Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2025

Chúa nhật 2 Mùa Chay

 


CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY


Tin mừng : Lc 9, 28b-36
“Đang lúc Đúc Giê-su cầu nguyện, dung mạo Ngài bổng đổi khác.”

Bạn thân mến,
Đức Chúa Giê-su biến hình sáng láng tốt lành là một trong những biến cố quan trọng của Phúc Âm, để củng cố đức tin cho các tông đồ, cũng như mạc khải cho các ngài biết về vinh quang và nguồn gốc của Đức Chúa Giê-su, từ cuộc biến hình này của Ngài, mà Ngài muốn hướng chúng ta đến hai điểm:

- Sự đổi mới ở đời này.
- Sự biến hình ở đời sau.

1. Đổi mới ở đời này.
Điển hình một: Người hàng xóm của chúng ta có tật xấu là hay đi nói chuyện của người khác khiến ai cũng phải tránh, hôm nay tự nhiên trở nên tốt lành sẵn lòng giúp đỡ người khác, ăn nói nhỏ nhẹ: đó là cuộc biến hình đổi đời của họ...

Điển hình hai: Anh thanh niên ấy ngày ngày uống rượu, đức hạnh được gọi là xấu xa, hôm nay tự nhiên sống tốt lành, siêng năng đi lễ và hay giúp đỡ người khác: đó là cuộc biến hình đổi mới của anh ta.
Điển hình ba: Trong cuộc sống hằng ngày tôi đã tự kiêu, thường hay phê bình người khác, thường hay thoá mạ chửi bới người khác, nay tôi đã trở nên một người sống chan hoà giữa anh em chị em, tôi đã đổi mới cuộc sống của mình cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm...

Cuộc đổi mới này của người hàng xóm, của người thanh niên, của tôi hoặc của bạn hoặc của tất cả những người tội lỗi nào khác, đều được ân sủng của Thiên Chúa đánh động trong tâm hồn, Đức Chúa Giê-su biến hình trên núi là để cho những người tội lỗi hôm nay là chúng ta có niềm hi vọng: đó là hy vọng từ cõi chết qua sự sống, từ tội lỗi đến hoán cải và trở nên con người mới trong Đức Ki-tô.

Cuộc đổi mới này không đợi đến ngày tận thế, cũng như không đợi đến ngày lên thiên đàng mới được biến hình sáng láng tốt lành, nhưng cuộc đổi mới này sẽ ảnh hưởng rất lớn trong ngày chúng ta đứng trước tòa phán xét của Thiên Chúa.

2. Biến hình ở đời sau.
Cuộc biến hình của chúng ta ở đời sau đều tuỳ thuộc vào cuộc đổi mới của chúng ta ở ngày hôm nay, ngày hôm nay chúng ta đổi mới con người cũ của mình, từ cuộc sống bon chen phù phiếm vật chất đến cuộc sống tích cực tìm Nước Chúa trong đời sống thường ngày; ngày hôm nay chúng ta đổi mới cuộc sống không phù hợp với đạo lý Phúc Âm của mình, để trở thành con người mẫu mực tuân giữ và thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống.

Đức Chúa Giê-su đã biến hình trước mặt các tông đồ không phải là chuyện thần thoại cổ tích, nhưng là một thực tại có thật với quyền năng của Thiên Chúa, thực tại này sẽ được bày tỏ rõ ràng trong ngày Ngài phục sinh vinh hiển, và dù cho Ngài có chịu nhiều đau khổ, chịu chết nhục nhã chăng nữa, thì thực tại vinh quang này vẫn sẽ được thực hiện, bởi vì đó là chân lý của những ai tin vào Ngài...

Bạn thân mến,
Thánh sử Lu-ca tường thuật rằng, có ông Môi-sen và tiên tri Ê-li-a hiện ra khi Đức Chúa Giê-su biến hình sáng láng là để cho chúng ta biết rằng: Đức Chúa Giê-su đến để làm cho lề luật nên trọn hảo, và lời loan báo của các tiên tri về Ngài đã được ứng nghiệm.

Tuy nhiên có một điều rõ ràng nhất mà chúng ta cảm nghiệm được khi đổi mới con người cũ của mình, đó là khi chúng ta tuân giữ lề luật và giới răn của Chúa, khi chúng ta quyết tâm trở nên người môn đệ của Chúa, thì chúng ta cảm thấy như có một sức mạnh thần thiêng thôi thúc trong tâm hồn, khiến chúng ta vui vẻ hân hoan và sống hướng thiện ngay trong đời sống đời thường, đó chính là sự đổi mới cuộc sống đích thực của tâm hồn chúng ta, khi chúng ta thực hành Lời Chúa vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://www.nhantai.info

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


36.          QUÊN MẤT CÁI GỐC

Có người đến nhà của người nấu rượu để xin phương pháp nấu rượu.

