Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Chúa nhật 18 thường niên


CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 14, 13-21
“Ai nấy đều ăn no nê”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”, đây là một lệnh truyền của Đức Chúa Giê-su cho các môn đệ của Ngài, bởi vì Ngài biết rằng các môn đệ không có gì cả, ngay cả năm cái bánh và hai con cá cũng chỉ là đủ cho một hai người ăn mà thôi, thế nhưng Ngài vẫn cứ ra lệnh cho các môn đệ làm theo lời Ngài, tức là lãnh đạo dân chúng chia họ thành nhiều nhóm và ngồi với nhau cùng ăn bánh và cá do Ngài thực hiện kỳ tích bánh hóa nhiều.

Thực ra không phải các môn đệ cho dân chúng ăn no nê, nhưng là chính Đức Chúa Giê-su, chính Ngài biết những nhu cầu của những người đã từ bỏ tất cả để theo Ngài và nghe lời giảng dạy của Ngài, nên đã thưởng cho họ và không để họ bụng đói trở về. Đức Chúa Giê-su đã thực hiện kỳ tích làm cho năm cái bánh và hai con cá trở nên nhiều để cho hơn năm ngàn người ăn, nhưng Ngài quy việc làm này cho các môn đệ của Ngài: chính anh em hãy cho họ ăn, để các tông đồ nhận thức rằng, chính họ phải có trách nhiệm không những về phần linh hồn mà cả phần xác đối với những người đi theo Đức Chúa Giê-su, tức là những người Ki-tô hữu trên khắp hoàn cầu.

Ngày nay, Đức Chúa Giê-su cũng nói với chúng ta –những người Ki-tô hữu- rằng: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”, khi nói như thế thì Ngài đều biết rõ chúng ta không có gì cả để cho họ cả, nhưng Ngài muốn mỗi người môn đệ của Ngài phải có sự quan tâm đến người khác ở chung quanh mình, rồi mọi việc Ngài sẽ lo cho:
-      Có những vị chủ chăn dù công việc mục vụ ngập đầu ngập cổ, đã đi khắp nơi xin lòng bố thí của các con cái phương xa giàu có, để làm một cái gì đó ấm lòng các linh mục già nua đã cống hiến đời mình cho Giáo Hội và cho các linh hồn, tấm lòng bao dung, yêu mến, khiêm tốn của các ngài chắc chắn sẽ được Thiên Chúa trả công xứng đáng.
-      Có những vị chủ chăn đau lòng trước những cảnh nghèo khó của giáo dân, nên đã gõ cửa nơi những nhà hảo tâm để xin họ trãi rộng lòng bác ái, giúp đỡ những giáo dân nghèo khó cùng cực, Đức Chúa Giê-su cũng sẽ làm cho có rất nhiều người sẵn sàng mở rộng con tim của mình để giúp họ.

Và trong xã hội ngày nay có rất nhiều người Ki-tô hữu cũng đã thực hiện lời Đức Chúa Giê-su dạy, họ đã rộng tay giúp đỡ người nghèo cách hào phóng, họ đã cộng tác với Ngài cho người khác ăn, vì họ nghĩ rằng, Thiên Chúa ban cho họ có tiền bạc của cải vật chất, là để thay mặt Ngài giúp đỡ những anh em chị em cần giúp đỡ.

Anh chị em thân mến,
Lệnh truyền của Đức Chúa Giê-su: “Anh em hãy cho họ ăn” vẫn văng vẳng bên tai chúng ta, khi mắt chúng ta nhìn thấy những cảnh tội nghiệp của những người chung quanh mình, Đức Chúa Giê-su biết rất rõ chúng ta không có gì để cho anh chị em ăn, nhưng Ngài vẫn cứ muốn chúng ta có tâm hồn hào hiệp, quảng đại, bác ái với tha nhân.

Cứ cho đi, cứ làm như Đức Chúa Giê-su mong muốn, chúng ta sẽ thấy mình rất giàu có: giàu có tình thương; cứ làm đi như lời của Đức Chúa Giê-su truyền, rồi Ngài sẽ làm thay cho chúng ta khi chúng ta vươn cánh tay yêu thương ra tới anh chị em chung quanh mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Không làm gì cả


 KHÔNG LÀM GÌ CẢ (rảnh rỗi)
Giáo dân hỏi cha sở của mình:
-         “Lúc nào cha thấy bị cám dỗ nhiều nhất, có phải lúc cha cầu nguyện không ?”
Cha sở trả lời:

-         “Lúc nào cũng có cám dỗ, nhưng những lúc bị cám dỗ nhiều nhất, mãnh liệt nhất không phải là khi cầu nguyện, mà là khi không làm gì cả.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Mượn truyện đuổi khách


MƯỢN TRUYỆN ĐUỔI KHÁCH
Có người nọ làm khách, ăn lâu mà không đi, chủ nhà chẳng làm gì nổi, chỉ biết kể một câu chuyện cho ông ta nghe:
-         “Có người nuôi một con hổ, cái đuôi vằn vện rất đẹp mắt, mỗi ngày chủ nhân đều lấy hạt kê cho nó ăn, con hổ không ăn, ông ta lấy thóc nuôi nó, con hổ vẫn không ăn, ông ta lại dùng cơm nuôi nó, nó cũng không ăn. Đột nhiên có một thằng nhỏ đi qua đường bị nó vồ ăn mất, lại có một người lớn đi qua, con hổ vồ ông ta và ăn luôn cả áo quần.
Chủ nhân bèn lớn tiếng chửi nó: súc sinh, để cho ngươi rất nhiều thức ăn mà mày không ăn, té ra là ngươi ăn thịt người nên không lúc nào thấy no !”
                                        (Sự Lâm Quảng ký)

Suy tư:
     Người quá tế nhị thì trở thành khách sáo, mà người khách sáo thì không dám nói thẳng cho người khác biết những chuyện mình muốn nói, chỉ nói xa xa, nói bóng nói gió để cho người khác hiểu ý của mình.
     Đức Chúa Giê-su không khách sáo với những người Pha-ri-siêu hay những thầy thông luật, nhưng Ngài rất thẳng thắn chủ động đề cập thẳng vấn đề với họ mà không sợ họ mất lòng, bởi vì lời Ngài nói là sự thật. Quá tế nhị khi anh em chị em phạm lỗi mà không nói sự thật vì sợ mất lòng, là vô tình chúng ta tiếp tay cho anh em, chị em phạm tội; sự im lặng tế nhị đó là vô tình chúng ta tiếp tay cho ma quỷ hại người anh chị em của chúng ta. Con người ta khi đụng chạm đến quyền lợi của mình thì rất là không tế nhị và thẳng thắn đòi cho được quyền lợi cho bản thân, nhưng lại tế nhị không chịu nói thật với người khác vì đó không phải là quyền lợi cá nhân mình.

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sống theo sự thật và hành động theo sự thật, mà sự thật thì không nên có tế nhị khách sáo chen vào, bởi vì như thế cũng có nghĩa là chúng ta chưa thành thật với anh em, chưa thực sự là những người bạn tốt của người anh em chị em mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Không nở bỏ đi


KHÔNG NỞ BỎ ĐI
Có một người đi đến nhà của một cụ già và ở đó rất lâu mà không muốn trở về nhà mình, cụ già lại không tiện đuổi ông ta về.
Một hôm, cụ nói với con rể:
-         “Con rể à, súc vật trong nhà đều đã giết sạch, không có gì để khoãn đãi con, chỉ mong con đừng trách bố”.
Con rể trả lời:
-         “Nhạc phụ đại nhân đừng quá nhọc lòng, khi con đến đây thì thấy một đàn hươu đang trèo lên một hòn núi cách thôn không xa mấy, chúng nó rất béo, chỉ cần đi thúc giục chúng nó về, nấu nướng ăn cũng được nhiều ngày”.
Cụ già nói:
-         “Khi con đến thì nó ở đâu, bây giờ đã hơn một tháng, chắc chắn là hươu đã bỏ đi rồi”.
Con rể nói:
-         “Không đâu, ở đó có rất nhiều đồ ăn ngon, chúng nó không nở bỏ đi đâu ạ !”
                                (Sự Lâm Quảng ký)
Suy tư:
     Con người ta khi túng quá thì làm liều, và ai cũng sợ thằng liều mạng, bởi vì những người như thế thì không còn sợ Chúa sợ Mẹ, sợ pháp luật hoặc sợ một ai khác, họ làm liều bởi vì –đối với họ- chẳng còn gì phải sợ, chẳng còn gì phải mất.
     Người liều mạng và người can đảm thì không giống nhau: người liều mạng thì chỉ có làm càn, chỉ có thí mạng cùi mà không có mưu kế, nhưng người can đảm thì không những có dũng mà còn có mưu, do đó mà người can đảm thường được mọi người bội phục hơn người liều mạng.
     Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng như thế, họ không bao giờ “thí mạng cùi” cho bất kỳ ai, bởi vì như thế có nghĩa là họ phải mất linh hồn và chết đời đời; họ sẵn sàng giúp đỡ cho người khác vì lòng bác ái vì yêu Chúa và tha nhân, họ sẵn sàng thí mạng sống cho người mình yêu được sống, chứ không bao giờ vì để lấy lòng người khác để rồi cùng với người tội lỗi sa đà trong tội như người nọ ở lì trong nhà người ta cả năm trời mà không chịu đi.
     Người đã phạm tội trọng một lần, nếu không thức tỉnh và chống trả, nếu không cậy vào tình thương của Chúa thì rất dể dàng phạm lần thứ hai, thứ ba mà lương tâm không mấy “tích cực” thức tỉnh họ, bởi vì họ đã ngã lòng trông cậy vào tình thương và ân sủng của Chúa, thế là họ liều thân, họ “thí mạng cùi” sa đà trong tội lỗi.
     Thiên Chúa đã dùng Giáo hội của Ngài để lên tiếng thức tỉnh chúng ta hãy đi ra khỏi nơi vũng bùn tội lỗi, đừng ở lì trong những thói hư tật xấu của mình, nhưng hãy siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải và tham dự tiệc Thánh Thể để có thể trở lại ngôi nhà thân yêu của mình là cộng đoàn giáo xứ, là Giáo Hội và nhất là trong tình yêu của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Đại vương trăm tuổi


