Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Hổ và chuột



HỔ VÀ CHUỘT.


Lục Trường Nguyên bởi ví trước đây đã có ân đức với hoàng thượng, nên được làm Tuyên Võ quân hành tư mã, Hán Dục làm Tuyên Võ quân hành tuần quan, cả hai cùng làm việc trong một huyện.

Có người thấy hai người tuổi tác chênh lệch nhau rất xa, liền nói lời giểu cợt, Lục Trường Nguyên nghe được bèn nói:

“Con hổ và con chuột cùng là một trong mười hai con giáp, như thế có gì đáng gọi là kì lạ chứ ?”
(Hài cự lục)

Suy tư 33:
     Trong mười hai con giáp, con nhỏ nhất là con chuột, thế nhưng nó lại được đứng hàng đầu, mà chẳng có con nào trong mười hai con giáp ganh tị với nó.
Trong mười hai tông đồ của Chúa, thánh Gioan là người trẻ nhất, lại được Chúa yêu mến nhất, mà chẳng có vị nào trong mười hai tông đồ ghen tức với ngài.
Trẻ tuổi tài cao, đó là chuyện thường tình trong cuộc sống, trong một xã hội mà ai cũng phải nổ lực phấn đấu để tồn tại và khẳng định vị trí của mình, bằng không thì sẽ bị đào thải, do đó, người trẻ mà nắm giữ các chức vụ cao là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên. Cái đáng ngạc nhiên là người không có tài cán, không có năng lực nhưng vì quen thân, vì mua chức tước bằng tiền bạc để được vào vị trí cao trong xã hội hay trong một cộng đoàn...
Một cộng đoàn trưởng thành và phát triển chắc chắn chính là nhờ đặt đúng người đúng việc, không chấp nệ tuổi nhỏ tuổi lớn, nhưng chính là mỗi người biết trách nhiệm của mình mà chu toàn, và như thế sẽ không còn một ai phân bì hạch họe vì tuổi nhỏ mà làm lớn, cũng như tuổi lớn mà làm việc nhỏ.
Đến ngày phán xét, trước mặt Thiên Chúa, Ngài cũng không hỏi chúng ta: tại sao con tuổi nhỏ mà làm chức vụ lớn, hoặc là, tại sao con tuổi tác cao mà lại giữ chức vụ nhỏ, nhưng Ngài chỉ hỏi: “Con có chu toàn bổn phận của mình không ?” mà thôi.

Lễ Đức Chúa Giê-su chịu Phép Rửa


CHÚA NHẬT

LỄ ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

(Chúa nhật I thường niên)


 

Tin mừng : Mt 3, 13-17

“Chịu phép rửa xong, Đức Chúa Giê-su thấy Thần Khí Thiên Chúa  ngự trên Người”.

 

Anh chị em thân mến,

Mùa giáng sinh sẽ chấm dứt sau chủ nhật lễ Đức Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, cũng có nghĩa là Ngài đã công khai đi rao giảng tin mừng Nước Trời với sự chứng nhận của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Với biến cố này, tôi chia sẽ với anh chị em mấy điểm sau đây :

 

Khiêm tốn của thánh Gioan Tẩy Giả.

Một con người xuất hiện giữa lúc dân chúng mòn mỏi trông mong đấng cứu thế đến để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của ngoại bang, người ta cho rằng Gioan Tẩy Giả là vị đại tiên tri mà các tiên tri đã loan báo, là người mà dân Do Thái trông đợi, và người ta đã ùn ùn kéo đến để nghe lời ngài giảng dạy, chịu phép rửa của ngài để tỏ lòng thống hối ăn năn.

 

Khi mà cao trào ngưỡng mộ của quần chúng muốn tôn vinh ông lên cao, thì ông đã thẳng thắn nói với họ rằng ông không phải là Đấng Mê-xi-a; và rõ ràng nhất là trong sự đối thoại của ông với Đức Chúa Giê-su khi Ngài đến để xin ông làm phép rửa: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”- Sự khiêm tốn này của thánh Gioan Tẩy Giả đã được Thiên Chúa chọn làm người dọn đường cho Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-xi-a phải đến.

 

Người khiêm tốn là người luôn nhận thức sâu xa về sứ vụ và trách nhiệm của mình, dù cho ánh hào quang thành công của mình đang tỏa sáng nơi quần chúng. Thánh Gioan Tẩy Giả đã có sự khiêm tốn ấy nên Thiên Chúa đã chọn Ngài giữa muôn ngàn người làm người tiền hô của Đấng Cứu Thế.

 

Khiêm tốn của Đức Chúa Giê-su.

