Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2024

Chúa nhật 21 thường niên

 


CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

 

Tin Mừng : Ga 6, 54a.60-69

“Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”

 

Bạn thân mến,

Sau khi có một số môn đệ bỏ Đức Chúa Giê-su mà đi, vì họ nghe không lọt tai lời của Ngài nói: ”Ai ăn thịt và uống máu tôi thì sẽ được sống muôn đời”, nhưng không phải tất cả các môn đệ đều bỏ đi, bởi vì vẫn còn nhóm Mười Hai, các ngài vẫn trung kiên theo Chúa, dù các ngài cũng đã nghe được những lời “khó nghe” ấy của Đức Chúa Giê-su.

Trong cuộc sống đã có biết bao lần bạn và tôi chọn lựa bỏ cái này và giữ lại cái kia, cái chúng ta bỏ là cái mà mắt chúng ta cho là xấu xí nhìn không đẹp, tay chúng ta không dám rờ, miệng chúng ta không dám nếm, tóm lại là tại vì nó xấu, nó không đẹp; cũng vậy, cái mà chúng ta giữ lại, chúng ta theo đuổi là cái mà mắt chúng ta thấy đẹp, tay chúng ta sờ được, miệng chúng ta nếm và ăn được, đó là những cái tốt đẹp vật chất trong cuộc sống hằng ngày của bạn và tôi.

Cũng có lần trong cuộc sống, bạn và tôi đã thưa với Đức Chúa Giê-su như thánh Phê-rô: “Lạy Chúa, bỏ Chúa thì con biết theo ai ?” nhưng rồi cũng đã nhiều lần chúng ta đã bỏ Chúa để đi theo những đam mê của thế gian và ma quỷ; bạn và tôi tuyên xưng Chúa là Đấng Hằng Sống ở trong nhà thờ, nhưng bên ngoài nhà thờ thì chúng ta đã từ bỏ Chúa qua cách ăn nết ở không đúng với tinh thần Phúc Âm; cũng đã có nhiều lúc bạn và tôi nói với Chúa : “Lạy Chúa, Chúa mới là Đấng có lời ban sự sống đời đời cho con”, nhưng chúng ta vẫn thích lời nói ngon ngọt của thế gian hơn, chúng ta vẫn thích nghe và cố thuộc nằm lòng những câu nói đưa đến sự chết của thế gian, hơn là nghe và thực hành lời đem lại sự sống cho chúng ta, đó là Lời Chúa.

Một ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nhưng có mấy giờ, mấy phút bạn và tôi ngồi đọc, ngồi nghe, hoặc ngồi suy gẫm lời của Chúa là lời đem lại sự sống đời đời cho bạn và tôi ?

Chúng ta có giờ ngủ, giờ học hành, giờ làm việc, giờ giải trí, nhưng không có giờ cầu nguyện, và nếu có thì vẫn cứ bị chúng ta xén bớt mỗi ngày, và thậm chí có khi chúng ta không thèm nhớ đến giờ cầu nguyện, giờ tham dự thánh lễ của mình nữa, bởi vì tâm hồn của chúng ta đã chọn lựa những điều mà thế gian cho là vinh quang, là phú quý và danh dự.

Bạn thân mến,

Đã có lần bạn và tôi lo âu buồn bả khi địa vị của mình đang lung lay, chúng ta chán nản cuộc đời vì bạn bè, người thân phản thùng phản phé, chúng ta hận đời đen bạc là vì chúng ta quá tin tưởng vào tình yêu của con người... Tất cả những thứ ấy đều chứng tỏ cho chúng ta thấy là chúng ta chưa trọn vẹn theo Chúa, chưa thành tâm tìm kiếm và nương cậy vào Chúa.

Chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống đời đời, đó là một xác tín chắc chắn của thánh Phê-rô tông đồ; chỉ có Chúa mới là nơi chúng ta cậy trông và nương tựa, ngoài Chúa ra chúng ta sẽ không tìm được ai khác có thể làm cho chúng ta được sống đời đời, đó là chân lí, là hi vọng và là niềm vui của bạn và tôi, và của những người Ki-tô hữu đang sống ở trần gian này.

Xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://www.nhantai.info 

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


 

70.          CHỜ NGƯỜI ĐỀN MẠNG

Có người say rượu đi trên đường té lên té xuống, thấy người thì đánh, thấy vật thì đá, người đi đường đều tránh xa, nhưng chỉ có Vu công đứng thẳng thân mình, hai tay chống nạnh, để cho nó đánh.

Có người nói:

-         “Tại sao ông tự dưng lại để cho thằng quỷ say rượu hồ đồ đánh vào đầu vậy ?”

Vu công đáp:

-         “Tôi thật muốn nó đánh tôi cho chết, nếu nó đánh chết tôi thì nó phải đền mạng !”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 70:

Để cho người ta đánh chết mình rồi đòi đền mạng, thì quả là người có lòng tham không đáy, đền mạng khi mình đã chết thì còn gì nữa mà nói...

Có một vài người Ki-tô hữu đòi ma quỷ đền mạng khi đã để cho ma quỷ giết chết linh hồn, họ nói: “Lo gì, bây giờ sống cho đã trong tội, rồi sau này trở về với Thiên Chúa cũng không muộn mà”, thế là họ bị ma quỷ giết mất linh hồn rồi còn gì nữa mà đòi đền mạng, còn gì nữa mà đòi trở về với Thiên Chúa chứ, đã chết rồi thì đến cả thế giới cũng không ích gì, chứ đừng nói là đền một mạng.

Lòng tham không đáy cũng đồng nghĩa với việc dễ dãi chiều theo cơn cám dỗ mà không muốn cự tuyệt.

Vu công đã làm một việc điên khùng: tự ý để cho người ta đánh chết rồi đòi đền mạng; người Ki-tô hữu cũng làm một việc khùng điên khi họ tự ý để cho ma quỷ cướp mất linh hồn của mình rồi nói: Lo gì, Chúa thông cảm mà !!


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


69.          LUẬN VĂN CỦA VU CÔNG

Vu công đọc sách không mong giải thích, nhưng rất thích bình luận tầm bậy văn học trước mặt mọi người, mạo danh hành giả.

Ông ta nói với mọi người rằng:

-         “Nếu là văn chương hay thì đều nên lấy cái thú vị làm thắng lợi, cho nên viết văn chương thì phải có hứng thú, chỉ có hứng thú mới gọi là thú vị, nếu không có hứng thú thì không có thú vị vậy!”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 69:

Làm văn chương hoặc làm bất cứ việc gì thì cũng đều phải có hứng thú mới làm được, bằng không thì văn chương sẽ rất gượng gạo không hay, đó là một thực tế không cần giải thích.

Bình luận tầm bậy văn chương của người khác thì chắc chắc là người không hiểu văn chương, mà có hiểu chăng nữa thì cũng vì ghen ghét mà bình luận tầm bậy, sẽ gây ra nhiều hiểu lầm tai hại cho người nghe...

Có một vài linh mục giảng bài Phúc Âm trong thánh lễ giống như Vu công bình luận văn chương: không cần suy tư, không cần đào sâu, không cần biết thính giả giáo dân là hạng người nào, các ngài cứ bổn cũ soạn lại, và thế là Lời Chúa trở thành lời ca tụng giáo dân này đóng góp cho nhà thờ, giáo dân kia không thấy đóng góp, và sau đó thì đưa kế hoạch xin tiền cho đợt tới, giáo dân nhỏng tai lên để cố nghe cha giảng Lời Chúa, nhưng một câu Lời Chúa cũng không được nghe từ miệng cha giảng...

Vu công bình luận tầm bậy văn chương thì sẽ bị người ta chửi, nhưng linh mục lợi dụng tòa giảng để “bình luận” về tiền bạc với ý đồ riêng thì sẽ bị Thiên Chúa phạt, mà phạt rất nặng nề.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


68.          HY VỌNG KẺ TRỘM ĐẾN

Kẻ trộm ăn cắp cái ví bao bằng da dê ở một nơi khác và đi ngang qua cổng nhà của Vu công, thấy cổng nhà chỉ khép hờ thì lòng tham nổi lên, bèn len lén đi vào, bỏ cái ví bao xuống và tiến hành trộm cắp.

Đúng lúc ấy thì Vu công trở về nhà, tên trộm vội vàng nhảy qua tường mà chạy, Vu công lượm được cái ví da thì rất phấn khởi, và hy vọng có thể được thêm nhiều của cải nữa, nên mỗi đêm chỉ khép hờ cổng và đi dạo chơi.

Nhưng mỗi khi trở về đều không thấy dấu vết gì của tên ăn trộm và cũng không thấy có tài vật gì, ông ta không ngớt than vắn thở dài một mình, nói:

-         “Tên ăn trộm tại sao không đến nhỉ ?!”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 68:

Con người ta ai cũng rất sợ kẻ trộm đến nhà, bởi vì kẻ trộm là những tên sống trên xương máu mồ hôi nước mắt của người khác.

Có những nhà giàu mất ăn mất ngủ vì sợ kẻ trộm đến cướp của; có người đêm ngủ thì khóa hai ba lớp cửa vì sợ kẻ trộm đến. Như thế thì đủ biết ai cũng sợ kẻ trộm đến, vì ai cũng sợ mất của cải của mình, vậy mà Vu công lại trông chờ kẻ trộm đến, đúng là bởi vì ông ta có lòng tham.

Cũng có rất nhiều người Ki-tô hữu sợ kẻ trộm đến cướp của, nên họ cũng xây cổng kín cao tường, canh coi cẩn thận và lo lắng bất an vì họ có nhiều tiền bạc, nhưng họ lại thờ ơ đến độ coi thường ngày Chúa đến bất chợt như kẻ trộm, mà ngày Đức Chúa Giê-su đến thì còn kinh sợ hơn kẻ trộm đến vạn lần, nếu chúng ta không lo chuẩn bị tâm hồn của mình.

Đề phòng kẻ trộm đến là việc phải làm của người cẩn thận, nhưng đợi chờ ngày Chúa đến là việc làm của người khôn ngoan, bởi vì khi Đức Chúa Giê-su đến, thì ngay cả thế gian này chúng ta cũng phải từ bỏ chứ đừng nói là một vài chút của cải vật chất.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


67.          MẤT TOI TIỀN CÔNG

Mưa cả ngày không dứt, nhà của Vu công khắp nơi đều bị dột tùm lum, giường chiếu một đêm dời đi đời lại mấy lần cũng không tìm được một ch khô ráo, vợ con khóc thấu ông trời.

Vu công vội vàng kêu thợ nề đến sửa ch bị dột, công sức tiền của bỏ ra rất lớn, nhà sửa xong, nhưng ông trời lại làm cho nắng nóng liên tiếp cả tháng trời.

Thế là, Vu công ngày ngày sáng tối nằm trên giừơng nhìn cái trần nhà mới sửa mà than rằng:

-         “Ai dà, ta thật là người có mệnh khổ mới sửa nhà thì trời lại không mưa, thật là uổng công lãng phí tiền bạc !”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 67:

        Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

        Có mùa mưa và có mùa nắng, đó là chuyện tự nhiên của trời đất.

        Cái nhà không chỉ che trời khi mưa mà thôi nhưng còn là che cả khi trời nắng nữa, cho nên lợp nhà là lợp cho cả nắng và mưa thì có gì là sợ mất toi tiền công !

        Có một vài người Ki-tô hữu khi bố thí cho tha nhân thì tiếc hùi hụi vì thấy người ấy đã có...hàng Mỹ gởi về, họ coi chuyện giúp đỡ người nghèo của họ như là chuyện cứu đói giảm nghèo của chính phủ, chứ không coi đó là việc làm bác ái chia sẻ với tha nhân trong tình yêu của Thiên Chúa, và hơn thế nữa, họ không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nghèo khổ nơi người ấy, bởi vì họ coi đồng tiền dư ấy của mình lớn hơn tình bác ái với anh chị em...

Sửa mái nhà để tránh bị mưa dột thì cũng là để tránh nắng, có gì mà phải nằm nhìn trần nhà mà thở vắn than dài tiếc của; bố thí giúp đỡ cho người nghèo, dù người nghèo ấy đã có người khác giúp đỡ thì có gì là tiếc rẽ, bởi vì giúp cho ai một bát nước lã vì danh Đức Chúa Giê-su thì sẽ được Ngài trả công bội hậu vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


66.          VU CÔNG PHÁ LẦU

Trong nhà của Vu công có cái ghế dài mà lại rất thấp, Vu công dùng miếng gạch để kê bốn chân ghế lên cho cao nhưng vẫn cứ không thoải mái, hơn nữa, thời gian lâu quá nên cảm thấy không chịu nổi nó.

Một hôm, đột nhiên ông ta nghĩ ra một kế bèn kêu người lại, đem cái ghế dài mà thấp ấy vác lên trên lầu để ngồi.

Nhưng khi ngồi trên cái ghế ấy, thì Vu công lại cảm thấy nó thấp rất nhiều.

Ông ta tức giận chửi:

-         “Người ta đều nói lầu này cao, cao cái con mẹ nó ấy, để nó thêm gai mắt.

Thế là ra lệnh phá cái lầu cao.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 66:

        Cái lầu cao là vì người ta làm nó cao, cái ghế thấp là vì thợ mộc làm nó thấp; đem ghế thấp bỏ trên...mặt trăng mà ngồi thì nó vẫn cứ thấp, chứ đừng nói là bỏ trên lầu, nó thấp thì vẫn cứ thấp, nếu muốn cho cái ghế cao thì phải thay bốn chân ghế cho cao hơn là được rồi.

        Có những bậc làm cha mẹ cứ than trời trách đất vì con mình học quá dốt, nên bỏ tiền ra cho con đi học thêm lò luyện thi ch này, học thêm lò vi tính ch kia, tiền mất tật mang, con mình dốt thì vẫn cứ dốt, bởi vì cha mẹ không chịu tìm nguyên nhân con mình học dốt là tại đâu, nếu con ham chơi thì dạy bảo nó lo học hành, nếu con học không có phương pháp thì giúp nó học có phương pháp, nếu con học không theo kịp chương trình thì đề nghị giáo viên giúp đỡ phương pháp.v.v... có như thế con mới học tốt được.

Phải thay “chân” cho nó để nó cao lên, chứ đừng lấy tiền bạc đem con bỏ nơi những lo luyện thi cao cấp không hợp với nó, bằng không thì nó vẫn cứ dốt như thường; phải giúp nó chứ đừng “phá’ nó bằng cách đánh đập và chửi mắng khi nó học dốt...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


65.          QUAN TÂM CÁI ÁO TRƯỚC

Trời mưa, Vu công mượn áo của người khác để ra khỏi nhà, vì không cẩn thận nên bị té ngã, cánh tay bị thương áo cũng bị dơ bẩn.

Người đi theo đỡ ông ta dậy, giúp ông ta nắn bóp cánh tay, Vu công ngăn lại nói:

-         “Mau đi xách nước đến rửa áo, cánh tay bị té không nhằm nhò gì.

Tùy tùng nói:

-         “Thân té không chịu lo lại lo áo dơ, như thế là thế nào ?”

Vu công nói:

-         “Cánh tay là của ta, cái áo là ta mượn, bị hư thì phải lo mà đền”.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 65:

        Giữ gìn và tôn trọng của cải của người khác là điều cần thiết phải làm, nhưng Vu công vì sợ bị đền mà không lo đến mạng sống của mình thì là người coi trọng của cải hơn mạng sống mình, chứ không phải là tôn trọng tài sản của người khác...

        Chứ “tín” và chữ “sợ” thì không giống nhau: người giữ chữ tín là người biết trọng danh dự của mình và của người khác, là người biết giữ gìn tài sản của mình cũng như của tha nhân, cho nên người giữ chữ tín là người biết lo cho mình mà vẫn cứ bồi thường thiệt hại cho người bị hại; người sợ sệt là người sợ người khác báo oán mình, sợ người khác hiểu lầm mình mà có những lúc coi thường tính mạng của mình cách vô lý...

        Cái áo mưa là vật không đáng giá nhưng sức khỏe của mình là vật vô giá, lo chữa trị cho mình trước và bồi thường cho người khác sau cũng chẳng sao cả, không lỗi đức công bình và cũng không làm mất uy tín của mình, trái lại sẽ được coi là người có trí. Nếu lo cho mình mà không bồi thường thiệt hại cho người ta, thì đó mới chính là người không có uy tín và lỗi đức công bình.

        Người khôn ngoan là người biết quan tâm mình trước (tu thân), là người xử sự có lý và có tình, là người không sợ mất uy tín nhưng chỉ sợ làm tổn thương đến tha nhân mà thôi.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)