CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
Tin Mừng : Mc 7, 1
“Các ông gạt bỏ điều
răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”
Bạn thân mến,
Không biết
bài Tin Mừng hôm nay có làm cho tâm hồn bạn cảm thấy như thế nào, chứ riêng tôi
mỗi khi nghe đoạn Tin Mừng này thì rất có cảm hứng, cảm hứng bởi vì ý nghĩa nội
dung của nó như cái kim chích tâm hồn của con người, ngay cả tôi nữa, mỗi khi rửa
tay thì cũng đều nhớ đến đoạn Tin Mừng này, xin chia sẻ với bạn:
1. Rửa tay là một thói quen vệ sinh.
Rửa tay trước
khi ăn không phải là lề luật của Thiên Chúa hoặc là của ông Môi-sê, nhưng chỉ
là một thói quen của phép vệ sinh, và có lẽ chúng ta đôi lúc cũng quên mất rửa
tay trước khi ăn, vì thời buổi hiện đại đã có khăn lau tay rất sạch và thơm. Gần
hai năm gần đây dịch covid-vuhan đang hoành hành, cả thế giới ai ai cũng lo sợ,
người người đều tuân thủ nghiêm nhặt phép vệ sinh, không những phải rửa tay trước
khi ăn, mà còn phải rửa tay, rửa mặt, sát trùng, mang khẩu trang để tranh lây bệnh,
mà còn hơn thế nữa, cấm cả việc giao thông đi lại để tránh dịch bệnh.
Rửa tay cho
thật sạch, nói năng cho thật văn hoa, bộ điệu cho thật thu hút người khác,
nhưng tâm hồn thì tràn đầy những thói hư tật xấu không chịu sửa đổi, thì cũng
chỉ là những cái mả tô vôi trắng toát đến phát sợ mà thôi. Có những người
khuyên bảo người khác phải ăn ở hiền lành để được Chúa thương, nhưng chính họ
thì lại sống không có một chút tình yêu của Phúc Âm, họ như các kinh sư và biệt
phái ngày ngày thích đứng giữa ngã ba đường để cho người ta thấy mà chào họ:
“Rabbi” !
Rửa tay thì
cần thiết cho thân xác khỏi nhiễm bệnh, rửa tâm hồn thì cần thiết cho linh hồn
được kiện khang, cả hai đều rửa, nhưng một bên là thói quen của người đời, và một
bên thì đúng là lề luật của Thiên Chúa, mà người chú trọng đến hình thức thì
đương nhiên rất ít chú trọng đến tâm hồn, đó chính là lệch lạc của người mang
danh là Ki-tô hữu nhưng lại thích phô trương, khoe khoang, kiêu ngạo.
2. Thói giả hình là bình phong che đậy tội ác.
Đạo đức giả
và thói giả hình thì nhan nhãn khắp nơi trong xã hội mà chúng ta đang sống,
ngay cả trong nhà thờ của bạn và của tôi. Đạo đức giả là bức bình phong mà ma
quỷ dùng để mê hoặc người mà đức tin không bén rễ trong tâm hồn, những người
này rất dễ nhìn thấy, họ cũng đi dâng thánh lễ, cũng tham gia các công việc bác
ái từ thiện, nhưng họ tham gia không phải là vì họ yêu thương tha nhân, nhưng
là để quảng cáo cho sản phẩm của ma quỷ, đó là ghen ghét, là âm mưu gây chia rẽ
trong cộng đoàn.
Thói giả
hình cũng là con đẻ của ma quỷ, nó có biệt tài che đậy khuyết điểm của mình, và
moi móc khuyết điểm của người khác thì rất giỏi, đó chính là người mà Đức Chúa
Giê-su đã nói là thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng trí thì lại xa
cách Người.
Rửa tay hoặc
không rửa tay trước khi ăn không phải là tội, nhưng đem chuyện của người khác
mà đi la to khắp cùng ngõ hẽm cho người khácnghe biết thì đúng là tội; không rửa
tay trước khi ăn thì không có tội, nhưng cố ý rửa tay để che giấu một hành vi tội
lỗi của mình thì đúng là có tội thật, bởi vì rửa tay và phạm tội thì không giống
nhau, ông quan tổng trấn Phi-la-tô đã rửa tay tuyên bố mình vô tội trong vụ án
của Đức Chúa Giê-su, nhưng lại cho quân dữ đánh đòn và đóng đinh Ngài vào thập
giá.
Bạn thân mến,
Thánh
Phao-lô tông đồ đã mời gọi bạn và tôi hãy rửa tâm hồn trước khi ăn và uống Mình
và Máu thánh của Đức Chúa Giê-su, tức là ngài muốn chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn
cho thật sạch bằng nước mắt sám hối, hòa giải, chứ không phải bằng việc rửa tay
hoặc lau tay bằng khăn thơm trên bàn ăn...
Rửa tay chỉ là một thói quen tốt của phép vệ sinh, nhưng rửa tâm hồn chính là một thói quen tốt của người Ki-tô hữu nên làm, để không những rước Đức Chúa Giê-su vào lòng, mà còn tránh được những ô nhiễm của thế gian tội lỗi nữa.
Xin Chúa
chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.