Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Chúa nhật I mùa vọng


MỖI TUẦN

MỘT SUY NIỆM

CHÚA NHẬT & LỄ TRỌNG

(Năm A)

 

Lời ngỏ :

Lương thực linh thiêng hằng ngày của người Kitô hữu là Thánh Thể và Lời Chúa, thiếu hai món ăn cao quý này thì linh hồn của chúng ta –người Kitô hữu- chắc chắn phải chết đời đời.

Tuy nhiên, dù cho có thức ăn cao lương mỹ vị, nhưng nếu ăn vội vả, ăn không nhai hoặc nhai không kỹ thì mất ngon, có khi lại có hại cho bản thân. Cũng vậy, Lời Chúa nếu chúng ta đọc mà không suy tư, suy tư mà không thực hành thì sẽ không ích lợi gì cho chúng ta.

Xin gởi đến các bạn “Mỗi tuần một suy niệm”, là những suy tư Lời Chúa của ngày chủ nhật, để hy vọng- trong cuộc sống hằng ngày- có những lúc vì công việc lu bù không có thời gian nhiều để đọc và suy gẫm Lời Chúa, nó giúp các bạn biết cách thực hành Lời Chúa hơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 
--------------------------------------------------------

 

 


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

(Năm A)


Tin mừng : Mt 24, 37-44

“Anh em hãy canh thức để được sẵn sàng”.

Anh chị em thân mến,
Lại thêm một năm phụng vụ mới bắt đầu, với lời cảnh cáo của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe:“Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến."[1]

Giờ phút không ngờ là sự chờ đợi của hy vọng.
Trong hai tuần này, giáo xứ chúng ta có hai giáo dân được Chúa gọi về: một người được gọi khi đang ngủ, và người kia Ngài gọi khi bệnh ung thư đến ngày cuối, cả hai người này, theo cái nhìn của một mục tử thì tôi thấy họ đã chuẩn bị rất kỹ cho mình trong những giây phút cuối: một người đón nhận ơn thánh của Thiên Chúa trên giường bệnh rất thảnh thơi, lạc quan và tin tưởng vào Thiên Chúa; và một người khác đã chuẩn bị cho mình vì không biết lúc nào thì “ra đi”, cho nên đã sắp xếp rất chu đáo cho gia đình và cho sự ra đi của mình, và Chúa đến gọi bà khi bà ta đang ngủ, một giấc ngủ bình an dài thiên thu...

Cả hai trường hợp trên đây nếu chúng ta thật tâm suy tư thì thật là đáng sợ, bởi vì mạng sống của con người không tùy thuộc vào con người, nhưng tùy thuộc vào Đấng đã làm cho bùn đất trở thành con cái của Ngài. Không có gì đáng lo sợ cho bằng “giờ phút không ngờ”, thật ra nó không phải là bất ngờ, nhưng đã được Đức Chúa Giê-su báo trước, và cái “giây phút không ngờ ấy” đã trở thành “giây phút chờ đợi trong hy vọng” của chúng ta.

Có người chờ đợi trong lo âu và sợ hãi, cho nên họ tìm đến những thú vui để che lấp những lỗ hổng trong khi chờ đợi, họ không nhẫn nại chờ đợi Đấng luôn trung tín đã hứa với họ rằng Ngài sẽ đến.

Có người chờ đợi trong hân hoan và hy vọng, họ chờ đợi với tất cả tin tưởng và yêu mến, cho nên dù sống trong cảnh xô bồ của thế gian, thì tâm hồn của họ vẫn hướng đến Đấng mà họ đang chờ đợi, đó là Đức Chúa Giê-su –Đấng cứu độ nhân loại.

Vì chờ đợi trong hy vọng nên họ -người Ki-tô hữu-biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với tha nhân,
vì chờ đợi trong hy vọng nên họ biết phục vụ anh chị em với tất cả nhiệt tình,
vì chờ đợi trong hy vọng nên họ biết tha thứ những lỗi lầm cho nhau...
Vì chờ đợi trong hy vọng nến giờ phút bất ngờ sẽ không bất ngờ nữa đối với họ nữa, nhưng là giây phút linh thiêng nhất, thánh thiện nhất của người Ki-tô hữu tại trần gian này.

Anh chị em thân mến,
Theo Kinh Thánh, ông No-ê đóng tàu một trăm năm mới hoàn thành, một trăm năm là giây phút chờ đợi và cũng là một cơ hội để mọi người có dư đủ thời gian xét mình, ăn năn tội, và sửa đỗi tính tình của mình, nhưng họ không muốn nghe và cũng chẳng muốn thấy, nên đại họa hồng thủy thình lình ập đến...

Chủ nhật thứ nhất Mùa Vọng đã bắt đầu, cũng là thời điểm mỗi người Ki-tô hữu đi sâu vào đời sống nội tâm, nghe và thực hành lời của Chúa cách đặc biệt hơn, để chúng ta có đủ thời gian chuẩn bị, có thời gian vui mừng trong hy vọng của đợi chờ ngày Chúa đến...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.


[1] Mt 24, 44.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Nộp thuế nhà thờ

NỘP THUẾ NHÀ THỜ
 
 

      Nhà thờ còn tốt đẹp khang trang, ở nhà quê nằm mơ cũng không được một ngôi nhà thờ như thế, nhưng cha sở nói vì nhu cầu mục vụ nên cần phải xây lại nhà thờ và các phòng ốc khác cho “hoành tráng” hơn.

     Thế là những gia đình có con em đi lao động nước ngoài lại “cày” thêm, để có tiền gởi về cho gia đình nộp cho cha sở xây nhà thờ…
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Giàu có

GIÀU CÓ
 
 

      Một linh mục ngoại quốc nói với một linh mục người Việt:

-“Các gia đình người Việt các anh, hình như nhà nào có người làm linh mục là trở nên giàu có nhất, dù là ở Mỹ hay ở Việt Nam, tôi không hiểu tại sao !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Trong bụng đựng người

TRONG BỤNG ĐỰNG NGƯỜI
 
 

Vương thừa tướng gối đầu trên đầu gối của Châu Bá Nhân, chỉ vào bụng của Châu mà nói:

-“Trong cái này của ông có những gì nào ?”

Châu Bá Nhân cười vui vẻ trả lời:

-“Ở trong này không có gì cả, nhưng dung lượng bụng thì lớn, có thể đựng ngài và khoảng 100 người”.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Người ta thường nói mưu kế đầy một bụng, chứ ít ai nói mưu kế đầy một...óc não, cho nên “bụng” của các mưu sĩ thì nhỏ nhưng dung lượng thì lớn đến nỗi trí óc của một ông vua và trí óc của một trăm người cộng lại cũng không bằng.

     Cũng có những người tín hữu khoe khoang với cha sở của mình rằng: “Con là con nhà đạo gốc, con học giáo lý từ nhỏ, kinh sách gì cũng thuộc làu như ăn cháo, cho nên con có cả một bụng giáo lý !”

Có cả “một bụng” giáo lý, nhưng không thấy tham gia các đoàn thể trong họ đạo, thấy ai được mời tham gia công việc nhà thờ thì tức tối nói xấu người ta; có cả “một bụng” giáo lí, nhưng chia bè kết phái để chửi và kiện cha sở của mình nơi phường xã, vì chút quyền lợi cá nhân không chính đáng; có “một bụng” giáo lý nhưng mỗi năm chỉ có hai lần đi lễ là lễ giáng sinh và lễ phục sinh...

     Có cả “một bụng” giáo lý thì nên cộng tác với cha sở, với người có trách nhiệm để xây dựng họ đạo ngày càng tốt đẹp hơn, như thế mới đúng là “con nhà đạo gốc, thuộc làu kinh sách như ăn cháo” vậy !
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Giết người đẹp

GIẾT NGƯỜI ĐẸP
 
 

Cuộc sống của Thạch Sùng rất là xa xỉ, mỗi lần cùng khách dự tiệc thì nhất định phải để cho người đẹp chuốc rượu, nếu người đẹp không thể làm cho khách uống được thì người đẹp bị tội chết.

Có một lần, Thạch Sùng làm tiệc mời thừa tướng Vương Đạo và một vị đại tướng quân. Thường ngày Vương thừa tướng rất ít uống rượu, nhưng ông ta biết Thạch Sùng có thói quen ác độc ấy, bèn miễn cưỡng đến, ăn uống đến say mèm, mà vị đại tướng quân kia lại cố ý không uống, kết quả là Thạch Sùng giết hết ba người đẹp.

Vương thừa tướng khuyên vị đại tướng quân uống, đại tướng quân nói:

-“Hắn ta giết người của gia dình hắn, mắc mớ gì đén tôi chứ ?”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Trong cuộc sống tiếp xúc hàng ngày, thỉnh thoảng chúng ta có nghe câu nói: “Kệ nó, mắc mớ gì đến tôi chứ”. Nếu tôi cũng nói như thế khi người anh em tôi sai lỗi, thì tôi có phải là con một Cha trên trời với người anh em đó không ? Nếu ai cũng nói với tôi như thế khi tôi sai lỗi, thì tâm hồn tôi có bằng an không, hay là tôi sẽ giận dữ thêm và càng sai lỗi hơn nữa ?

     Bác ái của người Ki-tô hữu không phải chỉ là cứu giúp người khi họ đói khát, cũng không phải chỉ là thăm viếng kẻ tù tội hay là bệnh nhân, càng không phải chỉ là đi khuyên bảo người có tội trở lại.v.v... nhưng việc trước tiên của bác ái chính là “đồng cảm với những yếu đuối của anh em”, cũng như Đức Chúa Giê-su đã đồng cảm với những yếu đuối và khuyết điểm của chúng ta khi mang thân phận con người, để cứu chuộc chúng ta.

     Trong cuộc sống nếu tôi cứ dửng dưng trước những sai trái của anh chị em tôi, nếu tôi cứ lạnh lùng nói với họ: “kệ nó, mắc mớ gì đến tôi chứ”...thì Thiên Chúa cũng sẽ nói với tôi như thế: “Kệ mày, mắc mớ gì đến Ta chứ”...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Hí hửng mà trở về

HÍ HỬNG MÀ TRỞ VỀ
 
 

Vương Tử Du ở tại Sơn Âm.

Một đêm nọ mưa tuyết lớn, nửa đêm tỉnh dậy, mở cửa nhìn ra bên ngoài, tâm tình lập tức kích động lên, uống rượu ngâm thơ, ngâm câu Tả Tư “Triệu Ẩn”, đột nhiên nghĩ đến Đới An Đạo cầm kỳ thi họa đều tinh thông nhưng ẩn cư không chịu ra làm quan, hồi ấy Đới ở tại đất Diệm, Vương Tử Du ngồi thuyền nhỏ đi nhanh suốt đêm đến gặp ông ta.

Qua một đêm mới đến đất Diệm, khi đã đến trước cổng nhà họ Đới không xa, thì Vương Tử Du lại trở về.

Người cùng đi với ông ta hỏi tại sao không vào, ông ta trả lời:

-“Khi đi thì tôi hí hửng mà đi, nay trở về thì hí hửng mà trở về, cần gì phải gặp ông ta chứ ?”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Có người vui vẻ khi đi, và vui vẻ khi trở về.

     Có người vui vẻ khi đi, nhưng khi trở về thì buồn sầu.

     Trên đường lữ thứ trần gian, người Ki-tô hữu là những người vui vẻ nhất, bởi vì họ mang trên mình một sứ mệnh, sứ mệnh “loan báo tin vui phục sinh” cho mọi người, bởi vì trên đường đi, họ không cô độc vì có Chúa Phục Sinh cùng đồng hành với họ. Không ai loan báo tin vui mà mặt mày bí xị, cũng không ai loan báo tin vui mà mặt mày cau có khó coi, nhưng trên khuôn mặt họ sáng ngời nét hân hoan, tâm hồn họ bùng cháy sự nhiệt tâm phục vụ vì yêu thương.

     Vui vẻ ra đi, dù trên đường đi gặp nhiều chướng ngại vật cản đường, dù trên đường đi có nhiều chống đối vì bất đồng ý kiến hay bất đồng ý thức hệ, người Ki-tô hữu vẫn cứ mạnh dạn đi tới với anh chị em mình để loan báo tin vui, để làm chứng cho niềm tin và để phục vụ trong yêu thương.

     “Lạy Đức Chúa Giê-su, sứ mệnh của con được thể hiện rõ ràng nhất trong ngày con thụ phong linh mục, con vui vẻ đón nhận thánh chức mà Chúa và Giáo Hội trao cho, và hân hoan ra đi, thì xin Chúa cũng ban cho con được vui vẻ chu toàn bổn phận, để khi trở về nhà Cha trên trời con cũng vui vẻ hân hoan mà trở về, như ngày con hân hoan vui vẻ ra nhận chức thánh ra đi phục vụ các linh hồn...”
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Sự thản nhiên của Dật Thiều

SỰ THẢN NHIÊN CỦA DẬT THIỂU
 
 

Lúc Hy Giám ở thủ đô có sai một môn sinh đến chỗ ở của Vương thừa tướng để tìm chàng rể.

Thừa tướng nói với sứ giả của Hy Giám:

-“Ông có thể đi đến nhà ngang phía đông tùy ý chọn lựa.”

Sau khi xem qua, môn sinh trở về bẩm với Hy Giám:

-“Các nhi lang của Vương gia đều giỏi, chỉ có điều là sau khi nghe nói có người đến tìm chàng rể, thì đều cố ý làm ra vẻ trang trọng. Nhưng lại có một nhi lang không như thế, chàng ta hình như không nghe biết việc chọn tìm chàng rể, vẫn thản nhiên nằm bên trong”.

Hi công cảm khái phấn khởi, vỗ bàn nói:

-“Chọn người thản nhiên”.

