Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Chúa nhật I mùa chay (A)

 


CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Tin mừng: Mt 4, 1-11.

“Đức Giê-su đã ăn chay bốn mươi ngày và chịu cám dỗ.”

 

Bạn thân mến,

Ăn chay không chỉ là nhịn đói, không chỉ là không ăn những món ăn mà Giáo Hội cấm như: không được ăn các loại thịt của động vật có máu nóng, nhưng ăn chay chính là dùng ơn sủng của Chúa để khắc phục những thói quen xấu, chế ngự những đòi hỏi không chính đáng của long ham muốn. Bởi vì, ăn chay mà không ăn thịt hay nhịn đói thì chỉ là ăn chay tiêu cực, nhưng khắc chế những thói xấu của mình là ăn chay cách tích cực mà tinh thần Phúc Âm đòi hỏi, và Đức Chúa Giê-su đã thực hiện việc ăn chay ấy cách hoàn hảo, khi cơn cám dỗ về sự đói no của thân xác, và cơn đói kiêu ngạo ham danh của tinh thần ập đến.

Cám dỗ là một trạng thái có ý thức khiến chúng ta hướng về điều xấu, những điều mà lương tâm không cho phép làm, nó xúi giục chúng ta làm ngược lại những điều mà Thiên Chúa và Hội Thánh dạy. Cơn cám dỗ không chừa một ai, hể là con người thì nhứt định phải chịu cám dỗ, ngay cả Đức Chúa Giê-su cũng không có luật trừ ấy khi Ngài xuống thế làm người khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa, mà chúng ta đã nghe thánh Mát-thêu đã tường thuật trong bài Phúc Âm hôm nay.

Bạn cũng như tôi đã bị cám dỗ nhiều lần trong ngày: có những cám dỗ mà nếu không tỉnh thức và cự tuyệt thì sẽ ngã gục, đó là cám dỗ về xác thịt của dục vọng; có những cám dỗ mà nếu không cầu nguyện và quyết tâm thì sẽ trở nên kẻ chống đối Giáo Hội, đó là cám dỗ về sự kiêu ngạo ham danh; có những cám dỗ mà nếu không có tinh thần hy sinh nghèo khó thì sẽ bị đắm chìm trong của cải thế gian, đó là cám dỗ về tiền bạc.

Bạn thân mến,

Mở đầu mùa chay thánh năm nay, Giáo Hội muốn chúng ta học theo gương của Đức Chúa Giê-su biết dùng Lời Chúa, để chống trả và chiến thắng cơn cám dỗ của ma quỷ, bởi vì Chúa Giê-su đã ba lần trích dẫn Lời Chúa để đối chất và khóa cứng họng ma quỷ, làm cho chúng nó thất bại ê chề.

Là người Ki-tô hữu và là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, bạn và tôi nên có kế hoạch để chiến đấu với cơn cám dỗ trong mùa chay thánh này, đó là:

1.      Cầu nguyện luôn để kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Chúa Giê-su.

2.      Hy sinh hãm mình, khắc chế xác thịt để tâm hồn được mạnh khỏe, đủ sức chiến đấu với con cám dỗ của ma quỷ.

3.      Thăm viếng và phục vụ tha nhân, để chia sẻ với họ về những đau khổ của họ như những đau khổ của Đức Chúa Giê-su vậy...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

-------------

http://www.vietcatholic.org 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


26.   MUỐN ĂN TIẾNG CHUÔNG KÊU

Ở thôn nọ có ba lão nông phu, từ trước đến nay không hề biết đến thành thị.

Một hôm, Giáp ngẫu nhiên làm một chuyến đi vô thành thị, sau khi trở về thì khoe với hai lão nông phu kia về những điều mình đã nghe và đã thấy, hai lão kia nghe xong thì trong lòng nổi lên  cay cú muốn đi cho biết, bèn hẹn ngày kia sẽ đi du ngoạn.

Trên đường đi, Giáp nói:

-         “Đi đến nơi đó nhớ không được tuỳ tiện nói lung tung đó nhé, bằng không thì dân thành thị sẽ cười cho, cần phải nghe tôi chỉ bảo.”

Khi đến trong thành, đột nhiên nghe tiếng chuông vang lên, Ất kinh ngạc hỏi:

-      “Cái gì mà tiếng kêu nghe vang quá vậy ?”

Giáp nói:

-      “Đó là tiếng chuông.”

Bính nói:

-         “Để tôi đi đến đó mua nó ăn một bụng cho no càng”.

Giáp cười nói:

-         “Ha ha, anh thật hoang đường ! Cái chuông ấy chẳng qua là dùng đất sét mà đúc, và dùng lửa mà nung thành đấy, làm sao có thể ăn được chứ ?”

Thật ra, Giáp cũng chỉ nhìn thấy cái khuôn bằng đất sét để đúc cái chuông đồng mà thôi, chứ chưa có tận mắt nhìn thấy cái chuông đồng nó kêu như thế nào !

                                                                        (Ứng hài lục)

 

Suy tư 26:

        Thấy cái khuôn đúc chuông thì khác với thấy cái chuông thật, cái khuôn đúc thì bằng đất sét, cái chuông thì bằng đồng gõ kêu nghe thanh thoát và vang xa.

        Thấy người tài giỏi khiêm tốn và thấy người tài giỏi kiêu ngạo thì không giống nhau, người tài giỏi khiêm tốn thì giống như cái chuông đồng tiếng lành vang xa, người tài giỏi kiêu ngạo thì như cái khuôn đúc bằng đất chỉ đắc chí nhất thời và sẽ chẳng còn ai nghĩ đến, và có nghĩ tới chăng nữa thì cũng thương tiếc cho một nhân tài không toả sáng vì sự kiêu ngạo của họ...

        Tiếng chuông đồng vang xa có hạn trong một vùng nhất định, nhưng việc làm của người tài giỏi khiêm tốn thì càng vang xa hơn khắp cùng bờ cõi trái đất, và làm cho tâm hồn mọi người được thanh thoả vì tinh thần và thái độ phục vụ của họ.

        Tài giỏi mà kiêu ngạo thì chỉ hại mình và làm thương tổn người khác, bởi vì nơi họ không có sự thoả mãn của bình an; trái lại, tài giỏi mà khiêm tốn thì luôn tìm cách giúp đỡ tha nhân, xây dựng cộng đoàn, và là người đem lại đoàn kết và sự tín nhiệm nơi người khác.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


25.   HAI CÔ GÁI NÓI CÀ LĂM

Ở mước Yên có gia đình nọ, có hai cô con gái đều mắc bệnh nói cà lăm rất trầm trọng.

Một hôm, có người nọ vì được người quen giới thiệu nên đến cầu hôn, phụ thân khuyên bảo hai cô con gái trước, nói:

-         “Phải rất thận trọng, đừng có mở miệng, nếu không thì người ta không thèm lấy các con đấy.”

Hai cô con gái trả lời: “Ờ, ờ”.

Sau khi người nọ đến thì nói một vài lời, đột nhiên lửa trong lò đốt cháy áo của bà chị, đứa em gái vội vàng la lớn:

-         “Chị chị... chị... chị...cái áo... áo...cháy... cháy kìa...”

Bà chị vội vàng dùng mắt ra hiệu và nói:

-         “Phụ...phụ...thân...đã...dặn...dặn...dặn...em...không...không...được...nói,tại...tại sao...lại...lại nói...nói chứ ?”

Hai cô con gái nói chưa dứt lời, người nọ bèn nói xin lỗi và nói một tiếng “làm phiền” rồi cáo từ bỏ đi.

                                                                        (Ứng hài lục)

 

Suy tư 25:

        Con gái dù có đẹp mấy chăng nữa nhưng nếu có tật nói cà lăm thì coi như không đạt tiêu chuẩn của những người thì lấy vợ đẹp hoàn mỹ.

        Tật nói cà lăm không làm cho người con gái mất đi giá trị cho bằng cái thói lãng mạn đa tình nơi họ, cho nên mới có câu “cái nết đánh chết cái đẹp”.

        Tật nói cà lăm là tật nơi thân xác, nhưng thói đa tình lãng mạn là bệnh “cà lăm trong tâm hồn” làm hại tâm hồn của rất nhiều cô gái, họ coi tình yêu như một thứ trò chơi giải trí, như cái áo pull sáng mặt chiều thay cho hợp với cuộc sống, họ dùng sắc đẹp trời ban cho để thoả mãn tham vọng tình tiền và địa vị của mình, mà quên mất tình yêu chính là quà tặng của thượng đế trao ban cho con người...

        Tất cả mọi thứ bệnh tật nếu phát hiện sớm thì đều có thể chữa được, cũng vậy, bệnh “cà lăm trong tâm hồn” của nhiều cô gái cũng có thể chữa được nếu họ biết nhan sắc của mình có là bởi Thiên Chúa –Đấng tuyệt mỹ- ban cho cho họ để mà cảm tạ tri ân và sống đẹp lòng Ngài thì xã hội mà chúng ta đang sống quả là một nơi hạnh phúc, vì có nhiều bông hoa đẹp sống động đang toả hương thơm bác ái của Chúa khi họ phục vụ tha nhân...

        Tật cà lăm nơi thân xác không làm hại linh hồn, nhưng cà lăm trong tâm hồn sẽ đem lại tai hại to lớn cho linh hồn của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


24.   ANH EM TRANH CHIM NHẠN

Trước đây, có người nhìn thấy một con chim nhạn đang bay thì chuẩn bị giương cung bắn, và nói: “Bắn một phát thì có đồ nấu ăn.”

Đứa em trai ra mặt phản đối, nói:

-         “Ngỗng nhà nấu ăn thì ngon, nhưng nhạn nướng thì ăn ngon hơn.”

Hai anh em to tiếng tranh cãi với nhau, bèn đi đến một lão tiền bối xin phân xử phải trái.

        Lão tiền bối nói:

-      “Vậy thì nấu một nửa, nướng một nửa”.

Hai anh em rất là phấn khởi và đồng ý như vậy, nhưng lúc đi tìm nhạn để bắn, thì chim nhạn đã bay qua bên kia phương trời rồi !

                                                                (Ứng hài lục)

 

Suy tư 24:

        Nấu để ăn hay nướng để ăn đều chưa quan trọng, cái quan trọng là có gì để nấu nướng hay không mà thôi.

        Chim nhạn còn bay trên không trung mà đã giành nhau nấu hoặc nướng thịt nhạn thì đúng là...chuyện tiếu lâm.

        Nhưng đáng cười hơn nữa là có một vài linh mục chưa được bài sai đi làm cha sở mà đã đánh tiếng về họ đạo là: tớ về đó là “nướng” ngay ông trưởng hành giáo cho về vườn, và “nấu” ngay bà trưởng ban lễ nghi cho về hưu để khỏi bép xép cái miệng, dẹp ngay cái ca đoàn lộn xộn yêu sách...

        Có chim nhạn mới nấu nướng được, có bài sai làm cha sở mới “nấu nướng” được, bằng không thì chỉ là bày tỏ cái kiêu ngạo và ích kỷ của mình mà thôi.

        Đức Chúa Giêsu có quyền “giết thân xác và giam cầm linh hồn con người vào địa ngục đời đời” trong tay, nhưng Ngài chỉ sinh chứ không sát, dù kẻ đáng tội sát thì Ngài vẫn cố gắng sinh nó lại trong tình thương của Ngài, và như vậy Ngài đã trở nên mục tử nhân hậu của nhân loại và là mẫu gương hiền lành khiêm tốn cho chúng ta noi theo, nhất là các linh mục của Chúa.

        “Nấu và nướng” thì không quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn là có thứ để nấu nướng hay không ! Cũng vậy, nên có một tâm hồn bao dung và khiêm tốn trong cuộc sống của mình thì sẽ không có chuyện “giết” người này hoặc “sát” người kia nữa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Thứ Tư Lễ Tro

 


THỨ TƯ LỄ TRO

Tin mừng: Mt 6, 1-6; 16-18.
“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
Bạn thân mến,
Thói giả hình của bạn và tôi làm cho Đức Chúa Giê-su buồn bực trong vuồn Giết-sê-ma-ni, lòng kiêu ngạo của chúng ta làm cho Đức Chúa Giê-su phải chết trên thập giá, duy chỉ có lòng chân thành của chúng ta đối với Chúa và đối với anh em, mới làm cho Đức Chúa Giê-su phục sinh mỗi ngày trong tâm hồn chúng ta, và trong tâm hồn của tha nhân mà thôi.
Khởi đầu mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tin vào Phúc Âm của ngày hôm nay: sống chân thực và chân thành với anh chị em của mình, không giả hình giả bộ, không đạo đức giả như những người Pha-ri-siêu mà Đức Chúa Giê-su vẫn thường quở trách, bởi vì thói giả hình chỉ làm cho chúng ta như cái mả tô vôi bên ngoài thì sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì hôi thối xấu xa.
Có nhiều lần bạn và tôi sống giả hình với tha nhân khi chúng ta trong lòng rất oán ghét họ, nhưng bên ngoài thì làm bộ thân thiện, miệng nói lời ngon ngọt nhưng trong lòng thì chất chứa những mưu thâm hại người; đã nhiều lần bạn và tôi ăn chay bên ngoài như làm việc thiện, đọc kinh, thân thiện, nhưng bên trong tâm hồn thì ăn mặn những thức ăn như kiêu ngạo, ghét ghen, giận hờn, vu khống hàm hồ cáo gian.v.v...tất cả những điều đó, đã làm cho chúng ta trở thành những tên quân dữ đóng đinh tha nhân vào thập giá với Đức Chúa Giê-su rồi.
Bạn thân mến,
Mùa chay là mùa của cầu nguyện, sám hối và hy sinh. Nếu bạn và tôi không cầu nguyện thì sẽ có ngày muốn cầu nguyện mà không được; nếu bạn và tôi không sám hối thì tất sẽ có ngày hối không kịp; nếu bạn và tôi không hy sinh thì sẽ có ngày muốn hy sinh mà cũng không có cơ hội, bởi vì ngày giờ của Đức Chúa Giê-su đến thì không ai biết được cả.
Mùa chay thánh năm nay, bạn và tôi –ít nữa- cũng có một quyết tâm cho mình, đó là phải sống tốt lành hơn mùa chay năm ngoái, phải sống làm chứng nhân cho Chúa hơn những ngày khác, bằng cách sống rất chân thực và chân thành với anh chị em của mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


23.   KHÓC NHƯ THẬT

Tống Thế Tổ nói với thần tử là Lưu Đức Nguyên rằng:

-         “Nếu ông vì quý phi của ta đã chết mà khóc ai oán thì ta sẽ thưởng cho rất nhiều của cải.”

Lưu Đức Nguyên lập tức đấm ngực dậm chân khóc khan cả cổ họng, nước mắt mước mũi chảy xuống ào ào, hoàng đề rất đẹp lòng bèn phong cho làm thích sứ Dự Châu.

Tống Thế Tổ lại kêu đại phu Dương Chí khóc quý phi, Dương Chí cũng khóc rất là thống thiết. Không bao lâu sau, có người hỏi Dương Chí:

-         “Ngài làm thế nào mà khóc giống như thật vậy ?”

Dương Chí nói:

-         “Bởi vì lúc ấy bà vợ bé của tôi cũng vừa mới chết !”

                                            (Sơn Trung nhất tịch ngữ)

 

Suy tư 23:

        Khóc là một biến chuyển của tâm sinh lý trong đời sống vui buồn giận ghét của con người, cho nên những người có cảm xúc cao thì thường dễ khóc khi gặp chuyện đau lòng thê lương...

Nhưng có một loại cũng dễ khóc đó là loại người khóc mướn, họ khóc bên ngoài nhưng trong lòng thì không khóc, họ có điệu bộ thê lương khi khóc vì tiền thuê chứ không phải thê lương vì tử biệt sinh ly mà khóc, họ bán nước mắt để sống...

        Có những đứa con đi thuê “đám khóc mướn” đến nhà khóc khi cha mẹ qua đời, còn mình thì ngồi bàn trong vừa uống rượu vừa đếm tiền phúng điếu, họ để người dưng nước lã khóc cha mẹ thay cho mình để được tiếng là...có hiếu.

        Khóc cũng là một thái độ bày tỏ lòng thống hối vì những tội của mình đã phạm làm mất lòng Chúa và anh chị em.

        Nhưng có những người Ki-tô hữu làm “nghề khóc mướn”, tức là họ không hề khóc tội của mình, mà hể thấy ai đó phạm một khuyết điểm nhỏ, một sai phạm không đáng, thì họ xuýt xoa bày tỏ sự đau buồn giùm cho người ấy giống như là...tận thế đến nơi, nhưng trong lòng họ thì một chút đau buồn thông cảm cũng không có...

        Hãy khóc cho mình trước rồi an ủi và cảm thông với tha nhân sau, thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na khóc tội lỗi mình và trở nên người hữu ích cho việc tông đồ, thánh Phê-rô tông đồ cũng đã khóc lóc tội mình, và ngài đã được cất nhắc lên làm thủ lĩnh giáo hội của Đức Chúa Giê-su.

        Ai biết thành thật khóc cho tội lỗi của mình thì tâm hồn của họ sẽ trở nên như Đức Chúa Giê-su, nghĩa là biết thông cảm, biết tha thứ và biết đau buồn khi người khác phạm tội.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


22.   CHIM SẺ VÀ CON CHUỘT VĨ ĐẠI

Phú ông Trương Sĩ Tiển nghiện và coi rượu như mạng sống, lười nhác hủ lậu, không màng đến việc nhà.

Một hôm, ông ta sai gia bộc chuyên chở hai ngàn hộc lúa về nhà, trên đường đi thì bị hao hơn phân nửa, Trương Sĩ Tiển truy hỏi nguyên nhân, gia bộc trả lời:

-         “Đây là kết quả của chim sẻ và lão chuột ăn mất đấy.”

Trương Sĩ Tiển rất đổi kinh ngạc, lớn tiếng ca ngợi:

-      “Chim sẻ và con chuột vĩ đại thật !”

                                                (Sơn trung nhất tịch ngữ)

 

Suy tư 22:

        Cái “vĩ đại” của chim sẻ và lão chuột chính là lời nói móc họng của Trương Sĩ Tiển với đám gia bộc, bởi vì lão chuột và chim sẻ làm gì mà ăn hết hơn ngàn hộc lúa trong một ngày, đúng là láo khoét, đây là cái “vĩ đại” của sự nói láo.

        Có người đem những việc làm tội lỗi hại người của mình kể cho bạn bè nghe rồi cho đó là thành tích “vĩ đại”; có người ném đá giấu tay hại người anh em rồi đi khoe là việc làm “vĩ đại” vì đã trừ khử được một đối thủ; có người “vĩ đại” hơn ngoài mặt nhân nghĩa nhưng trong lòng thì hại người không thương tiếc...

        Đức Chúa Giê-su đã trở nên vị đại tiên tri khi Ngài tỏ lòng thương xót những người đau khổ và bị đời hất hủi, Ngài đã trở nên vị Thiên Chúa vĩ đại khi Ngài chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.

        Tất cả mọi vĩ đại đều bắt đầu từ việc nhỏ và vô danh, mà cái việc nhỏ ấy chính là nở nụ cười với người anh em, việc vô danh ấy chính là lời hỏi thăm chân tình mà người mình gặp trong ngày...

        Nhưng không có sự vĩ đại nào bằng sự vĩ đại mà Đức Chúa Giê-su đã nói và đã thực hiện: vì anh em mà hiến tế mạng sống mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)