Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Lễ Hiện Xuống

 




CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG


Tin Mừng : Ga 20, 19-23.
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em, anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay là ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, và cũng là ngày sinh nhật của Giáo Hội. Tôi xin chúc tất cả anh chị em mỗi người được tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần, để chúng ta cùng nhau xây dựng một xã hội huynh đệ, một giáo xứ yêu thương và một gia đình hạnh phúc.
Mặc dù chúng ta đã làm Tuần Cửu Nhật kính Chúa Thánh Thần, để xin Ngài ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta sống bác ái với anh chị em, và làm chứng cho tình yêu của Đức Chúa Giê-su, nhưng tôi cũng nhân dịp ngày lễ trọng này để chia sẻ với anh chị em ít điều về bổn phận của người Ki-tô hữu.

1. Thánh Thần hướng dẫn chúng ta.
Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa, của sự sáng, Ba Ngôi Thiên Chúa lập tức trở thành chủ nhân tâm hồn của chúng ta, từ đó trở về sau, chúng ta được gọi là người Ki-tô hữu, và chỉ có người Ki-tô hữu -do Đức Chúa Thánh Thần tác động- mới hiểu được vai trò làm con Chúa ngay trong cuộc sống ở trần gian này.
Bổn phận của người con Chúa không chỉ là ngày ngày đến nhà thờ dâng lễ đọc kinh, cũng không chỉ là bỏ tiền của ra xây thờ, nhưng cái quan trọng hơn chính là “ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng” như lời của Đức Chúa Giê-su đã dạy.
Có những người Ki-tô hữu chỉ biết Chúa ở trong nhà thờ, cho nên họ thường phê bình những hoạt động bên ngoài xã hội của anh em; có những người Ki-tô hữu chỉ biết Chúa nơi những bà con họ hàng, cho nên họ thường dửng dưng trước những người nghèo bất hạnh ngay bên cạnh họ...
Rao giảng Tin Mừng của người giáo dân thì có thể nói là “thiên hình vạn trạng” hơn cả các tu sĩ nam nữ, bởi vì chính các Ki-tô hữu là những hạt giống Tin Mừng được Đức Chúa Giê-su gieo vãi khắp cùng ngõ hẽm của xã hội trần thế, bởi vì chính người Ki-tô hữu là những tai, mắt, miệng của Giáo Hội, mà trong sinh hoạt thường ngày của họ người ta luôn nhìn thấy Giáo Hội của Chúa cách sống động, và sống động nhất chính là khi họ thực hành Lời của Chúa dạy yêu người thân cận như chính mình, đó chính là lời rao giảng Tin Mừng mạnh mẽ nhất vậy.

2. Thánh Thần là quả tim sống động.
Đức Chúa Thánh Thần không ở nơi đâu xa lạ, nhưng hằng ngày Ngài vẫn luôn ở với chúng ta để hướng dẫn, dạy dỗ và làm cho chúng ta trở nên người con tốt lành của Thiên Chúa.
Có người hỏi tôi rằng: tại sao các cha ít khi nói đến Đức Chúa Thánh Thần cho giáo dân nghe, mà chỉ lúc nào có dịp lễ gì có liên quan đến Thánh Thần, hay có trẻ em lãnh nhận bí tích thêm sức thì mới giảng về Đức Chúa Thánh Thần cho giáo dân nghe ? Một câu hỏi để nhắc nhở chúng tôi là những mục tử, một câu hỏi để nhắc nhở chúng ta là những người Ki-tô hữu phải luôn luôn xác tín rằng: Đức Chúa Thánh Thần vẫn luôn mãi mãi ở trong tâm hồn chúng ta, chính Ngài đã thôi thúc chúng ta làm việc lành tránh điều dữ, chính Ngài hướng dẫn chúng ta biết chọn điều gì cho đẹp lòng Thiên Chúa để làm và điều gì không nên làm.
Vâng, Đức Chúa Thánh Thần có vai trò rất đặc biệt và quan trọng trong đời sống của người Ki-tô hữu, Chính Ngài được Đức Chúa Giê-su xin Đức Chúa Cha ban xuống cho các Tông Đồ để mở ra trí huệ cho các ngài, chính Ngài đã kiện toàn và mở mang Giáo Hội ở trần gian, chính Ngài đã làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay.
Đức Chúa Thánh Thần là quả tim trong thân thể, Đức Chúa Thánh Thần là cái bánh lái của con thuyền, thân xác không có quả tim là thân xác không có sự sống, thuyền không bánh lái là thuyền trôi nỗi trên biển không định hướng, đời sống của người Ki-tô hữu nếu không có Đức Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì chỉ là một cái mả tô vôi, hoặc chỉ là một con thuyền lênh đênh trôi vật vờ trong biển khổ của trần gian đầy cạm bẩy của cám dỗ.
Anh chị em thân mến,
Hôm nay là ngày sinh nhật của Giáo Hội – lễ Hiện Xuống- chúng ta cầu xin cho Giáo Hội luôn lắng nghe lời dạy bảo và hướng dẫn của Đức Chúa Thánh Thần, để Giáo Hội luôn trở nên ánh sáng của muôn dân; chúng ta cũng xin Đức Chúa Thánh Thần ở mãi với mỗi người trong chúng ta, dù ở đâu, làm gì và trong cương vị nào, chúng ta cũng cầu xin Ngài hướng dẫn, để chúng ta trở nên những chứng nhân của Tin Mừng, của Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh, để khi mọi người nhìn thấy việc chúng ta làm, lời chúng ta nói đều phù hợp với đức ái của Tin Mừng, thì họ sẽ nhận ra Đức Chúa Giê-su đang ở trong chúng ta vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


