Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

Chúa nhật 21 thường niên


CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

 

Tin mừng : Lc 13, 22-30.

“Thiên hạ sẽ từ đông sang tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.

 

Bạn thân mến,

Đi vào cửa hẹp để được vào Nước Trời không như chúng ta đi vào cửa rộng để chết đời đời, bởi vì đi vào cửa rộng là hành động của những người thích hưởng thụ, thích danh tiếng và thích của cải vật chất ở đời này.

Con người ta sống thì thích ở nhà to cửa lớn, ăn thì thích ăn no đến cành bụng, uống thì thích uống xả giàn thả cửa, chơi thì thích chơi mút mùa lệ thủy, đi thì thích đi đường rộng thênh thang, lái xe đời mới.v.v…đó chính là vì con người ta thích sống hưởng thụ thái quá, nhưng hãy coi chừng, sự hưởng thụ chính là con đường rộng để bạn và tôi đi vào nơi trầm luân đời đời. Đã có lúc chúng ta coi lời dạy của Đức Chúa Giê-su là hãy chiến đấu để qua cửa hẹp[1] là lời chói tai, và không hợp lý hợp tình trong xã hội hiện đại hóa và hưởng thụ hôm nay, khi mà cửa hẹp có ít người đi thì chiến đấu để làm gì, mà đã ít người đi thì chúng ta đi vào con đường hẹp để làm gì chứ ?

Chiến đấu để đi con đường hẹp là con đường dẫn bạn và tôi đến sự sống đời đời, đường hẹp này Đức Chúa Giê-su đã đi qua, đó là con đường yêu thương và hy sinh cho đến chết trên thập giá, đó là con đường bị sỉ nhục, đó là con đường bị hiểu lầm, là con đường khó nghèo và bị bỏ rơi. Tất cả những con đường ấy giống như con đường nhỏ hẹp gồ ghề lên núi Can-vê mà Đức Chúa Giê-su đã đi với cây thập giá nặng –là tội lỗi nhân loại- trên đôi vai của mình.

Xã hội càng văn minh, khoa học càng phát triển, kỷ thuật ngày càng tiên tiến, nên những con đường hẹp đầy ổ gà không còn nữa trong thành phố hay các khu đông dân cư. Cũng vậy, “con đường hẹp” trong lòng chúng ta từ từ rồi cũng sẽ không còn nữa, bởi vì sự hưởng thụ vật chất chính là những công trình kiến trúc của ma quỷ, như những chiếc xe lô ủi đường nghiền nát “con đường hẹp” hy sinh, yêu thương và bác ái trong tâm hồn chúng ta, để thêm vào đó, nó mở ra những con đường mới rộng thênh thang là đại lộ kiêu ngạo, con đường ích kỷ, con đường ghét ghen, con đường dâm đãng, con đường thù hận.v.v… và cuối những con đường rộng thênh thang ấy đưa chúng ta đến nơi phải đến là hỏa ngục, với những cực hình đời đời đang chờ đón chúng ta.

 

Bạn thân mến,

Chiến đấu để đi trên con đường hẹp là bổn phận và quyết tâm của bạn của tôi và của người Ki-tô hữu, nếu không, những con đường rộng ấy sẽ nuốt chửng chúng ta vào trong lửa hỏa ngục đời đời của nó.

Chiến đấu để đi trên con đường hẹp là một mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su truyền cho bạn và tôi, mệnh lệnh này đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt nhận ra đâu là con đường hẹp, và đâu là con đường rộng trong cuộc sống của mình, bởi vì có những lúc chúng ta không phân biệt được đâu là con đường hẹp phải đi và con đường rộng phải tránh, bởi vì đường hẹp và đường rộng đều có người đi, mà những người đang đi trên hai con đường rộng hẹp ấy có khi là những giám mục, linh mục, là các tu sĩ nam nữ, là giáo dân, là người gian ác, là người tội lỗi và những người đạo hạnh trổi vượt hơn mình !

Chiến đấu với kẻ thù trên đường thiêng liêng thì không cần phải coi người này là ai và người kia như thế nào, nhưng phải nhắm thẳng vào lý tưởng nên thánh mà chiến đấu, người mà chúng ta cho là đạo đức thánh thiện họ đi đường nào thì kệ họ, riêng chúng ta có Lời Chúa soi sáng và cứ thế mà chiến đấu để đi vào đường hẹp, mặc dù đôi lúc phải đổ máu và hy sinh đến mạng sống của mình.

Đường hẹp thì ít người đi, nhưng trong số ít đó có bạn và tôi thì thật hạnh phúc biết bao nhiêu, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói: “Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể”[2].

 Con đường hẹp là hy sinh,

Con đường hẹp là bác ái,

Con đường hẹp là khiêm tốn,

Con đường hẹp là yêu thương,

Con đường hẹp là phục vụ…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Lc 13, 24.

[2] Lc 13, 24b.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


99.   TRÀ RƯỢU TRANH CHẤP

Trà nói với rượu:

-      “Xong chiến tranh buồn ngủ công cũng không ít,

giúp đỡ thành công thật đáng khoa trương.

Vong gia bại quốc đều vì rượu,

Tại sao để khách chỉ uống trà ?”

Rượu phản đối:

-      “Dao Đài Tử là rượu ngon tiến quan phủ,

nghỉ ngơi kiện cáo hòa hảo nhiều ý vị,

tế tự đãi khách dùng tôi trước,

Tại sao lại nói “nước vàng nhạt” (nước trà).

Cả hai tranh luận không nghỉ, nước ra mặt khuyên giải nói:

-      “Kín nước trong giếng thì quay về đỉnh đá,

dẫn nước trên nguồn để nấu rượu thì trút vào bình bạc,

hai nhà tranh chấp vì chuyện không đâu,

nếu không có tôi điều hoà thì không thành chuyện.”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 99:

        Rượu cũng là nước, mà trà cũng là nước, chỉ khác nhau mùi vị và công dụng.

        Cầu nguyện lớn tiếng hay cầu nguyện thầm trong lòng cũng là cầu nguyện, chỉ khác ở chỗ là cách cầu nguyện và hoàn cảnh bên ngoài, nhưng hiệu quả thì vẫn như nhau.

        Có người thích cầu nguyện trong nhà thờ, có người thích cầu nguyện trong nơi yên tĩnh, có người thích đi lui đi tới để cầu nguyện, lại có người thích ngồi một bên hốc đá sau đài Đức Mẹ để cầu nguyện...

        Cầu nguyện ở đâu Chúa cũng đều biết, chỉ có điều là Đức Chúa Giê-su muốn chúng ta khi cầu nguyện thì vào phòng đóng kín cửa lại mà cầu nguyện, mà “vào phòng đóng kín cửa để cầu nguyện” không phải là khiêm tốn thật thẳm sâu trong tâm hồn, là không phải đắm mình trong tình yêu của Chúa đang ở trong tâm hồn chúng ta hay sao ?

Rượu và trà cũng đều là do nước mà có, cầu nguyện cách nào cũng được, cái quan trọng là chúng ta có tâm hồn cầu nguyện hay không mà thôi ?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 



98.   CHỊ DÂU TẶNG THƠ

Có một cô gái vừa mới lấy chồng và gặp phải sự bắt nạt của cô em chồng, cô ta bèn làm một bài thơ để tặng cô em chồng như sau:

-         “Bà cô rảnh rang đem chị dâu ra ức hiếp,

chị dâu cũng đã qua thời làm con gái,

thuyền trước cũng giống như thuyền sau,

bà cô cũng có lúc sẽ đi lấy chồng”.

Cô em chồng sau khi đọc xong thì xấu hổ mặt mày.

                                                        (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 98:

        Thời nay có nhiều bà mẹ chồng coi con dâu như con đẻ của mình vì bà đã qua thời làm dâu, nên biết thông cảm và yêu thương con dâu của mình.

        Thời nay có nhiều cô em chồng đối đãi với chị dâu khắt khe hơn cả mẹ chồng, bởi vì cô ta chưa làm dâu nên chưa biết thông cảm cho người làm dâu.

        Đức Chúa Giê-su đã vì tội lỗi của nhân loại nên đã mang thân phận con người như mọi người để tha thứ, để cảm thông và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn của con người, Ngài muốn chúng ta –người Ki-tô hữu- học nơi Ngài sự cảm thông và tha thứ ấy, bởi vì ai biết cảm thông và tha thứ thì cũng sẽ được Thiên Chúa thứ tha những khuyết điểm của mình do tội lỗi mang đến.

        Đừng khó chịu vì những khuyết điểm của anh em chị em, bởi vì có rất nhiều người khó chịu vì những khuyết điểm của mình; hãy nhẫn nại với mọi khuyết điểm của anh chị em, bởi vì có rất nhiều người đang nhẫn nại với những khuyết điểm của mình...


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


97.   NGUYÊN DO GÌ

Hai người đá banh vì không cẩn thận nên đá trúng anh học trò nọ, anh ta bèn đi cáo người đá banh, hai người bị quan phủ bắt và đánh tới tấp bốn mươi hèo nơi mông, lời khai của hai người là:

-         “Ăn no không có việc gì, rảnh rỗi chơi rong, không làm nghề chính đáng mà đi học đá banh. Cái chân của tiểu nhân nhấc lên nên mạo phạm đến quân tử, làm cho quan đau lòng mà trách phạt bốn mươi hèo, xét ra thì nguyên do gì ?”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 97:

        Chuyện đá banh vô ý trúng người khác là chuyện không đáng bị đánh bốn mươi roi.

Nhưng chuyện cố ý nói xấu người khác, vu khống và xử phạt chèn ép làm cho họ phải bị đau khổ và oan ức, thì đáng bị đánh không những bốn mươi roi mà còn phạt đền bù danh dự cho họ.

Nguyên nhân xa để nói xấu người khác chính là ăn không ngồi rồi không chuyện gì để làm, cho nên nói xấu người khác là đề tài hấp dẫn của một số người; nguyên nhân gần chính là lòng dạ của những người này đầy ắp những ích kỷ và ghen tương, cho nên Giáo Hội đã chỉ cho chúng ta thấy một trong các mối tội làm cho chúng ta dễ dàng mất linh hồn, đó là mối tội thứ bảy: làm biếng việc lành.

“Lạy Chúa, ngồi ngẫm nghĩ lại con thấy một linh mục mà sống không việc làm là một linh mục dễ dàng phạm nhiều tội hơn bất kỳ ai, ở nhà xứ ngoài việc dâng thánh lễ ra, thì không phải ngày nào cũng có bệnh nhân cần xức dầu, không phải ngày nào cũng đi thăm giáo dân, không phải ngày nào cũng soạn bài giảng cho một ngày lễ chúa nhật, không phải ngày nào cũng lo xây dựng cơ sở vật chất... cho nên, nếu chúng con là những linh mục của Chúa mà không có một việc làm với mục đích rõ ràng ngoài các giờ mục vụ, thì chúng con là những người rảnh rỗi nhất thế gian, và dễ dàng sống mất phương hướng nhất.

Xin Chúa ban cho chúng con biết tìm kiếm một công việc để làm sau những giờ mục vụ cho giáo dân, để chúng con đừng để thân xác và trí óc rảnh rang dễ dàng làm mồi cho cám dỗ tấn công...Amen”

        Nguyên do dễ dàng phạm tội chính là ở dưng, ở dưng chính là không tìm kiếm việc làm, không suy tư đọc sách báo cho đầu óc có việc làm; ở dưng chính là không vận động tay chân để thân thể khỏe mạnh có năng lực làm việc mục vụ.

Bởi vì ở dưng là cội rễ mọi sự dữ, là nguyên do của sự tội.


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 

 


96.   NHẢY QUA LONG MÔN

Có một học trò đi đò sang sông, vì không cẩn thận nên sẩy chân rơi xuống nước, người ta tất bật cứu anh lên, anh ta ướt như chuột, nhưng lại cảm hứng nguồn thơ bèn ngâm lên một bài:

-      “Mới đạp mũi, thuyền bỗng lắc lư,

ông trời giúp tôi rữa bụi trần;

người ta chỉ có đường về đông hải,

nhảy vọt long môn quay lại liền.”

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 96:

        Người vô tình trợt ngã thì họ hớt hãi lo sợ, nhưng người đã biết là sẽ ngã vì đoạn đường khó đi, thì họ bớt lo sợ hơn vì đã chuẩn bị...ngã.

Khi bị té ngã thì có người mặt tái xanh như tàu lá chuối, có người lớn tiếng thoá mạ, có người cười ha ha, lại có người khi bị té ngã thì âm thầm đứng dậy coi như không bị té...

Khi một người Ki-tô hữu bị té ngã trong tội, thì có rất nhiều Ki-tô hữu khác cầu nguyện và giúp đỡ họ cố gắng đứng lên, đó chính là tình yêu hiệp thông trong tình anh em chị em con một Cha trên trời.

Nhưng cũng có một vài người Ki-tô hữu thấy anh em sống trong tội thì nguyền rũa “cho nó chết luôn”; thấy người anh em có một vài khuyết điểm thì nghỉ chơi luôn vì sợ người ta cười cho là mình giao du với người tội lỗi. Đức Chúa Giê-su đã cùng ăn uống với những người bị “té ngã” trong xã hội Do Thái thời ấy, Ngài cũng rất thoải mái và không e dè khi bị những thầy thông luật và biệt phái chê trách Ngài là “đi lại” với những người tội lỗi.

Thế nhưng “những người tội lỗi và đĩ điếm thì lại vào Nước Trời trước” những người tự coi mình là người đạo đức thánh thiện.

Mầu nhiệm thay tình yêu của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


95.   HỨA DO TỪ CHỐI

Vua Nghiêu trị vì thiên hạ thời gian rất lâu nên cảm thấy mình già rồi không kham nổi, bèn cho triệu Hứa Do đến và chuẩn bị đem ngôi hoàng đế nhường lại cho ông ta.

Hứa Do nhìn thấy chỗ ở của vua Nghiêu, trước cửa là bậc đất cao ba thước, trên nóc nhà mái tranh không sửa chữa cho ngay ngắn, rường xà nhà đều làm bằng cây khô và cành cây, nhà khách so với nó còn đẹp và tốt hơn !

Vua Nghiêu tiếp đãi Hứa Do cơm nước càng đơn giản hơn: chén cơm bằng đất, bát canh bằng đất, gạo xấu, thức ăn như cỏ, người làm công và tù nhân ăn cơm so với ông ta còn ngon hơn.

Sau khi ăn cơm xong, vua Nghiêu nói với Hứa Do:

-        “Ta hưởng thụ vinh hoa phú quý của thiên hạ quá lâu rồi, bây giờ đã chán, nghe nói nhà ngươi phấm cách cao thượng, gần xa nghe danh, cho nên ta đặc biệt đem ngôi hoàng đế nhường lại cho ngươi, ngươi có hưởng dụng sự đãi ngộ của ta chăng ?”

Hứa Do cười xin miễn và nói:

-     “Phú quý” mà như vậy thì tôi thật không thích chút nào”.

                                                                (Giải Uẩn thiên)

 

Suy tư 95:

        Vua Nghiêu là một vua hiền thời cổ đại của Trung Hoa, một vị vua tài đức, cho nên cách sinh hoạt thường ngay cũng rất giản dị, nhà ở thì xấu hơn nhà khách vãng lai, ăn cơm thì dở hơn cơm tù, đúng là một vị vua hiền đức.

        Phú quý của vua Nghiêu là chấp nhận và vui vẻ với cuộc sống nghèo, bởi vì khi đã chấp nhận thì tâm hồn cũng rất thảnh thơi, đó là “phú quý” của thánh hiền, vua Nghiêu đã sống Lời Chúa mặc dù ông chưa biết Chúa là ai.

        Phú quý của Hứa Do là phải ăn sung mặc sướng, phải nhà cao cửa rộng, phải có tôi trai tớ gái, ông ta chỉ biết phú quý tạm thời.

        Đời sống của người Ki-tô hữu là đời sống rất phú quý, bởi vì họ là con của vị vua trên các vua, chúa trên các chúa; bởi vì họ là những người được ghi tên vào sổ các thánh; bởi vì họ luôn được nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời là Mình Máu thánh của Đức Chúa Giê-su Ki-tô...

        Nhưng có những Ki-tô hữu không thích loại phú quý ấy, họ thích phú quý kiểu trần gian, tức là muốn sống lừa đảo người khác để kiếm lợi, muốn thề gian nói dối để được lòng cấp trên, muốn vu oan giá hoạ cho người khác để thoả mãn tính thù hận của mình...

        Phú quý của thế gian chỉ là mây khói thoáng qua, nhưng rất nhiều người tìm kiếm; phú quý của Nước Trời thì là hạnh phúc vĩnh hằng nhưng lại ít người chờ mong.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)