Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Lễ Phục Sinh



CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 20, 1-9.
“Đức Chúa Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.”

Chúa đã sống lại. Al-le-lui-a
Đức Chúa Giê-su đã sống lại rồi, tiếng reo vui mừng của chị Ma-ri-a Mác-đa-la, tiếng reo vui mừng của tông đồ Phê-rô và Gioan, của hai môn đệ đi thành Em-mau...

Chúa đã sống lại rồi như một điệp khúc vui mừng được hát lên bởi những tâm hồn tin tưởng và yêu mến Đức Chúa Giê-su đang vang vọng từ miền Ga-li-lê-a năm nọ, cho đến hôm nay trên khắp thế giới, và vang mãi đến muôn đời. Al-le-lu-ia !

Chúa đã sống lại rồi, mấy chữ thật đơn giản nhưng thật long trọng, nó như lời tuyên bố của một vị thẩm phán toàn năng: quyền lực tử thần từ đây chấm dứt, quyền lực sa tan từ đây kết thúc, cuộc sống ghét ghen hận thù, kiêu căng ích kỷ từ đây trở thành yêu thương, đoàn kết, bao dung tha thứ nơi mỗi một tâm hồn đã cùng với Đức Chúa Giê-su mai táng trong mồ và nay đã sống lại.

1.   Ngôi mộ trống...
Đức Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh là một phép lạ vĩ đại của Ngài để củng cố niềm tin và hy vọng nơi những người tin vào Ngài, và để nhắn gởi tới những kẻ không tin Ngài là Thiên Chúa như một thông điệp yêu thương và tha thứ.

Phục sinh là một biến cố quan trọng và đỉnh cao của Người Ki-tô hữu, bởi vì như lời thánh Phao-lô đã nói với chúng ta rằng, nếu Đức Chúa Giê-su chết đi mà không sống lại thì tất cả chúng ta đều là những kẻ điên điên khùng khùng, nhưng Đức Chúa Giê-su đã sống lại và đức tin của chúng càng thêm phong phú và vững chắc.

Đức Chúa Giê-su hôm qua chịu đau khổ chịu chết trên thập giá, hôm nay Ngài đã sống lại và thống trị đến muôn đời, đó chính là niềm tin, yêu và hy vọng của chúng ta –những người tin vào Đức Chúa Giê-su- là vinh quang và là danh dự của chúng ta.
Đức Chúa Giê-su, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật, chính Ngài chứ không ai khác đã sống lại từ cõi chết và đem ơn cứu độ cho nhân loại.

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ thật sớm khi vầng thái dương chưa xuất hiện, nhưng các bà kinh hoàng vì không thấy xác của Đức Chúa Giê-su đâu cả, thất vọng và hoang mang, khiếp sợ và lo âu, đã làm cho các bà không còn sáng suốt nhận ra hai thiên thần đang đứng bên mồ Chúa, hai ngài nói với các bà: “Sao các bà lại tìm người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24, 5b-6a) . Thế là không còn nghi ngờ gì nữa, Chúa đã sống lại rồi, ngôi mộ trống rỗng, lòng các bà cũng hân hoan vui mừng dù không thấy xác Chúa trong mồ nữa, nhưng đức tin của các bà đã thấy Ngài đã sống lại, sống lại thật rồi, ôi vui mừng, ôi hạnh phúc: Thầy đã sống lại rồi.

Mồ chính là nơi an táng những người chết, cho nên nó tượng trưng cho buồn bã cho chết chóc.
Mồ cũng chính là tâm hồn của chúng ta, nơi chất chứa bao nhiêu là tội lỗi mà chính chúng ta đã phạm trong cuộc sống, những kiêu căng ích kỉ, những giận hờn ghét ghen mà chúng ta đã chất chứa trong lòng như những gia bảo của tội nguyên tổ, thì hôm nay, nó được mở tung ra, đón lấy hùng khí của ngày Phục Sinh, nó được Đức Chúa Ki-tô phục sinh thánh hóa và cứu chuộc, và để rồi trong Ngài, chúng ta không còn những thối tha dơ dáy của xác chết con người cũ của chính mình, nhưng nó trở thành trống rỗng để dễ dàng đón nhận dồi dào ơn của Đức Chúa Ki-tô Phục sinh.

Mồ trống, tâm hồn trống vì đã được ân sủng phục sinh của Đức Chúa Ki-tô dọn dẹp sạch sẽ, chúng ta bắt đầu lại một cuộc sống mới trong tình thương của Đấng Phục Sinh, đó chính là yêu thương và phục vụ.

2.   Xin các bà về nói...
Người thanh niên mặc áo trắng nói với các bà đến mộ sáng hôm ấy rằng: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông” . Một mệnh lệnh của người sống lại từ cõi chết ! Một lời nhắn nhủ của Đức Chúa Giê-su ! Nhưng dù là của ai chăng nữa thì cũng là một lời loan báo tin vui Chúa đã sống lại của người thanh niên mặc áo trắng.

“Xin các bà về nói...” về nói lại không những với các tông đồ và với thánh Phê-rô, mà hãy nói với tất cả những ai mà các bà gặp trên đường đi, hãy nói cho họ biết: Chúa đã sống lại rồi.

Hôm kia trên đường đi chúng ta đã càm ràm với người bạn về công việc làm ăn không có lợi cho mình; hôm qua trên công sở, nơi trường học chúng ta đã chửi người bạn không cùng ý kiến với mình; hôm nay chúng ta đi đến đâu cũng đều nhìn tha nhân bằng ánh mắt thông cảm yêu thương.

Hôm kia chúng ta đã sống trong ích kỷ của mình, chỉ biết mình, hôm qua chúng ta chỉ thấy những khuyết điểm của anh chị em mà không thấy ưu điểm của họ, hôm nay chúng ta nhìn thấy họ là những người đáng yêu, bởi vì chính Đức Chúa Ki-tô đã thấy chúng ta đều là những người đáng yêu, mặc dù chúng ta là những người tội lỗi, đức tin này được bắt nguồn từ đêm Phục Sinh của Đấng Cứu Thế, và biến đổi tâm hồn chúng ta trở thành những con người được phục sinh, do đó, chúng ta không những có bổn phận phải loan truyền tin vui Phục Sinh, mà còn có bổn phận làm chứng về những gì chúng ta đã tin, đã sống về mầu nhiệm phục sinh của Đức Chúa Ki-tô.

Ngày hôm nay, không phải người thanh niên áo trắng nói với chúng ta, nhưng chính Đấng Phục Sinh đã nói với chúng ta: “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo...” không chỉ loan báo cho những người thân thiết, mà là cho tất cả mọi người. Đi loan báo Tin Mừng cũng có nghĩa là ra đi để đem tình yêu của Chúa Phục Sinh đến cho mọi người, bởi vì ơn cứu độ không chỉ dành cho một vài người, nhưng là cho toàn thể nhân loại.

“Xin các bà về nói...”, “Các con hãy đi loan báo...” tất cả đều là sứ điệp của tình yêu, là mệnh lệnh được ban ra từ sự kiện Đấng đã từ cõi chết sống lại – Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

3.   Cầu nguyện.

Lạy Đức Chúa Giê-su Phục Sinh,
Hôm nay chúng con cùng toàn thể vũ trụ hân hoan mừng Đại Lễ Phục Sinh, Chúa đã sống lại.
Chúa đã sống lại sau khi bị mai táng trong mồ, để cho chúng con nhận ra môt sự việc mà chúng con đã quên mất trong cuộc sống đầy bon chen: chúng con cũng sẽ được sống lại với Chúa khi kết thúc cuộc sống ở trần gian này.

Chúng con cảm tạ Chúa, vì nếu Chúa là vị quan toà nghiêm khắc và không biết thông cảm, thì dù Chúa có sống lại môt ngàn lần thì cũng vô ích đối với chúng con là những ngừơi tội lỗi, nhưng Chúa là Đấng rất nhân từ và công bằng, Chúa sống lại để chúng con cùng được tham dự vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa ngay tại trần gian này, đó là chúng con trở nên khoan dung hơn, tha thứ hơn, khiêm tốn hơn và yêu thương hơn khi đồng hành với tha nhân.

Lạy Đức Chúa Giê-su, có những lúc chúng con nghĩ rằng, bốn mươi ngày chay tịnh đã trở thành quá khứ khi Chúa sống lại, cho nên chúng con không thèm giữ chay nữa, không thèm hy sinh nữa, không thèm đền tội nữa, cho nên cuộc sống của chúng con chẳng khác gì chưa sống lại với Chúa, chúng con vẫn không trở nên người mới trong Chúa, bởi vì chúng con coi bốn mươi ngày chay tịnh như là cưỡng ép phải giữ, cho nên khi lễ phục sinh đến thì chúng con như chim sổ lồng, như cá xuống sông vì không còn bị ràng buộc vì chay tịnh và hy sinh nữa.


Xin Chúa ban cho chúng con biết rằng, mỗi ngày trong cuộc sống là mỗi thánh lễ phục sinh, mỗi giây phút trong cuộc sống đều là chay tịnh và phục sinh, để chúng con luôn kết hợp với tình yêu của Chúa mà sống đúng tinh thần phục sinh của Chúa đã dạy chúng con, đó là yêu thương và phục vụ, hy sinh và tha thứ. Amen.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Thứ Sáu Tuần Thánh



THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Phê-rô hối cải
Trong cuộc sống của con người, ai dám vỗ ngực nói rằng tôi chưa hề phạm một tội nào ? Phê-rô đã chối Chúa, Phê-rô đã phạm tội xem ra còn nặng hơn cả Giu-đa đã bán Chúa ba mươi đồng bạc.

Dùng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh để suy tư về sự hối cải của Phê-rô thì thật là chính đáng, bởi vì hôm nay Đức Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá vì tội của Phê-rô và tội của chúng ta. Hơn hai ngàn năm trước ở Giê-ru-sa-lem có một người vác thập giá lên núi Sọ để chịu tử hình, và có một người cúi mặt ăn năn khóc lóc vì tội lỗi của mình, không phải là hai hình ảnh cảm động làm nhức nhối tâm hồn chúng ta sao ?

1.   Đức Chúa Giê-su nhìn Phê-rô.
Ai cũng phải nhìn để mà thấy đường đi, để ngắm cảnh đẹp, ai cũng phải nhìn để thấy cuộc sống đáng vui tươi và phong phú.
Có cái nhìn thù hận, có cái nhìn yêu thương, có cái nhìn tò mò, có cái nhìn tiếc nuối, có cái nhìn hằn học.v.v...

Đức Chúa Giê-su đã nhìn, Ngài nhìn Phê-rô, cái nhìn của Ngài đối với Phê-rô là cái nhìn yêu thương, cái nhìn trách móc pha lẫn với nỗi buồn, cái nhìn ấy đã làm cho Phê-rô chấn động tâm hồn và nhớ lại lời thầy đã nói: trước khi gà gáy hai lần thì con sẽ chối Thầy ba lần.

Đức Chúa Giê-su đã nhiều lần nhìn chúng ta với ánh mắt buồn bả khi chúng ta cố tình sống trong tội; Đức Chúa Giê-su cũng đã nhìn chúng ta với ánh mắt yêu thương khi chúng ta khước từ tình yêu của Ngài, hoặc khi chúng ta say sưa biện minh cho thái độ sống buông tuồng mất nết của mình.

Ánh mắt của Đức Chúa Giê-su không ở trên trời nhìn xuống, Ngài cũng không từ nơi nhà tạm nhìn ra, nhưng ánh mắt của Ngài chính là ánh mắt của những trẻ thơ đang xin ăn bên vệ đường, ánh mắt của Ngài chính là ánh mắt van xin của người bất hạnh, ánh mắt của Ngài chính là ánh mắt của người đang thất vọng vì bị người thân xua đuổi...

2.   Chúng ta nhìn tha nhân.
Trong cuộc sống đời thường, có những lúc chúng ta dùng ánh mắt khinh bỉ để nhìn các cô gái điếm, vì họ làm cái nghề dơ bẩn mà xã hội không công nhận; có những lúc chúng ta dùng ánh mắt coi thường để nhìn những người nghèo khó, bởi vì họ thường hay nhờ mình giúp đỡ bố thí; có những lúc chúng ta nhìn anh chị em bằng ánh mắt kiêu ngạo, bởi vì mình được cấp trên khẳng định vì những lời nói và thái độ của mình làm họ vui lòng.

Xã hội hôm nay có quá nhiều cái nhìn soi mói và hận thù, bởi vì xã hội được đặt trên nền tảng dối gian và hưởng thụ, chỉ sống cho mình mà quên mất người bên cạnh, do đó mà Đức Chúa Giê-su lại phải bị đóng đinh nhiều lần trên thập giá vì những cái nhìn soi mói và hận thù của chúng ta đối với tha nhân.

3.   Đức Chúa Giê-su đã chết...
Đức Chúa Giê-su đã bị đánh đòn và vác cây thập giá lên đồi Can-vê để chịu đóng đinh và chết trên thập giá, vì cái nhìn thù hận và ghét ghen của các kinh sư và biệt phái.

Khi Đức Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, đầu Ngài gục xuống và mắt đóng lại, là lúc mà nguồn ân sủng của Thiên Chúa tuôn tràn trên nhân loại tội lỗi, để cho con mắt đức tin của người lính đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Ngài mở ra, và họ nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.[1]

4.   Cầu nguyện.
Lạy Đức Chúa Giê-su,
Hôm nay là thứ Sáu tuần thánh, Giáo Hội chúng con cử hành mầu nhiệm Chúa bị đóng đinh và chịu chết trên thập giá vì tội lỗi nhân loại và tội lỗi của chúng con những người Ki-tô hữu là môn đệ của Chúa.

Có nhiều lúc chúng con khi ngắm nhìn Chúa bị đóng đinh trên thập giá mà tâm hồn không có chút gì là cảm thông và kính mến, thậm chí có những lúc chúng con còn vô phép coi thánh giá như là những thứ trang sức tầm thường như những thứ trang sức khác, để che lấp nhửng tội lỗi và những suy nghĩ mờ ám trong tâm hồn chúng con.

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Trong ngày hôm nay chúng con tuân giữ luật giữ chay của Giáo Hội, tức là chúng con chỉ ăn một bữa no, chúng con chỉ uống nước lã, để bày tỏ sự giữ chay của mình, nhưng tâm hồn chúng con thì vẫn cứ kiêu ngạo nhìn tha nhân bằng ánh mắt khinh bỉ, tâm hồn chúng con vẫn cứ phê bình người này kẻ nọ, chúng con vẫn cứ cho mình là thẩm phán để kết án tha nhân…

Xin Chúa dạy chúng con biết giữ chay lòng, tức là biết “xé lòng chứ đừng xé áo””như lời Chúa phán dạy qua miệng tiên tri Gio-en, để tha nhân được vui vẻ và bình an vì sự giữ chay thật bên ngoài và bên trong của chúng con. Amen



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Mt 27, 54.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Thứ Năm Tuần Thánh



THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Bữa tiệc ly
Bữa ăn chiều Thứ Năm năm nọ của Đức Chúa Giê-su với các môn đệ là bữa ăn cuối cùng của Ngài ở trần gian, hay nói cách khác, Đức Chúa Giê-su đã biết cuộc sống tại thế của Ngài sắp chấm dứt, bữa ăn phần xác kết thúc –tiệc ly, để rồi mở đầu cho bữa ăn phần hồn vĩnh viễn và viên mãn –Máu Thịt của Ngài, đó là bí tíchThánh Thể.

Để chuẩn bị cho bữa tiệc được trọn vẹn, Đức Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ hai việc quan trọng để được tham dự tiệc Hằng Sống :
1.   Phục vụ.
2.   Yêu thương.

Phục vụ và yêu thương giống như bánh miến và rượu nho kết hợp với nhau để thành lương thực hằng sống; phục vụ và yêu thương giống như giọt nước pha trong rượu, trộn lẫn vào nhau để hương vị phục vụ vừa với khẩu vị của mỗi người.

A. Suy tư.

1- Phục vụ
“Nên trong một bữa ăn. Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rữa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.

Trước khi ăn người ta thường rửa tay, đây là phép vệ sinh tối thiểu, nhưng rửa chân cho các môn đệ không phải là phép vệ sinh, mà là một hành vi phục vụ, một thái độ khiêm tốn của người mà các môn đệ gọi là Thầy và là Chúa, Đấng ấy là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

“Anh em gọi gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” .

Chỉ có bố mẹ mới rửa chân cho con cái, vì đây là tình yêu, thói đời, không một ông chủ nào rửa chân cho đầy tớ, không một ông thầy nào rửa chân cho học trò vì làm như vậy là tự giảm giá trị nhân cách của mình. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã làm điều ấy, không phải để biểu diễn, không phải để mị dân, nhưng là vì yêu thương các môn đệ, và dạy cho các ông một bài học là phục vụ. Bởi vì phục vụ là dấu chỉ để người ta nhận ra mình là môn đệ của Đức Chúa Giê-su Kitô –Thiên Chúa làm người-

“Một ngày nọ, chim thiên nga hỏi Chúa Tạo Vật (Đấng sáng tạo):
- Con có thể làm môn đồ của Ngài được chứ ?
Chúa tạo vật vui vẻ trả lời: “Được, được”.
Một lúc sau Chúa Tạo Vật nói với chim thiên nga :
- “Con nhìn xem con vịt mẹ đàng kia kìa, nó vừa kiếm ăn từ dưới bùn lầy đi lên đấy, chân nó quá dơ, con đến giúp rửa chân cho nó đi”.
Chim thiên nga lắc đầu không chịu, nói to :
- “Làm môn đồ của Chúa Tạo Vật thì không thể nào đi rửa chân cho người khác”.
Chúa Tạo Vật nói :
- “Này con, nếu con không rửa chân cho người khác, thì ai biết con là môn đồ của Ta chứ ??”[1]

Câu chuyện nhỏ nhưng đạo lí thì lớn.
Phục vụ tha nhân không vì họ là anh em bà con của mình, nhưng vì họ là hình ảnh Đức Chúa Giê-su, là hình ảnh của Chúa Tạo Vật, bởi vì họ là anh em của mình trong đức ái.
Ai cũng thích người khác phục vụ mình, chứ không ai thích mình phục vụ người khác, đó chính là bản chất cốt yếu của căn tính con người là kiêu căng và thích thống trị, không một liều thuốc nào có thể chữa trị được căn bệnh “truyền thống” kiêu căng ấy nơi con người, cũng như không có ai có đủ bản lãnh để chiến thắng nó.

Chỉ có Đức Chúa Giê-su, Đấng đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là đến để phục vụ mọi người, và cái giá phải trả đó chính là chết trên thập giá. Với cái chết này, Đức Chúa Giê-su đã trị được căn bệnh kiêu căng và thích thống trị của con người, của ma quỷ; và với cái chết này, Đức Chúa Giê-su đã ghi tận trong tim mỗi người môn đệ của Ngài hai chữ phục vụ, và phục vụ đã trở nên đấu chỉ để cho nhân loại nhận ra mình là người môn đệ của Đức Chúa Giê-su, Đấng đã phục vụ cho đến chết.

2. Yêu thương
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”

Yêu thương nhau là chuyện cũ rất xưa của loài người, nhưng vẫn cứ mới cho người mới yêu, được yêu, và càng mới hơn nữa cho những người biết khám ra yêu thương chính là phục vụ Thiên Chúa trong tha nhân.

Có người nói yêu thương là sự rung cảm của hai con tim.
Có người nói yêu thương là sự liên kết giữa hai tâm hồn.
Có người nói yêu thương là xoá bỏ hận thù.
Có người nói yêu thương là sống chết có nhau.
Có người nói yêu thương là trao ban, là cho đi...

Đức Chúa Giê-su nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”
Đức Chúa Giê-su không đợi lúc sắp chết trên thập giá mới nói những câu này, Đức Chúa Giê-su không đợi khi sống lại mới nói câu này, nhưng Ngài đã nói trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ –bữa tiệc ly- bởi vì yêu thương và phục vụ là nhân tố chính để được tham dự tiệc Con Chiên trong Nước Trời. Không yêu thương thì không phục vụ, mà đã phục vụ thì điều cốt lõi là phải có yêu thương, và khi đã vì yêu thương mà phục vụ thì chúng ta mới xứng đáng tham dự tiệc Con Chiên –bí tích Thánh Thể-

Cuộc đời của Đức Chúa Giê-su là cuộc đời của phục vụ, cuộc sống của Đức Chúa Giê-su là cuộc sống của tình yêu, Ngài vì dân chúng mà phục vụ không ngơi nghỉ, Ngài vì dân chúng lầm than mà thi ân giáng phúc cho họ không biết cơ man nào mà kể. Và cuối cùng Ngài bị nghiền nát để trở nên tấm Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu không những ngay đời này mà cho đến cả đời sau.

B. Cầu nguyện
Lạy Đức Chúa Giê-su Thánh Thể,
Hôm nay là ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mỗi người trong chúng con đều hiểu rất rõ ý nghĩa của các lễ nghi trong chiều nay, chúng con thuộc lòng từng câu từng chữ mà Chúa đã nói với các môn đệ trong ăn bữa cuối cùng với họ, chúng con đã hiểu và chúng con đã tin. Nhưng cái hiểu biết của chúng con chưa rốt ráo, chưa trọn vẹn, nên chúng con chưa phục vụ tốt tha nhân, nên chúng con chưa thật tình yêu thương mọi người.

Hôm nay quỳ trước Nhà Tạm của Chúa trong nơi yên tĩnh này, tâm hồn của chúng con mới được soi sáng về ý nghĩa của phục vụ và yêu thương, đó chính là hai phương thế giúp chúng con tiến tới bàn tiệc thánh thiên quốc.

Xin Chúa ban cho chúng con biêt phục vụ quên mình, phục vụ mà không đòi điều kiện; biết yêu thương cách chân thành mà không đòi được yêu, để chúng con xứng đáng tham dự bí tích của tình yêu là Mình và Máu Thánh của Chúa. Amen


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay” bản dịch của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Thứ Tư Tuần Thánh



THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Giu-đa Is-ca-ri-ot đã phản bội thầy mình là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời cũng đã phản bội bạn bè của mình là các tông đồ khi ông vì ham tiền mà đã bán Chúa. Một kinh nghiệm đau thương cho những người bị phản bội, một đau buồn cho những người -vì yêu thương vô vị lợi- mà không lên án xét xử kẻ phản bội.

Hôm nay, Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy trở nên người bạn trung thành của Ngài, để bù đắp những đau khổ do Giu-đa Is-ca-ri-ot gây ra trong tâm hồn của Ngài.

1-  Đức Chúa Giê-su mời gọi tôi làm bạn của Ngài.
“Nếu hôm nay anh em nghe tiếng Chúa thì chớ cứng lòng”.

Đức Chúa Giê-su đang nói với chúng ta, cách kêu gọi của Chúa khác hẳn với cách kêu gọi của loài người, mỗi người được Chúa kêu gọi cách khác nhau. Khi kêu gọi chúng ta Ngài không hứa sẽ đưa chúng ta đến cuộc sống an nhàn hay sung túc ở đời này, nhưng là hứa đưa chúng ta đến đời sống vĩnh cữu với Cha trên trời. Đức Chúa Giê-su đã để mắt đến chúng ta, khi thánh Luca đã cho chúng ta thấy có một chàng thanh niên đến hỏi Ngài về sự sống đời đời (Lc 18, 18-23)

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta trở nên bạn của Ngài: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền cho”. Ngài không gọi chúng ta là những tôi tớ, nhưng là bạn hữu, mà đã là bạn hữu thì được thông phần với bạn của mình. Ngài gọi chúng ta là bạn, vì :
-    Ngài yêu thương chúng ta, Ngài muốn chúng ta kiên vững tin vào Ngài, Ngài yêu thưong chúng ta, tìm kiếm chúng ta như tìm con chiên lạc.
-    Ngài đã làm người, đã hạ mình hết mức, đã giang rộng cánh tay để đón nhận chúng ta.

Ngài đã muốn hiện diện bên chúng ta, sát chúng ta, chúng ta không thấy Ngài nhưng Ngài vẫn có đó, đợi chờ và yêu thương tôi, như lời Ngài đã nói với thánh Tô-ma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin, nhưng phúc thay những người không thấy mà tin. ”Đức Chúa Giê-su vẫn ở mãi với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong bí tích Thánh Thể.

2. Câu trả lời của tôi.
Nếu Đức Chúa Giê-su ở trong tôi thì tôi phải làm gì ?
a.  Đó là sự kết hợp với tinh thần của Chúa.
Bằng cách : không phạm tội trọng, không quay lưng với Ngài, luôn luôn lịch sự với Ngài, và năng chuyện trò với Ngài.
- Tôi phải cố gắng tìm hiểu Ngài thích gì, cần gì nơi tôi: đó là sự nguyện ngắm và yêu thương kết hợp với Ngài.
b.  Kết hợp với hy sinh.
Bằng cách : từ bỏ ý riêng của mình, tức là đánh (cái) tôi, đánh ngã (cái) tôi và đánh chết (cái) tôi, đó là ba bứơc để trở nên người bạn thân thiết của Đức Chúa Giê-su.
3. Suy niệm.

A.   Kết hợp với tinh thần của Chúa.
Tinh thần của Đức Chúa Giê-su mà chúng ta thấy rõ nhất khi Ngài cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, đó chính là tinh thần phó thác khi Ngài đang bị cơn đau khổ hành hạ, không phải nơi thân xác, nhưng là trong tâm hồn. Ngài đã phó thác trọn vẹn trong thánh ý của Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”, phó thác là một hành vi, một sự tin tưởng tuyệt đối vào Đấng toàn năng, là Đấng có quyền cho và có quyền lấy lại...

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta rất dễ dàng kết hợp với Chúa khi chúng ta đau khổ, khi chúng ta gặp bất hạnh và chán chường, bởi vì -xét cho cùng- đau khổ chính là phương tiện mà Thiên Chúa đã dùng để tôi luyện tinh thần phó thác của chúng ta, Đức Chúa Giê-su trong thân phận con người cũng không thoát khỏi sự thử thách ấy...

Để trở nên người bạn trung thành với Đức Chúa Giê-su, chúng ta phải có tinh thần của Ngài là tinh thần phó thác. Trong cơn hoạn nạn mới biết ai là bạn thân thiết, phó thác không có nghĩa là khoán trắng, nhưng phó thác với tình yêu và tin tưởng, đó chính là tinh thần phó thác đích thực của Đức Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu.

B.   Kết hợp với hy sinh
Hy sinh tức là chịu mình thua thiệt, hy sinh tức là quên mình đi mà chỉ có tha nhân. Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi tự huỷ mình ra không để trở nên con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, nơi Ngài chỉ có việc hy sinh vì con người là chính, và vì thế Ngài đã chết đi.

Có ba bước để đánh (cái) tôi, tức là hy sinh:
1.   Đánh tôi.
2.   Đánh ngã tôi.
3.   Đánh chết tôi.

Hy sinh cũng là từ bỏ ý riêng của mình, ý riêng chính là cái tôi.
“Đánh tôi” tức là đánh cho cái tôi của mình không còn chiều theo tính xác thịt nữa, tính xác thịt tức là lòng tham sân si mà mỗi ngày ma quỷ luôn dùng như một khí cụ để cám dỗ chúng ta. Cái tôi, chúng ta đánh nó nhưng nếu không quyết tâm đánh thì nó lại ngóc đầu lên và càng kiêu ngạo thêm, do đó bước thứ hai phải là đánh ngã tôi.

“Đánh ngã tôi” tức là đánh phủ đầu bằng những việc hãm mình dẹp xác, bằng lời cầu nguyện liên lĩ, bằng sự chay tịnh và lãnh nhận các bí tích, lúc đó cái tôi sẽ không còn có hội đứng lên nữa mà phải đánh cho nó ngã. Nhưng ngã mà thôi thì cũng chưa đủ, bởi vì khi chúng ta té ngã thì chúng ta có thể lồm cồm đứng dậy, dù đứng dậy nghiêng ngã, cái tôi cũng vậy, nếu đánh nó ngã rồi thì nó cũng sẽ còn chỗi dậy, do đó, bước thứ ba phải là “đánh chết tôi.”

“Đánh chết tôi” rồi thì sẽ trở nên gần giống Đức Chúa Giê-su hơn, chết thì không thể đứng dậy, chết thì không thể còn ham muốn, nhưng bất động, thiêu huỷ và mất đi. Cái tôi của chúng ta cũng vậy cần phải đánh chết nó, nó mới không còn bò dậy để làm cho chúng ta sống trong cái tôi dục vọng của mình nữa. Đức Chúa Giê-su chỉ một bứơc mà Ngài đã đánh chết cái tôi của mình, một bước đó chính là yêu thương và vâng phục thánh ý của Cha, Ngài vì yêu thương Cha và yêu thương nhân loại tội lỗi nên đã quyết tâm đánh chết cái tôi của mình khi Ngài thưa với Chúa Cha: “...nhưng đừng xin theo ý con, mà xin theo ý Cha” .

“Đánh chết tôi” để trở nên người bạn đồng hình đồng dạng với Đức Chúa Giê-su đau khổ, chết và phục sinh; đánh chết tôi để mỗi người trong chúng ta trở nên tạo vật mới trong ân sủng của Thiên Chúa nhờ Đức Chúa Giê-su, Đấng mời gọi chúng ta, hết thảy, trở nên bạn thiết nghĩa của Ngài...

3.   Cầu nguyện

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Chúa đã mời gọi chúng con trở nên những người bạn thân thiết với Chúa, Chúa đã trở nên quá gần gủi với con người của chúng con khi giáng sinh nơi hang đá Bê-lem, và Chúa đã bày tỏ cho chúng con thấy tình yêu của Chúa đã dành cho chúng con quá đổi, khi Chúa đã chấp nhận chịu chết, thí mạng sống cho người mình yêu -là nhân loại tội lỗi- trên thập giá giữa đồi Cal-vê.


Xin Chúa ban cho chúng con, không chỉ trở nên bạn của Chúa trong những ngày của Tuần Thánh này, mà là mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng con. Amen

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Thứ Ba Tuần Thánh


THỨ BA TUẦN THÁNH

Phêrô chối Thầy
“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy … Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”

Không có gì đau khổ cho bằng người con phủ nhận cha mẹ là ngừơi đã sinh ra mình; không có gì xúc phạm cho bằng khi một học trò được thầy yêu quý lại công khai phủ nhận không phải là thầy của mình; không có sự vô ơn nào to lớn cho bằng phủ nhận đấng sinh thành dưỡng dục và người đã dạy dỗ mình. Thánh Phê-rô là người hiểu rõ sâu sắc nhất về hành vi của mình khi phủ nhận Đức Chúa Giê-su là thầy của mình; Giu-đa Is-ca-ri-ot cũng đã trả giá về việc mình đã phản bội sư phụ kính yêu và bán Ngài ba mươi đồng bạc cho các thượng tế...

Đã nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã đóng vai trò của Phê-rô, của Giu-đa Is-ca-ri-ốt khi phạm tội...

A.   Suy Niệm.

Nguyên nhân làm cho thánh Phê-rô chối Chúa.

1.   Sợ liên luỵ.
Con người ta ai cũng sợ chết, nhưng sợ chết đôi lúc không ngại bằng sợ liên lụy đến bản thân hoặc là sợ liên lụy đến gia đình. Thánh Phê-rô đã sợ liên lụy đến bản thân vì mình là môn đệ của kẻ đang bị bắt, bị tra tấn ở trong dinh kia, cho nên ông đã từ chối không biết người đang bị hỏi cung, bị tra tấn đánh đòn ấy là ai !

Ba năm không rời thầy một bước, ba năm được thầy giáo huấn dạy dỗ để trở nên giống thầy: loan truyền tin mừng Nước Thiên Chúa cho mọi loài thụ tạo; ba năm đã nhìn thấy vô số những điều kỳ diệu mà thầy mình đã làm cho mọi người như người câm nói được, người què biết đi, người bệnh được lành, kẻ chết sống lại; và quan trọng hơn, trong ba năm ấy thánh Phê-rô cũng như các tông đồ khác đã được thầy mình –Đức Chúa Giê-su- yêu thương cách đặc biệt, hay nói cách khác, các tông đồ đã sống trong sự yêu thương của Đức Chúa Giê-su.

Vậy mà Phê-rô vẫn cứ chối thầy, vẫn cứ sợ sệt trước câu nói của tên tớ gái: “Cả bác nữa, bác cũng đã theo ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì ?”. Thánh Phê-rô giờ đây không còn hùng dũng hiên ngang tuyên bố là sẽ theo thầy cho đến chết nữa, nhưng đã nhụt chí anh hùng, mất hết niềm tin và đã trở thành kẻ hèn nhát chối bỏ Đức Chúa Giê-su là thầy của mình, thánh Phê-rô sợ liên lụy đến bản thân.

2.   Mất niềm tin.
Thánh Phê-rô có lý của Phê-rô: khi bị bắt, Đức Chúa Giê-su không kháng cự, không la hét, không làm phép lạ để trốn thoát, thần tượng một con người vĩ đại Giê-su đã mất tiêu khi bị tên tớ gái phát giác mình là môn đệ của Thầy Giê-su, thánh Phê-rô nhất thời đã mất niềm tin vào thầy của mình, ngài đã bỏ cuộc khi nói: “Tôi không biết người ấy”.

Tên tớ gái có lý của nó: nghe giọng nói của Phê-rô liền biết ngày là người Ga-li-lê, cùng quê hương với người bị tra tấn đánh đâp trong kia – Đức Chúa Giê-su. Thế nhưng thánh Phê-rô đã phủ nhận điều ấy, ngài không còn tin vào mắt mình nữa khi tận mắt chứng kiến cảnh thầy bị bắt, chối quách cho yên thân để khỏi bị làm khó dễ, để khỏi bị liên lụy: ngài đã mất niềm tin vào Đức Chúa Giê-su.

B. Xét mình.
Trong cuộc sống có những lúc chúng ta trở thành một Phê-rô thứ hai: hăng hái mạnh dạn nói sẽ theo Chúa cho đến cùng, nhưng rồi đã phủ nhận Chúa là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta, bằng chứng rõ nhất nhất là khi chúng ta phạm tội.

Chúng ta đã sợ liên lụy vì mang danh Ki-tô hữu khi cơn bách hại đạo đến, chúng ta đã sợ liên lụy đến gia đình và bản thân khi có người nhận ra chúng ta là người Ki-tô hữu, cho nên chúng ta không đi tham dự thánh lễ ở nhà thờ, chúng ta không dám công khai giữ đạo, và tệ hơn, chúng ta đã từ chối và phủ nhận Đức Chúa Giê-su bằng lý do “thật chính đáng” là giữ đạo tại tâm, để rồi không thiết tha gì với những phụng vụ và bí tích của Giáo Hội.

Có người bị mất niềm tin khi thấy gia đình gặp quá nhiều chuyện thử thách thì không còn đức tin vào Chúa nữa, thế rồi họ sống như người không có niềm tin.

Có người qua một cuộc khủng hoảng gương xấu của một vài linh mục nên đã mất cả niềm tin vào Giáo Hội và vào Chúa, cho nên họ không tham dự thánh lễ hoặc các bí tích của các linh mục “có tiếng” ấy...

Chúng ta đã lãnh nhận ơn này đến ơn khác của Thiên Chúa, chúng ta đã nhìn thấy và cảm nghiệm rất rõ tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người, nhưng vì sợ liên luỵ đến danh dự của bản thân, sợ liên luỵ đến gia đình và công ăn việc làm mà phủ nhận Thiên Chúa trong cuộc sống của mình...

C.   Cầu nguyện.
Lạy Đức Chúa Giê-su,
Hơn bao giờ hết, Tuần Thánh là thời gian mà chúng con cần phải kết hợp mật thiết với Chúa nhất, để chia sẻ những khổ nhục mà Chúa đã chịu vì tội lỗi của chúng con.

Đứng trước những người thù hận và ghen ghét làm quan toà xét xử, Chúa rất muốn có một môn đệ chia sẻ những cực hình, nhưng ngay cả người Chúa yêu nhất cũng đã chối Chúa. Người mà Chúa yêu nhất không những chỉ là một Phê-rô, một Gioan, Gia-cô-bê, hay tất cả các tông đồ mà thôi, nhưng là tất cả chúng con nữa. Nhưng tất cả mọi người thân thương ấy –có cả chúng con- đã không còn nhìn nhận Chúa là Thầy và là Chúa của mình nữa, bởi vì ai cũng sợ: sợ chết và sợ liên luỵ...

Lạy Chúa, có lẽ nơi Chúa cơn đau phần xác thì ít, mà nỗi đau đớn trong linh hồn thì nhiều vì những bội phản của chúng con: khi chúng con không làm tròn bổn phận của mình là chúng con đã phủ nhận Chúa đang kêu gọi và trao trách nhiệm cho chúng con; khi chúng con vẫn còn sống trong những ngạo mạn của mình là chúng con đã phủ nhận Chúa đang dùng chính chúng con để loan báo Tin Mừng cho mọi người; khi chúng con vẫn còn ghen ghét những việc làm tốt đẹp và thành công của anh chị em, là chúng con đã phủ nhận Chúa đang hoạt động trong con người của họ.

Lạy Chúa, Tuần Thánh đã đến và Tuần Thánh sẽ qua đi, năm này qua năm khác, chúng con vẫn hứa vẫn quyết tâm kết hợp với Chúa và theo Chúa suốt đời, nhưng Tuần Thánh qua đi chúng con lại lơ là với bổn phận và từ từ phủ nhận Chúa trong cuộc sống của chúng con...

Xin ban cho chúng con ơn khiêm tốn, để chúng con biết mình là ai và Chúa là ai, để chúng con có một quyết tâm trung thành với Chúa suốt cuộc đời của chúng con. Amen

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Hai Tuần Thánh


THỨ HAI TUẦN THÁNH
(Tĩnh tâm Tuần Thánh)

Các anh tìm gì ?
Có những người tìm kiếm Chúa nhưng không gặp Ngài.
Còn chúng ta là những người đang thành tâm tìm kiếm Chúa, như hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đã nghe lời giới thiệu của ngài mà đi theo Đức Chúa Giê-su, lúc đó là giờ thứ mười[1] (Ga 1, 39)–giờ đã định của Thiên Chúa-

Đức Chúa Giê-su biết rất rõ ý định tìm kiếm Ngài của hai ông, nhưng Ngài vẫn hỏi các ông : “Các anh đi tìm gì ?”- Và ba năm sau, các ông mới thật sự hiễu và biết Đức Chúa Giê-su là ai.

Ngày hôm nay, Đức Chúa Giê-su cũng đã hỏi chúng ta: “Các anh chị tìm ai, tìm gì ?” – Chúng ta đã và đang đi tìm kiếm Chúa, Ngài đã biết rồi, nhưng Ngài muốn tự mỗi người chúng ta nói lên ước vọng của mình: “Con đi tìm Chúa”.

Các môn đệ đã tìm thấy ánh sáng, và tâm hồn của các ngài không còn tối tăm nữa, vì Đức Chúa Giê-su, Đấng mà họ đã hỏi: “Rabbi, lạy Thầy, Thầy ở đâu ?” chính là ánh sáng, là niềm an ủi và là niềm cậy trông của họ. Cuối cùng các ngài đã ở lại với Đức Chúa Giê-su và chia sẻ với Ngài những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày.

Có ba hạng người tìm kiếm Chúa :
1.   Thành tâm.
2.   Tò mò và kiêu ngạo.
3.   Như khách qua đường.

A- Suy niệm :
Có ba hạng người tìm Chúa :
1-   Hạng người thành tâm.
Hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đã thành tâm tìm kiếm một vị chân sư, mới đầu họ đã “đầu quân” dưới trướng của thánh Gioan Tẩy Giả, vì quả thật, thánh Gioan Tẩy Giả chính là một vị đại tiên tri, là mẫu mực cho họ, họ theo ngài là phải đạo, bởi chính tâm hồn họ đang mong muốn thành tâm tìm kiếm một vị thầy để dẫn dắt họ đến chân lý, thật sự họ đang khao khát tìm kiếm một cái gì đó cao siêu hơn...

Thánh Gioan Tẩy Giả lại là một vị tôn sư chính hiệu của người Do Thái, ngài cũng đã mong mỏi một Đấng đến sau ông nhưng cao trọng hơn ông, vì thế, mà khi thấy Đức Chúa Giê-su đi ngang qua, ngài liền giới thiệu Chúa với hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa...” Thánh Gioan Tẩy Giả thật là một vị thầy khiêm tốn, biết “Đấng ấy” đến sau, vô danh, vậy mà ngài lại vui vẻ trang trọng giới thiệu cho môn đệ của mình, ngài đã sáng suốt nhận ra Đức Chúa Giê-su chính là một vị thiên sai, Đấng là Chiên Thiên Chúa, và ngài cũng đã biết rõ tâm trạng của hai môn đệ mình đang khao khát tìm kiếm chân lý. Hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đã đi theo Đức Chúa Giê-su và ở lại với Ngài.

“Hãy đến mà xem” là một câu trả lời dịu dàng, yêu thương và tế nhị của Đức Chúa Giê-su. Khi hai môn đệ hỏi: “Lạy Thầy, Thầy ở đâu ?” Đức Chúa Giê-su không trả lời: “Ta ở đây, chỗ này, nhà số...ta làm nghề thợ mộc...” nhưng Ngài chỉ nói: “Hãy đến mà xem”. Đó là lời mời gọi thật dễ thương của Đức Chúa Giê-su – và các môn đệ đã đến với Ngài, không phải để xem nhưng là để sống, để học và để cộng tác, chia sẻ, yêu thương như Ngài đã yêu thương.

Các môn đệ đã khao khát tìm kiếm chân lý và các ông đã được như ý, toại nguyện.

2-   Hạng người kiêu ngạo và tò mò.
Đây là những người luật sĩ và các biệt phái, họ đại diện cho hạng người kiêu ngạo tò mò muốn biết, muốn thấy Đức Chúa Giê-su là ai ? Họ đã thấy những dấu kỳ lạ nơi Đức Chúa Giê-su đã làm cho dân chúng, họ cũng đã nghe lời Ngài giảng dạy, họ cũng đã đôi lần chất vấn, đàm đạo với Ngài... Và hơn ai hết, chính họ là những người dạy luật của Thiên Chúa cho dân, họ thuộc lòng Thánh Kinh, họ tuân giữ từng chữ trong luật...

Nhưng rồi họ không tìm được chân lý, hay nói cách khác, họ đã cố tình từ chối chân lý từ nơi miệng của Đức Chúa Giê-su –Đấng hằng sống và chân lý- nói với họ. Họ đã kiêu căng, coi thường người con của bác thợ mộc làng Na-gia-rét, cũng như đã coi thường các bà goá và những người nghèo khổ, vì thế, họ không tìm đượcThiên Chúa, mặc dù Thiên Chúa đang ở giữa họ, giảng dạy và thi ân giáng phúc cho mọi người.

3- Hạng người      như khách qua đường.
Hạng người này đầy dẫy trong xã hội ngày xưa và hôm nay, họ thật sự không mong muốn tìm kiếm Thiên Chúa. Thiên Chúa của họ chính là cái bụng, như lời thánh Phao-lô đã nói. Họ đi nhà thờ, họ nghe nói về Thiên Chúa như chúng ta đọc một bản tin giật gân của chiến sự trong ngày, sau đó thì quên mất vì phải tranh giành miếng cơm manh áo, địa vị và danh vọng. Họ đã tìm kiếm và cầu xin Thiên Chúa khi thất bại, khi đau khổ, và có khi chỉ đến với Chúa như kẻ qua đường dừng lại ngắm một vài bông hoa đẹp bên vệ đường.

Hạng người này không muốn thành thật đi tìm kiếm Thiên Chúa, mà theo quan niệm của họ thì Thiên Chúa ở đâu trên trời xa lắc xa lơ và không thực tế, cho nên họ dửng dưng trước những đau khổ của tha nhân, họ lên án những kẻ tin theo Chúa và làm chứng cho Ngài, họ cho rằng Thiên Chúa đã chết rồi khi mà xã hội ngày càng thăng tiến và phát triển...

B-  Cầu nguyện.
Lạy Đức Chúa Giê-su,
Mở đầu ngày Tuần Thánh này, Chúa đã nói với chúng con: “Các anh tim gì” . Hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đã tìm và đã gặp được Chúa, qua trung gian của thầy mình. Các ngài đã khao khát chân lý và đã tìm được chân lý.

Hôm nay, chúng con cũng được Chúa hỏi: “Con tìm ai ?” . Lạy Chúa, Chúa biết rất rõ chúng con tìm gì, chúng con cần gì và chúng con khao khát gì ? Chúng con tìm kiếm Chúa, chúng con cần Chúa và chúng con khát khao Chúa. Chúng con có người miệt mài tìm kiếm Chúa trong hai mươi năm, ba mươi năm, sáu mươi năm.v.v.. và trong suốt suốt quãng đời ấy Chúa đã đến với chúng con, nhưng chúng con đã không thấy Chúa, chúng con vẫn miệt mài tìm kiếm Chúa giữa xã hội, trong tu viện và cuối cùng thì chúng con đã tìm được Chúa.
Chúa đã mời gọi chúng con “hãy đến mà xem”. Chúng con đã đến và chúng con đã ở lại với Chúa: có người ở với Chúa trong một cộng đoàn xa lạ, có người ở lại với Chúa giữa những người bất hạnh, có người ở lại với Chúa nơi xóm nhà ổ chuột, có người ở lại với Chúa trong cộng đoàn tu trì... chúng con đã ở lại với Chúa qua các anh em chị em.
Nhưng có những lúc chúng con chưa thấy được Chúa hành động, chúng con chưa được diễm phúc nếm nguồn ân phúc của Chúa ban, có phải là chúng con chưa khao khát Chúa ? Hay tại chúng con vẫn còn thờ ơ với những ơn lành mà Chúa ban cho chúng con qua cuộc sống ? Hay tại chúng con chưa thật sự khao khát tìm kiếm Chúa với cả tâm hồn ?

Lạy Đức Chúa Giê-su, chúng con có người vào tu viện không phải là để trốn tránh cuộc đời, cũng không phải là để được học hành mở mang kiến thức, cũng chẳng phải như các thầy thông luật và biệt phái; chúng con cũng chẳng phải là hạng người qua đường dừng lại ngắm trăng sao, cây cỏ... Tự thâm tâm chúng con là đi tìm kiếm Chúa, Đấng thiện hảo và là nguồn ơn cứu độ của chúng con, nhưng chúng con chẳng tìm thấy được nguồn an vui nơi tu viện, cũng chẳng nhìn thấy lòng hân hoan khi ngắm mây trời...

Hôm nay ngày đầu của Tuần Thánh, tuần thương khó của mọi Ki-tô hữu, tuần để nhận ra tình thương to lớn của Chúa đối với nhân loại, chắc chắn tự thâm tâm của mình, chúng con cũng đã nghe Chúa hỏi chúng con trong ngày hôm nay: “Các con tìm gì ?” và chúng con sẽ trả lời với Chúa: ”Chúng con tìm Chúa, chúng con cần tình yêu của Chúa trong một xã hội chỉ có thù hận và ghét ghen, chúng con tìm Chúa để ở lại với Chúa như các Tông đồ xưa đã ở lại với Chúa trong vườn Cây Dầu, để chia sẻ những đau khổ mà Chúa phải mang lấy vì tội lỗi của chúng con nơi những anh chị em nghèo khó và bất hạnh...

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con đang ở trong những ngày của Tuần Thánh này biết hăng hái đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy đến mà xem”.
Xin cho chúng con biết chặt bỏ những phiền muộn, những lo âu và những gì bó buộc tâm hồn làm cho chúng con không đến với được với Chúa .
Xin cho chúng con không những chỉ đến mà xem, nhưng còn để sống và học hỏi nơi Chúa sự hiền lành và khiêm tốn thật, để trong Tuần Thánh này, chúng con biết đem những hi sinh nho nhỏ của mình, kết hợp những đau khổ mà Chúa phải chịu vì chúng con. Amen.

C. Gợi ý.

1. Tôi có thực sự tìm kiếm Chúa trong cuộc sống hằng này của tôi, hay là tôi chỉ tìm Chúa theo cảm hứng của hoàn cảnh vui buồn ?
2.  Nếu tôi là bạn của Chúa, thì tôi sẽ đối xử như thế nào với Ngài ?



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Ga 1, 39.