Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Chúa nhật 3 thường niên

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN



Tin mừng : Mt 4, 12-23.
“Đức Chúa Giê-su đến ở Ca-pha-na-um, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a”.

Anh chị em thân mến,
Nội dung toàn bộ sách Tin Mừng đều nói lên tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi, và Đức Chúa Giê-su –Thiên Chúa làm người- đã cho chúng ta thấy được tình yêu ấy  nơi chính con người của Ngài, khi Ngài rao giảng tin mừng về Nước Trời và mời gọi nhân loại hối cải để được sống. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em một điểm duy nhất sau đây, đó là: hối cải.

Hối cải để thấy mình rõ hơn.
Ai đã từng sống trong tội mà được ơn hối cải, thì mới thấy sự hối cải là một hồng ân rất lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho họ, và suốt đời họ sẽ không bao giờ quên được hồng ân ấy do lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hối cải là nhận ra mình thật yếu đuối và đầy tội lỗi, để thông cảm và chấp nhận những thiếu sót và những khuyết điểm của anh chị em; là nhìn thấy những bất toàn của tha nhân hôm nay, cũng chính là những bất toàn của mình ngày hôm qua và ngày mai.

Hối cải là một hành vi từ bóng tối qua ánh sáng, từ lỗi lầm qua hoàn lương, từ sự ác qua sự thiện của một tâm hồn biết nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, khiến cho họ cũng nhìn thấy sự sáng nơi mỗi anh chị em khi họ lỗi lầm, bởi vì thế lực của tội lỗi không thể mạnh hơn hồng ân của Thiên Chúa, ngoại trừ khi họ cương quyết chối từ hồng ân của Ngài.

Hối cải để được tha thứ.
Không một ai được tha thứ lỗi lầm nếu họ không biết hối cải, bởi vì hối cải là sự trở về nhà Cha của đứa con hoang đàng; bởi vì hối cải không chỉ là một sự trở về mà thôi, nhưng còn là một sự thay đổi toàn diện cuộc sống của mình.

Thiên Chúa là Đấng hay thương xót những người tội lỗi, và vì lòng thương xót ấy mà Đức Chúa Giê-su –Con Một của Ngài- đã giáng trần mặc lấy thân phận con người để cứu chuộc nhân loại, do đó khi có một người hối cải thì cả thiên đàng vui mừng, vui mừng là bởi vì máu của Đức Chúa Giê-su đã không đổ ra cách vô ích, vui mừng là vì sự hối cải này làm cho nhân loại nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ.

Anh chị em thân mến,
Như đứa con ngỗ nghịch trở về nhà sau những năm tháng đi bụi, cha mẹ rất vui mừng và tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của nó.

“Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”, là lời của Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy hối cải.

Nước Trời chính là Ngài –Đức Chúa Giê-su- Ngài đã đến để kêu gọi tất cả mọi người hối cải để được thứ tha và được sống. Ngài đã đến, Ngài đã giảng dạy, và Ngài đã chữa lành, chúng ta hãy mau mau đón nhận lời của Ngài và đem thực hành trong cuộc sống, bằng không thì chính lời của Ngài sẽ phán xét chúng ta trong ngày tận thế.

Gợi ý suy tư :
-      Bạn đã có lần nào cảm nghiệm sự hối cải là một hồng ân của Thiên Chúa dành cho bạn ?

-      Sau khi phạm tội thì tâm hồn thường bất an, bạn nghĩ thế nào nếu bạn chết khi chưa được làm hòa với Thiên Chúa  ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Con cáo chia bánh

