Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Chúa Nhật 28 thường niên

 


CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Mc 10, 17-30

“Hãy đi bán những gì anh có rồi đến theo tôi”.

 

Bạn thân mến,

Con người ta ai cũng muốn được giàu có, muốn có nhiều của cải vật chất để sống sung sướng, nên thức khuya dậy sớm để đi kiếm tiền. Vì “đồng tiền nối liền khúc ruột” của con người, cho nên con người dù phải nguy hiểm đến bản thân cũng cố làm cho “khúc ruột” của mình càng ngày càng lớn, như vậy mới thoả mãn những nhu cầu của cá nhân mình.

 

1.         Tuân giữ các lề luật chưa chắc đã được vào Nước Trời bởi vì Đức Chúa Giê-su còn nhắc nhở cho anh thanh niên giàu có : “Anh phải về bán hết những gì anh có mà cho người nghèo...” (Mc 10, 21b)

Giàu có không phải là cái tội, nhưng sự giàu có thường làm cho con người ta dễ dàng phạm tội và phạm tội nặng hơn những người khác, bởi vì tiền bạc vật chất mà chúng ta có và sử dụng, nó không có con mắt để nhìn thấy người nghèo mà giúp đỡ, nó không có tâm hồn để biết cảm thông, cho nên nó dễ dàng làm cho con người đi lầm đường lạc lối, do đó mà Đức Chúa Giê-su đã cảnh tỉnh anh thanh niên giàu có, cũng như là để nhắc nhở cho chúng ta ngày hôm nay biết rằng: con lạc đà đi qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào thiên đàng.

 

2.         Người biệt phái và các kinh sư cũng như các thầy thông luật đã tuân giữ cách hoàn hảo lề luật, nhưng vẫn bị Đức Chúa Giê-su chê trách, bởi vì họ chỉ giữ luật theo kiểu mặc áo choàng cho đẹp cho oai với mọi người, còn tâm hồn thì thật xa cách lề luật, bởi vì họ đã coi thường những người nghèo khó, những người goá bụa và những người neo chiếc cô đơn, nhưng, trái lại một La-gia-rô nghèo khó không cơm ăn áo mặc, đã được ngồi trong lòng của tổ phụ A-bra-ham để hưởng hạnh phúc thiên đàng.

Khoảng cách giữa giàu có và thiên đàng không phải chỉ đo bằng tiền bạc hay vật chất, nhưng được đo bằng sự bác ái và yêu thương tha nhân, cho nên nó rất xa và cũng rất gần. Xa là vì chúng ta coi tiền bạc như là cứu cánh của cuộc sống, cho nên tiền bạc đã như một hố lửa sâu ngùn ngụt ngăn cách giữa chúng ta và thiên đàng; gần là vì chúng ta thanh thoát trong việc sử dụng tiền bạc với tinh thần bác ái phục vụ tha nhân, coi tiền bạc như một công cụ trợ lực cho sự phục vụ ấy tốt đẹp hơn...

 

Bạn thân mến,

Người thanh niên giàu có trong Tin Mừng hôm nay chính là hình ảnh của bạn và tôi và của những người Ki-tô hữu khác, chúng ta đi tham dự thánh lễ để giữ trọn lề luật như Chúa và Hội Thánh dạy, nhưng chúng ta chưa thực hành đúng cốt lõi của lề luật là bác ái và yêu thương.

Hưởng thụ những công lao thành quả của mình làm ra là một hạnh phúc, nhưng càng hạnh phúc hơn khi chúng ta biết chia sẻ với tha nhân những của cải mình có được, bởi vì khi cho đi chính là lúc nhận lại, cho nhiều thì nhận nhiều, mà cho tất cả là nhận được thiên đàng làm gia tài của mình vậy...

 

Câu hỏi gợi ý :

1/ Tự xét mình, anh (chị) có thấy là mình giàu có hơn người nghèo không, và có lúc nào anh (chị) chia sẻ với người nghèo cái của mình có: vật chất và tinh thần ?

