Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Chúa nhật 22 thường niên

 


CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN


Tin Mừng : Mc 7, 1-8a. 14-15.21-23
“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”

Bạn thân mến,
Không biết bài Tin Mừng hôm nay có làm cho tâm hồn bạn cảm thấy như thế nào, chứ riêng tôi mỗi khi nghe đoạn Tin Mừng này thì rất có cảm hứng, cảm hứng bởi vì ý nghĩa nội dung của nó như cái kim chích tâm hồn của con người, ngay cả tôi nữa, mỗi khi rửa tay thì cũng đều nhớ đến đoạn Tin Mừng này, xin chia sẻ với bạn:
1. Rửa tay là một thói quen vệ sinh.
Rửa tay trước khi ăn không phải là lề luật của Thiên Chúa hoặc là của ông Môi-sê, nhưng chỉ là một thói quen của phép vệ sinh, và có lẽ chúng ta đôi lúc cũng quên mất rửa tay trước khi ăn, vì thời buổi hiện đại đã có khăn lau tay rất sạch và thơm. Khi dịch covid-vuhan đang hoành hành, cả thế giới ai ai cũng lo sợ, người người đều tuân thủ nghiêm nhặt phép vệ sinh, không những phải rửa tay trước khi ăn, mà còn phải rửa tay, rửa mặt, sát trùng, mang khẩu trang để tranh lây bệnh, mà còn hơn thế nữa, cấm cả việc giao thông đi lại để tránh dịch bệnh.
Rửa tay cho thật sạch, nói năng cho thật văn hoa, bộ điệu cho thật thu hút người khác, nhưng tâm hồn thì tràn đầy những thói hư tật xấu không chịu sửa đổi, thì cũng chỉ là những cái mả tô vôi trắng toát đến phát sợ mà thôi. Có những người khuyên bảo người khác phải ăn ở hiền lành để được Chúa thương, nhưng chính họ thì lại sống không có một chút tình yêu của Phúc Âm, họ như các kinh sư và biệt phái ngày ngày thích đứng giữa ngã ba đường để cho người ta thấy mà chào họ: “Rabbi” !
Rửa tay thì cần thiết cho thân xác khỏi nhiễm bệnh, rửa tâm hồn thì cần thiết cho linh hồn được kiện khang, cả hai đều rửa, nhưng một bên là thói quen của người đời, và một bên thì đúng là lề luật của Thiên Chúa, mà người chú trọng đến hình thức thì đương nhiên rất ít chú trọng đến tâm hồn, đó chính là lệch lạc của người mang danh là Ki-tô hữu nhưng lại thích phô trương, khoe khoang, kiêu ngạo.
2. Thói giả hình là bình phong che đậy tội ác.
Đạo đức giả và thói giả hình thì nhan nhãn khắp nơi trong xã hội mà chúng ta đang sống, ngay cả trong nhà thờ của bạn và của tôi. Đạo đức giả là bức bình phong mà ma quỷ dùng để mê hoặc người mà đức tin không bén rễ trong tâm hồn, những người này rất dễ nhìn thấy, họ cũng đi dâng thánh lễ, cũng tham gia các công việc bác ái từ thiện, nhưng họ tham gia không phải là vì họ yêu thương tha nhân, nhưng là để quảng cáo cho sản phẩm của ma quỷ, đó là ghen ghét, là âm mưu gây chia rẽ trong cộng đoàn.
Thói giả hình cũng là con đẻ của ma quỷ, nó có biệt tài che đậy khuyết điểm của mình, và moi móc khuyết điểm của người khác thì rất giỏi, đó chính là người mà Đức Chúa Giê-su đã nói là thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng trí thì lại xa cách Người.
Rửa tay hoặc không rửa tay trước khi ăn không phải là tội, nhưng đem chuyện của người khác mà đi la to khắp cùng ngõ hẽm cho người khácnghe biết thì đúng là tội; không rửa tay trước khi ăn thì không có tội, nhưng cố ý rửa tay để che giấu một hành vi tội lỗi của mình thì đúng là có tội thật, bởi vì rửa tay và phạm tội thì không giống nhau, ông quan tổng trấn Phi-la-tô đã rửa tay tuyên bố mình vô tội trong vụ án của Đức Chúa Giê-su, nhưng lại cho quân dữ đánh đòn và đóng đinh Ngài vào thập giá.
Bạn thân mến,
Thánh Phao-lô tông đồ đã mời gọi bạn và tôi hãy rửa tâm hồn trước khi ăn và uống Mình và Máu thánh của Đức Chúa Giê-su, tức là ngài muốn chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho thật sạch bằng nước mắt sám hối, hòa giải, chứ không phải bằng việc rửa tay hoặc lau tay bằng khăn thơm trên bàn ăn...
Rửa tay chỉ là một thói quen tốt của phép vệ sinh, nhưng rửa tâm hồn chính là một thói quen tốt của người Ki-tô hữu nên làm, để không những rước Đức Chúa Giê-su vào lòng, mà còn tránh được những ô nhiễm của thế gian tội lỗi nữa.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
--------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


76.          DỰA VÀO CHA VỢ

Người nọ học dốt, nhưng nhờ vào thế lực của cha vợ mà thi đậu đứng hạng nhất.

Thế là có người kể một câu chuyện tiếu lâm như sau:

-         “Đệ tử của Khng môn (Khổng tử) đi thi, lúc yết bảng, giấy báo Tử Trương đứng hạng thứ mười chín, người bên cạnh nói: “tướng mạo của anh ta đường đường chính chính quả nhiên không sai”; lại báo Tử Lộ đứng hạng mười ba thì người ta nói: mặc dù anh ta rất không thông minh, dù thi ở trước mặt, tất cả đều nhờ vào công lao siêng học đấy”; lại báo Nghiêm Nhan đứng thứ mười hai, người ta nói: “Anh ta là người đắc ý nhất của Khổng tử, cái tên này chỉ đứng sau ông ta một chút”; lại báo Công Dã Trường đứng hạng năm thì người ta lấy làm kỳ dị nói: “Tên tiểu tử này bình thường không là gì cả, tại sao lại đứng thứ năm nhỉ ?”- mọi người nói: “Tất cả đều dựa vào thế lực của cha vợ đó mà !!”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 76:

        “Một người làm quan cả họ được nhờ” đó là câu nói rất thực tế và thực dụng, thực tế là vì nó có thật, thực dụng là vì nó đúng như thế, cả nghĩa đen nghĩa trắng đều đúng cả.

        Thói đời, người có quyền thế thường hay bao che tích lợi cho người thân, đây là nghĩa tiêu cực; nhưng hiểu theo nghĩa tích cực thì đúng thôi, vì cha mẹ cho con cái ăn học để con cái được sung sướng tấm thân nó và cha mẹ sẽ được nở mặt nở mày và được nhờ con sau này, bà con giúp nhau để khi tối lửa tắt đèn thì có nhau cũng đúng thôi, đó chính là điều mà thiên hạ mọi thời mong ước: hòa bình và hạnh phúc.

        Có những gia đình Ki-tô hữu có con làm linh mục thì thái độ của cha mẹ tự nhiên “trịnh trọng” khác với trước đây: nhất cử nhất động đều bày tỏ mình là ông bà cố, là cha mẹ của cha này cha nọ, có khi quá lố thành kiêu căng, nên họ hàng chưa thấy được nhờ gì cả thì đã tránh xa cho khỏi mang tiếng. Một người làm linh mục thì cả họ được nhờ, đó là được nhờ ơn ích bởi vị linh mục ấy hàng ngày dâng lễ cầu nguyện cho họ, được nhờ là nhờ sự thánh thiện đạo đức của linh mục và gia đình ấy sống gương mẫu thì mình cũng thơm lây...    

Nhờ cha vợ mới được thi đỗ hạng nhất thì đúng là bất tài, và nếu làm quan thì chỉ hại dân hại nước mà thôi, không ai được nhờ gì cả, trái lại, đó là cái nhục cho họ hàng và cho đất nước.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


75.          ĐỀU KHÔNG SỢ QUỶ

Giữa năm Gia Tĩnh, có hai người ở đất Vô Tích là Hoàng Phúc và Trương Tường là những người có đởm khí, từ trước đến nay không hề sợ quỷ thần. Mùa hè trời gần tối, hai người đi đến bên một con sông để uống nước, Vương Phúc nói:

-         “Trong nghĩa địa bên kia sông hôm qua lại có người mới chôn, nếu ban đêm anh đến lấy tử thi ôm bỏ bên ngoài quan tài, thì tôi sẽ thua anh một chầu rượu, đợi đó, tôi đi lấy rượu trước và đợi anh.

Không lâu sau, mặt trời khuất sau rặng núi, Trương Tường lợi dụng đêm tối lội qua sông đi vào trong nghĩa địa, nhưng thấy nắp quan tài mới đã mở tung ra, đang còn hoài nghi, thì đột nhiên từ trong quan tài vươn ra hai cánh tay ôm chặt cổ anh ta, Trương Tường rất sợ hãi vội vàng nói:

-         “Anh nhẹ tay chút xíu, đợi tôi thắng được rượu xong thì ngày mai tôi sẽ tế và chôn anh lại.

Lúc ấy, con quỷ càng bóp cổ họ Trương chặt hơn, Trương Tường hét lên, người ở bên sông nghe được tiếng kêu cứu vội vàng thắp đèn đến soi rõ, té ra ôm cổ Trương Tường chính là Vương Phúc.

Trước đó ông ta giả bộ đi lấy rượu, và từ ngõ khác qua sông trước và vào trong nghĩa địa ôm tử thi ra, ẩn núp bên trong quan tài trước để chọc ghẹo Trương Tường.

Lúc ấy ôn dịch đang hoành hành, hai người này không bị truyền nhiễm chút nào, nguyên nhân có lẽ vì cả hai người đều có đởm khí dũng cảm chăng ?

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 75:

        Có những người có tính can đảm không sợ gian nan khốn khó, nhưng lại hèn nhát trước sự hy sinh hãm mình.

        Có những người can đảm dám hy sinh tiền bạc của mình để giúp người, nhưng lại không dám lên tiếng bênh vực người bị oan ức.

        Có những người có thừa can đảm khi đối diện với nguy hiểm, nhưng lại không có can đảm đối diện với sự thật.

        Có những người can đảm khí khái anh hùng không chịu khuất phục một ai, nhưng lại bị khuất phục trước nước mắt của đàn bà con gái.

        Có những người cam đảm dám hy sinh tất cả những gì mình có để đổi lấy danh dự, nhưng lại không có can đảm từ bỏ cái tự ái của mình.

        Can đảm thì có thừa, nhưng nếu dựa vào sức mình mà thôi thì can đảm sẽ trở thành anh hùng cá nhân, mà anh hùng cá nhân thì chỉ có làm cho oai. Can đảm thì cần phải dựa vào ơn của Thiên Chúa giúp, đó chính là sự can đảm của các thánh vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


74.          LỜI NÓI RA THÌ KHÔNG NHẬN TIỀN

Có một người rất thích nghe những chuyện tin tức vỉa hè và tin rằng đó là thật.

Một hôm, Trương Bạch Thán cố ý nói đùa:

-         “Gần đây tôi nghe nói ba ông lão nội các của triều đình tranh luận việc triều chính, đến ni phải xuất thủ đánh nhau, nên hoàng thượng ra lệnh cho các đại thần ở cửu khanh lục bộ thết tiệc để khuyên giải.

Người nọ nghe nói xong liền vội vàng đi thăm Trầm Phụng Phong, và kể lại một hồi. Trầm Phụng Phong không tin nên sai người đi hỏi Trương Bạch Thán, họ Trương cười nói:

-         “Lời của tôi đã ra cửa thì không nhận tiền ạ !”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 74:

        Tin vỉa hè hoặc tin hành lang thì gọi là tin vịt, mà tin vịt thì không đúng sự thật, tin vào tin vịt và cho đó là sự thật thì quả là người nhẹ dạ và bộp chộp.

        Có những người rất dễ tin lời người khác nói, chỉ mới nghe nói không biết đúng sai ra sao, bèn đi nói toang lên cho mọi người nghe làm họ hoang mang lo lắng; lại có những người Ki-tô hữu dễ tin đến độ chối bỏ Thiên Chúa là Đấng mà mình tôn thờ lâu nay, khi h nghe tin ch này có ông thầy bói hay như thần, ch kia có bà đồng bóng biết quá khứ vị lai.v.v...

        Tin va hè và tin vịt thì không có thật, mà có chăng nữa thì cũng chỉ có một phần trăm là đúng, còn lại chín mươi chín phần trăm là chuyện bịa cho nên không đáng tin, cho nên đừng nghe tin vịt tin vỉa hè mà hại đến tha nhân, cũng như làm hại đến danh dự của anh chị em...

        Người đời thường tin vào tin vịt hoặc tin vỉa hè nên họ rất dễ làm thương tổn người khác; nhưng nếu một linh mục tin vào những tin tức vỉa hè để kết án người khác, hoặc thêm mắm thêm muối vào cho nó quan trọng, thì không những làm tổn thương tha nhân mà còn làm hại đến thánh chức và danh dự của mình nữa...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


74.          CÓ BÚT NHƯ ĐAO

Ở Trường Châu có người thợ điêu khắc tên là Mã Như Long, ở Tiền Đường có người thợ viết thuê tên là Quách Thiên Dân, hai người ngẫu nhiên mà gặp nhau.

Mã Như Long tuổi lớn hơn Quách Thiên Dân, nhưng họ Quách không muốn có sự nhún nhường, nên cùng với họ Mã tranh chấp ngồi ch trên. Họ Mã nói:

-         “Mày là đứa con nít chưa hết hôi mùi sữa, lại dám tranh chấp chvới ta sao, ta hỏi mày “đao bút sứ” thì đao ở phía trước, hay bút ở phía trước ?”

Họ Quách hỏi lại:

-         “Ông bạn già ơi là ông bạn già ơi, tôi “có bút như đao”, là bút ở trước hay đao ở trước ?”

Họ Mã chỉ còn cách là nhường ch ngồi trên cho họ Quách vậy !

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 73:

        Thời xưa cũng như thời nay có những người dùng bút thay đao để giết người, nghĩa là họ lợi dụng chức vụ để làm hại người khác bằng những chữ ký, những văn tự của mình, cách giết người kiểu này thì đáng sợ vô cùng, bởi vì họ hợp thức hóa kiểu giết người của mình...

        Bút là dùng để viết lời ca tụng Thiên Chúa, ca tụng cái đẹp của vũ trụ thiên nhiên, ca tụng người tốt việc tốt; bút cũng còn là viết những lời yêu thương cho người thân yêu, và cũng viết lên những thống khổ của tha nhân, nó cũng là tiếng kêu của những người yêu chuộng công lý và hòa bình.

Đao là biểu hiện cho sự chết chóc, chiến tranh và thù hận, cho nên, trước khi dùng đao thì nên dùng bút để hòa giải và kết tình hữu nghị.

        Đao thì chỉ có thể giết một vài người, nhưng lợi dụng chức quyền, độc đoán, tham lam, kiêu căng của mình để đặt bút ký thì giết cả triệu người, cả tổ quốc...

Tội này chỉ có nước nơi giếng Rửa Tội và lòng sám hối sâu xa nơi bí tích Hòa Giải mới có thể rửa sạch được...

Bút trước đao là chuyện hợp lý và có tình nghĩa, đó cũng là tinh thần hòa bình của Phúc Âm.   


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)   

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện




72.          HOÀNG ĐẾ SỢ ĐÀN BÀ DỮ TỢN

Vợ của Phòng Huyền Linh tính hay ghen ghét đanh đá, Huyền Linh rất sợ vợ nên không dám nói đến chuyện lấy vợ bé.

Thái Tôn ra lệnh cho hoàng hậu triệu vợ của Huyền Linh đến yết kiến, nói với bà ta:

-         Các đại thần đều có chế độ lấy vợ bé, hoàng đế sẽ đem người đẹp thưởng cho Phòng Huyền Linh.

Vợ của Phòng Huyền Linh cương quyết không đồng ý, Thái Tôn bèn sai người rót đầy một ly rượu và dọa bà ta:

-         “Như thế là nhà người vi phạm và kháng cự thánh chỉ, phải uống cho hết ly rượu độc này”.

Vợ của Huyền Linh cầm lấy ly rượu và uống một hơi không còn một giọt.

Thái Tôn thở dài nói:

-         “Người đàn bà đanh đá quyết liệt như thế, trẩm đây cũng sợ huống hồ là Phòng Huyền Linh !”

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 72:

        Không chỉ vua Thái Tôn và Phòng Huyền Linh sợ đàn bà dữ tợn mà thôi, nhưng trên đời này ai cũng sợ những người đàn bà dữ tợn, bởi đó mà người ta gọi người đàn bà dữ tợn là “quỷ cái”.

        Có những người đàn bà dữ tợn đến độ ai cũng sợ không dám đến gần, ngay cả chồng và con của họ cũng không dám mở miệng hó hé, bởi vì họ thích làm bà chằn hơn là làm người mẹ hiền, người vợ ngoan.

Những người phụ nữ Ki-tô hữu không phải là “quỷ cái” khi chồng “lăm le” đòi vợ bé, nhưng họ là những thiên thần bảo vệ hạnh phúc gia đình, họ rất cương quyết nhưng không dữ tợn, đó là dứt khoát không để cho chồng lấy vợ bé, bởi vì như thế là lỗi luật Thiên Chúa và phá hoại hạnh phúc gia đình của mình, những người phụ nữ này chúng ta phải bênh vực họ để đem lại hạnh phúc cho mọi người...

Người ta sợ ma quỷ thì ít nhưng sợ “quỷ cái” thì nhiều, bởi vì ma quỷ thì vô hình vô dạng, nhưng “quỷ cái” thì không những có hình có dạng mà lại còn đẹp nữa mới chết chứ, mà vừa đẹp vừa “quỷ cái” thì người ta càng sợ hơn.

Khiếp thật !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

-----------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://www.nhantai.info 

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


71.          MẮT ĐỂ SAU LƯNG

Đại thần Trần Âm lên triều, cái mũ quan đội sai vị trí, dải tua mũ rủ xuống sau đầu. Ông ta nhìn thấy dải tua mũ quan của đồng sự đều rủ phía trước rất chỉnh tề, rồi lại nhìn xuống dưới cằm mình thì rất kinh hãi, nói:

-         “Tại sao chỉ có mình tôi không có dây tua mũ thế này ?”

Có một đồng liêu vừa sửa mũ ngay ngắn giùm cho ông ta vừa nói:

-         “Ông cũng có dây tua mũ đấy chứ, chỉ độc nhất là không có con mắt ở sau lưng”.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 71 :

        Con mắt thì luôn ở phía trước mặt để thấy, cho nên mới nói “con mắt là cửa sổ của tâm hồn.”

        Con mắt thì luôn nằm phía trước để dễ dàng nhìn thấy những người bất hạnh mà giúp đỡ ủi an, để nhìn thấy tha nhân đang đau khổ vì nhiều hoàn cảnh xảy đến cho họ, đó là sự sắp đặt khôn ngoan của Thiên Chúa nơi con người.

        Trong xã hội ngày nay có rất nhiều người đặt con mắt của mình sau lưng nên không nhìn thấy ai cả, họ chỉ nhìn thấy mình mà thôi: họ thấy mình sao ăn uống toàn là thịt cá quá ngán nên đòi hỏi phải thay đổi thực đơn ngon hon, nên họ không thấy chung quanh họ có nhiều người chỉ mong có cơm ăn để sống là được rồi; họ thấy mình đi chiếc xe đời mới mà sao không thấy “ngầu” như người khác nên thay xe như thay áo, họ không nhìn thấy người anh em chỉ mong sao có chiếc xe đạp cũ để đi học đi làm. Tại sao họ lại như thế, thưa là vì họ để con mắt ở sau lưng mình...

        Con mắt thì luôn ở phía trước nên nó nhìn thấy tha nhân trước khi thấy mình, đó là một bài học tu đức mà Thiên Chúa dạy chúng ta phải đào sâu và học hỏi: nhìn thấy những khó khăn đau khổ của tha nhân trước để an ủi, giúp đỡ, rồi sau đó mới nhìn thấy mình...

        Hạnh phúc là ở đó vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)