CON CÁO CHIA BÁNH


Hai anh em gấu con đang tranh nhau một cái bánh, gấu em nói: “Mau đưa cho em, cái bánh là do em nhìn thấy trước.” Gấu anh nói: “Không đưa, anh thấy nó trước tiên.”
-      “Đưa đây.”
-      “Không đưa.”
Hai anh em giữ chặt cái bánh không thả ra.
Lúc ấy, thím cáo lắc la lắc lư đi ngang qua đó, cười híp mắt nói: “Tụi bây đang nhặt cái gì đó ?” hai anh em tranh nhau nói người này lấy bánh của người kia.
Thím cáo vừa nhìn thấy rán mỡ màu vàng óng ánh của cái bánh thì thèm chảy nước miếng, miệng bà ta nói ngọt xớt: “Cái này dễ làm mà, để thím giúp các cháu chia hai phần lớn nhỏ bằng nhau nhé !”
Gấu anh lấy cái bánh đưa cho thím cáo, nhưng bà ta lại cố ý chia bánh làm hai phần lớn nhỏ không đều nhau, sau đó kinh ngạc la lên: “A, lớn nhỏ không cân bằng, thím cắn một miếng nha!” Sau khi cắn xong một miếng thì còn lại nhỏ hơn miếng kia, thế là bà ta lại nói: “Vẫn còn lớn nhỏ không giống nhau, không thể chia được.” Sau đó thím cao cắn miếng bánh bên trái, rồi lại cắn miếng bánh bên phải, hai miếng bánh trong tay bây giờ nhỏ còn chút xíu.
Lúc ấy, bà ta mới nhìn nhìn hai anh em gấu con, nói: “Này các con, cầm lấy ăn đi nhé ! Coi như là lớn giống nhau rồi.”
Hai anh em nhìn mẫu bánh nhỏ bị con cáo ăn còn lại thì rất hối hận, đáng lẽ miếng ăn ngon này là thuộc về chúng nó, thì lại bị con cáo ăn mất tiêu rồi.

Gợi ý:
      Các em thân mến,
     Hai anh em gấu nhỏ không đoàn kết, khi ăn thứ gì thì cũng so đo từng li từng tí, kết quả là để cho con cáo gian manh giảo hoạt chiếm cách dễ ợt, đó chính là một bài học để cho chúng ta nhớ đời. Cho nên giữa anh em chị em và bạn bè với nhau, thì nên học cách cùng khiêm nhượng, đoàn kết, không nên để người xấu có cơ hội lợi dụng.
     Ma quỷ là tên xấu xa quỷ quyệt, luôn lợi dụng lòng tham lam của chúng ta để gây xáo trộn mất đoàn kết trong lớp học, trong gia đình và giữa bạn bè với nhau.
Đôi lúc chỉ cần một sự yêu thương thiên vị của bố mẹ mà con cái mất đoàn kết; đôi lúc chỉ một sự quan tâm công khai của thầy cô với một học sinh nào đó thì cũng làm cho các em mất đoàn kết; đôi khi chỉ một cách xử sự không khéo tế nhị của bề trên, thì cũng làm cho ma quỷ lợi dụng dấy lên sự mất đoàn kết trong cộng đoàn và trong Giáo Hội.
Đoàn kết chính là nền tảng của sức mạnh kiên vững để xây dựng cộng đoàn và tình cảm bạn bè ngày càng chắc chắn hơn...

Các em thực hành:
-      Chơi đùa thân thiện với bạn bè.
-      Biết nhường nhịn bạn bè để giữ gìn sự đoàn kết.

-      Luôn cầu nguyện cho mình có nhân đức nhường nhịn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Than thầm

THAN THẦM


     Giáo dân rất nhiệt thành với nhà Chúa, nhưng cha sở thì quá độc tài nhỏ nhen, vì sợ giáo dân hiểu biết giáo lý, phụng vụ của Giáo Hội như mình, nên ngài giấu nhẹm tất cả những gì liên quan đến giáo dân mà tòa giám mục muốn thông báo cho giáo dân biết.

     Giáo dân nói với nhau: lúc nào thì giám mục đổi ổng đi xứ khác nhỉ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Xưng tội (1)

XƯNG TỘI[1]


     Giáo dân phàn nàn về cha xứ của mình:
-         “Khi giáo dân đi xưng tội, cha xứ hỏi ở đâu, hối nhân nói ở xứ H.Đ, thì cha xứ không giải tội nữa và bắt về quê H.Đ mà xưng tội...”
Đúng là cha xứ “hành” giáo dân hơn cả hộ tịch phường xã...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 


[1] Giáo luật điều 991 dạy rằng: “Mọi Ki-tô hữu có trọn quyền xưng tội với cha giải tội nào đã được chuẩn nhận cách hợp thức mà mình thích, mặc dầu vị ấy thuộc một lễ điển khác”.

