên nhân làm mất hạnh phúc gia đình. Nhưng tội là khi con người không tiết chế lòng tham của mình, uống đến say sưa mất hết lý trí và làm điều xằng bậy; mất hạnh phúc là khi con người lạm dụng rượu để thỏa mãn dục vọng, sống bê tha mất tư cách của mình, làm khổ người thân...

Ai hiểu được sự than thiện của rượu và niềm vui của hạnh phúc, thì chắc chắn vợ con người đó sẽ rất dễ coi. Ha ha ha...

 

72. KHÔNG LÀM CÀN ĐƯỢC

Có người thường mượn say làm càn, bất kể uống nhiều hay ít đều mượn rượu làm càn, vợ ông ta rất căm giận. Một hôm, ông ta ở trong nhà lại muốn uống rượu, vợ ông ta bèn lấy nước ngâm sợi gai cho ông ta uống, không ngờ mới uống chút xíu thì ông ta theo thói cũ múa tay múa chân, bà vợ giận dữ chửi:

-         “Trời giết ông đi, uống nước ngâm sợi gai mà cũng làm càn”.

Ông chồng khựng lại một chút rồi lập tức cười lớn, nói:

-         “Tôi đang bực mình đây, hôm nay sao lại như thế này chứ, tay chân rã rời...”

 

Suy tư 135:

     Ở đời có những người thường mượn rượu để làm càn, mượn rượu để chửi người khác, mượn rượu để đánh người khác, mượn rượu để làm nhục người khác, và còn rất nhiều chuyện bi hài do những người mượn rượu làm càn mà ra...

     Thời nay, có những người không mượn rượu làm càn, nhưng mượn cái “mác” mình ở nước ngoài để hù dọa anh em và hù dọa người khác, nào là mình ở nước ngoài làm giám đốc công ty để lấy le với bà con, nhưng thực ra là đi làm thuê làm mướn; nào là mình ở nước ngoài học trường này trường nọ để lấy oai với người khác, nhưng thực ra họ chỉ đi học lớp Anh ngữ căn bản...

     Mượn rượu làm càn hoặc mượn cái “mác” ở nước ngoài để hù dọa lấy le với người khác thì quả thật không ổn chút nào, nhất là thời đại bây giờ, bởi vì không ai tin lời người say rượu và cũng chẳng ai dễ tin vào những người nói mình học nước ngoài nhưng lại điều căn bản cũng làm sai không đúng.

     Chúa Giê-su dạy rằng lòng có đầy thì mới tràn ra nơi miệng, tức là lòng đầy ích kỷ, ghen tức, thì mới mượn rượu và dùng cái “mác” học nước ngoài để hù dọa anh em và tha nhân.

 

73.ÁO MÃO HOÀNG ĐẾ

Một người ăn mày từ Bắc Kinh trở về quê nhà và khoe rằng mình đã thấy hoàng đế, có người hỏi hoàng đế ăn mặc như thế nào, người ăn mày nói:

-         “Hoàng đế à, ông ta trên đầu đội vương miện có gắn trăm hạt ngọc, mình mặc áo long bào được làm bằng vàng ròng”.

Người ấy lại hỏi:

-         “Mặc áo bằng vàng ròng thì làm sao chắp tay vái chào được ?”

Người ăn mày “xì” một tiếng, nói không nghĩ:

-         “Ông đúng là người không nhìn xa thấy rộng, đã làm hoàng đế rồi thì còn phải chắp tay vái chào ai nữa chứ ?”

 

Suy tư 136:

      Vâng, đã làm hoàng đế rồi thì còn phải chắp tay vái chào ai nữa, đó là quan niệm của người xưa về hoàng đế, bởi vì hoàng đế là thiên tử, tức là con của ông trời, do đó mà quyền sinh sát nằm trong tay của hoàng đế, cho ai sống là sống, cho ai chết là chết…

     Linh mục là Alter Christus nghĩa là Đức Ki-tô khác, là Đức Ki-tô thứ hai, điều này không sai, nhưng cái sai ở chỗ người mang danh Đức Ki-tô thứ hai cứ nghĩ rằng, mình là linh mục rồi, là Alter Christus rồi còn sợ ai nữa, còn phải vái chào ai nữa, cho nên:

-      Có một vài linh mục không hề cúi đầu chào các ông già bà lão trong giáo xứ của mình, vì ngài tự cho mình là Alter Christus.

-      Có một vài linh mục đi đâu cũng ngẫng đầu ngẫng mặt lên trời, nói chuyện với người khác thì nhìn họ bằng nửa con mắt, vì ngài tự cho mình là Alter Christus.

-      Có một vài linh mục bặm môi trợn mắt tát tai các em nhỏ trong giáo xứ khi chúng nó sai lỗi, vì ngài tự cho mình là Alter Christus.