Người nấu rượu nói:

-         “Một đấu gạo, một lạng miến thêm hai thùng nước, trộn lại với nhau ủ bảy ngày thì thành rượu”.

Trí nhớ người ấy rất tệ, về đến nhà thì chỉ dùng hai thùng nước và một lạng miến trộn lại với nhau, bảy ngay sau đem ra nếm thử thì thấy nhạt như nước, bèn đi trách nhà nấu rượu.

Người nấu rượu nói:

-         “Sợ là ông không theo lời của tôi dạy để ủ rượu mà thôi !”

Người ấy nói:

-         “Tôi làm theo lời của ông dạy dùng hai thùng nước và một lạng miến”.

Người nấu rượu hỏi:

-         “Có dùng gạo không ?

Người ấy suy nghĩ chút rồi nói:

-         “Ái dà, tôi quên bỏ gạo rồi !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 36:

        Con người ta vì cái tôi qúa lớn nên thường hay trách cứ người khác khi họ làm không vừa ý của mình, và có khi vì tính ích kỷ mà nạt nộ giận hờn người khác.

Người có tính tự ái và hấp tấp thì thường làm thương tổn đến người khác, bởi vì thông thường những con người như thế thường hay có “bệnh” tự mãn, cái gì cũng cho mình là số một nên rất dễ dàng nóng giận người khác vì một lý do cỏn con không đáng gì. Không chú ý nghe rồi làm sai, làm không được và trách cứ người đã có lòng tốt chỉ vẻ cho mình, đó là tâm trạng chung của những người hay ỷ lại vào sức mình.

        Sống Lời Chúa cũng như thế, có những người Ki-tô hữu ỷ vào trí thông minh và hiểu biết của mình, không thèm nghe cha giảng khi đi tham dự thánh lễ, và cảm thấy mình không cần đọc sách thánh vì mình đã biết quá nhiều lẽ đạo, thế là họ sống Lời Chúa theo ý riêng của mình, mà ý riêng ấy là luôn luôn biện hộ cho hành vi dễ dãi về luân lý cũng như về đức tin của mình, nên họ thường nói: giữ đạo tại tâm.

        Tâm của mỗi người muốn gì nghĩ gì ai mà biết được, chỉ có Thiên Chúa, cho nên phải có trong lòng mới tràn ra ngoài, đó chính là lời khuyến cáo của Đức Chúa Giê-su vậy.

        Ai tự hào nói mình giỏi kinh thánh thì phải hiểu lời nói trên của Đức Chúa Giê-su.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



35.          KHEN NGƯỜI CỦA MÌNH

Có một người cho rằng vợ của mình rất đẹp, nhưng không khen trực tiếp, mà lại nói:

-         “Tiểu thiếp của tôi nói được là tuyệt đại mỹ nhân trên thế gian, nếu có cô gái nào đứng bên cạnh vợ tôi, thì có thể nói là tôi không nhận ra ai là vợ tôi và ai là thiếp của tôi !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 35:

        Tâng bốc người khác thái quá thì làm cho họ gượng, nói về mình nhiều quá thì làm cho người khác khó chịu, bởi vì tài năng của con người ta đều có hạn và cái xấu thì không giới hạn, cho nên đem tất cả lòng thành thật khen tài năng của người khác một câu, thì phúc lành hơn nói một trăm lời khen rỗng tuếch.

        Mọi người Ki-tô hữu đều biết rằng, lấy lòng thành thật đối xử với nhau và dùng thái độ khiêm tốn để giúp nhau, thì làm cho khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su càng rõ nét hơn nơi mình, và người ta sẽ dễ dàng nhận ra Ngài đang hiện diện nơi chúng ta, hơn là khách sáo với nhau mà làm cho khuôn mặt của Ngài bị méo mó trong hành vi và lời nói của mình...

        Làm chồng mà không nhận ra ai là vợ lớn ai là vợ nhỏ -dù họ có đẹp như tiên- thì đúng là sư tổ nói phét, tâng bốc không có cơ sở.

        Tôi sẽ không tâng bốc người khác vì cái tài của họ, nhưng tôi thành thật khích lệ vì những việc tốt họ đã làm, để họ có cơ hội phát triển tài năng mình, bởi vì tôi là người Ki-tô hữu, và hơn thế nữa, vì tôi là linh mục, là tu sĩ của Đức Chúa Ki-tô.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


34.          THỢ VẼ KHÔNG ĐẸP

Có một họa sĩ chuyên vẽ chân dung làm nghiệp chính, nhưng kỹ thuật vẽ thì không đẹp.