2/  Chúa nói: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng. Anh (chị) có thấy đây là lời “chói tai” hay không, nếu không chói tai, thì anh (chị) làm gì để thực hành lời này cho đúng ý của Chúa ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

--------------

Http://www.vietcatholic.com 

https://www.facebook.com/jmtaiby 

http://nhantai.info 

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


10.         AN LẠC ĐỊA PHỦ

Thời nam Tống Thạch thừa tướng Diệp Hoành sau khi bị bãi chức nên uất ức mà sinh bệnh, ông ta nằm trên giường hỏi:

-        “Sau khi ta chết đến âm tào địa phủ, không biết có được dễ chịu không ?”.

Có một thư sinh cố ý nói:

-     “Rất dễ chịu, dễ chịu.

Diệp Hoành hỏi:

-     “Làm sao ông biết được ?”

Thư sinh cười và trả lời:

-        “Con người sau khi chết nếu đến âm tào địa phủ mà không dễ chịu, thì người chết phải nhảy trở lại. Nhưng nếu người chết đi mà không trở lại thì biết rằng ở đó rất dễ chịu.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 10 :

        Cách trả lời của anh thư sinh rất tiếu lâm và xem ra coi thường thừa tướng Diệp Hoành, bởi vì ông ta cứ tưởng sống ở trần gian và sự chết trong hỏa ngục giống nhau.

        Những người theo tín ngưỡng dân gian thì niềm tin của họ có khi rất mạnh, mạnh đến cuồng tín, vì họ tin rằng xuống âm phủ thì cũng ăn uống, mặc áo mặc quần, cũng chạy xe hơi, xe cúp, xe SH xe đời mới.v.v... nên đã mua áo quần, xe cộ, xe hơi bằng giấy để đốt và gởi xuống âm phủ cho người chết, và đốt luôn mấy tỷ tiền giấy để âm hồn có mà xài và để hối lộ diêm vương quỷ sứ...

        Người Ki-tô hữu thì lại khác, họ tin rằng có đời sau, đời sau được hạnh phúc với Thiên Chúa và đời sau bị đọa đày trong hỏa ngục với ma quỷ, đó là đức tin. Nhưng cũng có một vài người Ki-tô hữu đức tin không mạnh và giáo lý không nắm vững, nên cũng đã nghe lời chồng, nghe lời vợ, và nghe lời những người không công giáo bái lạy cúng quảy và đốt đồ hàng mã như những người không tin có Thiên Chúa...

        Trong hỏa ngục chắc chắn là không vui chút nào, bởi vì không một ai ở trong lửa mà ca hát đàn địch, ở đó chỉ có nghiến răng và khóc lóc mà thôi, nhưng để tránh lửa hỏa ngục thì cuộc sống đời này của chúng ta phải sống như lời của Chúa dạy: kính mến Thiên Chúa và yêu tha nhân như chính mình.

        Ai có tai hãy nghe.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


9.         TẮM NGỰA NÓI CHUYỆN VUI

Lưu Định Chi được thăng lên làm việc tắm cho ngựa (một chức quan), tiểu tư mã (tên chức quan) là Vương Vệ nói với ông ta:

-        “Thái bộc nhiều ngựa, tắm ngựa thì phải tắm từng con một.

Lưu Định Chi kính cẩn hồi đáp:

-        “Không chỉ là thái bộc, các vị tư mã nếu không sạch sẽ, tôi cũng sẽ tắm từng người một.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 9:

        Tắm cho ngựa mà cũng được nâng lên là hạng quan thì phải biết rằng đó không phải là chuyện chơi, nhưng là việc quan trọng, vì nếu ngựa bị bệnh thì hậu quả khó mà lường được, người xưa quả là có sự sáng suốt vậy.

        Ngày xưa tắm ngựa là một chức quan, ngày nay ở các nước tiên tiến làm bất cứ nghề gì cũng đều phải có giấy chứng nhận tay nghề, kể cả nghề hớt tóc, làm móng tay, nghề xoa bóp, nghề cạo gió.v.v...nếu không có giấy chứng nhận và giấy phép hành nghề thì bị bắt, giải nghệ và có khi bị tù...