87.    DI HOÀNH KHÓC RỐNG

Di Hoành có tài nhưng tính ngạo mạn.

Năm nọ, vì đắc tội với Tào Tháo mà suýt bị nguy hiểm, sau đó Tào Tháo đem ông ta dâng cho Lưu Biểu, trước khi đi, dân chúng đều tụ họp ở trong Thành Nam để tiễn biệt, lúc Di Hoành chưa đến thì mọi người bàn với nhau :

-      “Hôm nay chúng ta phải làm cho Di Hoành nhục nhã, đợi khi ông ta đến thì tất cả chúng ta đều không mở miệng nói, có người nằm và có người ngồi...”

Di Hoành vừa tới nơi liền khóc rống lên thảm thiết, làm cho người nghe rất là thương tâm, mọi người vội vàng hỏi ông ta tại sao khóc thảm thiết như vậy, Di Hoành cười thầm trong bụng, nói:

-      “Nhìn thấy người ngồi giống như nấm mồ, thấy người nằm giống như xác chết, ở giữa nấm mồ và xác chết có thể không khóc lóc thảm thương sao ?”

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 87 :

        Không ai thấy nấm mộ và tử thi mà không chạnh lòng: có người thương cảm, có người hối tội, có người than khóc, có người đau khổ.v.v... bởi vì con người ta được dựng nên bằng đất sét cho nên cũng sẽ chạnh lòng trước những tử thi và nấm mồ.

“Ngồi là nấm mồ, nằm là tử thi” là câu nói rất có ý nghĩa đối với những người Ki-tô hữu có đức tin, bởi vì khi họ phạm tội trọng là linh hồn của họ đã chết, mạch ân sủng dưỡng nuôi đời sống thiêng liêng của họ đã bị cắt đứt đoạn tuyệt với Thiên Chúa, cho nên dù họ sống thì cũng như đã chết, dù họ ngồi hay nằm thì giống như nấm mồ và tử thi...

Con người ta khi ngồi là một nấm mồ sống, khi nằm thì là một tử thi sống, chỉ có điều là nấm mổ biết đi và tử thi biết thở mà thôi.

Nấm mồ và tử thi thì người yếu bóng vía thấy và chạy ngay nên nó ít hại người, nhưng những người sống mà còn mang tội trọng trong mình thì đáng sợ vô cùng, vì những “nấm mồ và tử thi” này sẽ gây gương mù gương xấu cho người khác, bệnh truyền nhiễm này nặng nề hơn tất cả các ôn dịch do thời tiết gây nên.

Đáng sợ thật !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


86.    DỰA VÀO BỘ XƯƠNG KHÔ

Chu Dị ở làng Tiền Dung rất ngạo mạn, coi thường các đại quan của triều đình, hể gặp chuyện là chế nhạo họ.