Một hôm, ông ta vẽ cho người anh họ một bức tranh, và nghĩ rằng phải vẽ cho được bức tranh như thật treo trên cửa để câu khách đến nhờ vẽ.

Kết quả là chẳng có ai cho rằng đó là bức hình anh họ của ông ta, có người viết một câu thơ pha dầu trên bức tranh:

-         "Không biết vẽ truyền thần không nên vẽ, tả anh tình tiết thật không giống anh; ruột thịt nhà mình mà vẽ như thế, huống chi là vẽ khách lạ qua đường !”

Người biết chuyện không ai là không nín cười !

 (Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 34:

        Họa sĩ mà vẽ không giống thì không phải là họa sĩ, thợ sơn mà sơn không đều tay là thợ dỏm, thợ may mà may áo quần không đúng kích thước là thợ may vụng về.v.v...

        Có người theo đạo vì thời thế nên giữ đạo kiểu thời thế, khi thời thế xoay chuyển thì bỏ đạo; có người theo đạo vì để được ưu đãi, đến khi cái ưu đãi ấy bị mất đi thì đức tin cũng mất tiêu; có người theo đạo nhưng không biết các lễ nghi trong đạo là gì, họ theo đạo gượng ép để làm vừa lòng một vài người bảo trợ cho họ vật chất.v.v...

        Họa sĩ mà tay nghề yếu thì sẽ vẽ người ra ngợm, mang danh là Ki-tô hữu mà sống ươn ươn dở dở không nóng không lạnh thì như người bị ma ám, vì cuộc sống của họ làm cho người khác không nhìn thấy được “mùi vị” bác ái công bằng phục vụ của người Ki-tô hữu.

        Còn tôi khi giữ đạo ơ thờ, thích phê bình các linh mục, coi thường việc tham dự thánh lễ và sống như người không có đạo, thì sẽ bị người ta cho là đồ phá đạo, là ăn cơm Chúa làm tôi ma quỷ...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

  


33.          KHÁCH NGHIỆN RƯỢU

Có tên sâu rượu (nghiện rượu), mỗi ngày đều lấy rượu làm vui.

Có lần đi ăn tiệc, uống rượu không ngơi nghỉ, uống đến khi đỏ mặt tía tai, bèn nói với những người khách khác:

-         “Nhà ai đường sá xa xôi thì có thể về trước”.

Khách khứa lục tục đi về, chỉ còn lại một mình anh ta và chủ nhân ngồi tiếp anh ta uống rượu, anh ta lại nói:

-         “Nhà ai đường sá xa xôi thì về trước”.

Chủ nhân nói :

-         “Nhà tôi ở đây”.

Tên sâu rượu nói:

-         “Ông phải lui về phòng, tôi thì ngủ trên bàn rượu này với áo quần của tôi !”.

(Tuyết Đào Hìa Sử)

 

Suy tư 33:

        Có những người trước khi uống rượu thì rất lễ phép lịch sự với kẻ trên người dưới, đến khi rượu ngà ngà thì to tiếng với người dưới kẻ trên, khi rượu uống đã lên đến con mắt thì mắt mờ nhìn không biết ai là ai, nhìn cha mình thành bạn, nhìn bạn thành cha mình, ăn nói loạn tầm phào mất nhân cách...

        Rượu đem lại niềm vui và phấn khởi cho người biết thưởng thức rượu, nhưng rượu cũng đem lại những điều bất hạnh cho những người lợi dụng rượu.

        Người Ki-tô hữu biết rằng đời còn rất nhiều việc phải làm hơn là phí thời giờ trong bàn nhậu, ở đời cũng có rất nhiều việc cần đến trí óc hơn là uống rượu để phá hoại trí óc của mình, cho nên khi họ thưởng thức vị ngọt cay của rượu, thì cám ơn Thiên Chúa đã ban cho họ được uống thứ rượu trường sinh là Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su trên bàn thờ, để nhờ đó mà họ trở nên phấn khởi vui tươi hơn trong cuộc sống nhiều lao nhọc của mình...

        Bất kể là ai, người giàu hay nghèo, người có danh vọng hay địa vị, hể nát rượu thì chắc chắn là thân bại danh liệt !

        Người khôn ngoan biết rất rõ điều này.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


32.          COI KỊCH CÓ CẢM GIÁC

Trương Tam Nhai dạy học ở Chi Giang, một hôm cùng đi coi kịch tuồng “Tô Thái”, đến hồi chính là khi Tô Thái được làm tướng quốc sáu nước và trở về vinh quang, anh hai của ông ta rất ngưỡng mộ, vội vàng sắp xếp rất nhiều sách, nói:

-         “Tôi phải đi học để tương lai cũng có đường công danh”.

Trương Tam Nhai coi đến đoạn này thì nói:

-         “Chúng ta cũng nên chuẩn bị vài cái bao !”

Các bạn đồng hành kinh dị hỏi:

-         “Anh của Tô Thái đi học, mà chúng ta làm thầy giáo đều có hưởng một phần lễ vật kính trọng thầy của ông ta chứ ?”

(Tuyết Đào Hìa Sử)

 

Suy tư 32:

        Người xưa coi kịch mà có cảm giác như chuyện mới xảy ra ngày hôm nay, nên cứ tưởng là mình sẽ được hưởng nhờ những lễ vật bái sư nơi người anh trai của Tô Thái thời xa xưa, đúng là bệnh nghề nghiệp.

        Vở kịch rất bi thảm, rất sống động rất thật mà hiệu quả và rất ứng dụng cho mọi người Ki-tô hữu qua các thời đại, đó là sự chết của Đức Chúa Giê-su trên cây Thánh Giá, chuyện có thật 100% này xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm trên đồi Golgotha ngoài thành Giê-ru-sa-lem, nhưng hiệu quả ơn cứu độ cho hết mọi thời đại từ nguyên tổ A-dong đến tận thế và viên mãn trong Nước Trời...

        Người Ki-tô hữu hiểu rất rõ điều ấy và có lúc lấy làm tiếc cho những người không tin vào Đức Chúa Giê-su...

        Thế nhưng, cũng có rất nhiều người Ki-tô hữu chỉ tin có Đức Chúa Giê-su trong lịch sử loài người, nhưng lại rất thờ ơ với ơn cứu chuộc của Ngài được thể hiện trong thánh lễ trên bàn thờ và trong các bí tích, do đó mà họ không thể đem đức tin của mình ra để làm chứng cho tình yêu cứu độ ấy.

        Chuyện ngày xưa của thế gian không thể làm sống trong hiện tại, nhưng hy tế của Đức Chúa Giê-su ngày xưa trên Thánh Giá vẫn cứ sống động trong hiện tại trong mỗi thánh lễ mọi ngày trên bàn thờ.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2025

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

  


31.          SỚM ĐÃ NGỌT RỒI

Có một người miền bắc và một người miền nam tranh luận trái ô liu và trái táo loại nào ngọt nhất.

Người miền bắc nói:

-         “Trái táo ngọt”.

Người miền nam nói:

-         “Mùi vị trái ô liu mặc dù cay nhưng lại ngọt, vả lại còn có dư vị”.

Người miền bắc nói:

-         “Đợi dư vị của anh đi thì vị ngọt đến, tôi đã sớm biết là nó ngọt rồi”.

(Tuyết Đào Hài Sử)

 

Suy tư 31:

        Trái cây thì có trái ngọt có trái chua, trái táo thì ngọt còn trái ô-liu cũng ngọt nhưng có múi vị như cay, ăn cũng ngon miệng.

        Cuộc sống của con người cũng có những mùi vị chua ngọt đắng cay, có như thế đời sống của mỗi người mới có thú vị, nếu đời cứ ngọt thì không cảm nghiệm được đắng cay và không biết thông cảm cho người khác, nếu đời cứ đắng cay mãi thì con người sẽ trở nên những kẻ tàn nhẫn bất cần đời...

        Hiểu rõ mùi vị đắng cay phải có trong cuộc đời không ai khác hơn chính là người Ki-tô hữu, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã xuống thế làm người chia sẻ đắng cay chua ngọt với con người, nên họ -người Ki-tô hữu- hiểu rõ giá trị ấy để chia sẻ sự đau khổ với Đức Chúa Giê-su nơi tha nhân, và qua đó họ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với họ và với tha nhân. Người không chấp nhận cuộc đời có chua ngọt đắng cay là người không hiểu được mầu nhiệm đau khổ và vinh quang của Đức Chúa Giê-su, cho nên họ luôn sống trong hoài nghi và sự nổi loạn...

        Trái táo ngọt và trái ô-liu cũng không đến nỗi cay, cả hai đều ăn được chỉ cần chúng ta thích ăn; cuộc đời sẽ đẹp và đáng yêu dù có chua có đắng, chỉ cần chúng ta tích cực chấp nhận cuộc đời theo thánh ý của Thiên Chúa...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)