Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

Lễ Vọng Giáng Sinh

 


LỄ GIÁNG SINH

Thánh Lễ Đêm

Tin mừng : Lc 2, 1-14.
“Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em.”

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”.
Lễ đêm Giáng Sinh, người Công Giáo Trung Quốc gọi là Đêm Bình An, tên gọi rất có ý nghĩa, và quả thật là như vậy, vì đêm Bình An chính là đêm mà Con Thiên Chúa đã làm người vì yêu thương nhân loại.
Đêm nay được gọi là Đêm Bình An, vì là đêm đánh dấu một kỷ nguyên mới cho nhân loại: kỷ nguyên của tình yêu.
Đêm Bình An có các thiên thần bởi trời xuống hát mừng và loan báo tin vui cứu độ cho người nghèo, người công chính và những người có một tâm hồn lương thiện...
Đêm Bình An có ánh sao lạ dẫn đường cho muôn dân nhận biết dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người.
Đêm Bình An là đêm mà trời hoan ca và đất hát mừng, vì tất cả đều được đổi mới bởi Đấng Làm Người là Đức Chúa Giê-su.
Đêm Bình An người người vui mừng, vì ơn cứu độ đã đến...
Đêm nay, toàn thể nhân loại, không phân biệt màu da tín ngưỡng đều hoan ca vui vẻ và hát mừng Thiên Chúa Giáng Sinh, từ các cửa hàng sang trọng cho đến các sạp buôn bán nhỏ, chúng ta đều thấy được không khí của Bình An, của Hòa Bình, người người chen chúc mua sắm mùa giáng sinh, trên khuôn mặt mỗi người đều rạng lên nét hân hoan và nếu quan sát kỷ thì chúng ta sẽ thấy hình như tâm hồn của họ đổi thay, mà cái đổi thay dễ thấy nhất chính là họ rất dễ dàng thông cảm bỏ qua những lỗi lầm cho nhau, bởi vì tâm hồn họ tràn ngập sự bình an của ngày giáng sinh của Con Thiên Chúa.
Đêm nay là Đêm Bình An, là đêm của Hoà Bình, bởi vì như lời tiên tri Ê-li-a nói: “Một trẻ thơ chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta, danh hiệu Người là Cố Vấn kì diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, thủ Lãnh hoà bình” (Is 9, 5). Trẻ thơ ấy chính là Đức Chúa Giê-su, Ngài là ánh sáng chiếu soi đêm tối, đem lại cho đêm tối một sự bình an và hy vọng.
Bóng tối là tội lỗi, là chết chóc, là thù hận; ánh sáng là bình an, là sự sống, là tình yêu; đi trong ánh sáng chúng ta sẽ thấy anh chị em mình cũng có những ưu điểm hơn mình; đi trong ánh sáng, chúng ta cũng rất dễ dàng nhìn thấy những thói hư tật xấu của chúng ta, vì ánh sáng chiếu soi cho cả người tốt cũng như người không tốt. Ánh sáng đã chiếu soi trần gian từ rất lâu rồi, nhưng vì cứ mãi mê trong những ánh đèn mờ của hưởng thụ và thích những nơi tăm tối, nên nhân loại vẫn chưa nhận ra được ánh sáng đích thực đang chiếu soi trên trần thế, ánh sáng ấy chính là Đức Chúa Giê-su Ki-tô, một hài nhi bé nhỏ đang nằm trong máng cỏ.
Đêm nay là Đêm Bình An, là đêm mà ma quỷ và mọi thế lực của nó đều sững sờ kinh ngạc, vì ánh sáng đã đến, vị cứu tinh nhân loại đã đến để xua tan bóng đêm thống trị địa cầu, ánh sáng ấy chính là Đức Chúa Ki-tô.
Mừng Chúa Giáng Sinh cũng có nghĩa là mừng Ơn Cứu Độ đã đến, chúng ta –những người Công Giáo- đã chuẩn bị cho việc giáng trần của Con Thiên Chúa trong những ngày tháng của mùa vọng, chúng ta chuẩn bị tâm hồn theo lời mời gọi của thánh Gioan Tiền Hô: sửa đường lối cho ngay thẳng, tức là sửa đổi cuộc sống của minh cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm; chúng ta cũng chuẩn bị tâm hồn như Đức Trinh Nữ Ma-ri-a: sống phục vụ người thân cận với tất cả tâm tình khiêm tốn. Và giờ đây chúng ta đang vui mừng hân hoan kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa làm người đang chọn tâm hồn của mình thành nơi sinh hạ của Ngài.
Anh chị em thân mến,
Đêm Bình An rồi cũng sẽ qua đi, và con người sẽ trở lại với công việc thường ngày của mình, nhưng chúng ta quyết tâm biến mỗi giây phút của mình trở thành đêm Bình An, nghĩa là chúng ta sống thật hoà bình với người thân cận của chúng ta. Sống thật hoà bình tức là diễn tả lại việc Con Thiên Chúa làm người cho mọi người thấy, đó chính là lòng khiêm hạ của một tâm hồn đầy ắp tình yêu thương của Thiên Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Chúa nhật 4 mùa vọng



 CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG


Tin Mừng : Lc 1, 26-38
“Bà sẽ thụ thai và sinh một con trai.”

Anh chị em thân mến.
Một lời nói bày tỏ tất cả tâm tình mến yêu, tôn kính và khiêm tốn, một lời nói có sức đem lại cho nhân loại một niềm hy vọng và vui mừng, không hy vọng và vui mừng sao được khi mà cả nhân loại đang chìm đắm trong đau thương do tội lỗi thống trị, không hy vọng và vui mừng sao được, khi mà, chỉ một lời xin vâng rất ngắn gọn mà khiêm tốn, đã làm cho cửa trời đóng bít từ thuở tạo thiên lập địa lập tức mở ra, tuôn tràn ân sủng xuống cho nhân loại, ân sủng đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người –Đức Chúa Giê-su.
Đức Mẹ Ma-ri-a, Đấng đồng công cứu chuộc loài người, Đấng đã mở đường cho Thiên Chúa có lối đi qua trần gian, Mẹ mở đường không phải như thánh Gioan Tiền Hô đã trở thành tiếng loa vang trong hoang địa kêu gọi mọi tấm lòng thống hối chờ đón Đấng Mê-si-a, nhưng Mẹ mở đường bằng chính tâm hồn mình mở rộng đón nhận trước lời đề nghị quá ư ngặt nghèo với lời hứa giữ mình đồng trinh của mình, Mẹ đã mở đường cho Chúa bằng hai tiếng Xin Vâng đầy khiêm tốn, đơn sơ và đầy phó thác, Mẹ đã mở đường cho Chúa bằng thái độ chấp nhận quyền năng của Thiên Chúa mà không một chút phàn nàn kêu ca... Tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ Ma-ri-a là tiếng hoan ca âm thầm trong cung lòng Mẹ, và trong mọi tâm hồn người công chính mong mỏi chờ Chúa đến, là ánh sao mở đường cho nhân loại bước đi, là tiếng hét kinh hoàng của tội lỗi, là niềm vui và hy vọng cho chúng nhân.
Như vậy, Đức Mẹ Ma-ri-a đã hoàn toàn hy sinh cái tôi của mình để mở đường cho Con Thiên Chúa xuống làm người.
Ngày hôm nay, hầu như tất cả mọi người Ki-tô hữu trên thế giới đều hiểu rất rõ giá trị hai tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ Ma-ri-a, hiểu rất rõ là việc làm của lý trí, nhưng đối với quả tim thì hình như rất ít người hiểu rõ giá trị của hai tiếng xin vâng ấy. Có rất nhiều người Ki-tô hữu cứ mỗi lúc đến ngày lễ kỹ niệm gì đó của Đức Mẹ, liền hát thật to thật vang lên bài hát “Xin Vâng”, nhất là trong ngày lễ Giáng Sinh, nhưng trong cuộc sống của họ thì tiếng xin vâng của họ rất tương phản với tiếng xin vâng mà họ ca tụng Đức Mẹ Ma-ri-a. Họ xin vâng theo kiểu: tôi là mẹ của Chúa nên tôi xin vâng, có nghĩa là nếu công việc ấy hợp với tôi, có lợi cho tôi nên tôi xin vâng, còn nếu không thì xin miễn bàn...