        Có những người Ki-tô hữu coi thường những việc bác ái nhỏ như nhặt một miểng chai giữa đường để an toàn cho người khác, như nói chuyện vừa đủ nghe khi đi thăm bệnh nhân, như nhường cho người già người bệnh lên xe trước, vân vân và vân vân, tất cả những việc nhỏ ấy lại là những việc to lớn trước mặt Thiên Chúa, và đủ sức để cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ của Ngài...

        Tắm rửa cho ngựa là việc làm hèn hạ đối với người thời nay, nhưng sẽ là đại họa và khốn nạn cho những ai coi thường mà bỏ qua những việc bác ái nho nhỏ nhưng rất cần thiết cho tha nhân.

Nên thánh là ở đó vậy !


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


8.         THIẾU HAI CÁI XÀ

Chi Nguyên Hiến vì làm một cái nhà vừa cao vừa lớn nên đã dùng hết số tiền mình đã có. Nhà làm xong rồi, nhưng lại bịa đặt với cấp trên là còn khó khăn.

Đậu Gián Nghĩa đi ngang qua nói:

-        “Cái nhà làm rất đẹp, chỉ có điều là thiếu hai cái xà [1]: một cái không có “suy nghĩ思量”(4), một cái không có “cân nhắc酌量”(5).

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 8:

        Cái nhà đẹp mà thiếu cái xà thì cũng chưa tốt lắm, bởi vì nó sẽ làm cho cái nhà không được hoàn hảo, đẹp thì đẹp nhưng vẫn cứ thấy “chướng” khi nhìn lên trần nhà mà thấy thiếu hai cái xà ngang...

        Cái nhà là con người ta, có người đẹp trai anh tuấn nhưng lại thiếu “cái xà” là hiểu biết, nên trở thành người nông nỗi; có người đẹp khuynh nước khuynh thành nhưng thiếu “cái xà” là nết na, nên trở thành gái lẳng lơ đa tình; có người học rộng tài cao nhưng thiếu “cái xà” là đạo đức, nên trở thành kẻ độc ác và gian xảo; có người làm quan rất to rất lớn nhưng thiếu “cái xà” là thanh liêm, nên trở thành kẻ làm nghèo đất nước...

        Thiên Chúa tạo dựng nên con người có thân xác và linh hồn, có vật chất và tinh thần, cả hai đều tốt lành đẹp đẽ, cho nên người Ki-tô hữu không thể chỉ chăm sóc thân xác mà bỏ bê phần linh hồn, cũng như không chỉ lo chăm sóc phần hồn mà bỏ bê phần xác, nhưng cần phải chăm sóc cả hai, bởi vì đến ngày tận thế cả xác và hồn đều sẽ sống lại để chịu phán xét, lúc đó nếu mất hai “cái xà” là kính Chúa yêu người thì có mà...chết đời đời trong hỏa ngục !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] phát âm là “liang” nghĩa là cái xà.

4. cũng phát âm là “liang” nhưng nghĩa là lượng.思量nghĩa là suy nghĩ.

5. 酌量 nghĩa là “cân nhắc, xem xét”, Đậu Gián Nghĩa chơi chữ.

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


7.         CÁCH VIẾT CHỮ TRỌC

Chùa Bao Sơn ở bên Thái Hồ Tô Châu, có một hòa thượng rất tinh thông chữ nghĩa.

Có một tú tài chế nhạo hỏi:

-     “Chữ “trọc 禿” của con lừa trọc viết như thế nào ?”

Hòa thượng liền nói:

-     “Lấy chữ “tú ” của tú tài, cái đít thì làm cho cong cong và xoay lại chính là nó”[1].

                                (Nhã Ngược)

 

Suy tư 7:

        Tuổi trẻ mà có chút tài thì thường hay xấc láo coi trời bằng vung, trước mặt người lớn tuổi thì không chút vị nể vì cho rằng họ già cả rồi, hủ lậu rồi làm gì bằng mình được, thế là họ phách lối đem chữ tàu chữ tây ra hù dọa...

