Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2023

Chúa nhật 31 thường niên

 


CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Mt 23, 1-12.
“Họ nói mà không làm”.


Bạn thân mến,
Lời Chúa như con dao hai lưỡi, một lưỡi nên cớ vấp phạm cho người kiêu căng và làm cho chết, một lưỡi là sức mạnh làm cho người khiêm tốn được sống.
1. Lời Chúa làm cho người kiêu ngạo chết.
Đức Đức Chúa Giê-su nói: “Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một cha là Cha trên trời”, tự câu nói này của Ngài đã là lưỡi dao nên cớ vấp phạm cho người kiêu ngạo thích lấy trí thông minh của con người và tự ái của mình để giải thích Lời Chúa.
Có nhiều người thích dùng câu này để phản bác lại tất cả những ai gọi các linh mục là cha, nếu là người lương dân không biết đến phẩm trật của giáo hội, không biết đến tính cách cao quý vốn có của chức linh mục trong giáo hội thì họ thắc mắc cũng là chuyện bình thường, nhưng nếu họ được giải thích rằng linh mục là “cha” vì ngài là người đã dùng bí tích Rửa Tội để làm cho người giáo hữu được sinh ra trong ơn thánh và trở nên con cái của Cha trên trời, thì chắc là họ cũng vui vẻ mà tin theo và gọi các linh mục là cha như người công giáo vậy. Nếu vì tranh luận để hiểu biết thêm sâu xa về câu Lời Chúa trên đây thì cứ tranh luận trong tình anh em, nhưng nếu cứ vịn vào câu Lời Chúa này để phỉ báng nhau, hạ bệ nhau, trong khi tự thâm tâm mình biết rõ gọi linh mục là cha thì không tội vạ gì cả, chỉ là tình cảm sâu đậm vốn có của nền văn hóa “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam, nên các giáo hữu kính trọng các linh mục trong giáo hội, cũng như bá tánh tôn trọng và gọi các vị quan quyền trần thế là “gia gia” mà thôi, thì câu Lời Chúa này sẽ làm cho mình phải chết trong sự kiêu ngạo vốn có của mình vậy.
2. Lời Chúa làm cho người khiêm tốn được sống.
Lời Chúa sẽ là con dao mổ xẻ tâm hồn, để vứt bỏ những gì có phương hại đến sức khỏe của đời sống tâm linh, nó làm cho chúng ta đau nhức nhối, nhưng sau cơn đau thì lại lành mạnh.
Đọc và suy gẫm Lời Chúa rồi lấy tâm tình khiêm tốn để sống Lời Chúa (chứ không phải dùng Lời Chúa để hù dọa lẫn nhau), là thái độ của người khiêm tốn biết chấp nhận để Lời Chúa mổ xẻ những tính hư tật xấu của mình, và đó là điều quý báu nhất của người có đức tin: họ tin rằng Lời Chúa mà mình đọc đây đang trở thành tia X quang rọi đến tâm can để họ nhìn thấy những khuyết điểm của mình để mà sửa đổi…
Bạn thân mến,
Là con cái của Giáo Hội được sinh ra trong bí tích Rửa Tội bởi các linh mục của Đức Chúa Giê-su, chúng ta vẫn luôn xác tín rằng chức thừa tác linh mục là do Đức Đức Chúa Giê-su lập ra rất cao trọng và tất cả các linh mục đều đáng được mọi người tôn trọng.
Chúng ta nhớ luôn cầu nguyện cho các linh mục của Đức Chúa Giê-su, bởi vì có những mục tử của giáo hội không trở nên là mục tử tốt lành, chính họ đã làm cho đoàn chiên tan nghé rẽ đàn vì những thói kiêu căng và lối sống xa hoa ích kỷ của mình…
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


20.      VẠCH TỘI NGỰ THIỆN

       Ngày xưa chức ngự sứ là để giám sát triều đình, người nhậm chức ngự sứ nếu trong một trăm ngày mà không để xuất phê bình triều đình thì sẽ không được ở lại chức, phải bị bãi miễn.

      Có một ngự sứ tên là Vương Bình, đã đến một trăm ngày rồi mà vẫn chưa đề ra được cái gì để phê bình, các đồng sự nhìn thấy ông ta rất trầm tĩnh thì có chút kinh ngạc.

      Có một người nói:

-          Vương Bình không muốn lên tiếng thì nhất định trong lòng phải có chuyện đại sự”.

      Qua mấy ngày sau, các đồng sự nghe nói Vương Bình đã mở miệng phê bình triều đình, bèn âm thầm đi nghe ngóng coi ra sao, nhưng nghe ngóng rất lâu mới được biết rõ ràng bèn nói:

-          Vương Bình lên tiếng vạch tội trong ngự thiện[1] có một sợi tóc”.

      Mọi người vì cái chuyện nhỏ này mà làm cho lớn nên cười ha ha.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 20 :

      Trong thức ăn của người dân thường thì dù có cả nắm tóc hay có cái gì gì đi chăng nữa thì cũng chẳng nhằm nhò gì, nhưng trong thức ăn của nhà vua hay của tổng thống, hoặc bất cứ một người quyền quý nào là vấn đề lại không đơn giản chút nào, nó sẽ là vô cùng quan trọng vì chức phận và địa vị của họ…

      Trong thức ăn của nhà vua có sợi tóc là chuyện lớn đối với người có trách nhiệm chứ không phải chuyện nhỏ, nhưng với người vô trách nhiệm thì là chuyện nhỏ không đáng nói.

      Trước mặt Thiên Chúa thì tất cả mọi người đều giống nhau không phân biệt nhà vua hay dân thường, cho nên linh mục là người có trách nhiệm rất lớn, ngài không thể coi là chuyện nhỏ khi trong giáo xứ của mình có người lãnh đạm với việc đọc kinh dâng lễ, ngài cũng không thể làm ngơ trước những thói hư tật xấu như cờ bạc rượu chè be bét của một vài giáo dân trong giáo xứ, do đó mà ngài phải lên tiếng dạy dỗ và khuyên răn…

      “Ngự thiện” của người Ki-tô hữu chính là Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su, cho nên một “sợi tóc” trong tâm hồn cũng là một thứ nguy hiểm cho phần rỗi đời đời, mà chúng ta không nên coi thường cho là chuyện nhỏ…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Thức ăn của hoàng đế.

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


19.      TỂ TƯỚNG LỪA

Tài học của Vương Cấp Thiện cũng bình thường, nhưng đối xử với người thì quá quắt, lúc làm nội sứ[1] có người ngấm ngầm đem ông ta ví với con chim ngói tầm thường chiếm cứ nơi phượng hoàng trì [2]của người hiền quý.

      Ông ta hoàn toàn không có thành tích chính trị, nhưng ông ta có một điểm là ông ta quản việc rất nghiêm khắc, mỗi ngày ông đều phải nhắn bảo các hạ quan rằng:

-          “Không được để lừa đi vào trong chỗ quan làm việc”.

      Về sau, có người tặng cho ông ta một tên rất kêu:

-          “Tể tướng lừa”.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 19 :

      “Tài học thì bình thường nhưng đối xử với người thì quá quắc” là một hiện tượng đang “lạm phát” mạnh giữa xã hội, và có khi ngay cả trong các cộng đoàn tu trì hôm nay.

      Có người tài học bình thường nhưng hễ anh em chị em làm sai cái gì thì nạt nộ với giọng như ta đây có quyền uy và giỏi giang; có người tài học thì thua xa người khác nhưng được cấp trên đặt nơi “ngon lành”, nên cứ tưởng mình tài giỏi hơn người và cứ thế là lên mặt dạy đời thiên hạ là những người đáng bậc thấy của mình…

      Cứ lập tới lập lui cái điệp khúc “nạt nộ, chửi mắng, thóa mạ”, thì chẳng khác chi con chim ngói ở trên phượng hoàng trì làm xấu đi cái chức vụ mà mình đang có.

      Nếu một ngày nào đó người ta kêu tôi là “linh mục nóng tính”, “linh mục thóa mạ”, “linh mục chửi mắng” thì thật là bất hạnh cho tôi, bởi vì Thiên Chúa không chọn tôi để nạt nộ nóng giận với mọi người, nhưng Ngài chọn tôi để đem bình an, yêu thương và tha thứ đến cho tha nhân…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 



[1] Một chức quan tương đương với tể tướng.

[2] Các bộ trong nội các tiếp cận hoàng đế thì gọi là phượng hoàng trì.

Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


18.      VẠN VẬT NHẤT THỂ

            Có nhà học nho nọ đang đọc vạn vật nhất thể. Có anh hủ nho hỏi ông ta:

-          “Nếu trên đường gặp mãnh hổ thì làm thế nào để cầu được vạn vật nhất thể ?”

      Có anh hủ nho khác vội vàng giải thích:

-          “Người có đạo nho thì có thể giáng long phục hổ, nếu gặp mãnh hổ thì nhất định có thể cưỡi trên lưng hổ và chắc chắn sẽ không bị hổ ăn mất”.

      Châu Hải Môn cười nói:

-          “Cưỡi trên lưng hổ thì vẫn là lưỡng thể, nên chỉ có cách là để cho hổ ăn mất phần dưới thì mới có thể gọi là nhất thể.

            Mọi người nghe được cười ha ha.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 18 :

      Vạn vật nhất thể là một sức mạnh vô song trong võ đạo: tâm-khí –thần.

      Phương pháp luyện nội công cũng dựa vào “vạn vật nhất thể” để tĩnh tọa, tức là thinh lặng để tán khí tụ khí và dẫn khí đến một nơi xa xăm vô tận trong tiềm thức và ý chí của mình, lâu ngày đạt đến trình độ hòa cùng vạn vật…

      “Vạn vật nhất thể” của người Ki-tô hữu chính là một Thiên Chúa Ba Ngôi: ngôi thứ nhất là Đức Chúa Cha, ngôi thứ hai là Đức Chúa Con và ngôi thứ ba là Đức Chúa Thánh Thần; ở trong Ba Ngôi Thiên Chúa chúng ta được sống và hưởng nhiều ơn sủng của Người, trái lại nếu ở ngoài Ba Ngôi Thiên Chúa thì chúng ta sẽ chết và chết đời đời. Ở trong Ba Ngôi nhất thể chính là chúng ta ở trong tình yêu và ánh sáng, ở ngoài Ba Ngôi nhất thể là chúng ta đi trong tối tăm và thù hận…

      Không kết hợp được tâm khí thần thì không thể có sức mạnh “vạn vật nhất thể”, cũng vậy nếu người Ki-tô hữu không kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi thì họ sẽ trở nên người hay kêu ca thóa mạ và trở thành dụng cụ đắc lực cho ma quỷ !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Lễ Các Đẳng Linh Hồn (2/11)

 


LỄ CÁC ĐẲNGLINH HỒN

(Ngày 2 tháng 11)

Bạn thân mến,
Giáo lý công giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết.
Các linh hồn trong luyện ngục tự mình không thể làm gì được để được Chúa tha các hình phạt trong luyện ngục, ở đó họ chỉ trông mong có một điều là hình phạt mau qua để chóng được hưởng nhan thánh Chúa, do đó họ rất cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, cần đến những việc lành phúc đức và những hy sinh của chúng ta là những người đang còn sống ở thế gian.
Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội đã dành trọn tháng Mười Một trong năm để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, một tháng với biết bao nhiêu là việc lành mà chúng ta làm, với biết bao nhiêu là thánh lễ mà chúng ta tham dự cách sốt sắng, với biết bao hy sinh mà chúng ta đã thực hiện, thì chắc chắn có rất nhiều linh hồn trong luyện ngục được thoát khỏi hình phạt luyện ngục mà về thiên đàng hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.
Tín điều các thánh thông công của Giáo Hội làm cho chúng ta thấy được rõ nhất trong tháng này, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được hiệp thông với các thánh khải hoàn trên trời, chúng ta góp phần giải thoát các linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục bằng các lời kinh nguyện và việc lành của chúng ta, và nhờ bí tích Rửa Tội mà chúng ta –những tín hữu chiến đấu ở trần gian- được hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su.
Bạn thân mến,
Ai trong chúng ta cũng đều có người thân qua đời, nếu họ đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng, thì họ sẽ cầu bàu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa, nếu họ đang bị giam cầm trong luyện ngục thì họ đang rất cần đến lời cầu nguyện và những hy sinh của chúng ta, mỗi thánh lễ, mỗi lời nguyện, mỗi việc lành của chúng ta làm, thì như những giọt nước mát mẻ làm dịu bớt những đau khổ và thâu ngắn thời gian đền tội của họ trong luyện ngục.
Tháng Mười Một cũng là tháng báo hiếu của con cái đối với ông bà cha mẹ đã qua đời. Xin lễ cầu nguyện, lần chuổi Mân Côi, làm việc lành phúc đức.v.v...là những cách báo hiếu của chúng ta đối với các ngài vậy.
Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng- Amen.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


17.      KHÔNG HIỂU NGÀY KỴ

            Quyền Long Bao không hiểu ngày kỵ, có một lần hỏi phủ sứ:

-          “Sao gọi là ngày kỵ ?”

      Phủ sứ trả lời:

-          “Kỷ niệm ngày cha mẹ chết thì gọi là ngày kỵ, trong ngày này phải mặc vải bố và ăn chay, tĩnh tọa một mình trong nhà không được ra ngoài”.

      Lúc đến ngày kỵ mẹ của Quyền Long Bao, Quyền Long Bao bèn theo lời của phủ sứ mà ngồi thinh lặng trong nhà, đột nhiên có một con chó đuổi con chuột chạy vào phá đám cuộc tĩnh tọa của ông ta. Quyền Long Bao giận dữ nói:

-          “Con chó này phá đám ngày kỵ của mẹ ta, ngày mai ta bắt đầu lại vậy !”

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 17 :

      Ngày kỵ ngày giỗ của cha mẹ đối với con cái rất quan trọng, bởi vì đạo hiếu cũng được thể hiện qua việc tổ chức ngày kỵ…

      Ngày kỵ giỗ cha mẹ của người Ki-tô hữu thì khác với người khác, việc thứ nhất mà họ phải làm là dâng lễ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ trong ngày giỗ chạp, việc thứ hai mà họ làm là đi ra phần mộ của ông bà cha mẹ làm sạch mồ mã như họ vẫn làm hàng năm, việc thứ ba họ làm là dọn một bữa cơm thân mật trong bà con thân tộc để cho con cái cháu chắt ở xa về đoàn tụ và… ra nhận nhau là anh em bà con họ hàng…

      Có những người Ki-tô hữu việc thứ nhất lại đem làm sau và việc sau đem làm trước nên mất đi ý nghĩa của ngày kỵ ngày giỗ của ông bà cha mẹ. Ăn uống là chuyện nhỏ, cái chuyện lớn chính là đi dâng lễ cầu nguyện sốt sắng cho ông bà cha mẹ trong ngày kỵ giỗ, tệ hơn cả là lợi dụng ngày kỵ giỗ để nhậu nhẹt rượu bia xả láng gây phiền hà hàng xóm và bà con, sinh ra gương mù gương xấu ảnh hưởng đến công cuộc truyền giáo của Giáo Hội và giáo xứ…

      Ngày kỵ ngày giỗ của người Ki-tô hữu là ngày mà họ phải hy sinh nhiều hơn, đền tội nhiều hơn, cầu nguyện và dâng lễ nhiều hơn để xin Thiên Chúa thương xót tha tội cho ông bà cha mẹ của mình.

      Đó là việc làm của người con hiếu thảo hiểu rõ ngày kỵ vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Lễ Các Thánh nam nữ

 


LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

(Ngày 1.11)

Tin mừng : Mt 5, 1-12.
“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

Bạn thân mến,
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng lễ kính các thánh nam nữ trên thiên đàng, qua thánh lễ này chúng ta càng thấu hiểu hơn nữa về mầu nhiệm các thánh thông công của Giáo Hội, và khi suy niệm đến mầu nhiệm thông công này, chúng ta càng đặt niềm tin tưởng của mình vào Thiên Chúa và Hội Thánh hơn.
Các thánh là những con người như chúng ta, không ai có thể nên thánh nếu không đi qua cuộc sống làm người với những khổ đau hy sinh; không đi qua đau khổ hy sinh thì không thể trở thành một thánh nhân, bởi vì chính Đấng cứu chuộc nhân loại là Đức Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã bị đánh đòn, bị đóng đinh vào thập giá, và cuối cùng chết trên thập giá, hy sinh để chuộc tội cho nhân loại, tức là Ngài đã đi qua đau khổ và dùng đau khổ để cứu chuộc nhân loại tội lỗi.
Các thánh nam nữ là những con người như chúng ta, khi còn sống ở thế gian các ngài cũng có những tham sân si, cũng có kiêu căng, có giận hờn, có ghét ghen, có tham lam, có những tội lỗi mà chúng ta đã phạm hôm nay. Nhưng các ngài đã biết cậy vào ơn của Chúa và biết quyết tâm đứng lên cố gắng làm lại cuộc đời mình, biết chiến đấu với những cám dỗ, để rồi hôm nay các ngài được hưởng phúc với Thiên Chúa, với Đức Mẹ Ma-ri-a và các thiên thần trên thiên đàng.
Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, có vị đã từng làm vua, có vị đã từng làm quan, làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm thấy giáo, làm nô lệ, có vị làm giáo hoàng, có vị làm giám mục, làm linh mục, phó tế, có các vị là nam nữ tu sĩ.v.v... nghĩa là các ngài có đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội, có những đời sống và hoàn cảnh khác nhau, nhưng các ngài đã có một mục đích để sống, đó chính là phải trở nên thánh, phải trở thành những bạn hữu của Thiên Chúa trong chính bổn phận hằng ngày của mình.
Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, nhưng các ngài đã biết thực hiện “hiến chương Nước Trời” tức là “Tám Mối Phúc thật” ngay tại trần gian này :
Các ngài giàu có nhưng đã sống tinh thần khó nghèo vì Nước Trời.
Các ngài bị người khác vu oan giá họa nhưng vẫn hiền lành với họ.
Các ngài đã chia vui với người vui và buồn với người buồn, nên được Thiên Chúa an ủi ngay khi còn ở đời này.
Các ngài mong muốn được trở nên người công chính giữa một xã hội đầy mưu mô xảo trá, nên được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Các ngài biết thương xót người, tức là biết động lòng trước cảnh thương tâm của người khác, nên được Thiên Chúa xót thương.
Các ngài sống trong danh vọng, sống giữa bụi trần với những đam mê của nó, nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sạch, nên các ngài được nhìn thấy Thiên Chúa.
Các ngài đi đến đâu là đem bình an của Thiên Chúa đến nơi đó, các ngài được gọi là những người biết kiến tạo hoà bình, nên các ngài được gọi là con Thiên Chúa.
Các ngài bị bắt bớ, bị đánh đập, bị tra tấn, bị tù đày vì các ngài sống và tin vào Đức Đức Chúa Giê-su, Đấng sẽ ban Nước Trời cho những kẻ tin vào Ngài, nên các ngài đã được Nước Trời làm của mình sau khi từ giã cõi đời tạm này...
Bạn thân mến,
Các thánh nam nữ đều là những con người như chúng ta, các ngài đã trở nên những vị thánh thì chúng ta cũng có thể trở nên thánh như các ngài, bởi vì nên thánh là đòi hỏi của Phúc Âm và là mục đích sống ở đời của chúng ta –những người Ki-tô hữu.
Xin Đức Mẹ Ma-ri-a và các thánh nam nữ trên thiên đàng cầu bàu cho chúng ta, là những người đang trên đường đi về quê trời, được noi gương của các ngài biết quyết tâm đổi mới cuộc sống của mình, biết đứng dậy khi ngã xuống trong tội, biết phục vụ và tha thứ cho nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện


16.      NGỰA HAY CHẠY TỐT

Lý Đông Dương có một con ngựa tốt đem tặng cho Trần Sư Triệu, Trần Sư Triệu cưỡi con ngựa này về triều và lúc ngồi trên lưng ngựa thì làm được hai bài thơ, cách hai ngày sau ông ta đem ngựa trả lại cho Lý Đông Dương và nói:

-          ”Con ngựa trước kia cứ mỗi lần về triều thì có thể làm được sáu bài thơ, nhưng khi cưỡi con ngựa này thì chỉ làm được có hai bài, thật không hay”.

      Đông Dương cười trả lời:

-          “Ngựa mà tốt thì chạy hay”.

            Trần Sư Triệu suy nghĩ rất lâu và cảm thấy câu này rất có lý bèn cưỡi lên ngựa mà về nhà.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

 

Suy tư 16 :

      Ngựa chạy chậm thì có thể làm được sáu bài thơ, nhưng nếu ngựa chạy nhanh thì chỉ có thể làm hai bài thơ, do đó mà suy ra: làm được hai bài thơ là ngựa giỏi ngựa tốt, làm được sáu bài thơ là ngựa dở ngựa ốm yếu.

      Có những người Ki-tô hữu khi “ăn không nên làm không ra” thì mỗi ngày đều đi dâng thánh lễ, đến khi ăn nên làm ra thì mỗi tuần chỉ đi lễ ngày chúa nhật mà thôi; có một vài người Ki-tô hữu khi được làm việc trong ban hành giáo thì ngày ngày đều đi lễ đọc kinh, nhưng đến khi hết làm thì không thấy đến nhà thờ nữa. Cho nên đừng đánh giá lòng đạo đức và yêu mến Thiên Chúa của người khác nơi sự giàu nghèo hay chức vụ, nhưng nơi việc làm thường xuyên của họ trong mọi hoàn cảnh, đó chính là sự kiên trì bền đỗ vậy.

      Ngựa hay ngựa tốt thì chạy nhanh nên không còn giờ để làm thơ, người thật lòng yêu mến Thiên Chúa thì không lệ thuộc vào chức vụ hay giàu nghèo để yêu mến Ngài…


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


15.       SÓT MẤT BỐN CHẤM

        Lúc Trình Đàm làm quan ở kinh thành thì có rất nhiều tiếng tốt, chỉ có điều là biết chữ quá ít.

        Một lần nọ, bá tánh đi kiện thì mời ông ta ngồi kiệu đến, Trịnh Đàm rất thông cảm với bá tánh, lập tức viết trên tờ cáo trạng hai chữ “chấp chiêu”, trong đám dân chúng có những người biết chữ suy đoán chữ này nhất định là chữ “chiêu” thiếu bốn chấm[1] phía dưới, bèn nói với Trình Đàm:

-  “Sót mất bốn chấm”.

        Trình Đàm cầm lấy coi, cầm viết cạo cạo dưới chữ “chấp” và thêm bốn chấm[2], cho nên chữ “chấp chiêu” biến thành chữ “nhiệt chiêu”. Chuyện này đồn ra ai nghe được cũng cười.

                                                (Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 15 :

        Thời nay có một vài người giàu có thích chơi nổi để ra vẻ ta đây là người điệu nghệ, họ vung tiền ra mua những bức họa thời xưa để gọi là sưu tầm tranh cổ, họ bỏ tiền ra mua một vài thứ mà ở nhà quê có đầy đem về treo trang trọng trong nhà gọi là đồ quý hiếm, họ không tiếc tiền để mua vài cái bình sành đã cũ và hí hửng khoe với bà con hàng xóm là đồ quý hiếm, nhưng đem về nhà thì vứt lăn lóc trong xó…

        Có người không biết tí gì về văn học nhưng cũng mua rất nhiều loại sách nghiên cứu chất đầy trên kệ sách để khoe mình là người tài hoa văn học, nhưng một chữ trong sách thì không để mắt đến…

        Cũng có một vài người Ki-tô hữu mua về những quyển sách đạo đức chất đầy tủ sách, nhưng sách gối đầu giường của họ là những quyển tiểu thuyết ba xu nhảm nhí, những chuyện tình cảm đồi trụy lố lăng…

        Đừng khoe mình biết nhiều tác phẩm văn chương tuyệt bút hoặc thuộc lòng những bài thơ hay, nhưng hãy khoe mình sống như lời Đức Chúa Giê-su dạy trong Phúc Âm, đó là người dễ thương nhất vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chữ là chữ “chiếu”, viết thiếu bốn chấm bên dưới thành chữ “chiêu”. “Chấp chiếu” chứ không phải là “chấp chiêu”.

[2] Chữ “chấp” thêm bốn chấm bên dưới là chữ “nhiệt” , nên đọc thành là chữ “nhiệt chiêu”.