CHÚA NHẬT PHỤC SINH
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
THỨ
NĂM TUẦN THÁNH
Lễ Tiệc Ly
(Có nghi thức Rửa Chân)
Bạn
thân mến,
Hôm
nay Thứ Năm Tuần Thánh, theo truyền thống của Giáo Hội, chiều hôm nay Đức Chúa
Giê-su đã làm ba công việc vừa vĩ đại vừa mầu nhiệm, để lưu truyền cho Giáo Hội
tiếp tục công trình cứu chuộc nhân loại của Ngài cho đến tận thế, đó là :
1- Ban giới răn mới là luật Yêu thương.
2- Lập bí tích Thánh Thể.
3- Lập bí tích Truyền chức thánh.
Trong
khung cảnh của phụng vụ này, tôi chia sẻ với bạn mấy điều sau đây :
1-
Ban giới răn mới là luật Yêu thương.
Chút
nữa đây cha linh mục chủ tế sẽ rửa chân cho mười hai vị giáo dân được chọn ở trong
giáo xứ để tưởng nhớ và kỷ niệm Đức Chúa Giê-su đã rửa chân cho các Tông Đồ năm
xưa trong bữa ăn cuối cùng của Ngài.
Rửa
chân là công việc của đầy tớ làm để phục vụ cho chủ nhân, là một hành động bày
tỏ sự phục tùng của người tôi tớ, Đức Chúa Giê-su đã dùng phương thức này để dạy
cho các tông đồ một bài học mới, bài học yêu thương và phục vụ, Ngài nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em
không ? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy
là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rữa chân cho anh em,
thì anh em cũng phải rữa chân cho
nhau...”[1].
Yêu
thương và phục vụ tuy là hai nhưng chỉ là một, hay nói cách khác phục vụ là hoa
quả của yêu thương, bởi vì không ai yêu thương mà không phục vụ, nhưng nếu phục
vụ mà không yêu thương thì chỉ là giả dối và đáng bị lên án. Đức Chúa Giê-su đã
làm gương cho chúng ta khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của mình, thì
chúng ta cũng nên cúi xuống mà rửa chân cho anh em và cho tha nhân như Đức Chúa
Giê-su đã làm, rửa chân cho nhau chính là phục vụ nhau, yêu thương nhau và giúp
nhau thăng tiến trong tình yêu của Chúa qua cuộc sống của mình.
Người
thời nay lấy làm lạ khi chúng ta yêu thương và phục vụ họ, họ sẽ thắc mắc đâu
là động cơ thúc giục chúng ta làm điều ấy, khi mà cả nhân loại đang đắm chìm
trong hưởng thụ và sống trong ích kỉ của mình.
2-
Lập bí tích Thánh Thể.
Cao
điểm của bữa tiệc ly chính là lúc Đức Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể, là bí
tích làm nên Hội Thánh và cũng là nguồn ân sủng hiện diện cách thực tại cho
chúng ta được hưởng dùng, đây là một mầu nhiệm mà Giáo Hội qua mọi thời đại đều
tuyên xưng: mầu nhiệm tình yêu.
Với
khung cảnh đầm ấm trong căn phòng trên gác, với tình cảm chan hoà của tình thầy
trò, Đức Chúa Giê-su đã thố lộ tâm tình với các Tông Đồ: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi
chịu khổ hình”[2].
Sự mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với các môn đệ đã thành hiện thực và đây là bữa
ăn cuối cùng của đời Ngài, vì thế, lễ Vượt Qua này sẽ không còn hiệu lực nữa
khi Ngài cầm bánh không men đưa cho các môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén,
dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói:
“Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho
muôn người được tha tội...”[3], bởi vì
từ nay chính Ngài vừa là lễ Vượt Qua vừa là Bánh tinh tuyền không men, nuôi sống
nhân loại trên đường lữ thứ trần gian.
Bí
tích Thánh Thể nguồn mạch của mọi ân sủng, hàng ngày hàng giờ vẫn diễn ra trong
các thánh lễ trên khắp mặt đất nơi các nhà thờ nhà nguyện, đó chính là nguồn ơn
vô tận mà Đức Chúa Giê-su đã vì yêu thương mà ban cho chúng ta. Đây là một sáng
kiến độc đáo của Thiên Chúa, một chứng tích của tình yêu Thiên Chúa dành cho
nhân loại mà các thánh -qua mọi thời đại- đã hưởng dùng, cảm nghiệm và hết lòng
ca tụng tình yêu ấy của Thiên Chúa.
Có
nhiều người trong chúng ta coi việc rước Mình Thánh Chúa như là đồ trang sức
cho đẹp khi tham dự thánh lễ, cho nên họ không chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng,
họ không tha thiết việc rước Chúa là bảo đảm cho phần rỗi đời đời của mình, nên
đối với họ rước lễ hay không cũng chẳng nhằm nhò gì, đó chính là lí do khiến họ
ngày càng xa rời ân sủng của Chúa hơn. Thánh Phao-lô tông đồ đã nghiêm khắc cảnh
cáo chúng ta về việc rước lễ khi còn trong tình trạng tội trọng như sau: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh và uống Chén của
Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa..., Thật vậy, ai ăn và uống
mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình...”[4].
Bí tích
Thánh Thể làm cho chúng ta trở nên một trong Chúa Ki-tô, trở nên một chính là
không của tôi không của anh nhưng là thuộc về Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Ngài,
do đó mà mỗi người trong chúng ta khi ăn Mình và uống Máu Chúa, thì chúng ta
cũng phải trở nên bánh và nước cho anh chị em và tha nhân hưởng dùng, đó chính
là yêu thương và phục vụ vậy.
3-
Lập bí tích Truyền chức thánh.
Bí
tích truyền chức thánh tức là bí tích Thừa tác Linh Mục, đây chính là một hồng
ân to lớn của Thiên Chúa ban tặng cho loài người.
Đức
Chúa Giê-su khi thiết lập bí tích Thánh Thể thì đồng thời Ngài cũng thiết lập
bí tích truyền chức linh mục cho các môn đệ khi nói: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”[5], để các
môn đệ của mình, và những người kế tục các ngài trong chức giám mục và linh mục
thực hiện mọi ngày cho đến tận thế.
Linh
mục là người được thông phần vào sự sáng tạo của Thiên Chúa, chính các ngài đã
được Thánh Thần thánh hoá để trở nên công cụ thánh, để làm cho có Đức Chúa
Giê-su trên bàn thờ trong thánh lễ, đây cũng chính là mầu nhiệm tình yêu mà Đức
Chúa Giê-su đã thực hiện giữa nhân loại: Ngài chọn những con người bất toàn để
làm cho họ trở nên hoàn hảo trong bí tích truyền chức thánh -linh mục- để chính
các ngài hằng ngày nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Hội Thánh, nhân danh cộng
đoàn và cá nhân mình, để dâng lời chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa qua Đức Giê-su
Ki-tô đang hiện diện trên bàn thờ.
Linh
mục chính là người phục vụ và mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người,
nhất là những nơi mà các ngài được sai đến với tư cách là mục tử, chính nhờ bí
tích Thánh Thể và chức thánh mà các ngài quy tụ chung quanh mình những kẻ tin
vào Chúa Ki-tô, và làm cho họ trở nên một đàn chiên duy nhất trong Hội Thánh của
Chúa, do đó, linh mục luôn ý thức rằng: mình vừa là thầy vừa là anh em của mọi
người, cho nên các ngài không những sống sao cho tốt đẹp, để đàn chiên mà mình
đang coi sóc được hưởng nhờ những ơn thánh qua sự thánh hiến của mình, và giáo
dân sẽ an tâm vui vẻ sống trong tình yêu Thiên Chúa dưới sự chăm sóc của các
ngài.
Bạn
thân mến,
Hôm
nay cũng là ngày của linh mục, chúng ta nhớ luôn cầu nguyện cho các ngài được dồi
dào ơn Chúa, để các ngài trước hết là thánh hoá bản thân mình, sau nữa là thánh
hoá các linh hồn trong thiên chức linh mục mà các ngài đã lãnh nhận.
Chúng
ta vẫn thấy có những linh mục chưa làm tròn trách nhiệm mà Thiên Chúa và Giáo Hội
đã trao cho các ngài, chúng ta cũng thấy có vài linh mục trở nên gương xấu cho
giáo hữu, nhưng đồng thời chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều linh mục tận tuỵ
yêu mến và chăm sóc đàn chiên của Chúa qua cuộc sống của các ngài.
Thứ
Năm Tuần Thánh này sẽ qua đi và chúng ta sẽ không còn nhớ đến những nghi thức đầy
ý nghĩa trong thánh lễ này nữa, nhưng bí tích Thánh Thể, bí tích Truyền Chức Thánh
và giới luật Yêu Thương của Đức Chúa Giê-su vẫn tồn tại mãi mãi cho đến tận thế,
không phải tồn tại trong viện bảo tàng, nhưng tồn tại và sống động trong cuộc sống
của Giáo Hội và của mỗi người trong chúng ta, bởi vì các bí tích và giới luật
này không phải do con người lập ra nhưng là do chính Đức Chúa Giê-su –Thiên
Chúa làm người- lập ra và được bảo chứng bởi cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Xin
Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Lời Chúa: I-sai-a 50, 4-9a
“Tôi đã không che
mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.”
Bạn thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, kẻ phản bội là Giu-đa
Ít-ca-ri-ốt đã bị ma quỷ dẫn dắt, để đi đến quyết định đem bán thầy mình là Đức
Chúa Giê-su cho các thượng tế với giá ba mươi đồng bạc. Và kể từ lúc ấy, Đức
Chúa Giê-su đã trở nên người tôi tớ Chúa -như tiên tri I-sai-a đã loan báo- chịu
bao thứ cực hình vì tội lỗi của nhân loại, của bạn và của tôi.
Bài ca Người Tôi Tớ Chúa đã được tiên tri I-sai-a loan
báo như một bản án dành cho nhân loại, hay nói đúng hơn dành cho những ai chối
từ ơn cứu độ đến từ Người Tôi Tớ này, đó chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, người
tôi tớ trung thành và khiêm tốn của Chúa Cha, Đấng đã vâng phục tuyệt đối và đã
yêu thương đến cùng khi hoàn toàn tự dâng hiến mạng sống của mình trên thập tự
giá, để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Khi đồng ý bán Đức Chúa Giê-su với giá ba mươi đồng bạc
cho các thượng tế và biệt phái, Giu-đa Ít-ca-ri-ốt cũng đã bán linh hồn mình
cho ma quỷ và cho các thế lực tội lỗi, chắc chắn không phải ba mươi đồng bạc,
nhưng là con số không, (bởi vì sau đó anh
ta đã thắt cổ mà chết (Mt 27, 3-5), và đêm tối cũng đồng lõa với hành vi
sát nhân và bội phản, thế là Giu-đa bỏ bàn tiệc ra đi thực hiện âm mưu mờ ám tội
lỗi của mình.
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã chia sẻ tấm bánh với Giu-đa để nhắc
nhở cho ông ta biết là Ngài rất yêu quý ông, và cũng để cho ông ta có cơ hội
thay đổi ý tưởng mờ ám của mình, nhưng quỷ dữ đã xâm nhập vào tâm hồn của
Giu-đa, quỷ tham tiền đã chiếm cõi lòng của Giu-đa, thế là ông ta trở thành kẻ
phản bội và bán thầy mình.
Đã nhiều lần trong cuộc sống Đức Chúa Giê-su cũng đã
nhắc nhỡ chúng ta, cảnh tỉnh chúng ta đừng sống trong tội nữa, hãy đứng dậy và
tiến bước trong ân sủng của Chúa, hãy trở thành môn đệ trung tín của Ngài.
Nhưng bạn và tôi dù có tai mà cũng như điếc, có mắt mà như đui, bởi vì tiền
tài, danh vọng và xác thịt đã chiếm tâm hồn của chúng ta, để rồi có rất nhiều lần
chúng ta đã trở thành một Giu-đa thứ hai phản bội và bán Chúa của mình ba mươi
đồng bạc...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
THỨ BA TUẦN THÁNH
Lời Chúa: Gio-an 13, 21-33-36-38
“Một người trong
anh em sẽ nộp Thầy,...Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”
Bạn thân mến,
Trong cuộc sống của bạn và tôi đã nhiều lần từ chối ơn
lành của Đức Chúa Giê-su, đã nhiều lần chúng ta phủ nhận vai trò của Đức Chúa
Giê-su trong cuộc sống làm chứng nhân Phúc Âm của mình, đã nhiều lần chúng ta
đã chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.
Thánh Phê-rô là người đã đi theo Đức Chúa Giê-su, cùng
sát cánh bên Ngài đi khắp đó đây để rao giảng tin vui Nước Trời, nhưng cuối
cùng thì thánh Phê-rô cũng vì sợ hãi mà phủ nhận Đức Chúa Giê-su là thầy của
mình.
Khi cuộc sống đầy đủ mà nói theo Chúa thì rất dễ,
nhưng khi cơm ngày ba bữa khó kiếm thì có dễ dàng nói theo Chúa đến tận cùng
trái đất ? Khi hoàn cảnh thuận lợi thì rất dễ dàng cảm tạ ơn Thiên Chúa, nhưng
khi công việc làm ăn khó khăn thì có vui vẻ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa không ?
Khi cuộc sống thoải mái nhẹ nhàng không lo lắng vật chất thì hăng hái theo
Chúa, nhưng khi đầu tắt mặt tối để chạy gạo ăn thì có còn năng nổ làm tông đồ
cho Chúa hay không ?
Thánh Phê-rô mau mắn tuyên bố dù mọi người bỏ Chúa thì
ông vẫn cứ theo Chúa đến cùng, sẽ thí mạng vì Chúa, nhưng khi Đức Chúa Giê-su bị
bắt thì ông sợ hãi chối Chúa ba lần trước tên đầy tớ gái yếu đuối.
Bạn thân mến,
Bạn và tôi đều có tinh thần nhiệt thành của thánh
Phê-rô và có lòng sợ hãi cũng như có sự nhát gan của ngài, do đó mà nhiều lần
trong cuộc sống chúng ta phủ nhận Đức Chúa Giê-su là cứu chúa của mình trước mặt
thiên hạ.
Tuần thánh là tuần mà Giáo Hội mời gọi chúng ta cố gắng
sống những gì mà Đức Chúa Giê-su đã dạy, ngay cả những khuyết điểm của mình thì
Giáo Hội cũng kêu mời chúng ta dâng lên cho Chúa, để kết hiệp với những đau khổ
trong tâm hồn và nơi thân xác của Đức Chúa Giê-su –trong những ngày này- vì tội
lỗi của chúng ta đã phạm.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
THỨ HAI TUẦN THÁNH
Lời Chúa: I-sai-a 42, 1-7
“Người sẽ không
kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường.” (Is 42, 2)
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su là vị tôi trung mà Thiên Chúa Cha đã
tuyển chọn, tất cả những gì mà Ngài đã thực hiện đều đã được tiên tri I-sai-a
đã loan báo trước, đó là một người tôi trung khiêm tốn “không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường”, Ngài
cũng là vị tôi trung đầy lòng nhân từ “cây
lau bị giập, Ngài không đành bẻ gẫy”, Ngài cũng là vị tôi trung đầy sức mạnh “không yếu hèn, không chịu nhục.” Nhưng
vì tội của tôi, của bạn và của nhân loại mà vị tôi trung ấy –Đức Chúa Giê-su-
đành phải hy sinh tất cả để cho chúng ta được cứu độ và được sống.
Hôm nay thứ Hai Tuần Thánh, Giáo Hội mời bạn và tôi và
tất cả những người Ki-tô hữu trên thế giới, hãy hiệp thông với những lo buồn của
Đức Chúa Giê-su, những lo buồn ấy chính là những phản bội vô ơn của chúng ta
dành cho Ngài, những lo buồn ấy chính là những tội lỗi mà chúng ta đã phạm như
những cái đinh đóng vào thân thể của Đức Chúa Giê-su...
Đức Chúa Giê-su là Đấng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn để
cứu chuộc nhân loại, Ngài là tôi trung của Thiên Chúa và trở nên nguồn ơn cứu độ
cho nhân loại khi vâng phục thánh ý của Chúa Cha: hy sinh cho đến giọt máu cuối
cùng vì yêu nhân loại tội lỗi.
Bạn và tôi không còn là tôi tớ nữa, nhưng là con cái của
Thiên Chúa, con cái của sự sáng; bạn và tôi không còn là người xa lạ nữa với Đức
Chúa Giê-su nữa, nhưng là môn đệ của Ngài, môn đệ được hưởng thành quả của thầy
và con cái được hưởng phần gia tài của Cha để lại, không phải do công lao của bạn
và tôi, nhưng là do tình yêu của Thiên Chúa và sự hy sinh mạng sống của Đức
Chúa Giê-su để chúng ta được trở nên một với Ngài.
Bạn thân mến,
Tuần thánh là tuần mà Giáo Hội mời gọi chúng ta theo
dõi từng diễn biến cụ thể mà Đức Chúa Giê-su –Đấng cứu chuộc chúng ta- đã nói
và đã làm để cứu độ chúng ta.
Giáo Hội mời gọi chúng ta trở nên người tôi trung của
Thiên Chúa, noi gương vị tôi trung vĩ đại là Đức Chúa Giê-su, khiêm tốn, nhân từ
và dũng mạnh để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho tha nhân.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.