Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Chúa nhật 27 thường niên

CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN
 
 

 

Tin mừng : Lc 17, 5-10.

“Nếu anh em có lòng tin”.

Bạn thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy rõ bổn phận của người đầy tớ là phải làm những gì mà ông chủ phân công làm, nhưng quan trọng hơn đó là phải làm với một tinh thần trách nhiệm, để không những hoàn thành công việc được giao phó, mà còn bày tỏ tinh thần Phúc Âm trong việc làm của mình.

Trách nhiệm là yêu thương.

Không ai làm tròn trách nhiệm cách hoàn hảo nếu không yêu thương, và cũng không ai yêu thương cách trọn vẹn mà chểnh mảng công việc đã được giao phó. Đức Chúa Giê-su vì yêu thương Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại mà chu toàn công việc  cứu chuộc cách hoàn hảo; các thánh tông đồ vì yêu thương mà đã hiến mạng sống mình để chu toàn mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su cách tuyệt vời dù với bao gian nan thử thách.

Trách nhiệm là hiểu rõ vai trò của mình trong thân phận làm người, nghĩa là biết rõ những hạn chế của khả năng mình mà cố gắng vươn lên để chu toàn bổn phận mà ông chủ -Thiên Chúa- đã giao phó cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

Đức Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta khi làm xong việc của mình, nếu có ai khen ngợi thì hãy nói rằng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, lời nói này bày tỏ một tâm tình khiêm tốn và yêu thương của người đầy tớ trung tín luôn làm hài lòng chủ của mình, những đầy tớ như thế sẽ không bao giờ bị mất việc trong nhà của chủ mình là Thiên Chúa toàn năng.

Trách nhiệm và khả năng

Con người ta ai cũng có một khả năng đáng nể mà Thiên Chúa đã ban cho, và với khả năng này, con người có thể thay Thiên Chúa làm ra những kỳ công để phục vụ anh em đồng loại, nhưng vì những việc kỳ diệu do con người làm ra ấy đã khiến cho con người không còn muốn làm loài thụ tạo nữa, nhưng muốn trở thành Thiên Chúa, tức là kiêu ngạo không nhìn nhận Thiên Chúa toàn năng là Đấng tạo thành vũ trụ.

Càng có khả năng thì càng phải thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn nữa, để làm tốt và để đáp trả lại sự tín nhiệm mà Thiên Chúa đã dành cho mình. Khả năng thì chứng tỏ năng lực, nhưng sự quyết tâm làm hoàn thành công việc là bày tỏ một tâm hồn tận trung và yêu thương…

Dù ở trong chức vụ và cương vị nào chúng ta cũng cần phải luôn có tâm niệm rằng: mình chỉ là “đầy tớ vô dụng” của Thiên Chúa và của anh em chị em trong công tác mà không sợ xấu hổ và lạc hậu với tha nhân, bởi vì chỉ với tâm hồn như thế chúng ta mới từ sự trung tín trong công việc của một đầy tớ, trở thành người bạn hữu trung kiên của Ngài trong suốt cuộc sống của chúng ta.

Bạn thân mến,
Mỗi người chúng ta là một đầy tớ vô dụng trước mặt Thiên Chúa và anh chị em của mình, khi đến nhà thờ để cắm một bình hoa, quét nhà thờ, hoặc được giáo dân tín nhiệm bầu chúng ta làm trong ban hành giáo, thì đừng tự mãn nói rằng đó là do tài trí của mình, nhưng hãy khiêm tốn cảm tạ Thiên Chúa đã chọn mình là tên đầy tớ vô dụng vào làm trong nhà của Ngài.