ĐẠI VƯƠNG TRĂM TUỔI
Một hôm Tiền đại vương nằm mộng, nói với các cận thần:
-         “Hôm qua ta nằm mộng thấy một nơi nọ có con chó chết, và trong một cái bát đựng đầy cá thu, dưới sân có một cây bách cao, về sau, cây bách  này bị sét đánh ngã, không biết giấc mộng này là kiết hay là hung ?”
Cận thần nói:
-         “Đại vương, nhất định ngài sẽ sống đến trăm tuổi !”
Tiền đại vương hỏi:
-      “Nhà ngươi làm sao mà biết được ?”
Quan cận thần nói:
-         “Con chó chết, chó chết là số ba mươi sáu; trong bát có cá thu, bát và cá thu là số sáu mươi bốn, lấy hai số trên cọng lại với nhau là một trăm. Cây ngã trong sân là số một trăm”.
Đại vương cười vang lên, người bên cạnh nghe giải thích kì diệu như thế cũng cười ha ha.
                                     (Sự Lâm Quảng ký)
Suy tư:
     Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên mạng sống của con người, ngoài Thiên Chúa ra, ai mà biết được con người tuổi thọ bao nhiêu ?
     Có nhiều người Ki-tô hữu sau khi dự đại lễ Phục Sinh thì cùng với bạn bè đi đến chùa miếu để coi bói xin xăm, để hỏi mình làm ăn ra sao nơi các bà “đồng bóng”; cũng có những người Ki-tô hữu ngày ngày đi lễ rất là sốt sắng, nhưng cứ mỗi khi trong nhà có chuyện xui xẻo buồn phiền, thì rủ bạn bè đi đến đền Cô Hai để xin xăm coi gia đạo ra sao ?
     Họ tin vào bụt thần hơn là tin vào Thiên Chúa là Đấng mà họ phải tôn thờ, họ tin vào bà “đồng bóng” hơn là tin vào Thiên Chúa, nghe lời “phán” của các bà mặt mày ngơ ngáo khi “lên đồng” hơn là nghe lời dạy của Chúa qua các linh mục là những mục tử của họ.
     Đời sống của con người có rất nhiều chuyện lạ xảy ra, nhưng chuyện lạ xảy ra làm cho con người ta ngạc nhiên nhất chính là người Công Giáo đi đến chùa miếu để hỏi hậu vận tương lai của mình nơi những bụt thần, ngẫu tượng vô tri vô giác, họ quên mất Thiên Chúa của mình là Đấng tạo dựng vũ trụ đầy quyền năng, họ quên mất Thiên Chúa là Đấng làm cho con người sống thọ hay yểu tử, và quan trọng nhất chính là họ đã đánh mất đức tin của mình.

     Được làm người Ki-tô hữu là một hạnh phúc vô cùng và rất cao quý, bởi vì chúng ta chỉ là loài thụ tạo hư vô nay còn mai mất mà được gọi Thiên Chúa là Cha của mình. Hạnh phúc này đã làm cho ma quỷ phải ghen tức giận dữ, vì nó đã đánh mất tất cả những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng nó...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư