Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

Chúa nhật Lễ Chúa Ki-Tô Vua





 CHÚA NHẬT LỄ ĐỨC CHÚA KI-TÔ VUA


Tin mừng : Lc 23, 35-43.
“Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.”

Anh chị em thân mến,
Hiện nay có rất nhiều người hãnh diện vì mình được mang quốc tịch Mỹ, đi đâu họ cũng khoe khoang thân phận công dân nước Mỹ của mình, và có lúc họ chê đất nước này lạc hậu, đất nước kia chậm tiến thua nước Mỹ…
Chúng ta mang danh công dân của Nước Trời, mà Đức Chúa Giê-su -Đấng đã chết và sống lại vinh quang- chính là vị vua cao cả của chúng ta; được làm con dân của một vị vua trên các vua, hoàng tử trên các hoàng tử mà lại không lấy làm hãnh diện thì quả là chúng ta không hiểu được giá trị tuyệt vời của cuộc sống làm con Thiên Chúa.
Như những người tự hào mình là công dân của một cường quốc, nên chúng ta đã trở nên miếng mồi ngon cho ma quỷ cám dỗ bằng nhiều hình thức, nhất là sự ỷ lại vào tình thương và ân sủng của Thiên Chúa :
Đức Chúa Giê-su Ki-tô là vua trên các vua- nhưng chúng ta chưa ca tụng tán dương Ngài với tất cả sự cao cả mà Ngài đã ban cho chúng ta, nhất là giới luật yêu thương mà chính Ngài đã dạy, cho nên chúng ta coi thường những người khác tôn giáo với mình, rồi kiêu ngạo coi việc thờ phượng Thiên Chúa như là một bố thí cho Ngài: thích thì cầu nguyện đến tán dương ca tụng, không thích thì ở nhà nhậu nhẹt đàn đúm. Trái lại những người mà chúng ta khinh thường là tin những điều nhãm nhí thì lại rất thành kính trước bụt thần, ước gì chúng ta có một tâm hồn thành kính với Đức Chúa Giê-su là vua và là chủ tể mọi loài…
Chúng ta tuyên xưng Đức Chúa Giê-su Ki-tô là vua, nhưng trong cuộc sống thực tế chúng ta đã không nhìn nhận Ngài là vua và là Đấng cứu chuộc của mình, chúng ta đã sống cuộc đời buông tuồng không phù hợp với Lời Chúa dạy, và, có thể nói chúng ta đã chọn ma quỷ làm vua chúng ta khi chúng ta trở thành kẻ hưởng thụ vật chất, trở thành kẻ coi trọng danh giá của thế gian mà coi thường nhân phẩm của người nghèo khó bất hạnh…
Chúng ta tin tưởng Đức Chúa Giê-su là vua và là vị thẩm phán trong ngay phán xét, nhưng chúng ta vẫn sống như không có ngày phán xét, cho nên chúng ta vẫn cứ nói xấu người này đến người khác, chúng ta vẫn còn có những âm mưu hại người anh em, chúng ta vẫn lừa đảo người này đến người khác vì những tham lam của mình…
Anh chị em thân mến,
Mừng lễ Đức Chúa Giê-su Ki-tô là Vua vũ trụ trong ngày chúa nhật cuối năm phụng vụ, là Giáo Hội nhắc nhở cho chúng ta biết rằng: thế gian này sẽ có một ngày bị hủy diệt, cuộc sống của con người cũng sẽ có ngày kết thúc, lúc đó Đấng quyết định số phận đời đời của chúng ta là Đức Chúa Giê-su Ki-tô Vua vũ trụ, chứ không phải là ông tổng thống hoặc ông vua nào cả…

Gợi ý :
1. Trong cuộc sống có lúc nào chúng ta nhớ đến mình là một công dân Nước Trời, để sống đẹp lòng Thiên Chúa.
2. Chúng ta có tự hào mình là con dân của vua trên các vua, chúa trên các chúa, và có can đảm sống như danh phận ấy của mình ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


61. TRONG NHÀ KHÔNG CÓ CƠM

        Đứa con lớn tiếng khóc hu hu, ba nó hỏi tại sao khóc, nó nói:

-      “Đói bụng quá”.

        Ba nó nói:

-         “Ồ con trai, sợ gì chứ, gan rồng tủy phượng, con muốn ăn loại nào ba lấy cho.”

        Đứa con nói:

-      “Con chỉ ăn cơm.”

        Ba nó mắng:

-         “Ai dà, thằng con xảo quyệt, mày chọn thứ không có trong thực đơn của gia dình để ăn sao !”

                                                (Chuyện tiếu thời thượng)

 

Suy tư 61:

Cơm là thức ăn “chủ lực” của người Việt Nam, dù cho có rất nhiều thức ăn cao lương mỹ vị trên bàn ăn, nhưng nếu không có cơm thì hình như vẫn chưa thấy ngon, chưa phải là ăn cơm, cho nên cần phải có cơm.

        Năm 1978 đói toàn quốc, có rất nhiều gia đình ăn rau để sống qua ngày, hạt cơm trở thành hạt ngọc quý giá vô cùng...

        Nạn đói qua đi, đời sống ngày càng no đủ sung túc, người ta quên mất cái đói năm nào.

        Có người khi ăn cơm thì phải đòi cho có cá tươi mới ăn.

        Có người khi ăn cơm thì phải đòi nấu cơm cho thật dẽo mới ăn.

        Có người khi ăn cơm thì lựa những thứ ngon ăn trước.

        Nhưng tệ hơn là có người khi ăn cơm thì chê lên chê xuống, tỏ ý không bằng lòng...

        “Qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai”, nhưng “thái lai” mà không nhớ lại những ngày khổ cực thì cũng sẽ có ngày trở lại “bỉ cực”, “thái lai” mà không biết thương người nghèo khổ thiếu ăn thì sẽ trở thành kẻ vô tâm.

        Đói khổ cũng là những thử thách nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Ngài muốn chúng ta nếm qua đói khổ để khi chúng ta sung sướng thì biết cảm thông và giúp đỡ những người khổ cực, Ngài muốn chúng ta nếm qua đau thương là để chúng ta biết chia sẻ những đau thương của người anh em chị em, Ngài muốn chúng ta nếm qua những bất hạnh trong cuộc sống là để chúng ta biết giang tay ấp ủ người bất hạnh...

        Cơm cũng giống như tình thương, thiếu cơm thì bữa ăn mất ngon, thiếu tình thương thì cuộc sống mất đi ý nghĩa cao cả của con người là phục vụ tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 




60. HAI NGƯỜI THÔNG GIA

        Hai vị thông gia, một người có tính hấp tấp và một người thì có tính chậm chạp, một hôm hai người gặp nhau trên đường đi, sau khi chắp tay vái chào thi lễ thì cùng nhau chuyện trò sang sảng.

        Người thông gia tính chậm chạp tự khom mình nói ê a cám ơn hậu ý tình thâm của đối phương như: trong tháng giêng ông ta được như thế nào như thế nào...? Trong tháng hai lại được như thế nào như thế nào...?, nói một mạch “được như thế nào” cho đến tháng mười hai, nói xong ngẩng đầu nhìn lên thì không nhìn thấy bóng dáng người thông gia tính hấp tấp đâu cả.

        Ông ta kinh ngạc nói

-      “Thông gia đi lâu rồi sao ?”

        Người đi đường cười nói:

-         “Ông ta bỏ đi từ giữa tháng giêng và tháng hai ạ”.

                                                (Chuyện tiếu thời thượng)

 

Suy tư 60:

        Từ câu chuyện trên đây, xin chia sẻ chuyện thông gia.

Có những thông gia không thèm ngó mặt nhau vì người thông gia kia đối xử quá khắc khe với con gái của mình; có những thông gia hể uống rượu vào là nói móc họng thông gia kia, bởi vì thông gia kia coi con trai của mình không ra gì

Thông gia là từ chỗ hai gia đình chưa quen biết nhau nhưng con trai con gái của họ quen nhau và trở thành vợ chồng, xem ra thì họ đã trở thành thân thuộc của nhau rồi vậy, do đó mà thông gia đôi bên cần phải tôn trọng lẫn nhau, có như thế tình cảm gia đình dâu rể của mình mới mặn mà thắm thiết, tình nghĩa xóm giềng cũng vì thế mà vui hơn.

        Trước đây, chúng ta không “quen biết” Thiên Chúa, như người xa lạ, lại càng không biết lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta ra sao, nhưng từ khi Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người, Ngài đã dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta có một Cha ở trên trời, người Cha ấy hằng luôn thương yêu và săn sóc chúng ta.

        Trước đây chúng ta –những con người với nhau- đã không thân thiện nhau, lại còn thù nghịch nhau, nhưng từ khi Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người, chịu chết trên thập giá để chúng ta trở thành anh em chị em với nhau, trở thành một thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giê-su, tức là Hội Thánh Công Giáo, trở thành một đại gia đình của Thiên Chúa, biết tương thân tương trợ lẫn nhau...

        Con trai con gái cưới hỏi nhau, gia đình của cha mẹ đôi bên đã trở thành thông gia của nhau thì cũng là thân thuộc của nhau, đó là lẽ tất nhiên của người đời.

        Đức Chúa Giê-su cũng đã trở thành “thông gia” khi xuống thế làm người và chịu chết trên thập giá, là để chúng ta được quen biết, thân thuộc, yêu mến và trở thành con cái của Thiên Chúa.

        Thông gia của thế gian và “thông gia” của Đức Chúa Ki-tô tuy có khác nhau, nhưng giống nhau một điểm là đem hai gia đình xa lạ trở thành thân thuộc của nhau.

Vậy thì hà cớ gì mà hai bên thông gia ghét nhau, chưởi mắng nhau chứ ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


59. DÁN CỬA SỔ

        Có một người không biết chữ.

        Một hôm con trai đem đến một xấp giấy viết để ông ta dán cửa sổ, nhưng ông ta lại dán ngược tất cả, đứa con trở về nhìn thấy thì rất buồn.

        Mẹ nó an ủi, nói:

-         “Con đừng giận, dán đẹp cũng là tía của con, dán xấu cũng là tía của con”.

                                                        (Chuyện tiếu thời đại)

 

Suy tư 59:

        “Đẹp cũng là tía của con, xấu cũng là tía của con” đúng là câu nói rất hay và có ý nghĩa của bà mẹ, một câu nói chứng tỏ bà mẹ rất hiểu thấu giá trị đạo đức của gia đình.

        Con người ta ai cũng có khuyết điểm, nhưng khuyết điểm không phải là cái để chúng ta phủ nhận giá trị của người anh em, nếu ai cũng phủ nhận giá trị của tha nhân bằng những khuyết điểm của họ, thì thế gian này một sớm một chiều sẽ bị huỷ diệt bởi chính con người không còn tình cảm con người nữa.

        Có người chỉ trích những khuyết điểm của các linh mục và hồ nghi chức thánh nơi họ, rồi không còn tôn trọng họ nữa, những người này không biết rằng, ngay đến cả tội lỗi cũng không thể làm mất đi chức thánh nơi các linh mục mà họ chỉ trích ấy, bởi vì khuyết điểm và tội lỗi là do con người và ma quỷ tạo ra, nhưng chức thánh là do chính Thiên Chúa thiết lập cho nên nó tồn tại muôn đời nơi các linh mục của Giáo Hội công giáo.

        “Xấu cũng là linh mục của Chúa, đẹp cũng là linh mục của Chúa”, cái quan trọng là chúng ta –người Ki-tô hữu- có yêu thương, bao dung và tôn trọng các ngài hay không khi chúng ta nhìn thấy những khuyết điểm của các ngài ?

        Huyền nhiệm tình yêu là ở đó, mầu nhiệm cứu chuộc là ở đó khi chúng ta chấp nhận những khuyết điểm của tha nhân, như Đức Chúa Giê-su đã chấp nhận các linh mục là những người yếu đuối, và nhờ các ngài mà Chúa ban ơn tha thứ cho người tội lỗi, ban ơn thánh hóa cho những người yêu mến Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


58. HỘP QUẢ SƠN VÀNG

        Ngày xưa có một người cận thị rất nặng độ, sáng sớm mở cửa thì thấy một bãi phân trâu khô bèn lấy tay mà sờ, luôn miệng khen đẹp:

-         “Cái hộp quả sơn vàng đẹp thật, chỉ có điều là nước sơn quá nhạt”.

                                                        (Chuyện tiếu thời đại)

 

Suy tư 58:

        Người bị cận thị nặng thì cũng giống như người bị quáng gà, cứ chiều tối đến là quờ quạng nhìn không rõ ràng.

        Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, là đèn soi của tâm hồn, cửa sổ bị khép hờ, đèn soi bị gió thổi ngọn lửa chập chờn thì quả là bực mình vì nhìn không thấy rõ ràng.

        Con mắt cận thị nặng thì cũng chẳng sao cả, vì đã có kính cận mang vào là thấy rõ, hoặc đi mổ bằng tia laser thì cũng hết, nhưng người bị cận thị trong tâm hồn thì quả là khó chịu cho người chung quanh.

        Người bị cận thị trong tâm hồn thì không nhìn thấy được xa, họ như con ếch ngồi đáy giếng chỉ thấy trời to bằng cái miệng giếng, họ đưa ra kế hoạch gì thì cứ cho đó là kim chỉ nam, nếu có ai đó có cái nhìn xa hơn mà góp ý, thì họ cảm thấy đau lòng và như bị xúc phạm, những người cận-thị-trong-tâm-hồn-này chưa bước ra khỏi được cái vỏ câu nệ hình thức và thường có tính khoe khoang tài năng cá nhân, họ không nhìn thấy xa đã đành, nhưng họ bắt mọi người phải cận thị (nhìn gần) như mình thì mới là người của “phe ta”.

        Đức Chúa Giê-su đã nói: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” , câu Lời Chúa này chính là cái “kính cận” dành cho người cận-thị-trong-tâm-hồn dùng, bởi vì cái “mới lẫn cái cũ” tức là bảo thủ và tiến bộ, nhìn xa và nhìn gần, khoa học và đức tin đều là những cái mà con người có thể khám phá, có nghĩa là phải khôn ngoan hài hoà kết hợp giữa trào luu mới và nếp cũ, giữa cái bảo thủ và sự tiến bộ, giữa cái nhìn gần của hiện tại và cái nhìn xa của tương lai...

        Con mắt xác thịt bị cận thị cũng như con mắt tâm hồn bị cận thị, cả hai đều khổ, nhưng người bị cận thị trong tâm hồn thì khổ hơn, bởi vì cá nhân họ khổ đã đành, mà người khác cũng rất khổ vì cái nhìn cận thị của tâm hồn họ vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


57. NÓI KHOÁC BẠT MẠNG

        Ngày xưa có một người mỗi khi có việc trên kinh thành thì đều sai đầy tớ đi, dặn dò kỷ càng, nói:

-      “Trên đường đi hoặc các chổ náo nhiệt như chợ búa, nếu gặp ai hỏi về chuyện trong nhà, thì mày cần phải nói lớn chút xíu nghe chưa ?’

        Đầy tớ trả lời:

-      “Hiểu rồi”.

Trên đường đi quả nhiên gặp người cùng đi đường, người ấy chỉ con trâu kinh ngạc nói:

-      “Chu choa, con trâu quá lớn”.

Người đầy tớ nói:

-      “Có gì mà kinh ngạc chứ, con chó nhà tôi còn lớn hơn nó chút xíu !”

Người ấy lại chỉ cái nhà lầu gỗ nói:

-      “Ồ, cái nhà quá cao”.

Người đầy tớ lên tiếng nói:

-      “Có gì mà kinh ngạc chứ, cái chuồng ngựa nhà tôi còn cao hơn nó chút xíu !”

Người ấy lại lấy tay chỉ chỉ chiếc thuyền khen:

-      “Chà, chiếc thuyền quá lớn”.

Người đầy tớ trả lời:

-      “Ai cho là nó hiếm chứ, đôi hài của bà chủ tôi còn lớn gấp mấy nó !”

                                                (Chuyện tiếu thời thượng)

 

Suy tư 57 :

        Nói khoác đôi lúc cũng là một căn bệnh: bệnh thổi phồng sự thật, nói khoác đôi lúc cũng là vì sợ mất sĩ diện với người khác, đây cũng đồng nghĩa với sự khoe khoang.

        Nói khoác để thổi phồng sự thật hay nói khoác để khỏi mất sĩ diện cũng đều giống nhau ở một điểm, đó là tâm hồn họ không được bình an.

        Có người nói khoác mình sắp được làm ông này bà nọ để hù anh em bởi vì tài năng của họ thấp kém chúng bạn.

        Có người nói khoác mình học ở trường nổi tiếng này, giáo sư nổi tiếng nọ, bởi vì để tỏ vẻ ta đây biết nhiều hiểu rộng, nhưng trong bụng thì không có gì.

        Có người nói khoác vì “vắt tay quá trán” để che bớt sĩ diện quá khứ giàu có của mình.

        Có người nói khoác vì...thích nói khoát hù doạ người khác chơi...

        Tất cả những kiểu nói khoác trên, và còn rất nhiều kiểu nói khoác khác nữa đều chứng tỏ họ có một tâm hồn bất an, không ổn định, bởi vì sợ người khác biết ”tẩy” không mấy vẻ vang của mình trong quá khứ.

        Người Kitô hữu thì không biết nói khoác, bởi vì tâm hồn họ có được sự bình an của Chúa Kitô, mà bình an của Chúa Kitô thì không ở nơi quá khứ tốt hay quá khứ không tốt, nhưng chính là lúc chúng ta chấp nhận giây phút hiện tại của cuộc sống để tin yêu, để phó thác cho Chúa, đó chính là bình an của Chúa vậy.

        Mong ước thay sự bình an của Chúa đến với mỗi người trong chúng ta !!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)