Có người khuyên ông ta không nên như thế, nhưng Chu Dị lại không cho là như vậy, nói:

-      “Tôi dựa vào bản lãnh của mình nên được minh chúa khen ngợi, còn mấy ông quan to ấy đều ỷ vào các bộ xương khô của tổ tiên mà khinh dể người khác, nếu tôi cúi đầu hèn hạ trước mặt họ, thì lại càng làm cho họ thêm khinh miệt, tôi gọi đó là đánh phủ đầu”.

                                                                  (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 86 :

        Ở đời có rất nhiều người thành đạt do tự sức mình làm nên, cũng có rất nhiều người cậy thế người thân làm lớn để tiến thân vinh thân phì da.

        Thành đạt do mình làm ra thì nên tự hào chứ không nên kiêu ngạo coi ai chẳng ra gì, bởi vì tất cả mọi sự chỉ là như gió thoảng mây bay, nay còn mai mất, cái tồn tại đó chính là tâm hồn khiêm tốn vẫn ở mãi trong tâm hồn của người khác; người khác khinh miệt mình không phải là mình nghèo cũng không phải là không thành đạt, nhưng là vì tư cách của mình hèn hạ, ngạo mạn, bởi vì có nhiều người nghèo nhưng rất được người khác kính trọng, cũng có nhiều người không thành đạt nhưng ai cũng mến thương họ...

        Khinh miệt người khác thành đạt vì họ dựa vào thế của tổ tiên là không phải tính cách của người Ki-tô hữu, nhưng đó là tư cách của kẻ tiểu nhân, bởi vì người Ki-tô hữu luôn xác tín rằng, dù cậy vào thế của ai chăng nữa thì họ cũng là con cái Thiên Chúa cần được mọi người yêu thương và hướng dẫn, để trở nên con cái tốt lành của Ngài.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


85.    SẼ KHÔNG THIẾU KHÁCH

Trương Toản và Hà Kính Dung cùng nhau làm việc trong sứ bộ, nhưng chí hướng thì không giống nhau.

Hà Kính Dung lấy con gái lớn của Lương Võ đế làm phò mã và có quyền thế, khách khứa đều nịnh nọt lấy lòng ông ta và có rất nhiều người kề cận bên cạnh ông ta, mà người đi bên cạnh Trương Toản thì lại lèo tèo thưa thớt.

Từ đó về sau, Trương Toản bèn không tiếp khách, mỗi khi có khách đến thì nói: “Tôi sẽ không thiếu khách như Hà Kính Dung.” để từ chối tiếp khách.

(Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 85 :

Ở đời có nhiều hạng khách: khách đến cầu thân, khách đến để ăn nhậu, khách quen, khách sơ giao, khách hiếu kỳ mà đến, khách đến để nịnh bợ, khách đến để cậy nhờ, khách quý, khách sang, khách hèn.v.v… và còn nhiều loại khách khác với những mục đích khác nhau…

Khách nào cũng là khách, nhưng con người ta thường hay phân biệt thành từng hạng để đối xử cho đúng với mức độ đáng kính trọng của khách, cho nên vẫn còn có nhiều vị khách cúi đầu lòn cúi, và vẫn còn có những vì khách vị danh dự sĩ diện mà không làm khách dù được mời…

“Khách nào cũng là khách của mình”, đó phải là lời nói tự trong tâm của người Ki-tô hữu, bởi vì dù họ có đến làm khách với mục đích gì chăng nữa thì họ cũng vãn là khách của mình, nhưng quan trong hơn chính là người Ki-tô hữu luôn nhìn thấy Đức Chúa Giê-su trong người khách đến nhà mình, do đó từ cung cách phục vụ cho đến lời ăn tiếng nói đều phản ảnh lại tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Giê-su đã làm khách đi đường với hai môn đệ thành Em-mau, Đức Chúa Giê-su cũng đã làm khách nơi nhà của chị em bà Martha, Đức Chúa Giê-su cũng đã làm khách nơi nhà thu thuế Gia-kêu, Ngài cũng làm khách nơi nhà nhạc mẫu của thánh Phê-rô, và cuối cùng với ý nghĩa lớn lao nhất là Đức Chúa Giê-su cũng đã làm khách lưu đày ở trần thế này trong suốt ba mươi ba năm…

Khách là phản ảnh lại hình ảnh của Đức Chúa Giê-su sống tại trần gian, cho nên có những lúc chúng ta “trách” Đức Chúa Giê-su vì Ngài không để cho chúng ta có cơ hội tiếp đón Ngài như chị em Martha, như Gia-kêu lùn.v.v… nhưng thật ra chính Đức Chúa Giê-su đã tạo rất nhiều cơ hội để chúng ta tiếp đón Ngài, Ngài chính là những người khách đủ hạng người trong xã hội đang đến nhà chúng ta mỗi ngày ấy.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


84.    TIẾNG VỌNG CÁCH VÁCH

La Thừa Tự khi còn ở Châu Tây, mỗi đêm đều nghe tiếng âm thanh va chạm của nhà hàng xóm kế bên không dứt cho đến trời sáng thì thôi.

La Thừa Tự hiếu kỳ muốn biến rõ là như thế nào, bèn đục một lỗ nhỏ nơi bức vách để quan sát, té ra là người hàng xóm vì trời quá lạnh nên hai hàm răng đánh nhau cầm cập !

(Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 84 :

Ở những thành phố và những nơi phố thị người hàng xóm thường dửng dưng với nhau, bởi vì ai cũng sống cho mình, cửa nhà đóng kín mít cả ngày và có khi “chơi” cả một con chó Phú Quốc ngồi ngay trước cổng canh nhà, cho nên tuy nhà sát vách mà không biết đến nhau...

Con người ta vì nhiễm thói ích kỷ của tội nguyên tổ nên luôn trở thành kẻ xa lạ của nhau, thậm chí xa lạ ngay cả trong gia đình của mình.

Con người thời nay chỉ trong nháy mắt là biết được chuyện đang xảy ra trên thế giới, nhưng chuyện xảy ra ngay bên cạnh nhà của mình thì lại không biết, bởi vì con mắt xác thịt thì thích nhìn đến những chuyện trên mây trên gió, tức là thích nhìn những sự việc mà mình chỉ cảm nghiệm qua màn hình, còn con mắt tâm hồn có thể nhìn thâu qua bức tường ích kỷ, ghét ghen, thù hận thì lại bị bịt kín bởi thù hận, ghét ghen và ích kỷ kiêu căng, cho nên không nghe không thấy những mảnh đời tội nghiệp của nhà nghèo bên cạnh nhà mình để giúp đỡ và ủi an...

Người Ki-tô hữu được Đức Chúa Giê-su cứu chuộc, Đức Chúa Thánh Thần thánh hóa nên tai mắt tâm hồn của họ rất nhạy bén trước những đau khổ của tha nhân, nhất là người hàng xóm bất hạnh bên cạnh nhà mình.

Thứ tự truyền giáo là như thế này: trước tiên là trong gia đình, thứ đến là hàng xóm, tiếp đến là ngoài đường và cứ thế mà lan rộng ra đến với mọi người...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


83.    CHUYỂN NHƯỢNG ĐÙI LỚN

Nghĩa Hưng Trữ gia đình rất nghèo, mùa đông không có quần mặc để chống lạnh, bèn nói bừa một câu thơ:

-      “Gió tây thổi tiếng mưa đơn độc, hai cái đùi lớn không bỏ xuống được. Triều đình đến yết thị nơi đầu phố, mượn người có quần để mặc đi.”

(Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 83 :

Có người thích trời lạnh và có người rất sợ lạnh.

Sợ lạnh là vì cơ thể không được khỏe mạnh, không sợ lạnh là vì thân thể có...nhiều mỡ.

Nhưng có những người rất sợ lạnh mà vẫn cảm thấy ấm áp dù họ đang đi ngoài trời gió lạnh, bởi vì trong lòng họ tràn ngập tình yêu: yêu Thiên Chúa, yêu tha nhân; lại có người không sợ lạnh nhưng vẫn cứ run lên dù họ đang ngồi trong nhà ấm áp có máy sưởi, bởi vì trong lòng họ thiếu vắng tình thương. Như thế thì cũng đủ biết rằng, tâm hồn mà lạnh thì đáng sợ hơn thể xác lạnh.

Người Ki-tô hữu là những người luôn bị lửa tình yêu của Thiên Chúa đốt nóng tâm hồn, nên họ luôn cảm thấy tâm hồn ấm áp và tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa, do đó họ luôn muốn đem lửa yêu mến này đi sưởi ấm tâm hồn những người đang lạnh buốt vì thiếu tình người, họ muốn đem tình yêu này đốt lên một ngọn lửa mến yêu của Đức Chúa Giê-su trong những người bất hạnh, bằng chính những thái độ hòa nhã tôn trọng và vui tươi đối với những người bị đời bỏ rơi khinh dể...

Mùa lạnh mà không có quần mặc thì đúng là lạnh thật, nhất là hai chân bị lạnh thì không thể ngủ được, đúng là tội nghiệp. Người Ki-tô hữu nếu không có chiếc áo yêu thương để mặc, thì đáng tội nghiệp hơn người nhà nghèo không có quần mặc mùa đông rất nhiều, bởi vì dù cho có áo quần mùa đông mà thiếu lửa yêu mến Thiên Chúa thì quả là tội nghiệp vô cùng...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


82.    ÁO KỸ NỮ CỦA HẠ HẦU

Thích sứ Dự Châu là Hạ Hầu Đản bủn xỉn quá quắt, vào những năm cuối đời thì thích nghe âm nhạc gọi là hưởng thụ, trong nhà có mười người ca kỹ nhưng đều không cho họ mặc áo để cho dễ coi một chút, mà khuôn mặt của mấy ca kỹ này cũng bình thường.

Mỗi khi có khách đến, Hạ Hầu Đản để cho ca kỹ ngồi sau bức rèm tấu nhạc xướng ca, những người biết rõ sự tình bèn gọi bức rèm này là “áo kỹ nữ của Hạ Hầu”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 82 :

Các ca sĩ thời nay cũng như ca sĩ thời xưa đều thích ăn diện cho nổi, mặt mày cho dù xấu thì cũng cố mà đi thẫm mỹ viện để sửa hình sửa tướng cho đẹp hoặc ít nữa cũng dễ coi đôi chút, bởi vì thích làm đẹp và chơi nổi là “nghể” của các ca sĩ, dù họ là nam hay nữ...

Thời xưa cũng như thời nay, các ca đoàn của các nhà thờ đều có đồng phục riêng để làm đẹp và cũng để trang nghiêm khi hát thánh ca trong nhà thờ, đó là một truyền thống tốt đẹp và nên giữ gìn.

Ca đoàn là một bộ phận của cộng đoàn dân Thiên Chúa không tách biệt ra khỏi cộng đoàn giáo dân; các thành viên của ca đoàn (ca viên) là những phần tử trong cộng đoàn giáo xứ, tình nguyện đem lời ca tiếng hát của mình để ca ngợi tán tụng Thiên Chúa, và để giúp cho cộng đoàn nâng tâm hồn lên với Chúa, cho nên có thể nói ca đoàn của các nhà thờ giống như các ca đoàn thiên sứ trên trời, ngày đêm cất tiếng hát để tán dương danh Thiên Chúa vậy, vinh dự vô cùng...

Có một vài ca đoàn không hiểu rõ vai trò rất vinh dự ấy của mình nên cứ “làm eo” với cha sở, thích tự tung tự tác, thích chơi nổi cho xôm trò mà đi quá đà phụng vụ cho phép, nên thay vì tán dương danh Thiên Chúa thì họ lại làm cho danh mình cả sáng, thế là nhà thờ biến thành nhà hát và thánh lễ biến thành cuộc biểu diễn văn nghệ quần chúng với đàn trống xập xình.

Hạ Hầu Đản vì tiếc tiền để may áo đẹp cho các ca kỹ nên bắt họ ngồi sau bức rèm để đàn ca hát xướng, các nhà thờ không tiếc tiền để may đồng phục cho ca đoàn, nhưng ca đoàn thì lại ỏng ẹo nủng nịu như là hát cho cha sở và ban đại diện nghe không bằng.

Hát hay hát dở đối với Thiên Chúa thì không thành vấn đề, vấn đề là các ca viên có tâm hồn hát cho Thiên Chúa nghe không mà thôi !

 Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)