Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Chúa nhật 30 thường niên

 




CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mt 22, 34-40.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và yêu người thân cận như chính mình.”

Bạn thân mến,
Đạo công giáo chúng ta được gọi là đạo Yêu Thương, đạo Bác Ái, bởi vì Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại cũng chỉ thực hành điều ấy mà thôi đó là yêu thương, và chính Ngài cũng đã dạy chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta vậy.
Kính mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận là hai giới luật lớn nhất của người Ki-tô hữu, cho nên không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, cũng như không thể nói yêu mến tha nhân nhưng lại chối từ Thiên Chúa, thánh Gioan tông đồ cho như thế là kẻ gian dối (Ga 4, 20-21), giới luật ấy tuy là hai nhưng chỉ là một.
Nhưng trong thực tế, có rất nhiều lần chúng ta tách hai giới răn này làm đôi để đối xử với tha nhân, nghĩa là chúng ta chăm chăm chú chú coi ngày coi giờ để đi lễ nhà thờ, nhưng chúng ta chưa bày tỏ được nội dung thánh lễ sau khi trở về nhà đó là yêu thương, nghĩa là chúng ta vẫn cứ hằng ngày đi lễ thờ phượng kính mến Thiên Chúa, nhưng hằng ngày vẫn cứ chửi rủa, ghen ghét, kiêu căng hợm hĩnh với người hàng xóm, vẫn lăm le cái chức vụ quyền cao để đè đầu đè cổ anh em chị em trong cộng đoàn, hoặc trong công ty của mình.
Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta không thấy, nhưng nhờ đức tin mà chúng ta thấy Ngài trong vũ trụ vạn vật nên yêu mến Ngài; còn người anh em chị em thì mỗi ngày chúng ta đều thấy, nhưng chúng ta lại không dùng đức tin để nhìn thấy Thiên Chúa trong họ, đó là một thiếu sót lớn lao của chúng ta, là bức tranh không thuận mắt nơi người Ki-tô hữu khi người khác nhìn vào.
Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su đã kéo giới răn trọng nhất là kính mến Thiên Chúa xuống, và đưa giới răn thứ hai là yêu người lên cho cả hai giới răn bằng nhau, là để cho chúng ta thấy tình liên đới giữa con người với nhau cũng quan trọng như liên kết với Thiên Chúa vậy, cho nên có thể nói rằng bác ái, yêu thương là cái hồn sống của người Ki-tô hữu, bởi vì sống mà không biết xúc động trước cảnh nghèo khó của tha nhân, thì cũng không thể biết được Thiên Chúa là tình yêu để mà kính mến.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


14.      TREO BẢN HÀNH NGHỀ HIẾU KHÁCH

Thời Nguyên triều đang thịnh, có quan giang hựu[1] gọi là Hồ Tồn Trai rất là hiếu khách, cứ mỗi lần có khách đến là phải đoán mò khách là ai và dặn người giữ cổng nói lời khéo léo để từ chối khách không vào thông báo.

        Về sau, lúc nào ông ta ở nhà thì treo lên một tấm bảng có viết chữ : “Hồ Tồn Trai có nhà”.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 14 :

        Hiếu khách là bổn phận của người Ki-tô hữu, trong “Thương người có 14 mối” có mối thứ tư “cho khách đỗ nhà”, bởi vì như thế là phù hợp với những gì mà Đức Chúa Giê-su đã nói trước trong ngày phán xét.

        Có những người Ki-tô hữu rất hiếu khách tận tâm phục vụ khách với tất cả đức ái, đó là những Ki-tô hữu luôn muốn được Thiên Chúa “hiếu khách” với mình trên thiên đàng.

        Có một vài Ki-tô hữu cũng có lòng hiếu khách, nhưng cái hiếu khách của họ không như của người khác: họ thích tiếp khách để có người mà nói chuyện xấu của người khác, họ hiếu khách là vì họ thích có người để chén thù chén tạc, họ hiếu khách là vì họ có chuyện bực bội với người hàng xóm nên muốn có nhiều người nghe chuyện tức tối của họ, lại có người hiếu khách vì đó là khách sộp giàu có.v.v…

        Hiếu khách là việc làm của người Ki-tô hữu, vì khi họ ân cần tiếp đãi một người khách, thì họ sẽ được vô vàn thiên sứ trên trời tiếp đãi khi họ từ giả cõi đời này.