-      Có một vài linh mục kiêu ngạo khoe mình quá đáng, đến nỗi diễn giải giáo lý quá đà “say men kiêu căng” mà sai cả giáo lý căn bản của Giáo Hội, giáo dân thấy kỳ quặc nên góp ý, thì bị cho là kiêu ngạo dám góp ý cho cha sở, bởi vì ngài tự cho mình là Alter Christus.

Linh mục là Alter Christus, là một Đức Ki-tô khác không sai chút nào, nhưng một Đức Ki-tô khác chỉ là phần đầu, còn phần tiếp theo mà các linh mục ấy thường quên hoặc không để ý, nên không muốn chắp tay chào ai, phần tiếp theo đó là: Chúa Giê-su bôn ba giảng đạo, phục vụ người chứ không để người khác phục vụ, thực hành đức ái với mọi người, và cuối cùng thì chịu nạn chết trên thập giá…

Sống như Chúa Giê-su đã sống, làm việc như Chúa Giê-su đã làm thì mới xứng đáng là Alter Christus, chứ không phải là kiêu hãnh với chữ “Alter Christus, Đức Ki-tô khác”, mấy chữ đó chỉ là cái áo khoác bên ngoài của linh mục mà thôi.

 

74.BỐN MÙÀ KHÔNG CHUẨN

Có một nhà giàu đêm mùa đông thì mặc áo lông, đội mũ lông, ở trong nhà có lò sưởi đang cùng bạn bè uống rượu, uống cho đến khi nóng người, toàn thân toát mồ hôi. Thế là ông ta cất mũ lông, vừa mở cúc áo vừa lớn tiếng nói:

-         “Mùa đông năm nay trời quá ấm áp, tôi e rằng “bốn mùa không chuẩn”.

Người đầy tớ ở ngoài cửa nghe được thì rất giận dữ, bèn nói vào:

-         “Ông chủ ở trong nhà nói bốn mùa không chuẩn, thực ra, con đứng ngoài cửa coi thì bốn mùa rất là chuẩn à ?

 

Suy tư 137:

      Ông chủ ăn sung mặc sướng, mùa đông có áo lông ấm áp, đội mũ lông cũng ấm đầu, thì làm gì biết trời lạnh trời nóng, do đó mới nói thời tiết bốn mùa không chuẩn. Thời tiết bốn mùa rất chuẩn, cảm thấy không chuẩn là vì con người biết tìm cách chế ngự cái lạnh cái nóng của thời tiết bốn mùa, nếu thời tiết không chuẩn thì con người làm sao biết lúc nào mùa hè để sắm máy quạt máy lạnh, lúc nào mùa đông mà sắm áo long áo kép, mũ lông, giày vớ để ấm toàn thân…

     Người giàu tiền bạc vật chất sống quá đầy đủ nên không thấy nỗi khổ cực của người nghèo, nên họ thường khinh bỉ coi thường người nghèo, họ nói rằng người nghèo sống không có trình độ, người nghèo sống không sạch sẽ, mất lịch sự.v.v…họ quên mất rằng phú quý sinh lễ nghĩa, và không phải người nghèo nào cũng đáng khinh dễ ? Nếu bây giờ những người giàu có ấy thất cơ sa thế, không tiền không bạc, không nhà cao cửa rộng thì chắc chắn là sống còn tệ hại hơn cả người nghèo nữa.

     Thời tiết bốn mùa đều chuẩn, người nghèo nào cũng có nhân phẩm của họ.

     Tất cả những người Ki-tô hữu đều biết rằng người nghèo chính là ngân hàng bác ái của họ, để họ đầu tư vào đó và mua đuợc thiên đàng.

    

75.TÚ TÀI XỬ ÁN

Có một người nói:

-      “Tôi có một trăm mẫu ruộng đủ dùng rồi”.

Người hàng xóm rất không phục bèn nói:

-         “Nếu ông có một trăm mẫu ruộng, tôi sẽ nuôi một vạn con vịt, ăn hết lúa trong ruộng của ông”.

Do đó mà hai người cãi nhau dữ dội và dắt nhau đến cửa quan kiện cáo, khi đi ngang trước cổng Nho quan, nhìn thấy bức tường màu đỏ thì cho rằng đây là cửa quan, bèn cùng đi vào.

Hai người nhìn thấy một tú tài thì cho rằng đó là quan huyện, bèn đem chuyện cãi nhau trình bày lại, và mời tú tài giải quyết công bằng.

Tú tài nói:

-         “Ông này đi mua ruộng của ông, ông kia đi nuôi vịt của ông, sau đó đợi khi tôi được làm quan thì sẽ xử vụ án này cho các ông”.

 

Suy tư 138:

      Đức tin là “đối với sự việc mong đợi thì có thể nắm vững; đối với sự việc chưa nhìn thấy thì có thể xác định”.