        Anh tú tài xấc láo với vị hòa thượng tài giỏi thông kim bác cổ, nên anh ta bị một vố đau nhớ đời.

        Có một vài người bạn trẻ thời nay có bệnh “hách” với người đáng tuổi cha ông mình, họ hách với ông cụ hàng xóm vì mình đang làm cán bộ nhà nước; họ hách với bà cụ bán nước sâm bên đường vì mình là công an đường phố, họ hách với bạn bè vì mình được đi học nước ngoài; họ hách với những người nghèo vì mình là con cái nhà giàu...

        Cũng có một vài vị chức sắc trẻ hách dịch với các chức sắc già và cho họ là lẩm cẩm trong thời đại khoa học vi tính này, họ quên mất rằng khoa học và tri thức cũng đều nhường bước cho sự đạo hạnh.

        Bệnh “hách” rất hay lây nhưng dễ chữa lành, nếu chúng ta –những người trẻ- biết dùng phương thuốc khiêm tốn và đạo hạnh của người Ki-tô hữu để chữa nó.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Chữ ﹝禿﹞đọc là ”tu” nghĩa là trọc, hơi giống chữ “” đọc là “xiu” nghĩa là tú, lấy phần dưới chữ “tú” bẻ cong và uốn ngoặc lại thì thành chữ ﹝禿﹞“trọc”, hòa thượng chơi chữ.

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


6.         NẤU CHÍN THỊT CHÓ

Đời nhà Đường, thu quan thị lang Địch Nhân Kiệt và quan lang Lô Hiến cả hai thường chế nhạo lẫn nhau.

Một hôm, Địch Nhân Kiệt dùng chữ “lô[1] của Lô Hiến để đùa chơi, nói:

-        “Anh phối ngựa thế là làm lừa﹝驢﹞”.

Lô Hiến cũng cười nhạo nói:

-        Nếu từ bên trong bẻ tay của anh thành hai đoạn thì là hai con chó”.

Địch Nhân Kiệt không phục nói:

-        “Chữ “địch” ﹝狄﹞là chữ khuyễn﹝犬hoặc犭﹞đứng một bên thêm một chữ lửa﹝火﹞, làm gì có hai con chó chứ ?”

Lô Hiến nói:

-        “Tôi có cách giải thích khác mới hơn, anh vốn là khuyễn (chó), đưa tay ra thì biến thành hai con chó, thì vẫn là nấu chín thịt chó vậy !”

Cả hai cười ha ha.

(Nhã Ngược)

 

Suy tư 6 :

        Con người ta khi đã hiểu biết nhau thì thường nói năng không có gì là “giữ kẽ”, bởi vì cái hay cái xấu, cái khuyết điểm của bạn bè thì mình đã hiểu, và đồng thời cũng biết thông cảm nhau, đó chính là tri kỷ.

        Người có chút sĩ diện, hoặc tự cho mình là người đáng kính trọng, thì ít khi chấp nhận người khác nói mình là “chó” dù đó là lời nói giỡn giữa bạn bè với nhau, bởi vì họ coi mình đáng được nể trọng hơn là những lời nói đùa của bạn bè.

        Đem tên của bạn bè ra chiết tự cho vui thì không có gì là tội cả, nhưng đem cuộc sống của người khác ra đùa giỡn, nói xấu, bôi đen thì là chuyện không nên, bởi vì con người ta ai cũng có một khoảnh sâu thẳm nằm bên trong một tâm hồn, mà chỉ có Thiên Chúa mới biết được lòng dạ của họ mà thôi, cho nên đừng chiết tự tên của người khác là “chó” là “heo” là “dê”, rồi cho rằng người đó có cuộc sống giống như chó, giống như heo, giống như dê là tội lớn lắm, vì Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét...

       Ai có tai thì nghe vậy !

  • Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
  • (Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 



[1] Chữ lô ﹝盧﹞ghép thêm chữ ngựa (mã)﹝馬﹞phía trước thì thành chữ lừa ﹝驢﹞.