        Hạnh phúc thay người có tâm hồn hiếu khách.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Tên một chức quan thời xưa của Trung Quốc.

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


13.      GIỐNG BỨC TRANH NÀY

            Quách Trung Thứ vẽ tranh rất nổi tiếng, nhưng ông ta từ trước đến nay không dám vẽ người, nếu có người yêu cầu ông ta vẽ thì ông ta nổi giận bỏ đi.

        Năm nọ, lúc ông ta ngụ tại Kỳ Hạ, có nhà phú gia chi tử nọ rất thích tranh của ông ta, bèn lợi dụng cái đặc điểm của ông ta là rất thích uống rượu, nên mỗi ngày đều mời ông ta uống rượu ngon, tiếp đãi ông ta như thượng khách mà cũng không hề nói đến chuyện vẽ tranh.

        Dần dần hai người đều có cảm tình với nhau, người nhà giàu bèn tặng ông ta một vài món quà để xin vẽ tranh. Quách Trung Thư vì bạn mà phá lệ vẽ bức tranh “tiểu đồng thả diều”, chỉ có điều là vẽ sợi dây để kéo diều dài có đến mấy trượng.

        Phú gia chi tử chịu không nổi trò đùa này, nổi giận và lập tức chấm dứt quan hệ với ông ta.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 13 :

        Có một thực tế như thế này: nếu vì lý do vật chất hoặc có lợi cho cá nhân mình mà kết tình bạn, thì tình bạn này sẽ không được dài lâu hoặc nếu có dài lâu thì chỉ dài lâu theo của cải của mỗi người mà thôi…

          Có những người theo đạo chỉ vì thấy mình xin được ơn nên theo đạo, theo đạo vài năm thì bỏ đạo cách “tàn nhẫn” vì xin không được ơn nữa, đạo của họ là cái vật chất xin là có ước là được chứ không phải là đạo tại tâm.

        Cũng có những người Ki-tô hữu “chính hiệu” nhưng cuộc sống thì giống như những người chưa hề làm bạn thân tình với Đức Chúa Giê-su, khi cầu nguyện thì xin cho được điều này điều nọ mà không xin cho được thông phần đau khổ với Ngài, hoặc cầu nguyện mà cứ than vãn vì người này người nọ làm mình phải bực mình, mà không than thở đau thương những tội mình đã phạm làm mất lòng Thiên Chúa…

        Đức Chúa Giê-su là người bạn thân thiết của chúng ta, Ngài làm bạn với chúng ta là vì muốn chúng ta trở nên những con người tốt lành có ích cho mọi người, chứ không trở nên những con người ích kỷ, Ngài làm bạn với chúng ta là vì muốn chúng ta được chia sẻ phần hạnh phúc thiên đàng với Ngài.

“Lạy Đức Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết trở nên ngừơi bạn hữu tốt lành của Chúa, để con trở nên người bạn tốt của tha nhân. Amen”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


12.      CAO THẤP KHÔNG ĐƯỢC

            Lúc Lý Hựu làm quan ở Hà Sóc, giám tư[1] giận lây Lý Hựu nên khi đối đáp thì thanh âm điệu bộ không được đàng hoàng, cách ngày hôm sau Lý Hựu bèn cất cao tiếng ứng đối với giám tư, giám tư càng giận, Lý Hựu cũng không bằng lòng nên nói:

-          “Cao không được thấp cũng không được, thế thì mời ngài tự mình làm một kiểu đáp ứng để tôi coi thử coi”.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 12 :

        Ở đời cái gì thái quá cũng đều không được, nói giọng cao giọng thấp thì có gì phải giận, chẳng qua là trong bụng mình có thói kiêu căng mà thôi, con người ta khi đã cho mình là “cái rốn” của vũ trụ thì trên thế gian này xảy ra không biết bao nhiêu là điều bất hạnh…

        Nếu một linh mục cứ bắt bẻ “giọng cao giọng thấp” với giáo dân thì nhà thờ sẽ ít dần người đến với Chúa; nếu các tu sĩ cứ cho mình là “người Thiên Chúa chọn” nên cứ ta đây là bậc cao sang thì Lời Chúa sẽ chẳng đến với một ai cả; nếu người Ki-tô hữu cứ nghĩ rằng mình là dân được tuyển chọn nên cứ vênh vênh cái mặt cho mình là thánh rồi mà không tự hạ, thì cuộc sống của họ cứ như là cái phèng la…

        Nói giọng cao hay nói giọng thấp thì có gì là xấu, chỉ có những ai có tâm hồn cao thấp không bình an mới là người đáng bị phạt mà thôi…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Viên quan giám sát các trưởng quan ở địa phương châu huyện.

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


11.       GIANG TRẠM NUÔI TRÂU

            Giang Trạm rất là bủn xỉn, hể lúc nào trâu của hắn ta nuôi cần thêm cỏ thì hắn ta cũng đều tự mình đi đóng cửa nhà kho lại.

        Một lần nọ, trâu quá đói nên người chăn trâu đến hắn ta xin cỏ, hắn ta suy nghĩ rất lâu mới nói:

-  “Thôi được, cho nó ăn một bó cỏ vậy”.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 11 :

        Con trâu to đùng đùng mà chỉ cho ăn một bó cỏ để sống thì Giang Trạm qủa là tên không những hà tiện mà còn độc ác.

        Không ai nuôi trâu bò mà lại muốn cho chúng nó gầy ốm nhưng luôn muốn chúng nó mập béo; không ai nuôi vịt gà mà lại muốn cho chúng nó chết tiệt nhưng muốn cho chúng nó ngày càng béo hơn…

        Có người Ki-tô hữu giàu có nọ cầm năm ngàn đồng bạc đến dâng cúng cho nhà thờ và với giọng “đạo đức” nói với cha sở: “Dâng nhiều Chúa cũng biết, dâng ít Chúa cũng biết, chỉ cần lòng thành là được rồi.” những người này muốn mua thiên đàng với giá năm ngàn đồng thì làm sao vào được thiên đàng chứ ?

        Cửa Nước Trời cũng sẽ là cửa “tự động” như các cánh cửa hiện đại ngày nay, nó sẽ mở lớn với người có tâm hồn quảng đại với tha nhân, và nó sẽ trở nên chật hẹp cho những người có tâm hồn hà tiện với mọi người, nhưng nguy hiểm hơn nó sẽ đóng kín mít với những người không có lòng nhân.

        Cửa thiên đàng mà đóng lại thì đúng là một bất hạnh vĩnh viễn của người Ki-tô hữu vậy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


10.      DƯỚI DĨA CÓ XÌ DẦU

            Ở đất Ngô có người tên là Quy Liêm Tuyền, trong nhà rất giàu có nhưng lại rất keo kiết.

Mỗi lần mùa hè đến, vì để tiết kiệm củi nên thường đem nước để tắm bỏ dưới ánh mặt trời để nắng chiếu nóng rồi sau đó mới tắm, người này sống tuổi đã rất cao mà cũng chưa dám ăn một miếng thịt.

Một hôm, có người bên nhà vợ đến chơi, thực ra không cách gì để tránh nên mới lấy trong tay áo ra năm đồng tiền kêu người đi đến hàng thịt chín mua vài miếng thịt. Quá nhạt, không có xì dầu, tự mình lấy một đồng đi mua xì dầu, vừa mới nếm thì chê xì dầu không ngon nên lấy tiền lại và về nhà.

Khách thấy ông ta trở về tay không thì hỏi xì dầu đâu, Quy Liêm Tuyền chỉ cái dĩa còn chút dầu dưới đáy nói:

-          “Chút mặn ấy đủ để cho mấy miếng thịt rồi”.

Lại có một lần, đám con cái nhìn thấy người bán kẹo nên khóc lớn đòi mua. Bà ngoại ra lệnh cho Quy Liêm Tuyền lấy nửa ký gạo đi đổi kẹo.

Quy Liêm Tuyền sau khi nhìn thấy thì đem gạo đi qua đổi và lấy về một chiếc kẹo, tự mình bẻ và ăn thử một miếng, sau đó lại bẻ thêm một miếng nữa bỏ vào trong miệng của con trai và nói :

-          “Mùi vì chẳng qua là như thế mà thôi.”

            Và lập tức đem kẹo trả lại cho người bán kẹo và lấy tiền trở về nhà.

                                          (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 10 :

Con người ta nếu còn chút “tâm hồn” thì không đến nỗi keo kiệt như thế, ít nữa là chơi đẹp với bè bạn và thơm thảo với con cái, chứ ai lại tệ hại như thế bao giờ.

Thiên Chúa chưa hề keo kiệt với chúng ta bao giờ, vậy mà có người hết sức keo kiệt hà tiện với anh em chị em của mình. Thiên Chúa cũng chưa bao giờ cho chúng ta “mút” cái kẹo để rồi lấy lại, nhưng có người Ki-tô hữu cho anh em chị em vay mượn một đồng nhưng lấy tiền lời thì gấp năm gấp mười…

Keo kiệt hà tiện không những là một tội trong bảy mối tội đầu, nhưng còn là một thứ bệnh nan y bất trị của những người chỉ biết bo bo coi tiền coi bạc hơn cả tình cảm của tha nhân, họ ngay cả đời này cũng không đáng được người ca tụng thì nói đời sau được chúc phúc sao được chứ ? Đúng là giấc mơ hão huyền.

Một chút dầu dưới dĩa thì không thể nào chấm được mấy miếng thịt, cũng vậy làm việc thiện ít hơn cái hà tiện keo kiệt thì nhất định sẽ không bước tới được cổng thiên đàng!


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


9.      LANG SÓI ĂN CÁ

     Xảy ra nạn hạn hán, cầu mưa thì phải bày tỏ lòng thành, chiếu theo lệ là cấm mổ thịt.

Ngự sứ Lâu Sư Đức đến huyện Thiểm Tây thị sát, quan địa phương vì để nịnh nọt ông ta nên sai đầu bếp nấu thịt dê để mời ông ta ăn.

Lâu Sư Đức chất vấn tên đầu bếp:

-          “Tại sao chúng mày giết dê ?”

Đầu bếp trả lời:

-          “Không phải giết dê, mà là lang sói cắn dê chết đấy”.

Lâu Sư Đức cười cười nói:

-          “Con lang sói này ngạo mạn hiểu ngược lễ tiết”.

Một lúc sau, đầu bếp lại dọn ra một dĩa cá nướng, ngự sứ lại hỏi, đầu bếp cố ý nói:

-          “Nó cũng bị lang sói cắn chết đấy”.

Lâu Sư Đức cười lớn nói:

-          “Mày đúng là thằng ngốc, tại sao không nói con rái cá cắn chết nó, nói như thế thì sẽ không lộ tẩy chứ !”

                                          (Cổ kim tiếu sứ)

Suy tư 9 :

Lang sói chỉ cắn chết dê chứ lang sói không xuống hồ ao sâu để cắn chết cá, mà nếu có cắn chết cá chăng nữa thì nó cũng xơi sạch có đâu để đem rán chiên thơm phứt ngon lành !

Ma quỷ là loài lang sói trong đời sống tín ngưỡng của chúng ta, nó cắn chết đức tin của chúng ta bằng những mưu mô cám dỗ, nó cắn chúng ta chết trong những đam mê của mình…

Nhưng có một loài lang sói cũng khủng khiếp chẳng kém gì ma quỷ nó ở ngay trong mỗi người chúng ta, nó chính là lòng tham của mỗi người, lòng tham này đã biến thành lang sói nhe nanh gầm gừ khi thấy mối lợi cho mình, nó gầm gừ chực cắn khi người khác có cái mà mình không có, nó cũng lồng lộn lên cắn xé người khác khi người ấy nói đúng tim đen tham lam của mình…

Lang sói chỉ ăn dê chứ ít khi ăn cá, người có lòng lang sói thì “siêu” hơn một bậc là “ăn” và cắn cái gì cũng được miễn là có lợi cho mình.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)