Người Ki-tô hữu là người tin vào Thiên Chúa, Đấng mà họ chưa thấy nhưng có thể xác định là có Ngài; là nắm bắt được thiên đàng mai sau mà họ mong đợi.

Cho nên Thiên Chúa không phải là tưởng tượng của người Ki-tô hữu, như người kia tưởng tượng mình có trăm mẫu ruộng; thiên đàng cũng không phải là mơ hồ của người Ki-tô hữu, như người nọ tưởng tượng mơ hồ mình có một vạn con vịt. Nhưng Thiên Chúa và thiên đàng đều là hiện thực nơi người Ki-tô hữu, bởi vì Chúa Giê-su đã dạy như thế, và quan trọng hơn, chính là Chúa Giê-su đã từ trời mà xuống và Ngài cũng là Thiên Chúa mà người Ki-tô hữu tin tưởng.

Đức tin và tưởng tượng thì không giống nhau. Ai hiểu thì hiểu !

 

76.KINH KHÓ

Có một người nhìn thấy trên bàn coi bói có một quyển sách “kinh dịch”[8], thì thở dài nói:

-         “Con trai ta nên đi học coi bói, không nên học nghề thuốc”.

Người nhà hỏi nguyên nhân tại sao như thế, ông ta trả lời:

-         “Đó là “kinh dễ經易[9], nếu muốn thì rất dễ, không giống như sách “kinh khó經難” mà tôi đã dùng khi học y thuật.

 

Suy tư 139:

      Người học y thuật mà không biết hai chữ “kinh dịch” thì chắc y thuật của họ quá tệ, vì không hiểu ý nghĩa của chữ thì làm sao hiểu hiểu ý của các loại thuốc khi đọc sách thuốc bằng tiếng nước ngoài !

     Thời nay có những người nhờ tiền bạc mà mua được cái bằng chứng nhận là thầy thuốc, nhưng y đức thì dù có tiền ức bạc tỉ cũng không thể mua được, cho nên vẫn còn có những thầy thuốc vô lương tâm và vô cảm trước đau khổ của những bệnh nhân nghèo, hoặc có những thầy thuốc làm tiền trên những đau khổ và nước mắt của bệnh nhân…

     Làm thầy bói hay thầy thuốc thì cũng phải học, môn nào cũng có cái khó cái dễ của nó, nhưng cái tệ hại nhất của người làm thầy thuốc là không có đạo đức của lương y; cái tệ hại nhất của người thầy bói là nói láo bịp bợm để lấy tiền của những người nhẹ dạ.

     Làm thầy thuốc và thầy bói thì dễ kiếm tiền nhất, bởi vì xã hội ngày nay người bệnh thì nhiều và người mất phương hướng trong cuộc sống cũng không ít vậy !

 

77.TÌM CHỖ TRỌ

Có một người vì ban ngày phải đi cho nhanh nên ban đêm phải tìm một nơi để nghỉ, thế là ông ta gõ cửa một ngôi nhà và muốn nghỉ đêm ở đó. Trong nhà ấy chỉ có một phụ nữ ở bên trong cửa nói vọng ra:

-      “Nhà tôi không có người”.

Người tìm chỗ trọ nói:

-      “Không phải có bà hay sao ? “

Người phụ nữ nói lại rõ ràng:

-      “Nhà tôi không có đàn ông”.

Người tìm chỗ trọ lập tức tiếp lời, nói:

-      “Thì có tôi nè !”

 

Suy tư 140:

     Tuy là câu chuyện cười, nhưng cũng cho chúng ta một bài học quý:

-      Người quang minh chính đại thì không vào nhà bà góa ban đêm.

-      Bóng đêm là đồng lõa với tội lỗi.

-      Trong bóng đêm có ma quỷ nhiều hơn ở nơi ánh sáng.

-      Cám dỗ thường xảy ra ban ngày, nhưng thực hiện thì trong bóng tối.

Người Ki-tô hữu là con cái của ánh sáng, là môn đệ của Chúa Giê-su, Ngài chính là ánh sáng, thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng về Ngài:

Ngôi Lời là ánh sáng thật,

ánh sáng đến thế gian

và chiếu soi mọi người.

Người ở giữa thế gian,

và thế gian đã nhờ Người mà có,

nhưng lại không nhận biết nngười”.(Ga 1, 9-10)

     Khi lao động mệt nhọc, khi mất mát về tinh thần, khi cuộc đời mỏi mệt, thì chỗ trọ của người Ki-tô hữu chính là Thánh Tâm Chúa Giê-su, nơi chỗ trọ này họ được nhìn thấy ánh sánh yêu thương của Thiên Chúa.