Là Con Thiên Chúa, là Đấng Mê-xi-a mà muôn dân trông đợi từng giây từng phút, Đức Chúa Giê-su đã đến không như vị quân vương oai hùng trên lưng ngựa, nhưng như tất cả những người thanh niên Do thái khác kéo đến sông Gio-đan xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, không ầm ĩ, không kèn trống, không có người dẹp đường và tiếng hô vang, Đức Chúa Giê-su đã âm thầm xuống nước cúi đầu để ông Gioan Tẩy Giả dìm trong nước bày tỏ sự thống hối ăn năn, dù Ngài không vướng tội nào.

 

Sự khiêm tốn này được thấy rõ nhất nơi hang đá Bê-lem: Con Thiên Chúa bỏ trời xuống thế, vinh quang biến thành tầm thường, Đấng tạo dựng trở thành tạo vật, Đấng cứu độ lại trở thành như kẻ tội nhân khi nhận phép rửa nơi sông Gio-đan, và cuối cùng thì chết trên thập giá. Đó là sự khiêm tốn mà chính các thiên thần cũng còn phải ngạc nhiên và sấp mình kính phục, vang tiếng ngợi khen; sự khiêm tốn này làm cho ma quỷ phải kinh sợ và hoài nghi: đây có phải là Đấng sẽ đến để đánh đổ quyền lực tội lỗi của mình chăng ?

 

Sự khiêm tốn này đã trở thành nền tảng cho nhân loại trên con đường cứu rỗi, và là nền tảng hòa bình lâu dài của con người, bởi vì ân sủng của Thiên Chúa chỉ ở nơi tâm hồn của những người khiêm tốn.

 

Anh chị em thân mến,

Chứng nhân cho Nước Trời là sứ mạng và là bổn phận của những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội để trở thành con cái của Thiên Chúa, và trở nên môn đệ của Đức Chúa Giê-su, đó là một vinh hạnh và là một niềm tự hào cho chúng ta.

 

Nhưng để được Thiên Chúa sáng danh trong cuộc sống của mình, mỗi người chúng ta phải là một chứng nhân cho Tin Mừng mà Đức Chúa Giê-su rao giảng, Tin Mừng đó là sống yêu thương và hy sinh như chính Đức Chúa Giê-su đã sống, bởi vì sẽ không là Tin Mừng nếu chúng ta không sống yêu thương, và sẽ không là niềm vui cho tha nhân nếu chúng ta không biết hy sinh chính mình, Đức Chúa Giê-su và thánh Gioan Tẩy Giả đã làm như thế khi ở nơi sông Gio-đan: quên mình đi để danh Thiên Chúa được vinh quang.

 

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Giá trị của sống chết


GIÁ TRỊ CỦA SỐNG CHẾT



Thái thú Nam Dương Trương Trung nói:


“Tuổi già của tôi đã chí tận, giống như con chim tám trăm quan tiền, giá trị của sống và chết thì cũng tương đồng như nhau”.
  •                      (Hài Cự lục)
    Suy tư 32:
         Giá trị của sự sống và sự chết –theo người đời- không thể nào giống nhau, bởi vì chết là hết, chết là không được hưởng thụ, không được gần gủi người thân thương, không được ăn uống, không được nhảy đầm hát kara-ôke, không được đi uống cà-phê ôm... tóm lại chết là vĩnh viễn xa cách cuộc sống hồng trần, do đó mà không ai thích mình chết dù cho cuộc sống có gần đất xa trời.
         Nhưng Đức Chúa Giê-su đã đề cao giá trị của sự chết, chết là cửa ngõ để đi vào sự sống đời đời, và Ngài đã chết rồi Ngài sống lại, đó là một niềm tin, một xác tín và là hy vọng duy nhất cho nhân loại. Cái chết của Đức Chúa Giê-su cũng có giá trị như cuộc sống của Ngài, ba mươi ba năm ngắn ngủi, Ngài đã làm cho cuộc sống của Ngài có giá trị ngàn đời, tức là Ngài sống và làm việc theo ý Cha trên trời, rao giảng một tin vui –tin vui cứu độ- cho nhân loại.
         Người Ki-tô hữu là những người có niềm tin, tin vào Đức Chúa Giê-su Phục Sinh; người Ki-tô hữu là người có niềm hy vọng, hy vọng vào sự phục sinh mai sau, do đó mà cuộc sống của họ dù sống dù chết cũng có giá trị ngang nhau: các thánh tử đạo đã chết, và cái chết của các ngài rất có giá trị và hữu ích cho các tín hữu còn sống, máu các ngài đổ ra để hạt giống đức tin được nẩy mầm và lớn lên. Đúng là cái chết rất có giá trị.
         Chúng ta cũng có cái chết giá trị không kém các vị thánh tử đạo bao nhiêu, đó là chết cho cái tôi của mình: cái tôi dục vọng, cái tôi đam mê, cái tôi kiêu ngạo, cái tôi tham lam, cái tôi hiếu chiến...
         Bởi vì khi chết đi là khi vui sống muôn đời, chết và sống đúng là có trị như nhau nếu chúng ta có một niềm tin vào Đức Chúa Giê-su.