Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

Chúa nhật lễ Truyền Giáo

 


CHÚA NHẬT LỄ TRUYỀN GIÁO


Tin mừng : Mt 28, 19-20.
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Bạn thân mến,
Mỗi năm một lần, giáo hội –trong ngày Truyền Giáo- đã long trọng nhắc nhở chúng ta về vai trò và bổn phận của người Ki-tô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Truyền giáo tức là đem cái mình đã tin, đã cảm nghiệm và đã sống cho người khác cùng tin, cùng cảm nghiệm, và cùng sống như chúng ta.
Truyền giáo ở đâu ? Thưa, ở đâu có mặt chúng ta thì đó là địa điểm truyền giáo của mình, nhưng có ba nơi mà chúng ta cần làm chứng cho Tin Mừng.
1. Tôi thường nhắc nhở giáo dân rằng gia đình là nơi truyền giáo đầu tiên của người Ki-tô hữu, họ cười và nói rằng gia đình của mình toàn là đạo gốc, ai cũng có đạo hết, truyền giáo làm gì nữa ! Vâng, gia đình toàn là người có đạo, nhưng cuộc sống của mỗi người trong gia đình chưa chắc là cuộc sống của người có đạo: ông bố thì cả ngày say lè nhè, bà mẹ thì buồn bực hết la rầy con cái đến mắng chồng, thế là gia đình mất đi cái hạnh phúc thuở ban đầu mới cưới nhau, hoặc là bố mẹ thì siêng năng đi lễ đọc kinh, làm việc lành, nhưng con cái thì sống như những người vô đạo, có đứa thì lấy chồng lấy vợ không theo phép đạo, có đứa thì bỏ nhà đi bụi, có đứa thì không đến nhà thờ.v.v...
2. Cha mẹ có trách nhiệm truyền giáo cho con cái bằng những gương lành gương tốt, con cái có bổn phận truyền giáo cho cha mẹ bằng sự vâng lời, chăm chỉ học hành vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

2. Địa điểm thứ hai mà chúng ta phải truyền giáo là giáo xứ của chúng ta, trong giáo xứ có cha sở, cha phó, ban đại diện giáo dân và giáo dân, tất cả tập hợp lại thành một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và rao truyền Lời của Thiên Chúa cho mọi người, tuy nhiên không phải tất cả mọi giáo dân đều trở thành người gương mẫu, không phải tất cả giáo dân đều là con cái ngoan của giáo hội và của Thiên Chúa !
Có những giáo dân vì bất mãn một ai đó mà không đến nhà thờ hoặc không tham dự các sinh hoạt chung ở giáo xứ, chúng ta phải truyền giáo cho họ; có những giáo dân chỉ có tên trong sổ Rửa Tội mà thôi, nhưng cuộc sống của họ thì không phải là người công giáo; có những giáo dân thích chia rẻ người này với người nọ trong giáo xứ.v.v…tất cả những thực trạng ấy, cũng rất đáng để cho chúng ta quan tâm và cầu nguyện, cũng có nghĩa là chúng ta phải truyền giáo cho giáo xứ của chúng ta.
Cha sở và cha phó có trách nhiệm làm gương lành gương tốt cho giáo dân noi theo, bởi vì giáo dân đều nhìn vào các linh mục để bắt chước các ngài: tốt cũng bắt chước mà xấu cũng bắt chước; mỗi giáo dân đều có bổn phận truyền giáo cho nhau bằng chính đời sống phục vụ và yêu thương của mình.

3. Nơi thứ ba mà chúng ta phải truyền giáo là công sở, công ty, trường học, chợ búa hoặc là nơi nào có sự hiện diện của chúng ta.
Khi mà trong gia đình và nơi giáo xứ chúng ta đã làm tốt bổn phận của người Ki-tô hữu, thì tinh thần truyền giáo này cũng đi theo chúng ta đến những nơi mà chúng ta đang làm việc, học hành, buôn bán. Trong tất cả những nơi ấy, chúng ta đều trở nên những nhà truyền giáo sống động và nhiệt tình, bằng những việc làm cụ thể đơn giản và rất đời thường như một cái bắt tay với nụ cười tươi, như chu toàn bổn phận được giáo phó, như sống hòa nhã với mọi người.v.v...tất cả đều thấm nhuần tinh thần bác ái của Phúc Âm, thế là người ta dần dần nhận ra khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su Ki-tô nơi chúng ta rồi vậy.
Bạn thân mến,
Mệnh lệnh truyền giáo của Đức Chúa Giê-su không những cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tức là những người Ki-tô hữu chúng ta.
Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, ngày hôm nay chúng ta tự hỏi: cuộc đời tôi đã có bao nhiều lần làm chứng nhân cho Đức Chúa Giê-su, và có bao nhiêu lần tôi đã bỏ qua cơ hội làm chứng cho Đức Chúa Giê-su, cho đức tin mà tôi đã tin theo ?
Cuối cùng tôi xin nói lại lần nữa với anh chị em: Người truyền giáo chính là sống cuộc sống của Đức Chúa Giê-su ngay trong cuộc sống đời thường của mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Chúa nhật 30 thường niên

 


CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN


Tin mừng : Lc 18, 9-14.
“Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người Pha-ri-siêu thì không.”

Bạn thân mến,
Cuộc sống của con người với nhiều lo âu hơn là thoải mái, nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc, nhiều áp lực hơn là tự do. Cuộc sống của con người –qua mọi thế hệ- cũng đều cần đến một sức mạnh thần thiêng từ cõi vô hình đầy quyền thế giúp đỡ, để con người an vui sống và làm việc trong xã hội, chúng ta –những người Ki-tô hữu- gọi Đấng vô hình đó là Thiên Chúa và cầu nguyện với Ngài, nhưng có rất nhiều lần chúng ta cầu nguyện mà không thấy Thiên Chúa trả lời.
Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã đưa ra hai mẫu cầu nguyện của hai loại người, để cho chúng ta thấy được Thiên Chúa thích nghe lời cầu nguyện của loại người nào: của người thích phê bình, so đo, kiêu ngạo hay là của người có tâm tình khiêm tốn nhận biết tội mình để xin thương xót ?

Người Pha-ri-siêu cầu nguyện
Đây là lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” .
Lời cầu nguyện này đáng lý ra là được Thiên Chúa nhậm lời vì nó bao hàm lời chúc tụng ngợi khen và cảm tạ, nhưng trái lại, Thiên Chúa đã không nhậm lời cầu nguyện này, vì trong lời cầu nguyện có sự so đo phân bì và xúc phạm đến tha nhân, đó là nguyên nhân khiến cho lời cầu nguyện trở nên vô giá trị trước mặt Thiên Chúa và người đời.
Người Pha-ri-siêu đã so sánh mình với người thu thuế tội lỗi.
Trong cuộc sống, ai đem mình ra so sánh với người tội lỗi là chính họ tội lỗi hơn cả người tội lỗi, bởi vì phàm ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống. Tôn mình lên là coi mình hơn người khác, là đem danh dự của tha nhân đạp dưới chân mình, cho nên họ đã đi trên chông gai mà không biết và họ sẽ ngã quỵ vì chông gai đó chính là sự kiêu ngạo của mình.
Khi đem mình so sánh với người khác là xúc phạm đến họ, dù họ là người tội lỗi công khai hay bị người khác khinh dể, bởi vì một Ma-ri-a Mag-da-la đã được Đức Chúa Giê-su chữa lành, một thu thuế Gia-kêu lùn đã được vinh dự đón tiếp Đức Chúa Giê-su ngay tại nhà mình, một tên trộm bị án tử trên thập giá với Đức Chúa Giê-su đã được vào thiên đàng trước cả người Pha-ri-siêu và những kinh sư thông luật.

Người thu thuế cầu nguyện
Ông ta cầu nguyện cách ngắn gọn nhưng rất hiệu quả: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi” .
Đây không thể là lời cầu nguyện lý tưởng đối với những người am hiểu Kinh Thánh, bởi vì nó không hội đủ điều kiện để trở thành lời cầu nguyện, nhưng nó lại có thế giá trước mặt Thiên Chúa và người thu thuế tội lỗi đã ra về bình an, bởi vì trong lời cầu nguyện đơn sơ này hàm chứa một tâm hồn trông cậy và khiêm tốn.
Đây không thể là lời cầu nguyện hay, nhưng đây là lời nói thỏ thẻ của người con biết nhận ra sai lầm của mình để xin cha mẹ thứ tha. Không một người cha người mẹ nào làm ngơ trước lời thú tội rất chân thành của đứa con mình, Thiên Chúa lại càng không thể “ngoảnh mặt làm ngơ” với lời cầu xin tha thứ rất khiêm tốn và chân thành của người tội lỗi, cho nên, lời cầu nguyện hay chưa chắc là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng chỉ có lời cầu nguyện chân thành và khiêm tốn mới được Thiên Chúa nhậm lời.
Bạn thân mến,
Lời cầu nguyện của người Pha-ri-siêu và lời cầu nguyện của người thu thuế, đã cho chúng ta thấy được đâu là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa và đâu là lời cầu nguyện không đẹp lòng Ngài.
Lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa không nhất thiết phải kể lể dài dòng, nhưng cần phải có tâm tình yêu mến, chân thành và khiêm tốn, bởi vì Thiên Chúa thích nghe lời cầu nguyện của những tội nhân biết hối cải, hơn là thích nghe lời cầu nguyện khách sáo của người tự cho mình là người công chính mà khinh dể tha nhân.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


45. SỢ VỢ

        Có một quan tri huyện rất là sợ vợ.

        Một hôm đang ngồi nơi phòng làm việc ở công đường, đột nhiên nghe tiếng huyên náo ở sau hậu viện, bèn phái tên sai dịch đi coi tình hình, tên sai dịch trở về báo cáo:

-         “Bẩm lão gia, đó là vợ chồng của tên lính gác nhà đánh nhau đấy ạ”.

        Tri huyện nghiến răng giận dữ nói:

-      “Hừ, hừ, nếu là ta, nếu là ta...”

        Ai có ngờ đâu vợ của tri huyện ở phía sau nhà nghe rất rõ ràng tiếng của ông ta, bèn lớn tiếng hét lên:

-      “Nếu là ông thì ông làm sao hử ?”

        Tri huyện kinh hoàng trả lời:

-         “Nếu đó là tôi, thì tôi lập tức quỳ xuống xin cứu mạng thì lẽ nào bà ấy hạ thủ chứ !!!”

                        (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

 

Suy tư 45:

        Tôi có một người anh con ông cậu ruột, tính tình phóng khoáng và chẳng hề biết sợ ai, muốn đánh nhau thì đánh, muốn nhậu nhẹt thì nhậu, nhưng khi có vợ thì trở nên hiền lành và chí thú làm ăn, bà vợ hiền ít nói chứ không thuộc hạng sư tử Hà Đông, vậy mà hôm tôi về thăm nhà, trong bàn ăn anh ta lớn tiếng nói: “Vợ mình là người thay mặt Chúa để dạy dỗ ta nên người !?”, cả nhà ai cũng cười ầm vang lên, tôi cứ ngỡ là anh có uống rượu nên nói đùa cho vui, nhưng không, anh ta cứ nhắc lại câu ấy với giọng nói nghiêm trang và thành khẩn...

        Tôi vẫn nhớ và ngẫm nghĩ câu nói này của anh, đúng là như vậy thật.

        Thiên Chúa có nhiều cách để dạy dỗ chúng ta, Ngài có thể dùng hoàn cảnh này để dạy dỗ người này, dùng người nọ để dạy dỗ người kia. Trong gia đình chồng vợ biết đóng cửa dạy nhau là điều đáng khích lệ và bắt chước, chồng trở nên tốt nhờ tính tình hiền dịu của vợ cảm hóa, vợ trở nên nhu mì biết chăm sóc gia đình là nhờ chồng có tấm lòng bao dung, cả hai vợ chồng đều có tâm hồn biết tha thứ và cảm thông lẫn nhau, thì chính họ –chồng vợ- biết nhận ra ý Chúa nơi người bạn trăm năm của mình rồi vậy.

        Chúng ta có thể tự nói với mình: mọi người, mọi hoàn cảnh, mọi biến cố đều là thánh ý của Thiên Chúa gởi đến, qua những hoàn cảnh và những con người này mà Ngài muốn dạy dỗ tôi nên người con ngoan của Ngài, và trở nên người tốt trong xã hội.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


44. ĐẠI VƯƠNG NÓI LÁO

        Người nhà của Giáp và Ất rất thích sĩ diện.

        Giáp đến làm khách nhà Ất, Ất khoe khoang báu vật của mình:

-      “Nhà anh có không ?

        Giáp trả lời:

-         “Những thứ này đều là bảo vật chết, có gì mà phải đem ra khoe khoang chứ, nhà tôi có hai bảo vật sống, đó là gà tiên và ngựa biển.

        Ất nói:

-      “Tôi muốn coi có được không ?”

        Giáp trả lời:

-      “Đương nhiên là được”.

        Giáp cỡi con trâu lớn về nhà mà trong bụng rất lo lắng, đứa con hỏi:

-      “Bố an tâm, để con xử trí.”

        Hai ngày sau, đứa con đem đến cái áo tế thần cho bố mặc, và nói bố ngồi chính giữa nhà trong phòng khách.

        Một lúc sau, Ất đến, hỏi đứa con của giáp:

-      “Bố mày đâu ?”

        Trả lời:

-      “Ba tui có việc phải đi rồi ạ !”

        Ất nói:

-         “Bố mày hẹn với tao là hôm nay đến coi ngựa biển và gà tiên của nhà mày”.

        Đứa con nói:

-         “À, ngựa biển bị long vương mượn đi biển chơi, gà tiên thì bị thần tiên cỡi lên dự hội bàn đào rồi.”

        Ất hỏi:

-         “Ngồi chính giữa phòng khách là thần tiên nào vậy ?”

        Trả lời:

-      “Đó là đại vương nói láo của gia đình tui ạ !!”

                        (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

 

Suy tư 44:

        Sống ở đời là bon chen, là chèn ép, là cá lớn nuốt cá bé, là tìm cách đè đầu đè cổ nhau để được hưởng lợi cho mình, vì thế mà sinh ra chuyện nói dối lẫn nhau...

        Người lớn mà nói dối thì đã không hay không tốt, nhưng con nít trẻ em mà nói dối thì lại là chuyện đáng để cho người lớn phải suy nghĩ.

        Trẻ em biết nói dối là vì trong gia đình bố mẹ không thành thật với nhau, và không biết dạy con cái nói sự thật.

        Nơi nhà trường trẻ em biết nói dối nhau, vì thầy cô giáo không quan tâm đến việc đạo đức của các em, chỉ biết dạy cho hết giờ, tốt xấu mặc bây...

        Trẻ em biết nói dối và nói dối “bạo” hơn trong xã hội hôm nay, bởi vì các em có một cái gương nói dối to bự chảng để trước mặt, đó là người lớn nói dối, nhà trường nói dối, cấp trên nói dối, truyền thanh truyền hình nói dối, báo chí nói dối; trẻ em nói dối lừa gạt nhau và nói dối với cả người lớn, là vì các em được dạy nói dối ngay trong môi trường sống của mình là gia đình nói dối, nhà trường nói láo và xã hội gian dối.

        Trẻ em là những người được Đức Chúa Giê-su chúc phúc và yêu mến, là tiêu chuẩn để được vào Nước Trời khi Ngài nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng”, giống như chúng sự đơn sơ và hồn nhiên, chứ không phải sự dối trá.

        Hãy trả lại cho trẻ em sự đơn sơ hồn nhiên của chúng nó nếu chúng ta muốn được vào Nước Trời, bằng cách chúng ta –những người lớn- sống thành thật với nhau, mà căn bản của sự thành thật chính là có thì nói có, không thì nói không.

Đó là tinh thần sự thật của Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta vậy. 

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


43. CẦM CÁI CHAI MÀ UỐNG

        Có một “con sâu rượu”, ông ta đã có lần lên buôn bán ở kinh thành. Một hôm, đột nhiên gặp lại người bạn cũ, ông ta phấn khởi nói:

-      “Đi, đi đến phủ của anh nói chuyện, tôi bây giờ vừa khô cổ vừa buồn phiền, có thể xin anh một li rượu uống cái đã”.

Người bạn cũ là một người rất là keo kiết, nói:

-      “Nhà tôi cách đây rất xa, không dám làm phiền anh đi đường xa như thế”.

Con sâu rượu nói:

-      “Nhiều nhất là khoảng hai, ba mươi cây số là cùng chứ gì, không sao cả”.

Người bạn cũ nói:

-      “Nhà ở của tôi rất là nhỏ hẹp, sợ rằng anh nổi cáu lên mà chửi mắng”.

Con sâu rượu nói:

-      “Không sao, không sao, chỉ cần có thể vào là được rồi”.

Ngừơi bạn nói:

-      “Nhà tôi không có ly uống rượu, không có dĩa bát, làm sao đây ?”

Con sâu rượu nói:

-      “Tôi và anh là bạn tri kỷ, đừng nói chuyện lịch sự với không lịch sự, cùng lắm thì cầm cái chai mà uống cũng là tốt rồi vậy !”

                        (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

 

Suy tư 43:

        Người nghiện rượu ngửi được mùi rượu thì bước không rời, người nghiện thuốc ngửi được mùi thuốc lá thì đi không nổi, người mê gái thấy gái đẹp thì như mèo thấy mỡ, người mê cờ bạc thì bán vợ đợ con cũng không tiếc...

        Đã mê thì lú, tức là trí óc không còn được sáng suốt, đã nghiện thì phải ghiền, tức là trở nên khờ dại...

        Người Ki-tô hữu là người sáng suốt hơn những người khác bởi vì họ là con cái của sự sáng, bởi vì họ là môn đệ của Đức Chúa Giê-su cho nên họ có đủ khôn ngoan để phân biệt được rằng, mùi vị của tội lỗi và hương thơm của thánh thiện thì không giống nhau, mùi vị của tội lỗi thì đưa đến sự chết, hương thơm của thánh thiện thì đưa đến sự sống đời đời.

        Mùi vị của tội lỗi là chơi với bạn xấu, là ăn nhậu không điều độ, là những hình ảnh khoả thân, là sách báo và những mạng internet dâm ô đồi truỵ, là nơi trai gái tự do luyến ái mà không bị cấm.v.v... những mùi vị tội lỗi này sẽ làm cho chúng ta lú lẫn đến nghiện ngập và dần dần đi đến tội và mất linh hồn.

        Người đã nghiện mùi vị của tội lỗi thì luôn có nhiều lý do để biện minh cho cái ghiện của mình, họ nói : “Cùng lắm thì đi xưng tội chứ gì !!!”

        Đúng là họ đã lú lẫn rồi vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


42. THẰNG NGỐC ĂN (trái) THỊ

        Có một anh chàng ngốc dẫn vợ đi thăm nhạc phụ, nhạc phụ thết tiệc tại nhà khoản đãi, trên bàn bỏ một dĩa trái thị còn sống chưa chín, chàng ngốc cầm lên ăn luôn cả vỏ.

        Bà vợ trong buồng nhìn thấy, vừa phàn nàn vừa thở dài, nói : “Khổ ạ, khổ ạ !”  (hàm ý là tôi gặp phải mệnh khổ nên làm vợ một người như thế ?!)

        Anh chàng ngốc bên ngoài nghe như thế, lên tiếng nói:

-      “Trái thị nầy đắng ơi là đắng, chỉ có chát một chút mà thôi”.

                        (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

 

Suy tư 42 :

        Ở đời có ba cái khó chịu: một là vợ dại trong nhà, hai là đi cày mà trâu đi chậm, ba là làm rẫy phát nương mà cái rựa bị cùn, đây là ba cái khó chịu nhất của người đàn ông.

        Và cái khó chịu của người đàn bà chính là có đàn ông dại trong nhà, tức là lấy phải một ông chồng ngốc nghếch không biết lịch sự xã giao, không biết trời cao đất thấp là gì, đúng là “cục nợ” của người vợ vậy.

        Nhưng có ông chồng khờ xem ra cũng là hạnh phúc hơn là có ông chồng “láu cá” tứ đổ tường, loại ông chồng này thường hay dối vợ để đem tiền lương đi nhậu cà phê ôm, đem tiền đi nướng vào những đám đỏ đen cờ bạc; loại ông chồng này thường hay rượu chè say sưa lè nhè chửi vợ đánh con.v.v...

        Như vậy, có một ông chồng khờ người vợ có thể an tâm sống qua ngày đoạn tháng, nhưng nếu chồng “láu cá” thì bà vợ sẽ khổ tâm hơn cả ông chồng có vợ dại trong nhà vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


41. HAI CON CÁ ĐẤU MỒM

        Một hôm có con cá chép và con cá trê đấu võ mồm, không phân biệt cao thấp.

        Cá chép nói:

-         “Anh có gì là hay là giỏi chứ, nếu một ngày kia tôi biến hoá thì có thể bay lên tới trời. Lúc đó thì trong mắt tôi có sao kim, trên thân có vảy vàng, hoa đào xuân sóng ấm, nhảy một cái là qua long môn !”

        Cá trê nói:

-         “Anh đừng có cho mình là phi thường, nghe đây, tôi tuy trong mắt không có sao, trên thân cũng không có vảy, khi há cái miệng lớn thì ăn luôn cả người ta !”

                        (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

 

Suy tư 41:

        Đã cùi thì không sợ ghẻ, bởi vì bệnh cùi thì nặng hơn mấy con ghẻ ngứa.

        Con cá trê thân phận không được đẹp đẽ cho lắm như cá chép, thân không có vảy vàng, cũng chưa một lần đi thi nhảy qua long môn để thành rồng, nên cứ thế mà “phang”, há miệng to ra là đớp hết, cần gì phải vảy vàng với không vảy vàng chứ !

Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, có người phạm qua một tội trọng rồi, thì thay vì sám hối tội lỗi, xét mình và đi xưng tội, thì họ lại sa đà thêm, bởi vì họ nói thân đã dính bùn rồi sợ gì đục trong !?

Dính bùn dính đất thì cũng có thể rửa sạch bằng nước sạch.

Tâm hồn đầy tội lỗi thì cũng có thể rửa sạch bằng nước và Máu Thánh từ cạnh sườn của Đức Chúa Giê-su chảy ra trong bí tích hòa giải, chỉ có điều quan trọng là chúng ta có thành tâm sám hối hay không mà thôi.

Cá chép cũng là ta mà cá trê cũng là ta, thiện và ác đều ở trong con người của chúng ta vậy...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


40. CHỈ BIẾT SỬA THƠ

        Một hôm, có một anh thư sinh ngâm thơ:

-         “Gió thổi cành liễu ngàn sợi xanh, nắng chiếu đào hoa vạn điểm hồng.”

        Người kế bên bình luận, nói:

-         “Bài thơ này ý cảnh không hay, tôi sẽ vì anh mà sửa lại thì nhất định phải hay.”

        Thư sinh nói:

-         “Ông anh, nếu anh có thể sửa thơ thì xin anh làm lại cho một bài.”

        Người ấy trả lời:

-         “Người làm thơ không biết sửa thơ, người sửa thơ không biết làm thơ !”

                        (Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

 

Suy tư 40:

        Ở đời có người biết ăn cơm nhưng không biết nấu cơm, có người biết nói nhưng không biết viết chữ, đây là chuyện nhỏ bình thường trong xã hội vậy mà cũng có người chú ý để khen chê...

        Có người biết chê và biết nói móc họng anh em, nhưng lại không biết chê những thói xấu của bản thân mình; có người thích phê bình chỉ trích người khác mà rất ghét người khác nói ra hoặc góp ý cái khuyết điểm của mình; lại có người biết lớn tiếng mắng mỏ anh chị em là “thứ ngu như bò”, nhưng khi người khác chân tình khen mình thì lại cho người ta là “khen đểu”, đây là suy bụng ta ra bụng người...

        Người làm thơ không biết sửa thơ, nhưng người Ki-tô hữu trước khi rửa chân cho người khác thì biết sửa lưng mình trước, biết góp ý cho ai thì đã biết tự góp ý cho mình trước; người sửa thơ không biết làm thơ, nhưng người Ki-tô hữu thì khi thấy người khác giúp mình sửa sai một lần, thì đã biết cái tốt và cái không tốt của bản thân mình để sống đẹp lòng Chúa và tha nhân hơn...

        Biết và không biết chính là tại tâm mình mà ra vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)