Thân ngắn áo dài

      THÂN NGẮN ÁO DÀI

Lý Thứ dù vóc dáng nhỏ con nhưng rất thích mặc áo dài, Lô Tuần Tổ thì thân mập eo thô, dây lưng quần liên tục tuột lên tuột xuống.
Lý Thứ cười Lô Tuần Tổ:
-      “Anh Lô có cái eo thô khó mà buộc dây”.
Lô ứng tiếng nói:
-      “Thân ngắn áo hóa dài”.
Lý Thứ lại nói:
-      “Anh Lô thông minh tất không thọ”.
Lô Tuần Tổ nói:
-         “Tuần Tổ hai mái tóc bạc phơ, đã đủ để an ủi mình rồi !”
                                (Hài Cự lục)
Suy tư:
     Người xưa áo quần mặc dài luộm thuộm hay ngắn củn cởn là bị chê ngay, thời nay thanh niên nam nữ thích mô-đen áo dài người ngắn, người dài áo ngắn lửng ngang ngực, quần ngắn ngang bắp chân, như thế đủ biết, người thời xưa có óc quan sát và mỹ thuật hơn thời nay nhiều !

     Có người, cái thân chữ nghĩa ngắn nhưng ưa mang một tấm áo choàng khoe khoang thật dài trước ngực, để hù thiên hạ là ta đây được học hành huấn luyện có trường có lớp; có người tự ái vì tài năng mình cũng có mà không ai dùng đến, nên trở thành kẻ hèn hạ đi tố cáo anh em với thượng cấp để được chú ý đề bạt, họ đem cái áo dài thiếu khôn ngoan và thiếu bác ái khoác lên con người kiêu ngạo của họ, làm cho tâm hồn của họ đã tối lại càng tối thêm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Sống nhờ cây mái

SỐNG NHỜ CÂY MÁI


Thời Đường Hiến Tông, Bùi Độ làm tể tướng, có người tặng cho ông ta một khối u sống trên cây hòe, ông ta rất thích thú, sau khi gọt đẽo thêm bớt thì muốn làm cái gối.
Quan lang trung Canh Uy Thế gọi đó là bác vật, Bùi Độ liền mời ông ta đến xem xét và phân biệt.
Canh Uy Thế ôm khối u trêu đùa một hồi lâu mới nói với Bùi tể tướng:
-         “Khối u này sống là nhờ cây mái, e rằng không tiện sử dụng”.
Bùi hỏi: “Quan lang trung bao nhiêu giáp ?”
Canh cảm thấy câu hỏi kỳ cục bèn trả lời:
-         “Không phải tôi với ngài cùng năm giáp thìn sao !”
Bùi tể tướng cười nói:
-      “Vậy thì, quan trung lang là giáp thìn mái ?!”
 (Hài Cự lục)
Suy tư:
     Cây tầm gởi là cây sống nhờ vào thân cây khác, thời đại ngày nay người ta có thể dùng khoa sinh vật học tạo ra rất nhiều loại cây tầm gởi đẹp và có giá trị về kinh tế. Cây cối thì như thế, nhưng cuộc sống tầm gởi của con người tại thế gian thì không như thế, nó có giá trị rất nhiều về đời sống tâm linh.
     Cuộc sống tại thế của con người thì cũng giống như cây tầm gởi, thế gian chỉ là nơi tạm thời mà người Ki-tô hữu, qua giáo huấn của Giáo Hội dựa vào lời của Đức Chúa Giê-su cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian” đã xác tín như thế, họ sống ở đời này nhưng không thuộc về đời này, vì họ được ghi danh là con cái của Cha trên trời, trong bí tích Rửa tội họ thuộc về Đức Chúa Ki-tô Đấng cũng đã mang thân phận tầm gởi trong thế gian tạm này với ba mươi ba năm ngắn ngủi, để trở nên một con người như chúng ta, gần gũi chúng ta, và như cây tầm gởi tốt đẹp đến thời kì nở hoa và được đem về đặt nơi chỗ đẹp nhất, cao nhất để cho mọi người chiêm ngưỡng, Ngài cũng đã vượt qua sự chết, vượt qua cõi đời tạm để trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, cho chúng ta.
     Mỗi một cây tầm gởi đều có một sắc thái dáng vẻ riêng, một mùi hương riêng biệt.
Cũng vậy, mỗi một Ki-tô hữu cũng có những nét đẹp riêng biệt tùy theo Thiên Chúa ban cho để làm đẹp vũ trụ này, cho nên tuy là thân tầm gởi, nhưng chúng ta được bảo chứng của Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh: “Thầy đi Thầy sẽ dọn chỗ cho anh em...”