Đầy tớ vô dụng là tôi, một linh mục đang làm trong vườn nho nhà Cha mình là giáo xứ; đầy tớ vô dụng cũng là anh là chị, những con người đang ngày đêm lăn lộn giữa đời để vừa đối mặt với đời vừa để làm chứng cho đức tin của mình; đầy tớ vô dụng đó là tất cả những ai tin Đức Chúa Giê-su là cứu chúa của mình, và nhận ra rằng chính Ngài đang bao dung và mời gọi mình vào làm công trong vườn nho của Ngài…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lấy đá làm bảo vật

LẤY ĐÁ LÀM BẢO VẬT
 

     Nước Tống có một người ngu, nhặt được một miếng yến thạch, cho rằng nó là của báu hiếm thấy, về nhà trân trọng giữ gìn nó, khách khứa nghe được liền yêu cầu được coi.

     Người ngu ấy tắm rửa trai giới bảy ngày, áo mão nghiêm trang chỉnh tề, và giết gia súc dùng làm tế vật rất đúng quy cách, lại còn dùng mười lớp da thuộc, mười sợi vải lụa tầng tầng lớp lớp bao lại.

     Đợi đến khi mở ra coi, khách khứa bật ngửa người xuống, lấy tay che miệng, nhưng cuối cùng vẫn có tiếng cười:

- “Ô hô, đây là miếng yến thạch ư, nó và miếng ngói cả hai có gì khác nhau chứ ?”.

     Người ngu đùng đùng nổi giận nói : “Kiểu nói của anh là của người buôn bán, ý nghĩ dối trá !”- Nói xong liền đem miếng yến thạch cất kỉ hơn nữa, bảo vệ càng cẩn trọng hơn.
(Hậu Hán thư)

 

Suy tư:

     Đức Chúa Giê-su đã nói:“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.”

“Của thánh”, “ngọc trai”, thì người Công Giáo ai cũng hiểu là Thánh Thể và Lời Chúa, cho nên không ai dại gì đem Lời Chúa và Thánh Thể cho người vô thần, vì sợ họ sẽ xúc phạm đến Thiên Chúa.

     Nhưng cũng có những người Ki-tô hữu thường lấy Lời Chúa ra để biện hộ cho hành vi phạm tội của mình, họ thường đi rước lễ để che đậy những thói hư tật xấu của cá nhân, họ dùng Lời Chúa và Thánh Thể như là bình phong che giấu tội lỗi của họ trước mặt thiên hạ, họ đã biến “của thánh” thành những đồ trang sức cho cái mặt đen đủi xấu xí của họ.

     Người ngu lấy đá làm bảo vật thì họ lại lấy bảo vật làm đá, họ được tặng cho bảo vật vô giá làm gia nghiệp đời đời, nhưng họ đã chà đạp báu vật dưới chân như chà đạp viên ngói, nên có thể nói họ còn ngu hơn cả người ngu...

     Thánh Thể và Lời Chúa là hai báu vật nuôi dưỡng và nâng đỡ Giáo Hội tồn tại đã hơn hai ngàn năm qua cho đến tận thế, cũng sẽ nuôi dưỡng và gìn giữ tôi trong suốt cuộc hành trình ở trần gian, nếu tôi biết yêu mến Thánh Thể và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của tôi.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Chửi mắng để chữa bệnh

CHỬI MẮNG ĐỂ CHỮA BỆNH
 
 

     Có một lần, Hoa Đà chữa bệnh cho anh lính gác của huyện, sau khi chẩn mạch thì biết anh ta bị nội uất, và cho rằng anh lính gác chỉ cần nổi nóng lên một chặp thì bệnh sẽ hết, thế là cố ý nhận rất nhiều tài vật của anh ta, nhưng không kê toa thuốc trị liệu.

     Chẳng bao lâu thì bỏ anh ta mà đi, còn viết để lại một bức thư chửi anh ta, quả nhiên anh lính gác rất giận dữ, kêu người đi giết Hoa Đà.

     Đứa con của anh ta hiểu biết sự tình, liền ngấm ngầm bảo người đừng đuổi theo Hoa Đà, anh lính gác càng giận dữ đến cực điểm, lập tức mửa ra mấy lít máu, cơn bệnh lập tức được lành.
(Tam quốc chí)

Suy tư:

     Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới biết rõ con bệnh của mình phải trị liệu như thế nào cho có hiệu quả, Hoa Đà là một vị lương y tài giỏi của Trung Quốc thời cổ.

Các linh mục Công Giáo cũng là những vị lương y tài giỏi chữa bệnh tâm hồn.

Có những tín hữu năm năm, mười năm, hai mươi năm và thậm chí mấy mươi năm chưa đi xưng tội, mặc dù họ vẫn giữ đạo, nghĩa là họ vẫn tham dự thánh lễ, đọc kinh sáng tối... Những tín hữu này thật sư đangỉ bị bệnh nội uất tâm hồn trầm trọng, bệnh nội uất của họ có thể là không bằng lòng ông cha sở của mình, có thể là mặc cảm khi đi xưng tội, có thể là quá kiêu ngạo, và cũng có thể là mất đức tin, vân vân và vân vân...

Đi xưng tội, tức là mình đi bác sĩ –cha giải tội- để xin ngài khám và chữa bệnh cho mình, việc tối cần thiết để được chữa lành bệnh, tức là để được tha tội, chính là lòng khiêm tốn và thống hối của chúng ta.

Khiêm tốn nghe lời dạy bảo của cha giải tội.

Khiêm tốn thực hành việc đền tội.

Khiêm tốn để nhận ra mình là một tội nhân cần sự tha thứ của Thiên Chúa...

Tôi là linh mục của Đức Chúa Giê-su, tôi thay mặt Ngài để tha tội cho anh chị em tôi, do đó, chính tôi cũng cần phải có thái độ khiêm tốn trong khi cử hành bí tích hoà giải. Khiêm tốn để nhận ra mình là khí cụ bất toàn của Thiên Chúa, khiêm tốn để cảm thông và chấp nhận những tội lỗi của hối nhân, như Đức Chúa Ki-tô đã chấp nhận gánh vác tội lỗi của nhân loại và của tôi.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Giản Ung can gián

GIẢN UNG CAN GIÁN
 
 

     Trời khô hạn, Thục chúa Lưu Bị hạ lệnh cấm nấu rượu, nếu ai nấu rượu thì sẽ bị hình phạt.

     Có một tên quan hầu sục sạo nơi một nhà nọ thấy có đồ dùng để nấu rượu, mọi người đều đề nghị đem nhà ấy cùng với người nấu rượu xử phạt giống nhau, Lưu Bị đang suy nghĩ, Giản Ung trầm mặc không nói.

     Lúc ấy, một thanh niên đang đi trên đường cái quan, Giản Ung vội vàng nói với Lưu Bị:

-“Người ấy làm việc xấu cưỡng dâm phụ nữ, tại sao không bắt nó lại ?”

     Lưu Bị hỏi:

-“Làm sao ông biết được ?”

     Giản Ung trả lời:

-“Nó có dụng cụ dâm dục, giống như người có đồ dùng nấu rượu vậy”.

     Lưu Bị cười ha ha bèn ra lệnh xá miễn cho gia đình người có đồ dùng nấu rượu.
(Tam quốc chí)

Suy tư:

     Con người, vì là tạo vật bất toàn -bất toàn trong tư tưởng, bất toàn trong hành động, bất toàn trong lời nói- cho nên thường hay lấy cái bất toàn của mình để đoán xét, kết án người khác cách bất công.

     Người hay đoán xét kết án là người đầy ắp sự ghen ghét trong lòng, là người thường hay nghi ngờ thiện chí của người khác.

     Đức Chúa Giê-su –Đấng phán xét nhân loại- đã không phán xét luận tội ai khi họ chưa rời khỏi thế giới này, là để cho con người có cơ hội hối cải, làm lại cuộc sống mới trong tình yêu của Ngài...

Vậy thì tại sao tôi lại vội vả lên án, đoán xét, luận tội người anh em chị em của tôi, khi chính tôi cũng mang tội trong lòng ?
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Phân ngựa, phân gà

PHÂN NGỰA, TRỨNG GÀ
 
 

     Thái tử nước Ngô chọc ghẹo Gia Cát Khác:“Mày có thể ăn phân ngựa”.

     Gia Cát Khác cung kính trả lời:“Cầu cho ngài thái tử ăn trứng gà”.

     Tôn Quyền nói:“Thái tử kêu mày ăn phân ngựa, mày mời nó ăn trứng gà, tại sao vậy ?”

     Gia Cát Khác trả lời:“Cái chỗ mà chúng nó  chui ra đều giống nhau ạ !”

     Tôn Quyền cười ha ha.
(Tam quốc chí)

Suy tư:

     Có người vì không thích người anh em “nổi” hơn mình, nên thường hay dùng cách “góp ý chân thành” để “sửa lưng” anh em với một ác ý; có người thì “thâm sâu” hơn, không góp ý cho anh em, nhưng thường hay tán đồng những công việc của anh em, dù đúng hay sai.

     Dù cho “góp ý chân thành” hay “luôn tán đồng” thì cũng chỉ một tác giả là quỷ sa-tan.

Sa-tan thì có nhiều bộ mặt, nhưng bộ mặt nào cũng in hai chữ kiêu ngạo to tổ bố lên trên, nên không thể che giấu được vẻ quỷ quyệt của nó; người Ki-tô hữu thì chỉ có một bộ mặt, nhưng từ bộ mặt này, mà khuôn mặt của Đức Chúa Ki-tô được mọi người biết đến, vì trên bộ mặt của họ được in hai chữ tình yêu.

Tôi cần phải đề cao cảnh giác với chính lời nói và  thái độ của mình, bởi vì chính nó sẽ tố cáo tôi trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Thêm chữ được con lừa

THÊM CHỮ ĐƯỢC CON LỪA
 
 

     Đại thần nước Ngô là Gia Cát Cẩn, mặt của ông ta dài như mặt con lừa.

     Một hôm, Ngô vương là Tôn Quyền bày yến tiệc khoản đãi bá quan văn võ, kêu người dắt lại một con lừa nhỏ, trên mặt lừa treo lên một phiếu thăm dài, phía trên phiếu đề bốn chữ: “Gia Cát Tử Du”.

    Đứa con bảy tuổi của Gia Cát Cẩn là Gia Cát Khác quỳ ngay trước mặt Tôn Quyền thỉnh cầu:“Xin đại vương cho phép tôi viết thêm hai chữ nữa, được chứ ?”

     Sau khi được Tôn Quyền cho phép, đứa bé viết thêm hai chữ “con lừa” dưới chữ “Gia Cát Tử Du”, Tôn Quyền rất vui mừng bèn đem con lừa thưởng cho nó.
(Tam quốc chí)

Suy tư:

     Sách Tin Mừng của thánh Lu-ca đã viết về Đức Chúa Giê-su lúc Ngài mười hai tuổi như sau:“Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”.

     Tuổi mười hai là tuổi tò mò, hiếu kỳ, là khỉ con hay bắt chước hành động, lời nói của người chung quanh, nhất là những người thân trong gia đình. Nó tò mò coi chị hai đánh phấn thoa son, có dịp là bắt chước; nó kinh ngạc vì thái độ la lối thoá mạ của anh ba anh tư trong nhà; nó càng không hiểu tại sao cha mẹ nó thường chưởi nhau và có khi cha đánh mẹ...

     Trẻ em là niềm vui của mọi người trong gia đình, là sợi giây nối kết tình yêu giữa chồng vợ, là giọt nước mát lòng chế ngự sự bất bình nóng giận của vợ chồng, nói tóm lại, trẻ em là thiên thần đang đem niềm vui của Thiên Chúa cho chúng ta.

