Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Chúa nhật 5 mùa chay

 




CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY

 

Tin mừng : Ga 11, 3-7,17. 20-27, 33b-45.

“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”.

 

Bạn thân mến,

Một ngày nọ, chim cánh cụt hỏi Chúa Tạo Vật :

-“Cái gì là lòng tin ?”

Chúa Tạo Vật trả lời :

- “Đối với sự việc mong đợi mà con vẫn nắm vững, đối với sự việc chưa nhìn thấy mà còn có thể xác định”[1].

Qua câu chuyện ngắn này, chúng ta có thể thấy đức tin rất mạnh của cô Mác-ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Cô Mác-ta đã trả lời với Đức Chúa Giê-su: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”[2], cô đã tin dù rằng cô chưa biết người ta sẽ sống lại như thế nào trong ngày sau hết, cô đã nắm vững cái mà cô mong đợi. Đức Chúa Giê-su đã mặc khải cho cô Mác-ta biết: “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” Cô Mác-ta đáp : “Thưa Thầy, có. Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa...”[3], cô đã xác định Đức Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa, dù cô chưa thấy vinh quang và công việc cứu thế của Ngài...

Mong đợi nhưng đã nắm vững.

Cuộc sống của người Ki-tô hữu là cuộc sống mong đợi trong hy vọng, mong đợi ngày sẽ được sum họp với Cha trên trời, mong đợi ngày được hưởng phần phúc vinh hiển sống lại với Đức Chúa Giê-su trên thiên đàng. Sự mong đợi này chỉ có những người Ki-tô hữu biết và tin tưởng mà thôi, dù rằng cuộc sống có nhiều đau khổ và gian nan, dù rằng cuộc sống có nhiều bất công và áp bức.

Mong đợi ngày Đức Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang, đó chính là đức tin của chúng ta, do đó, dù phải gặp nhiều đau khổ thì chúng ta vẫn mong đợi ngày Chúa lại đến; dù bị đối xử cách bất công thì chúng ta cũng vẫn mong đợi và nắm vững rằng Đức Chúa Giê-su chính là Đấng phải đến mà thiên hạ đợi trông. Nắm vững cái mình mong đợi chính là đức tin của chúng ta, đức tin này sẽ vững mạnh và trưởng thành trong đau khổ khi chúng ta nắm chắc niềm mong đợi và hy vọng của mình.

Chưa nhìn thấy nhưng đã xác định.

Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Ngài không cho họ thấy, từ khi Đức Chúa Giê-su lên trời cho đến nay thì không ai thấy Ngài, nếu Ngài không cho họ thấy, cũng vậy, chúng ta chưa hề thấy Thiên Chúa nhưng chúng ta xác định rằng có Thiên Chúa hiện hữu trong vũ trụ; chúng ta không thấy Đức Chúa Giê-su chịu khổ hình và bị đóng đinh đến chết trên Thánh Giá, nhưng chúng ta xác tín rằng, thông phần đau khổ với Ngài trong cuộc sống hy sinh của mình, chính là được chia sẻ những đau khổ của Ngài đã chịu vì tội lỗi của nhân loại và của chúng ta.

Xác tín điều mình chưa thấy chính là đức tin của chúng ta, sống những điều mình chưa thấy là hành động của những người tin và biết phó thác cho Thiên Chúa.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

[1] Trích trong “Truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch và viết suy tư của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

[2] Ga 11, 24.

[3] Ga 11, 26-27.

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


46.   CHỮ “XUYÊN NGỦ LƯỜI

Có một thầy giáo vở lòng chỉ biết một chữ “xuyên ”, thấy học trò đưa sách lại, bèn muốn tìm chữ “xuyên” để dạy chúng nó, nhưng giở liên tiếp mấy trang sách đều không có chữ “xuyên ”, đột nhiên nhìn thấy chữ “tam ” bèn chỉ nó mà chửi:

-         “Tao tìm mày khắp nơi mà không gặp, té ra mày ngủ lười ở nơi đây !”

                                                          (Tiếu phủ)

 

Suy tư 46:

        Chữ “xuyên” và chữ “tam” viết theo chữ Hoa thì khác nhau rất rõ ràng, chữ “xuyên” thì viết dọc, chữ “tam” thì viết ngang, nhưng thầy giáo mà lầm chữ “xuyên ” với chữ “tam ” thì quả là ông thầy dốt và là chuyện hiếm có trên đời.

        Chữ “giữ” đạo và chữ “hành” đạo thì không giống nhau, nó khác nhau như mặt trời với mặt trăng, nhưng có rất nhiều người Ki-tô hữu cho rằng nó giống nhau.

        “Giữ” đạo là tuân giữ những gì mình đã học thuộc lòng khi còn nhỏ, như học thuộc lòng mười điều răn Đức Chúa Trời và sáu điều luật Hội Thánh, là phải đi xem lễ ngày chúa nhật, là phải đi xưng tội trong các dịp lễ lớn như mùa chay và mùa phục sinh, giữ chứ không sống, không thực hành đạo của mình...

        Vì “giữ” đạo như thế nên có nhiều người Ki-tô hữu vẫn lớn tiếng thóa mạ anh em mặc dù họ vẫn thường xuyên đi lễ ngày chủ nhật; và vì “giữ” đạo nên họ cũng giữ Chúa trong bức tường ích kỷ của họ, làm cho người muốn tìm Chúa cũng tìm không thấy Chúa đâu trên con người của họ...

        “Hành” đạo là thực hành cái đạo của mình, thực hành cái hiểu biết về đạo của mình, nói cách khác là mình đem Chúa đến cho tha nhân bằng cách sống Lời Chúa dạy trong cuộc sống thường ngày, chẳng hạn như làm việc bác ái giúp đỡ tha nhân, phục vụ và yêu thương những người nghèo, những người bị xã hội bỏ rơi, và ngay cả những người ghét mình...

        Giữ đạo và hành đạo thì không giống nhau, giữ đạo là cựu ước và hành đạo là tân ước, chúng ta có thể so sánh: giữ đạo là những thầy Pha-ri-siêu thông luật và hành đạo là Đức Chúa Giê-su cùng các tông đồ.

        Giữ đạo là pháo đài, hành đạo là đường đi, cho nên Đức Chúa Giê-su là con đường để chúng ta đi đến với Chúa Cha, và chúng ta cũng sẽ là con đường đi của tha nhân đến với Đức Chúa Giê-su và đến với anh chị em vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


45.   TRONG BỤNG KHÔNG CÓ

Có một tú tài sẽ phải tham gia kỳ thi khảo hạch, suốt ngày suốt đêm mặt mày ủ rủ buồn rầu không ai chịu được.

Bà vợ muốn ông ta yên tâm nên nói:

-         “Nhìn chàng viết văn chương quá khó khăn, giống như đàn bà chúng tôi đẻ con vậy”.

Chồng trả lời:

-      “Thế mà mấy bà đẻ con thì rất dễ đấy”.

Vợ hỏi:

-      “Tại sao ?”

Chồng đáp:

-         “Trong bụng của nàng thì có em bé rồi sinh ra, còn trong bụng của ta thì không có gì cả, lấy đâu mà viết văn chương chứ !”

                                                                (Tiếu phủ)

 

Suy tư 45:

        Sinh con đã khổ, nhưng làm thân học trò mà trong bụng không có một chữ thì còn khổ hơn đàn bà sinh con nhiều lần...

        Cái khổ lớn nhất của học trò là khi thi mà không thuộc bài hoặc không hiểu bài, bởi vì trong bụng không có chữ nào cả; cái khổ nhất của người lao động nghèo là sáng sớm đi làm việc mà trong bụng không có hột cơm; cái khổ nhất của linh mục là khi giảng mà trong bụng không có một tư tưởng nào để chia sẻ cho giáo dân...

        Tất cả mọi cái khổ ấy đều phát xuất từ một điểm, đó là trong bụng không có gì cả.

        Người Ki-tô mà trong bụng không có một chút Lời Chúa nào thì đời sống tín ngưỡng tinh thần của họ không thể no đủ hạnh phúc được, họ càng đói nghèo tinh thần thì cuộc sống của họ càng trở nên nặng nề và đau khổ, họ càng vùng vẫy trong hưởng thụ vật chất thì cuộc sống của họ chỉ chồng chất những lo toan và ê chề, bởi vì trong mình họ không có sức sống của Đức Chúa Giê-su.