Về sau, người ấy chính là Vương Nghĩa Chi.
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Trong Tin Mừng của mình, thánh sử Mát-thêu đã dành hẳn một trang “cho” Đức Chúa Giê-su để Ngài quở trách những kinh sư và người Pha-ri-siêu. Ngài quở trách họ, vì họ sống không đúng thực với lời họ giảng dạy cho dân chúng; Ngài trách mắng họ, vì họ chỉ nói mà không làm; Ngài quở trách họ, vì họ thích đi nghênh ngang giữa đám đông dân chúng ra vẻ...ta đây.

     “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-siêu giả hình ! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” Cái mả tô vôi thì ai cũng biết không có gì lạ, nhưng một con người trở thành cái mả tô vôi thì thật khủng khiếp, bởi vì họ dùng một thứ đạo đức giả làm bình phong che giấu tội ác, lấy sự nhã nhặn, niềm nở bên ngoài để che giấu thù hận bên trong; lấy sự khiêm tốn giả tạo để che lấp tính kiêu căng, lấy yêu thương dối trá để tô vẽ bộ mặt bên ngoài cho “hợp nhãn” với mọi người, nhưng bên trong thì đủ mọi thứ xấu xa đê tiện...

     Người ta sẽ gọi tôi là cái mả tô vôi, nếu tôi sống không trung thực với mình, nếu tôi giữ đạo bên ngoài cho có lệ, nếu tôi...
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư

Ai gần ai xa

AI GẦN AI XA
 
 

Có một lần tiểu thái tử Tư Mã Chiêu chơi đùa trước mặt phụ thân là Tấn Nguyên đế, vừa đúng lúc ở Trường An sai người đến, phụ thân hỏi nó:

-“Mặt trời và Trường An nơi nào ở gần chúng ta ?”

Tư Mã Chiêu nói:

-“Trường An gần, từ trước đến nay chưa nghe ai nói có người từ mặt trời mà đến, Trường An không phải có người đến sao ?”

Ngày hôm sau, Tấn Nguyên đế tổ chức yến tiệc, trước mặt mọi người, lại hỏi nó câu hỏi như đã hỏi trước. Tư Mã Chiêu nói:

-“Mặt trời gần“. Phụ thân nó mặt mày biến sắc.

Tiểu thái tử lấy tay chỉ chỉ mặt trời nói:

-“Ngẩng đầu lên thì thấy ngay mặt trời, nhưng nhìn không thấy Trường An, như thế thật rõ ràng, mặt trời ở gần chúng ta”.

Nguyên đế không thể nín cười được !
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư:

     Lý sự của trẻ con thì chỉ có trẻ con cho là đúng: ngẩng đầu lên liền thấy ngay mặt trời, tức là mặt trời ở gần mình, nhìn không thấy Trường An, tức là Trường An ở cách xa mình. Đúng là lí sự của con nít và rất...phản khoa học tự nhiên.

     Trong đời sống tâm linh cũng có những người công giáo lý sự như trẻ con: “Chúa và Mẹ ở đâu không thấy, chỉ thấy đói trước mắt, lo ăn chưa xong hơi đâu mà đi lễ với đi nhà thờ !” Đúng là lí sự của những người không nhiệt tâm yêu mến Chúa và rất...phản giáo lý Công Giáo.

     Lâu nay chưa từng thấy ai đi lễ nhà thờ mà chết đói bao giờ, cũng chưa thấy ai thấy được Chúa Mẹ rồi tự nhiên giàu có lên. Không thấy Chúa Mẹ là vì đức tin của chúng ta còn yếu, lòng thành kính của chúng ta không đủ để nhìn thấy Chúa Mẹ trong cuộc sống đời thường của chúng ta. Mở mắt ra là nghĩ đến chuyện ăn uống đói no, nhắm mắt lại cũng thấy đói no ăn uống, thì làm sao mà thấy Chúa Mẹ được !

     Giáo Hội dạy cho chúng ta biết Chúa ở khắp mọi nơi trong vũ trụ, nơi con người, và đặc biệt là ở trong tâm hồn của chúng ta, vậy thì làm sao lại nói là không thấy Thiên Chúa chứ ? Thánh Au-gút-ti-nô nói:“Bạn hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, hãy hỏi vẻ đẹp của biển cả, hãy hỏi vẻ đẹp của không khí đang giãn nở và trải rộng, hãy hỏi vẻ đẹp của bầu trời ... và hãy hỏi tất cả những thực tại này. Tất cả sẽ trả lời bạn rằng : ‘Bạn hãy nhìn, chúng tôi đẹp’. Vẻ đẹp của chúng tôi là một lời tuyên xưng...” Vũ trụ tuyên xưng điều gì, thưa tuyên xưng có một Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và yêu thương mọi loài.

     Đức tin của tôi sẽ có vấn đề, nếu lúc nào tôi cũng cứ nghĩ đến làm sao có thức ăn, làm sao có đồ mặc, mà quên mất Đấng ban phát thức ăn và mọi thứ cần dùng cho tôi đang ở trong tôi.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư