Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Chúa nhật 24 thường niên

 



CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 18, 21-35.
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. (Mt 18, 35)

Hết lòng tha thứ cho nhau là tha thứ đến bảy mươi bảy lần bảy, bảy mươi bảy lần bảy là con số được nhân lên gấp bội rất nhiều lần trên số học, nhưng nó là hết lòng trong cung cách tha thứ của người môn đệ Đức Chúa Giê-su. Có người tha thứ nhưng không hết lòng, nên họ vẫn còn nhớ lại những lỗi lầm của tha nhân; có người tha thứ nhưng chỉ có bảy lần, nên họ vẫn không thể nào cộng tác với người anh em chị em; có người tha thứ nhưng không hết lòng tha thứ, nên họ vẫn còn có thái độ kiêu ngạo với tha nhân…
Hết lòng tha thứ tức là trong lòng không còn chút tức hờn giận dỗi, mà vẫn cứ nhìn thấy người xúc phạm đến mình như là người anh em chị em thân thiết bấy lâu nay của mình; hết lòng tha thứ cho anh em chị em, là chúng ta trở thành người có trí nhớ tồi nhất đối với những lỗi lầm mà tha nhân đã xúc phạm đến mình, có như thế chúng ta mới trở nên người môn đệ của Đức Chúa Giê-su, và thật sự là người đem sứ điệp yêu thương của Chúa đến cho mọi người.
Anh chị em thân mến,
Tấm lòng của Đức Chúa Giê-su đã trãi ra rất rõ ràng cho chúng ta thấy, khi Ngài dạy chúng ta phải tha thứ cho anh em đến bảy mươi bảy lần bảy, Ngài đã hết lòng yêu thương nhân loại tội lỗi đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, thân xác Ngài ngay cả một giọt nước giọt máu cũng không còn vì đã hết lòng yêu thương nhân loại, Ngài đã hết lòng yêu thương nhân loại cho đến muôn đời.
Bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa Giải là nơi để cho chúng ta thấy rất rõ Đức Chúa Giê-su đã hết lòng yêu thương chúng ta, và cũng nơi các bí tích này, Ngài không chỉ muốn dạy chúng ta phải yêu thương bằng cách tha thứ mà thôi, nhưng phải hết lòng quên đi những thiếu sót lỗi lầm mà tha nhân đã xúc phạm đến mình...
Khó lắm khi hết lòng tha thứ cho người xúc phạm đến mình, nhưng chúng ta cố gắng thực hiện với ơn trợ giúp của Đức Chúa Giê-su và của Đức Mẹ Ma-ri-a.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Chúa nhật 23 thường niên

                                                           


  CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN

 Tin mừng : Mt 18, 15-20.

“Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”.

 Anh chị em thân mến,

Sống ở đời ai cũng muốn có nhiều bạn hơn kẻ thù, ai cũng muốn người khác có đời sống tốt đẹp hơn, ai cũng cũng mong muốn mọi người sống hòa thuận và biết giúp đỡ nhau hơn, đó là ứơc muốn của những người có lương tâm chân chính.

 1.     Phê phán trách móc người khác thì dễ hơn là tự kiểm điểm mình.

Chúng ta thường phê phán và trách móc người này không tham dự những sinh hoạt của cộng đoàn, chúng ta có thái độ gay gắt với những người không nghe lời khuyên bảo của mình để trở về sinh hoạt trong giáo xứ, nhưng có lần nào chúng ta tự kiểm điểm lại thái độ của mình khi khuyên bảo người anh em chị em chưa ?

Tuy nhiên, trong cuộc sống đôi lúc việc làm của chúng ta không như lòng chúng ta mong muốn: chúng ta muốn anh chị em sửa đổi tính nết, nhưng thay vì nhẹ nhàng khuyên bảo thì chúng ta la mắng và có khi thóa mạ họ; chúng ta muốn người khác sống tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta lại hay trách móc phê bình họ, làm cho họ vì tự ái mà xa dần cộng đoàn, xa dần giáo xứ và dần dần như người xa lạ với những công việc của cộng đoàn, của giáo xứ.

Chúng ta khuyên bảo với thái độ kiêu căng, chúng ta khuyên bảo với lời nói nặng nề, chúng ta nhắc nhở anh chị em với thái độ ta đây tốt lành thánh thiện hơn họ, thì thử hỏi họ có nghe lời chúng ta không ? Biết đâu rằng trong số những người có cuộc sống –mà theo chúng ta- không giống như người Ki-tô hữu ấy- có những người mà vô tình hay cố ý chúng ta làm tổn thương họ bằng lời nói của chúng ta, hoặc bằng những thái độ không mấy thân thiện khiêm tốn của chúng ta !

2.     Nói lời khuyên bảo thì dễ hơn là tự răn đe mình.

Có những người thích đi khuyên bảo người khác làm điều lành lánh điều dữ, nhưng lời khuyên bảo của họ không có ai nghe, vì họ khuyên người khác làm điều tốt, nhưng chính họ thì lại làm những điều ngược lại lời họ khuyên bảo người khác; có người được Thiên Chúa ban cho cái giọng nói ngọt ngào với người khác, ai nghe lời họ nói cũng thấy mát lòng mát dạ, nhưng sau đó họ lấy làm khó chịu vì đó chỉ là lời ngọt ngào trên môi miệng chứ không phát xuất  từ trong tâm hồn mà ra. 

Đức Đức Chúa Giê-su chỉ ra cho chúng ta phương pháp để dẫn dắt và sửa đổi anh em chị em trở lại với cộng đoàn khi họ làm điều không đúng[1], tức là Ngài đặt chúng ta trong tư thế một người có bản lãnh, nghĩa là một người luôn tự vấn lương tâm mình trước khi khuyên bảo người anh em, và đồng thời Ngài cũng gián tiếp cho chúng ta hay: đừng phê bình trách móc người anh em chị em khi bản thân mình cũng nhiều khuyết điểm như họ…

Anh chị em thân mến,Cuộc sống thật có ý nghĩa và đời sống mỗi người Ki-tô hữu là một mầu nhiệm gắn liền với Đức Đức Chúa Giê-su qua bí tích Rửa Tội, do đó mà chúng ta luôn mong muốn mình được hoàn hảo, và cũng mong ước người khác cũng được hoàn hảo như mình, nên chúng ta -có những lúc- tỏ vẻ khó chịu khi người khác sống không như chúng ta muốn, cho nên chúng ta thường để mất người anh em chị em hơn là được lại họ...

Xin được rửa chân cho anh chị em chứ không muốn làm người sửa lưng anh chị em.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.   

[1] Mt 15, 15-17.