 

78.MỜI KHÁCH

Có một chủ nhân làm tiệc đãi khách, trong dĩa thì xương nhiều hơn thịt, khách rất mực trịnh trọng hỏi:

-      “Chén của khách ăn cắp ở đâu vậy ?

Chủ nhân vừa nghe thì rất kinh ngạc, bèn nói:

-      “Ông anh nói gỉ vậy ?”

Khách vẫn điềm nhiên giọng nói nét mặt không chút biến đổi trả lời:

-         “Tôi vừa nghe bà hàng xóm bên cạnh lớn tiếng chửi: “Thằng trộm nào vừa ăn cắp chén xương đầy của bà, mau trả lại ngay !”

 

Suy tư 141:

      Người hào phóng khi làm tiệc mời khách thì thức ăn dư thừa, rượu uống thả dàn thả cửa, bởi vì họ coi trọng tình cảm bạn bè và tôn trọng khách mời của mình; nhưng người ích kỷ khi mời khách thì tính toán chi li tiểu tiết, trên bàn tiệc sơ sài vài miếng thịt heo thái rất mỏng, rượu thì người uống kẻ nhịn, khách ăn phải nhìn nhau coi phải xử trí như thế nào khi thức ăn quá ít…

     Thiên Chúa dùng miệng tiên tri I-sai-a để mời gọi con cái Ngài đến dự tiệc ăn uống thỏa thuê mà không phải trả tiền:

“Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây !

Dẫu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng;

đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào”[10].

     Tiệc thỏa thuê ấy ngày hôm nay chính là thánh lễ Mi-sa, trên bàn thánh này có Mình Máu Thánh và Lời hằng sống của Chúa Giê-su.

Đến mà ăn mà uống, không mất đồng nào mà lại được phúc trường sinh, hạnh phúc thật.

 

79.QUÊN BỎ GẠO

Anh Giáp nọ uống rượu tại nhà bạn, cảm thấy rượu mình uống rất ngon, do đó mà xin bạn chỉ cho mình cách nấu rượu, người bạn bèn nói rất tỉ mỉ quá trình nấu rượu cho anh ta nghe.

Anh Giáp ghi chép rất kỷ vào sổ tay, sau khi về tới nhà thì lập tức bắt tay vào ủ rượu. Thời gian ủ đã hoàn tất bèn mở ra coi, nhưng không ngờ chỉ nhìn thấy một hủ nước lợn cợn mà thôi, thế là vội vàng đi đến nhà bạn hỏi nguyên do.

-         “Anh có làm theo phương pháp mà tôi đã chỉ cho anh không ?”

Anh ta trả lời:

-         “Hoàn toàn làm theo cách của anh chỉ dạy, hơn nữa vì để cho nó có mùi thơm, nên tôi đã bỏ vào them mấy đóa hoa cúc nữa !”

Người bạn hỏi:

-      “Có bỏ gạo vào không ?

-         “Ái dà, hỏng bét rồi, sao lại quên chuyện tối quan trọng ấy chứ, tôi quên bỏ gạo vào…”

 

Suy tư 142:

     Nấu rượu mà không bỏ gạo vào thì dù có bỏ hương liệu thơm tho quý báu thì cũng chỉ là một hủ nước hôi thối mà thôi, bởi vì gạo mới làm nên hủ rượu ngon.

     Cũng vậy,

-      Cầu nguyện mà không có lòng tin thì dù cho cầu nguyện lâu giờ, kể lể dài dòng văn tự, thì lời cầu nguyện ấy sẽ là lời sỉ nhục Thiên Chúa mà thôi.

-      Cầu nguyện mà không có hy sinh thì dù cho mặc áo thụng quỳ trước bàn thờ mà cầu nguyện, thì lời cầu nguyện ấy chỉ là đầu môi chót lưỡi mà thôi.

-      Cầu nguyện mà chỉ có xin ơn chứ không có cám tạ ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa, thì lới cầu nguyện ấy giống như ra lệnh cho Thiên Chúa, coi Ngài như là một quản gia của mình mà thôi.

Nấu rượu mà chỉ bỏ hoa cúc vào mà không bỏ gạo vào hủ, thì hủ ấy sẽ là một hủ nước lợn cợn kinh hồn vì mùi hôi của nó, huống chi là cầu nguyện mà không có lòng tin, hy sinh và cám tạ ngợi khen ! Ha ha ha...

    

80.PHẬT ẤN

Tô Đông Pha nói với Phật Ấn:

-         “Người xưa thường lấy “tăng”[11] để đối với “điểu”, phương bắc có câu thơ “Cây bên hồ chim ngủ, dưới trăng tăng gỏ cửa”, lại có câu “Khi nghe chim gõ kiến, ngờ là tăng kêu cửa”.

Phật Ấn nghe xong thì nói:

-      “Nhưng hôm nay thì lão tăng đối với ông”.

 

Suy tư 143:

     Tu thân dưỡng tính có ba cấp:

-      Cấp thứ nhất là khi người khác chọc giận mình, nói xóc óc mình, mà mình tuy không đối chất lại, nhưng trong lòng giận dữ không vui.

-      Cấp thứ hai là khi người khác chửi bới mình, hạ nhục mình mà mình vẫn cứ mĩm cười với họ mà không giận dữ.

-      Cấp thứ ba là khi người khác nhục mạ mình, coi khinh mình, chơi khăm mình, mà mình vẫn tươi cười đối đáp với họ, lại còn pha trò với họ nữa.

Tu thân dưỡng tính của Phật Ấn đã đạt đến cấp độ thứ ba, tức là khi bị Đông Pha chơi xỏ, nói xóc óc, mà vẫn cứ không giận, lại còn pha trò với ông ta nữa.

Cấp độ tu đức của người Ki-tô hữu cũng có có ba:

-      Nhìn thấy Chúa Giê-su ở nơi tha nhân.

-      Phục vụ Chúa Giê-su ở trong tha nhân.

-      Yêu mến Chúa Giê-su ở nơi tha nhân.

 

81.RƯỢU CHIA BUỒN

Ở Tô Châu khi hỏa táng người chết thì bạn bè thân thiết nhất định phải đem rượu đến an ủi hỏi han tang gia, đó gọi là rượu chia buồn.

Đứa con nọ, khi phụ thân mất thì uống rượu chia buồn, uống đến say mới về nhà. Sau khi nhìn thấy mẹ mình thì đột nhiên cười ha ha lớn tiếng, bà mẹ lớn tiếng mắng con:

-         “Mày là thằng con bất hiếu, ba mày vừa mới mất, vậy mà vẫn còn có thể cười được !”

Đứa con cười trả lời:

-         “Sau khi con nhìn thấy mẹ, thì bỗng nhiên chợt nhớ là mình còn có một cơ hội nữa để uống rượu chia buồn !”

 

Suy tư 144:

     Làm con thì luôn nghĩ đến sức khỏe của cha mẹ mình, chứ không nghĩ đến cha mẹ lúc nào thì sẽ chết; làm con thì luôn nghĩ đến làm thế nào để cho cha mẹ có cuộc sống vui vẻ, chứ không nói những lời làm cho cha mẹ buồn; làm con thì luôn chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ già yếu, chứ không để cha mẹ lo cơm nước cho mình...

     Bởi vì thời nay có những đứa con chỉ biết lo cho mình ăn no mặc đẹp, mà không biết lo cho cha mẹ; bởi vì thời nay có những đứa con chửi mắng cha mẹ như chửi mắng kẻ thù; bởi vì thời nay có những đứa con bắt cha mẹ phục vụ mình như một người ở giúp việc...

     Hãy chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ khi các ngài còn sống, chứ khôngcầu mong cho cha mẹ mau chết để hưởng gia tài, để được chầu nhậu, để rảnh “cục nợ” chăm sóc.

 

82.CẬN THỊ

Có ba anh em đều bị cận thị, hôm nọ cả ba đều cùng đi thăm một người bạn. Vào phòng khách, thấy trên tường treo một bức hoành “Di Thanh đường遺清堂”.

Người anh cả nói: “Chủ nhận bị bệnh, bệnh nặng đáng sợ lắm sao, nếu không thì tại sao lại viết “di tinh ốc 遺精屋?”

Người em thứ nhì nói: “Không phải vậy đâu, chủ nhân thích đạo gia cho nên mới viết “Đạo tình đường道情堂” đó chứ !”

Hai người tranh luận hồi lâu, sau đó kêu đứa em thứ ba coi rõ ràng là chữ gì, đứa em nhìn rất lâu rồi bất chợt cười lớn tiếng, nói: “Cả hai anh đều quá hoang đường, trên tường có bức hoàng nào đâu !”

 

Suy tư 145:

     Cận thị là phải nhìn thật gần mới thấy, xa xa một chút thì không thể nhìn thấy rõ ràng nếu không mang kính cận. Cận thị có hai loại: một là hai con mắt thịt bị cận thị, hai là bị cận thị về con mắt tâm hồn.

Loại thứ nhất vì học hành đọc sách nhiều, vì có bệnh về mắt hoặc vì thiếu dinh dưỡng mà bị cận; loại cận thị thứ hai thì mới là nguy hiểm cho bản thân và cho người khác.

-      Con mắt tâm hồn bị cận thị là vì do quá coi trọng quyền lực của mình mà không nhìn thấy ý kiến chính đáng của người khác.

-      Con mắt tâm hồn bị cận thị là vì quá kiêu ngạo chỉ thấy mình là đúng, mà không nhìn thấy sự bất bình nơi người khác.

-      Con mắt tâm hồn bị cận thị là vì lỡ khoe khoang mình rồi, nên không nhìn thấy chỗ nào phải xuống nơi nào phải lên.

-      Con mắt tâm hồn bị cận thị là luôn làm ra dáng đạo mạo bí hiểm để người khác thấy mình là người thông thái, mà không nhìn thấy cái bỉu môi xa lánh của người cộng sự và những người chung quanh.

Con mắt xác thịt bị cận thị thì có kính cận mang vào để nhìn cho rõ; con mắt tâm hồn bị cận thì phải dùng cặp kính khiêm tốn và Lời Chúa mang vào để nhìn cho rõ, bằng không thì sẽ không nhìn thấy đường lên thiên đàng mặc dù mình là người Ki-tô hữu...

 

83.CHỮ NHẤT QUÁ LỚN

Có một học trò rất ngu, mỗi ngày thầy giáo chỉ có thể dạy cho nó một chữ “nhất” mà thôi, vậy mà nó cũng khó mà nhớ được, cách mấy ngày sau thầy giáo chỉ chữ “nhất” rất lớn trên bức hoành và hỏi học trò là chữ gì, nhưng học trò lại không đọc được.

     Thầy giáo nói:

-         “Đây là chữ mà mỗi ngày trò đọc đó, quên rồi sao ?”

Học trò trả lời:

-         “Con không tin, cái chữ này không thể lớn nhanh như thế được !”

 

Suy tư 146:

     Chữ “nhất”, hay bất cứ chữ gì, thì dù có viết lớn hay viết nhỏ, viết trên bảng đen hay viết trên bức hoành lớn, hoặc viết trên giấy, thì nó vẫn cứ là chữ “nhất” mà thôi, không thể là vì nó lớn hay nhỏ mà đọc khác đi.

     Cũng vậy, người Ki-tô hữu đều phải biết:

-      Thánh Thể (Bánh Thánh) dù lớn hay nhỏ, dù chỉ một nửa hay nguyên cả hoặc bẻ ra từng miếng nhỏ thì vẫn cứ là Thánh Thể, là Mình Thánh Chúa Giê-su mà mọi người phải tôn thờ kính lạy, chứ không thể nói đó không phải là Thánh Thể.

-      Bí tích Hôn Phối, dù đôi vợ chồng đẹp trai hay đẹp gái, dù cô dâu xấu xí chàng rể đẹp trai, dù cả hai giàu có hay nghèo hèn, thì vẫn cứ là bí tích hôn phối, bất khả phân ly, chứ không thể nói đó chỉ là chuyện trình diễn, sau này không thích thì ly dị, bỏ nhau.

Giáo lý của Giáo Hội là những điều căn bản để củng cố thêm đức tin đức cậy và đức mến của chúng ta vào Thiên Chúa, thánh Hiê-rô-ni-mô nói: không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Giê-su.

Cũng vậy, nếu chúng ta không biết giáo lý thì chúng ta cũng không thể biết làm thế nào để yêu mến và bảo vệ Hội Thánh.

Ai hiểu thì hiểu !

 

84.CỎ TÀNG HÌNH

Có người đi đường gặp một người nọ cho anh ta một ngọn cỏ nói là cỏ tàng hình, chỉ cần cầm ngọn cỏ này thì người bên cạnh sẽ không thấy được anh ta.

Thế là người ấy cầm ngọn cỏ nọ đi vào trong chợ ăn cắp tiền của người ta, khi anh ta vừa bước đi thì bị người mất tiền bắt được đánh cho một trận, nhưng người ấy còn nói:

-         “Cho ông đánh đập thoải mái, dù sao chăng nữa thì ông vẫn không nhìn thấy ta, ha ha ha”.

 

Suy tư 147:

     Đức tin là tin vào Thiên Chúa toàn năng tạo dựng trời đất; đức tin là tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người sinh bởi mẹ đồng trinh là Maria; đức tin là tin Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba bời Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra; đức tin là tin vào những điều mà Hội Thánh dạy, đó chính là đức tin chân chính bởi Thiên Chúa ban cho.

     Người Ki-tô hữu là người có đức tin, là tin vào Chúa Giê-su và những điều mà Hội Thánh của Ngài đã dạy, vì Chúa Giê-su đã trao quyền giảng dạy, thánh hóa và cai quản cho Hội Thánh của Ngài.

     Thời nay vẫn còn có những người Ki-tô hữu không tin vào Chúa Giê-su, và cũng không tin vào những điều mà Hội Thánh dạy, nhưng họ tin vào lời nói của ông thầy bói để rồi có cuộc sống bất an; họ tin vào bà đồng bóng để rồi rơi vào cạm bẫy của ma quỷ; họ tin vào những lời nói của những người xấu có lòng ghen ghét người khác, để rồi họ cũng trở thành những người ghen tị...

     Thiếu vắng Thiên Chúa và thiếu học hỏi về giáo lý của Giáo Hội, thì chắc chắn là họ sẽ tin vào lời nói của ma quỷ và của những người xấu, và cuối cùng họ trở thành công cụ của văn hóa sự chết...

 

85.HÒA THƯỢNG ĂN CÁ

Ngôi chùa nọ có một hòa thượng, không ăn chay mà rất thích ăn cá. Bên cạnh chùa có một học trò nghèo cũng rất thích ăn cá, cho nên thường qua ăn ké cá của hòa thượng, nên hòa thượng rất ghét anh ta.

Một hôm, hòa thượng lại mua một con cá và nói với đồ đệ:

-      “Nếu thằng quỷ nghèo đó đến thì các ngươi đem con cá cất vào trong chạn !”

Nhưng anh học trò nghèo lại nghe được việc này, anh ta bước lên bậc cửa chùa nhìn thấy hòa thượng đang ăn cá, bèn làm bộ đằng hắng một tiếng. Hòa thượng nghe biết anh ta đến thì vội vàng đem cá bỏ vào trong chạn, anh học trò nghèo đi vào, cười giả lả hỏi hòa thượng:

-         “Hôm nay có người bạn dọn nhà mới và nhờ tôi viết một câu đối dán trước cửa, tôi đã viết được vế thứ nhất bảy chữ là: “hướng dương môn đệ xuân thường tại”, còn vế thứ hai thì chỉ nhớ có bốn chữ “tích thiện nhân gia, con ba chữ nữa nghĩ không ra, không biết sư phụ có biết không chỉ giùm với ?”

Hòa thượng cười nói:

-      “Ba chữ đó là “khánh hữu dư” mà !”

Học trò nghèo nghe xong thì cười, nói:

-      “Trong chạn có cá sao không lấy ra mọi người cùng ăn ?”

Hòa thượng bất đắc dĩ phải đi lấy cá trong chạn ra để anh học trò nghèo cùng ăn ké.

 

Suy tư 148:

      Người tu hành nhất định phải có lòng bác ái, tức là lòng yêu thương người, nếu không có lòng bác ái thì những người tu hành sẽ trở thành những người chỉ biết hưởng thụ, và trở thành tảng đá lớn cản đường người khác đến với Thiên Chúa mà thôi...

     Người lãnh đạo nhất định phải có lòng bao dung và nhẫn nại, bằng không thì họ sẽ là những con người bạo chúa.

     Người mục tử càng phải có lòng bác ái để giúp đỡ tha nhân, lòng nhân từ để tha thứ cho kẻ lỗi lầm, lòng bao dung rộng lượng với người lầm lỡ, lòng  nhẫn nại để hiểu biết và thông cảm, lòng khiêm tốn để lắng nghe ý kiến của giáo dân. Nếu không có những đức tính ấy thì người mục tử chỉ là những kẻ làm thuê lãnh tiền, hoặc chỉ là như những ông chủ giàu có chỉ biết lợi lộc của mình mà không màng đến đau khổ của người khác...

     Người tu hành ăn cá ăn thịt hoặc ăn chay trường hay ăn gì khác thì không quan trọng, cái quan trọng là họ phải là những mục tử tốt lành của giáo dân như lòng Chúa mong muốn.

 

86.TRĂNG THÔ

Có một người, mỗi lần nói chuyện với ai, bất luận là nói chuyện gì thì vẫn cứ thích dùng chữ “thô” để bày tỏ mình là người khiêm tốn.

Một đêm nọ, ông ta mời khách đến nhà ăn cơm, khách ca ngợi bàn ghế của ông ta điêu khắc tinh xảo, ông ta lập tức khiêm tốn nói:

-         “Đây chẳng qua chỉ là một vài thứ thô lỗ sót lại mà thôi, không đáng để khen”.

Khách lại ca ngợi ly tách, bát dĩa đều rất tinh xảo, ông ta lập tức lại rất khiêm tốn nói:

-         “Đây chẳng qua chỉ là một vài thứ đồ gốm thô thiển còn sót lại mà thôi, chẳng có gì để khen”.

Ăn cơm xong thì khách cáo từ ra về, vừa ra khỏi cửa nhà thì thấy ánh trăng vằng vặc trên bầu trời, khách nói:

-      “Ô, trăng đêm nay thật đẹp”.

Người ấy lập tức lại khiêm tốn nói:

-         “Đây chẳng qua chỉ là một mặt trăng thô thiển còn sót lại, chẳng có gì đáng khen cả”.

 

Suy tư 149:

     Khiêm tốn là một nhân đức chứ không phải là một khẩu hiệu hô hào trên môi miệng cho mọi người biết, khiêm tốn là một đức hạnh chứ không phải là một bảng hiệu treo trên cửa nhà để quảng cáo.