Với những thái độ ấy, họ đã đóng bít cửa tâm hồn của mình và chưa học được nơi Đức Mẹ hai chữ xin vâng chân thật để mở đường cho Con Thiên Chúa làm người trong mỗi một tâm hồn của con người, hơn thế nữa họ đã làm một bức tường kiên cố ngăn chận giữa Thiên Chúa và những con người thiện tâm.
Cùng với Đức Mẹ Ma-ri-a, chúng ta mở đường cho Con Thiên Chúa làm người bằng chính sự khiêm tốn của chính mình: khiêm tốn trong phục vụ, khiêm tốn trong lời nói, khiêm tốn trong cuộc sống đời thường; cùng với Đức Mẹ, chúng ta mở đường cho Con Thiên Chúa giáng trần bằng sự hy sinh của mỗi người: hy sinh trong cách sống, hy sinh trong phục vụ, hy sinh trong cuộc sống đời thường của mình.
Cùng với Đức Mẹ Ma-ri-a, chúng ta mở đường cho Con Thiên Chúa đến bằng đời sống vui tươi của mình: vui tươi trong lo âu, vui tươi khi bị hiểu lầm, vui tươi khi bị khinh chê, vui tươi khi bị mắng vốn. Bởi vì chính Đức Mẹ Ma-ri-a đã dùng tất cả những điều ấy để mở đường cho Thiên Chúa làm người trong hai tiếng Xin Vâng của Mẹ.
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật IV Mùa Vọng mời gọi mỗi một người Ki-tô sống noi gương Đức Mẹ Ma-ri-a trong chính bổn phận của mình, bổn phận của tôi là linh mục, tiếng xin vâng của tôi chắc chắn sẽ khác hẳn với tiếng xin vâng của giáo hữu, bởi vì hơn ai hết tôi chính là Đức Mẹ Ma-ri-a thứ hai đã làm cho có Đức Chúa Giê-su trên bàn thờ, nên tôi cần phải khiêm tốn thẳm sâu để đền đáp ơn trọng mà Thiên Chúa đã ban cho tôi đó là thiên chức linh mục; do đó, mà không những trong khi tế lễ trên bàn thờ, mà ngay cả trong cuộc sống đời thường, tôi cần phải khiêm tốn trong cung cách ăn ở của tôi, để tiếng xin vâng của tôi trở thành công cụ phát quang, mở đường cho Chúa đến trong mọi tâm hồn tín hữu.
Tôi là một nữ tu của Chúa, tôi hiểu rất rõ tiếng xin vâng của Đức Mẹ Ma-ri-a cho nên tôi đã trở thành nữ tu để noi gương Mẹ, đi phục vụ người anh em chị em của tôi, do đó mà tiếng xin vâng của tôi phải cùng cung điệu với tiếng xin vâng đầy khiêm tốn của Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi nếu tôi không khiêm tốn thì tôi sẽ trở thành một tảng đá lớn cản đường không cho mọi người đến cùng Chúa, và tất cả những gì tôi làm gọi là phục vụ ấy, sẽ trở nên giả hình trước mặt nhân loại.
Chúa nhật IV mùa vọng, là tiếng đáp xin vâng của mỗi người tín hữu, hối thúc Thiên Chúa mau đến để giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của sa tan và tội lỗi.
Với Đức Mẹ Ma-ri-a, chúng ta cùng mở đường cho Chúa bằng hai tiếng xin vâng trong mỗi giây phút của cuộc đời mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện



 62.      THÍCH SỨ ĂN CẮP GIÀY

Trịnh Nhân đã làm thích sứ Mật Châu có lòng tham vô đáy.

Một hôm, người nô bộc báo là giày của ông ta đã rách vì quá cũ, Trịnh Nhân ra lệnh cho tên thuộc hạ đang mang đôi giày mới leo lên cây hái trái, rồi lặng lẽ lấy đôi giày của nó.

Tên thuộc hạ trên cây tuột xuống không thấy giày đâu cả bèn nói với thích sứ, Trịnh thích sứ nói:

-      “Lão gia thích sứ không phải là người giữ giày!”

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 62 :

Quan thích sứ không ăn hối lộ nhưng chỉ ăn cắp giày của thuộc hạ, ăn hối lộ và ăn cắp thì là hai chuyện khác nhau nhưng giống nhau một điểm là hại dân hại nước.

Ăn hối lộ thì dân phải có tiền để đút lót nhưng vẫn có thể bấm bụng sống qua ngày, ăn cắp thì trực tiếp lấy những gì người dân đang có trên người cũng như đang dùng, thế là dân lập tức chịu khổ: lấy giày dân đang mang thì lập tức dân khổ…

Có những người lợi dụng chức vụ để ăn cắp đồ dùng trong nhà thờ đem đi bán để nhậu nhẹt; có những người mượn đất nhà thờ rồi để mở quán buôn bán, sau vì thấy ăn nên làm ra nên “ăn cắp” luôn đất của nhà thờ để làm lợi cho thân xác mình mà quên mất linh hồn đang bị ma quỷ chiếm dần…

Ăn cắp là lỗi đức công bằng, ăn cắp của người nghèo tội đã lớn, nhưng ăn cắp những đồ dùng đã hiến dâng cho Thiên Chúa thì tội càng lớn hơn.

Thời nay dân nghèo ăn cắp đôi dép cũ thì bị bỏ tù và bị đánh đập, nhưng người giàu có chức quyền ăn cắp cả mạng sống của người khác thì được bảo vệ và khoan hồng.

Đúng là đời…

Và Chúa sẽ trả sự công bằng này lại cho những người bị áp bức ở đời này hoặc đời sau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 
----------
http://www.vietcatholic.org 
https://www.facebook.com/jmtaiby 
http://nhantai.info 

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


61.      VỘI VÀNG ĐỔI CÁCH GỌI

Triều nhà Tống cuối năm Sùng Ninh, thư sinh Thái Nghi lên thành tham gia thi hạch ngành khoa học, bởi vì nịnh nọt bợ đỡ người quyền quý nên đậu đệ nhất tiến sĩ, bèn vào kinh thành đến nhà người rất có quyền thế là Thái Kinh đáp lễ, tôn xưng Thái Kinh là “thúc phụ đại nhân”.

Thái Kinh gọi hai con trai là Thái Du và Thái Vô đi ra tiếp kiến, Thái Nghi vội vàng đổi cách gọi:

-      ”Thúc phụ đại nhân trên cao, hài nhi một lần nữa bái kiến hai vị thúc phụ đại nhân”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 61 :

Hối lộ nịnh nọt để được đậu tiến sĩ thì chẳng vinh dự gì, chỉ là gỗ mục sơn phết cho đẹp mà thôi.

Người nịnh bợ thì luôn “nhìn người sang bắt quàng làm họ” cho nên thường hay xưng hô quá trán, loại người này chỉ khiến cho xã hội thêm loạn và cộng đoàn thêm mệt trí.

Người lớn tuổi nể nang chức vụ của người trẻ tuổi, thì người trẻ tuổi phải kính trọng người lớn tuổi hơn mình, có như thế cách xưng hô và tình cảm mới không bị coi là lạm dụng.

Thời nay có những người trẻ tuổi ỷ lại vào chức vụ của mình mà tớ tớ cậu cậu với người lớn tuổi hơn mình; thời nay cũng có một vài linh mục quên mất bài học nhân bản trong chủng viện khi đã “đỗ” linh mục, các ngài xưng hô rất “thoải mái, tự tung tự tác” với giáo dân lớn tuổi của minh: “Cái thằng X…, cái con mẹ H… không biết điều với tớ…”-

Các linh mục không phải đem tiền đút lót để được đỗ linh mục, cho nên không thể như những người nịnh hót để được làm quan, nhưng các ngài là những người phàm được Thiên Chúa chọn làm linh mục ở giữa người phàm và cho người phàm, cho nên cách sống đạo đức và khiêm tốn của các ngài cũng thể hiện qua lối xưng hô với mọi người trong cuộc sống hằng ngày…

Linh mục cũng là người phàm, cũng có cha có mẹ, có anh có chị có em, và có bà con họ hàng bạn bè thân thuộc, nên đừng nghĩ rằng mình là người “cõi trên” để rồi xưng hô với mọi người như mình là vua không bằng.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


60.      VƯƠNG TƯ BỒN CHỒN

Thời Tam Quốc, quan tư nông Vương Tư của nước Ngụy, có tính rất bồn chồn.

Có lần viết chữ, ruồi vu vu bay tới đậu đầy trên nghiên mực, ông ta cầm bút huơ huơ đuổi đi thì chập sau chúng nó lại bay tới quấy rầy, năm lần bảy lượt đều như thế.

Thế là ông ta bèn rút cây kiếm ra chém đầu ruồi nhưng không đạt mục đích, ông ta rất phẫn nộ liệng bút lông xuống đất dùng chân giẫm nát.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 60 :

Tính bồn chồn rất không thích hợp với những người có trách nhiệm lớn, bởi vì bồn chồn thì sinh ra hấp tấp và thường đi đến những quyết định hấp tấp không hiệu quả, và có khi làm hỏng việc lớn.

Có người khi bồn chồn lo lắng thì hết trách người này đến chửi người nọ; có người khi bồn chồn thì đi lui đi tới không yên và thường hay giậm chân giựt tóc mình… tất cả những hành động ấy đều nói lên một tâm hồn…bồn chồn, chẳng khác gì Vương Tư rút kiếm chém đầu con ruồi.

Cái bồn chồn lo lắng của người Ki-tô hữu là:

- Bồn chồn lo lắng khi mình phạm tội.

- Bồn chồn lo lắng khi trong họ đạo mình có nhiều tệ nạn xảy ra, có nhiều con chiên không thèm trở về ràn chiên.

- Bồn chồn lo lắng khi có người anh em bệnh nặng chưa chữa trị kịp thời.

- Bồn chồn lo lắng khi con cái của người bên cạnh nhà hôm nay không có gì ăn cả.

- Bồn chồn lo lắng khi con cái mình càng ngày càng hư đi, theo bạn bè xấu, không thích đến nhà thờ…

Người có những bồn chồn lo lắng trên đây rất đáng chọn làm người lãnh đạo, bởi vì họ có một tâm hồn phục vụ vô vị lợi, một tinh thần vì lợi ích của mọi người…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


59.      UY LỰC CỦA CÀNH GAI

Đời nhà Tùy lúc Yên Vinh làm đốc quân tổng quản tại U Châu, thì thường ngược đãi thuộc cấp.

Một hôm, ông ta đang đi tuần hành, nhìn thấy một bụi gai vừa dài vừa thô bèn ra lệnh cho người chặt nó, cầm trong tay khua khua vẫy vẫy và kêu một tên bộ thuộc sứ đến rồi dùng sức đánh nó để thử uy lực của cành gai.

Người ấy trình bày mình không có tội gì, Yên Vinh nói:

-      “Vậy thì từ này về sau nếu mày có phạm tội lại thì được xá  miễn, cùng nhau bù trừ ấy mà”.

Không lâu sau, con trai của người ấy phạm một sai lầm nhỏ, Yên Vinh lại muốn đánh nó, người ấy lại trình bày nói:

-      “Lần trước tiểu nhân được đại nhân tự mình nói là có tội sẽ được xá miễn mà”.

Yên Vinh giận dữ nói:

-      “Hồi trước mày không có phạm lỗi mà vẫn cứ bị trách phạt, huống chi bây giờ mày có phạm lỗi !”-

Thế là lại nhặt cành gai lên đánh rất ác.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 59 :

Có nhiều nghệ nhân biến cành gai trở thành bình hoa đẹp và có tính nghệ thuật, bởi vì cành gai tự nó không có uy lực gì nếu con người ta không lợi dụng các cái gai của nó để làm điều thất đức hại người.

Cành cây có gai không nguy hiểm vì ai cũng thấy mà tránh, nhưng lòng người mà có gai thì đúng là đáng sợ, bởi vì không ai thấy được “cái gai nhọn” trong tâm hồn của người khác mà tránh.

Tâm hồn của người Ki-tô hữu nhất định là không có gai nhọn để đâm người khác hoặc để làm hại người khác, nhưng tâm hồn họ thường bị những cành gai của người khác châm đến rướm máu: cành gai ghen ghét của anh em chị em trong cộng đoàn, cành gai kiêu ngạo của cấp trên, cành gai nóng nảy và hờn giận của tha nhân, cành gai bất hợp tác của người đồng nghiệp…

Cành gai ở trong tay người kiêu ngạo và ghen ghét thì có uy lực hại người, nhưng cành gai nằm trong tay của người Ki-tô hữu thì trở thành vòng hoa yêu thương và vinh quang như vòng gai trên đầu của Đức Chúa Giê-su vậy.

Đạo lý này ai hiểu được ?

Thưa, chỉ có những người Ki-tô hữu khiêm tốn mới hiểu được trọn vẹn.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


58.      THAM Ô THÂU NHẬN

Giữa năm Chính Đức đời nhà Minh, lúc Trần Dân Vọng làm bộ thú Hoàng Châu, thì sửa lại toàn bộ gác treo trống[1], và viết nổi lên trên hai chữ “hùng tráng.”

Cùng phòng thủ Hoàng Châu có Vương Khanh là người Thiểm Tây, lâu nay có tiếng rất là thanh liêm, sau khi nhìn thấy đề viết, thì nói với một người tên là Quách Chấn Khanh:

-      “Cái gì gọi là ‘hùng tráng’[2]. hử ?” phát âm theo tiếng của quê tôi thì là ‘tham ô’[3] đấy chứ !”

Quách Chấn Khanh cười ha ha.

Lại có một lần, phía trên phủ Thiệu Hưng có treo một bức hoành, viết hai chữ “mục ái”[4], Thiết Biên Tu nói với các thủ lệnh rằng:

-      “Bức hoành này nên đem bỏ đi, từ phía dưới mà nhìn lên thì không phải là chữ ‘thu nhận’ sao ?”

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 58 :

Chữ nghĩa tự nó đã nói lên nhiều ý nghĩa, nhưng ý nghĩa sẽ trở nên tệ hại hơn khi người có tâm hồn tệ hại muốn “chơi” người khác.

Có những người thành thật hiền từ đã bị người dùng chữ nghĩa để hại mình vào vòng lao lý; có những người lợi dụng chữ nghĩa để chửi bới bôi nhọ người khác; lại có người đem cái học thức của mình đặt vào trong chữ nghĩa để vu khống người này và buộc tội người kia…

Chữ là nghĩa, nhưng con người ta đã dùng tâm hồn ích kỷ của mình làm cho nó trở thành con dao hai lưỡi, một lưỡi đâm người này và một lưỡi nịnh người kia; một lưỡi chửi người này và một lưỡi khen người kia, làm cho thiên hạ tán loạn vì chữ nghĩa tối đen do ảnh hưởng tâm hồn đen tối của mình.

Người Ki-tô hữu có một loại chữ nghĩa sắt bén hơn con dao hai lưỡi, đó là chữ nghĩa của Thánh Kinh, chữ nghĩa này sẽ là quan tòa nghiêm khắc cho những ai dùng nó để bôi nhọ, chửi bới và nhục mạ tha nhân; nó cũng làm cho những ai yêu thích nó được sự sống đời đời.

Chữ và nghĩa phải đi đôi với nhau, cũng vậy, hiểu và thực hành Lời Chúa phải trở nên như cơm ăn nước uống hằng ngày của chúng ta –người Ki-tô hữu- vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Gác treo trống để đánh cầm canh.

[2] 壯觀 phát âm là “zhuang quan” nghĩa là hùng tráng.

[3] 贓官phát âm là “zang quan” nghĩa là quan tham ô, “zang quan” và “zhang quan” phát âm hơi giống nhau nên nghĩa khác nhau.

[4] Chữ 牧愛 đứng phía dưới nhìn lên thì hơi giống chữ 收受 nghĩa là thu nhận, hai câu trên ghép lại nghĩa là: quan tham ô thu nhận...

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


57.      NHẬN NỬA LỄ

Ngô Sinh mặc dù tuổi đã lớn, nhưng thích xu nịnh kẻ quyền thế. Một hôm đi dự tiệc rượu và ngẫu nhiên nhìn thấy một người mặc áo vải bố giống như người bình dân đang đi sau ông ta vào dự tiệc, Ngô Sinh miễn cưỡng gật đầu chào một cái, thần sắc rất ngạo mạn.

Qua một lúc sau, ông ta nhìn thấy chủ nhà đối đãi với người mặc áo vải bố bình dân ấy rất cung kính nhiệt tình, bèn ngấm ngầm thăm hỏi, có người nói với ông ta đó là đại nhân Trương Bá Khởi, người mà tên tuổi rất lừng lẫy.

Ngô Sinh muốn đi lên phía trên để lấy lòng Trương Bá Khởi, họ Trương cười nói:

-      “Vừa mới nhận của ông có nửa lễ, chỉ đợi ông để lấy thêm nửa lễ nữa, cộng lại là đủ bộ và hoàn trả cho ông, vậy là không để ông phải khó nhọc nữa”.

                                           (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 57 :

Cuộc sống có những điều nghịch lý nhưng lại hợp lý, nghịch lý là khi người khác nịnh quan lớn mà quan lớn thẳng thắn mĩa mai, bởi vì ít quan lớn nào không thích người khác tâng bốc nhịnh nọt mình, đó là hợp lý trong cái nghịch lý vậy.

Thời nay cũng có người lấy làm bực mình vì người hàng xóm nghèo nàn của mình cũng được mời dự tiệc ngồi bên cạnh mình; thời nay cũng có những người chỉ cúi đầu chào kẻ quyền quý giàu sang, chứ không thèm đưa tay vẫy chào người bạn nghèo nối khố năm xưa của mình; lại có người thích lấy lòng cấp trên giữa đám đông bá quan văn võ để cho mọi người biết rằng mình quen biết lớn…

Con người ta thích làm vừa lòng người có quyền có thế, cho nên thường phát sinh ra những điều tiêu cực cho việc công cũng như cho cá nhân mình.

Nếu mỗi người Ki-tô hữu biết làm vừa lòng Thiên Chúa bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài, và đem lời Ngài thực hành trong cuộc sống thì bản thân sẽ đổi mới, gia đình sẽ hạnh phúc và người người biết quan tâm đến nhau hơn, bởi vì “vâng lời Thiên Chúa thì hơn vâng lời người ta”…[1]

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Cv 4, 19.