        Đừng để trong bụng không có gì cả, ít nữa là phải có Lời Chúa, vì Đức Chúa Giê-su đã nói:  “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


44.   TÌNH NGUYỆN ĐỂ CHÂN ĐÁ

Có tiều phu gánh củi vô ý đụng phải thầy thuốc, thầy thuốc hua tay muốn đánh, tiều phu la lên, nói:

-      “Tôi tình nguyện để chân đá.”

Người đi đường bèn hỏi ông ta tại sao, tiều phu nói:

-         “Chịu đựng được tay của ông ta nhất định là khó sống !”

                                                                        (Tiếu phủ)

 

Suy tư 44:

        Theo con nhà võ thì một cước bằng ba quyền, tức là sức mạnh của một cú đá bằng ba cái đấm, vậy mà ông tiều phu lại xin thà bị đá hơn là bị đấm, đúng là...điếc không sợ súng, nhưng nếu gặp người có võ nghệ thì dù đấm hay đá cũng đau và nguy hiểm như nhau.

        Ma quỷ là tên cám dỗ cực kỳ lợi hại, nó biết dùng tay đấm (cám dỗ gần) và dùng chân đá (cám dỗ xa) để cám dỗ con người.

        Với người sợ đau (sợ tội) thì nó cám dỗ xa để cho họ có cảm giác là không đau, cho nên cứ tà tà mà sống trong tội; với người không sợ đau thì nó cám dỗ gần, vì với những người này coi tội lỗi là không ra gì, cho nên cám dỗ gần hay xa thì cũng thế thôi...

        “Lạy Đức Chúa Giê-su, bốn mươi ngày cầu nguyện ăn chay trong hoang địa, Chúa đã bị ma quỷ cám dỗ ba lần với những độc chiêu đánh gần và đánh xa để làm cho Chúa phải thua nó, nhưng ma quỷ đã thất bại hoàn toàn vì Chúa đã dùng chính lời Kinh Thánh và sự khiêm tốn để làm cho ma quỷ phải khiếp sợ.

        Xin Chúa dạy cho chúng con biết chuẩn bị xa và chuẩn bị gần cho tâm hồn để khỏi sa chước cám dỗ, bằng cách cầu nguyện và sống Lời của Chúa mỗi ngày, và nhất là ban cho chúng con ơn soi sáng, để chúng con nhận ra rằng, cám dỗ xa hay cám dỗ gần cũng đều nguy hiểm như nhau cho linh hồn của chúng con. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


43.   THỢ MAY LÀM QUAN

Giữa năm Gia Kiệt có một thợ may vì đút lót hối lộ nên cũng được đội mũ lên quan.

Cố Hà Sơn có làm một bài thơ cười nhạo như sau :

“Gần đây đường làm quan quá hồ đồ

cưỡng bức thợ may làm đại phu;

Cánh mềm gió sớm thổi đong đưa,

phân minh hai vòng của cái kéo.”

                                                                        (Hài Tùng)

 

Suy tư 43:

Một nhà báo của Vietnam.net đã viết:

Và hãy thử tưởng tượng thực tế này. Nếu “Luật chạy chức, chạy quyền” thành hiện thực, tất sẽ kéo theo rất nhiều hiện tượng cung- cầu khác. Vì quy luật phát triển bao giờ cũng đòi hỏi tính đồng bộ, tương đồng, tương thích của một XH. Việc mua bằng- bán điểm sẽ phải được hợp pháp, thay cho sinh viên, học trò phải khổ công học hành.Việc mua chỗ làm cũng sẽ phải được công nhận, thay cho tuyển dụng nhiêu khê.Việc mua bằng giả các ngành học từ phổ thông đến Ts cũng sẽ được công nhận hợp pháp vv.và… v.v..Bởi tất cả những hiện tượng đó đều có thể là quy luật cung – cầu, theo lý luận của ông.Chả trách trong một bài viết trên VietNamNet, ngày 26/01, tác giả Đinh Duy Hòa  đã dự báo: Bộ máy nhà nước chắc sẽ bao gồm những người nhiều tiền kinh khủng, từ các bộ toàn những người tiền trên thiên hạ mới đấu thầu trúng được, rồi chủ tịch các tỉnh, huyện. Hệ thống hành chính chắc phải đổi lại là hệ thống hành chính tiền tệ cho chính xác.”

Chạy chức chạy quyền thì cũng giống như người thợ may đút lót đđược làm quan vậy, họ làm quan nhưng không biết công việc của quan làm, họ coi quan chức như nghề thợ may cầm kéo cắt ngang cắt dọc trên vải, cho nên họ càng ngày càng làm nghèo đất nước, và làm khổ dân chúng vì cách trị dân của họ như cầm kéo cắt áo quần: thiển cận và độc đoán.

        Mua quan bán chức là vi phạm luật pháp và đạo đức, người sống không có pháp luật và đạo đức thì không thể trở nên một quan viên tận tuỵ với nghề nghiệp chức vụ của mình.

        “Ki-tô hữu” không phải là một chức vụ nhưng là một danh hiệu cao quý, không phải là một chức quyền nhưng là một tên gọi thánh thiện mà chỉ những ai đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội mới có, cho nên nó trở nên niềm vinh dự cho mọi người...

        Người Ki-tô hữu không mua quan bán chức, nhưng trong cuộc sống của mình, cũng có những người lợi dụng lòng yêu mến của người khác để bán danh hiệu Ki-tô hữu của mình bằng cách lừa đảo, nói dối để thủ lợi cho mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

 


42.   ĐƯỜNG DẦN ĐA NGHI

Trương Linh rất thích uống rượu và khinh thường thiên hạ.

Một hôm, có người đến thăm ông ta thì thấy ông ta ngồi dưới giàn đậu, tự mình nâng ly uống rượu và coi mọi người không ra gì, người ấy rất căm phẩn nổi giận bỏ đi.

Người ấy lại đi thăm Đường Bá Hổ, đem chuyện Trương Linh đối đãi cao ngạo với mọi người, và cười nhạo chửi mắng Trương Linh, Đường Bá Hổ cười nói:

-      “Đó là ông cười nhạo tôi đấy !”[1]

                                                                        (Hài Tùng)

 

Suy tư 42:

        Đem chuyện của người nghiện rượu và tính khinh người khác của họ mà đi nói lại với người cũng có tính như thế, thì chẳng khác gì nói xấu họ và chửi họ vậy...

        Người “khôn ngoan” nửa vời thì thường có tính cách như thế, nghĩa là chỉ biết một nửa và nói một nửa, nửa còn lại thì mù tịt, nhưng luôn làm ra vẽ mình hiểu biết tất cả, cho nên dễ gây mất lòng người khác.

        Người lãnh đạo khôn ngoan thì không biết nửa vời, nhưng biết rốt ráo vấn đề để chỉ đạo và can thiệp kịp thời, mà người lãnh đạo quan trọng nhất chính là các linh mục của Giáo Hội Công Giáo, các ngài được Thiên Chúa –qua Giáo Hội- giao phó linh hồn của giáo dân cho các ngài cai quản, thánh hoá và giảng dạy, cho nên các ngài có đủ ơn khôn ngoan để chu toàn bổn phận của một mục tử nhân lành và khiêm tốn...

        Chỉ có những ai tự cao tự đại coi mình là “cha” của mọi người, rồi vô hình chung đã trở thành một ông chủ nhà hống hách thì mới có cái khôn ngoan nửa vời đem chuyện của giáo dân này nói cho giáo dân khác nghe, để rồi phá tan tinh thần đoàn kết trong giáo xứ của mình...

        Khôn ngoan nửa vời thì khác rất xa với khôn ngoan thật, nó như bóng đêm và ánh sáng: khôn ngoan nửa vời là do tính kiêu ngạo của mình mà có, còn khôn ngoan thật là do Thiên Chúa ban cho qua sự khiêm tốn và không ngừng học hỏi của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư) 

[1] Đường Bá Hổ và Trương Linh đều nghiện rượu và có tính nóng như nhau.