Khiêm tốn được chia là hai loại, một là khiêm tốn bên ngoài tức là khiêm tốn giả tạo, hai là khiêm tốn bên trong tức là khiêm tốn thật.

Người khiêm tốn giả tạo là giả vờ khúm núm trước mặt người trên, nhưng trong lòng thì chê bai ghét ghen và kiêu ngạo, đây là loại khiêm nhường ống điếu cong vòng xuống rồi lại oằn lên với cục vố to; trái ngược với người khiêm tốn giả tạo là người khiêm tốn thật, họ không khúm núm với người trên nhưng họ biết giới hạn của mình, biết khả năng của mình, để nới với người trên là mình làm được hoặc không làm được, chứ không giả vờ được nói không, không nói được...

Khiêm tốn thật là nền móng để xây căn nhà nhân đức, nhân sinh và nhân quan trong tình yêu của Chúa Giê-su.

 

 

 

87.NGƯỜI ĐÀN ĐỆM

Có một người đánh đàn đệm, khi trời về chiều thì ngồi trên phố đánh đàn, có rất nhiều người vây quanh để nghe. Vì đánh những bài rất thường không có gì lạ, nên người đến coi từ từ bỏ đi hết, nhưng người đánh đàn vẫn cứ say mê trong tiếng nhạc của mình, sau khi tiếng đàn vừa dứt thì anh ta mới phát hiện người đến nghe đều bỏ đi hết.

Người đánh đàn có chút cụt hứng, cảm thấy đối với những người “văn chương mộc mạc” này, mà cao điệu tấu bài “ngày xuân tuyết trắng” thì thực là “ít người hiểu được”.

Lúc ấy đột nhiên anh ta nhìn thấy một bà già vẫn đang còn ngồi phía sau lưng mình, người đàn đệm lập tứ lại hứng chí lên tự an ủi mình:

-         “Rốt cuộc vẫn có người nghe, cuối cùng thì cũng có tri âm rồi !”

Thế là hỏi bà già ấy:

-         “Mọi người đều bỏ đi hết rồi, tại sao bà không đi ?”

Bà già chỉ cái ghế đẩu nhỏ mà người đàn đệm đang ngồi, nói:

-         “Cái ghế mà ông đang ngồi đó là của tôi, tôi đang đợi để lấy về, bằng không thì tôi đã sớm bỏ đi về rồi”.

 

Suy tư 150:

     Hiểu lầm thường xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc và nhiều chuyện nực cười, nguyên nhân gây ra hiểu lầm là do tai nghe không chính xác nên truyền đạt lại không đúng sự thật, mắt nhìn không rõ ràng nên diễn tả những việc mình thấy không trung thực, hai nguyên nhân này thường xảy ra trong cuộc sống của con người, do đó mà gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Nhưng có một nguyên nhân gây ra hiểu lầm tai hại hơn, đó là dùng sự cố chấp, thiên vị và kiêu ngạo của mình để phán đoán người và sự việc.

Có câu chuyện như sau:

Có linh mục nọ thường tự hào về những bài giảng của mình, và để ý đến một nữ giáo dân nọ hể lúc nào mình dâng lễ thì cô ấy cũng đều có mặt tham dự thánh lễ, nên trong lòng cảm thấy phấn khởi và có chút tự hào. Ngày nọ sau khi lễ xong thì vị linh mục ấy đạo mạo đi đến bên cô thiếu nữ, nói:

-         “Cám ơn cô ngày nào cũng đến nghe bài giảng của tôi !”

Nữ giáo dân ấy nói:

-         “Thưa cha, nếu đến để nghe bài giảng của cha thì con không bao giờ đến, nhưng con đi lễ là vì yêu mến Chúa…”

Một hiểu lầm đáng tiếc, ai hiểu thì hiểu.
 
(còn tiếp)
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư



[1] phát âm là “khù”, có nghĩa là đắng, và cũng là khổ, đau khổ.
[2] Mt 11, 12.
[3] Cv 5, 29b.
[4] Ga 13, 34.
[5] Mt 5, 37.
[6] Ý của câu đối là: nếu nhận tiền bạc hối lộ thì trời không dung đất không tha; nếu nghe lời của tay chân than tín nói, thì sinh con trai sẽ làm ăn cướp, sinh con gái sẽ làm đĩ.
[7] Kh 3, 15-16.
[8] là kinh; là dịch, là dễ dàng… 經易 là “kinh dịch”, một quyển sách xưa của người coi bói…
[9] 經易 là “kinh dịch”, nhưng vì không hiểu nghĩa nên gọi là “kinh dễ”.
[10] Is 55, 1.
[11] nghĩa là tăng, sư; là điểu, cũng là chim.