Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Lễ Mẹ Thiên Chúa




Ngày 1 tháng 1

LỄ ĐỨC MA-RI-A MẸ THIÊN CHÚA

Tin Mừng: Lc 2, 16-21.
Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su”.

Bạn thân mến,
Công đồng Ê-phê-sô (năm 431) đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã chọn Đức Mẹ làm mẹ của Đấng cứu thế là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời đề cao vai trò của Mẹ trong trong việc đồng công cứu chuộc loài người với con mình là Đức Chúa Giê-su.

1.      Đức Chúa Giê-su- Thiên Chúa làm người.
Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi cung lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, do đó Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người như chúng ta, chính Ngài là Đấng Mê-si-a mà muôn dân trông đợi, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là Đấng sẽ đến để cứu nhân loại khỏi bóng đêm tội. Chính Ngài trong bản tính Thiên Chúa thì là Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Đức Cha và Đức Chúa Thánh Thần, trong bản tính nhân loại thì Ngài là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a mà công đồng Ni-xê-a (325) đã long trọng tuyên bố và xác tín, và mỗi ngày chúa nhật hay lễ trọng, chúng ta đều tuyên xưng trong thánh lễ...
Như vậy, với các chứng cớ xác thực trên thì Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài thật sự là con duy nhất của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, do đó Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Ngài và cũng là Mẹ Thiên Chúa.

2.      Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa
Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ, nhưng việc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su là một hồng phúc cho nhân loại, vì qua Ngài mà nhân loại thấy được Thiên Chúa vốn không một ai có thể thấy, qua Ngài chúng ta thấy được tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta.
Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Chúa Giê-su, cho nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời tiên tri I-sai-a đã loan báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Is 7, 14) Đấng Em-ma-nu-en ấy chính là Đức Chúa Giê-su, được Đức Mẹ Ma-ri-a sinh hạ trong hang lừa máng cỏ tại Bê-lem. Chỉ có làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a mới ghi nhớ trong lòng những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực trên con người của Mẹ, và nhất là nơi những lời nói và việc làm của Đức Chúa Giê-su như lời thánh Lu-ca đã viết: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19)

3.      Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ của chúng ta
Thánh Gioan tông đồ, người đã tận mắt chứng kiến cái chết của Đức Chúa Giê-su đã tường thuật lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con cùa Bà”, rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”, kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26-27)
Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ sinh ra mình, nhưng chúng ta lại càng diễm phúc hơn khi có một người mẹ trên trời hằng yêu thương chăm sóc chúng ta, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không những là mẹ mà còn là Đấng cầu bàu cho chúng ta rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ, bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, huống hồ là Đức Mẹ Ma-ri-a, với tấm lòng người mẹ, nhất định Mẹ sẽ không bao giờ để con cái mình phải bơ vơ đau khổ ở đời này.

Bạn thân mến,
Mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa, là chúng ta trân trọng công việc đồng công cứu chuộc loài người nơi Mẹ, là chúng ta tôn vinh Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ của Ngài, và là kho tàng mọi ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại.
Mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn học hỏi các gương lành của Mẹ, nhất là nhân đức khiêm tốn và vâng phục, chính hai nhân đức này mà Thiên Chúa đã nhắc Mẹ lên tận trời cao trên các thiên thần, và ưu ái đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 







Lễ Thánh Gia Thất



LỄ THÁNH GIA THẤT

Tin mừng: Lc 2, 22-40.
“Hài Nhi ngày càng lớn lên, đầy khôn ngoan.”
Bạn thân mến,
Bạn và tôi, mỗi người đều có một gia đình, có ông bà, cha mẹ và anh chị em cùng với mọi người thân thuộc, và không ai là kẻ vô gia đình, không ai là không có cha có mẹ. Đức Chúa Giê-su cũng không trở thành ngoại lệ khi xuống thế làm người, cho nên Ngài cũng có một gia đình như chúng ta, mẹ Ngài là Đức Mẹ Ma-ri-a và cha nuôi của Ngài là thánh cả Giu-se, một gia đình như bao gia đình khác
Nhìn vào gia hang đá Bê-lem bạn và tôi học được gì nơi gia đình Na-da-rét này:
1. Hỡi những người làm cha trong gia đình, hãy học nơi thánh cả Giu-se sự công chính và thầm lặng, bởi chính ngài là người công chính luôn biết vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, và chính sự công chính này mà Thiên Chúa đã chọn ngài làm đấng bảo trợ, chăm sóc gia đình Na-da-rét là Đức Mẹ Ma-ri-a và Đức Chúa Giê-su. Ngài chính là mẫu gương của bạn và tôi là những người làm cha làm chồng trong gia đình, khi mà thế giới hôm nay các gia trưởng chỉ biết kiếm tiền và cung phụng vật chất cho gia đình, mà rất ít dạy dỗ con cái nên người. Noi gương thánh cả Giu-se chính là chúng ta biết rõ thân phận của mình là người thay mặt Chúa, để nuôi nấng dạy dỗ con cái mình theo ý của Thiên Chúa.
2. Hỡi những người làm mẹ, hãy học nơi Đức Mẹ Ma-ri-a lòng khiêm tốn luôn suy niệm Lời Chúa trong cuộc sống của mình, Mẹ không những là người phụ nữ tuyệt vời trong hàng con cháu A-dong, mà còn là người mẹ đầy yêu thương của nhân loại. Chính khi sinh hạ Đấng cứu thế nơi cảnh nghèo hèn khó khăn này, Mẹ vẫn luôn tin tưởng vào ý định quan phòng của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Mẹ chính là mẫu mực tốt lành cho những người làm mẹ làm vợ trong gia đình, khi mà hạnh phúc gia đình càng ngày càng bị chính những người mẹ ích kỷ phá vỡ vì những đua đòi bon chen mà không quan tâm đến việc gia đình. Hãy học nơi Đức Mẹ Ma-ri-a lòng khiêm tốn, yêu thương và phục vụ.
3. Hỡi những người làm con trong gia đình, hãy noi gương của Đức Chúa Giê-su Hài Nhi, Đấng Thiên Chúa làm người. Ngài là mẫu mực tuyệt vời cho những kẻ làm con, nơi Ngài, người ta nhìn thấy một đứa con hiếu thảo biết vâng lời cha mẹ, biết giúp đỡ cha mẹ. Nơi Ngài, người ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa Cha khi Ngài công khai rao giảng tin vui Nước Trời cho nhân loại. Là thân phận Thiên Chúa, nhưng Đức Chúa Giê-su chưa bao giờ tỏ thái độ hống hách với cha mẹ mình, trái lại, Ngài chỉ biết vâng phục hai ngài mà thôi...
Bạn thân mến,
Ngày lễ Thánh Gia Thất hôm nay, Giáo Hội mời gọi bạn và tôi hãy nhìn thật rõ ràng những nhân vật trong hang đá Bê-lem, hãy suy tư thật nhiều mầu nhiệm yêu thương này, bởi vì chính nơi hang đá nghèo hèn này, một gia đình thánh thiện và là mẫu gương của mọi gia đình trên thế giới xuất hiện.
Nhìn vào gia đình Na-da-rét, bạn và tôi hãy cúi mình thờ lạy Con Thiên Chúa làm người, Ngài đến để đem yêu thương và bình an đến cho mọi gia đình trên thế giới, và hãy chiêm ngưỡng tinh thần bình an hạnh phúc của thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a trong cảnh thiếu thốn nghèo hèn này...
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
------------------
http://www.vietcatholic.net 
http://www.vietcatholicnews.com 
http://nhantai.info

Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

Lễ Giáng Sinh (ban ngày)

LỄ GIÁNG SINH
(lễ ban ngày)


Tin mừng: Ga 1, 1-18.
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”

Bạn thân mến,
Hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh, là ngày mà Giáo Hội Công Giáo hân hoan mừng ơn cứu độ đến giữa loài người, như lời của thánh Gioan tông đồ đã loan báo: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Bạn có thấy Ngài đang hiện diện giữa thế gian không, bạn đã có lần nào gặp Ngài chưa ?
Đức Chúa Giê-su đã trở nên người phàm như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, một người phàm thật sự khi sinh ra nơi hang lừa ngoài thành Bê lem, chứ không phải sinh hạ trong cung điện nhà vua; Ngài thật sự trở nên một con người như chúng ta, không phải thần thoại hoang đường, cũng không phải là tiểu thuyết, nhưng là một sự thực mà cho đến hôm nay -cứ mỗi năm- toàn thể nhân loại đều hân hoan mừng ngày giáng sinh của Ngài, Ngài là nhân vật trung tâm của lịch sử nhân loại.
Bây giờ thì bạn đã thấy Ngài rồi đó. Thấy Ngài đang nằm trong hang đá nghèo hèn, và thấy Ngài đang hiện diện trên bàn thờ qua bí tích Thánh Thể. Hang đá Bê lem là nhà tạm thứ nhất mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã chọn khi xuống thế làm người, và đã trở thành anh em của chúng ta cách hiện thực mà như thánh Gioan tông đồ đã nói:
“Điểu từ thưở ban đầu đã có,
điều chúng tôi đã từng nghe,
điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt,
điều chúng tôi đã cung chiêm, và tay chúng tôi đã rờ đến về Lời sự sống.” (Ga 1, 1)[1]
Bí tích Thánh Thể là phương cách cao siêu mà Ngài đã chọn để ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, và hơn thế nữa, nơi bí tích Thánh Thể này, Ngài đã trở thành lương thực hằng sống nuôi sống linh hồn chúng ta, như Ngài nói:
“Bánh sự sống chính là Ta, ai đến với ta sẽ không hề đói, và kẻ tin vào ta sẽ không hề khát bao giờ.”(Ga 6, 35)[2]
Bạn thân mến,
Khi bạn và tôi mừng kỷ niệm lễ giáng sinh của Chúa Giê-su, thì đồng thời chúng ta cũng chuẩn bị tâm hồn chờ đợi ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đó chính là ý nghĩa quan trọng trong việc mừng đại lễ giáng sinh của Ngài, bởi vì lần thứ nhất xuống thế làm người, Chúa Giê-su không đến với uy quyền của vị vua cả trời đất, nhưng lần đến thứ hai Ngài sẽ đến với uy quyền của một vị Thiên Chúa toàn năng phán xét người lành kẻ dữ.
Ngôi Lời đã làm người và đang cư ngụ giữa chúng ta, Ngài đang ở giữa chúng ta qua người hành khất bên vệ đường, Ngài đang ở giữa chúng ta qua người bất hạnh, Ngài đang ở giữa chúng ta mà –có khi- chúng ta làm ngơ không biết Ngài. Và đó cũng là để tài mà Đức Chúa Giê-su sẽ xét xử chúng ta trong lần xuống thế thứ hai của Ngài vậy: yêu thương tha nhân như chính mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.




[1] 1 Ga 1, 1.
[2] Ga 6, 35.

Lễ Giáng Sinh (Lễ đêm)



LỄ GIÁNG SINH
(Thánh lễ Ban Đêm)

Tin mừng: Lc 2, 1-14.
“Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em.”
Bạn thân mến,
Thánh Lu-ca rất chi tiết khi kể lại hoàn cảnh Chúa Giê-su sinh ra nơi hang đá Bê-lem: từ vị vua đang trị vì, Đức Mẹ Ma-ri-a mang thai đến ngày sinh, các thiên thần hiện ra ca hát mừng vui, và các mục đồng chăn chiên ở trong vùng cũng đến thờ lạy Hài Nhi mới sinh ra...
Đêm nay, sau 2017 năm Chúa Giê-su sinh ra, nhân loại nô nức đón mừng kỷ niệm trọng đại ấy, khắp nơi đều long trọng tổ chức ngày Chúa sinh ra theo truyền thống của dân tộc mình, bởi vì Đức Chúa Giê-su giáng trần, không phải chỉ cho một dân tộc Do Thái mà thôi, nhưng là con cho cả nhân loại trên địa cầu, từ nguyên tổ A-dong cho đến ngày tận thế, Ngài đến để đem ơn cứu độ cho mọi người, trả lại cho con người ơn làm con Thiên Chúa và mở cửa thiên đàng cho những người có lòng ngay.
Đêm nay, bạn và tôi cũng nô nức trong lòng nhập vào dòng người như đi trẩy hội đến nhà thờ, để thờ lạy Con Thiên Chúa làm người trong hang lừa máng cỏ. Bạn và tôi ngắm nhìn Chúa Hài Nhi đang nằm đó để cầu nguyện và suy tư đến tình yêu nhiệm mầu của Chúa dành cho bạn cho tôi và cho nhân loại, đó chính là mầu nhiệm được giấu kín từ thưở đời đời nơi Chúa Cha, mà nay đã được khải thị nơi Chúa Hài Nhi.
Đêm nay, có rất nhiều người vui mừng tổ chức lễ Chúa giáng sinh cách long trọng và hạnh phúc, nhưng đêm nay cũng có rất nhiều người mừng Chúa Giê-su giáng sinh trong âm thầm lặng lẽ và nghèo nàn như chính Ngài vậy, bạn có thấy như thế không ? Họ mừng lễ Giáng Sinh trong lo âu vì con cái bị bệnh không tiền đi bác sĩ, họ mừng lễ Chúa Giê-su giáng sinh trong nỗi buồn vì ngày mai không có tiền mua gạo. Đêm nay, có những tụ điểm lợi dụng ngày lễ Giáng Sinh để ăn chơi trác táng, để đua nhau phạm tội, để vung tiền không tiếc...
Bạn thân mến,
Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, Ngài là Đấng cứu độ mà muôn dân trông đợi. Ngài đến để nối lại tình yêu đất trời -mà nguyên tổ chúng ta đã cắt đứt vì kiêu ngạo không muốn nghe lời của Thiên Chúa- để tuôn đổ hồng phúc bình an hạnh phúc cho nhân loại.
Bạn và tôi cũng là những sứ giả loan báo Tin Mừng của Ngài, không như các thiên thần xưa kia hát khúc ca vui mừng Đấng cứu độ, cũng không như các mục đồng xưa kia đem lễ vật chiên bò đến dâng cho Ngài nơi hang lừa, nhưng là như một bản sao cách sống của Ngài giữa anh chị em của mình, bản sao đó chính là yêu thương và phục vụ, bởi vì Đức Chúa Giê-su xuống thế gian cũng đã làm như thế để loan báo tin mừng Nước Trời cho mọi người.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


Chúa nhật 4 mùa vọng



CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG

Tin mừng: Lc 1, 26-38.
“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.”

Bạn thân mến,
Lời hứa trước đây trong vườn địa đàng -sau khi nguyên tổ loài người phạm tội- của Thiên Chúa, đang được thực hiện với lời chào hỏi của thiên sứ Gáp-ri-en với Đức Mẹ Ma-ri-a: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng bà.” Không vui sao được khi mà dân Do Thái qua hàng ngàn năm mong đợi vị cứu tinh đến; không vui sao được khi mà người Do Thái bị áp bức bởi nhà cầm quyền Rô-ma; không vui sao được khi mà lời hứa của Thiên Chúa ngàn năm trước nay đã thực hiện giữa loài người...
Và hôm nay bạn và tôi cũng đang vui mừng vì ngày kỷ niệm lễ lớn của nhân loại sắp đến, lễ Đức Chúa Giê-su giáng sinh, ngày lễ mà Giáo Hội mời gọi bạn và tôi, cũng như tất cả những người Ki-tô hữu khác phải chuẩn bị thật nghiêm chỉnh trong tâm hồn, cũng như chuẩn bị thật đẹp bên ngoài để đón Ngài đến, bởi vì Ngài đến không phải để lên án, nhưng là để cứu thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi của ma quỷ, và dẫn đường cho chúng ta đi về nhà Cha trên trời.
Tâm hồn bạn đang vui mừng, đang hòa với niềm vui cùng Giáo Hội địa phương, bạn đang góp tay vào trang hoàng nhà thờ, làm hang đá, cắm hoa, dọn vệ sinh nhà thờ sạch sẽ.v.v...để niềm vui được nhân lên khi phục vụ nhà Chúa, đó chính là niềm vui mà thiên sứ báo tin cho Đức Mẹ Ma-ri-a: mừng vui lên, Đấng đầy ơn phúc. Nhưng hạnh phúc và hân hoan nhất, chính là bạn và tôi hãy noi gương Đức Mẹ Ma-ri-a, đem Chúa Giê-su trong lòng mình đi phục vụ tha nhân như món quà Chúa tặng cho họ và cho bạn và tôi.
Bạn thân mến,
Bạn và tôi đang vui mừng chuẩn bị đón Chúa đến, không những đến trong tâm hồn, mà còn chờ đợi Ngài đến lần thứ hai trong vinh quang Thiên Chúa, bởi vì lần thứ nhất nơi hang đá Bê-lem, sự giáng thế của Đức Chúa Giê-su đã mở đầu cho một kỷ nguyên tha tội, kỷ nguyên của lòng thương xót Thiên Chúa, và nơi sự giáng lâm lần thứ hai trong vinh quang, chính Ngài sẽ như vị quan tòa xét xử chúng ta sử dụng ân sủng của Ngài như thế nào trong cuộc sống.
Khi vui mừng chờ đón ngày kỷ niệm Con Thiên Chúa làm người, bạn và tôi cũng vui mừng chuẩn bị Ngài đến trong vinh quang Thiên Chúa để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Ma-ra-na-tha, lạy Đức Chúa Giê-su xin hãy đến.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Tản mạn giáng sinh 2017



TẢN MẠN GIÁNG SINH 2017

NHỮNG ĐỒNG TIỀN BÀ GÓA

(của cộng đoàn công giáo Việt Nam tại giáo phận Taichung, Taiwan)

1. Giới thiệu.
Những người lần đầu tiên tham dự thánh lễ của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm (nhà thờ thường được gọi ngắn gọn là “nhà thờ Fushing 複興堂”, vì nó nằm trên đường Fushing, gần ga xe lửa Taichung) thuộc giáo phận Taichung, Taiwan, thì đều sẽ thốt lên lời kinh ngạc: “Sao đông vậy, toàn là các bạn trẻ ?”
Vâng, đúng như thế, ở giữa một xã hội hưởng thụ như Taiwan này, mà có một cộng đoàn công giáo người Việt Nam với các bạn rất trẻ rất năng động và quy cũ nề nếp (giống như các họ đạo ở Việt Nam) thì thật là điều đáng ngạc nhiên. Các bạn trẻ phần đông đến từ dải đất khô cằn sỏi đá miền trung Việt Nam như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thuộc giáo phận Vinh, và một số các bạn trẻ ở Hải Phòng, Hải Dương.v.v…các bạn thuộc các ngành nghề trong các xí nghiệp công ty ở vùng Taichung, Nantou, Wufong, Changhua.v.v..cứ đến ngày chúa nhật buổi chiều là từ nhà ga Taichung tuôn về nhà thờ Fushing để tham dự lớp giáo lý hôn nhân, lớp dự tòng và xưng tội, rồi đến 3 giờ là thánh lễ chúa nhật bắt đầu, các bạn trẻ nam nữ này tuy làm việc mệt nhọc nhưng vẫn luôn bày tỏ đức tin vững vàng của mình vào ngày chúa nhật với thánh lễ, làm cho những người dân địa phương rất ngạc nhiên vì lòng đạo và đức tin của các bạn trẻ Việt Nam.
2. Sinh hoạt.
Được đức giám mục địa phương (gp. Taichung) thương mến chăm sóc, ngài đã bổ nhiệm linh mục quản nhiệm coi sóc cộng đoàn trẻ này và sinh hoạt cũng như một giáo xứ (nhưng không phải giáo xứ), các bạn trẻ đã bầu cho mình một ban đại diện cộng đoàn để điều hành chung, có một ca đoàn không thua bất cứ ca đoàn nào, nghĩa là có ca trưởng ca viên, âm thanh nhạc cụ với các chuyên viên âm thanh, và lời ca tiếng hát được cất lên làm cho cộng đoàn vốn đã năng động trẻ trung lại càng năng động và vui tươi hơn và thánh lễ vừa sốt sắng vừa sinh động; có ban giáo lý với các giáo lý viên có kinh nghiệm khi còn ở Việt Nam phụ trách giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân; với ban phụng vụ luôn đi sát với phụng vụ của giáo hội…
Một cộng đoàn có sức sống như thế thì chắc chắn đức tin của họ cũng sẽ vững mạnh trong mọi hoàn cảnh, và lòng đạo của họ sẽ được dịp chứng minh cho mọi người dân địa phương thấy qua việc tham dự thánh lễ ngày chúa nhật hàng tuần…
Và hãy nói một chút đến những đám cưới trẻ, dù không kiệu cưới xe hoa, không có họ hàng cha mẹ hai bên, nhưng rất trang nghiêm và ấm áp ở đất khách quê người. Những đám cưới này đều được cử hành trong nhà thờ theo phép đạo, được sự chúc lành của Chúa và của mọi người. Các bạn trẻ cũng phải đến lớp giáo lý hôn nhân (bắt buộc) thì mới được làm phép hôn phối, một sự bắt buộc đầy khôn ngoan của giáo hội làm cho đôi bạn trẻ nhìn xa thấy rộng những vui buồn trong đời sống hôn nhân sau này.
Nơi đất khách quê người này, các bạn trẻ đã luôn làm sáng danh Chúa để giới thiệu Chúa cho mọi người, lớp giáo lý dự tòng luôn có những người đến tìm hiểu về giáo lý và ước mong trở thành người Ki-tô hữu. Dù thời gian của công nhân không có nhiều, nhưng các bạn vẫn hy sinh những giờ nghĩ ngơi sau một tuần làm việc mệt nhọc để tham dự lớp giáo lý dự tòng. Đây là nét đặc biệt cùa cộng đoàn.
3. Bác ái.
Vì hoàn cảnh mà các bạn trẻ phải từ giã quê hương để đi lao động tại Taiwan, có bạn phải đi cầm sổ hộ khẩu, sổ đỏ (nhà đất) hoặc vay mượn ngân hàng để có tiền đi xuất khẩu lao động.
Ngoài tiền môi giới cắt cổ ra, thì còn nhiều khoản tiền khác phải trừ khấu trong tiền lương, cho nên qua Taiwan làm việc thì một năm đầu coi như là cầm chừng vì tiền lương bị trừ hết, cho nên được làm thêm ngoài giờ là cái phao cứu trợ cho các bạn trẻ, vì nếu không có làm thêm thì lâu lắm mới lấy lại được vốn của mình bỏ ra. Như thế thì chúng ta hiểu được rằng, các bạn trẻ đã làm việc rất mệt nhọc để kiếm tiền, vậy mà các bạn vẫn cứ dành thời gian cho Chúa, đến nhà thờ để chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Chúa đã ban cho họ mọi ơn lành trong cuộc sống.
Thế nhưng, tình yêu Chúa và yêu người nơi các bạn trẻ đã làm cho người khác phải ngưỡng mộ và thích thú, các bạn đã thực hành đức ái cách quảng đại không chỉ bằng lời cầu nguyện mà thôi, nhưng còn bằng hành động nữa, chính hành động bác ái này mà làm cho mác bạn trẻ càng nhìn thấy Chúa Giê-su đau khổ nơi những người bất hạnh, các bạn luôn mở rộng lòng ra để chia sẻ với những người cần chia sẻ mà cụ thể là hai lần chia sẻ dưới đây mà chúng tôi gọi là “đồng tiền của bà góa”:
4. Đồng tiền bà góa.
1/ Lần thứ nhất: Khoảng tháng 8/2017 vùng đất miền trung Việt Nam thuộc giáo phận Vinh đã bị trận lụt thế kỷ thiệt hại nặng nề người và của cài. Nỗi đau buồn này đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin, nhất là các trang mạng xã hội (facebook) đưa rất rõ và chi tiết những cảnh đau lòng của dân chúng bị nạn. Qua tình cảnh trên, ban đại diện cộng đoàn đã xin phép cha quản nhiệm quyên góp giúp đỡ bà con quê nhà giáo phận Vinh để chia sẻ nỗi đau buồn của họ.
Ngày chúa nhật nhìn từng bạn trẻ đi lên bỏ “đồng tiền bà góa” vào thùng tiền cứu trợ, ai cũng cảm thấy thật đánh động lòng người, bởi vì chính các bạn trẻ đã qua đây (Taiwan) để kiếm từng đồng từng cắc bạc để lo cho gia đình, nhưng vẫn cứ quảng đại chia sẻ với những người bất hạnh hơn mình, cả nhà thờ đầy nghẹt những người trẻ xếp hàng đi lên đưa tay ra bỏ vào thùng tiền như người đàn bà góa bỏ hai đồng tiền kẽm sinh hoạt phí của mình (Lc 21,1-5). Quả thật, những đồng tiền của bà góa này tích góp lại đã được 37.600 đồng Đài tệ gởi về hội bác ái của giáo phận Vinh để chia sẻ với bà con gặp nạn lụt…
2/ Lần thứ hai: Mỗi việc làm bác ái của chúng ta trong mùa vọng là một món quà dâng tặng Chúa Hài Đồng trong mùa giáng sinh, trở thành những cọng rơm sưởi ấm trong mùa đông. Cũng với những đồng tiền bà góa đó, lần thứ hai các bạn trẻ trong cộng đoàn lại có dịp thực hành đức ái trong đời sống Ki-tô hữu của mình. Lần này trong dịp mùa vọng chuẩn bị tâm hồn đón mừng kỷ niệm Chúa Giáng Sinh cứu chuộc nhân loại và chuẩn bị Chúa đến lần thứ hai nơi mỗi con người, vì nhu cầu xây nhà nuôi dạy trẻ em mồ côi và người già thuộc giáo phận Vinh, do các sơ dòng Mến Thánh Giá tại Nghĩa Yên giáo phận Vinh phụ trách, ngày 17/12/2017 các bạn trẻ đã quảng đại quyên góp giúp đỡ cho các em mồ côi tàn tật để xây nhà cho các em.
Đồng tiền của người đàn bà góa lần này được nhân gấp đôi hơn lần trước, khi mà các bạn trẻ xa nhà sống Phúc Âm cách cụ thể, những đồng tiền tuy nhỏ nhưng sự hy sinh và lòng quảng đại của các bạn trẻ rất lớn, đã làm ấm áp lòng người, số tiền quyên góp được và đếm tại chỗ là 105.500 Đài tệ, tương đương 82 triệu đồng Việt Nam.
“Phép lạ” do lòng quảng đại của các bạn trẻ được nhân gấp đôi khi cảm nghiệm được sự thiếu thốn và khổ cực của tha nhân. Các bạn trẻ xa nhà đầu tắt mặt tối làm việc nhưng vẫn quảng đại với những mảnh đời bất hạnh ở quê nhà giáo phận Vinh, một giáo phận chịu nhiều khổ đau tinh thần và thể xác.
5. Kết.
Lướt qua những trang mạng xã hội (facebook) thấy nhiều nhà thờ ở Việt Nam chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh thật đồ sộ và tốn kém, số tiền trang hoàng hang đá đó có thể giúp đỡ rất nhiều người nghèo, các em mồ côi và những người bất hạnh. Chúa không thích những hang đá giả tạo ấy và Ngài cũng không muốn sinh ra trong những hang đá lung linh đèn màu phảng phất khoe khoang giáo xứ giàu, giáo xứ đẹp, nhưng Đức Chúa Giê-su muốn sinh ra trong những tâm hồn nghèo khó chất phác, những tâm hồn bị người đời bỏ quên, những mảnh đời bất hạnh thiếu thốn…
Xin cám ơn tất cả các bạn trẻ của cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Taichung, các bạn đã là nhưng gương sáng sống bác ái cách sống động giữa một xã hội hưởng thụ vật chất, hành động bác ái đầy quảng đại của các bạn đã làm cho nhiều người phải suy nghĩ lại cách sống khoe khoang phung phí của mình.
Đồng tiền của người đàn bà góa được Đức Chúa Giê-su khen ngợi như thế nào, thì những đồng tiền ít ỏi của các bạn sẽ được Ngài chúc lành gấp bội, bởi vì Chúa cần tấm lòng chia sẻ và độ lượng hơn là của lễ to lớn.
Lễ giáng sinh năm nay (2017) các bạn trẻ cộng đoàn công giáo Việt Nam ở giáo phận Taichung đã có những món quà rất ý nghĩa để dâng cho Chúa Hài Nhi nơi những trẻ em mồ coi và những người già neo đơn ở giáo phận Vinh….
Xin cám ơn các bạn trẻ ở cộng đoàn công giáo Việt Nam tại giáo phận Taichung, Taiwan.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2, 14)

Taichung, ngày 20/12/2017
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

Chúa nhật 3 mùa vọng




CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG

Tin mừng: Ga 1, 6-8; 19-28.
“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.”

Bạn thân mến,
Trước câu hỏi của các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, Đức Chúa Giê-su không trực tiếp trả lời, nhưng Ngài biểu họ thấy gì nơi Ngài hoặc nghe người ta nói gì về Ngài, thì hãy về nói lại với ông Gioan như thế, chắc chắn ông ấy sẽ biết Ngài là ai !
Có một vài người Ki-tô hữu cũng đã hỏi Đức Chúa Giê-su như vậy khi cuộc sống của họ bị mất phương hướng vì đời họ gặp nhiều thử thách: Ngài có phải là Thiên Chúa không, sao đời con khổ thế này ? Ngài có thật là đang ở cùng con trong cuộc sống không, sao không thấy Ngài biện hộ cho con khi kẻ thù vu không bắt bớ dọa nạt con ? Ngài có thật là Đấng mà con tôn thờ không, tại sao Ngài không tỏ uy quyền tiêu diệt những kẻ làm hại Giáo Hội của Ngài và bắt bớ tù đày môn đệ của Ngài...?
Đức Chúa Giê-su là Đấng mà muôn dân trông đợi, Ngài được Chúa Cha sai đến trần gian để giải thoát nhân loại khỏi tối tăm tội lỗi, Ngài đến để đem ánh sáng vĩnh cửu đến chiếu soi chúng ta đang đi trong tối tăm của những cám dỗ thế gian. Ngài là Đấng mà thánh Gioan Tẩy Giả đã hân hoan, long trọng tuyên bố: Ngài đến sau tôi, nhưng có trước tôi...Hãy dọn đường cho ngay thẳng để Ngài đi, hãy hối cải và thay đổi cuộc sống của chính mình.v.v...
Bạn thân mến,
Ngày hôm nay bạn và tôi sẽ không còn hỏi Đức Chúa Giê-su là ai nữa, bởi vì bạn và tôi đang đi theo Ngài trong cuộc sống, đang ngắm nhìn Ngài trong bí tích Thánh Thể, và đang từng giây phút học hỏi cách sống của Ngài là yêu thương và phục vụ. Bởi vì ngoài Đức Ki-tô ra, không thể có một ơn cứu độ nào khác trên thế gian này.
Thánh Gioan Tẩy Giả là sứ giả đi trước dọn đường cho Chúa cứu thế đến. Bạn và tôi cũng sẽ là những sứ giả loan báo tin vui Đấng cứu thế đến cho mọi nguời, để họ cũng đến mà xem Ngài, không phải xem Ngài nằm trong hang đá đẹp lộng lẫy, không phải xem Ngài nơi cách sống phóng đãng của chúng ta, và cũng không phải xem Ngài đang hiện diện trong một cộng đoàn mà mỗi thành viên chỉ biết đến mình với tất cả cái tôi kiêu ngạo và khoe khoang, nhưng xem Ngài đang đau khổ nơi tha nhân, xem Ngài đang chia sẻ phục vụ với người cùng khốn giữa xã hội hôm nay.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài,  csjb. 

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Chúa nhật 2 mùa vọng



CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG

Tin mừng: Mc 1, 1-8.
“Hãy sửa lối cho thẳng để Chúa đi.”
Bạn thân mến,
Nói có sách, mách có chứng, thánh Mác-cô đã làm như thế khi viết lời mở đầu sách Phúc Âm của mình. Ngài đã mượn lời loan báo của tiên tri I-sai-a để nói về thánh Gioan Tẩy Giả -người dọn đường cho Đấng cứu thế đến- Thánh Gioan Tẩy Giả mặc áo lông lạc đà, lưng thắt dây da và ăn châu chấu cùng mật ong rừng, đó chính là chân dung của người dọn đường cho Đấng cứu thế mà người Do Thái cũng như muôn dân trông đợi.
Thánh Gioan Tẩy Giả mặc áo lông lạc đà, còn bạn và tôi hôm nay mặc áo gì? Chắc chắn không phải mặc áo veston để dọn đường cho Chúa, cũng không phải mặc áo dạ hội để loan báo Tin Mừng, và cũng không phải mặc những bộ áo quần mô-đen để loan báo tin vui cứu độ, nhưng cái áo mà bạn và tôi phải mặc đó chính là cái áo của đức áii, cái áo mà dù cho bạn bên ngoài mặc loại áo quần sang trọng hay nghèo hèn, đều có thể làm chứng cho Đức Chúa Giê-su và dọn đường cho Ngài đến.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã thắt lưng bằng dây da, còn bạn và tôi thì thắt lưng bằng dây hy sinh, dây hy sinh này chính thánh Gioan Tẩy Giả đã thực hành trong suốt quãng đời niên thiếu của mình trong hoang địa để chuẩn bị cho Đấng cứu thế đến. Dây hy sinh của bạn và tôi chính là từ bỏ ý riêng của mình để nhìn thấy ý Chúa trong cuộc sống của mình.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã ăn châu chấu và mật ong rừng, còn bạn và tôi chắc chắn có những lúc thèm ăn những thứ cao lương mỹ vị, khác hẳn với sự khó nghèo của thánh Gioan Tẩy Giả, chính châu chấu và mật ong rừng đã làm cho ngài trỗi vượt trên các kinh sư luật sĩ và người Pha-ri-siêu. Thức ăn của bạn và tôi hôm nay chính là Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, chính lương thực hằng sống này đã làm cho chúng ta trở nên người dọn đường cho Ngài đến trong tâm hồn của mọi người.
Bạn thân mến,
Nếu bạn và tôi không trở nên như thánh Gioan Tẩy Giả thì không thể dọn đường cho Chúa đến trong tâm hồn của mình cũng như đến trong tâm hồn của người khác. Khi mà một xã hội chỉ biết hưởng thụ, thì tinh thần của thánh Gioan Tẩy Giả lại nổi bật lên, làm cho mọi người dễ dàng nhận ra chúng ta là người phát quang những cây cỏ dục vọng, ham danh, ham tiền, ham quyền đang mọc chắn cả lối đi, làm cản trở tâm hồn con người ta không thể hướng lòng lên cùng Thiên Chúa và nhìn đến tha nhân.
Trở nên như thánh Gioan tẩy Giả và mặc lấy tinh thần của ngài, là bạn và tôi đã trở nên người phát quang đường sá tâm hồn sạch sẽ, thoáng mát để cho Chúa ngự đến vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài,  csjb. 

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Chúa nhật 1 mùa vọng (năm B)



CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG

Bài đọc 1: Is 2, 1-5.
Bài đọc 2: Rm 13, 11-14a.
Tin mừng: Mc 13, 33-37.
“Anh em phải canh thức: anh em không biết khi nào chủ nhà đến.”

Bạn thân mến,
Đã có ít nhất là một lần bạn canh thức đợi điện thoại của người yêu từ phương xa gọi đến, người yêu xa cách bạn cả ngàn cây số, và đã lâu rồi chưa bạn chưa được nghe giọng nói dễ thương của người yêu. Tâm hồn bạn hồi hộp, tim bạn đập mạnh và lòng trí bạn thì vui mừng không biết sẽ nói gì với người yêu. Đó là tâm trạng chờ đợi của bạn cũng như của nhiều người khác.
Bài Phúc Âm hôm nay Đức Chúa Giê-su mời gọi bạn và tôi cùng tỉnh thức, không phải để đợi người yêu từ phương xa gọi điện về, nhưng là đợi ông chủ về, ông chủ này đã ưu ái đón nhận chúng ta vào làm công trong nhà của Ngài, Ngài trao cho bạn và tôi mỗi người một công việc tùy theo tài năng và sở trường của mình. Ngài trở về bất thình lình không báo trước, để bạn và tôi luôn thức tỉnh chờ đợi trong niềm vui, vì chúng ta đã và đang chu toàn bổn phận của mình.
Bạn và tôi đang tỉnh thức, nhưng vẫn có lúc nào đó vì mệt nhọc mà ngủ mê trong kiến thức, trong tài năng của mình; bạn và tôi đang đợi chờ, nhưng cũng có lúc nào đó quên mất mình đang đợi ông chủ nên vẫn cứ mãi mê thóa mạ, dọa nạt, ngạo mạn anh chị em của mình; bạn và tôi đang cố gắng chu toàn công việc mà ông chủ -Đức Chúa Giê-su- trao phó, nhưng vẫn có lúc lơ là trể nãi vì những cám dỗ của ma quỷ.v.v...
Bạn thân mến,
Năm phụng vụ mới của Giáo Hội đã bắt đầu từ hôm nay –chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng- Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức đợi chờ Chúa đến, không phải đến trong hang lừa máng cỏ nơi thành Bê-lem xưa kia, nhưng đến trong tâm hồn của bạn và tôi, và của những ai thành tâm đón nhận Ngài như các mục đồng ngày xưa ấy đã tin và đến thờ lạy Ngài.

Đức Chúa Giê-su đã đến rồi –hằng ngày trong bí tích Thánh Thể- nhưng có lẽ bạn và tôi chưa chuẩn bị đón Ngài vào trong tâm hồn của mình; Đức Chúa Giê-su đã đến rồi, Ngài đến với nhiều hình ảnh trong cuộc sống của chúng ta: dưới hình ảnh người ăn xin, người bất hạnh, người lỡ đường, người bị khinh dễ, người vui vẻ, người buồn phiền... do đó, mà Ngài muốn chúng ta hãy tỉnh thức, tỉnh táo để nhận ra Ngài ngay khi Ngài đến gõ cửa tâm hồn của bạn và tôi...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Lễ Đức Chúa Giê-su Vua vũ trụ



LỄ ĐỨC CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
(CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN)

Tin mừng : Mt 25, 31-46.
“Con người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ với nhau”.

Bạn thân mến,
Năm Phụng Vụ của Giáo Hội được kết thúc bằng việc cử hành trọng thể lễ “Đức Chúa Ki-tô vua vũ trụ”, để cho chúng ta thấy rằng: chính Ngài là khởi đầu và là chung kết, nên Ngài là vua vũ trụ và là Đấng xét xử loài người; là Đấng hôm qua, hôm nay và ngày mai, nên Ngài là Đấng ngự trị trường tồn, bất diệt.
Đức Chúa Giê-su xét xử như thế nào ?
Ngày phán xét chung, ngày tội lỗi và sự thánh thiện của mỗi người sẽ được bày ra ánh sáng và tất cả mọi người từ nguyên tổ A-dong và E-và cho đến người sau cùng trên thế giới sẽ thấy; ngày mà những việc lành chúng ta thực hiện trong âm thầm thì nay sẽ được mọi người biết; ngày mà những tội ác chúng ta thực hành trong bóng đêm thì nay sẽ được bày tỏ giữa ban ngày cho mọi người biết...
Ngày phán xét, Đức Chúa Giê-su không hỏi chúng ta:
-Khi còn ở thế gian con tậu được mấy căn nhà ?
-Khi còn ở thế gian con học hành đến đâu và có bao nhiêu văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ...?
-Khi còn ở thế gian con gởi nhà băng (bank) được bao nhiêu triệu đồng ?...
-Khi còn ở thế gian con có địa vị to lớn nào trong xã hội, trong Giáo Hội ?
Nhưng Đức Chúa Giê-su sẽ hỏi chúng ta:
-Con có giúp đỡ tha nhân không ?
-Con có hy sinh cho người khác không ?
-Con có yêu người như mình vậy không ?
-Con có làm tròn bổn phận của con không ?...
Và thật vô phúc cho chúng ta, khi chúng ta không có một liên hệ bác ái nào với tha nhân, và như thế cũng có nghĩa là chúng ta bị tách khỏi những người lành thánh, phải đứng bên tay tả của Đức Chúa Giê-su với những người được gọi là bè lũ của ma quỷ...

Bạn thân mến,
Có nhiều lúc chúng ta tuyên xưng Đức Chúa Giê-su là Vua vũ trụ, nhưng chúng ta chưa tuyên bố và chưa tuyên xưng Ngài là Vua trong gia đình, và là Vua đang ngự trong tâm hồn của chúng ta, cho nên danh hiệu “gia đình Ki-tô hữu” chưa hấp dẫn được người khác, và danh hiệu “người Ki-tô hữu” của mình chưa thực sự tỏa sáng cho người khác thấy trong cuộc sống của chúng ta, cho nên vẫn có rất nhiều người thờ ơ với Chúa chúng ta.

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Chúng con tuyên xưng Chúa là vua và là Chúa của chúng con bằng những thánh lễ trọng thể và bằng những cuộc rước kiệu thật náo nhiệt, để biểu dương sức mạnh đức tin của mình và của Giáo Hội. Nhưng khi thánh lễ kết thúc và cuộc rước kiệu đã xong, nhà thờ là nơi ngai vàng hữu hình của Chúa ngự giữa giáo xứ lại trống vắng, lạnh lùng, Chúa là vua ngự trong nhà tạm lại càng cô đơn hơn chẳng một ai đến thờ lạy, kể cả chúng con là những linh mục –công thần của Chúa- đang coi sóc giáo xứ ở sát ngay bên cạnh nhà Chúa.
Chúng con tôn thờ Chúa là vua đang ngự giữa chúng con trong nhà tạm, nhưng hàng ngày chúng con chỉ thích đến viếng các nhà hàng nhậu nhẹt, ôm ấp các kỹ nữ hơn là đến nhà thờ để thờ lạy Chúa; chúng con tuyên nhận Chúa là vua vũ trụ đang ngự trong nhà tạm, nhưng chúng con cảm thấy mất  thời giờ khi đến thờ lạy và ca tụng Chúa nơi nhà thờ...
Xin Chúa thương xót chúng con là những người tội lỗi, thường bất trung với Chúa và bất nhẫn với tha nhân trong cuộc sống của mình hôm nay. Amen

Lm. Giuse Maria Nhân Tài,  csjb. 

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Chúa nhật 33 thường niên



CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 25, 14-30.
“Được giao ít mà anh đã trung thành, hãy vào mà hưởng niềm vui của mình”.

Bạn thân mến,
Ân sủng của Thiên Chúa được Đức Chúa Giê-su ví như những nén bạc trao cho con người: người nhận năm nén, người nhận hai nén và người nhận một nén, tùy theo khả năng mà Thiên Chúa trao cho, chứ Ngài không tùy tiện trao năm nén cho người chỉ có khả năng làm lợi hai nén. Nhưng dù mỗi người trong chúng ta dù có nhận bao nhiêu nén đi chăng nữa, thì cũng là đã nhận nén bạc mà Thiên Chúa đã trao cho để với mục đích làm lợi cho chính bản thân mình và mưu ích cho tha nhân.
Đức Chúa Giê-su tùy khả năng của mỗi người mà trao cho họ nén bạc, để họ tùy theo khả năng và nén bạc được trao mà làm sinh lợi cho Ngài thêm những nén bạc khác :
-      Có những người được ơn tình nguyện đi phục vụ các bệnh nhân bị nhiễm HIV hoặc phục vụ các bệnh nhân phong cùi ở trại phong, họ đã làm lợi thêm những nén bạc khác bằng hành động phục vụ của mình.
-      Có những người tình nguyện vào vùng sâu vùng xa, để đem ánh sáng văn hóa đến cho những trẻ em và những người không có điều kiện đến trường, họ đang làm lợi thêm những nén bạc khác bằng hành động tự nguyện hy sinh của mình.
-      Có những người dù đang thiếu thốn, nhưng vẫn cứ vui vẻ chia sẻ những gì mình có cho người không có, họ đang làm lợi thêm những nén bạc khác cho Thiên Chúa...
Có những người lại đem nén bạc mà Thiên Chúa trao cho chôn giấu trong đất, họ là những người không thấy được sự tín nhiệm của Thiên Chúa dành cho mình, họ đem ân sủng chôn vùi trong trong những tham lam hưởng thụ và dục vọng của họ, khi mà chung quanh họ có rất nhiều người đang cần đến “đồng tiền ân sủng” của họ để có chút an vui và hy vọng.
Bạn thân mến,
Nhận năm nén, hai nén hoặc chỉ có nhận một nén đều không quan trọng, cái quan trọng là trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần phải nổ lực, chớp thời cơ để làm lợi thêm nén bạc nữa, đó chính là điểm chính yếu mà Đức Chúa Giê-su muốn dạy dỗ chúng ta qua dụ ngôn nén bạc này.

Câu hỏi gợi ý :
1.      Có lúc nào bạn nghĩ rằng Thiên Chúa đã trao cho mình năm nén bạc không ?
2.      Trong những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, bạn có nghĩ rằng mình là người may mắn nhất vì đang giữ nén bạc của Thiên Chúa trong mình ?
3.      Theo bạn hiểu, thế nào là phung phí ân sủng của Thiên Chúa ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Chúa nhật 32 thường niên



CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 25, 1-13.
“Chú rể kia rồi, ra đón đi !”

Bạn thân mến,
Khôn ngoan là báu vật mà Thiên Chúa ban cho con người, nói cách khác, Ngài ban cho những ai thành tâm tìm kiếm điều thiện hảo với lòng khiêm tốn.
Mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón tân lang là một ví dụ điển hình mà Đức Chúa Giê-su đã kể cho chúng ta nghe trong bài tin mừng hôm nay, Ngài dạy chúng ta phải chuẩn bị đợi chờ ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đợi chờ cách khôn ngoan như năm cô khôn ngoan, tức là đem đèn và đem luôn cả dầu, nghĩa là các cô đã chờ đợi trong sự khôn ngoan của mình.
Khôn ngoan của người đời là biết lo liệu, biết dự tính và biết “thấy” trước tình huống sẽ xảy ra để có kế hoạch đối phó, nhưng sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu là để chờ đợi ngày đến bất thình lình của Thiên Chúa, trong khi vẫn cứ chu toàn bổn phận hằng ngày của mình cách trọn vẹn.
Khôn ngoan của người Ki-tô hữu là thực hành đức tin ngay trong cuộc sống của mình, vì đức tin chính là ngọn đèn được đốt lên trong cuộc đời của người Ki-tô hữu, ngọn đèn đức tin này cần phải đổ đầy dầu tức là bằng dầu đức ái, bằng việc lành phúc đức, bằng không thì nó sẽ tàn lụi và cuối cùng thì tắt ngúm và trở nên lạnh lẽo.
Khôn ngoan của người Ki-tô hữu là sự tỉnh thức và cầu nguyện khi người khác mãi ngủ trong đam mê tội lỗi, bởi vì họ không muốn Con Người đến khi họ đang sống trong tình trạng tội lỗi mà chưa được chuẩn bị đầy đủ.
Bạn thân mến,
Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở thành người khôn ngoan thông minh để lời nói mình được đám đông nể mặt, để người khác phải bái phục khi những kế hoạch mình đưa ra đều thành công vang dội.v.v…nhưng, sự khôn ngoan ấy chỉ là khôn ngoan tạm bợ của người đời mà thôi, bởi vì có rất nhiều người khôn ngoan như thế, thông minh như thế, nhưng không giành được Nước Trời.
Chúng ta được Đức Chúa Giê-su mời gọi hãy tỉnh thức luôn, mà người biết tỉnh thức cũng có nghĩa là người khôn ngoan biết đợi chờ ngày đến bất chợt như kẻ trộm của Chúa, đó mới chính là sự khôn ngoan mà chúng ta phải tìm kiếm trong cuộc sống ở trần gian này vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.