     Do đó mà chúng ta có bổn phận phải bảo vệ, chăm sóc và làm gương sáng cho trẻ em, mà gương sáng nhất đối với trẻ em chính là cha mẹ: cha mẹ là thần tượng thứ nhất của trẻ em, và thật bi thảm khi có một em bé không còn tấm gương sáng để soi, không còn một thần tượng để bắt chước, bởi vì cha mẹ đã ly dị...

     Thiên Chúa không “độc quyền” ban sự khôn ngoan cho trẻ em, nhưng Ngài –trước hết- là ban cho cha mẹ, để qua sự khôn ngoan của cha mẹ mà các em được học sự khôn ngoan của Ngài; Thiên Chúa cũng không trực tiếp ban ân sủng cho trẻ em, nhưng qua đời sống tốt lành của cha mẹ, con cái sẽ nhận được ân sủng của Ngài...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Mừng hụt

MỪNG HỤT
 
 

      Giáo xứ hân hoan đón mừng cha sở mới, ngài còn trẻ, mọi người vui vẻ vì từ nay giáo xứ sẽ có bộ mặt trẻ trung và khởi sắc hơn…

     Nhưng, ngày thứ ba sau buổi nhậm chức, ngài trợn mắt răn đe trẻ em: không được đùa giỡn trong sân nhà thờ.

Tuần thứ hai sau ngày nhậm chức, ngài nạt nộ giáo dân vì xưng tội ngoài giờ quy định.

     Ba tháng sau ngày nhậm chức, giáo dân sợ ngài như sợ ông kẹ, và nhìn ngài như người xa lạ.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Cảnh tỉnh

CẢNH TỈNH
 
 

      Trưa nắng, ngài đi bộ trên hè phố đông người.

Chợt nghe tiếng khóc ré của con nít, ngài tò mò nhìn vào bên góc đường có bóng cây mát, nhìn thấy hai em bé đang dành nhau một khúc bánh mì vướng đầy cát…

Ngài chợt rùng mình và cảm thấy xấu hổ, vì ngài không bao giờ ăn thức ăn nấu qua lửa thứ hai, dù thức ăn đó chưa ai đụng tới.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Che mất ánh trăng

CHE MẤT ÁNH TRĂNG
 
 

     Có một người nước Trịnh, ban ngày ngồi dưới một gốc cây lớn hóng mát, anh ta tuỳ theo vị trí của mặt trời và bóng cây mà dời chỗ của mình, cho nên việc hóng mát mang lại hiệu quả rất tốt.

     Đến tối mặt trăng mọc lên, anh ta nghĩ rằng phương pháp này chỉ có hiệu nghiệm lúc ban ngày, nhưng buổi tối mà dùng nó để tránh sương rơi thì nhất định là không sai.

     Thế là, tuỳ theo ánh mặt trăng chiếu xuống mà dời chỗ, kết quả, bóng cây càng xa, sương rơi trên mình anh ta càng nặng, cuối cùng toàn bộ áo quần đều ướt, vậy mà anh ta chẳng hiểu nguyên nhân tại sao mà ướt ?
(Phù tử)

Suy tư:

     Có người vì muốn “thử” trình độ đạo đức của mình đến bậc nào, nên hiên ngang giao du với những thành phần bất hảo, cuối cùng mình trở thành bất hảo lúc nào mà cũng không biết.

     Có nhiều bạn thanh niên nam nữ vì muốn ra vẻ ta đây là đã lớn rồi, trưởng thành rồi nên không cần nghe lời chỉ bảo của cha mẹ, mà chỉ thích làm theo, nghe theo lời kích động của bạn bè, rốt cuộc họ trở thành những người nguy hiểm cho xã hội mà chính họ cũng không biết.

     Có những linh mục và những tu sĩ nam nữ, vì “sợ” mình lạc hậu hơn giáo dân, nên suốt ngày ngồi trước computer lên mạng với lý do không mấy chính đáng là để tìm tài liệu, dần dần họ quên mất mình là ai, là nhà nghiên cứu máy vi tính hay là một vị mục tử tốt lành, chính họ cũng không biết !

     Một lúc nào đó, tôi cũng sẽ trở thành người “đãng trí” mà không hay biết, nếu tôi không biết rõ mục đích và vai trò mà tôi đang trường kỳ diễn xuất, đó là vài trò một mục tử tốt lành.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Bầy kiến đi coi cá thu

BẦY KIẾN ĐI COI CÁ THU
 
 

     Một bầy kiến đỏ đi đến bên bờ biển để coi con cá thu lớn. Đứng đợi bên bờ biển đã hơn một tháng mà không thấy cá thu lớn nổi lên, có một vài con kiến không chịu nỗi, chuẩn bị trở về.

     Lúc ấy đột nhiên một trận sóng to gió lớn, khắp nơi đều run lên, lũ kiến nói:

-“Chút xíu nữa cá thu lớn sẽ xuất hiện”.

     Lại qua mấy ngày, gió lặng sóng im, cá thu lớn quả nhiên từ trong biển thấp thoáng nổi lên, trên đầu nó mang một đỉnh núi cao, cao tới trong mây trời, từ từ bơi về hướng tây. Bầy kiến nhìn thấy cảnh này, đều năm mồm bảy miệng bắt đầu bàn bạc, có con nói:“Đỉnh núi cao trên đầu cá thu lớn và hột cát trên đầu chúng ta có gì khác nhau ?”-

Có con lại nói:“Chúng ta ở trên một gò đất trong cửa động, tự do tự tại vui chơi, trời tối thì vào trong động ngủ, chúng ta và cá thu mỗi dáng mỗi vẻ, mắc mớ gì mà phải đi xa như thế này, thân thể mệt nhọc để đến nhìn nó chứ ?”
(Phù tử)

Suy tư:

     Người xưa nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Nhưng có những người thời nay “đi hai mươi năm” ngày đàng, một chữ khôn học cũng không xong.

Tôi có người quen định cư ở nước ngoài, khi về thăm lại quê hương thì mất đi phép lịch sự căn bản là chào hỏi. “Chào hỏi” theo đại từ điển tiếng Việt có nghĩa là chào hỏi bằng lời nói, hỏi han nói chung. Người quen của tôi khi về lại quê hương thì không biết chào hỏi ai cả, ngay cả bà dì ruột duy nhất còn “sót lại” ở trần gian sát ngay bên cạnh nhà, cũng không hề thấy đứa cháu đi qua hỏi thăm “mày tao” một tiếng, khác với hồi trước khi còn ở nhà luôn đi qua thăm hỏi.

     Chào hỏi là một hành vi, không những biểu lộ phép lịch sự, mà còn bày tỏ thái độ thân tình giữa người với người. Người Mỹ, người Pháp hay bất cứ người nào chăng nữa, cũng đều rất coi trọng lời chào hỏi, ở một nước văn minh  gần hai mươi năm trời mà không học được sự văn minh của người ta, thì chỉ “đi một ngày đàng” làm sao mà học được chứ ?

     Đức Chúa Giê-su là người rất thân tình và rất lịch sự, sau khi sống lại hiện ra với các tông đồ, lời nói đầu tiên của Ngài là: “Bình an cho anh em”[1], một lời chào hỏi đem lại niềm an vui cho các tông đồ và củng cố lòng tin cho các ông.

     Đi mà không học, thì giống như bầy kiến đi coi cá thu lớn, chỉ biết đem cái dở của mình đi so sánh với cái hay của người khác, đem cái nhỏ của mình đi so sánh với cái to lớn của người khác, thì làm sao mà có “một sàng khôn” được..

     Một lời chào hỏi là một sàng khôn của tôi, bởi vì nó có thể xoá tan ngờ vực, xoá bỏ hận thù và thâu ngắn khoảng cách xa lạ giữa người với nhau.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư



[1] Lời Chúa 24, 36.