Chúa chỉ dọn chỗ cho chúng ta mà thôi, còn đến ở hay không, hoặc nói cách văn hoa hơn, chúng ta có bằng lòng dứt khoát từ bỏ thân phận tầm gởi hay không, để dọn đến chỗ đời đời mà Đức Chúa Giê-su đã chuẩn bị cho chúng ta ? Đó chính là điều đáng nói và đáng để cho chúng ta suy nghĩ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thân nho chịu cùm

THÂN NHO CHỊU CÙM


Triều đại nhà Tùy ở quận Hợp Gian, Lưu trác và cháu là Lưu Huyễn, đều có Nho học.
Có một lần, chú cháu cùng phạm pháp và bị giam cầm, quan huyện sứ không biết hai người là nho sinh yếu ớt, nên bắt hai người mang cái cùm rất là nặng.
Lưu Trác nói:
-         “Cả ngày ngồi trong cùm, tức là không thấy nhà”.
Lưu Huyễn cũng nói:
-         “Cả ngày mang cùm mà ngồi, tức là không nhìn thấy đàn bà”.
                                           (Hài Cự lục)

Suy tư:
     Người ta thường nói thư sinh thì “trói gà không chặt”, bởi vì họ cho rằng người thư sinh thì cả ngày chỉ biết đọc sách, ngâm thơ, da dẻ trắng bạch, thân thể ốm nhom, nên dứt khoát họ là những người yếu đuối, trói gà không chặt.
     Thời nay cũng có người cho rằng: làm linh mục, tu sĩ thì không nên học võ thuật, bởi vì họ sợ các ngài trở thành...du côn, không giống với bản chất linh mục, tu sĩ là nho nhã, văn vẻ, thư sinh, trí thức...
     Tôi còn nhớ lúc ở đại chủng viện Đài Bắc (Taipei) Đài Loan, linh mục giám đốc đại chủng viện thình lình hỏi tôi: “Nghe nói thầy giỏi võ ?”  Tôi trả lời là học võ để giữ gìn sức khỏe, ngài nói: “Mình là linh mục tu sĩ không nên học võ, bởi vì học võ thì cần phải có sức mạnh, thể lực, ăn uống bồi dưỡng theo chế độ mới đủ sức tập võ, hơn nữa nó không phù hợp với người tu trì”.
Ngài không biết rằng, tôi nhờ luyện tập võ thuật mà có thể làm việc tù tì trọn ngày mà không thèm ăn (chỉ uống nước), ngài cũng không biết rằng nhờ luyện tập võ thuật mà tôi một ngày ngủ chỉ khoảng bốn tiếng đồng hồ, ngài không biết rằng tôi luyện tập võ thuật mà không cần kén chọn thức ăn theo chế độ của người học võ, ngài cũng không biết rằng nhờ luyện tập võ nghệ mà tôi rất biết tự kềm chế bản thân mình và nhờ học võ thuật mà thân thể tôi được khỏe mạnh làm việc không biết mệt, mà nếu có mệt quá sức thì chỉ cần để tôi nghỉ ngơi khoảng hai ba phút thì lập tức khôi phục lại tình trạng khỏe ban đầu.v.v...
Ban đầu Thiên Chúa tạo dựng con người rất tốt đẹp, khỏe mạnh, do đó mà Ngài cũng sẽ rất buồn khi thấy con người một phần vì do hậu quả của tội lỗi mà xấu đi, hai là vì...làm biếng tập thể dục mà trở nên bệnh hoạn, trói gà không chặt...
Ngài cũng rất buồn khi thấy một linh mục trẻ trung mà đã hưởng thụ quá nhiều đến nổi sinh ra bệnh làm biếng, làm biếng có hai loại:
Một là làm biếng về phần thiêng liêng như: làm biếng đọc sách thiêng liêng, làm biếng đọc sách báo để cho trí óc linh động, để kịp đà tiến của xã hội, làm biếng đọc kinh thánh để tăng thêm sức mạnh tinh thần, bởi vì –theo tôi- kinh thánh là quyển sách “nội công tâm pháp” của các linh mục và các tu sĩ nam nữ, học võ mà không có căn bản nội công, thì giống như cây cao to mà rễ thì ngắn củn, rất dễ bị ngã khi có gió lớn.
Hai là làm biếng về phần xác như: không chịu tập thể dục rèn luyện thân thể, không chịu vận động tay chân cho giãn gân cốt, tập thể dục thì sợ mắc cở, tập võ thì sợ không đủ calori để tập (!) cho nên thân thể thường hay sinh ra đủ thứ bệnh tật, không những hại mình mà còn thiệt thòi cho giáo dân vì không có ai ban các bí tích, dâng thánh lễ cho họ, bởi vì cha sở nay bệnh mai bệnh vì thân thể “trói gà không chặt”, có một thực tại là giáo dân sẽ không mấy vui khi cha sở của mình nay cảm mai sốt mốt đi bệnh viện...

Sức khỏe rất cần thiết cho mọi người, tôi là một linh mục, tôi là một tu sĩ nam nữ, tối rất hiểu điều đó, vậy thì tại sao tôi lại muốn trở thành người “trói gà không chặt” chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Giao có nửa mặt

GIAO CÓ NỬA MẶT


Có người nọ mượn thước, viết, đồ đựng nước, vì không cẩn thận nên làm bể đồ đựng nứơc, lúc trả lại đồ vật thì bẩm với chủ nhân, nói: “Hàn Trực Mộc (mực tàu) như thường, Cô Trúc Quân (bút lông bằng tre) bình an, nhưng vừa thấy mặt, đột nhiên đốt (tre) gảy rồi”.
Chủ nhân cười ha ha không truy cứu.
(Hài Cự lục)

Suy tư:
     Người nói năng nhã nhặn, ôn hòa thì ai cũng thích; người luôn tươi cười vui vẻ thì ai cũng mến, bởi vì cuộc sống có nhiều lo toan và buồn thì nhiều hơn vui, ai cũng vùi đầu chạy theo công việc làm ăn, cho nên sự nhã nhặn và vui tươi rất cần thiết cho họ.
     Rất ít người tức giận với người nhã nhặn, và cũng rất ít người lên tiếng thóa mạ người vui vẻ, dù cho người ấy có lỡ sai lầm, thì người ta cũng dễ dàng thông cảm bỏ qua.
     Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môi-sen và lời các ngôn sứ là thế đó.” , đây là khuôn vàng thước ngọc mà chúng ta cần phải thuộc nằm lòng để sống với mọi người. Chúng ta luôn luôn muốn mọi người cười tươi vui vẻ với mình, thì như lời dạy của Đức Chúa Giê-su, chúng ta cần phải cười tươi vui vẻ với họ; chúng ta rất muốn mọi người ai ai cũng đối xữ tốt với mình, thì theo như lời dạy của Đức Chúa Giê-su, chúng ta cần phải đối xử tốt lại với họ; chúng ta không muốn ai chửi bới nói xấu mình cả, thì mình cũng đừng nên nói xấu chửi bới họ, và vì chúng ta là người Kitô hữu, nên sự đối xữ lại với họ cần phải tốt hơn họ đối xữ với chúng ta.

     Sự nhã nhặn và ôn hòa của một linh mục, của tu sĩ nam nữ thì rất có ảnh hưởng lớn cho công việc truyền giáo, bởi vì nó phản ảnh lại khuôn mặt hiền hậu của Đức Chúa Giê-su, và sự khiêm tốn của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a trên con người của họ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Ăn uống thả cửa

ĂN UỐNG THẢ CỬA


Từ Hối tham uống rượu và coi rượu như mạng sống, Trầm Bác Sư thì thích ăn thật no.
Có một người nọ trong nhà đều có cả hai thứ của hai người ấy gộp lại, nói:
-         “Tôi có phổi của nhà họ Từ và lá lách của nhà họ Trầm, ôi, thật vui vẻ !
                                                  (Hài Cự lục)
Suy tư:
     Thích ăn thích uống là một trong những cái “khoái” của con người, và từ cái “khoái” này mà phát sinh ra nhiều cái “khoái” khác không phù hợp với đời sống của Tin Mừng.
Tiết chế ăn uống là điều cần thiết cho đời sống tu trì, bởi vì khi thân thể được ăn uống thỏa thuê, thì cái không hay mà chúng ta thấy trước nhất đó là sự lười biếng. Thường sau một bữa ăn nhậu thì con người ta không muốn làm gì khác ngoài việc thích nghỉ ngơi, nghỉ ngơi sinh ra lười biếng làm việc, lười biếng làm việc sinh ra nghĩ ngợi những chuyện lung tung không mục đích, và có khi có những ý nghĩ tội lỗi, khi đã có những ý nghĩ xấu xa ấy nếu có dịp thì rất dễ dàng hành động đưa đến phạm tội...
     Đời sống tu trì là một chuỗi ngày dài tự nguyện và phấn đấu, tự nguyện dấn thân để phục vụ, để theo đuổi một sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho họ, mà họ đã nghe và nắm bắt được ngay trong sâu thẳm của tâm hồn. Cái tự nguyện này đòi hỏi họ phải phấn đấu với những thói quen đã trở thành nếp trong cuộc sống: phấn đấu với tính ươn lười, phấn đấu với những tình cảm chính đáng và không chính đáng, phấn đấu với chính cái tôi đầy ước muốn không phù hợp với đòi hỏi của sự tự nguyện, đó là sự tiết chế, sự hưởng thụ đời sống vật chất cách chính đáng của một con người.
     Mối thứ năm trong bảy mối tội đầu là “mê ăn uống”, có người giải thích “mê ăn uống” là ăn no rồi mà vẫn còn cố ăn thêm; người khác giải thích là hễ thấy ăn là sáng mắt; lại có người giải thích là bạ đâu ăn đó; cũng có người giải thích “mê ăn uống” là ăn như ăn cướp...
Tùy theo mức độ hiểu biết mà giải thích thì như thế, nhưng có một cách giải thích xác đáng và rõ ràng hơn mà chúng ta quên không giải thích, đó là “mê ăn uống” làm cho con người ta trở nên giống loài vật hơn là loài người, bởi vì loài vật chỉ biết ăn theo bản năng đói, chấm hết. Còn con người không những ăn theo bản năng đói mà còn có ý thức về sự ăn uống sao cho phù hợp với nhân cách của một con người, nhân cách của một tu sĩ, một linh mục khi ăn uống.
“Lạy Đức Chúa Giê-su, bốn mươi ngày ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa của Chúa, đã mở đầu cho nhân loại chúng con biết thế nào là giá trị của ăn nuôi sống phần xác, nhưng không phải vì thế mà Chúa buông xuôi cho bản năng ăn uống để sinh tồn khi tên xúi giục đến cám dổ, nhưng Chúa đã can đảm khước từ và dạy cho chúng con một bài học: con người sống không phải chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ Lời Hằng Sống của Chúa.

Xin Chúa ban cho chúng con là những người dâng mình làm tôi Chúa trong thiên chức linh mục, trong bổn phận của một tu sĩ, biết hy sinh tiết chế những gì có thể làm cho chúng con mất đi sự sống đời đời và gây cớ vấp phạm cho tha nhân”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Tránh người tóc bạc

TRÁNH NGƯỜI TÓC BẠC

Vương Tăng Kiền vào lúc tuổi già, đặc biệt kiêng tránh gặp người tóc bạc, nếu gặp liền bỏ đi ngay.
Một hôm, đang gặp khách, đột nhiên người giúp việc cầm cái kính đồng tiến vào, Vương Tăng Kiền bưng cái kính để soi, tự nói một mình:
-      “Ông lão lại ở đây, chỉ chút nữa là trọc trơn”.
 (Hài Cự lục)
Suy tư:
     Không ai trẻ mãi mà không già, và không ai già mà không chết, nhưng già chưa hẳn là tóc phải bạc trắng, bởi vì có người tuổi đã bảy mươi ba tuổi mà trên đầu không có một sợi tóc trắng, đương nhiên là không phải nhuộm tóc.
     Cũng có người luôn không thích nghe người ta nói mình già, dù mình đã già, bởi vì ai cũng sợ già, vì già thì cũng đồng nghĩa với gần đất xa trời.
     Người có tóc bạc không đáng tránh bởi vì đó là điều tự nhiên, cái đáng tránh và phải tránh ngay chính là tội lỗi, người có tóc bạc hay tóc đen nếu nên cớ làm cho chúng ta vấp ngã phạm tội thì cần tránh ngay, đó là sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu. Sách Huấn Ca đã dạy như sau :
     “Con hãy tránh tội như tránh rắn,
     vì nếu con tới gần, nó sẽ cắn con.
     Răng nó khác nào răng sư tử
     cướp mạng sống con người”.

Tóc trên đầu đã bạc thì đừng sợ, nhưng hãy sợ khi trên đầu mình đã có hai thứ tóc rồi mà vẫn cứ đắm chìm trong tội lỗi, vẫn cứ chứng nào tật ấy không sửa đổi, thì thật đáng tiếc cho cuộc đời của chúng ta, bởi vì thời gian còn có bao nhiêu đâu để mà hưởng thụ của cải vật chất, thời gian còn có bao lâu đâu để mà bon chen ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Bầu nậm cuống dài



BẦU NẬM CUỐNG DÀI

Có hai người cùng họ Lục tràn trề ứng thú đi đến Lạc Dương, muốn bái kiến Lưu Đạo Chân là người mà họ đã ngưỡng mộ từ lâu.

Lưu Đạo Chân vừa thấy họ, câu nói thứ nhất của ông ta là hỏi họ: “Sống ở Đông Ngô (lưu vực Thái hồ) có trái bầu nậm cuống dài, các ông có đem hạt giống của nó đến không ?”

Hai người họ Lục cười khổ, không ngờ người mình ngưỡng mộ lại đi ngưỡng mộ trái bầu nậm cuống dài !

(Hài Cự lục)


Suy tư:

     Ngưỡng mộ và sở thích thì không giống nhau, tôi ngưỡng mộ nghệ thuật biểu diễn của anh, còn anh thì thích chơi cây kiểng hai sự việc không giống nhau. Hoặc là tôi ngưỡng mộ tài năng của anh nhưng tôi không thích cá tính nóng nảy của anh.

     Có người rất ngưỡng mộ cha sở giảng hay, nhưng không thích đi xưng tội với ngài, vì ngài hay nạt nộ trong tòa giải tội.

     Có người rất thích đi tu làm bà sơ, nhưng thấy các bà sơ ở đâu thì sợ, vì các bà sơ cũng lắm điều lắm chuyện như những phụ nữ khác vậy.

     Có người rất ngưỡng mộ đạo lý của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nhưng không muốn vào đạo, vì không thích đời sống kiêu căng, ích kỷ, tham lam của một số người Ki-tô hữu ở trong phường trong xóm của họ, hoặc những người Ki-tô hữu khác mà họ tiếp xúc và làm việc chung...

     Đạo Công Giáo là đạo bác ái, nhưng nếu người Ki-tô hữu không sống bác ái thì ai là người làm chứng cho đạo Chúa trong cuộc sống hôm nay ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư